Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Vụ thuốc ung thư giả: Vì sao cấp visa thuốc quá nhanh?; VN Pharma chi hoa hồng bác sĩ cả trăm tỷ chứ không chỉ 7,5 tỷ;





Họ đã trả cho bác sĩ hàng trăm tỷ đồng, sau đó móc lại từ người bệnh.
Họ đã trả cho bác sĩ hàng trăm tỷ đồng, sau đó móc lại từ người bệnh.
VN Pharma nâng khống giá thuốc, chuyển tiền ra nước ngoài, sau đó chuyển lại về nước, và lấy đó chi hoa hồng cho bác sĩ. Số tiền lên đến cả trăm tỷ. Sau đó họ móc lại số tiền này từ người bệnh.
Thông tin tại phiên xét xử hôm nay 23/8 cho biết, cơ quan điều tra VN Pharma không chỉ chi hoa hồng cho các bác sỹ trong vụ án này mà trước đó, ở rất nhiều phi vụ khác, VN Pharma còn dùng hàng trăm tỷ đồng để chi hoa hồng cho các bác sỹ để từ đó đưa thuốc vào các bệnh viện.
Theo cáo trạng, số tiền VN Pharma chi hoa hồng cho các bác sỹ gần 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không là gì so với việc VN Pharma đã dùng cả trăm tỷ đồng để chi hoa hồng trong các phi vụ trước đó.
Tại tòa, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) cũng thừa nhận là muốn bán được thuốc tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. “Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg, các loại thuốc khác chúng tôi đều phải chi hoa hồng”, bị cáo Phương nói.
Do việc chi hoa hồng không có chứng từ, VN Pharma đã nâng khống giá thuốc trong các hợp đồng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc, rồi chuyển tiền ra nước ngoài, sau đó rút về chuyển qua chi hoa hồng.
Theo Cơ quan điều tra, số tiền này là tiền của VN Pharma, sử dụng chi phí hoa hồng cho các bệnh viện. Cơ quan điều tra nhận định hành vi trên có dấu hiệu trốn thuế.
Đại diện VKS cáo buộc, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Minh Hùng là chủ mưu. “Bị cáo Hùng biết biết rõ nguồn gốc, xuất xứ…nhưng do nhu cầu trong nước nên bị cáo nhập về Việt Nam”, kết luận nêu trong cáo trạng của VKS.
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM, bảo vệ cho bị cáo Võ Mạnh Cường) đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra làm rõ trách nhiệm của các công chức Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) liên quan trong vụ án.
Danh Lưu


Vụ thuốc ung thư giả: Vì sao cấp visa thuốc quá nhanh?


Phương Thuý

Theo PGS Phong Lan nếu ai đã từng làm trong ngành dược kể cả sản xuất trong nước hay nước ngoài đều thấy để xin được 1 số đăng ký loại thuốc nào đó vô cùng khó khăn vậy mà trong việc cấp visa nhập khẩu thuốc cho 9000 hộp thuốc H - Capita lại rất nhanh.

Thuốc giả là vấn nạn của toàn cầu, không riêng gì Việt Nam
Từ năm 2014, PGS. Phạm Khánh Phong Lan -  Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ĐBQH thuộc đoàn TP.HCM khoá XIII, XIV đã có nhiều tiếng nói trong vụ việc Tổng giám đốc VN Pharma bị bắt. Bà  Lan cho rằng trong việc cấp visa thuốc còn nhiều kẽ hở và từ đó sẽ nảy sinh các câu hỏi mà dư luận có thể đặt ra.
Với thông tin toà án nhân dân TP.HCM xét xử vụ án thuốc ung thư giả vào Việt Nam, báo Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS Phong Lan.
Thưa bà, câu chuyện thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma đang gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt các đối tượng bị xét xử vào tội phạm tội “buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Quan điểm cá nhân bà thế nào?
PGS. Phạm Khánh Phong Lan: Từ trước tới nay, các vụ việc thuốc giả ở Việt Nam bị xử lý rất ít. Với vụ việc của công ty VN Pharam mức phạt với kinh doanh thuốc giả quá nhẹ. Luật quy định mức án có thể lên tử hình. Và vụ việc này các bị cáo lại bị phạt sang tội buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” là không thoả đáng.
Nếu trong cáo trạng thuốc giả phải tính toán thiệt hại nếu người ta đã sử dụng nhưng trong trường hợp này chỉ xử sai phạm làm giả hồ sơ và giấy tờ nên quá nhẹ.
Không thể nào nói thuốc này chưa đưa ra thị trường được vì nếu chưa đưa ra thị trường thì tại sao lại phải hoa hồng cho bác sĩ lên tới 7,5 tỷ đồng. Câu hỏi này ai cũng có thể nhìn ra được.
Đây là vụ việc thuốc giả đầu tiên ở nước ta gây hoang mang dư luận nhất là thuốc lại dành cho bệnh nhân ung thư. Trước đó, Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều vụ việc thuốc giả được phát hiện nhưng chưa ai bị xử lý. Liệu có phải ở Việt Nam thuốc giả có quá nhiều cơ hội tồn tại thưa bà?
PGS Phạm Khánh Phong Lan: Cho tới giờ này chưa có nghiên cứu chính thức tình hình thuốc giả ở Việt Nam. Nếu chỉ căn cứ trên tình hình thuốc giả hàng năm qua việc đi kiểm tra và mang các thuốc lưu hành trên thị trường đi xét nghiệm thì thuốc giả ở Việt Nam đang giảm dần. Nhưng liệu giảm dần này nói lên thực tế không? Không chỉ riêng ở nước ta mà thuốc giả là vấn nạn toàn cầu vì thuốc là siêu lợi nhuận, và nó rất là thất đức, ác nhân nhưng vẫn làm.
PGS Phạm Khánh Phong Lan
Nếu nhìn vào thuốc giả ở Việt Nam giảm mà đánh giá thị trường thuốc ở Việt Nam đang tốt là cũng chưa chắc đúng. Bộ Y tế chỉ dựa vào con số này rồi cho rằng đang kiểm soát tốt chất lượng thuốc là không đúng. Mình còn phải làm nhiều hơn nữa vì thuốc giả diễn biến phức tạp.
Tôi lấy dẫn chứng, ngày xưa đâu dễ mua các loại máy móc sản xuất thuốc còn bây giờ việc mua bán các thiết bị sản xuất thuốc quá dễ dàng. Vì thế, mới có những loại thực phẩm chức năng giả. Điều kiện hiện nay họ tiếp cận dễ hơn, kiểm soát lại khó hơn nên thuốc giả vẫn có cơ hội tồn tại ở nước ta.
Nhưng rõ ràng chúng ta có thuốc giả nhưng chỉ qua kiểm tra và xét nghiệm còn với vụ việc của Công ty VN Pharma thì giả từ hồ sơ luôn.
Vậy theo bà trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp visa cho hơn 9.000 hộp thuốc giả này đến đâu?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trong trường hợp của Công ty VN Pharma nhập khẩu hơn 9000 hộp thuốc giả, làm giả từ hồ sơ, tên công ty ma mà Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vẫn cấp phép để nhập khẩu thuốc này là Cục đã sai. Có thể nhân viên thẩm định hồ sơ chưa đủ trình độ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm.
Theo tôi cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân là cố tình hay vô ý, trách nhiệm đến mức độ nào để xử lý. Rõ ràng trách nhiệm này không đổ cho ai được.
Vụ việc VN Pharma nếu các đối tượng trước tòa họ khai đúng thì bức tranh các công ty dược cứ nhập ở nơi tào lao về, thuê người viết hồ sơ rồi đi xin visa cho thuốc thì quá dễ dàng.
Vì vậy cần xem lại cấp số hồ sơ đăng ký thuốc ở nước ta. Nếu chỉ cấp phép qua hồ sơ đăng ký như vậy thì trình độ của người thẩm định như nào để lọt lưới vụ việc lớn như thế.
Bình thường bất cứ ai từng làm ở các công ty dược từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu nước ngoài về đều biết để có thể xin một visa cho loại thuốc là rất khó khăn, gian nan vô cùng dù đủ hồ sơ rồi nhưng trường hợp của công ty VN Pharma thì lại nhanh quá. Qua đây, người ta lại thấy lạ vì sao việc cấp số đăng ký thuốc lại dễ dàng như vậy mới xảy ra vụ việc. Chúng ta cần xem xét lại cả hệ thống cấp phép dược xem sai ở quy trình nào.
Xin cảm ơn bà!

Trinh Phúc

Không có nhận xét nào: