- Ông Lê Duẩn là người có ý kiến độc lập, tự chủ, ông nhận thức ra được sự phụ thuộc vào Trung Quốc có hại thế nào, và cố gắng tách ra khỏi Trung Quốc. Nhưng, sau này, ông lại quá cực đoan, chống Trung Quốc mạnh quá, và ngả hẳn sang Liên Xô.
Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp với quý vị phần 2 cuộc trao đổi với GS-TS Vũ Dương Huân về trường phải ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vai trò của ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện như thế nào để tận dụng được sự giúp đỡ to lớn của cả Liên Xô và Trung Quốc, mặc dù hai nước đang có mâu thuẫn về đường lối từ năm 1963 và đỉnh điểm là xung đột quân sự ở biên giới năm 1969?
Ví dụ, khi Việt Nam bắt đầu đàm phán với Mỹ năm 67-68, Trung Quốc không hài long. Việc ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam mình có giảm, và gần như không có tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước. Việt Nam không có cơ hội để giải thích tại sao phải làm như vậy.
Bác Hồ mới cử đoàn của Trung ương Cục miền Nam, dẫn đầu là ông Bí thư Nguyễn Văn Linh, sang Trung Quốc để báo cáo với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc về tình hình kháng chiến của nhân dân miền Nam. Trung Quốc đành phải tiếp vì họ giương cao ngọn cờ chống Mỹ. Nhưng Bác Hồ rất khôn khéo, ông đã gài Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào đoàn, và ông Đồng có cơ hội giải thích, trao đổi với họ về việc tại sao Việt Nam tiến hành đàm phán với Mỹ.
Trung Quốc luôn đòi hỏi Việt Nam ủng hộ đường lối cách mạng của Trung Quốc, nhất là Cách mạng Văn hóa, và đề nghị Việt Nam tiếp bước làm cách mạng văn hóa. Bác Hồ, bảo rằng “các đồng chí cứ làm cách mạng văn hóa đi, tôi làm cách mạng vũ hóa”, cho nên Trung Quốc đành chịu.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Bác Hồ đã làm gì để dần thoát khỏi sức ép Trung Quốc, như đối với đàm phán và ký Hiệp định Geneva, phân chia tại vĩ tuyến 17, hay cải cách ruộng đất?
Khi mâu thuẫn với Liên Xô, Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi Việt Nam phải ủng hộ các quan điểm, đường lối của Trung Quốc. Nghị quyết Trung ương 9 tháng 12/1963 chống xét lại, nhưng thực chất Việt Nam theo quan điểm Trung Quốc nhiều hơn. Việt Nam theo quan điểm của Trung Quốc, từ áp dụng cải cách ruộng đất đến đàm phán và ký kết hiệp định Geneva. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam bị Trung Quốc, và phần nào đó là Liên Xô, lèo lái, dẫn đến những hạn chế không nhỏ cho kết quả hiệp định.
Từ Đại hội Đảng II (1951), Đảng Cộng sản đưa tư tưởng của Mao Trạch Đông làm tư tưởng chủ đạo. Về phía Bác Hồ, người chỉ nói đạo đức thôi.