Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Chính nghĩa thời loạn

Vậy là chỉ với một bản cam kết viết tay trên giấy kẻ ô của học sinh tiểu học, giống như một tờ giấy bán nhà viết tay không công chứng, dù có chữ ký của “luật sư” như người làm chứng, uy tín và thể diện của ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội, trước nay thường xuất hiện trên truyền thông với một hình ảnh của một chính khách năng động, gây được nhiều thiện cảm, bỗng chốc có phần “xuống giá.” Và cả sân khấu chính trị Việt Nam cũng phút chốc trở nên hài hước như một màn tấu hài nghiệp dư.

Cảnh sát cơ động được dân xã Đồng Tâm thả ra sau khi đạt thỏa thuận với chủ tịch Hà Nội. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
“Dân” dường như không tin chủ tịch Hà Nội nên bắt phải ký cam kết theo kiểu giao kèo, điểm chỉ. Thậm chí họ còn cho người đọc lại dõng dạc từng chữ, phát trên loa phóng thanh của thôn, quay video clip tung lên mạng. Không khác một cuộc “đấu tố” ngày xưa là mấy. Loa phường sau những cuộc tranh luận liệu có nên bỏ đi không, bỗng chốc trở nên thật hữu dụng.

Và Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung cũng có vẻ như không có lựa chọn nào khác là phải ký vào cam kết. Xem ra ông Chung cũng không khác những “con tin” bị “dân” bắt giữ là bao. Phải ký vào tờ giấy thì mới xong chuyện.

Liệu sau đây loại “khế ước” độc nhất vô nhị này sẽ chính thức được công nhận, dưới cái tên “hợp đồng hành chính” như một vài “chuyên gia luật” nào đó phân tích, dưới góc độ “học thuật?”

Từ việc bắt giữ con tin cho đến ký giao kèo, đều cho thấy những điều khá bất thường. Sự lúng túng, bất lực của chính quyền và một tình trạng hỗn loạn dường như mất kiểm soát nhưng lại vẫn được kiểm soát theo một cách nào đó. Hành vi giữ người trái luật bỗng nhiên lại được xem là “chính nghĩa,” được bao biện rằng vì chính quyền bắt người trái phép trước nên dân cũng được quyền bắt người trái phép để trả đũa! Vậy mà không hề có bất cứ đại diện nào của nhà nước pháp quyền thực thi phận sự của mình.

Ở một đất nước thỉnh thoảng lại có một vụ “dân tự tử ở đồn công an” mà đột nhiên mấy chục cảnh sát cơ động, có cả lãnh đạo huyện, lại bị “dân” bắt nhốt suốt cả tuần liền mà không hề thấy công an lẫn quân đội gửi lực lượng đến dẹp loạn nhanh chóng thì thật hết sức lạ lùng. Lạ nữa là không thấy ai trong số những người ở vị trí cao nhất lên tiếng và có hành động để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.

Một số tin thất thiệt (“fake news”) như “dân tưới xăng lên người cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin,” “300 côn đồ kéo vào làng tấn công,” “trẻ con quanh người quấn mìn, sẵn sàng tử thủ” … được cho là do một nhóm các “nhà dân chủ” tung ra trên Facebook, nhưng sau đó đã bị báo chí bác bỏ. Các trang tin được xem là “đài địch” hay “lề trái” đưa tin về Đồng Tâm, trong khi báo chí “lề phải” chịu kiểm duyệt chặt chẽ gần như hoàn toàn im lặng trong mấy ngày đầu.

Một cuộc gặp giữa dân xã Đồng Tâm và Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung nhằm đối thoại và giải quyết sự việc cũng phải tới lần thứ hai mới thực hiện được. Buổi làm việc đầu tiên ở trụ sở huyện Mỹ Đức, chỉ có ông Chung mà không có ai là dân Đồng Tâm tới dự. Lý do đưa ra để giải thích cũng thật lạ. Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung hỏi nếu đến tận thôn Hoành thì người dân có bắt ông không, trong khi người dân cũng nêu lý do “sợ bị bắt” nếu như lên huyện để họp!

Tất cả những diễn biến lạ lùng của sự việc ở Đồng Tâm khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Liệu có phải đây một màn đấu đá giữa các phe nhóm chính trị, mà mâu thuẫn đất đai chỉ là cái cớ được đem ra làm bình phong nhằm đẩy sự việc lên cao trào để trả đũa nhau? Đâu đó người ta nói đến thương vụ làm ăn $1 tỷ, tương đương 22,000 tỷ đồng, mà ông Chung ký với tập đoàn Viettel để xây dựng “thành phố thông minh” cho Hà Nội. Phải chăng đây mới là một trong những lý do thật sự của sự việc ở Đồng Tâm? Ngay khi cuộc khủng hoảng ở Đồng Tâm còn chưa chấm dứt, đã có không ít người kêu gọi tẩy chay tập đoàn Viettel trên mạng xã hội.

Quan sát phản ứng của công luận, có thể thấy không ít người tỏ vẻ mừng rỡ, tin rằng đây là một thắng lợi rực rỡ của chính nghĩa, của nhân dân. Đám đông theo dõi sư việc “vô tiền khoáng hậu” này có vẻ hoan hỉ tin rằng thế là đã có một trận đánh đẹp, một cái kết đẹp. Chính nghĩa đã thắng. Nhân dân đã chiến thắng bạo quyền!

Tinh thần lạc quan lên cao phơi phới, như khẩu hiệu ghi trên băng-rôn căng ngang đường thôn Hoành trong mấy ngày “chiến sự:” NHÂN DÂN ĐỒNG TÂM TUYỆT ĐỐI TIN TƯỞNG VÀO CHÍNH SÁCH VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC (!?!). Cái băng-rôn lạ lùng khiến cho bất kỳ ai tỉnh táo và lý trí cũng phải buồn cười, thắc mắc vì sự tréo ngoe, mâu thuẫn đến khó hiểu của nó. Phải chăng dân xã Đồng Tâm bị mắc hội chứng “Stockholm” (*)? Hay đây là một sự tính toán có chủ đích nhằm ngăn ngừa những địa phương khác cũng có các mâu thuẫn tranh chấp về đất đai bắt chước mà nổi dậy theo?

Trong niềm hân hoan chiến thắng, có vẻ như không ít người ngỡ đất đã được giành lại cho dân, mà không hề hay biết rằng có một cuộc “cướp đất” quy mô lớn hơn nhiều, khủng khiếp hơn nhiều đã và đang diễn ra, bởi công cuộc “cải cách đất đai” với những khẩu hiệu “tích tụ ruộng đất,” “xóa bỏ hạn điền” … đang chuẩn bị hoàn tất, có thể sẽ tước đoạt ruộng đất của hàng triệu người Việt để làm lợi cho các “địa chủ” mới.

Có nhiều thứ được nhân danh “chính nghĩa” trong sự việc ở Đồng Tâm, nhưng có khi tin vào “chính nghĩa” thời loạn thật chẳng khác nào nhắm mắt uống một ly rượu bị lén bỏ thuốc mê, đến khi tỉnh ra thì có khi đã quá muộn mất rồi.

Chú thích:
(*) “Hội chứng Stockholm (hay quan hệ bắt cóc) là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc. Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của “nạn nhân” hoàn toàn vô lý vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc, mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua” (Wikipedia).

Lila Trần

(Người Việt)

Việt - Mỹ một lần và mãi mãi (Kỳ I): Tương đồng nhiều hơn khác biệt; (Kỳ 2): Nhân tố thứ ba trong bang giao Việt—Mỹ

Lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ ngay trong năm đầu tại nhiệm sẽ đặt chân lên giải đất hình chữ S. Điều đặc biệt nữa là ông và nhiều vị nguyên thủ khác sẽ tới thành phố biển miền Trung, nơi có huyện đảo Hoàng Sa, nằm không xa các điểm nóng trên Biển Đông.

p/Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.
Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.
Hướng đến 42 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, không thể không nhắc tới câu chuyện do bỉnh bút Nayan Chanda kể lại. Ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, khi “bên thắng cuộc” cắm lá cờ Mặt trận lên tiền sảnh các cơ quan đại diện nước ngoài, thì riêng trước khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ lừng lững như một pháo đài vẫn không hề có sắc cờ nào từ lực lượng quân quản tung bay. Được hỏi về nguyên nhân ngoại lệ ấy, một quan chức của ta quả quyết với Nayan rằng: “Người Mỹ sẽ sớm quay trở lại!”.

Từ “dấu mốc” sau 20 năm

Tầm nhìn “sớm quay trở lại” ấy hóa ra kéo dài những 20 năm-mất gần cả một thế hệ. Ấy là ngày 5/8/1995, khi Ngoại trưởng Warren Christopher cắm quốc kỳ nước mình lên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Lịch sử phải chờ thêm 5 năm nữa, tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen mới trở thành quan chức đầu tiên trong chính quyền Mỹ đặt chân tới mảnh đất Việt Nam. Cho đến thời điểm tôi ngồi gõ bài này, mọi sự chú ý của giới quan sát đều đổ dồn hướng về chuyến thăm mười ngày tại bốn nước châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từ 15-25/4 và chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từ 20-21/4.

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Việt Nam, Philipinnes và sẽ tham dự cả ba Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới. Tin tốt lành này được đích thân Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố khi ông tới Trụ sở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 20/4. Cùng ngày, tuyên bố này cũng được Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia, Trung tướng Herbert Raymond McMaster tái khẳng tại thủ đô Washinton DC.

Trong một buổi làm việc riêng với ông Phạm Bình Minh, ông H.R. McMaster đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ. Việc Tổng Thống Donald Trump quyết định tham dự Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thượng đỉnh ASEAN và việc cử Phó Tổng Thống Mike Pence đi vòng quanh các nước Á châu là thêm chỉ dấu cho thấy Washington muốn làm yên lòng các đồng minh và đối tác trong khu vực. Các nước này lâu nay cảm thấy bất an vì những lời tuyên bố thất thường trước đây của ông Trump.

Đến bước tiến mới

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Minh, Ngoại trưởng Tillerson và Cố vấn McMaster tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông; bảo đảm Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao, pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việc Ngoại trưởng Phạm Bình Minh được cả “bộ tam” ngoại giao-tài chính-cố vấn an ninh quốc gia lần lượt gặp gỡ và cam kết làm việc nhiều hơn nữa về các chủ đề quan trọng đối với cả hai nước, cho thấy, quan hệ Việt-Mỹ có thể đang đứng trước những bước tiến mới.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC thành công. Cả Mỹ lẫn Việt Nam đều nhấn mạnh sự cần thiết cùng hợp tác trong việc ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Gần đây, hai bên đang thảo luận một hiệp định khung về mậu dịch song phương, vì không còn TPP.

Các cuộc thảo luận nhằm vào việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai nước, theo khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Hoa Kỳ coi các cuộc bàn thảo này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hoa Kỳ đã kêu gọi Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn đọng, liên quan đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại số, dịch vụ tài chính, hải quan, hàng công nghiệp, minh bạch-quản trị tốt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Phía Việt Nam đã cập nhật cho Hoa Kỳ kế hoạch thực hiện cải cách lao động, nhất trí tiếp tục đối thoại về những vấn đề vừa nêu và khởi động các nhóm công tác để giải quyết các vấn đề song phương khác.

Chỉ tính riêng các con số thống kê năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với hàng hoá hai chiều đạt 52,3 tỷ USD (Trước lúc hai nước bình thường hóa, con số này chỉ ở mức 0,5 tỷ USD). Năm 2016, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, đạt 2,7 tỷ USD. Thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ với Việt Nam ước đạt 3,1 tỷ USD vào năm 2015.

Hai mươi năm trước, chỉ có khoảng 60.000 du khách Mỹ tới Việt Nam mỗi năm. Ngày nay, con số này là gần nửa triệu. Hai mươi năm trước, chưa có đến 1.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học. Ngày nay đã có tới gần 19.000 sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ.

Ông John Kerry, người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, đã phải thốt lên tại một cuộc hội thảo ở Texas (Mỹ) ngày 22/4 năm ngoái: “Không ai có thể tưởng tượng nổi Hoa Kỳ và Việt Nam lại bắt tay cùng mười quốc gia khác để đạt được những cơ hội giao thương vô giá”.

Giờ đây, chắc không ai muốn nhắc lại những nhận định mang tính chụp mũ đối với những quan chức Hà Nội từng “khai sơn phá thạch” trong bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ là “những quý ngài đến từ Mỹ” (Mr. America)? Tinh thần “đối tác toàn diện”, “đối tác tin cậy” của hiện tại sẽ được phát huy như thế nào trong giai đoạn tới đây?

(Kỳ II: Nhân tố thứ ba trong bang giao Việt-Mỹ)

Đinh Hoàng Thắng

(Enternews)


Hướng đến “cây số 42” trên “đại lộ Hòa Bình” không thể không nhắc tới câu chuyện do bỉnh bút Nayan Chanda kể lại. Ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, khi “bên thắng cuộc” cắm lá cờ Mặt Trận lên tiền sảnh các cơ quan đại diện nước ngoài, thì riêng trước khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ lừng lững như một pháo đài vẫn không hề có sắc cờ nào từ lực lượng quân quản tung bay. Được hỏi về nguyên nhân ngoại lệ ấy, một quan chức ở Hà Nội quả quyết với Nayan rằng: “Người Mỹ sẽ sớm quay trở lại!” 

p/Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.

Lịch sử đang lặp lại cái vòng tròn định mệnh ấy. Đọc “Địa-chính trị trong chiến tranh Việt Nam” của James Burnham, chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), càng thấm thía điều này. Burnham từng coi chiến tranh Việt Nam là một phần của cuộc tranh hùng để giành quyền kiểm soát Đông Nam Á và chiếm thế thượng phong tại Tây Thái Bình Dương. Trong một bài viết ngày 20/11/1964, ông nhận xét: “Cuộc chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, vấn đề cục bộ. Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”. 

Hơn nửa thế kỷ sau, Biển Đông lại dậy sóng. Nhưng lần này, “các vai diễn” đã thay đổi. Trung Quốc từ chỗ “chống lưng” cho Việt Nam (trong kháng chiến) cũng là để mượn đường xuống Đông Nam Á, nay vẫn kiên định mục tiêu bá quyền ấy, nhưng đã bước lên vũ đài trong một tư thế mới. Với “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc quyết vượt đại dương để “ăn thua” với Hoa Kỳ. Điều trớ trêu là Việt Nam luôn nằm trên con đường hành tiến của người Trung Quốc. Nói bang giao Việt—Mỹ là quan trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì hàng loạt nhân tố thứ ba là nhìn nhận từ cái lăng kính địa—chính trị khắc nghiệt ấy. 

Hôn nhân vì lẽ phải 

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cùng các “bên thứ ba” như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc châu và Âu châu để đẩy mạnh hợp tác phát triển, đồng thời tăng thêm khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung là lẽ bình thường. 

Việc chính quyền của Tổng thống Trump đang trong giai đoạn định hình chính sách mà đã có các cam kết đối với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trong những ngày tháng Tư này là có ý nghĩa. Điều này thể hiện sự điều chỉnh mang tầm tính chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trump so với các tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử. 

Nhưng đây mới chỉ là những điều chỉnh bước đầu của phía Mỹ, những cơ hội có thể tranh thủ được để phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển đất nước, phần còn lại tùy thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và tận dụng mọi khả năng cả bên ngoài lẫn bên trong, tạo cho được sức bật mới ngay trong những năm trước mắt. 

Muốn vượt qua được những khó khăn thử thách rất lớn trong thời gian tới, cũng như tranh thủ tốt những cơ hội mới, chúng ta không thể không đổi mới một cách sâu sắc và triệt để các thể chế hiện hành vốn là những nhân tố không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn tạo ra nhiều tiêu cực trong kinh tế và xã hội. 

Một yếu tố bất định khác, đó là những diễn biến trên chính trường quốc tế thời gian gần đây vẫn chưa cho phép chúng ta nhận dạng được một cách rõ ràng các mối tương quan giữa các nước lớn hiện nay và trong tương lai gần. Trước đây nhiều người cho rằng Trump sẽ hòa hoãn với Putin để nắn gân Tập Cận Bình, gây sức ép mạnh với Trung Quốc. 

Nhưng chỉ sau hai ngày tại Mar-a-Lago với cảnh cháu ngoại Trump hát dân ca bằng tiếng Quan Thoại cho Tập Chủ tịch và Bành phu nhân thưởng thức thì không ai biết chắc được các “mối tình tay ba” ấy sắp tới sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. “Tuần trăng mật” giữa Philippines và Trung Quốc kết thúc sớm hơn dự kiến càng cho ta thêm những bài học đắt giá. 

Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để có thể xây dựng một chính sách đối ngoại phù hợp hơn, nhất quán hơn trong việc tranh thủ tối đa những vận hội mới để đẩy nhanh quá trình hội nhập, tăng năng lực phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. 

Cơ hội thúc đẩy bang giao 

Trong lần điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump quan tâm đến các mối bang giao Trung—Việt. Điều này có thể cho ta cơ hội nhưng cũng có thể tác động ngược lại, tùy theo tính tự cường của ta cao hay thấp, dài hay ngắn. Trong thư gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donalp Trump bày tỏ ý muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ—Việt, hy vọng về các mối liên hệ song phương sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. 

Hãy nhớ rằng, khi ông Trump thông báo cho Tập Cận Bình ngay trên bàn tiệc về việc Mỹ tấn công Syria là một mũi tên nhằm tới nhiều đích. Lấy lý do quân đội chính phủ Syria đàn áp dân thường bằng vũ khí hóa học để thực hiện đòn trừng phạt có thể đã bao hàm cả những lời cảnh báo. 

Trong khi đó ở Việt Nam, bạo lực và phản ứng của người dân từ Tiên Lãng, Formosa chưa lắng xuống thì những “ngòi nổ” từ Đồng Tâm, Dương Nội và nhiều nơi khác lại bốc cháy. Chiến tranh đã lùi xa mà sao bạo lực vẫn chưa chấm dứt, xung đột giữa cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích với người dân vẫn xẩy ra khá phổ biến và có nguy cơ lan rộng. Việc cần làm ngay là phải tháo gấp ngòi nổ từ các “quả bom dân sự” ấy từ trong nước. 

Bất cứ một hình ảnh gây sốc nào trong thời buổi hiện nay đều rất dễ sinh ra phản ứng dây chuyền, gây những tác động rất tiêu cực, làm cho quốc tế có thể quay lưng lại với Việt Nam. Nước Mỹ thời Trump lên ngôi, như nhiều chỉ dấu đã và đang cho thấy, khác hẳn nước Mỹ thời Clinton và Obama. 

Lịch sử sẽ còn phải nhắc lại chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam trước khi ông ấy kết thúc 8 năm điều hành nước Mỹ. Nhắc lại không chỉ vì ông là vị Tổng thống đầu tiên sinh ra trong hòa bình, cái chính là do những lời tạm biệt “gan ruột” của ông ấy. 

Trước khi chia tay, Obama muốn trao cho Việt Nam một hẹn ước như khi Kim Trọng trao kỷ vật cho người tình, để làm tin, một cách đằm thắm và vượt lên trên mọi xúc cảm chính trị... 

Nhưng cuộc tình “Mỹ—Việt” nay mai có thành hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào một mình Kim Trọng. Chỉ lo những lời “thệ hải minh sơn” ấy, vì lẽ gì đấy, rồi lại đâm ra dang dở! Cầu mong con tàu Việt—Mỹ đừng trật đường ray một lần nữa, bằng không lời chia tay của ông hóa thành điềm báo trước vận xui. 

Đang loay hoay để kết thúc bài viết, bỗng một giai điệu rock quen thuộc dội về. “Forever and Once…” (Mãi mãi và Một lần…) Ca từ thật xốn xang: “What can I do?” (Ta có thể làm gì đây?). Một câu hỏi ngơ ngác khi bị người tình phụ bạc. 

Giọng ca gào thét gây cảm giác “xé lòng”, cái cảm giác cháy bỏng bất cứ ai đau dù chỉ một lần trong đời cũng thật khó quên. “Hãy cố nhiều hơn nữa, hãy gác lại tất cả để tiếp tục cuộc hành trình”. Thiếu tình yêu thì đâu còn là cuộc sống, đấy chỉ là tồn tại. Vì thế, hãy giành lại tình yêu đã mất, dù đã phải trả giá quá nhiều… 

Đinh Hoàng Thắng

(Enternews)

Số phận bài báo “triệu người vui, triệu người buồn”…; Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm


Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...
“Đăng và gỡ”…
. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông?
+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005: 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.
. Vậy còn thăng trầm?
+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.
. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài?
+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác.
. Bài bị gỡ thường là “có vấn đề”, lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không?
+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh.
. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?
+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.
Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.
+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.
. Báo Quốc Tếđã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý?
+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30-3-2005.
“Triệu người vui, triệu người buồn”
. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông?
+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.
Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.
Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh?
+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28-4-1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ” như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”. Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.
. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản?
+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.
Ngoại giao văn hóa
. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook... Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay?
+ Chúng ta vẫn thường nghe câu “thêm bạn bớt thù” trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này “không thể hết được”. Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và “sắp xếp” hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.
. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông?
+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…

Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ  Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.


HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm - Võ Văn Kiệt


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng Tư năm 2005
Kính gửi : Đ/c Nguyễn Khoa Điềm
Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương
Tôi mới nhận được thư đồng chí trả lời bức thư tôi gửi ngày 01 tháng 3 (2005) xin cảm ơn sự trao đổi (dù quá muộn) của các đồng chí.
Trước hết tôi muốn nói rõ quan điểm của mình với những gì mà đồng chí trao đổi trong thư :
Thứ nhất : Về thời gian từ khi ngưng không cho đăng bài báo phỏng vấn tôi cho đến Tết và khi tôi có thư hỏi chắc đồng chí còn nhớ là thời gian đó không ngắn. Đồng chí có nhận khuyết điểm, tôi coi thái độ cầu thị đó là tốt. Tuy nhiên, những lý do mà đồng chí biện bạch trong thư về thời gian là không đủ thuyết phục. Đó là tôi nghĩ với tư cách của một công dân bình thường, còn với tôi chắc các đồng chí không xa lạ gì.
Thứ hai : về nội dung bài báo : các đồng chí lý giải rằng do việc xuất bản cuốn sách “Hồi ký không tên” của Lý Quý Chung và những phản ứng từ báo Quân đội nhân dân và một số ý kiến khác từ đó các đồng chí đánh giá sẽ bất lợi nếu đăng bài báo ấy. Trong trường hợp này (coi là khẩn cấp) trước hay liền sau đó các đồng chí ít nhất bằng các phương tiện thông tin khác trao đổi lại không khó khăn gì, kể cả gặp trực tiếp tôi.
Như đồng chí đã biết, là người có trách nhiệm bám sát Sài Gòn – Gia Định suốt cuộc chiến chống Mỹ, Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định chúng tôi phải vận dụng chủ trương tập hợp lực lượng chính trị bằng mọi hình thức khác nhau, tranh thủ mọi khả năng có thể tranh thủ được có lợi cho đấu tranh cách mạng miền Nam. Thường vụ Thành uỷ Sài Gòn lúc bấy giờ theo sát từng bước diễn biến tình hình mọi mặt, vừa theo sát diễn biến chiến sự của chiến dịch Hồ Chí Minh, vừa theo dõi sát các động thái của phía địch, về nội tình của chúng và các nhóm chính trị đối lập với Mỹ – Thiệu để kịp thời chỉ đạo cho cán bộ đảng viên, nòng cốt của ta trong các nhóm chính trị, trong binh vận và trong chính phủ Dương Văn Minh. Phương án kết thúc chiến tranh mà Thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn trước sức tiến công của quân ta không có khả năng đảo ngược là phương án chỉ đạo phối hợp tối ưu. Các đồng chí có biết ngay trong đêm 29 và ngày 30/4/1975, chúng tôi và Thành uỷ ở đâu không ? Ở ngay ven thành phố Sài Gòn. Tôi phụ trách bộ phận cán bộ tiếp quản của Trung ương Cục (Quân quản) cùng đồng chí Mai Chí Thọ và bộ máy Thành uỷ, đầu buổi chiều 30/4 chúng tôi đã có mặt trong Thành phố. Tôi muốn nhắc lại một chút để đồng chí hiểu thêm tôi là người trong cuộc chứ không phải đứng từ xa.
Tôi chưa rõ trên cơ sở nào mà các đồng chí cho rằng nhận định của các tác giả của bốn bài báo trên báo “Quân đội nhân dân” được “đăng liên tiếp” là đúng, còn bài trả lời phỏng vấn của tôi là không phù hợp, là sai, “dễ gây ra hiểu lầm và làm phân tâm thêm bạn đọc” như các đồng chí kết luận. Chắc là, tôi phải nói theo như báo “Quân đội Nhân dân” nhất nhất làm theo chỉ đạo của các đồng chí thì mới không “gây ra hiểu lầm” và không “làm phân tâm thêm bạn đọc”, quả là những công việc làm thường ngày thành quen của ban Tư tưởng Văn hoá ! Còn có thể vì một lý do nào khác nữa mà các đồng chí không tiện nói ?
Thật ra, tôi đã đọc cuốn hồi ký của Lý Quý Chung lúc còn là bản thảo. Nhà xuất bản đã sửa sang, cho in chính thức lần đầu tôi cũng đã được xem (chỉ có những đoạn đám Nhuận, Đức, Hạnh không chịu vì có liên quan (sau đó Nhà xuất bản và tác giả đã cắt bỏ). Anh Phạm Quang Nghị có hỏi, tôi đã trả lời : đây là thể loại hồi ký, mỗi người có cách nhìn và cách đánh giá riêng và phải tự chịu trách nhiệm. Với một trí thức như Lý Quý Chung, về nội dung chính trị, tôi cho là không có vấn đề gì. Với tư cách là Bí thư Đảng uỷ đặc biệt và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ chẳng lẽ tôi lại đề cao địch, phủ nhận lại chính mình.
Về lực lượng thứ ba, các lực lượng đối lập trong chính quyền nguỵ, cần có sự nhận định thực tế đủ khách quan, không nên tuỳ tiện quy kết theo chủ quan, phiến diện vì nó liên quan đến một chính sách lớn của Đảng (phải nói là thật sự thành công). Chẳng hạn, chỉ nêu lên một trường hợp Phạm Ngọc Thảo, người được đồng chí Lê Duẩn giao trách nhiệm với danh nghĩa là người công giáo đi kháng chiến chống Pháp trở ra “hợp tác với quốc gia” để bằng mọi cách xây dựng được lực lượng chính trị quốc gia (cũng là lực lượng thứ ba, nếu có một Chính phủ quá độ ở miền Nam).
Các đồng chí cho rằng những nhận xét của tôi về công tác của Ban Tư tưởng Văn hoá như “áp đặt, cửa quyền, thiếu dân chủ, rất ít khi được đối thoại những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nặng về quyền lực hơn là thuyết phục” là không thoả đáng, cũng có nghĩa là không chính xác, cũng có thể là không phải tất cả đều như vậy. Tôi tạm lấy ngay cách các đồng chí xử sự với tôi, một người không xa lạ gì với các đồng chí, lại là người trong cuộc, có trách nhiệm trước Đảng chỉ đạo tại chỗ hàng chục năm ở Thành phố Sài Gòn.
Chắc các đồng chí không lạ gì về công việc mà tôi phụ trách trong một thời gian dài, để từ đó mà có thể có căn cứ đưa ra nhận định như đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn, thế những vì thấy không phù hợp với ý kiến chủ quan của mình thì dùng quyền của Ban Tư tưởng Văn hoá để bác bỏ một cách tuỳ tiện, mãi cho đến khi tôi có ý kiến mới trả lời với những lý do không thuyết phục, vậy thì đó là “thoả đáng hay là không thoả đáng”. Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng ! Đây là một cách làm không minh bạch, gây phản ứng ngầm không ít trong giới cầm bút, kể cả cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng.
Đã đến lúc các đồng chí nên nghiêm túc hơn, soi lại mình, trở lại với nguyên tắc của Đảng, trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mấy ý kiến vắn, xin trao đổi lại với các đồng chí.

Kính thư,
Võ Văn Kiệt

Nguồn: http://demo.trieuxuan.info/the-loai/tu-lieu-sang-tac/thu-cua-ong-vo-van-kiet-gui-nguyen-khoa-diem-10347.html

MỘT BÀI VIẾT ĐÃ BỊ XÓA TRÊN M.CAFEF.VN

An Lê và 3 người khác đã chia sẻ một liên kết.

Rất tiếc, Chúng tôi không tìm thấy nội dung nàyXem thêm danh sách tin mới dưới đây

Sản xuất thép là một trong những ngành được cảnh báo về nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Với công suất 10,5 triệu tấn/năm, Formosa có thể cho ra hơn…
M.CAFEF.VN|BỞI CAFEF

ASEAN ra Tuyên Bố Chung muộn do hồ sơ Biển Đông và Trung Quốc ?


Trọng Nghĩa


mediaLãnh đạo các nước Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tại thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, Manila, Philippines, ngày 28/4/2017.REUTERS/Erik De Castro
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 đã kết thúc ngày 29/04/2017. Bản Tuyên Bố Chung của hội nghị thường được công bố ngay sau khi thượng đỉnh bế mạc, nhưng phải chờ đến sáng nay, 30/04, văn kiện chính thức mới được công bố trên trang web của hội nghị. Nội dung liên quan đến Biển Đông rất nhẹ nhàng đối với Trung Quốc : Từ ngữ nói về hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn biến mất.





Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn màng bản Tuyên Bố Chung là một sự kiện khác thường vì « lần đầu tiên trong lịch sử của mình, thượng đỉnh ASEAN đã bế mạc mà không có bản tuyên bố chung được công bố trong cùng một ngày ».
Báo Singapore The Straits Times cũng nêu lên việc mọi người đều chờ đợi tổng thống Philippines Duterte, trong tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ đọc bản tuyên bố chung tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị. Tuy nhiên, ông đã loan báo văn kiện này sẽ được đưa sau lên website của ASEAN và gửi tới các phóng viên bằng thư điện tử.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ngắn gọn khác thường : Gộp lại trong vỏn vẹn 2 điều và bao gồm 265 từ, trong lúc bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2016 ở Lào có đến 8 điều và 439 từ.
Trên bình diện nội dung, phần nói về Biển Đông chỉ lập lại những điểm thường thấy như « tái khẳng định » tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp.
Không còn « quan ngại sâu sắc » về hoạt động « cải tạo đất » và quân sự hóa »
Tuy nhiên, điểm được giới quan sát chú ý nhất là việc Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần này tại Manila như không còn lo ngại về tình hình Biển Đông nữa, và đã xóa bỏ toàn bộ các nhóm từ gợi đến các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành tại vùng Biển Đông. Thay vào đó là từ ngữ rất chung chung và mơ hồ « những diễn biến gần đây ».
Thay đổi lộ rõ khi so sánh văn kiện ở thượng đỉnh ASEAN thứ 30 tại Philippines với Tuyên Bố Chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 28-29 tại Lào vào tháng 09/2016. Tuyên bố chung của ASEAN tại Lào đã nói rõ trong điều thứ 121 mở đầu phần Biển Đông là các lãnh đạo ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và sự gia tăng các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực ».
Trong điều 120 của bản tuyên bố chung Manila mở đầu phần Biển Đông, câu nói về thái độ quan ngại sâu sắc chung của khối Đông Nam Á biến mất hoàn toàn, và chỉ còn một số nước ASEAN quan ngại mà thôi, điều được thấy trong câu ngắn gọn : « Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực ».
Nhóm từ đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc như vậy đã biến mất, cũng như từ ngữ liên quan đến việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Trong Tuyên bố chung tại Lào, các lãnh đạo ASEAN đã nói trong điều 124 : « Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc cải tạo đất, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông ». Câu này với hai nhóm từ « quân sự hóa và cải tạo đất » không được ghi lại trong văn kiện vừa công bố.
Điểm đáng nói là các từ ngữ này không có trong dự thảo ban đầu của Philippines, nhưng đã được tái lập trong dự thảo cuối cùng ngày 29/04, mà các hãng tin AP của Mỹ, AFP của Pháp và Reuters của Anh đọc được. Theo các nguồn tin này, có 4 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam, theo nguồn của AFP) đã yêu cầu như trên. Tuy nhiên, việc các từ ngữ trên không có trong bản Tuyên Bố Chung cho thấy là trong vòng đàm phán tối hậu, phe chủ trương không phê phán Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của mình.

ASEAN không nhắc đến Trung Quốc xây đảo, quân sự hóa Biển Đông


Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh hôm 29/4
Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh hôm 29/4
Sau cuộc họp thượng đỉnh vào dịp cuối tuần, các nước Đông Nam Á hôm Chủ nhật đã ra tuyên bố với lập trường mềm mỏng hơn về tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố này tránh nhắc đến việc Trung Quốc xây dựng và vũ trang các đảo nhân tạo.
Tuyên bố của Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được công bố sau khi hội nghị kết thúc khoảng 12 giờ, và đã bỏ đi đoạn đề cập đến "việc bồi đắp và quân sự hoá" từng hiện diện trong bản tuyên bố sau hội nghị hồi năm ngoái, cũng như trong một bản thảo không được công bố mà Reuters được xem hôm thứ Bảy.
Đây là kết cục tiếp sau điều mà hai nhà ngoại giao ASEAN nói hôm thứ Bảy là có các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức đại sứ quán nước này gây áp lực với Philippines, nước hiện là chủ tịch ASEAN, để không đưa các hoạt động gây tranh cãi của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược vào chương trình nghị sự chính thức của ASEAN.
Trung Quốc không phải là thành viên của khối gồm 10 nước thành viên và không tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng lại cực kỳ nhạy cảm về nội dung tuyên bố của ASEAN. Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là cố gắng gây ảnh hưởng đến các bản thảo tuyên bố để ngăn chặn những lời lẽ mà Trung Quốc coi là trái ngược cũng như thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này về một khu vực biển rộng lớn.
Tuyên bố của ASEAN ghi nhận "sự hợp tác tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc", và không nhắc đến "căng thẳng" hoặc "các hoạt động leo thang" vốn đã được nêu trong các bản thảo trước và tuyên bố hồi năm ngoái. Tuyên bố của hội nghị vừa qua ghi nhận một số mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về "những diễn biến gần đây" ở vùng biển có tuyến vận tải chiến lược và giàu tài nguyên, nhưng không nói cụ thể các quan ngại đó là gì.
Một nhà ngoại giao Philippines nói có một bí mật mà ai cũng biết là Trung Quốc cố gắng tác động đến các thành viên ASEAN để bảo vệ lợi ích của họ.
Một nhà ngoại giao ASEAN khác nói tuyên bố này thể hiện chính xác bầu không khí tại Manila.
Vị này phát biểu: "Chúng tôi tôn trọng quan điểm của Philippin và đã hợp tác với họ. Điều đó phản ánh rõ ràng về việc vấn đề đó đã được thảo luận như thế nào".
Một nhà ngoại giao đã chỉ ra rằng những động thái đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN để xác định khuôn khổ đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử hàng hải có thể là một yếu tố dẫn đến việc họ đồng ý về bản tuyên bố có lời lẽ mềm mỏng.
Tất cả các bên đều muốn hoàn thành khuôn khổ trong năm nay, mặc dù có một số hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ đồng ý với một bộ quy tắc có thể tác động đến các lợi ích địa chiến lược của họ.

SCIC có bán được vốn nhà nước tại 137 doanh nghiệp để cứu ngân sách?

Trong “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để chơi chữ cho dù tình thế đã ở vào thời kỳ cùng đường.


Từ “thoái vốn” đến “bán vốn” là một cách chơi chữ như thế. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng “lộ hàng” theo nghĩa đen nhất. 

Sau chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi một số doanh nghiệp, nhu cầu bán vốn chưa bao giờ bị thúc giục cuống quýt như hiện thời.

Tháng 4/2017, quan chức Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) một lần nữa báo cáo: “SCIC xác định có 137 doanh nghiệp chúng tôi sẽ bán hết đến từ nay đến năm 2020, trong đó có 100 doanh nghiệp không bán được – gọi là doanh nghiệp hạng C- từ các địa phương có doanh nghiệp đến lần thứ 3 không bán được”.  Nhưng ông Chi nói cho hay “đơn vị này vẫn quyết tâm cố gắng bán”. 

Vào cuối năm 2015 – giai đoạn mà thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng sắp “rớt đài” tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền, Chính phủ đã phải đôn đáo thúc đẩy việc thoái vốn ở 10 doanh nghiệp, kể cả “con bò sữa” Vinamilk, để thu về khoảng 7 tỷ USD cho ngân sách. Đó cũng là khoảng thời gian mà ngân sách phải trả nợ nước ngoài cao chưa từng thấy: 20 tỷ USD trong năm 2015.

Tuy thế, 7 tỷ USD vẫn chưa là cái gì so với một nền ngân sách mà mức bội chi đã vọt lên đến 6,6% GDP trong năm 2013 và luôn cận kề mức kỷ lục ấy cho đến gần đây (trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, bội chi trên 5% GDP đã là nguy hiểm).

Với tình trạng bội chi bất chấp như thế, một số chuyên gia độc lập đã dự liệu rằng ngân sách trung ương sẽ không thể “kéo” qua được hết năm 2018.

Nghĩa là Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng của quốc gia Argentine trong hai lần vỡ nợ vào năm 2001 và năm 2014.

Cũng từ cuối năm 2015, một số thông tin cho biết Chính phủ Việt Nam đã phải trù tính đến việc bán vốn tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước để có thể thu về hơn 400 tỷ USD – theo một dự tính lạc quan.

Con số hơn 400 tỷ USD trên bằng 2 lần GDP hàng năm của Việt Nam và sẽ giúp “ổn định kinh tế - xã hội”, qua đó kéo dài tuổi thọ của chế độ cầm quền ở Việt nam thêm ít năm nữa, trong khung cảnh hầu như toàn bộ các nguồn “ngoại viện” – từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, cho đến nguồn kiều hối của hơn 4 triệu “kiều bào ta” ở hải ngoại – đều hoặc ngưng trệ hẳn, hoặc giảm sút thê thảm.

Nhưng trong thực tế, SCIC có bán được vốn nhà nước để cứu vãn ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn kiệt trong lúc vẫn có ít nhất 30% viên chức công chức “không làm gì cả mà vẫn hưởng lương”?

Ngay trước mắt, SCIC chỉ có thể bán được 37 trong tổng số 137 doanh nghiệp muốn tống táng.

Cần chú ý rằng kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước khỏi các thị trường bất động sản, chứng khoán đã được Chính phủ phát động từ năm 2013 và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ thoái dược hơn 50% số cần thoái. Mà như vậy, làm sao các doanh nghiệp này thu đủ tiền để chuyển trả lại ngân sách Bộ Tài chính một khi SCIC muốn bán sạch vốn nhà nước?

Bài toán bán vốn và kéo theo chân đứng ngân sách - tồn tại cính trị vẫn hoàn toàn bế tắc. 

Minh Quân

(VNTB)