Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

LÝ NHẬT QUANG UY MINH VƯƠNG: BỊ ĐẦU ĐỘC HAY NHẢY XUỐNG SÔNG LAM TUẪN TIẾT DO THÚC ÉP CỦA TRIỀU ĐÌNH LÝ ? ( Phần 1)

Bài học lịch sử: Uy minh vương Lý Nhật Quang

Bài di blog Nguyễn Hữu Quý giữ hộ.


UY MINH VƯƠNG LÝ NHẬT QUANG


 

Tượng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang độc bản thờ tại Đền Quả Sơn-Đô Lương...
( Ảnh: P.V.Đ )

Uy Minh Vương tuẫn tiết cho lý tưởng vương đạo, thân dân được sống còn !
Phạm Viết Đào.

-Bài học lịch sử thứ nhất rút ra từ cái chết của Uy Minh Vương đó là: 
Không phải cứ có tài, có tâm, yêu nước thương dân thì nghiễm nhiên có chỗ đứng, trở thành rường cột, lương đống của hết thảy các thể chế chính trị, triều đại; Lý Nhật Quang không là ngoại lệ, sau Vương còn có Lê Văn Thịnh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi và rất nhiều người khác... 

-Bài học lịch sử thứ 2 đó là: 
Được lòng dân là được tất cả; mất lòng dân là mất tất cả! Âu đó cũng là một trong những nét đặc thù của nền chính trị châu Á cổ xưa!
“Thương dân dân lập đền thờ; Hại dân dân đái sụp mồ, thấu xương...” câu này tương truyền xuất hiện ở Nghệ An sau khi Lý Nhật Quang mất. Câu ca vừa nói lên tấm lòng của người dân xứ Nghệ đối với Lý Nhật Quang, vừa tỏ sự răn đe với các thế lực chính trị ác bá; Câu ca còn nói lên sự sòng phẳng đến cực đoan trong ứng xử của con người ở miền đất này…


Đền Quả Sơn, nơi thờ Lý Nhật Quang...(Ảnh: P.V.Đ)
Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ tám của Lý Công Uẩn, em của Lý Phật Mã tức Lý Thái Tông, ông được cử làm tri châu Nghệ An vào năm 1041, ông là người có công lớn trong việc xây dựng, củng cố biến Nghệ An từ vùng đất nhà Lý xếp vào diện “ trại”, trở thành trọng trấn, thành luỹ kiên cố về kinh tế, an ninh quốc phòng và lòng dân không chỉ của riêng triều Lý và nhiều triều đại về sau. 
Lý Nhật Quang là người lựa chọn Bạch Đường (gần thị trấn Đô Lương ngày nay ) làm trung tâm hành chính, kinh tế và quân sự của Nghệ An, vùng biên viễn phía nam Đại Việt vào năm 1044. 
Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1981 thì: phủ Bạch Đường gồm các thôn Nhân Trung, Phúc An, Nhân Bồi, Miêu Đường; đời Ngô thuộc quận Cửu Đức, thời Tiền Lê thuộc đất Hoan Đường. Địa danh Bạch Đường chính thức đi vào chính sử, đi vào huyền thoại, đi vào dân ca, trở thành một “linh địa” của xứ Nghệ kể từ năm 1044, khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang chọn mảnh đất này xây dựng thành trung tâm hành chính, kinh tế và quân sự phía nam của vùng biên viễn Đại Việt... 
Đến cuối thế kỷ XIX, để tránh tên huý của vua Đồng Khánh, Bạch Đường được đổi tên thành xã Bạch Ngọc. Năm 1953 xã Bạch Ngọc chia ra thành 3 xã Ngọc Sơn, Lam Sơn và Bồi Sơn; sở lỵ châu Nghệ An thời Lý được xây dựng trên núi Quả Sơn thuộc thôn Miếu Đường địa phận xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương hiện đang lưu giữ nhiều dấu tích và ngôi đền Quả Sơn thờ Lý Nhật Quang cùng với lễ hội được tổ chức hàng năm tồn tại gần ngàn năm nay...Đền Quả được coi là đệ nhị dang thiêng của xứ Nghệ: Nhất Cờn, nhì Quả, thứ ba Bạch Mã. 
Khi Lý Đạo Thành được cử về trị nhậm Nghệ An năm 1073, ông đã dâng sớ xin triều đình nhà Lý miễn tô thuế vùng Bạch Đường để chăm lo việc hương khói cho đền Quả. Đến đầu thế kỷ XX, ngôi đền tồn tại với 7 toà 40 gian mang phong cách kiến trúc Lý -Trần; ảnh toàn cảnh khu đền Quả hiện đang lưu giữ tại nhiều thư viện tại Pari. Một số học giả Pháp đã viết sách khảo cứu về đền Quả và sự nghiệp của Lý Nhật Quang. Tại ngôi đền hiện đang lưu giữ được pho tượng quý Lý Nhật Quang độc bản, nhiều hiện vật quý như thanh gươm báu bằng bạc và nhiều bức hoành phi câu đối. Đáng chú ý là đôi câu đối: 

Hiển hách thần linh hương khói miếu đền lưu vạn đại
Lừng danh tông tộc núi sông ghi nhớ đến ngàn năm...

Bạch Đường nằm trên tả ngạn sông Lam, cách biển đông khoảng 40 km là một vùng đất hiểm trở: giáp tây nam là sông Lam, giáp tây bắc là núi non trùng điệp liên thông với dãy Trường Sơn, giáp đông nam liên thông với vựa lúa Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, nối liền với những giải phù sa chạy dọc theo sông Lam... 
Đứng về phương diện quân sự, Bạch Đường nằm tại vị trí “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” do: tựa núi kề sông; thuận tiện cho việc giao thương buôn bán với các vùng miền khác để phát triển kinh tế. Đường thuỷ theo sông Lam có thể ra tới biển Đông và liên thông sang Lào; đường bộ từ Bạch Ngọc liên thông với Quỳnh Lưu, Yên Thành ra tới Thăng Long... Đặt lỵ sở ở Bạch Ngọc, Lý Nhật Quang vừa kiểm soát an ninh, quốc phòng cả vùng Hoan Châu; có thể khai thác cả một vùng đồng bằng rộng lớn để phát triển kinh tế, tích trữ lương thảo, khai thác lâm thổ sản... 
Từ thế kỷ XIII trở về trước, theo sử gia Phan Huy Chú, Hoan Châu là mảnh đất trọng yếu phía nam của Đại Việt, được mệnh danh là “thành đồng, ao nóng và là then khoá của các thời đại”... Hoan Châu hay Nghệ An châu, Nghệ An phủ lộ là địa danh chỉ miền đất từ Nghệ An đến đến hết địa phận Hà Tĩnh. 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), Lý Thái Tổ xuống chiếu “lập trại Định Phiên ở Nam Giới châu Hoan, cho Quản Giáp Lý Thái Giai làm trại chủ”. Nam Giới là Cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; Đại Nam nhất thống chí chép:” Gọi là núi Nam Giới vì phía nam Cửa Sót giáp với Chiêm Thành”.
Thư tịch cổ thời nhà Đường đã mô tả về vị trí địa lý của Hoan Châu: Từ Hoan Châu đi về phía nam 2 ngày thì đến huyện An Viễn, châu Đường Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sông Cổ La (sông Ròn) sông Đàn Động (sông Gianh) của nước Hoàn Vương (tức Chiêm Thành), đi thêm 1 ngày nữa thì đến vùng đất của Lục Chân Lạp.
Nhiều vị trọng thần của các triều Lý, Trần, Lê được triều đình cử về trị nhậm, trấn thủ Nghệ An như Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt (thời Lý); thời Trần có Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1266) Tĩnh quốc đại vương Trần Quốc Khang, anh trai Trần Quốc Tuấn (1270); Thái uý Trần Nhật Duật đã được cử vào trấn trị vùng biên viễn này. 
Về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Nhật Quang, mặc dù chính sử chỉ ghi lại một vài dòng sơ sài nhưng bộ sử sống động nhất, chính thống nhất đó là lòng dân xứ Nghệ đối với Uy Minh Vương lúc nào cũng đầy đặn, tôn thờ Vương gần ngàn năm nay. Đền thờ Lý Nhật Quang được lập tại 50 địa điểm khác nhau tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Lý Nhật Quang nằm trong số ít danh nhân được lập đền thờ chủ yếu nhờ vào công trạng phát triển kinh tế, đảm bảo anh sinh xã hội làm cho hưng vượng cả một vùng đất. 
Sau khi giành được thiên hạ từ tay nhà Tiền Lê, dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã chia Đại Cồ Việt thành 24 lộ và 2 trại; vùng đất Hoan Châu được nhà Lý coi là trại. Đối với vùng rừng núi hẻo lánh, còn gọi là “ki mi” này, nhà Lý hoặc là cử trọng thần đến cai quản, hoặc dùng chính sách “nhu viễn” như: gả công chúa cho cả tù trưởng, thu nạp con gái các tù trưởng về làm phi tần, trao cho nhiều quyền tự quyết, tự chủ. 
Chính sách ngoại giao “hoa hậu”, phụ nữ can dự vào triều chính này có từ thời nhà Đinh, nhà Lý, sang cả thời Trần và nhà Lê... Đó là các trường hợp Thái hậu Dương Vân Nga (thời Đinh), Nguyên phi Ỷ Lan (thời Lý), An Tư công chúa (được đem gả cho Thoát Hoan), Huyền Trân Công chúa gả cho vua Chiêm (thời Trần) và Ngọc Hân công chúa thời Lê gả cho Quang Trung.
Bên cạnh Lý Nhật Quang, Lý Thái Tông còn cử thêm Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương, hai vị hoàng tử từng tham gia loạn Tam Vương nhưng đã được Lý Thái Tông tha tội chết, điều này cho thấy tính chất trọng yếu cả về quân sự lẫn kinh tế của Nghệ An... 
Theo sử sách thì năm 1038, Lý Nhật Quang được cử về đôn đốc việc thu thuế tại Nghệ An; do tính nghiêm cẩn và liêm trực, ông không tơ hào của dân, nên ông rất được nhân dân Hoan Châu mến mộ. 

                             Lễ hội Đền Quả Sơn năm 2009...( Ảnh Báo Nghệ An ) 

Năm 1041 Lý Nhật Quang được bổ nhiệm làm tri châu Nghệ An; cột mốc năm 1041 hiện được Nghệ An lấy đó làm ngày thành lập tỉnh cho thấy vai trò và ảnh hưởng của Vương. Năm 1044, sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về, để thưởng cho Lý Nhật Quang, người đã có công đóng góp, cung ứng quân lương cho chiến dịch quân sự thị uy này, Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước Vương, ban cho ông Tiết Việt, Vương được tin cậy và uỷ thác, định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An. 
Lý Nhật Quang trị nhậm Nghệ An trong bối cảnh nhà Lý chưa bình ổn cả về nội trị lẫn ngoại giao. Trong nội bộ nhà Lý đã xảy ra những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử; nhiều vùng đất phiên trấn chưa chịu thần phục triều đình; nhiều cuộc phản loạn vẫn nổi lên đây đó. Trước khi Lý Nhật Quang về trị nhậm, riêng Nghệ An đã xảy ra 3 cuộc phản loạn vào các năm 1012, 1026, 1031; 2 lần Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông đã phải thân chinh đi đánh dẹp. Phía ngoài biên giới thì Chiêm Thành phía nam đã liên minh với nhà Tống phía bắc, thỉnh thoảng cho quân vào cướp phá Đại Việt. 
Sử sách còn ghi lại việc Ngô Nhật Khánh, phò mã của Ngô Vương Quyền, là một trong 12 sứ quân xây dựng căn cứ ở Đường Lâm nổi lên tranh giành với Đinh Bộ Lĩnh, sau khi bị thất bại, Nhật Khánh đã bí mật bắt tay với Chiêm Thành, với hy vọng mượn thế lực ngoại bang để tranh đoạt quyền lực. 
Mặc dù trước đó Đinh Bộ Lĩnh đã có nhiều biện pháp mềm dẻo như: lấy mẹ của Nhật Khánh và lập làm hoàng hậu; gả con gái cho Nhật Khánh; lấy em gái của Nhật Khánh cho con trai trưởng là Đinh Liễn, nhưng Nhật Khánh vẫn không chịu thần phục. Đại Việt sử ký toàn thư chép chuyện khi đưa vợ con đến Cửa Sót giáp giới với Chiêm Thành, Nhật Khánh đã lấy gươm xẻo má vợ là con gái Đinh Bộ Lĩnh và kể tội: “Cha mày lừa dối và hiếp tróc mẹ con ta, ta há lại vì mày mà quên tội của cha mày ư? Mày đi về để ta đi đằng khác để tìm người cứu ta”. 
Năm 979 lợi dụng Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết, Đinh Toàn nối ngôi còn nhỏ, Ngô Nhật Khánh cùng với 1000 chiến thuyền quân Chiêm đánh ra Hoa Lư. Rất may đội quân của Ngô Nhật Khánh đã bị gió bão đánh chìm. 
Khi được giao trị nhậm Nghệ An, Lý Nhật Quang đã trổ tài kinh bang tế thế: dùng uy để lập chế ngự, dùng ân để vỗ yên... Vương đã dùng chính sách khoan giản và an lạc: chính quyền thì khoan dung, giản dị và gần gũi dân, sửa đổi và minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân được no ấm, yên vui, hạnh phúc làm gốc của việc cai trị. 
Để phát triển kinh tế, Vương cho chiêu dụ dân lưu tán từ các vùng đất khác về khai khẩn đất hoang, lập ra nhiều làng ấp mới; Vương còn tiếp nhận tù binh Chiêm Thành lập nên nhiều làng ấp mới tại Tương Dương, Con Cuông để họ được sinh sống bình thường... 
Dưới thời Lý Nhật Quang trị nhậm, Nghệ An đã thu về thêm 5 châu, 22 trại, 56 sách. Theo Việt điện u linh do Lý Tế Xuyên viết dưới thời Trần, Nghệ An đã thành lập được 6 huyện, 4 trường, 60 giáp với 46.450 hộ, 54.364 đinh (được tính từ 18 tuổi trở lên). Lý Nhật Quang đã tiến hành hàng loạt những biện pháp khuyến nông như dạy cho dân mở mang nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển nhiều ngành nghề thủ công; cho xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi, khơi thông luồng lạch để tiện cho việc giao thông, buôn bán đường thuỷ. 
Lý Nhật Quang còn cho mở ra nhiều đường bộ giao thương đi đến nhiều vùng. Tương truyền, Lý Nhật Quang đã cho mở đường đến Đèo Ngang, ra châu Ái, ra Quỳnh Lưu, Quế Phong, Con Cuông, Yên Thành, sang tới biên giới Việt Lào. Con đường thượng đạo nối từ Đô Lương ra tới Thăng Long được xây dựng từ thời Lý Nhật Quang, nhiều đoạn trùng với đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh chống Mỹ... Lý Nhật Quang còn cho phát triển các ngành nghề liên quan tới quốc phòng như khai mỏ, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền. Các làng nghề rèn ở Nho Lâm (Diễn Châu), Trung Lương, Văn Chàng (Đức Thọ) có từ thời Lý Nhật Quang, trong thời bình thì sản xuất nông cụ, chiến tranh thì sản xuất vũ khí...
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang còn cho mở nhiều trường dạy học, đã có 18 người đỗ đại khoa trong thời kỳ Lý Nhật Quang làm tri châu tại Nghệ An, trong đó có 4 trạng nguyên, 3 thám hoa, 2 hoàng giáp, 5 tiến sĩ, 4 phó bảng... 
Cùng với sự nghiệp giáo dục, Lý Nhật Quang còn chăm lo phát triển văn hoá, cho xây dựng nhiều đền chùa; tại Bạch Đường, Lý Nhật Quang đã cho xây dựng 8 ngôi chùa, Chùa Bà Bụt, chùa Nhân Bồi được xây dựng từ thời Lý Nhật Quang được hương khói tới ngày nay. 
Tại xã Nhân Bồi hiện còn dấu tích của những nơi diễn trò hát xướng. Nhiều câu ví dặm lưu truyền đến ngày nay được cho là có từ những gánh hát dưới thời Lý Nhật Quang; những câu ví đò đưa, phường vải đã cho thấy sự sôi động của các hoạt động kinh tế văn hoá tại Nghệ An thời đó: 
Muốn ăn khoai sọ chấm đường
Xuống đây mà ngược đò Lường cùng anh
Đò Lường bến nước trong xanh
Gạo ngon lụa tốt bến thành ngược xuôi...
hoặc:
Đô Lương dệt gấm, thêu hoa
Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa ba đời
...Tiên Hồ, Tiên Xá bứt lá nung vôi
Phú Ninh nấu rượu, Quỳnh Côi đan bồ...
Về quân sự, Lý Nhật Quang xây dựng đội quân nghiêm thắng, “ngụ binh ư nông”, lúc cần thì tham gia chiến đấu, bảo vệ trật tự an ninh quốc gia, bảo vệ bờ cõi. Căn cứ thuỷ quân ở Lạch Cờn, Quỳnh Lưu do Lý Nhật Quang xây dựng đã có vai trò canh giữ cả một miền biển rộng lớn, ngăn chặn các cuộc xâm lấn của quân Chiêm Thành. Bên cạnh đội quân chủ lực, Lý Nhật Quang còn xây dựng các đội dân binh để bảo vệ trật tự trị an từ cơ sở làng xã. Dưới thời Lý Nhật Quang, triều đình không phải đưa quân trung ương vào đồn trú, lực lượng tại chỗ đủ sức đảm bảo xây dựng Nghệ An thành “thành đồng vách sắt”…
Dưới đường lối chính trị vương đạo, thân dân, Lý Nhật Quang đã tạo dựng nên bước ngoặt về chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng tại vùng đất Nghệ An. Vương đã dần cảm hoá, quy phục mọi tầng lớp nhân dân làm cho vùng đất phức tạp về dân cư, hiểm trở về địa hình địa mạo trở nên thuần hậu thống nhất, trù phú về kinh tế, lòng dân hoan lạc, yên vui. Từ mảnh đất phên dậu, dân chúng xưa nay nổi tiếng về sự ương ngược, ít khi chịu thần phục ai, Nghệ An trở thành căn cứ then chốt, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế và chỗ dựa về lòng người không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều đại Trần, Lê sau này. 
Suốt 19 năm Lý Nhật Quang trị nhậm Nghệ An, quân Chiêm không những không gây hấn mà còn sang triều cống đều đặn; khi Lý Nhật Quang qua đời, vua Chiêm đã cho lập đền thờ ở núi Tam Toà, cửa biển Thị Nại, Bình Định. 
Việt điện u linh kể lại việc xây dựng doanh trại ở trại Bà Hoà ( nam Thanh Hóa ), trại “đất rộng có thể chứa được ba, bốn vạn quân, kho tàng tiền lương đủ dùng trong ba năm. Ngoài ra ông đã đốc thúc nhân dân xây dựng thêm 50 kho thóc để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng.” Nghệ An từ vùng đất ki mi, dưới thời Lý Nhật Quang đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho “ngân sách” trung ương. 
Đường lối chính trị vương đạo: dựa vào lòng dân, khoan sức dân, biết hướng cho dân vào con đường làm ăn lương thiện, đề ra được nhiều chính sách, biện pháp thiết thực có lợi cho dân, quan tâm chia sẻ đến mọi lợi ích của nhân dân là cơ sở để Lý Nhật Quang đi được vào lòng người dân xứ Nghệ: Thương dân dân lập đền thờ; Hại dân dân đái sụp mồ, thấu xương... câu này tương truyền xuất hiện ở Nghệ An sau khi Lý Nhật Quang mất. Câu ca vừa nói lên tấm lòng của người dân xứ Nghệ đối với Lý Nhật Quang, vừa tỏ sự răn đe với các thế lực chính trị ác bá; Câu ca còn nói lên sự sòng phẳng đến cực đoan trong ứng xử của con người ở miền đất này: Được làm vua, thua làm giặc; Đã thương thì thương cho chắc, đã trục trặc thì trục trặc cho rồi...
Vào thời Trần khi rút chạy khỏi Thăng Long, trước thế mạnh của giặc, có người khuyên nên hoà, Trần Nhân Tông đã lấy nước viết vào đuôi thuyền câu thơ: Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ; Hoan Diễn đang tồn thập vạn binh... Câu thơ giống như một đòn bẩy xốc lại tinh thần quyết chiến của quan quân nhà Trần... Lê Lợi sau 8 năm khởi nghĩa tại đất Thanh Hoá không tiến triển, quay về Nghệ An dựa vào sức người sức của ở đây, chỉ một năm sau phản công ra tận Thăng Long...
Thần tích đền Quả Sơn nơi thờ chính Lý Nhật Quang ở Đô Lương- Nghệ An ghi: “Ngài ở châu 19 năm trừng trị bọn gian, khen thưởng người lương thiện, tổ chức khai khẩn đất hoang, chiêu mộ dân lưu tán để xây dựng lập thôn ấp mới... Thời Lý Nhật Quang trị nhậm, bọn vô lại im hơi, người dân về với Vương được yên ổn làm ăn. Ngài thường xuyên qua lại các vùng dạy cho dân cày cấy làm ăn, làm ruộng, chăn tằm, trồng cây cối, nuôi gia súc. Ngài đã cho thi hành nhiều chính sách có lợi cho dân, làm cho dân đoàn kết. Khi trong dân chúng xảy ra chuyện kiện tụng thì Ngài lấy liêm sỉ lễ nghĩa ra để giảng giải, giáo hoá để họ giác ngộ, không còn đi kiện tụng, yên ổn làm ăn...”
Về cái chết của Lý Nhật Quang chính sử ghi lại hết sức mơ hồ và sơ sài. Sách An Nam chí lược do Lê Tắc viết thời Trần ghi, Ngài theo Lý Thánh Tôn đánh dẹp Chiêm Thành quay về tới Bố Chính thì mất. Việt điện u linh ghi: Đêm Vương đang ngồi trong nhà thấy con quạ bay vào trong nhà 3 vòng sau đó sà vào lòng Vương và biến thành tờ giấy trắng. Đêm đó đi ngủ nằm mơ thấy sao Vũ Khúc trên trời đến mời Vương về trời làm quan, cũng ngay đêm đó vương đi nằm, không bệnh mà chết. 
Tại Nghệ An trong dân gian hiện đang lưu truyền nhiều truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại về cái chết của Lý Nhật Quang bởi Vương là người “sinh vi lương tướng tử vi thần”. Thần phả đền Quả Sơn ghi: sau khi đi đánh giặc Ông Kiệt, Lý Cát trở về, Ngài bị giải chức và có chiếu chỉ mời Vương về kinh”. Khi nghe tin ngài giải chức, nhân dân trong châu vịn vào cương ngựa mà khóc như cha mẹ mất, xin ngài ở lại chăn dắt muôn dân”. Vương phân vân, đêm ngủ mơ gặp bà hành khất khuyên không nên đi, sáng tỉnh dậy đi dạo ra đường Vương gặp đúng bà hành khất mơ đêm qua, bà nói với Vương: Bất thượng kinh, thượng kinh tất tử... 
Có truyền thuyết sau khi đánh giặc trở về đền hữu ngạn sông Lam, lúc qua sông không may ngài bị chết đuối; Vương bị chết đuối hay Vương tự trẫm mình xuống sông Lam? Bà Bụt giang tay vớt xác ông lên nên sau này, hai năm một lần mỗi khi ở đền Quả mở lễ hội vào tháng giêng bao giờ cũng có lễ trả ơn Bà Bụt: “Hai năm rước ngược, hăm mốt rước xuôi, lệ nhất định rồi 3 năm 2 khoá”, lễ tổ chức đoàn thuyền rước trên sông Lam... Truyền thuyết khác kể đánh giặc Lão Qua trở về, trên đường hồi kinh Lý Nhật Quang bị đánh thuốc độc chết... 
Thần phả ghi: Lý Nhật Quang mất vào ngày 17 tháng 8 năm 1057. Gạt bỏ lớp mây mù huyền thoại, chúng ta chắc chắn rằng: cái chết của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là cái chết không bình thường; sự thương cảm của nhân dân và nhiều nơi lập đền thờ là một minh chứng. Vậy Lý Nhật Quang bị triều đình bức tử, tự ông tìm đến cái chết hay ông chết do bị stress về chính trị? 
Sử sách không ghi Lý Nhật Quang sinh năm nào, nhưng nếu ông là hoàng tử thứ 8 thì ông phải sinh vào quãng 1010, như vậy ông mất chưa đến tuổi năm mươi... Theo chúng tôi ít có khả năng ông bị triều đình thủ tiêu vì Lý Thánh Tông lên ngôi vào năm 1054, vị vua này sinh năm 1023, đã ngoài ba mươi tuổi, là lứa tuổi có khả năng làm chủ bản thân; theo sử sách Lý Thánh Tông là một đấng minh quân, một ông vua nhân đức, biết thương dân. Nhiều khả năng Lý Nhật Quang tự tuẫn tiết, Vương đã gieo mình xuống sông Lam, do đó mới dẫn tới việc hàng năm nhân dân Bạch Ngọc, Đô Lương thường tổ chức lễ hội chèo thuyền trên sông Lam để đưa rước vong linh của Vương; người Việt thường có phong tục thờ cúng người quá cố ngay vị trí mà người đó qua đời... 
Việc Lý Nhật Quang cho quân đánh dẹp giặc Ông Bĩ, Ông Kiệt trước khi nhận được lệnh của Lý Thánh Tông, là việc cần thiết xét về mặt quân sự, nếu chậm có thể sẽ gây hậu quả khó lường. Lý Nhật Quang được trao quyền Tiết Việt, được toàn quyền định đoạt chính sự do vua đời trước là Lý Thái Tông trao. Thế tại sao Vương lại bị Lý Thánh Tông về dòng tộc là cháu quở phạt, giải chức, cho triệu hồi về kinh. Nếu Lý Nhật Quang tuân chỉ thì không thể không bẽ bàng trước việc mình bị xử phạt oan mặc dù không phạm luật; nếu không chịu hồi kinh, ở lại thì sẽ bị quy vào tội bất trung, bất tuân.

Phần mộ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang ở phía sau Đền Quả Sơn...
                                                       ( Ảnh P.V.Đ )
Dưới thời Lý, hàng năm vẫn tổ chức hội thề ở đền Đồng Cổ trên đường Thuỵ Khuê, Hà Nội với nội dung:Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần linh tru diệt. Việc làm này của Lý Thánh Tông đã đẩy Lý Nhật Quang vào tình thế: không còn sự lựa chọn nào vẻ vang hơn là cái chết. Bị xúc xiểm hay do bị hiểu nhầm, do bởi sự cẩu thả nào đó trong ứng xử: Vương ở xa, bận việc chưa kịp về vấn an “ông cháu” bây giờ là hoàng thượng, bề trên của mình vừa lên ngôi (Lý Thánh Tông lên ngôi 1054), nên bị dèm là “khi quân phạm thượng”
Hay cái chết của Vương là do sai lầm của Lý Thánh Tông, do tình thế lịch sử nào đó đã xô đẩy Lý Thánh Tông buộc phải sử dụng nước cờ “thí tướng”? 
Theo chúng tôi, việc luân chuyển Lý Nhật Quang nằm trong tính toán chính trị của Lý Thánh Tông; có lẽ Lý Thánh Tông không muốn một trọng thần nào bắt rễ quá sâu vào một vùng đất, Lý Nhật Quang đã ở Nghệ An 19 năm; mặt khác không một ông vua nào muốn tồn tại những trọng thần mà uy minh lấn át cả vua. 
Lý Thánh Tông không thể không e ngại khi dưới trướng của Lý Nhật Quang còn đó 2 ông chú, những người đang mang theo mình “tiền án” của việc tham gia vụ “loạn tam vương” năm xưa. Bất kỳ ông vua nào lên nắm giữ ngai vàng, việc đầu tiên cũng nghĩ đến: củng cố quyền lực, khẳng định quyền uy tối thượng, nếu không sẽ bị bật bãi. Không loại trừ khả năng Vương bị dám quần thần vô công rồi nghề dèm pha, xúc xiểm giống như Nguyễn Trãi sau này... 
Cái chết của Lý Nhật Quang, theo chúng tôi: không phải là một hành vi phản kháng tiêu cực vì danh phận chính trị bị tổn thương; Sự tuẫn tiết của Lý Nhật Quang là sự kích hoạt thái độ chính trị của dân Nghệ…Như vậy sự tuẫn tiết của Uy Minh Vương là sự chiến đấu, hy sinh nhằm bảo vệ cho một lý tưởng chính trị cao cả được sống còn. Chúng ta không tin một con người như Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lại tự huỷ hoại bản thân vì những tự ái vặt?! 
Lý Nhật Quang muốn quy tụ lòng thương xót của người dân xứ Nghệ đối với bản thân ông, để dựng thành một bức “tường lửa” bảo vệ đường lối chính trị mà ông đã thiết lập, chống lại căn bệnh “ung thư” chính trị: tân quan tân chính sách. Triều đình có thể phủ quyết Lý Nhật Quang nhưng không thể phủ quyết lý tưởng vương đạo, thân dân của ông. Việc nhân dân Nghệ An lập đền thờ Vương nhiều nơi là một cách tỏ thái độ với triều đình trung ương: sát cánh và trung thành với lý tưởng chính trị của Vương. Cái chết của Vương là cái chết gieo mầm cho sự sống, một cái chết hoá thành bất tử! Do đó sau này Lý Đạo Thành về trị nhậm, tỏ thái độ e dè với dân xứ Nghệ cũng xuất phát từ cơ sở của đó... 
( Ảnh: Báo Nghệ An )

P.V.Đ

Không có nhận xét nào: