Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Việt Nam nghiên cứu nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan; Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo


SGGPO

Việt Nam và Phần Lan trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vừa có chuyến thăm và làm việc với nhiều cơ quan giáo dục của Phần Lan.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan Sanni Grahn-Laasonen, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chứng kiến ký kết 18 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học và trung học của Việt Nam với các đối tác Phần Lan, mở ra nhiều cơ hội học tập tốt hơn cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
Việt Nam nghiên cứu nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan ảnh 1Việt Nam và Phần Lan ký kết hợp tác giáo dục với nhiều nội dung
Theo đó, các biên bản ghi nhớ tập trung chủ yếu vào 4 lĩnh vực: chuyển giao tài liệu về chương trình và sách giáo khoa, chuyển giao công nghệ đào tạo trực tuyến, khuyến khích mở thêm trường phổ thông Phần Lan ở Hà Nội (bên cạnh dự án trường phổ thông Phần Lan ở TPHCM đang trong quá trình hoàn tất); hợp tác đại học để cùng liên kết đào tạo một số lĩnh vực; phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã hội đàm với Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Phần Lan. Hai bên đã trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, dự án về khởi nghiệp...
Đại diện các trường đại học Việt Nam đã đến thăm, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm các trường đại học của Phần Lan về quản trị đại học, cách thức thu hút doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo; phát triển nghiên cứu khoa học...
* Cũng trong chuyến công tác, tại Nhà hát trung tâm Muisiikkitalo Mannerheimintie (thành phố Helsinki, Phần Lan), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tham dự triển lãm tranh, ảnh gây quỹ ủng hộ học sinh tỉnh Lào Cai, Việt Nam.
Đây là sự kiện giao lưu văn hóa ý nghĩa, giúp tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước, giúp những người bạn Phần Lan hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, cũng như giúp người Việt Nam hiểu hơn về đất nước và con người Phần Lan. Với số tiền thu được từ triển lãm tranh, Đại sứ quán Phần Lan dùng để mua sách trao tặng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Cốc Ly 2 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nhằm động viên giáo viên, học sinh dạy và học tốt hơn.
Theo Bộ GD-ĐT, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Cốc Ly 2 hiện không có thư viện, thiếu phòng học kiên cố, thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Để hỗ trợ nhà trường cải thiện điều kiện dạy và học, Bộ GD-ĐT đã quyết định hỗ trợ xây dựng 1 thư viện, 2 phòng học, 2 phòng công vụ giáo viên cho trường.  
PHAN THẢO

Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo

30/08/2017 14:23 GMT+7
TTO - "Cần trở lại thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đảng, rèn luyện căn cốt của người đảng viên cộng sản là người tử tế trước khi làm người cộng sản, làm người lãnh đạo cách mạng".
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học - giá trị bền vững của tác phẩm "Đường Kách Mệnh" - Ảnh: TỰ TRUNG
Điều này được TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM nhắc lại tại Hội thảo khoa học “Giá trị bền vững của tác phẩm “Đường Kách Mệnh” với việc thực hiện chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tại Đảng bộ TP.HCM”, diễn ra sáng 30-8.
Ông Hùng nói, trong tác phẩm này, chương đầu tiên Người đề cập đến là tư cách của người cách mạng, với ba mối quan hệ căn bản là tự mình, với mọi người và với công việc.
Ông cho rằng các nội dung được đề cập đều thiết thực, có thể nhận thức được, hiểu được, làm theo ngay.
Các khóa học ở Quảng Châu do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó các học viên được đưa vào trường học lớn là thực tiễn đấu tranh của phong trào vô sản.
Họ thực nghiệm những tri thức đã được trang bị, hiểu được đòi hỏi của phong trào, nắm bắt được tâm trạng ý nguyện của nhân dân. Chính vì vậy mà trong 50 học viên được Người đào tạo với những bài giảng này, hầu hết sau này đều trở thành lãnh tụ kiệt xuất của Đảng.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp 90 năm ra đời của tác phẩm (1927-2017), đồng thời cũng hướng tới kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
“Khi đọc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cộng sản làm cách mạng, tôi suy nghĩ: nếu chúng ta làm tốt tất cả những điều đó thì cách mạng thành công, thành quả cách mạng được bảo vệ vững chắc. Nhưng nếu chúng ta không làm được đầy đủ, hoặc không tới nơi tới chốn, chỉ mang tính hình thức thì sẽ gây ra hậu quả khó lường”, ông Hùng nói.
Ông dẫn ra bài học từ sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, đặt vấn đề phải chăng là do những người cộng sản cầm quyền đã không “giữ chủ nghĩa cho vững”, nên dao động lập trường, cơ hội chính trị. 
Những cá nhân suy thoái trong giai cấp cầm quyền đã tham nhũng, vơ vét tài sản quốc gia biến thành tài sản cá nhân, nên họ đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ nhằm thiết lập chế độ mới, nhằm hợp thức hóa khối tài sản khổng lồ mà họ và nhóm lợi ích của họ đã vơ vét được.
“Đây rõ ràng là những sự cảnh báo hết sức nghiêm khắc cho chúng ta”, TS. Hùng nhấn mạnh.
Vị trưởng khoa xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh cho rằng cần trở lại thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đảng cách mạng, rèn luyện căn cốt của người đảng viên cộng sản là người tử tế trước khi làm người cộng sản, làm người lãnh đạo cách mạng.
Hội thảo lần này do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Học viện Cán bộ TP tổ chức, thu hút được 120 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng dạy.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh giá trị to lớn của tác phẩm, với vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam từ đấu tranh giành độc lập dân tộc đến xây dựng đất nước theo con đường Chủ nghĩa xã hội.
Trong đó, đặc biệt là các nội dung liên hệ với công tác xây dựng Đảng hiện nay, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Đường Kách mệnh là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927.
Sau đó được Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.
Năm 2012, cuốn sách này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban tuyên giao Thành ủy TP.HCM (áo xanh) chủ trì buổi hội thảo trò chuyện cùng các đại biểu - Ảnh: TỰ TRUNG
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
Các đại biểu tham dự tại buổi Hội thảo khoa học - giá trị bền vững của tác phẩm "Đường Kách Mệnh" - Ảnh: TỰ TRUNG
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
Tập kỷ yếu Hội thảo khoa học - giá trị bền vững của tác phẩm "Đường Kách Mệnh" - Ảnh: TỰ TRUNG
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
Ông Trầng Hoàng Ngân, giám đốc Học viện Cán bộ phát biểu tại buổi Hội thảo khoa học - Ảnh: TỰ TRUNG
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
PGS-TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
​Học làm người tử tế trước khi làm lãnh đạo
TS Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
MAI HO

Không có nhận xét nào: