Người dân Trung Quốc đang đối diện với sống chết từng ngày vì đại dịch. Nhưng còn có những khó khăn khác mà người bên ngoài Trung Quốc không thể tưởng tượng nổi.
Người Trung Quốc đang chịu đựng dịch bệnh
Ngay từ đầu hệ thống chính quyền Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh, đến khi tình trạng đã ở mức trầm trọng mới buộc phải thông tin. Chỉ 3 ngày sau khi tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý kiến về dịch thì chính quyền đã phong toả Vũ Hán, rồi sau đó là nhiều khu vực khác. Đa số người dân không kịp phòng ngừa, dẫn đến rất nhiều người đã nhiễm bệnh và tiếp tục lây cho người khác mà không hề biết. Số người tử vong do dịch được báo cáo tăng liên tục từng ngày, nhưng con số thực chất có thể đã lên tới hàng ngàn người.
Người ta cũng ngạc nhiên về khả năng tác động tới dân chúng của hệ thống truyền thông độc quyền của chính quyền Trung Quốc trong lúc này. Nhiều người dân trong các chung cư vẫn được tuyên truyền để cùng nhau mở cửa sổ hô khẩu hiệu hay hát quốc ca, để truyền thông lan tỏa đi khắp nơi, cho thấy nhân dân vẫn “lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của ĐCSTQ”. Họ không biết rằng hành động đó có thể vô tình lan truyền virus ra không khí.
Trong khi đó, dù có một số người đã cố gắng đưa thông tin ra ngoài thế giới qua internet, nhưng đa số người dân tại Trung Quốc khó có thể tiếp cận thông tin chân thực vì kiểm duyệt của chính quyền. Đa số dân chúng Trung Quốc đều bị động trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Điều đáng buồn cho người Trung Quốc còn là những hành động thiếu ý thức của chính họ, thói xấu dưỡng thành trong văn hoá biến dị của ĐCSTQ. Nhiều nơi người dân tự ý lập rào chắn không cho lưu thông, tranh thủ nâng giá hàng hoá kiếm lời, thậm chí lấy khẩu trang đã dùng giặt lại để bán,… Những người đến từ Trung Quốc, đặc biệt là từ Vũ Hán bị phân biệt đối xử trên khắp thế giới, nhưng nơi đối xử tệ nhất với những người đến từ Vũ Hán lại chính là ngay tại Trung Quốc. Có người bị chặn nhốt trong nhà, có người bị lăng mạ. Một số nơi, chính quyền còn dán thông báo “ai ra khỏi nhà (mà không được phép) sẽ bị đánh gãy chân và gãy răng”.
Mặt khác, một số người lại không chủ động thông tin cho cộng đồng về việc mình trở về từ Vũ Hán. Tại thị xã Tấn Giang – Phúc Kiến, một người trở về từ Vũ Hán đã nói rằng mình trở về từ Philipine, người này trước khi được xác định bị nhiễm virus corona mới, đã tham gia tiệc tùng với 4000 người.
Mức độ căng thẳng vì dịch đã làm cho dân chúng Trung Quốc mệt mỏi, nhưng mâu thuẫn trong quan hệ xã hội khi đối diện với khó khăn còn làm cho cuộc sống của họ đáng buồn hơn. So sánh với cách người Nhật khi đối diện với sóng thần, khiến người ta phải cảm thán. Trung Quốc từng là cái nôi của văn hoá Đông Á, nhưng chỉ sau mấy chục năm dưới chế độ của ĐCSTQ, ý thức đạo đức của người Trung Quốc hôm nay đã làm cho người ta không thể nhận ra một nơi từng được mệnh danh là “Quốc gia của lễ nghĩa” (tức “lễ nghi chi bang”)
Tình hình dịch bệnh sẽ đi đến đâu?
Thực tế là chính quyền Trung Quốc đang rất căng thẳng và cố gắng chống dịch. Tuy nhiên do những nguyên nhân cố hữu mà họ đã tạo ra trong mấy chục năm cầm quyền, việc ngăn chặn dịch khó có thể hiệu quả. Thứ nhất là hệ thống bầu chọn quan chức không dân chủ, không lựa chọn được người có đức có tài. Ưu tiên cao nhất của hệ thống chính trị của ĐCSTQ là đảm bảo quyền lực tuyệt đối của nó, thay vì ưu tiên các vấn đề thiết thực với cuộc sống dân chúng. Vấn đề thứ hai là ý thức và đạo đức của dân chúng dưỡng thành trong hệ thống xã hội của ĐCSTQ đã suy thoái xuống mức rất thấp, làm cho tình hình trở nên luẩn quẩn, đại dịch càng khó kiểm soát.
Đại dịch lần này có những đặc điểm phức tạp với hệ số lây lan cao. Tình trạng dịch bùng phát do chính quyền Trung Quốc che giấu thông tin, bỏ lỡ mất giai đoạn có thể kiểm soát sớm. Người ta chỉ có thể hy vọng vào hai tình huống: một là đại dịch này cũng giống như một số dịch bệnh trước đây, sau một thời gian phát tác rồi tự biến mất; hai là các quốc gia tiên tiến có thể tìm ra giải pháp điều trị.
Ngày 03/02/2020, Trung tâm Y tế Dự phòng Khu vực tại Snohomish, Washington thông báo, bệnh nhân nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) đầu tiên tại Hoa Kỳ đã được điều trị thành công bằng thuốc Remdesivir của công ty Gilead Sciences của Mỹ. Theo kênh Bloomberg, loại thuốc này cũng đã bắt đầu được thử nghiệm điều trị tại Bắc Kinh và công ty Gilead Sciences đã chuyển đủ số thuốc để điều trị cho 500 bệnh nhân.
Ngày 5/2, trang Epoch Times dẫn tin từ một nhân vật “Hồng nhị đại” (Thái tử đỏ – nhân vật đời thứ hai của các công thần của ĐCSTQ) cư trú tại Bắc Kinh chứng thực rằng: Hiện dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã tiến nhập vào các cơ quan, đại viện tại Bắc Kinh. Những người thuộc thành phần “Hồng nhị đại” và gia quyến bị nhiễm bệnh đều được tập trung tại Bệnh viện Hữu Nghị Trung Nhật và được điều trị bằng loại thuốc mới phát triển của Mỹ.
Giám đốc y khoa của Gilead Merdad Parsey cho biết mặc dù việc sản xuất thuốc Remdesivir đang là thách thức lớn, nhưng công ty sẽ nỗ lực làm việc nhanh nhất có thể để sản xuất loại thuốc này nhiều hơn. Hy vọng rằng nó có công hiệu thực sự và sẽ sớm tới được với nhiều người dân Trung Quốc trước khi quá muộn.
Người dân Trung Quốc vẫn đang sống trong những giai đoạn khó khăn, từ việc đối diện với dịch bệnh, đến bối cảnh chính quyền phong tỏa thông tin. Một số người vẫn có thể tiếp tục mở cửa sổ chung cư hô khẩu hiệu và hát “quốc ca”, cũng giống như nhiều sinh viên tại Thiên An Môn năm xưa, khi bị xe tăng dồn vào chân tường, trước khi bị nghiền nát đã chỉ biết dừng lại đồng thanh hát bài “quốc tế ca”.
Nhưng hy vọng nhiều người khác có thể bình tĩnh, tự mình tìm ra con đường thoát khỏi tình thế gian nan này.
Một số người Trung Quốc hẳn còn lưu giữ triết lý truyền thống, tin vào nhân quả. Kinh Dịch có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nghĩa là: “Nhà mà tích thiện, phú quý ắt có thừa, nhà mà không tích thiện, tai ương ắt có thừa”).