Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trình độ tiến sỹ phải đào tạo ít nhất 90 tín chỉ nhưng Học viện Khoa học xã hội chỉ dạy 16 tín chỉ; ngành kinh tế và lịch sử học chung một chương trình; phân công tiến sỹ ngành kinh tế hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành giáo dục; một giáo sư hướng dẫn cùng lúc 44 thạc sỹ, gấp hơn 6 lần số lượng cho phép…
Đó là những sự thật như… đùa tại Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, vừa được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phanh phui.
Bớt xén 110 tín chỉ
Theo kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các chương trình đào tạo tiến sỹ của Học viện Khoa học Xã hội đều chưa có đầy đủ nội dung các phần theo đúng quy định.
Trong khi theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ tiến sỹ là 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sỹ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học thì tại Học viện Khoa học Xã hội, tất cả các chương trình đào tạo đều có cấu trúc chương trình chỉ vẻn vẹn... 16 tín chỉ.
Ngành Kinh tế và Lịch sử học chung một chương trình
Một số chương trình đào tạo tiến sỹ được Học viện thiết kế chung cho cả 4 ngành đến 5 ngành đào tạo khác nhau.
Cụ thể, chương trình đào tạo 5 ngành/chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Luật Hình sự và tố tụng hình sự; Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm; Luật kinh tế có học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung hoàn toàn giống nhau.
Tương tự, chương trình đào tạo 5 ngành/chuyên ngành: Triết học; Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; Logic học; Đạo đức học; Mỹ học cũng có học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành với nội dung hoàn toàn giống nhau.
[Nhiều sai phạm tại Học viện Khoa học Xã hội]
Thậm chí, một số chương trình đào tạo được Học viện thiết kế chung cho tất cả các ngành đào tạo thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau. Chương trình đào tạo 4 ngành/chuyên ngành: Kinh tế học; Kinh tế chính trị; Kinh tế phát triển; Quản lý kinh tế được thiết kế giống nhau trong khi các ngành: Kinh tế học; Kinh tế chính trị; Kinh tế phát triển thuộc nhóm ngành Kinh tế học; Quản lý kinh tế thuộc nhóm ngành Quản trị, quản lý.
Chương trình đào tạo 4 ngành/chuyên ngành: Lý luận văn học; Văn học Việt Nam; Văn học dân gian; Văn học nước ngoài cũng được thiết kế giống nhau trong khi các ngành: Lý luận văn học; Văn học Việt Nam; Văn học dân gian thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, còn Văn học nước ngoài thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài.
Một giáo sư hướng dẫn 44 thạc sỹ, gấp hơn 6 lần số lượng cho phép
Học viện phân công nhiều người hướng dẫn thạc sỹ, nghiên cứu sinh vượt rất nhiều so với số lượng cho phép.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo tiến sỹ, một giáo sư được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh. Phó giáo sư hoặc tiến sỹ khoa học được hướng dẫn cùng lúc không quá 4 nghiên cứu sinh. Tiến sỹ được hướng dẫn cùng lúc không quá 3 nghiên cứu sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, ở Học viện, các giáo sư, tiến sỹ hướng dẫn gấp đôi số nghiên cứu sinh cho phép. Cụ thể, giáo sư Võ Khánh V. hướng dẫn cùng lúc 12 nghiên cứu sinh; các phó giáo sư Nguyễn Thị V.H., phó giáo sư Hồ Sỹ S., mỗi người hướng dẫn 9 nghiên cứu sinh; các tiến sỹ Phạm Hữu N., Đặng Quang P., Hồ Ngọc H., Phí Vĩnh T., mỗi người hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh...
Ở trình độ thạc sỹ, số lượng phân công hướng dẫn thậm chí gấp 6 lần số lượng cho phép.
Cụ thể, theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sỹ khoa học hoặc có chức danh phó giáo sư được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sỹ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác.
[Vụ "lò tiến sỹ": Học viện Khoa học Xã hội đã vi phạm quy chế?]
Tuy nhiên, tại Học viện Khoa học Xã hội, kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sỹ ngành Luật, ngành Chính sách công, ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy, giáo sư Võ Khánh V. hướng dẫn đến 44 thạc sỹ cùng lúc (gồm 29 học viên ngành Luật, 10 học viên ngành Chính sách công, 5 học viên ngành Công tác xã hội), quá quy định 33 người, gấp hơn 6 lần số lượng cho phép. Phó giáo sư Hồ Sỹ S. hướng dẫn 18 học viên, Tiến sỹ Đỗ Phú H. hướng dẫn 11 học viên…
Tiến sỹ ngành Kinh tế hướng dẫn nghiên cứu ngành sinh ngành giáo dục
Kiểm tra danh sách hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Phước M. là tiến sỹ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý giáo dục. Tiến sỹ Nguyễn Thị Song H. ngành Nhân học được phân công hướng dẫn đến 7 nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học.
Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ nghiên cứu sinh cho thấy có đến 3 hồ sơ có bằng thạc sỹ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành/chuyên ngành nghiên cứu sinh đang học hoặc đã tốt nghiệp.
Đặc biệt, nghiên cứu sinh Phạm Xuân T. tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ trúng tuyển nghiên cứu sinh ngành Luật kinh tế năm 2016.
Theo báo cáo tự rà soát của Học viện, số nghiên cứu sinh có bằng thạc sỹ ngành khác với chuyên ngành đã được xét tuyển năm 2015 là 48 người, năm 2016 là 41 người.
[Vụ "lò tiến sỹ": Bộ Giáo dục khẳng định vi phạm quy chế]
Ký khống đơn xin bảo vệ luận án
Kiểm tra hồ sơ của nghiên cứu sinh Phạm Văn T., chuyên ngành Quản lý kinh tế và nghiên cứu sinh Nguyễn Huy K., chuyên ngành Luật Kinh tế cho thấy, bản nhận xét phản biện, bản nhận xét tóm tắt luận án tiến sỹ không ghi ngày tháng, không ký tên người phản biện. Đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của nghiên cứu sinh không ghi ngày tháng năm, không có họ tên nghiên cứu sinh và không có các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành… nhưng lại có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn. Nghị quyết của Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp Học viện không ghi ngày ban hành.
Hồ sơ của nghiên cứu sinh Phạm T.A., chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính không có kế hoạch học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Phiếu nhận xét luận án tiến sỹ cấp cơ sở của người phản biện không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét.
Hồ sơ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thế T., ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính cho thấy, Giám đốc Học viện phê duyệt đồng thời hai văn bản trình trong cùng ngày 14/7/2015 về dự kiến người phản biện độc lập khác nhau. Bản nhận xét tóm tắt luận án không ghi ngày tháng, không có xác nhận chữ ký của người nhận xét.
Học viện Khoa học Xã hội được giao đào tạo 36 chuyên ngành trình độ thạc sỹ, 36 chuyên ngành trình độ tiến sỹ với quy mô đào tạo. Tại thời điểm tháng 12/2016 là 3.595 người, trong đó nghiên cứu sinh là 1.131 và học viên cao học là 2.464 người./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét