Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Hoàng Ngọc Giao - Chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Quốc khánh 2/9/2017 – Trung Quốc đưa quân vào tập trận bắn đạn thật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng 75 hải lý.

Ảnh đại diện của Giao Hoàng, Trong hình ảnh có thể có: 1 người
LS. TS Hoàng Ngọc Giao
Năm 2014 – Dàn khoan 981

Ngày 1/5/2014 TQ đưa dàn khoan 981 vào vùng Đặc quyền kinh tế/ thềm lục địa của Việt Nam.

Nhân dân phẫn nộ. Nhiều người dân xuống đường phản đối. Nhiều cuộc xuống đường đã bị ngăn chặn, Một số người đã bị hành hung. Nhiều người đã bị bắt lên xe bus đưa về đồn công an.

Năm 2014, chính quyền Việt Nam đã làm gì?

Việt Nam đã triệu Đại biện sứ quán Trung Quốc lên trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ vệ.

Ngày 12 tháng 5, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng lãnh sự Trung Quốc Sài Văn Duệ đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự và nhiều lượt máy bay trinh sát, quân sự hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày 11 tháng 5 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

Ngày 13 đến 15 tháng 5, thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh để “trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước”.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước….

Ngày 15 tháng 5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc

Ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông”.

Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.

Năm 2017 – Quốc khánh Việt Nam – Trung quốc đưa quân vào tập trận bắn đạn thật (28/8 – 4/9/2017) tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng 75 hải lý, cấm tầu bè của ta trong một vùng biển hơn 11000 Km2.

Năm 2017, chính quyền Việt Nam đã làm gì?

31/8/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Lập trường của VN là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.

Như vậy, sau 03 ngày Trung quốc mang quân vào nổ súng trong Vùng Biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng Việt Nam mới chỉ tuyên bố là ‘hết sức quan ngại’, là ‘mọi hoạt động của nước ngoài… cần phải tuân thủ LPQT’, và ‘đề nghị TQ chấm dứt và không lặp lại hành động này'(!)

Tuyên bố như vậy, quá yếu ớt, nếu như không nói là với tâm thức sợ hãi ! Giặc vào nhà, nhưng vẫn đề nghị giặc đừng làm thế, nên tôn trọng pháp luật!

Đành rằng Việt Nam phải nỗ lực để không để xẩy ra chiến tranh. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, không thể giữ hòa bình bằng cách chấp nhận cho ngoại bang xâm lăng bờ cõi, biển đảo mà cha ông chúng ta đã bảo toàn bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ ! Chưa đủ sức đối đầu với kẻ xâm lược bằng vũ lực, Việt Nam vẫn có thể đối đầu với Trung Quốc bằng pháp lý, bằng đấu tranh ngoại giao để bảo vệ bờ cõi biển đảo!

Nếu như trong những ngày tới Chính quyền Việt Nam không có những hành động đấu tranh ngoại giao trực diện với Trung Quốc, cũng như trên các diễn đàn quốc tế, và đặc biệt là tại Liên Hợp quốc – thì có thể thấy rõ sự yếu đuối, sợ hãi của Chính quyền lần này được thể hiện rõ nét hơn rất nhiều so với sự kiện Dàn khoan 981 năm 2014.

Đánh giá hành vi của Trung Quốc từ năm 2014

Theo dòng sự kiện từ năm 2014 đến nay, không khó khăn để thấy rằng hành động của Trung Quốc ngày càng lấn tới cả về mặt không gian trên biển (xâm chiếm trọn Biển Đông và các đảo Hoàng Sa và Trường Sa) cũng như cường độ và tính chất hành vi xâm lấn (tuyên bố cấm đánh bắt hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, đưa dàn khoan ở các vùng biển Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam; quân sự hóa các đảo/bãi đá thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; dùng các loại tầu săn đuổi, đánh chìm tầu cá của ngư dân Việt nam; ngăn cấm, buộc Chính quyền Việt Nam chấm dứt hợp tác với các nước khác thăm dò khai thác dầu khí trên Thềm lục địa Việt Nam; và lần này, tập trận bắn đạn thật ngay trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Việt Nam). Đặc biệt nghiêm trọng, trong tháng 8/2017, Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật, diễn tập đổ bộ tại vùng biển quần đảo Lôi Châu, phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, theo hướng về phía Tây, sát với biện giới Việt Nam, với sự tham gia của đầy đủ hải, lục, không quân. Trên mặt trận truyền thông, không ít những phát biểu của tướng lĩnh/chính khách Trung Quốc đã lớn tiếng cho rằng đánh thắng Việt Nam trong thời gian ngắn, hù dọa/răn đe cho rằng Việt Nam lôi kéo Hoa Kỳ và các nước khác để chống Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ngay từ năm 2014 – dư luận công chúng đã mong muốn Chính quyền Việt Nam phải có hành động pháp lý chống lại những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính phủ Việt Nam cũng đã từng tuyên bố để ngỏ khả năng khởi kiện Trung Quốc ra trước các cơ quan tài phán quốc tế. Philippines đã đi trước Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc. Các kết luận trong Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế – là rất có lợi cho Việt Nam để tham chiếu nếu khởi kiện Trung quốc. Không hiểu vì lý do gì, Chính quyền Việt Nam cho đến nay dường như bỏ qua việc khởi kiện Trung Quốc!

Phải chăng, vì thế mà Chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhún nhường, không dám đối đầu trực diện về mặt pháp lý và ngoại giao với Trung Quốc?

Mong sao, Chính quyền Việt Nam ngộ ra một thực tế là: Việt Nam càng lùi bước, Trung Quốc càng lấn tới ! Nếu Việt Nam tiếp tục nhượng bộ, Trung Quốc sẽ chiếm trọn Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa ! Dân tộc Việt Nam sẽ không còn cơ hội mưu sinh trên các vùng biển, đảo mà bao thế hệ kể từ Chính quyền Triều đình Nhà Nguyễn đã gây dựng và bảo vệ!

Năm 2017, chính quyền Việt Nam nên làm gì?

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc KHÔNG DÙNG VŨ LỰC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ theo quy định của Hiến Chương Liên Hợp Quốc. Đây cũng là hành vi vi phạm nghiêm trong các quy định về Vùng ĐQKT Việt Nam theo Công Ước LHQ năm 1982 về Luật Biển.

Chính quyền Việt Nam cần tiến hành ngay một số hành động như sau:

– Công hàm gửi cho phía Trung Quốc, phản đối hành động tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam;

– Công hàm gửi cho ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, tố cáo hành vi Trung Quốc dùng vũ lực tại Vùng ĐQKT của Việt Nam;

– Công hàm gửi Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, phản đối và yêu cầu ban hành Nghị quyết lên án hành vi của Trung Quốc dùng vũ lực, đe dọa bằng vũ lực chống lại CHXHCN Việt Nam. Cho dù Trung Quốc, thành viên thường trực của HĐBA LHQ sẽ dùng quyền phủ quyết (veto), Nghị quyết có thể không ban hành được, nhưng công luận quốc tế sẽ lên án hành vi này của Trung Quốc.

– Công hàm gửi tới ASEAN, EU chính thức thông báo quan điểm của Việt Nam phản đối hành vi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam.

Đồng thời, Chính quyền Việt Nam cần khẩn trương tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế thích hợp.

Cuối cùng, xin đặc biệt lưu ý Chính quyền Việt Nam về nhận định có tính lịch sử của cố Thủ tướng Anh, Ngài Winston Churchill: “Một dân tộc mà né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì rồi dân tộc ấy sẽ phải lãnh đủ cả hai thứ, cả chiến tranh và sự nhục nhã”!

LS. TS Hoàng Ngọc Giao

(FB Hoàng Ngọc Giao)

RFI:Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bầu không khí ảm đạm

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn (Xiamen), ngày 03/09/2017REUTERS
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 03/09/2017 khai mạc thượng đỉnh nhóm BRICS tại Hạ Môn, Trung Quốc. Cuộc họp quy tụ lãnh đạo năm nền kinh tế mới trỗi dậy, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi, kéo dài đến ngày 05/09. Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường thuật:
«Chỉ còn có 7 tuần nữa là diễn ra đại hội Đảng quan trọng để có được một nhiệm kỳ mới, Tập Cận Bình sẽ không để vuột mất niềm vui đảm nhiệm thêm một chức danh mới ưa thích: đó là nghiễm nhiên trở thành chủ nhân một nước Trung Quốc hùng mạnh, tông đồ của toàn cầu hóa.
Lãnh đạo 5 nước họp tại Hạ Môn đại diện cho 40% dân số toàn cầu và chiếm đến 50% tăng trưởng thế giới, với hai đầu tàu là Ấn Độ và Trung Quốc.
Và cũng vì thế mà mọi cặp mắt giờ đây sẽ đổ dồn về hai nguyên thủ đó. Liệu rằng thủ tướng Ấn Độ Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột biên giới đã đầu độc quan hệ song phương trong hai tháng vừa qua ?
Một câu hỏi khác: Năm nước này sẽ thông qua những biện pháp nào để tái thúc đẩy nền kinh tế của mình? Brazil vô vọng tìm kiếm các nhà đầu tư, Nam Phi đang bị suy thoái, Nga hụt hơi vì lệnh cấm vận của quốc tế, trong khi mà cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc cũng không có được tăng trưởng ngoạn mục.
Do đó, thượng đỉnh tại Hạ Môn lần này phải mở ra những hướng phát triển mới, nhất là cho các doanh nghiệp của Trung Quốc».

Nghĩ về những lời khai của Sơn Dầu khí

Phiên toà đang diễn ra.
Án điểm, án lớn!
Đang không biết nên khen quan toà hay nên khen bị cáo, ít nhất là giữa hơn 700 bị cáo, có một “đại (bị) cáo” đáng khen!
Mấy chục năm lịch sử, chưa từng có một bị cáo nào thực tâm đến mức “khai vượt chỉ tiêu” như thế!
Tôi thành thực nghĩ rằng, chú “Sơn dầu khí” này đã mang lại một “bầu không khí mới” cho những phiên toà kiểu như thế này! “Đóng góp” – hay “công lao”, “thành tích” nhỉ? – của chú ấy quả là không hề nhỏ!
Liệu các quan toà có dám yêu cầu chú ấy “khai đến giọt thông tin cuối cùng” không nhỉ?
Và rồi sẽ rất khó cho các “đại (bị) cáo” khác, lẫn cho quan toà nữa!
Và nếu Hà Văn Thắm cũng học tập, noi gương của Sơn thì “mọi việc sẽ đi đến đâu”?
Chà chà, khó tiên đoán quá!

1. Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai danh sách người nhận tiền ‘chăm sóc’

TTO – Nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn khai đã chi hàng loạt các khoản “cảm ơn” PVN, chi đối ngoại nhiều tỉ, bồi dưỡng đi công tác nước ngoài, phong bì chúc tết tới 200 triệu đồng.
clip_image002
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai nhiều khoản chi bồi dưỡng, “chăm sóc” cho các cơ quan, tổ chức – Ảnh: TÂM LỤA
Trong chiều 30-8, trước chất vấn của Hội đồng xét xử, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốcOceanbank, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã khai hàng loạt tên các cá nhân, tổ chức đã nhận tiền “chăm sóc”của bị cáo.
Chi “cảm ơn” lãnh đạo PVN hàng chục tỉ
Về khoản tiền 69 tỉ đồng do Hà Văn Thắm chuyển, Sơn khai dùng để giao lưu khách hàng, cảm ơn khách hàng là công ty, lãnh đạo doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ của OceanBank. Tuy nhiên bị cáo không nhớ được số tiền cụ thể.
Theo bị cáo Sơn, phần lớn số tiền chăm sóc bị cáo chi cho nhóm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
Khi chi không phải mỗi mình bị cáo, còn có lãnh đạo chi nhánh của OceanBank. Mỗi lần đi thì cấp dưới chuẩn bị sẵn phong bì để bị cáo đưa.
Khi tòa hỏi tên các cá nhân cụ thể, Sơn khai: Chi cho Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của PVN “để Quỳnh cảm ơn các lãnh đạo PVN khoảng vài ba chục tỉ đồng”.
Thẩm phán cho biết trong hồ sơ vụ án, Sơn khai có giai đoạn chi tiền “cảm ơn” lãnh đạo PVN khoảng 120 tỉ? Bị cáo Sơn cho biết số tiền này là giai đoạn sau.
Ngoài ra, bị cáo Sơn còn khai trong các lần tháp tùng các đoàn lãnh đạo cao cấp đi công tác trong và ngoài nước thì bị cáo phải chi tiền cho công tác đối ngoại.
Khi đi với các đoàn lãnh đạo PVN, bị cáo Sơn khai chi cho nhiều vị lãnh đạo khác nhau. Ở TP.HCM, bị cáo có chi “cảm ơn” Tổng giám đốc công ty Dầu (PVOIL).
Ở Vũng Tàu, Sơn khai chi cho công ty Vietsovpetro, mỗi lần từ 300 đến 400 triệu đồng, có lần chi từ 100 đến 200 triệu đồng. Do đi “cảm ơn” nên bị cáo không thể lấy lại tài liệu cụ thể.
Trước không khai vì sợ ảnh hưởng công ty con của PVN.
Có mặt tại tòa với tư cách là người liên quan, ông Ninh Văn Quỳnh –  nguyên kế toán trưởng PVN cho biết ông không nhận tiền như lời Nguyễn Xuân Sơn khai.
Theo ông Quỳnh, PVN có chủ trương ủng hộ OceanBank để phát triển thành một ngân hàng mạnh. Có thời điểm PVN gửi tại OceanBank 25.000 tỉ đồng.
“Chúng tôi nhận thức chính sách của Nhà nước là không được nhận lãi ngoài, vì có thể bị kết luận là tham ô, có thể bị truy tố.
Đã có 1 công ty của PVN nhận lãi ngoài liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như sau đó chúng tôi có công văn kịp thời nhắc nhở các đơn vị không được nhận lãi suất ngoài nên chúng tôi không nhận tiền lãi ngoài như Sơn khai” – Ông Ninh Văn Quỳnh cho biết.
clip_image004
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai chi nhiều khoản tiền đối ngoại, mừng tuổi – Ảnh: TÂM LỤA
Khi được hỏi về ý kiến của ông Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn đã gửi lời xin lỗi HĐXX vì trước đây không khai ra các cá nhân nhận tiền vì sợ ảnh hưởng đến PVN và các công ty con của PVN.
Đối ngoại trong 5 năm, PVN chi 200 tỉ
Đứng trước tòa, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận trong khoảng thời gian 2010-2014, bị cáo đã nhận khoảng 200 tỉ đồng từ OceanBank.
Bị cáo có chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN từ 30-40 tỉ đồng. Giai đoạn làm Tổng giám đốc OceanBank, bị cáo vẫn đi chúc tết các lãnh đạo PVN khoảng 70 tỉ đồng.
Khi bị cáo về PVN, anh Hà Văn Thắm vẫn chuyển tiền đến để chi cho các dịp lễ tết, chi cho các hoạt động của PVN khoảng 200 tỉ đồng.
Với chức vụ của mình, mỗi năm bị cáo chi cho hoạt động đối ngoại 10 tỉ đồng, 5 năm chi 50 tỉ đồng khi tháp tùng các đoàn công tác.
“Dịp lễ tết, các tập đoàn và doanh nghiệp đều phải chi. Chi từ chuyên viên đến lãnh đạo cao cấp. Mỗi dịp tết PVN chi từ 30 đến 50  tỉ đồng. Việc chi tiền chia ra nhóm từ cấp lớn đến cấp bé. Theo quy định thì chi 500 ngàn/1 người nhưng thực tế chi gấp 200 lần” – Nguyễn Xuân Sơn khai trước tòa.
Thẩm phán hỏi họ tên người nhận tiền, bị cáo Sơn cho biết: Mỗi dịp tết phải chi cho chuyên viên bộ ngành có quan hệ với PVN, mỗi chuyên viên 1 phong bì từ 5-10 triệu. Cấp bộ ngành, thứ trưởng, bộ trưởng cũng phải chi.
Bộ trưởng, thứ trưởng nhận tiền là những ai? – Trả lời câu hỏi này, bị cáo Sơn nói:
“Xin phép HĐXX, thực chất đó là tấm lòng doanh nghiệp đối với lãnh đạo đã hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có lần chi 5-10 triệu, có lần 1.000 USD. Bị cáo xin phép không nói ra tên tuổi cụ thể. Đó là thông lệ mỗi lần tết đến, thực hiện từ 5-10 năm nay”.
HĐXX tiếp tục chất vấn “mỗi lần chúc tết ai mà phải chi từ 50 đến 200 triệu một người”? Sơn nói: “Bị cáo [xin] phép không được nói tên tuổi cụ thể. Việc chi tiền phân ra theo các cấp như cao cấp, trung cấp, kéo dài từ năm 2011 đến năm 2015″
Ngày mai 31-8, tòa sẽ tiếp tục phần thẩm vấn.
T. L.

2. Nguyễn Xuân Sơn khai mỗi lần đưa tiền cho đại diện VietsovPetro hàng chục nghìn USD hoặc 200-300 triệu đồng

Kim Tiền
clip_image005
Trong khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu đều khai rằng đã chi tiền cho Kế toán trưởng và Tổng giám đốc VietsovPetro nhưng [thì] đại diện được ủy quyền của công ty này phủ nhận. Tòa cũng đã yêu cầu triệu tập lãnh đạo VietsovPetro vào phiên tòa ngày 5/9.
Hôm nay (1/9), Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục ngày thứ 5 xét xử vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Sáng nay, tòa bắt đầu hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về các khoản chi lãi ngoài.
Hầu hết các công ty đều cho biết trong khoảng thời gian từ 2009 – 2014 đều có quan hệ với OceanBank qua các hình thức tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện của các tổ chức đều xác nhận là các công ty chỉ nhận lãi tiền gửi theo đúng quy định trong hợp đồng tiền gửi, không nhận được chi lãi ngoài, chăm sóc của OceanBank; không có thực hiện ký kết hợp đồng với BSC.
Riêng đại diện Công ty Dầu khí miền Trung cho biết chỉ có bà Trần Thị Tâm có nhận được khoản tiền là 17,2 triệu đồng từ OceanBank với tư cách cá nhân, và số tiền này đã trả lại cho cơ quan điều tra.
Đáng chú ý tại phiên tòa sáng nay phần đối chất lời khai về chi – nhận lãi ngoài giữa đại diện Liên doanh Dầu khí VietsovPetro với các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết nhiều lần vào Vũng Tàu cùng bà Nguyễn Thị Kiều Liên – GĐ CN Vũng Tàu để gặp lãnh đạo VietsovPetro, sau đó đưa tiền cho Kế toán trưởng là ông Võ Quang Huy và TGĐ Nguyễn Hữu Tuyến. Bị cáo Sơn chỉ nhớ mang máng khoảng chục lần, mỗi lần đưa từ 10.000 đến 20.000 USD, hoặc 200 đến 300 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng cho biết có đến Vũng Tàu để thực hiện chi lãi ngoài và đến rất nhiều lần nên không nhớ. Tháng 1/2011 đến tháng 6/2012, cứ định kỳ 2-3 tháng 1 lần. Giai đoạn tháng 7/2012-6/2014, theo thanh toán bên kế toán, giao tiền 3 tháng/lần. Mỗi lần đi đều nhờ liên hệ trước và đi cùng bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên.
Bị cáo Thu cho biết, VietsovPetro chủ yếu gửi vào Oceanbank tiền USD, tiền VNĐ rất ít. Việc chi lãi ngoài cho VietsovPetro được nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của VietsovPetro.
Theo bị cáo Thu, số dư tiền gửi của VietsoPetro cao nhất vào khoảng năm 2011, có thời điểm tiền đô lên tới mấy trăm triệu đô. Tỷ lệ phần trăm đối với tiền gửi không kỳ hạn đối với tiền đồng là 0,1%/tháng, cuối 2012, Hà Văn Thắm cho áp dụng là 0,15%/tháng còn tiền đô thì thấp hơn nhiều, khoảng 0,05% hoặc 0,02%.
Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền theo tỷ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thoả thuận đưa tiền bằng miệng, không có hợp đồng. Bị cáo Thu xác định đưa tiền lãi ngoài cho Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau khi ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa.
K.T.
Theo Tri thức trẻ

Vì sao cha tôi và các trí thức bị cách ly?

4 giờ trước

Bác sỹ Trần Duy HưngBản quyền hình ảnhOTHER
Image captionBác sỹ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội tại lễ khai trương đường phố mang tên Điện Biên Phủ ở Hà Nội.
Nhà báo tự do Trần Tiến Đức, con trai thứ của vị thị trưởng đầu tiên của thành phố Hà Nội dưới chính quyền Hồ Chí Minh, nói với BBC về nguyên nhân và cách thức mà thân phụ của ông, bác sỹ Trần Duy Hưng, và một số trí thức theo Việt Minh và chính phủ kháng chiến bị 'cách ly' sau khi được đảng huy động vào bộ máy.
Trao đổi với BBC hôm 2/9/2017, nhân dịp nhà nước cộng sản Việt Nam đánh dấu 72 năm quốc khánh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Truyền thông, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam nói:
"Cho đến năm 1950, vai trò của các trí thức trong chính phủ kháng chiến còn rất to lớn, nhưng sau năm 1950, sau khi Chiến dịch Biên giới thắng lợi, mở ra sự thông thương với Trung Hoa Cộng sản, thì các đoàn cố vấn Trung Quốc sang và sức ép đối với Hồ Chí Minh và đối với lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là phải thay thế những người trí thức trong chính phủ bằng những nhân vật khác.
"Và rõ ràng như vậy, đã có thời gian, lúc bấy giờ tôi đã đi học thiếu sinh quân rồi, nhưng em trai tôi có kể lại là có thời gian khoảng độ năm 1953 là các cụ bị cách ly. Họ đưa các cụ lên một vùng ở Chiêm Hóa [tỉnh Tuyên Quang] và hầu như các cụ rất ít được tham gia vào công việc của chính phủ, đấy là một sự thật.
"Và đấy là một chuyện để chúng ta thấy rằng chuyện mà họ sử dụng những người trí thức như thế nào. Tôi cũng nói một câu là sở dĩ phía Việt Minh, phía đảng cộng sản phần nào có thể thành công là vì họ tập hợp được dân chúng. Và ai làm cho dân chúng tin vào? Đó là những trí thức.
Bác sỹ Trần Duy Hưng (trái)Bản quyền hình ảnhOTHER
Image captionBác sỹ Trần Duy Hưng (trái) và Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh tham gia lao động xây dựng một công viên ở Hà Nội.
"Và tôi nói cụ Hồ Chí Minh là một con người rất có sức hút, người biết ứng xử và có thể với sự tiếp xúc trực tiếp với Hồ Chí Minh, cộng với những lý tưởng dân chủ, độc lập, tự do, đã kéo được một số trí thức có uy tín trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là theo chính quyền Việt Minh. Và như thế cũng góp phần tăng cường uy của chính phủ Việt Minh và đồng thời cũng tăng cường uy tín của nước Việt Nam."

'Biết lợi dụng cơ hội'

Theo nhà báo Trần Tiến Đức, cựu đạo diễn phim tài liệu và truyền hình, người từng có nhiều năm làm việc tại đài truyền hình Việt Nam (VTV) nửa sau thế kỷ trước, cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 là công lao của toàn dân, nhưng Việt Minh là lực lượng biết tập hợp lực lượng và lợi dụng cơ hội lịch sử, ông nói:
"Tôi nghĩ rằng việc lật đổ ách thực dân, lật đổ ách phát xít là công của toàn dân và có rất nhiều đảng phái cùng tham gia cùng với Việt Minh.
"Nhưng Việt Minh là lực lượng tôi phải công nhận lúc đó được tổ chức tốt nhất và... biết lợi dụng cơ hội khi các đảng phái khác chưa có sự đoàn kết, chưa có sự thống nhất để kêu gọi được toàn dân.
"Thứ hai, phải nói là Việt Minh đã tận dụng cơ hội để điền vào... khoảng trống chính trị còn lại sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng.
Cựu Vụ trưởng Trần Tiến ĐứcBản quyền hình ảnhFB TRAN TIEN DUC
Image captionCựu Vụ trưởng Trần Tiến Đức tham gia một hội thảo khoa học.
"Nhưng chúng ta phải nói rằng thật ra lúc bấy giờ Việt Nam cũng đã có một chính phủ - chính phủ của ông Trần Trọng Kim.
"Chính phủ Trần Trọng Kim đã có những quyết định đầu tiên đưa nước Việt Nam đi theo con đường độc lập, tất nhiên là trong sự hạn chế như vậy, cho nên tôi nghĩ rằng việc tự nhận lấy công đầu của mình, tôi cho rằng điều đó cũng cần phải xem lại.
"Và sau này, nếu chúng ta có xem xét lại các tài liệu lịch sử, các nhà sử học thực tế, nếu công tâm để xem xét lại các cứ liệu lịch sử, chắc họ phải có những kết luận xác đáng hơn," ông Trần Tiến Đức nói với Quốc Phương của BBC Việt ngữ từ thành phố Budapest trước một bảo tàng chứng tích tội ác trong lịch sử cận hiện đại của quốc gia cựu cộng sản thuộc khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc trao đổi trực tuyến trên kênh Facebook Live của BBC Việt ngữ, được thực hiện hôm 2/9/2017 từ thủ đô của Hungary.

Nguyễn Công Khế - Năm Cam nhiều lần tính "xơi" tôi

Tôi gặp Năm Cam khoảng năm lần. Lần đầu tiên là tại quán Cánh Buồm trên đường Pasteur vào trước năm 2000, do buổi sáng đi đánh vũ cầu về anh em mời ăn sáng. Hôm đó có cả anh Bảy Khởi, lúc đó là trưởng công an Quận 3. Nhìn anh Bảy, người từ tóc tai, khuôn mặt, đều hao hao giống TT Mỹ Bill Clinton. Anh BC, bạn tôi có mặt hôm đó giới thiệu: đây là anh Năm.

'Bong hong' da di qua trong cuoc doi ong trum Nam Cam (Phan 2) - Anh 3
Ông trùm Năm Cam
Tôi chợt nhớ lại: nhân vật này, báo mình đã viết rất nhiều, khi bị bắt đi cải tạo từ năm 1995, mà nhiều nhân vật có máu mặt đứng ra bênh vực, chạy chọt, cho rằng bắt đi giam giữ cải tạo không đúng luật. Và sau đó âm thầm được thả về mở nhà hàng, vũ trường, sòng bài, cực kỳ hưng thịnh, khai trương ồn ào hết chỗ này đến nơi khác.

Cái tên: Anh Năm, được nhắc đến trịnh trọng không chỉ trong giới giang hồ.

Cái hay, là ngay một số người bạn rất đứng đắn của mình cũng tỏ ra rất nể nang, vì cho đó là một tay giang hồ rất có tâm, đủ sức ngăn chặn dân giang hồ anh chị đất Bắc.

Thời gian sau không lâu, chú Sáu Dân vô tình chợt hỏi mình: Cái thằng Năm Cam đó bây giờ sao rồi mày? Mình buộc miệng nói, hình như bây giờ ra tù rồi, làm ăn dữ dằn hơn trước. Ông đưa tay vỗ vào đùi cái đét và ngạc nhiên hỏi tiếp: nó ra tù rồi à?

Mình biết chắc việc thả Năm Cam ra tù, ông cựu Thủ tướng lúc đó đang là cố vấn BCH TW không biết và ngạc nhiên.

Lần thứ hai mình gặp Năm Cam là đi dự sinh nhật ca sĩ Hương Lan. Mình vốn ít khi dự sinh nhật của ai trong giới nghệ thuật vì do công việc phải quen biết rất nhiều anh chị em trong giới. Thành ra đi người này, không đi người kia, nó chướng. Vả lại mình cũng rất tôn trọng người đàn bà hát này.

Hương Lan về hát cho mình, bên kia có người không hiểu chửi mắng cô ta, mình thương nên đi.

Hôm đó dự sinh nhật rất ít người. Có vài người trong gia đình HL, cùng chồng là anh Toản, Đoàn Thạch Hãn và mình.

Ăn uống vui vẻ xong xuôi. ĐTH và anh Toản rủ mình xuống Maxim dưới đường Đồng Khởi uống ly cafê trước khi về. Mình uống cafê một lát, thì băng của anh Năm ngồi bên bàn bên cạnh đến chúc rượu cụng vào ly cafê mình rất trân trọng bằng hai tay. ĐTH và anh Toản nói hôm nay anh Năm muốn chào anh.

Lần thứ ba, mình gặp Năm Cam ở Vườn Tao Đàn trong một buổi sáng tập thể dục. Mình đang chạy bộ thì Năm Cam chạy lại chào. Mình nói như là người anh em chân tình. Hoàn lương đi không người ta bắt đó Anh Năm nghe. Năm Cam trả lời: anh yên tâm, cái tiếng tăm em nó lớn thành ra họ nghĩ như vậy chứ em có hoạt động gì nữa đâu.

Không ngờ từ câu nói khuyên lơn đó, mà Năm Cam thù mình cộng thêm mấy loạt bài đánh anh ta năm 1995 trên báo TN.

Lần thứ tư là cuộc gặp không sắp đặt trước. Tối mình đi làm về, gần tới nhà gặp Năm Cam ngay trước nhà mình, đi xe Honda, ngồi sau lưng một người khác chở, Năm Cam xuống xe để vào một khách sạn cận kề nhà mình. Hai bên gật đầu chào. Rồi tôi vội vào nhà.

Có thể tôi còn gặp một lần nữa, ở quán 3 Miền của anh Tịnh em anh Trịnh Công Sơn, tôi cũng khuyên răn là không nên hoạt động nữa, nguy hiểm cho chính anh và đặc biệt là bất an cho xã hội. Và có điều tôi biết chắc là Nhà nước đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vụ này để bàn việc đi đến bắt Năm Cam. Cuộc họp này với sự có mặt của nhiều nhân vật quan trọng của ngành nội chính của TƯ và TP HCM. Hôm đó có Giám đốc CA TP, có trưởng ban nội chính Thành ủy Trần Hoàng Thám, có cả Trung tướng Phan Trung Kiên, tư lệnh quân khu 7. Chú Sáu Dân còn hỏi TT Phan Trung Kiên về biện pháp dùng đặc công để giải quyết vụ án, nếu vụ này cứ xảy ra như những lần trước. Bắt đầu hành động thì có một lực lượng Cảnh sát báo tin cho Năm Cam để hòng tạo chứng cứ ngoại phạm, hoặc tạm ngừng hoạt động để tránh sự truy lùng.

Sau này, nghe anh Đoàn Thạch Hãn nói lại mình mới rùng mình. Lần gặp bất ngờ ở Tao Đàn và buổi tối gặp trước nhà mình . Hai lần đó Năm Cam đều tính "xơi" mình nhưng số mình còn to, nó nói hành động không kịp. Trước hương hồn anh Hãn, trong mỗi lần, vì quá thân tình, Năm Cam kể lại việc ám hại tôi, anh đều can ngăn phân bua rằng: NCK là người tốt, không nên hành xử như vậy. Tất nhiên anh Hãn vì rất thân với Năm Cam nên giữ kín chuyện này. Đến khi Năm Cam bị bắt anh mới thuật lại. Tôi bán tín, bán nghi về câu chuyện này, tại sao Năm Cam có ý định "thịt" mình, lại đi tâm sự với anh Hãn. Không sợ lộ à? Nhưng sau này cảnh sát lấy tin từ đặc tình ở chung phòng với Năm Cam, bên công an họ cho biết chính thức luôn rằng Năm Cam tiếc rằng y bị bắt vì không mua chuộc được Nguyễn Công Khế và Tướng Nguyễn Việt Thành. Và họ công bố luôn kế hoạch Năm Cam định "thịt" mình bằng cách đón lõng mình ở đường từ sân bay Nội Bài về Hà nội. Nhưng hắn đang tìm cách chứng tỏ hắn phải ở trong tình trạng ngoại phạm. Và loay hoay tìm những kẻ thù của NCK để mà đổ tội, tập trung nghi ngờ của cơ quan điều tra vào những mối khác khi mà đã xảy ra chuyện.

Đoàn Thạch Hãn là ai? Trong cuốn sách "Bên Thắng cuộc" của nhà báo Huy Đức xuất bản ở Mỹ, có dành một số đoạn nói về ĐTH, và đánh giá Hãn là người sống giữa hai làn đạn. Trước anh Hãn là phóng viên chiến trường của quân đội Sài Gòn cũ. Và sau này, làm phóng viên báo Công an TP HCM một thời gian, sau khi đã học tập cải tạo dưới chế độ cách mạng. Anh Hãn và một số bạn bè chơi với Năm Cam như một thứ giang hồ hảo hớn, một thứ quan niệm anh chị, không dính dáng gì tới các hoạt động xã hội đen của Năm Cam.

Có một lần khác, ông chú tôi có một người con tên là H. H chơi như thế nào đó trong các vũ trường, gặp các tay giang hồ Hải Phòng, qua lại như thế nào đó không rõ, các tay anh chị HP đem cậu ấy nhốt vào một căn nhà trống ở đường Nguyễn Cư Trinh đòi ký mắc nợ họ đâu vài tỷ bạc theo luật giang hồ. Đám anh chị HP nhốt cậu ấy vào nhà trống, tịch thu mọi thứ kể cả điện thoại, nhưng còn một cái đt trong cốp xe, chúng không để ý. H bèn lấy đt gọi cho tôi tường thuật lại vụ việc . Tôi nói với cậu ta để tôi gọi công an. H dứt khoát không chịu và bảo: anh phải nói với bác Năm thôi. Mình hỏi bác Năm nào vậy .H nói rất nhỏ trong đt: bác Năm Cam.

Thế là mình lâm vào thế kẹt. Sao lại gọi xã hội đen giải quyết chuyện này? Mình bí quá, bèn nhờ a Tịnh Phó TBT báo Thanh niên gọi cho một anh bạn của mình là một nhà báo có quen biết Năm Cam nói sự việc. Một tiếng đồng hồ sau Năm Cam gọi đám HP lên để nói lời xin lỗi H. H hoảng quá cảm ơn và nói "Bác Năm làm thế giết con, cho con thoát thân lần này là phúc đức lắm rồi".

Uy thế của Năm Cam lúc đó, không ai mà không sợ. Mà sợ là phải, nắm toàn bộ xã hội đen từ Nam chí Bắc. Lại vào được xã hội đỏ cao cấp cỡ đó ai mà không khiếp. Đụng vào mất mạng như chơi. Anh Tư Tạo phó giám đốc Công an TP lúc đó nói với tôi: Các ông đụng vào xã hội đỏ thì còn dễ. Chứ vào xã hội đen, thì quá phức tạp phải không. Nhưng tôi, thì lại nghĩ khác một chút. Vì "đen" trộn với "quyền lực đỏ" biến chất rồi thì sức mạnh nó ghê gớm lắm. Thử tưởng tượng hàng nghìn sòng bài và cơ sở bảo kê trong thành phố này, một ngày nó thu được bao nhiêu tỷ. Ngồi tính rồi sẽ biết. 

Với sức mạnh tiền bạc thu được. Không có nhà tư bản nào trên thế giới mà thu tiền vào dễ dàng và tiền nhiều như quân Nguyên đến như thế. Tiền bạc, quyền lực sẽ đẻ ra sự tàn bạo khiếp đảm. Đâu có nhân dân nào chịu nổi. Cũng may mà chúng ta đã chung sức ngăn được Năm Cam và đồng bọn trong thời điểm nhất định nào đó, để xã hội được trong lành, bớt đi những nỗi sợ hãi thường trực trong dân chúng.

Mấy hôm nay, anh Hoàng Hải Vân viết lại về vụ án Năm Cam, nói về những nỗi khó khăn và sự tử sinh của nghề, nhiều người chia sẻ và hiểu được những vất vả của nghề báo, làm chúng tôi xúc động nên viết những dòng này.

Tôi có ý định viết một cuốn sách về nghề báo và cuộc đời làm báo nhiều thăng trầm và rủi ro của mình, để người đọc hiểu chúng tôi sống và viết như thế nào trong điều kiện và bối cảnh chính trị của Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này.

Nguyễn Công Khế



(FB Nguyễn Công Khế)