Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Ông Tập Cận Bình đã dập tắt một âm mưu đảo chính trước Hội nghị Bắc Đới Hà?


Có nhận định cho rằng ông Tập Cận Bình vừa mới dập tắt một âm mưu đảo chính trước Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay.

Trung Quốc chống tham nhũng: Trước “đả hổ”, nay “đập muỗi”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Bloomberg/Getty.
Trong một bài viết trên tạp chí Động Hướng (Hồng Kông) số ra tháng 8, nhà hoạt động dân chủ, phó chủ biên tờ Tuần báo Kinh tế học tại Bắc Kinh Vương Quân Đào cho biết, từ cuối tháng 7 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có nhiều hành động khác thường, có lẽ là ông Tập Cận Bình vừa mới dập tắt một cuộc đảo chính đang chưa bùng nổ, hoặc là đang trấn áp âm mưu đảo chính của những người phản đối trước lúc diễn ra Đại hội 19.

Theo đó có một chuyện lớn là hôm 15/7, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Tôn Chính Tài bị miễn nhiệm chức vụ Bí thư thành phố Trùng Khánh; ngay sau đó, chức vụ này được người từng là cấp dưới của ông Tập Cận Bình, Bí thư tỉnh Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ tiếp nhiệm; ngày 24/7, ông Tôn Chính Tài bị điều tra. Ông Tôn Chính Tài được cho là người kế thừa quyền lực của phe ông Giang Trạch Dân, và có hy vọng sẽ tiếp nhiệm chức phó thủ tướng vào năm 2022, tức là tại Đại hội 20 của ĐCSTQ.

Ông Vương Quân Đào căn cứ vào những dấu hiệu khác thường được công bố trên các kênh thông tin của chính quyền và việc bắt bớ người tạo nên những dư luận khác nhau để đưa ra nhận định rằng, ông Tôn Chính Tài xảy ra xung đột với ông Tập Cận Bình trong một hội nghị ở Bắc Kinh nên mới đột nhiên bị bắt. Do đó hành động xảy ra một cách vội vàng. Hơn nữa, cho đến nay, các biện pháp giải quyết vẫn chưa làm đến nơi đến chốn.

Hai ngày sau khi ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, tức 26-27/7, ông Tập Cận Bình dẫn đầu 7 vị trong Ban Thường vụ mở một cuộc họp  tại Bắc Kinh gồm lãnh đạo cấp tỉnh, bộ và tướng lĩnh quân đội, tổng cộng có hơn 300 người tham gia cuộc họp kín này. Cuộc họp lần này không được tổ chức tại trường Đảng của Trung ương như các năm trước, mà là tại nhà khách Kinh Tây, một nơi được quân đội kiểm soát chặt chẽ; cuộc họp này giống như cuộc họp cấp cao sau sự kiện Lâm Bưu lưu vong, người tham dự chỉ được nghe và không được phép ghi chép.

Ông Vương Quân Đào cho rằng, những thông tin rò rỉ từ cuộc họp này cho thấy, cuộc họp truyền đạt vấn đề của ông Tôn Chính Tài, xác nhận lại lần nữa vấn đề kỷ luật chính trị nghiêm minh, cho thấy rõ vấn đề chính trị lớn nhất trước khi diễn ra Đại hội 19 chính là cảnh giác và ngăn chặn những kẻ dã tâm thách thức với “hạt nhân Tập Cận Bình”. Đây không chỉ là chứng cứ chứng minh vấn đề của Tôn Chính Tài là sự kiện đột phát do thách thức hạt nhân Tập Cận Bình, mà ông Tập Cận Bình còn nghiêm khắc tuyên bố lệnh cấm chính trị.

Ngoài ra, ngày 30/7, trong Ban Thường vụ chỉ có một mình ông Tập Cận Bình kiểm duyệt cuộc duyệt binh lớn tại khu tự trị Nội Mông. Từ khi ĐCSTQ thành lập chính quyền đến nay, đây là lần đầu tiên có cuộc duyệt binh thực chiến trước lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội.

Từ ngày 3-8/7, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm Nga và Đức, do đó ông Vương Quân Đào cho rằng, lực lượng thách thức ông Tập Cận Bình trước Đại hội 19 hoặc tại Đại hội 19 đã bắt đầu hành động, và đưa ra âm mưu đảo chính. Trong đó, ông Tôn Chính Tài đóng vai chính; cuộc họp cấp cao sau này và việc tập trung bộ đội tinh nhuệ của quân đội ĐCSTQ tại Mông Cổ đều là để trấn áp đảo chính.

Ông Tập Cận Bình nếu muốn chấp chính lâu dài, thì vấn đề an ninh chính trị trước Đại hội 19 đã trở thành vấn đề quan trọng nhất. Trong vài ngày, sau khi cuộc họp ngày 26-27/7 tại Bắc Kinh kết thúc, Bí thư thành phố Bắc Kinh Thái Kỳ và Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa lần lượt tỏ thái độ ủng hộ ông Tập Cận Bình, điều này cho thấy “an ninh chính trị” chắc chắn được nhấn mạnh trong cuộc họp.

Bên cạnh đó, được biết trong cuộc họp kín lần này, ông Tập Cận Bình từng nói miệng điều gọi là “4 cái bằng mọi giá”: trung ương sẽ bằng mọi giá bảo vệ lãnh đạo cấp cao đang ở đầu sóng ngọn gió; bằng mọi giá thanh trừng thế lực phản đối Đảng; bằng mọi giá đối phó với áp lực bên ngoài trước và sau Đại hội 19; bằng mọi giá trấn áp những nhân tố bất ổn định trong nội bộ Đảng. 

“4 cái bằng mọi giá” được giới quan sát cho rằng ẩn chứa thông tin phòng đảo chính và duy trì ổn định chính trị. 

Trang tin Up Media (Đài Loan) dẫn phân tích từ Bắc Kinh cho biết, hành động liên tiếp của ông Tập Cận Bình dường như có tiết tấu theo thời gian. Sau khi công bố danh sách dự tuyển Đại hội 19, truyền thông Trung Quốc liên tục phản kích doanh nhân Quách Văn Quý (người đang lưu vong ở nước ngoài, thông qua các kênh thông tin để vạch trần ông Vương Kỳ Sơn); vài ngày sau, có tin ông Tôn Chính Tài bị bắt, cùng thời gian đó, danh sách những người sẽ vào Ban Thường vụ tại Đại hội 19 được tiết lộ. 10 ngày sau, ông Tập Cận Bình vừa cho tuyên bố điều tra Tôn Chính Tài, vừa tiến hành cuộc họp kín để truyền đạt chỉ lệnh “4 cái bằng mọi giá”. Nửa tháng sau, biện pháp công kích phòng thủ đã được hoàn thành, điều này cho thấy phe ông Tập Cận Bình đã vạch ra được kịch bản, và chỉ cần làm theo trình tự thời gian.

Tháng trước, học giả Trung Quốc Chương Lập Phàm có nói với Đài VOA rằng, có 3 việc đã phản ánh nước cờ  về bố cục nhân sự cấp cao tại Đại hội 19 của chính quyền ĐCSTQ. Trước sau có 3 vị liên quan tới vấn đề vào Ban Thường vụ nhiệm kỳ tiếp theo bị đánh úp, có cả ông Vương Kỳ Sơn và Lật Chiến Thư, trong đó Tôn Chính Tài đã bị đánh bật ra. Trong nước cờ nhân sự, bên chiếm vị trị chủ đạo là Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, phía bị tổn hại lợi ích đầu tiên là chính là Thượng Hải bang.

Điều thú vị là, trước đó, tháng 7/2015, trước khi Hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra, dư đảng của Chu Vĩnh Khang, nguyên Bí thư tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận cũng bị bắt. Chu Bản Thuận bị hạ bệ là vì bị lôi vào âm mưu đảo chính. Cũng giống như năm nay,  trước khi diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tôn Chính Tài, người kế nhiệm phe ông Giang Trạch Dân bị “ngã ngựa”.

Theo phóng viên Khương Duy Bình của tờ Văn Hối Báo (Hồng Kông) tiết lộ, nửa năm trước khi Chu Bản Thuận bị điều tra, một bản thảo bí mật có tên “Thông báo tình hình chính trị tỉnh Hà Bắc” được đưa ra, do Trương Việt trực tiếp trình lên Tăng Khánh Hồng, và Tăng Khánh Hồng lại chuyển cho Giang Trạch Dân. Bản báo cáo bí mật này có nội dung công kích hành động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn “đã bước sang đường tà”, đây được ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cho là “đạn hạt nhân chính trị” và sẽ phát nổ với Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tại hội nghị Bắc Đới Hà. Tuy nhiên, cuối cùng, bản báo cáo này đã bị lộ ra ngoài trước khi diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, và Bí thư tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận bị bắt giữ. 

Tuần báo Phượng Hoàng (Hồng Kông) từng dẫn quan điểm của giáo sư Giang Ngọc Khải công tác tại Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc nói, việc bắt giữ Chu Bản Thuận liên quan tới an ninh của Hội nghị Bắc Đới Hà.

Trí Đạt

(Trí Thức)

Không có nhận xét nào: