Bộ GD&ĐT vừa ban hành kết luận thanh tra Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).
Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp này như: Tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; hợp tác đầu tư, thuê, cho thuê tài sản lòng vòng, thiếu minh bạch, nhiều lỗ hổng, sai phạm trong công tác cán bộ và quản lý tài chính…
Đó là những điều cần sớm được xử lý, chấn chỉnh tại một đơn vị doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.
Bài 1: Ký hàng loạt các quyết định bổ nhiệm không đúng thẩm quyền
Bộ GD & ĐT cho biết, trong 2 năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, về cơ chế giá sách giáo khoa, về thay đổi cán bộ chủ chốt, song NXBGDVN đã có nhiều cố gắng tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành nhiều loại sách và các sản phẩm bản đồ, tranh ảnh giáo khoa, thiết bị phục vụ giáo dục,... đáp ứng kịp thời yêu cầu dạy và học.
Vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, lợi nhuận năm 2015, 2016 đều cao hơn năm trước. Hằng năm, NXBGDVN được đánh giá doanh nghiệp xếp loại A. Tuy vậy, đáng tiếc là tại doanh nghiệp này lại xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm có tính lịch sử, kéo dài.
Về công tác tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ làm rõ, việc quản lý, điều hành của NXBGDVN đối với các Công ty thành viên, Công ty liên kết có nhiều nội dung chưa đúng quy định của Luật doanh nghiệp và không đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Mục 3 Chương III Nghị định số 69/2014/NĐ- CP, Chương IV Quyết định số 4169/QĐ-BGDĐT, Chương VI Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT.
NXBGDVN chưa xây dựng được đầy đủ hệ thống văn bản, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về công tác tổ chức cán bộ để thực hiện mối quan hệ giữa NXBGD miền và các công ty thành viên; kết nạp 1 đơn vị là công ty thành viên nhưng không xin phê duyệt chủ trương của Bộ GD&ĐT; chưa có thỏa thuận liên kết và thỏa thuận về sử dụng thương hiệu với các công ty liên kết theo quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT.

Hoạt động của Chủ tịch HĐTV, HĐTV có nhiều nội dung chưa tuân thủ đúng quy định. Cụ thể, chưa tách bạch chỉ đạo, điều hành giữa HĐTV và Tổng giám đốc. Ông Mạc Văn Thiện kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Uỷ viên HĐQT tại 3 công ty thành viên không đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp; ký nhiều văn bản không đúng thẩm quyền, thủ tục như: ký 13 quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo tại Công ty mẹ NXBGDVN không đúng thẩm quyền, ký 9 quyết định bổ nhiệm thuộc thẩm quyền nhưng không trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc; ký quyết định bổ nhiệm tại các công ty thành viên không đúng đối tượng và thẩm quyền quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; ký quyết định công nhận hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng của các công ty thành viên không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; ký thông báo về việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu đối với ông Phạm Văn Hồng, ký văn bản về việc phát hành sách giáo khoa song ngữ Việt - Anh và chỉ đạo việc bán 03 lô đất tại Đà Nẵng không đúng thẩm quyền).
Tổng giám đốc chưa xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của NXBGD miền trình HĐTV phê duyệt; ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự tại các công ty thành viên không đúng đối tượng và thẩm quyền quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; chưa kịp thời thực hiện nghĩa vụ thông báo về việc mình và những người có liên quan làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp và kê khai tài sản năm 2016 theo quy định.
Kiểm soát viên hoạt động thiếu hiệu quả, chưa kịp thời phát hiện các thiếu sót, sai phạm của HĐTV, Tổng giám đốc, các đơn vị của NXBGDVN; ký văn bản dưới hình thức “Ban” không đúng quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT
Có 29 người kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT tại các công ty thành viên nhưng không thực hiện cử đại diện phần vốn góp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; có 4 thành viên HĐTV kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý tại các Công ty thành viên không đúng quy định tại Nghị định số 97/2015/NĐ-CP.
Quá trình thanh tra còn cho thấy, NXBGDVN đã tuyển dụng 10 người (tại Cơ quan Văn phòng, Viện Nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục, NXBGD tại Hà Nội, NXBGD tại TPHCM, NXBGD tại Cần Thơ) chưa đúng theo quy định tại Quyết định số 512/QĐ-NXBGDVN; ký 47 hợp đồng khoán gọn không đúng quy định của Bộ luật Lao động; 16 trường hợp do NXBGD tại Đà Nẵng, NXBGD tại Cần Thơ, NXBGD tại TPHCM ký hợp đồng khoán gọn không qua tuyển dụng không đúng quy định tại Quyết định số 512/QĐ-NXBGDVN; Tổng GĐ Vũ Văn Hùng ký 22 hợp đồng lao động chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ luật Lao động; 1 trường hợp do Tạp chí Toán tuổi thơ ký Hợp đồng liên tiếp 4 lần dưới 1 năm không đúng quy định tại Quyết định số 512/QĐ-NXBGDVN và Bộ luật Lao động.
Trong khi NXBGDVN chưa có văn bản quy định việc kéo dài thời gian công tác để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống thì đã thực hiện kéo dài thời gian công tác cho 12 người trong năm 2015, 2016 chưa theo quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Nhiều công ty không có cổ tức trong 2 năm
Về công tác quản lý tài chính, kết quả Thanh tra làm rõ, mặc dù thương hiệu của NXBGDVN là tài sản vô hình có giá trị lớn nhưng NXBGDVN chưa có Quy chế quản lý thương hiệu chung; chưa có thỏa thuận liên kết, quy chế hoạt động chung trong các công ty thành viên theo đúng quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT, Nghị định số 69/2014/NĐ-CP.
 Các văn bản về công tác quản lý tài chính chưa được ban hành đầy đủ; chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn; kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của công ty mẹ - công ty con theo đúng quy định tại Quyết định số 4169/QD-BGDĐT, Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015, 2016 chậm.
Chưa xây dựng đầy đủ tiêu chí phân bổ các khoản chi phí chung cho từng mảng hoạt động; chưa kịp thời đánh giá hàng tồn kho để đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả; chưa xây dựng phương án huy động nguồn tài chính để giảm bớt rủi ro cho thanh toán các khoản nợ phải trả của đơn vị.
Quá trình đầu tư còn dàn trải, còn đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh ở một số lĩnh vực. Đầu tư vốn vào nhiều công ty không hiệu quả, nhiều công ty liên tiếp không có cổ tức trong 2 năm.
Trong tổng số 54 công ty có vốn đầu tư của NXBGDVN, có 36/54 công ty có chi trả cổ tức cho NXBGDVN, có 18/54 công ty hoạt động không hiệu quả, không có cổ tức để chi trả (tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại 18/54 công ty không có cổ tức là 192,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35% tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại các công ty).
Tại thời điểm 31-12-2016, NXBGDVN có vốn đầu tư tại 52 công ty với tổng giá trị đầu tư 546,5 tỷ đồng. Trong tổng số 52 công ty NXBGDVN có vốn đầu tư, có 35/52 công ty chi trả cổ tức cho NXBGDVN, có 17/52 công ty không chi trả cổ tức (Tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại 17 công ty không trả cổ tức là 178,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32,6% trên tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại các công ty).
NXBGDVN thoái vốn chậm tại 31 công ty, có một số đơn vị được đầu tư hoạt động thua lỗ liên tiếp. Bị xử phạt vi phạm hành chính về việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Miễn phí quản lý xuất bản, cho phép Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Công nghệ Việt Nam không phải trả bản quyền tác giả sách giáo khoa khi phát hành 41 đầu sách song ngữ Việt - Anh chưa có căn cứ, thiếu minh bạch.
Những lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý tài sản
Về quản lý sử dụng (QLSD) tài sản, NXBGDVN chưa kịp thời xây dựng, ban hành Quy chế về QLSD tài sản theo quy định; chưa cụ thể hóa đầy đủ trong hệ thống văn bản nội bộ việc giao nhiệm vụ, việc phân cấp trong QLSD tài sản cho các NXBGD miền và các đơn vị trực thuộc; lập hồ sơ QLSD tài sản, xác định nguyên giá của tài sản cố định chưa đầy đủ theo đúng quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC; chưa thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch trong QLSD tài sản; chưa xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong QLSD vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 Chưa xác định đầy đủ giá trị của các tài sản cố định vô hình quyền sử dụng đất, bản quyền tác giả theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC. Mua thêm xe ô tô vượt số lượng, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; hồ sơ thực hiện việc mua sắm, bàn giao xe đưa vào sử dụng có nhiều sai sót về trình tự, thủ tục.
Về việc đầu tư, QLSD Dự án tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM, Thanh tra Bộ làm rõ: NXBGDVN không trình Bộ GD&ĐT phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP; chấp thuận để 2 công ty con góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, không tiến hành đánh giá lại tài sản vi phạm quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC; phê duyệt tổng mức đầu tư dự án chưa đảm bảo tính khả thi về việc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2005; không thực hiện việc xác định nguyên giá tài sản vô hình quyền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC; giao đơn vị không có chức năng ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng cho thuê tòa nhà; việc góp vốn, xác định tỷ lệ phân chia lợi nhuận, xác định giá thành cho thuê không rõ căn cứ, thủ tục lòng vòng, thiếu minh bạch; có nhiều vi phạm trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư.
 Việc đầu tư Dự án tại số 187B Giảng Võ, Hà Nội: NXBGDVN không xin ý kiến Bộ GD&ĐT khi thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp chi phối của NXBGDVN tại Công ty IP Việt Nam; khi đề xuất thực hiện việc thoái vốn chưa xem xét, làm rõ giá trị pháp lý của nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh về phần lợi nhuận được hưởng từ lợi thế thương mại của khu đất; quá trình triển khai Dự án kéo dài.
Việc thực hiện thuê và cho thuê tài sản có nhiều thiếu sót, sai phạm liên quan đến ký kết hợp đồng, không qua thẩm định giá tài sản; không công khai thông tin; chưa thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch trong QLSD tài sản; chưa xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong QLSD vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định.
NXBGDVN được thành lập năm 1957, là doanh nghiệp nhà nước do Bộ GD&ĐT nắm giữ 100% vốn điều lệ; được thí điểm chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 102/2003/QĐ-TTg ngày 21-5-2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3961/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 28-7-2003 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; được chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu từ ngày 06-7-2010 theo Quyết định số 2749/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc chuyển Công ty mẹ - NXBGDVN. NXBGDVN hoạt động kinh doanh đa ngành, nghề, trong đó lĩnh vực sách và thiết bị giáo dục là chính.
52 công ty cổ phần có vốn góp của NXBGDVN, gồm: 11 công ty có tỷ lệ vốn góp trên 50% (gọi là các công ty con, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT); 26 công ty có tỷ lệ vốn góp từ 20 đến 50%, 15 công ty có tỷ lệ vốn góp dưới 20% (gọi là các công ty liên kết, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT). 9 công ty không có vốn góp của NXBGDVN (gọi là các công ty tự nguyện liên kết, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 1 Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT).
Thu Phương

Kỳ II:

Thanh tra "lò ấp" tiến sĩ, thạc sĩ: Tiến sĩ kinh tế hướng dẫn NCS quản lý giáo dục

Dân trí Một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất, đáng lo ngại nhất của Học viện Khoa học Xã hội về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ là phân công hướng dẫn NCS "râu ông nọ cắm cằm bà kia", một giáo sư hướng dẫn đồng thời 12 nghiên cứu sinh .

Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội.
Dân trí tiếp tục phản ánh phần II của bài: Choáng với kết luận sai phạm của "lò ấp" tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội.
Tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, trong thông báo tuyển sinh trình độ tiến sỹ của Học viện Khoa học Xã hội có nội dung về điều kiện dự tuyển của nhiều ngành/chuyên ngành khác với ngành/chuyên ngành đăng ký được dự tuyển nghiên cứu sinh không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Cụ thể, người có bằng thạc sỹ các ngành Chính trị học, Hành chính học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý khoa học và công nghệ được dự tuyển cả 04 chuyên ngành Luật (Luật hiến pháp và Luật hành chính, Luật Hình sự và tố tụng hình sự, Luật kinh tế, Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm); Người có bằng thạc sỹ ngành Chính sách công, Quản lý công được dự thi chuyên ngành Kinh tế quốc tế…
Danh mục hướng nghiên cứu, đề tài kèm theo thông báo tuyển sinh của nhiều ngành chưa có đầy đủ thông tin về họ tên, học vị, chức danh người có thể hướng dẫn, số lượng NCS có thể nhận nghiên cứu. Được biết, tổng số NCS trúng tuyển năm 2015 của Học viện là 350. Năm 2016 là 400 NCS.
Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra xác xuất hồ sơ của 12 NCS trúng tuyển năm 2016 cho thấy, phiếu đánh giá hồ sơ của thí sinh của cả 05 thành viên của tiểu ban chuyên môn chỉ cho điểm đánh giá bài luận về dự định nghiên cứu, không cho điểm hồ sơ trên phiếu đánh giá (kết quả học tập ở trình độ đại học, thạc sĩ; trình độ ngoại ngữ, thành tích nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm hoạt động chuyên môn; ý kiến nhận xét đánh giá và ủng hộ thí sinh trong hai thư giới thiệu), chưa tổng hợp đầy đủ kết quả điểm đánh giá trong Biên bản theo quy định.
Chưa xây dựng ban hành xây dựng chuẩn đầu ra với chuyên ngành tiến sĩ
Đối với tổ chức quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội, theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT thì trong tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần theo đúng quy định; các học phần ở trình độ tiến sĩ không có các học phần lựa chọn theo đúng quy định. Về khối lượng kiến thức tối thiểu, tất cả các CTĐT đều có cấu trúc chương trình gồm 16 tín chỉ cũng chưa đúng quy định.
Một số chương trình đào tạo được Học viện thiết kế chung cho cả 4 ngành đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung hoàn toàn giống nhau.
Đặc biệt, Học viện chưa xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra của các ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử theo đúng quy định.
Giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh
Về tổ chức, quản lý đào tạo, theo kết luận Thanh tra, Học viện phân công nhiều người hướng dẫn NCS vượt quá số lượng (Ví dụ: GS.TS Võ Khánh Vinh hướng dẫn 12 NCS; TS Phạm Hữu Nghị hướng dẫn 6 NCS; PGS.TS Nguyễn Như Phát hướng dẫn 8 NCS; PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương hướng dẫn 9 NCS; TS Đặng Vũ Huân hướng dẫn 7 NCS; TS Đặng Quang Phương hướng dẫn 6 NCS; TS Hồ Ngọc Hiển hướng dẫn 6 NCS; PGS.TS Hồ Sỹ Sơn hướng dẫn 9 NCS; PGS.TS Bùi Quang Tuấn hướng dẫn 8 NCS; TS Phí Vĩnh Tường hướng dẫn 6 NCS; …
Kiểm tra danh sách hướng dẫn NCS ngành Quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định như tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành Quản lý giáo dục; Tiến sĩ ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 NCS ngành Dân tộc học.
Từ năm 2016, Học viện đã tự in phôi bằng. Số phôi bằng đã in năm 2016 là 400 phôi bằng tiến sĩ và 1.710 phôi bằng thạc sĩ.
Kiểm tra sổ cấp phát văn bằng cho thấy còn có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ; nhiều mục chưa có đầy đủ các thông tin theo đúng quy định.
Đặc biệt, khi kiểm tra xác suất 05 hồ sơ NCS thì có 3/5 hồ sơ NCS có bằng thạc sĩ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành/chuyên ngành NCS đang học hoặc đã tốt nghiệp, ví dụ: NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, trúng tuyển NCS ngành Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật, đã được cấp bằng tiến sĩ.
NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý hành chính công trúng tuyển NCS ngành Luật hiến pháp và luật hành chính năm 2016. NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ trúng tuyển NCS ngành Luật kinh tế năm 2016.
Luận án thiếu xác nhận của người hướng dẫn, thiếu ý kiến nhận xét của người phản biện
Theo báo cáo tự rà soát của Học viện Khoa học Xã hội, số NCS có bằng thạc sĩ ngành khác với chuyên ngành đã được xét tuyển năm 2015 là 48 NCS, năm 2016 là 41 NCS.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kiểm tra một số hồ sơ quản lý đào tạo NCS cho thấy nhiều hồ sơ bản nhận xét tóm tắt luận án tiến sĩ không ghi ngày tháng, không ký tên; Đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của NCS không ghi ngày tháng năm, không có họ tên NCS và không có các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành… nhưng lại có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn; nghị quyết của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện không ghi ngày ban hành.
Hay như hồ sơ của NCS P.T.A, chuyên ngành Luật hiến pháp và Luật Hành chính cho thấy không có kế hoạch học tập và nghiên cứu của NCS; Phiếu nhận xét luận án tiến sĩ cấp cơ sở của phản biện 1 PGS.TS Nguyễn Minh Mẫn không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho NCS bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét.
Hồ sơ của NCS C.X.V, NCS L.H.D chuyên ngành Tội phạm học và điều tra tội phạm: Đơn xin bảo vệ luận văn cấp cơ sở, nhận xét của người hướng dẫn không ghi ngày tháng; Bản giải trình ngày 02/2/2015 về việc bổ sung và sửa chữa luận án sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở không có ý kiến đồng ý và ký xác nhận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở theo quy định.

Luận án tiến sĩ không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho NCS bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét.
Luận án tiến sĩ không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho NCS bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét.
Hồ sơ của NCS N.T.T, ngành Luật Hiến pháp và Luật hành chính: Giám đốc Học viện phê duyệt đồng thời hai văn bản trình trong cùng ngày 14/7/2015 về dự kiến người phản biện độc lập khác nhau, Bản nhận xét tóm tắt luận án không ghi ngày tháng, không có xác nhận chữ ký của người nhận xét.
Thậm chí, một số biên bản chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở, cấp Học viện không ghi đầy đủ thông tin của buổi bảo vệ theo quy định, nhất là phần NCS trả lời các câu hỏi của Hội đồng.
Được biết, tổng số NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Học viện, năm 2015 là 281 luận án, năm 2016 là 265 luận án, năm 2017 (tính đến tháng 4/2017) là 46 luận án.
Chấn chỉnh công tác tuyển sinh đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của toàn Viện Hàn lâm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện và địa điểm đào tạo của Học viện gửi Bộ GDĐT để thực hiện thống nhất theo quy định.
Chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Học viện Khoa học xã hội; có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm.
Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.
Đối với Học viện Khoa học xã hội, Thanh tra Bộ yêu cầu, thực hiện việc xác định lại chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 và chỉ tiêu hằng năm theo đúng quy định. Chỉ được tổ chức tuyển sinh, đào tạo ngoài trụ sở chính sau khi có văn bản đồng ý của Bộ GDĐT.
Thông báo tuyển sinh đầy đủ thông tin theo quy định. Rà soát toàn bộ hồ sơ NCS có văn bằng thạc sĩ của ngành/chuyên ngành khác với ngành/chuyên ngành (đang học NCS hoặc đã tốt nghiệp), có giải trình cụ thể đối với từng trường hợp kèm theo minh chứng về việc học chuyển đổi, bổ sung kiến thức theo yêu cầu của ngành/chuyên ngành và đề xuất phương án xử lý, báo cáo Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục đại học) trước ngày 30/8/2017.
Rà soát, có phương án xử lý đối với các trường hợp phân công hướng dẫn luận văn, luận án vượt quá số lượng quy định. Chấn chỉnh công tác phân công hướng dẫn luận văn, luận án...
Kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.
Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GDĐT (qua Thanh tra) trước ngày 30/9/2017.
Hồng Hạnh


Công bố hàng loạt sai phạm tại 'lò đào tạo tiến sĩ' từng cho ra lò 700 tiến sĩ 1 năm


In bài viết
Tại Học viện Khoa học xã hội, có thời điểm tính bình quân 1 ngày sẽ đào tạo ra 1 tiến sĩ
   Trong kết luận thanh tra, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã nêu rõ hàng loạt sai phạm trong công tác đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội.
Ngày 26.8, Bộ GD-ĐT đã có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội (KHXH), vấn đề khiến nhiều người bức xúc trong thời gian qua.
Chia sẻ với phóng viên trước đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết Học viện KHXH không công bố toàn văn luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ trên website của đơn vị này là vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 36 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Trong quy chế, Bộ GD-ĐT đã quy định quy trình đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ. Trong đó có việc cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót…
Hiện nay, Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam được giao đào tạo 36 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 36 chuyên ngành trình độ tiến sĩ với quy mô đào tạo thời điểm tháng 12.2016 là 3.595 người (nghiên cứu sinh là 1.131 và học viên cao học là 2.464).
Trong bản kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT đã ghi rõ: Năm 2017, Học viện KHXH đã tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đối với trình độ tiến sĩ khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (I) và khối ngành nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin; Dịch vụ xã hội; Khách sạn, du lịch, thể thao và du lịch cá nhân; Dịch vụ vận tải; Môi trường và bảo vệ môi trường; An ninh - Quốc phòng (VII).
Theo quy định hiện hành, nếu chỉ tính riêng đội ngũ cơ hữu của Học viện KHXH thì năm 2017 đơn vị không còn năng lực tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ khối ngành I; vượt 33 chỉ tiêu thạc sĩ với khối ngành kinh doanh quản lý, pháp luật và 53 chỉ tiêu thạc sĩ với khối ngành VII.
Ngày 30.4.2017, Học viện có Công văn số 113/HVKHXH gửi Bộ GD-ĐT đề nghị xác định lại chỉ tiêu của Học viện KHXH, theo đó số lượng chỉ tiêu giảm xuống còn 435 chỉ tiêu tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ.
Đề tài bảo vệ tiến sĩ được dư luận cho là ở tầm cỡ tiểu luận ở các trường ĐH
Đối với tổ chức tuyển sinh, theo thông báo của Học viện KHXH, có nhiều trường hợp đã được Học viện xác định là ngành gần và được phép học bổ sung kiến thức để dự thi đào tạo trình độ thạc sỹ, không thuộc khối ngành quản trị, quản lý theo đúng quy định.
Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra, Học viện KHXH không cung cấp được minh chứng về việc Hội đồng khoa học và đào tạo của Học viện đã tổ chức họp, xác định các ngành/chuyên ngành phù hợp và ngành/chuyên ngành gần được học bổ sung kiến thức để dự tuyển vào các chuyên ngành luật và một số chuyên ngành khác như nội dung đã giải trình.
Đối với công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ, các sai phạm của Học viện KHXH cũng được chỉ ra như: Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo đúng quy định; Phân công người hướng dẫn luận văn thạc sĩ vượt quá số lượng quy định; phân công thành viên hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ vi phạm quy định; Đặc biệt, phân công người hướng dẫn nghiên cứu sinh không cùng ngành/chuyên ngành với nghiên cứu sinh đã đăng ký; số lượng nghiên cứu sinh đang hướng dẫn tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định...
Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Viện Hàn lâm KHXH VN chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Học viện KHXH, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm. Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm bị nêu trong kết luận thanh tra.
Khẳng định sẽ ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết hiện nay Bộ đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới thay thế quy chế hiện hành.
Quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế mới những điều khoản để tăng cường kiểm tra, trách nhiệm giải trình của cơ sở trong quá trình đào tạo tiến sĩ.
Các cơ sở đào tạo cũng sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sĩ đang làm việc tại cơ sở.
Trước đó, Viện Hàn lâm KHXH VN là đơn vị được cho là "lò đào tạo tiến sĩ" khi đào tạo hàng loạt các tiến sĩ vượt quá chỉ tiêu đăng ký của trường. Thậm chí trong năm 2015-2016, trường đã cho ra lò tới 700 tiến sĩ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Dạ Thảo

3 năm "luyện" hơn 1.100 tiến sĩ?


27/08/2017 22:32

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận về nhiều sai phạm của Học viện Khoa học Xã hội về chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ

Học viện Khoa học Xã hội (KHXH) thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam được giao đào tạo 36 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 36 chuyên ngành trình độ tiến sĩ (TS).
"Ôm" giáo sư của toàn Viện Hàn lâm KHXH
Năm 2015, học viện có đội ngũ giảng viên cơ hữu theo báo cáo tự kê khai gồm: 21 giáo sư (GS), 152 phó giáo sư (PGS), 3 TS khoa học và 160 TS. Học viện tự xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo trình độ TS là 350 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.600 chỉ tiêu.
3 năm luyện hơn 1.100 tiến sĩ? - Ảnh 1.
Bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội Ảnh: YẾN ANH
Năm 2016, đội ngũ giảng viên cơ hữu tự kê khai của học viện gồm: 19 GS, 197 PGS, 196 TS. Học viện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TS 400 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ 1.600 chỉ tiêu. Năm 2017, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo tự kê khai của học viện để xác định chỉ tiêu gồm: 21 GS, 184 PGS, 249 TS. Học viện đăng ký trình độ TS là 450 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.740 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đội ngũ giảng viên cơ hữu được học viện kê khai để xác định chỉ tiêu tuyển sinh bao gồm các cán bộ nghiên cứu của toàn Viện Hàn lâm KHXH (gồm cả cán bộ của Học viện KHXH và cán bộ của các viện, các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH). Tại tháng 1-2017, Viện Hàn lâm KHXH có 21 GS, 174 PGS và 258 TS. Cùng thời gian này, đội ngũ giảng viên của Học viện KHXH chỉ có 7 PGS và 17 TS.
Chương trình đào tạo không bảo đảm yêu cầu
Về tổ chức, quản lý đào tạo, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiểm tra xác suất 2 hồ sơ thành lập hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ năm 2016 ngành quản lý giáo dục. Kết quả cho thấy PGS-TS Trần Minh Tuấn (ngành kinh tế học), GS-TS Vũ Văn Dũng (ngành tâm lý học), PGS-TS Nguyễn Thị Mai Lan (chuyên ngành tâm lý học), PGS-TS Trần Thị Minh Hằng (ngành tâm lý học) không đủ điều kiện tham gia hội đồng (không cùng ngành/chuyên ngành với học viên) theo quy định.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cho biết qua kiểm tra cho thấy số lượng nghiên cứu sinh (NCS) đang hướng dẫn tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định tại điều 25 Quy chế đào tạo trình độ TS ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT).
Kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành luật, ngành chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá số lượng quy định. Một trường hợp được giao hướng dẫn 44 học viên của 3 ngành khác nhau. Một số trường hợp khác hướng dẫn cùng lúc 18, 11, 10 hoặc 9 học viên. Trong khi theo quy định có hiệu lực vào thời điểm đó, người có chức danh GS được hướng dẫn tối đa cùng lúc 7 học viên. Với PGS hoặc TS thì số lượng học viên được hướng dẫn còn ít hơn.
Trong đào tạo TS cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Tại một thời điểm có người có học hàm GS cùng hướng dẫn 12 NCS, PGS hướng dẫn 9 NCS, TS hướng dẫn 7 NCS. Trong khi đó quy chế chỉ cho phép 1 GS được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 NCS, PGS không quá 4 NCS và TS không quá 3 NCS.
Trong 3 năm từ 2015-2017, học viện tuyển sinh hơn 1.100 TS nhưng chương trình đào tạo của Học viện KHXH lại không bảo đảm yêu cầu theo quy chế. Tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần mà quy chế yêu cầu. Một số chương trình đào tạo được học viện thiết kế chung cho cả 4 đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung giống nhau.
Học một đằng, bằng một nẻo
Kiểm tra danh sách hướng dẫn NCS ngành quản lý giáo dục, thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện nhiều trường hợp phân công hướng dẫn chưa đúng quy định. Ví dụ, người ở ngành kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành quản lý giáo dục...
Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ NCS thì 3 có bằng thạc sĩ không phải ngành đúng và phù hợp với ngành/chuyên ngành NCS đang học hoặc đã tốt nghiệp. Khi tổ chức hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp có trường hợp người tham gia hội đồng không cùng ngành/chuyên ngành với học viên.
NHÓM PHÓNG VIÊN