Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

TÔI ỦNG HỘ NHẠC BOLERO, MẶC DẦU KHÔNG MẤY KHI NGHE VÀ TÁN THÀNH PHONG “HÀM GS” CHO CA SĨ NGỌC SƠN...; Một nông dân Tuyên Quang chế tạo thành công máy hút sâu cho cây chè

Phạm Viết Đào.


Dư luận đang xôn xao việc tối 15/8/2017 Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt trao bằng chứng nhận danh hiệu Giáo sư cho ca sĩ Ngọc Sơn, được coi là “ ông hoàng”của dòng nhạc bolero ( nhạc sến)...

Trả lời VietNamNet, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho rằng, không có chuyện ca sĩ được phong chức danh giáo sư, giáo sư chỉ dành cho những người làm công việc nghiên cứu.
Từ trước tới nay làm việc trong lĩnh vực văn hoá, tôi chưa từng thấy một ca sĩ nào được phong danh hiệu giáo sư. Nó không có ý nghĩa gì đối với lĩnh vực biểu diễn cả”, thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết cần phải tìm hiểu rõ nguồn cơn của việc ca sĩ Ngọc Sơn tự dưng được phong danh.
Về bản chất, ông Lê Ngọc Dũng – người ký vào bằng khen của ca sĩ Ngọc Sơn là đúng. Bởi ông Dũng với thẩm quyền nghề nghiệp, có quyền tặng bằng khen cho hội viên của mình là ca sĩ Ngọc Sơn nếu thấy họ đáng được khen. 
Tuy nhiên, việc đề chức danh giáo sư ca sĩ Ngọc Sơn không có nghĩa là ông Lê Ngọc Dũng đang phong danh giáo sư cho ca sĩ Ngọc Sơn. Cũng giống như việc Tổng biên tập của một tờ báo có thể trao bằng khen hàng năm cho phóng viên có thành tích xuất sắc. Còn chức danh nhà báo, hay phóng viên thì có khi người đó tự khai.
Tôi cũng dò hỏi từ sáng, hình như trong hồ sơ ca sĩ Ngọc Sơn gửi cho Hội có tự ghi chức danh là Giáo sư. Báo chí cần phải hỏi kỹ ông Lê Ngọc Dũng, thanh tra cũng không thanh tra những việc như thế này”, ông Vũ Xuân Thành chia sẻ...”

Còn nhà văn Chu Lai bức xúc nói:Theo tôi, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng “Giáo sư âm nhạc” cho Ngọc Sơn cần phải dập đầu xin lỗi cuộc đời này. Dập đầu và nói lời xin lỗi những vị Giáo sư có tư duy tử tế”...( Dân Trí)

GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, đã có ý kiến về sự việc này:”Tại Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Điều 7.1.a nói rằng: "Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư". Như vậy việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam xác định ca sỹ Ngọc Sơn là "Giáo sư âm nhạc" trong bằng khen của hội là không phù hợp”...
Nhạc sĩ Nguyễn Cường có ý khác: “Đây không phải học hàm do nhà nước trao tặng nên nó chỉ là một danh hiệu vui mà anh em trong Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt tặng cho Ngọc Sơn. Không nên ồn ào về cái danh hiệu vui này. Nếu trước đây chưa từng có thì bây giờ có. Ngọc Sơn có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, anh ấy xứng với danh hiệu này!".
Theo người viết bài này, việc một Hội nghề nghiệp tự vinh danh hội viên của mình băng một danh hiệu gì đó do mình tự quy định là điều có thể được chấp nhận; có điều danh hiệu đó phải được đưa ra, xác định trong Điều lệ thành lập hội nghề nghiệp đó khi họ đăng ký hoạt động...
Ở một số nước, học hàm GS thường do các cơ sở đào tạo phong tặng khi ai đó cộng tác với cơ sở đào tạo đó và có những đóng góp được vinh danh. Khi người đó thôi không làm việc, dạy tại cơ sở đào tạo đó thì nghiễm nhiên cái chức danh kia cũng không còn ?
Còn ở ta, theo như GS-TS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cho biết thì cái chức danh GS được công nhận theo “Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ...” là một danh hiệu nhà nước; do nhà nước công nhận và có giá trị suốt đời kể cả khi không còn hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu-đào tạo...Do được nhà nước công nhận nên chức danh GS cón liên quan tới tuổi nghỉ hưu của người được phong tặng chức danh GS...
Rõ ràng việc mặc định chỉ có nhà nước mới độc quyền công nhận chức danh GS cho các hoạt động nghề nghiệp như sáng tác, biểu diễn, đào tạo trong lĩnh vực âm nhạc và một số lĩnh vực khác là việc làm không tạo điều kiện khuyến khích, động viên kịp thời hoạt động sáng tạo văn họa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật...
Do tạo ra cơ chế này nên đã nảy ra cơ chế xin cho, chạy chức danh khiến cho cái danh hiệu này đang mất dần tính uy nghiêm và sự vinh dự của danh hiệu ? Chúng ta không thể không đặt dấu hỏi: Hệ quả của cơ chế này đã ảnh hưởng như thế nào tới nền giáo dục-đào tạo và văn học nghệ thuật-khoa học, kỹ thuật của Việt Nam, khi sự động viên chỉ qua một khe cửa hẹp duy nhất đó là nhà nước...
Trong khi đó từ cổ chí kim, từ tây sang đông hoạt động quản lý nhà nước hoản toàn khác xa với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật ? Việc Việt Nam với gần 100 triệu dân, được coi là có chiều dày văn hiến thế mà không có 1 trường đại học nào được xếp vào danh sách 300 trường đại học có danh tiếng của thế giới ?
Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài rất thành đạt, đoạt được danh hiệu này kia, có những thành tựu nổi trội trong rất nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật; Trong khi đó thì số trí thức trong nước là số đông nhưng danh tiếng của họ không vượt ra khỏi “ ao làng” ?
Điều này theo người viết bài này thì nguyên nhân xuất phát chúng ta chưa có tự do và dân chủ trong hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật; Người Việt trong nước ít đạt được thành tựu này kia không do trí tuệ và cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng...
Đến lĩnh vực các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp do họ tự lập mà cũng không có được cái quyền tự tôn vinh nhau; phải ngửa cổ ra chờ sự ban phát của nhà nước thì làm sao tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo của lĩnh vực này được kích hoạt, bùng cháy, thăng hoa.
Khi người dân không tự mình được quyền quyết định lấy của cải, tài sản, trí tuệ của mình nhất nhất theo “ khuôn vàng thước ngọc” của nhà nước, của Đảng thì làm sao có sáng tạo, có thành tựu thăng hoa ? Sự bao cấp này chính là nguyên nhân làm thui chột nhân tài, kìm hãm sự phát triển...
Phẩm hàm Giáo sư theo cách hiệu thông tục là người được suy tôn thật sự giỏi trong một nghề gì đó, được người trong nghề tôn vinh, thừa nhận. Nhà văn hóa số 1 của Việt Nam là Nguyễn Du chẳng từng phong hàm GS cho Bạc Bà, Bạc Hành do giỏi trong nghề buôn phấn, bán hương:” Nghề này thì lấy ông này tiên sư”...
Trong khi đó thì rất nhiều vị được nhà nước được phong hàm GS này nọ nhưng thử hỏi họ có đóng góp gì hữu ích được nhân dân hay người cùng giới tôn vinh ? Rất nhiều vị có phầm hàm do nhà nước phong tặng nhưng họ chỉ là những kẻ ăn theo nói leo cả đời; các công trình của họ xếp dày trong các ngăn tủ của các cơ quan nhà nước ? Rất nhiều quan chức làm việc trong các bộ máy nhà nước phủ đầy các danh hiệu nhưng công việc của họ liên quan gì tới đào tạo, nghề nghiệp ? Họ là tác nhân, chủ soái của nhiều dự an tai quái phá hoại ngân sách nhà nước, môi trường xã hội, mạc dù họ đều là GS-TS cả đấy...
Nhiều ý kiến phản biện tích cực nhiều quyết sách sai lầm của nhà nước, chính phủ lại không do các vị có học hàm học vị do nhà nước phong tặng phản biện mà lại do cư dân mạng xã hội lên tiếng, gây ấp lực và hoàn toãn miễn phí...
Nếu theo tiêu chí phong Gs mà nhà văn hóa Nguyễn Du nêu ra thì cái anh chàng chăn vịt giời ở Bắc Giang, chăn nuôi chim gáy ở Đông Anh, Hà Nội, họ thuần dường và biến những loài chim tự nhiên thành thứ có thể nuôi, sinh sản và thành hàng hóa thực phẩm cung cấp cho thị trường...
Anh chàng nuôi vịt giời ở Bắc Ninh đã tạo ra được công nghệ và chuyển giao công nghệ thuần hóa vịt giời cho người khác; đóng góp của anh ta đâu có kém hơn các GS-TS được nhà nước phong tặng ?
Anh chàng nuôi chim gáy ở Đông Anh đã biết nuôi, cho sinh sản và luyện cho chim biết hót như các ca sĩ ? Việc Làm của anh ta có khác chi các cơ sở đào tạo âm nhạc, các cơ sở đào tạo diễn viên xiếc thú...
Có 1 nông dân ở Long An đã luyện được cho cá quả trong ao anh biết nhảy múa, nhào lộn như diễn viên xiếc khi anh huýt sáo, ra hiệu; Cách làm này vừa làm cá mau lớn, thịt thơm ngon và tránh được bệnh tật...
Có 1 nông dân ở Đồng Nai nuôi lợn bằng nhạc giao hưởng và đạt hiệu quả...
Tất cả những người nông dân đó nếu như đặt vấn đề ra để được nhà nước phong tặng danh hiệu này kia chắc là khó ví như: GS Cu Gáy, GS Vịt giời, GS Lợn, GS Cá Tràu ( cá quả) e khó...
Nhưng nếu có một cái Hội nghề nghiệp ví như “Hội nuôi con gì, trồng cây gì” và suy tôn ông Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch của cái hội này thì việc phong tặng cho họ một danh hiệu mang tính chất sáng tạo là có thể được...Vì họ có đóng góp, xứng đang là “Tiên Sư” của cái nghề đó như cụ Nguyễn Du từng đặt ra...
Trở lại việc ca sĩ Ngọc Sơn được vinh danh là GS theo người viết bài này không có gì là quá lố; Anh ta có công chúng, Ngọc Sơn thật sự thỏa mãn thị hiếu, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của một bộ phận công chúng vậy thì phong tặng anh ta một học hàm như GS theo tiêu chí của Nguyễn Du thì không xa xỉ ? Anh ta thật sự là " bậc thầy' của dòng nhạc bolero thì Hội nghề nghiệp phong tặng hàm GS choanh ta cũng phải nhẽ...
Trong khi có những người sống, tồn tại không thể thiếu chủ nghĩa Marx Le Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Suốt ngày họ tầm chương trích của tại nhiệm sở rồi, đêm về bật TV tìm kênh Xây dựng Đảng để thấu suốt, thấm nhuần thêm; Đối với số công chúng này thì thật sự Đảng mới là nhân tố cho họ vừa sáng mắt, sáng lòng, lại mang lại cơm ăn, áo mặc, nhà lầu xe hơi cho họ...
Bên cạnh loại công chúng đó, cuộc đời, ( chữ của nhà văn Chu Lai), xã hội cũng phải tôn trọng, thừa nhận một một phận công chúng không nhỏ khác ngày ngày lam lũ, kiếm sống đêm về thích bật nghe Ngọc Sơn, Đàm Vĩnh Hưng hát bolero để bớt mệt mỏi rức đầu...Nhu cầu đó là có thật và sao lại cho rằng lớp công chúng mê bolero là thoái hóa, biến chất, là chậm tiến nhỉ ? Anh có chúa trời của anh thì tôi cũng phải có gốc tre, gốc mít để tôi tôn thờ chứ ?!
Paplov, một nhà khoa học Nga nổi tiếng từng phát biểu đại ý: Tôi là một nhà khoa học, tôi không tin và theo tôn giáo nào nhưng tôi rất kính trọng tôn giáo; Bởi xung quanh nhiều người thân yêu của tôi không thể sống nếu thiếu tôn giáo...

P.V.Đ.

Một nông dân Tuyên Quang chế tạo thành công máy hút sâu cho cây chè

Nhờ kiên trì, quyết tâm, một nông dân ở Tuyên Quang đã chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp hữu ích, đặc biệt là máy hút sâu cho cây chè giúp khôi phục được 14 ha chè của gia đình, được nhiều người địa phương và lân cận đặt mua.

Ông Nguyễn Văn Hoàn (54 tuổi, xã Phú Lâm, Yên Sơn, Tuyên Quang) được bà con trong xã gọi là nhà sáng chế “chân đất” với nhiều sáng kiến, cải tiến máy móc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là máy bắt sâu cho chè.
Học hết cấp ba, năm 1984 ông Hoàn lên đường nhập ngũ. Ba năm sau trở về địa phương ông chọn cây chè để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1991, ông nhận khoán 14 ha chè cằn cỗi của nông trường tháng 10, nay là Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm để cải tạo.
Cuộc sống gia đình lúc ấy gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, năng suất chè thấp, nhiều người khuyên ông từ bỏ. Nhưng nhờ kiên trì, quyết tâm cải tạo đồi chè ông đã khôi phục được 14 ha, mang lại cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Khi ấy, cứ vào mùa thu hoạch là sâu bọ hoạt động nhiều. Chúng hút nhựa cây ở phần búp non làm ngọn chè xoăn lại, khiến nhiều cây chết. Trong khi nhiều hộ khác trong xã tiêu diệt đám côn trùng bằng thuốc trừ sâu, hoặc tro bếp trộn với vôi bột rắc lên cây thì ông Hoàn trăn trở “làm sao để vừa có chè sạch vừa bảo vệ môi trường”. Dùng tay bắt thì không khả thi vì sâu chè nhỏ như mạt, gà tìm đã khó chứ đừng nói là bắt.
Từ đó, ông Hoàn nung nấu ý tưởng tạo ra chiếc máy bắt sâu. Để thực hiện, ông bắt đầu tìm hiểu đặc tính con sâu và phát hiện khi hút nhựa, sâu chỉ cắm vòi vào búp non, còn chân thả lỏng nên dễ dàng tách chúng khỏi ngọn chè. Tiếp đó ông mày mò đọc sách và tìm kiếm thông tin trên Internet các thiết bị tạo gió để hút sâu. Thất bại hết lần này đến lần khác, mãi đến năm 2008 ông mới thành công.
Giới thiệu về chiếc máy hút sâu chè của mình, ông Hoàn cho biết chiếc máy gồm 5 bộ phận là ống hút, bầu lưới, trục máy, giá đỡ, cánh quạt. Cách sử dụng máy hút sâu cũng rất đơn giản, dễ điều khiển. Sau khi khởi động, máy chạy sẽ làm cánh quạt quay tạo ra luồng gió lớn, lia máy trên tán cây chè, cánh quạt sẽ hút sâu vào bầu lưới.
Máy này có thể hút được hầu hết các loại sâu nguy hại cho cây chè như: Bọ cánh tơ, dày xanh, bọ xít muỗi… Một chiếc máy hút sâu chè mỗi ngày có thể hút được sâu trên diện tích một nửa ha chè, tiêu hao khoảng 2,5 lít xăng.
Từ thành công này, dựa trên nguyên lý bầu hút gió, ông tạo ra thiết bị hút sâu cho rau và nhận được đơn đặt hàng từ các nơi như Quảng Ninh, Hà Giang.
Không dừng lại ở đó, năm 2011 ông còn tạo thiết bị máy đốn chè. Thông thường, cây chè sau một năm thu hoạch phải cắt đi từ 10-15 cm để chè ra búp mới. Hàng năm vào vụ đốn chè, dùng dao phát để đốn mỗi công chỉ được 150-200 m2. Vì vậy, ông Hoàn tìm mua máy cắt cỏ của Nhật trên thị trường về làm máy đốn chè. Ban đầu, thiết bị tạo ra không những không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật đốn, trái lại lưỡi dao máy cắt cỏ còn băm dập nát thân và cành chè.
Ông mày mò rồi cải tiến lưỡi dao ngắn, to bản của máy cắt thành lưỡi cắt hình chữ S và bản nhỏ. Chiếc máy mang lại năng suất cao hơn nhiều so với đốn bằng tay. Sáng chế của ông Hoàn được nhiều người địa phương và lân cận đặt mua.
Với những sáng chế máy móc đơn giản, dễ sử dụng và mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp, ông Hoàn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Tuyên Quang cũng như của Trung ương.
Máy hút sâu chè của ông được Hội Nông dân Việt Nam trao giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008-2009.
TinhHoa tổng hợp

Không có nhận xét nào: