Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

CÓ TÒA ĐỨNG RA XỬ, SAO THỦ TƯỚNG CÒN YÊU CẦU BỘ Y TẾ BÁO CÁO; THỦ TƯỚNG KHÔNG TIN TÒA HAY MUỐN CỨU BỘ TRƯỞNG QUÂN MÌNH ?; Biết thuốc giả, thuốc kém chất lượng mà vẫn nhập về bán là hành vi giết người; Tội ác giết người!; Khi Bộ trưởng Bộ Y tế viết báo!

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Vụ nhập khẩu thuốc chữa ung thư giả: Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo


N. Huyền



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Y tế báo cáo trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ về việc Công ty CP VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma)
Chiều nay 24/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc Công ty CP VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.
Theo đó, về việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.
Sở dĩ có chỉ đạo này là do, Tòa án nhân dân TP.HCM đang tiến hành xét xử vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Buôn lậu" xảy ra tại Công ty CP VN Pharma.
Theo cáo trạng, Công ty CP VN Pharma kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh. Từ năm 2013-2014, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) nhờ Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) môi giới mua thuốc tân dược của Công ty Helix Pharmaceuticals Canada để cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong số đó có 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Calet để chữa bệnh ung thư.
Vì không có hồ sơ kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Calet giả, hợp thức hóa hồ sơ để được cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc. Ngoài ra, các nhân viên của VN Pharma còn làm giả giấy tờ để được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu lô thuốc này.
Sau khi được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế duyệt đồng ý cho nhập hàng, tháng 4/2014, Công ty CP VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Calet. Nghi ngờ nguồn gốc chất lượng số thuốc trên, Cục Quản lý dược đã thanh tra công ty này và kiểm tra, niêm phong lô hàng trên không cho bán ra thị trường.
Cơ quan điều tra xác định Hùng thỏa thuận với Cường mua thuốc H-Capita với giá 27 USD/hộp. Sau khi được giá, Cường đặt mua thuốc từ một người nước ngoài tên Raymundo (chưa rõ lai lịch) với giá 18 USD/hộp. Là người đặt mua thuốc cho VN Pharma, nhưng Cường khai không biết nguồn gốc lô thuốc được sản xuất ở đâu.
Kết quả điều tra xác định, lô thuốc được chuyển từ Ấn Độ sang Singapore sau đó nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng chức năng xác định các giấy tờ, mã vạch chứng nhận chất lượng thuốc là giả. Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, Phó giám đốc Ngô Anh Quốc của Công ty CP Vn Pharma đã chỉ đạo nhân viên bán hàng chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để họ kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc do công ty VN Pharma cung cấp.


Trong nhóm bệnh ung thư, sử dụng “giả dược” với ý nghĩa điều trị bệnh, là hành vi giết người.

Trong ngành y có sử dụng cụm từ “placebo – giả dược”. Khái niệm placebo hay hiệu ứng placebo chính thức xuất hiện trên thế giới từ năm 1894, với nghiên cứu ban đầu là những viên thuốc không có dược chất trị bệnh. Sau này, hình thức placebo được mở rộng hơn thành các dạng như thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch hay thậm chí là phẫu thuật. Qua trình khám phá hiệu quả của placebo cho thấy hiệu ứng này thường tỏ ra hữu ích đối với các bệnh lý liên quan đến hoạt động của hệ thống thần kinh của con người. Các thống kê y học đã chỉ ra rằng, có từ 45 – 60% người đến với phòng khám là do tâm lý.

Tuy nhiên trong nhóm bệnh ung thư đang có phác đồ chữa trị, thì sử dụng “giả dược” với ý nghĩa của thuốc đặc trị, chính là hành vi giết người.



Nói lời sau cùng vào chiều ngày 23-8 trước khi hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. HCM nghỉ để nghị án, nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cho rằng trong vụ án này, bị cáo chỉ sai phạm về mặt thủ tục hành chính: “Bị cáo không phải là người biết và làm ra các giấy tờ pháp lý giả về nguồn thuốc ở Canada. 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg không phải là thuốc giả, bị cáo mua trúng phải lô hàng không đúng nguồn gốc. Mong hội đồng xét xử chấp nhận những tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được trở về với gia đình, xã hội và gây dựng lại công ty”.

Bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ - người được VN Pharma thuê viết hồ sơ thuốc) đã xin hội đồng xét xử xem xét bị cáo có phạm tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hay không. Bởi vì theo luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng bị cáo Thông chỉ làm một việc là dịch tài liệu kỹ thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt và biên soạn sắp xếp các thông số kỹ thuật cho phù hợp với yêu cầu của bộ hồ sơ nhập khẩu thuốc do Bộ Y tế quy định.

Về tố tụng hình sự, đúng là khi minh định rõ về “thuốc giả” và “thuốc kém chất lượng” sẽ giúp các bị cáo chịu tội danh và khung hình phạt thấp hơn. Thế nhưng trong nhóm bệnh ung thư, thì “thuốc giả” và “thuốc kém chất lượng” đều là thủ phạm giết người, chỉ khác mỗi chỗ là nhanh – chậm khác nhau. Điều này có thể xác định rõ là hàng tuần, báo chí vẫn hay thực hiện các bản tin kiểu: “Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa có văn bản gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc đối với thuốc… Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu…

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty XYZ phải phối hợp với nhà cung cấp và phân phối khẩn trương gửi thông báo thu hồi của Cục đến các địa điểm phân phối và sử dụng thuốc…, Số lô…; HD:…, SDK: VN-… và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc này. Đồng thời Công ty XYZ phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày…, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 09/2010/TT-BYT ngày 28/04/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y khoa TP.HCM) cho biết thuốc kém chất lượng cũng được xem là thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về thuốc giả như sau: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”.

Như vậy, thuốc giả theo WHO bao hàm cả thuốc kém chất lượng, là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng. Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, nói rộng hơn, thuốc kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Thuốc kém chất lượng có thể là thuốc có chứa hoạt chất nhưng thấp không đúng với hàm lượng thuốc đã đăng ký. Như thuốc amoxicillin 500mg kém chất lượng là thuốc mà 1 viên khi kiểm nghiệm chỉ chứa 400mg amoxicillin thay vì 500mg như đã đăng ký...

Theo báo cáo khoa học từ các chuyên gia, thực tế tình trạng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng phức tạp với số lượng lớn, từ loại thuốc phổ biến thông thường như kháng sinh, cảm cúm, đến loại đặc trị như ung thư, tim mạch. Thậm chí một báo cáo của WHO còn cảnh báo là đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỉ euro/năm, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.

Thuốc giả và thuốc kém chất lượng gây ra tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc giả, thuốc kém chất lượng còn gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Năm 2012, Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại cuộc họp lần thứ 80 tổ chức ở Việt Nam cũng cảnh báo rằng thuốc giả là mặt hàng siêu lợi nhuận và rất khó phát hiện. Châu Á là thị trường “béo bở” để thuốc giả lộng hành. Khi ấy, đại diện Interpol tại Việt Nam, đại tá Nguyễn Thị Minh Hòa, cũng cho hay trong chiến dịch truy quét dược phẩm giả tại Việt Nam mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều thuốc giả, chủ yếu tại TP.HCM. Đáng lo ngại là có nhiều loại mẫu giống nhau nhưng chất lượng không như công bố.

Liệu trong vụ án đang xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma có phải từng nằm trong tầm ngắm của đại diện Interpol tại Việt Nam, thế nhưng do có sự chống lưng của nhiều quan chức trong ngành y tế, nên phải mãi đến nay mới bắt đầu công khai dần trong bối cảnh ông Tổng bí thư đang hì hục ra sức quạt lửa lò?

Trúc Giang 

(VNTB)

Tội ác giết người!



Hoa Trinh
24-8-2017

Ảnh: Nhà Quản Lý

(NQL) – “Vụ việc nhập khẩu 9.000 hộp thuốc ung thư giả, là tội ác giết người hàng loạt chứ không phải đơn giản chỉ là tội buôn lậu hay làm giả chứng từ”.
LTS: Vụ việc “tập đoàn” tuồn thuốc ung thư giả vào bệnh viện mà kẻ cầm đầu là VN Pharma đã dấy lên nỗi phẫn nộ tột cùng của xã hội trong những ngày này. Một bài viết trên trang cá nhân của một nhà báo, xét thấy tiếp nối được dòng sự kiện và mối quan tâm của độc giả, có nhiều điều để suy ngẫm, Nhà Quản Lý xin giới thiệu đến bạn đọc.
Hôm nay, tôi vừa đọc bài báo của bộ trưởng Tiến, bài viết hay, cảm động: Áo blu trắng nhuốm máu. Hành động côn đồ của kẻ hành hung BS cần được nghiêm trị. Nhưng thưa Bộ trưởng, giá như chị viết một bài về thuốc ung thư giải và hàng trăm tỷ mà công ty dược VN Pharma chung chi cho ngành y tế thì toàn cảnh bức tranh y tế VN sẽ đầy đủ hơn.
Khao khát sống là bản năng của con người. Một bệnh nhân ung thư cũng khao khát sống cho dù với họ, khao khát đó phải trả giá bằng tháng ngày gian khổ chống chọi với bệnh tật bị sang chấn về mặt tinh thần, bị khuyết tật về thể xác, và tốn kém rất nhiều về tiền của.
Gian nan, chật vật, mà sự sống thì rất đỗi mong manh. Và đáng nói là, niềm khao khát sống, niềm tin của họ được giao trọn vẹn cho bệnh viện và các bác sỹ. Bởi đó là những người duy nhất có thể giúp họ kéo dài sự sống hoặc may ra thoát khỏi lưỡi hái của thần chết.
Ung thư theo quan niệm của rất nhiều người là án tử lúc nào cũng treo lơ lửng, nhưng ung thư không phải là chết là chấm dứt. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, chất lượng thuốc tốt ung thư bị khống chế, có thể kéo dài thời gian sống không bệnh cho bệnh nhân, 5, 10, 20, 30 năm. Điều này thực tế đã chứng minh. Và tôi là một trong bệnh nhân ung thư đã trải nghiệm, minh chứng cho điều đó.
Vậy mà người đứng đầu công ty dược đã thản nhiên nói, nhập thuốc ung thư giả là bình thường… Tôi nghe mà rợn cả mình!
Nó chỉ bình thường với bè lũ lợi ích, bởi họ rất hài lòng với việc đem tiền về túi. Thuốc ung thư giả có khác gì thuốc độc. Nó có thể tước đoạt đi cơ hội sống của bao nhiêu sinh mệnh. Vì vậy, nhập lậu thuốc, thuốc giả, để thuốc quá hạn… đều là hành vi của tội ác giết người hàng loạt, cần nghiêm trị.
Vì sao thuốc kém chất lượng vẫn ngang nhiên trúng thầu, đi lại tung tăng trong cơ thể bệnh nhân, trong khi quy chế đấu thầu thuốc vào bệnh viện là không dễ? Bởi hàng trăm tỷ của chỉ một công ty dược đã thao túng cả lương tâm từ bác sĩ đến người quản lý bệnh viện, đến các cơ quan có quyền khác nữa. Họ phải chung chi từ khâu duyệt, cấp vi da nhập khẩu, cấp phép lưu hành, cấp mã số được in trên bao bì. Rồi khâu xét duyệt thầu, có khi còn cho cả quân xanh, quân đỏ.
Chồng tôi là dược sỹ có thâm niên hơn 40 năm, nói, để xin được một số đăng ký thuốc được phép lưu hành trên thị trường vô cùng gian nan, có khi kéo dài hàng năm. Có được số đăng ký, mỗi loại thuốc nhập khẩu vào Việt Nam đều phải xin quota. Mỗi lần xin quota lại một lần xét duyệt nghiêm ngặt. Vậy tại sao hàng lậu, hàng giả vẫn tồn tại? Câu hỏi nhức nhối có lẽ câu trả lời lại không khó.
Bọn buôn lậu, hàng giả, xin cấp quota theo chuyến hàng. Chúng nhập khẩu thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn độ chất lượng kém, giá thành rẻ, biến hóa làm giả xuất xứ Canada, Mỹ để nâng giá thuốc mà vẫn lọt qua cửa Bộ y tế. Bộ Y tế đã không kiểm duyệt hay cố tình không biết để vẫn cấp phép lưu hành? Đây là câu hỏi mà dư luận muốn các nhà chức trách trả lời.
Khi nhóm lợi ích trong y tế được đồng tiền cầm tay chỉ lối, thì con đường đi đến nghĩa địa của bệnh nhân quả là rất gần.
Vụ việc nhập khẩu 9.000 hộp thuốc ung thư giả, là tội ác giết người hàng loạt chứ không phải chỉ là tội buôn lậu hay làm giả chứng từ.
Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi rất cần một lời giải thích, và cam kết khi bà còn là tư lệnh ngành. Có lẽ ảo tưởng chăng, khi mà văn hóa từ chức, hoặc cúi đầu xin lỗi dân sẽ không bao giờ xuất hiện ở Việt Nam.
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt.
Bình Luận từ Facebook

Ngô Nguyệt Hữu

23 giờ
Khi Bộ trưởng Bộ Y tế viết báo!
Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có bài viết trên VNExpress bàn về bác sĩ bị đánh. Một bài viết hoàn hảo mà có lẽ ai đó đã chấp bút theo ý của Bộ trưởng.
Là đau đớn, là dằn vặt, là rất nhiều thứ mẫn cảm thời cuộc trong tâm thế của người cầm bút. Thay vì sử dụng quyền hạn của mình để yêu cầu cơ quan công an can thiệp nhằm hạn chế tiến đến chấm dứt hẳn tình trạng tấn công bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế lại chọn cách tâm tình cùng độc giả.
Khi mà Bộ trưởng trải lòng về vấn đề này, thì hàng triệu người Việt Nám vẫn đang hoang mang với lô thuốc đặc trị ung thư giả của VN Pharma, với hàng trăm tỷ mà công ty này đã chi hoa hồng cho các lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ để tuồn thuốc vào bệnh viện.
Bất chấp, Bộ Y tế từng thể hiện bằng lời nói quyết tâm chống hoa hồng trong đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Và nay đã có bằng chứng, đó chính là cơ hội rất tốt để chấn chỉnh thay vì hô vang khẩu hiệu hay đơn thuần là "Khẩu thuyết vô bằng".
Hoa hồng là một uyển ngữ, bởi thật ra đó chính là đưa và nhận hối lộ, đó chính là lợi ích nhóm.
Tất cả những khoản tiền ấy, đều được tính vào giá thành thuốc mà người bệnh phải chi trả, là tiền của bệnh nhân cả.
Thay vì tâm sự với độc giả, có lẽ Bộ trưởng nên tranh thủ thời gian làm gì đó có ích hơn cho nhân dân, đúng với chức năng quyền hạn mà Bộ trưởng được giao phó. Hoặc chí ít là lên tiếng về vụ VN Pharma để trấn an dư luận.
Thời điểm mà áo blouse trắng của một ít bác sĩ nhuốm máu (chữ của Bộ trưởng) thì triệu triệu người bệnh nước mình áo của họ đã nhuốm đẫm nước mắt, túi tiền của họ đã nhuốm đẫm nhọc nhằn để dâng cho gian thương cấu kết cùng các y bác sĩ thoái hoá biến chất.
Cuối cùng, nếu Bộ Y tế vẫn hài lòng với công tác xây dựng hình ảnh, giữ gìn uy tín bằng các gói truyền thông với những cơ quan truyền thông thay vì hành động, tôi cho rằng sẽ rất khó để hy vọng hiện hữu.

Không có nhận xét nào: