Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

THẢM HỌA CỦA CHÍNH SÁCH ĐU DÂY VÀ NỀN TẢNG CHẾ ĐỘ DỰA Ý CHÍ CÁ NHÂN VÀ “SECURITATE” CỦA ÔNG NICOLAE CEAUSESCU ( 1 )

Phạm Viết Đào.
Kết quả hình ảnh cho nicolae ceausescu

Đôi lời phi lộ:

Đã tới thời điểm mà tôi thấy cần và nên công bố những thông tin và tư liệu về đất nước con người Romania dưới thời Nicolae Ceausescu mà tôi đã cất công sưu tầm, nghiên cứu hàng chục năm nay…
 Đây là một công việc hết sức khó khăn, ngần ngại vì đau đớn, dằn vặt…của tôi khi viết về tấn bi kịch xương máu cũng như thảm họa của vợ chồng ông Nicolae Ceausescu và đất nước, nhân dân Romania anh em…
Khi cầm bút viết về tấn bi kịch và thảm họa của Romania và của vợ chồng ông Nicolae-Elena Ceausescu, những ân nhân không bao giờ chúng tôi quên đã buộc tôi phải chịu đựng sức ép của sự lựa chọn: “Bên tình bên nghĩa bên nào nặng hơn”…
Đối với cá nhân tôi và trên 3000 lưu học sinh, thực tập sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam, chúng tôi không bao giờ quê được sự cưu mang, đùm bọc, sẻ chia, truyền thụ kiến thức, mở lối cho chúng tôi tiếp cận những gì là văn minh của thế giới Âu Châu; Văn minh của nền văn hóa độc đáo của Romania, nền khoa học kỹ thuật đáng tự hào của đất nước con người Romania chân thiện và nhân hậu…Những ân nghĩa không bao giờ quên đó đó chúng tôi thật sự được nhân dân, nhà nước và Chính phủ Romania dưới thời ông Nicolae Ceausescu dành cho một cách hào hiệp, vô tư …
Để viết chuyên để này, tôi đã 5 lần dẫn quay lại đất nước Romania từ sau năm 2000; Tôi thường xuyên vào đọc báo Romania trên mạng.
Tôi đã tham gia thiết lập nhịp cầu giao lưu giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Romania, đưa hơn 20 nhà văn Việt Nam sang thăm Romania và hơn 20 nhà văn Romania sang thăm Việt Nam …Các cuộc giao lưu này tôi đều trực tiếp phiên dịch, nhờ thế mà vốn liếng tiếng Romania của tôi được phục hồi, củng cố nhanh chóng…
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã sang thăm Romania năm 2003 gần 10 ngày; mới đây Hữu Thỉnh đề nghị tôi tìm cách thiết kế để ông quay sang thăm Romania lần nữa; Việc tôi xuất ngoại bây giờ chắc khó do bởi cơ quan an ninh Việt Nam…
Chủ tịch Hội Nhà văn Romania Eugen Uricaru đã sang thăm Việt Nam năm 2001, Chủ tịch Hội Nhà văn Bucarest Horea Garbea đã 2 lần sang thăm Việt Nam…
Năm 2000, tôi được Hội Nhà văn Romania mời sang dự Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Thi hào dân tộc Romania Mihai Eminescu, theo đề nghị của UNESCO, cùng với hơn 40 dịch giả đến từ 20 nước…Tại lễ kỷ niệm này tôi và 10 dịch giả nước ngoài đã được Tổng thống Romania tặng “Medailia Eminescu” vì có công dịch và truyền bá thơ Mihai Eminescu…
Medalia tặng P.V.Đ  do Tổng thống và BT Bộ Văn hóa Romania ký

Tôi biết, khi tôi viết về các biến cố chính trị của đất nước, con người Romania dưới thời ông Nicolae Ceausescu là tôi đang “đánh trống qua cửa nhà sấm” trước các quý vị: Phạm Minh Chính hiện đương Trưởng Ban tổ chức TW.
Ông Phạm Minh Chính tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Bucarest và là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bucarest sau năm 1990; Ông Nguyễn Văn Son, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại TW; người ở chung phòng với tôi tại khu tập thể Tg Copou; Ông Nguyễn Văn Son cùng học khoa Ngôn ngữ hệ Ru-Pháp với tôi, trên tôi 2 năm; Ông Nguyễn Mạnh Kiểm- nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nghiên cứu sinh tại Đại học Xây dựng Bucarest; Ông Tống Văn Nga-nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tốt nghiệp Bách khoa Bucarest, hiện Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam Romania; GS Hoàng Chương, Thực tập sinh nghệ thuật tại Romania, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Romania; nhà báo Hồ Quang Lợi, tốt nghiệp Khoa tiếng Pháp tại Đại học Tổng hợp Bucarest, chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế của báo Quân đội nhân dân…
Ông Trần Xuân Đảm, một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học tại Romania; Ông Trần Xuân Đảm là Đại sứ Việt Nam tại Romania giai đoạn 1989; Vợ chồng nhà ngoại giao Nguyễn Văn Xương-Thoa-Bí thư Đại sứ Việt Nam tại Romania giai đoạn 1989 và sau này là Đại sứ tại Romania và Hàn Quốc…
Đặc biệt, tôi mong nhận được sự chỉ giáo của ông Đại sứ Romania tại Việt Nam hơn 2 nhiệm kỳ Valeriu Arteniu, một người thông thạo tiếng Việt. Một vài lần gặp tôi ông Đại sứ Arteniu vẫn nói đùa: Trong những năm chiến tranh Việt-Mỹ, anh Phạm Viết Đào sang Romania học đại học còn tôi sang Việt Nam vừa học vừa chiến đấu…Đại sứ Valeriu Arteniu sang Việt Nam học Khoa văn cùng khóa với nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đã từng đi sơ tán và tránh máy bay Mỹ…
Chắc chắn những thông tin và nhận định của tôi về các biến cố chính trị của đất nước Romania dưới thời ông Nicolae Ceausescu chỉ là những ý kiến cá nhân, đơn lẻ, không chuyên… do vậy khó tránh khỏi phiến diện, chủ quan và có thể có chỗ không chính xác…
Nếu có điều gì đó thất thố, tôi mong được các vị, những người am tường về đất nước, con người và chế độ Nicolae Ceausescu lượng thứ, góp ý, chỉ giáo cho tôi để tôi kịp thời chỉnh sửa, cải chính…
Điều thôi thúc để tôi viết chuyên luận này không nhằm mục đích phê phán mà chỉ muốn nhắc lại những bài học lịch sử, xương máu của nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu và của nhân dân Romania từng phải trả giá.
Những bài học xương máu này mong góp một phần về mặt thông tin đối với Việt Nam trong việc mở của giao lưu với thế giới bên ngoài hiện nay…

Phần 1.
Những ngày đầu tiên ở thủ đô Bucarest; Ảnh chụp cuối tháng 8/1969 
tại Đài ngon lửa Vĩnh Cửu; 
PV.Đ đứng thứ 2 bên trái sang...

Tôi đến thủ đô Bucarest bằng một chuyến tàu lửa liên vận hơn 10 ngày đi từ Hà Nội-Bắc Kinh-Mông Cổ-Maxcơva và Bucarest đúng 6 h sáng ngày 23/8/1969; Do trục trặc về mặt thông tin nên đoàn lưu học sinh chúng tôi khoảng 30 người đã phải ngồi đợi ở garaj de Nord từ 6 h sang tới hơn 12 h…Đến trưa, may mắn có 1 anh lưu học sinh khóa trên từ Timisoara về Bucarest họp, gặp đoàn liền báo cho sứ quán, chúng tôi mới được đưa về Blocul L của Trường đại học Bách khoa Bucarest nghỉ…
Năm đó lưu học sinh Việt Nam sang được tập trung ở Iasi,do chúng tôi về thẳng Bucarest nên không có người đón…
Đến thủ đô Bucarest cảm giác choáng ngợp vì lần đầu tiên được nhìn thấy một thành phố của Đông Âu khang trang, hiện đại và quy củ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi đến Bucarest vài ngày đã nhận ngay một thông tin choáng váng do các anh lớp trên cho biết. Chúng mày sang làm gì, bọn tao đang chuẩn bị thu xếp hành lý để về Việt Nam đây. Tổng Bí thư Đảng CS Romania vừa mời và đón TT Mỹ Nixon sang thăm; Romania sẽ chọn đường lối đối ngoại bắt tay, thân thiện với Mỹ, chắc sẽ chia tay khối SEV do Liên Xô đứng đầu; Adio XHCN…
Theo kinh nghiệm của các anh thì khi 2 nước có trục trặc về đường lối đối ngoại, Việt Nam sẽ rút lưu học sinh về. Năm 1962, do Liên Xô dưới thời Khơruxôp được Việt Nam cho là có đường lối xét lại nên tất cả học sinh, thực tập sinh, nghiên cứu sinh theo lệnh ở nhà đã phải quay về nước…Lưu học sinh Việt Nam ở Romania chắc cũng chuẩn bị quay về Việt Nam thôi vì Romania đã chuyển hướng sáng bắt tay với Mỹ và phương tây…Mà Việt nam thì đang thúc đẩy cuộc chiến tranh chống Mỹ…
Các anh lớp trên cho biết: trong 2 ngày TT Mỹ sang thăm Romania, tất cả lưu học sinh Việt Nam đều bị trục xuất ra khỏi thủ đô Bucarest bằng một tua du lịch do nhà trường tổ chức, đài thọ. Khốn khổ nhất là những anh, chị bị ốm, nằm viện phải ở lại Bucarest thì ngày đêm bị lực lượng SECURITATE canh chừng 24h/24 h…
Nghe thông tin này bọn chúng tôi hết sức ngán ngẩm vì khi xách được valy lên tàu, đứa nào đứa ấy thở phào vì nghĩ mình coi như đã thoát được một cuộc chiến tranh…Nếu phải quay về nước bây giờ cơ hội học đại học là khó và chỉ còn con đường ra trận…
May mắn điều đó đã không xảy ra, sứ quán đã làm công tác tư tưởng cho lưu học sinh, ta vẫn tranh thủ bạn, vẫn ở lại Romania học; còn đường lối đối ngoại của Romania thế nào thì đó là quyền của bạn…
Năm đầu tiên vào học tiếng, chúng tôi được ở chung với các  bạn Romania để nâng cao khả năng giao tiếp. Sau 3 tháng chúng tôi đã có thể bập bẹ giao tiếp, trao đổi với bạn Romania cùng trang lứa. Một trong những chủ đề thường nổ ra tranh luận gay gắt giữa lưu học sinh Việt Nam và các bạn sinh viên Romania, nhiều vụ đã biến thành cãi lộn, suýt đánh nhau vì phía Việt Nam không đủ vốn liếng ngôn ngữ để tranh luận lại, tức mình đành giở nắm đấm ra.
Các bạn Romania cho rằng: Việt Nam đánh đuổi Mỹ là dại; Sao lại đánh đuổi Mỹ đi trong khi Romania đang tìm cách mời Mỹ vào nhưng đang gặp vô cùng khó khăn.TBT Nicolae Ceausescu vừa mời TT Mỹ Nixon sang đấy…
Đó là những câu chuyện đầu tiên xảy ra với chúng tôi khi đặt chân và có chứng kiến được tâm tư, tình cảm của các bạn cùng trang lứa người Romania; đường lối đối ngoại có chiều hướng mở cửa sang phương tây của TBT ĐCS Romania Nicolae Ceausescu…

( Còn nữa… )



Không có nhận xét nào: