Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Hà Tĩnh: Lấy bò lở mồm long móng hỗ trợ cho người nghèo, dân bức xúc; 'Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm!'

08:29 - 31/10/2017

Trương Hoa


Đem bò bị dịch bệnh lở mồm, long móng để hỗ trợ cho người dân nghèo. Sự việc đang khiến người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bức xúc.

Bò dự án hỗ trợ người nghèo bị dịch bệnh khi mới nhận về chuồng
Theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc dự án 30A, các hộ nghèo một số xã ở huyện miền núi Hương Khê sẽ được cấp bò hỗ trợ, phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất.
Theo đó, 30 con bò cái lai Zêbu sẽ được cấp cho 30 hộ dân thuộc diện nghèo. Tuy nhiên, cấp bò buổi sáng, trưa đến đã phát hiện bò bị bệnh, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở mồm, long móng, xuất hiện vết xước ở chân.
Bà Phan Thị Lê, xã Phú Phong (Hương Khê) bức xúc nói: "Ngày 25/10, gia đình nhận được một con bò hỗ trợ theo đề án 30A, vui mừng vì từ nay có bò để sản xuất, sinh đẻ. Ai ngờ, sáng nhận bò, trưa phát hiện bò bị bệnh. Bò chỉ nằm chứ không đứng được, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở loét, chảy dãi.
Tôi lo lắng, nghĩ chắc bò lạ nước, lạ cái nên mới không ăn. Con gái tôi mới bón cỏ, nấu cháo cạy miệng để đút nhưng bò vẫn không ăn. Gọi bác sĩ thú y đến, họ chẩn đoán bò mắc bệnh, khả năng là lở mồm, long móng".
Bà Lê cũng cho biết thêm, "5 ngày rồi bò chỉ nằm không ăn, gầy đi thấy rõ. Hiện cơ quan chuyên môn đã về kiểm tra, họ cho hóa chất để xử lý. Đến nay, bò đã đỡ hơn và đứng dậy ăn uống nhẹ".
Với anh Nguyễn Hữu Quyền (xã Gia Phố, huyện Hương Khê) cũng là hộ gia đình được cấp bò, sau khi được nhận bò hỗ trợ, gia đình anh phát hiện bò bị lở loét ở chân. Lúc đó anh chỉ nghĩ chắc do chằng chéo, vận chuyển bò trên xe đường dài nên nó bị xây xước. Nhưng không ngờ, khì bò bỏ ăn, gọi cơ quan chuyên môn đến kiểm tra mới phát hiện bò bị dịch bệnh.
"Chúng tôi nghèo thật, nhưng không vì thế mà bị khinh rẻ, coi thường. Hỗ trợ bò cho người nghèo mà đem bò bệnh, bò dịch cho dân!" - anh Quyền bức xúc nói.
Theo thông tin từ UBND huyện Hương Khê, ngày 30/6, huyện ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 30a năm 2016. Theo quyết định này, trên địa bàn Hương Khê có 6 xã được hỗ trợ giống bò cái lai Zêbu là: Phúc Trạch, Hương Trạch, Phú Phong, Hương Xuân, Gia Phố, Hương Trà. Mỗi xã có 10 hộ gia đình khó khăn được nhận bò của dự án, mỗi con bò trị giá 10 triệu đồng. Ngày 25/10, người dân 3 xã được nhận bò là Phú Phong, Hương Xuân và Gia Phố với tổng số 30 con.
Số bò trên do hai cán bộ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê đưa về và phối hợp với các xã bàn giao cho dân.
Trao đổi với ông Nguyễn Minh Long - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hương Khê, ông Long cho biết: "Sự việc bò bị dịch bệnh quá thực rất bất ngờ! Đúng là có sự việc đó. Bò dự án cung cấp cho dân mà bị bệnh là hết sức nghiêm trọng".
"Tuy nhiên, trước khi nhận bò từ dự án, cán bộ kỹ thuật đã kiểm tra hồ sơ kỹ, toàn bộ 30 con bò đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng nhị tupe (O, A) và đủ thời gian miễn dịch nhưng lại bị bệnh đồng loạt" - ông Long khẳng định.
Ông Long cũng nói thêm, sau khi nhận được thông tin, về cơ sở xác minh cụ thể, Trung tâm đã yêu cầu đơn vị cung ứng giống phải phối hợp với địa phương và phải chịu kinh phí để điều trị bệnh cho số bò nói trên, kể cả những con bị lây lan ngoài chương trình.
"Những con bò bị bệnh nặng hoặc chết do bệnh thì phải đền bù cho dân" - ông Long nhấn mạnh.
Hiện, UBND huyện đã yêu cầu Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê báo cáo giải trình và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan.
Được biết, ngày 26/10 đã có 14/30 con bò dự án bị bệnh tại huyện Hương Khê. Đến ngày 29/10 đã có 30/30 con bò bị bệnh và còn lây lan sang 3 con bò và 1 con lợn nái đang mang thai của người dân tại địa phương. Số bò dự án trên được mua từ Trạm giống chăn nuôi Bắc Nghệ An.
Trước đó, vào năm 2016 trên địa bàn huyện Hương Khê cũng đã xảy ra tình trạng lợn dự án hỗ trợ người nghèo khi được cấp cho người dân cũng đã bị dịch bệnh.


'Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm!'

'Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm!'

(PLO)-  ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đã làm nóng bưng nghị trường Quốc hội với nhận định "chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm", tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngày 31-10. 
Trong bài phát biểu của mình ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng điều dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ lần này là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ thì trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ.
Kế đó, ông Cương nêu hai dẫn chứng về tình trạng buôn lậu và phá rừng.
"Rừng phá tan hoang rồi lãnh đạo mới đến kiểm tra"
Theo ông Cương, Thủ trướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất vừa qua ở một số địa phương cho thấy tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. “Một chủ DN trồng rừng cho biết nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy”- ông Cương nói.
'Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm!' - ảnh 1
ĐB Nguyễn Sĩ Cương: Cây gỗ to 100 năm mới có, chặt phá chỉ cần 16 phút. Ảnh: Đ. Minh 
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, một cây to có đường kính 1m cần 70 đến 100 năm mới có được nhưng lâm tặc chỉ cần 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi đêm có từ 80 đến 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và nộp cho  kiểm lâm 300-400 nghìn đồng tiêu cực thì số tiền thu lợi bất chính không hề nhỏ.
Có nơi “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm” - ông Cương nói và cho rằng nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do “tận thu”.
“Nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo và không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng bao giờ mới thành hiện thực”- ông Cương kết. 
Buôn lậu thuốc lá hoành hành, lực lượng chức năng vắng bóng
Theo Đại biểu Cương, tình trạng buôn lậu, dù báo cáo của Chính phủ chỉ nêu được một câu “tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra” nhưng trên thực tế tình trạng này đang diễn ra rất sôi động cả ở trên đất liền và trên biển. Hiện không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê về hậu quả, từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.
'Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm!' - ảnh 2
ĐB Nguyễn Sĩ Cương nói số thuốc lá lậu  này ông mua được rất dễ dàng. Ảnh: Đ.Minh
Ông Cương cho biết mình đã đi thực tế để “mục sở thị” tình trạng buôn lậu thuốc lá ở một số tỉnh phía Nam. Ông nhận thấy tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai ở một số thời điểm trong ngày. Ở Châu Đốc, xe máy chở thuốc lá lậu thành từng tốp từ 1-4h sáng.
“Sau khi đi khảo sát ở chợ Châu Đốc, anh em nói với tôi là phải qua Long An trước 13h. Chúng tôi đã phải trì hoãn ăn trưa để 12h30 có mặt ở đoạn đường quốc lộ 62, cách cửa khẩu Bình Hiệp vài trăm mét. Theo tiết lộ, đó là khung giờ bọn buôn lậu hoạt động. Quả nhiên sau khi đến đó được vài phút thì  xe máy chở buôn lậu rầm rầm chạy qua với tốc độ kinh hoàng...”- ông Cương nói.
Cũng theo ĐB, thuốc lậu được bán công khai và muốn mua thuốc lá gì cũng có. Ông Cương giơ một túi nilon to lên và cho biết đây là số thuốc lá ông mua được trong chuyến đi thực tế ở các tỉnh phía Nam.
“Trong ba ngày đi thực tế, tôi chỉ mong có một lần được gặp các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên tôi không gặp bất cứ lực lượng nào”- ông Cương cho biết và cho rằng nếu không tăng cường chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là vào dịp giáp Tết nguyên đán.

ĐỨC MINH

Wikileaks tiết lộ: Tập Cận Bình rất tin vào năng lực siêu nhiên của Phật gia

Wikileaks mới đây đã công bố những tài liệu rất đặc biệt về ông Tập Cận Bình. Trong đó miêu tả tường tận về tính cách cũng như những trải nghiệm của ông Tập, gồm cả việc ông Tập rất tin vào khí công và những năng lực siêu nhiên của Phật gia.

tín ngưỡng Phật gia, Tap Can Binh, khổ sai,
Wikileaks đã tiết lộ, ông Tập Cận Bình rất tin vào năng lực siêu nhiên của Phật gia. (Ảnh: Chinanews)
Ngày 30/08/2011, Wikileaks đã công bố một điện báo cơ mật mà đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh gửi đến Washington ngày 16/11/2009. Điện báo này có mã số 09BEIJING3128, cấp độ bảo mật là cơ mật.
Tiêu đề của điện báo là “Chân dung Phó Chủ tịch Tập Cận Bình: Tham vọng sống sót trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa” (Portrait of Vice Prrsident Xi Jinping: ‘Ambitious Survivor’ of the Cultural Revolution).
Điện báo cho biết, những thông tin này được tiết lộ trực tiếp bởi người bạn thân trước đây của ông Tập Cận Bình, một giáo sư có mối quan hệ lâu năm với Đại sứ quán Mỹ. Ông này đã chia sẻ về bối cảnh gia đình, quá trình trưởng thành, thời kỳ thanh thiếu niên, sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình, cũng như ấn tượng và đánh giá của ông về ông Tập.
Quan viên của Đại sứ quan Mỹ phải thông qua rất nhiều lần nói chuyện từ năm 2007-2009 mới thu thập được nội dung như trong điện báo. Khi Wikileaks công bố điện báo này, đã ẩn danh tính của vị giáo sư này đi, nội dung điện báo tập trung miêu tả về tính cách và sở thích của ông Tập Cận Bình.
Tin tưởng năng lực siêu nhiên của Phật gia
Trong điện báo, vị giáo sư đã tiết lộ, ông Tập Cận Bình trong giai đoạn đầu sự nghiệp chính trị, đã rất tin tưởng vào năng lực siêu nhiên của Phật gia. Trong khoảng thời gian ông Tập công tác ở Hạ Môn, lúc nói chuyện với vị giáo sư này, ông Tập thường bày tỏ nhận xét của mình rằng, khí công, võ thuật và những thứ khác của Phật gia có khả năng trợ giúp sức khỏe một cách thần bí, và cho biết mình rất thích thánh địa Ngũ Đài Sơn của Phật giáo.
Vị giáo sư này nói, ông không rõ ông Tập có tín ngưỡng tôn giáo hay không, hay chỉ là tìm kiếm một phương pháp rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Nhưng bất kể thế nào, việc ông Tập rất am hiểu về tâm linh khiến ông không khỏi ngạc nhiên.
Không nói chuyện về mỹ nữ, không quan tâm tiền tài
Vị giáo sư này hình dung ông Tập Cận Bình là người cương quyết, lạnh lùng, “rất khó hiểu”, “ý chí mãnh liệt”,“biết thời biết thế”“ngay từ đầu đã không dùng thủ đoạn”. Ông Tập Cận Bình không giống như những người mà ông thường thấy, ông Tập không nói chuyện về mỹ nữ, điện ảnh, không uống rượu, không dùng những chất gây nghiện v.v.
Vị giáo sư này nói, ông Tập Cận Bình không “tinh ranh” như những quan chức khác mà ông từng tiếp xúc, hoàn toàn không quan tâm tiền tài, không tham ô, nhưng ông Tập có thể “bị quyền lực ăn mòn”.
Vô cùng am hiểu phương Tây
tín ngưỡng Phật gia, Tap Can Binh, khổ sai,
Ông Tập Cận Bình và ông Tập Trọng Huân. (Ảnh: RFA)
Vị giáo sư còn chỉ ra, ông Tập Cận Bình rất am hiểu về phương Tây. Chị gái của ông Tập sống ở Canada, ông Tập còn có rất nhiều bạn sống ở nước ngoài, ông là người duy nhất trong gia tộc mình sống ở Trung Quốc. Vị giáo sư này nói tiếp, bởi vì ông Tập Cận Bình hiểu rằng, nếu như ông ấy ra nước ngoài sống thì sẽ chỉ là một người bình thường.
Trải nghiệm cuộc sống của ông Tập Cận Bình
Cha ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân, là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc sáng lập ra căn cứ địa Thiểm Bắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau khi ĐCSTQ giành được chính quyền, ông Tập Trong Huân từng đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, Phó ủy viên trưởng Đại hội Đại điểu nhân dân toàn quốc.
Nhưng trong những năm 1960, bởi vì tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” bị liệt vào phản đảng, nên ông Tập Trọng Huân và nhiều quan chức địa phương khác bị ảnh hưởng, vì thế trong Cách mạng Văn hóa ông đã bị bức hại, thẩm tra, giam giữ và phải ở trong tù 16 năm. Sau Cách mạng Văn hóa ông được phục chức làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.
Trong sự kiện đại thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Tập Trọng Huân là người đồng tình với Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, lên tiếng phản đối xuất binh trấn áp sinh viên. Ngày 24/05/2002 ông Tập Trọng Huân qua đời tại Bắc Kinh, hưởng thọ 89 tuổi.
Trong khoảng thời gian ông Tập Trọng Huân bị đả đảo trong Cách mạng Văn hóa, thì ông Tập Cận Bình cũng bị liệt vào phần tử phản đảng. Năm 1969 năm Tập Cận Bình bị đày đến thôn Lương Gia Hà huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, ông Tập đã phải lao động cực khổ ở đây 7 năm.
Ông Tập Cận Bình nhớ rõ về thời thanh niên của mình khi ông lên tàu từ Bắc Kinh về vùng nông thôn “cả đoàn tàu đều khóc chỉ tôi là cười”, khi đó ông Tập Cận Bình còn chưa tròn 16 tuổi.
Năm 2004, khi ông Tập Cận Bình tiếp nhận phỏng vấn của đài truyền hình Diên An, đã nói rằng: “Tôi không đi thì mới đáng khóc, nếu ở đây thì tôi chưa chắc đã giữ được mạng”.
Thời đó thanh niên trí thức “bị chuyển về vùng nông thôn lao động sản xuất” được xem là “biến tướng của lao động cải tạo”. Từ năm 1974-1979 đã có 25.690 thanh niên trí thức tử vong, trong đó 60% bị chết bất thường.
Ông Tập Cận Bình cũng nhiều lần nói rằng, trải nhiệm trong “7 năm lao động khổ sai ở vùng nông thôn” đã ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến ông.
Lê Hiếu biên dịch

‘Nông thôn mới’ làm mới những oán hờn

Trân Văn
31-10-2017
Người nông dân lên thành phố bán sức lao động tại Hà Nội. Hình minh họa. Photo Courtesy
Bất kể ông Hoàng Văn Trà – Chủ tịch tỉnh Phú Yên, bà Hồ Nguyên Thảo – Bí thư huyện Tây Hòa, ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch xã Sơn Thành Tây cùng khẳng định việc chặn xe hoa, buộc gia đình ông Dương Thanh Tuấn phải nộp hai triệu đồng mà ông còn thiếu chương trình “xây dựng nông thôn mới” là sai, song ông Phạm Văn Quảng, Trưởng thôn Sơn Tây vẫn chưa chịu tổ chức xin lỗi gia đình ông Tuấn.
Theo lời ông Quảng thì ông phải chờ ý kiến cuối cùng của Chi bộ thôn. Tổ chức xin lỗi sẽ làm… chính quyền thôn mất mặt, không còn uy tín để làm việc!
Sau khi tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật chuyện cả Phó Bí thư Xã đoàn, lẫn Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn cùng công an thôn Sơn Tây đổ ra đường chặn xe hoa, buộc gia đình ông Tuấn phải nộp khoản tiền mà ông còn thiếu chương trình “xây dựng nông thôn mới”, nhiều độc giả của tờ Pháp Luật TP.HCM cũng như người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã đòi phải nghiêm trị hành động càn rỡ này.
Sự phẫn nộ của công chúng và báo giới hoàn toàn chính đáng, người ta không thể chấp nhận chuyện cán bộ thôn chọn thời điểm gia đình ông Tuấn tổ chức đón dâu để gây sức ép (cầm giữ xe hoa suốt một tiếng và chỉ cho gia đình ông Tuấn tiếp tục rước dâu khi mẹ ông Tuấn ký vào “biên bản”, cam kết ngày giờ thanh toán nợ chương trình “xây dựng nông thôn mới”).
Tuy nhiên có một điểm rất ít người chú ý, đó là chính chương trình “xây dựng nông thôn mới” đã đẩy các cán bộ thôn Sơn Tây – những kẻ thừa hành – vào thế phải hành xử càn rỡ như vậy. Ông Quảng phân bua: Trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”, nhà nước chỉ cho thôn Sơn Tây xi măng để làm con đường dài 1.800 mét. Dân chúng trong thôn phải đóng góp các chi phí còn lại (mỗi nhân khẩu phải nộp 1,5 triệu đồng – kể cả trẻ sơ sinh). Vào thời điểm làm đường (2014), ông Tuấn (cư trú nơi khác) vẫn còn hộ khẩu tại thôn Sơn Thành Tây nên gia đình của ông không thể thoái thác nghĩa vụ này.
***
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 2.016 xã (23% tổng số xã) đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới”.
Cũng theo thống kê vừa kể thì song song với con số 2.016 xã tại Việt Nam đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do “xây dựng nông thôn mới” và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Tại một cuộc họp của Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) diễn ra hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Phương một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét – công nhận đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” không hợp lý nên chương trình “xây dựng nông thôn mới” trở thành lãng phí vì không hiệu quả. Ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo “tiêu chuẩn nông thôn mới” đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế.
Ở cuộc họp vừa kể, những đại biểu khác nói thêm rằng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình “xây dựng nông thôn mới”, chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Vào thời điểm ấy, ông Nguyễn Tuấn Anh, một đại biểu của tỉnh Bình Phước đề nghị phải xem kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới có tương xứng với chi phí hay không, có gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho nông dân, đặc biệt là các gia đình nghèo hay không? Đại biểu này đề nghị kiểm tra xem có bao nhiêu gia đình bị ép buộc đóng góp quá mức nên phá sản.
Theo lời ông Anh, vốn đầu tư để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại một xã ở Bình Phước khoảng 175 tỉ đồng. Bình Phước hiện có khoảng 100 xã cần hoàn tất chương trình “xây dựng nông thôn mới”, tổng vốn sẽ khoảng 175.000 tỉ đồng. Từ nay đến 2025 – thời điểm phải hoàn thành chương trình “xây dựng nông thôn mới” trên toàn Việt Nam là 11 năm – tính ra, riêng chương trình “xây dựng nông thôn mới”, mỗi năm Bình Phước phải chi 15.000 tỉ đồng. Bình Phước lấy từ đâu ra khoản này trong khi mỗi năm, tỉnh này chỉ thu về được khoảng 4.000 tỉ đồng?
Đáng nói là sau năm năm thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”, dù di họa của nó rất rõ ràng: Nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu, chẳng hạn như trả lương cho giáo viên. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”, nhưng không được thanh toán,… nhưng cuối năm 2015, trước khi mãn nhiệm kỳ (2011 – 2016), 436/437 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 vẫn tán thành việc chi 193 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Trong 193 ngàn tỉ đồng đó, chính quyền trung ương sẽ chi 63.155 tỉ, chính quyền các địa phương sẽ chi 130.000 tỉ và tất nhiên từ trẻ sơ sinh đến người già chưa kịp thở hơi cuối cùng trên toàn quốc sẽ cùng nhau gánh vác khoản tiền khổng lồ ấy.
So với các đại biểu Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc hội khóa 14 tiến bộ hơn ở chỗ nêu ra hàng loạt băn khoăn nhưng không có ai đòi dẹp bỏ chương trình “xây dựng nông thôn mới”.
Tại sao? Chương trình “xây dựng nông thôn mới” vừa là một trong những “chủ trương lớn” của Đảng CSVN, vừa được Quốc hội và chính phủ các nhiệm kỳ trước tuyên bố là “mục tiêu quốc gia”!
***
Dân có thể mạt, ngân khố có thể rỗng, nợ nần có thể tăng, kinh tế có thể tiếp tục suy thoái vì các nguồn lực suy kiệt nhưng dứt khoát không thể dừng chương trình “xây dựng nông thôn mới”.
Không có chương trình “xây dựng nông thôn mới” làm sao những viên chức như các ông Trần Hoàng Duyên (Bí thư), Phan Thành Đông (Chủ tịch), Lâm Thành Sáo (Phó Chủ tịch) huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có cơ hội cho chính quyền vay hàng chục tỉ đồng để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” rồi tính lãi
Quan trọng hơn, không có chương trình “xây dựng nông thôn mới”, không thể tạo ra “diện mạo” mới cho nông thôn thì lấy gì làm cơ sở để ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN mạnh dạn đưa ra những tuyên bố kiểu như: Chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình”, rồi lớn tiếng hỏi hàng trăm triệu người Việt: Nhìn một cách tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không?

7 sự thật chấn động về vụ bê bối Uranium One của bà Clinton; Nga can thiệp bầu cử Mỹ : Cựu giám đốc tranh cử của Donald Trump chính thức bị buộc tội; Mỹ : Tổng thống Trump phản công trước các buộc mới về vụ thông đồng với Nga; Nhà Trắng vẫn im lặng sau tiết lộ có nhiều người bị cáo buộc

Các hãng truyền thông lớn đã xác nhận 7 sự thật chấn động về vụ bê bối Uranium One, trong khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng các cáo buộc liên quan đến thương vụ Nga mua 20% trữ lượng uranium của Mỹ này là “trò vớ vẩn”.

Uranium One, Hillary Clinton,
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bị cáo buộc có dấu hiệu tham nhũng trong việc phê duyệt thương vụ bán Canada Uranium One cho công ty nhà nước Nga dưới quyền Vladimir Putin. (Ảnh: Youtube)
Hôm 23/10, Hillary Clinton tuyên bố vụ bê bối Uranium One vốn nhấn chìm bản thân bà và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị “vạch trần” hết. “Đó vẫn là điều vớ vẩn mà họ đã bán rong trong nhiều năm, và không ai có bằng chứng đáng tin cậy nào”, bà Clinton nói.
Vấn đề là tại sao Bộ Ngoại giao của bà Clinton lại thông qua việc chuyển 20% trữ lượng uranium của Mỹ cho công ty nhà nước Nga, và tại sao 9 nhà đầu tư nước ngoài trong thương vụ này lại chuyển 145 triệu USD vào quỹ của Clinton.
Xa hơn cả “vạch trần”, một số hãng truyền thông chủ lưu đã xác nhận những sự thật chủ chốt liên quan đến vụ bê bối Uranium One – câu chuyện lần đầu tiên được khai mở bởi biên tập viên tin tức cao cấp của Breitbart News là Peter Schweizer trong cuốn sách bán chạy nhất theo xếp hạng của New York Times có tên chính thức: “Clinton Cash: The Uptold Story of How and Why Foreign Goverments and Businesses Helped Make Bill and Hillary Rich” (tạm dịch: Tiền của Clinton: Chuyện chưa kể về việc tại sao và làm thế nào những chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài giúp Bill và Hillary làm giàu).
1. Báo New York Times XÁC NHẬN: Cựu lãnh đạo của công ty uranium của Nga (Ian Telfer) đã bí mật quyên góp 4 lần cho Quỹ Clinton tổng cộng 2,35 triệu USD.
Tờ New York Times đưa tin: “Khi những người Nga đã dần dần nắm được quyền kiểm soát của Uranium One trong 3 giao dịch riêng rẽ từ năm 2009 đến năm 2013, những tài liệu của Canada cho thấy, một dòng tiền đã chảy vào Quỹ Clinton. Chủ tịch của Uranium One đã dùng quỹ của gia đình mình để quyên góp 4 lần tổng cộng 2,35 triệu USD. Những quyên góp này đã không được hai ông bà Clinton tiết lộ công khai, bất chấp một thỏa thuận mà Bà Clinton đã đạt được với Nhà Trắng dưới quyền ông Obama để công khai danh tính của tất cả những người quyên góp. Những người khác có quan hệ với công ty này cũng đã quyên góp”.
2. Tạp chí New Yorker XÁC NHẬN: Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bỏ túi 500.000 USD cho một bài phát biểu ở Moscow, do một ngân hàng được Điện Kremlin chống lưng chi trả.
Tại sao Bill Clinton lại nhận tiền từ một ngân hàng có quan hệ với Điện Kremlin trong khi vợ ông là Ngoại trưởng?”, tờ New Yorker đặt câu hỏi.
Tương tự, New York Times cũng đã xác nhận rằng: “Ngay sau khi người Nga công bố ý định mua cổ phần chi phối ở Uranium One, ông Clinton đã nhận được 500.000 USD cho một bài phát biểu ở Moscow từ một ngân hàng đầu tư của Nga có quan hệ với Điện Kremlin vốn đang thúc đẩy cổ phiếu của Uranium One“.
3. Báo New York Times XÁC NHẬN: Bất chấp những tuyên bố ngược lại, trên thực tế Uranium One đã xuất khẩu “bánh vàng” ra khỏi Mỹ và “thường xuyên đóng gói vào các thùng và vận chuyển bằng xe tải đến một nhà máy xử lý ở Canada”.
Tờ New York Times đã xác nhận rằng: “Khi được hỏi về điều đó, hội đồng đã xác nhận rằng Uranium One trên thực tế đã vận chuyển ‘bánh vàng’ đến Canada mặc dù họ không có giấy phép xuất khẩu”.
4. Tờ The Hill XÁC NHẬN: FBI đã phát hiện ra “bằng chứng đáng kể rằng các quan chức ngành công nghiệp hạt nhân của Nga đã tham gia vào việc đút lót, hối lộ, tống tiền và rửa tiền”.
Báo The Hill đã xác nhận hồi tuần trước rằng, FBI đã phát hiện ra “bằng chứng đáng kể rằng các quan chức ngành công nghiệp hạt nhân của Nga đã tham gia vào việc đút lót, hối lộ, tống tiền và rửa tiền”.
5. Đài CNBC XÁC NHẬN: Người đóng góp “khủng” cho Quỹ Clinton, Frank Holmes, tuyên bố rằng ông này đã bán Uranium One trước khi Bộ Ngoại giao dưới quyền Hillary Clinton phê duyệt việc chuyển giao cho người Nga, nhưng những hồ sơ của chính công ty ông này trình lên Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) lại chứng minh điều ngược lại.
Trên đài CNBC, Frank Holmes tuyên bố rằng ông đã bán cổ phần của mình trong Uranium One trước khi Bộ Ngoại giao của bà Clinton thông qua thương vụ bán công ty khai khoáng Canada Uranium One cho công ty quốc doanh Nga Rosatom vào năm 2010, đồng nghĩa với việc chuyển giao 20% trữ lượng uranium của Mỹ cho Nga. Tuy nhiên, theo những hồ sơ nộp cho SEC vào năm 2011 của chính công ty ông này (U.S Global Investors), công ty này vẫn nắm giữ cổ phần của Uranium One, một điểm mà ông này sau đó đã thừa nhận.
6. Báo New York Times XÁC NHẬN: Trong khi 8 cơ quan khác đã phải ký phê duyệt việc chuyển giao 20% trữ lượng uranium của Mỹ cho Nga, Bộ Ngoại giao dưới quyền Hillary Clinton là cơ quan chính phủ duy nhất mà quỹ của gia đình quan chức đứng đầu (Hillary Clinton) nhận được 145 triệu USD từ những nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thương vụ này.
Báo New York Times xác nhận rằng, trong bản xem xét tài chính của vụ giao dịch uranium này, 9 nhà đầu tư nước ngoài trong thương vụ này đã rót tổng cộng 145 triệu USD vào quỹ gia đình Clinton. Trong khi không một ai trong số 8 nhà lãnh đạo của các cơ quan còn lại nhận được đóng góp của nước ngoài cho các quỹ từ thiện của gia đình họ.
7. Tờ The Hill XÁC NHẬN: Các nhân viên FBI đã có một nhân chứng và các tài liệu để chứng minh cho những phần chấn động nhất của vụ Uranium One.
The Hill cho biết, các đặc vụ liên bang đã có được các bằng chứng chỉ ra rằng các quan chức hạt nhân Nga đã chuyển hàng triệu USD tới Mỹ, trực tiếp đem lại lợi ích cho quỹ từ thiện của cựu Tổng thống Bill Clinton trong suốt thời gian Ngoại trưởng Hillary Clinton tại nhiệm và đưa ra các quyết định có lợi cho Moscow.
Hạ viện và Thượng viện Mỹ hiện đã mở những cuộc điều tra chính thức đối với vụ bê bối Uranium One này.
TinhHoa, theo Breitbart



Nga can thiệp bầu cử Mỹ : Cựu giám đốc tranh cử của Donald Trump chính thức bị buộc tội


mediaÔng Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, chính thức bị buộc tội. Ảnh chụp ngày 17/08/2016 tại tòa tháp Trump, New York.REUTERS/Carlo Allegri
Trong khuôn khổ điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, công tố viên đặc biệt Robert Mueller thông báo : Cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của Donald Trump, ông Paul Manafort và cộng sự của ông là Rick Gates, đã bị buộc 12 tội danh, trong đó có tội chống lại đất nước và rửa tiền.




Theo Reuters, các cáo buộc nói trên, đã được bồi thẩm đoàn quyết định ngày 29/10/2017, còn nhắm tới các vi phạm luật liên bang về vận động hành lang và các hoạt động ngân hàng, theo thông cáo của văn phòng của ông Mueller.
Đây là những nhân vật đầu tiên bị buộc tội trong cuộc điều tra do công tố viên Robert Mueller lãnh đạo. Ông Mueller, cựu giám đốc FBI, hồi tháng 05/2017, được bổ nhiệm phụ trách điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ với sự thông đồng của một số quan chức Hoa Kỳ.
Sự vụ bắt đầu từ các cuộc điều tra do cơ quan tình báo Mỹ tiến hành đã kết luận hồi tháng Giêng 2017 là có sự can thiệp của Nga, tạo thuận lợi cho ứng viên Donald Trump trước ứng viên Hillary Clinton, vốn được coi là mối bất lợi cho lợi ích của Nga.
Tổng thống Mỹ đã phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc thông đồng với Nga. Tương tự, Kremlin cũng phủ nhận mọi can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Paul Manafort, 68 tuổi, đã lãnh đạo chiến dịch tranh cử của Donald Trump từ tháng 6 đến tháng 8/2016. Trước khi nhận nhiệm vụ này, ông từng làm việc với cựu tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Ianoukovitch, bị lật đổ hồi 2014. Vào thời gian đó, nhiều bài báo khẳng định ông Manafort đã nhận hàng triệu đô la tiền lót tay từ đảng của ông Ianoukovitch.
Hôm 26/07/2017, theo lệnh của công tố viên Robert Mueller, nhà riêng của ông Manafort đã bị FBI khám xét vì liên quan đến nhiều vụ giao dịch tài chính và bất động sản trong thời kỳ làm tham vấn chính trị tại Ukraina.
Theo CNN, Manafort và Gates sẽ phải ra điều trần đầu giờ chiều 30/10 (17h30 GMT) trước các nhà điều tra Mỹ.
Nhóm điều tra của công tố viên Mueller còn điều tra Michael Flynn, cố vấn của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống, sau đó đã trở thành cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống trong thời gian ngắn ngủi ba tuần trước khi phải từ chức vì những phát giác có liên hệ mờ ám với người Nga.


Mỹ : Tổng thống Trump phản công trước các buộc mới về vụ thông đồng với Nga


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump, tại Dallas, Texas (Ảnh chụp ngày 25/10/2017)REUTERS/Kevin Lamarque
Diễn tiến của vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Theo nhiều hãng truyền thông Mỹ, nhóm điều tra vụ việc trên của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller ngày 30/10/2017 có thể sẽ chính thức ra lệnh khởi tố một hoặc nhiều nhân vật trong chính quyền Trump bị tình nghi dính líu vào vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.




Trước những động thái có thể khiến vụ việc chuyển sang hướng nghiêm trọng, tổng thống Donald Trump ngày 29/10 đã tung một loạt thông điệp trên Twitter nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington cho biết thêm chi tiết :
« Tổng thống đã tung lên bốn bình luận trên Twitter lên án đây là cuộc truy sát tới cùng, đồng thời ông đề nghị truyền thông nên hướng chú ý tới vụ thông đồng thực sự với Nga của bà Hillary Clinton. Phe Cộng Hòa đã lôi lại một vụ việc cũ liên quan đến chuyện bán uranium cho Nga khi bà Clinton còn làm ngoại trưởng.
Luật sư của Nhà Trắng, Ty Cobb, nói rõ rằng các thông điệp trên Twitter của tổng thống không liên quan gì đến cuộc điều tra của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller. Ông nói thêm là tổng thống đang hợp tác hoàn toàn với cuộc điều tra này.
Phủ kín các chương trình chính trị phát sóng hôm Chủ Nhật là chuyện truy tố. Ông Adam Schiff, dân biểu của đảng Dân Chủ thuộc tiểu bang California, một nhân vật đang nổi lên của đảng, trên đài ABC, đã nêu danh người có khả năng bị khởi tố là ông Paul Manafort, từng là lãnh đạo trong giai đoạn đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và cũng là người đã có quan hệ làm ăn với Nga.
Ông Adam Schiff nói : « Ông Manafort đã cung cấp thông tin gì cho người Nga ? Tổng thống sẽ làm gì với các biện pháp trừng phạt (Nga), đó có thể sẽ là những thông tin quan trọng nhất mà Kremlin muốn biết ».
Thông báo khởi tố, nếu xảy ra, sẽ có nguy cơ che lấp việc Hạ Viện bỏ phiếu vào thứ Tư (01/11) thông qua chủ trương cắt giảm thuế, một điều có thể được coi như là một thành công của tổng thống Donald Trump ».

Vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ : Nhà Trắng vẫn im lặng sau tiết lộ có nhiều người bị cáo buộc

mediaNhà Trắng vẫn im lặng sau các thông tin về những cáo buộc trong vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016.REUTERS
Sau khi đài truyền hình CNN tiết lộ là ngày 27/10, bồi thẩm đoàn liên bang đã thông qua nhiều cáo buộc trong cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các cáo buộc này sẽ được công bố vào thứ Hai, 30/10, Nhà Trắng vẫn im lặng.




Thế nhưng theo thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet, tại Washington, thì nhóm cố vấn pháp lý của tổng thống Donald Trump đang ráo riết lùng sục thông tin xem ai bị cáo buộc và vì những lý do gì ?
« Không hề có dòng twit nào của Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã đi chơi golf hôm thứ Bẩy tại một trong những câu lạc bộ của ông, ở Virginia. Thế nhưng, nhóm luật gia của Nhà Trắng đã làm việc cả ngày cố tìm ra xem ai là người bị buộc tội và vì những lý do gì. Tên của những người bị cáo buộc được giữ bí mật cho đến thứ Hai, 30/10.
Theo tờ The Wall Street Journal, thì ít nhất là có một người bị cáo buộc. Có rất nhiều suy đoán. Hai nhân vật được nói đến nhiều nhất là Paul Manafort, người đã chỉ đạo chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong giai đoạn đầu và Michale Flynn, đã từng đảm nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia trong một thời gian ngắn ngủi.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller trước đây là đã bất ngờ ra lệnh khám xét tư dinh của ông Manafort, người có quan hệ làm ăn với Ukraina và Nga. Ông Flynn cũng có liên hệ với Matxcơva và đã từng có các hoạt động vận động hành lang giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số chuyên gia cho rằng ông công tố muốn buộc tội Manafort và đề xuất cho nhân vật này nếu muốn tránh ngồi tù thì cung cấp các thông tin có thể dẫn đến việc buộc tội tổng thống ngăn cản tư pháp.
Tuy nhiên, theo Ty Cobb, luật sư của Nhà Trắng, thì ông Donald Trump không có gì phải lo ngại bởi vì ông cho rằng cả hai ông, Manafort và Flynn, không có các thông tin có thể có hại cho Donald Trump ».
Trong vụ này, ngay từ đầu, điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc và thách thức Hoa Kỳ đưa ra các bằng chứng về sự can thiệp của Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean Didier Revoin cho biết :
« Từ nhiều tháng qua, vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây cười cho Matxcơva. Về mặt chính thức, chính quyền Nga đã luôn luôn phủ nhận là có dính líu dưới bất kỳ hình thức nào đến việc Donald Trump thắng cử. Đồng thời, Matxcơva cũng nhấn mạnh, khi nói rằng Nga đã giúp cho nhà tỷ phú được bầu vào Nhà Trắng có nghĩa là coi Nga có thể thao túng được cử tri Mỹ trong khi Matxcơva không hề có khả năng này.
Ngày 16/10 vừa qua, ngoại trưởng Nga vẫn còn mỉa mai về vụ này. Ông Serguei Lavrov một mặt nói đến sự cay đắng của đảng Dân Chủ sau khi ứng viên của họ thất cử, mặt khác, lãnh đạo ngoại giao Nga nêu ra sự chống đối của một bộ phận trong đảng Cộng Hòa mà theo ông Lavrov, chính những phần tử này đã tạo ra cơn cuồng loạn chống Nga tại Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Nga còn nhắc lại rằng sau khi cuộc điều tra đặc biệt được tiến hành, việc chỉ định một chưởng lý đặc biệt, các buổi điều trần của hàng chục người…thì không một thông tin được dò dỉ nào cũng như không có một sự việc nào mà Hoa Kỳ đưa ra khẳng định việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử.
Vậy thì, nếu như bồi thẩm đoàn liên bang ở Washington, hôm thứ Sáu, 27/10, thông qua những cáo buộc hiện vẫn còn được giữ kín và sắp tới sẽ được công bố, thì điện Kremlin có nguy cơ phải điều chỉnh lại chiến lược biện hộ. Nhưng Matxcơva sẽ điều chỉnh bằng cách nào ? Còn quá sớm để nói về việc này ».

Người Mỹ đã ‘ác quỷ hóa’ nước Nga như thế nào?

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
Nguồn: Stephen Boykewich, “Angels and Demons in the Cold War and Today”, The New York Times, 13/03/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
George Kennan luôn biết cách khiến cử tọa phấn khích. Đầu tiên, các khán giả của ông hoài nghi về việc liệu người Nga có thực sự muốn cải cách dựa vào mô hình của Mỹ hay không. Sau đó, ông nói với họ về các tù nhân chính trị Nga, những người đã dành nhiều tuần lễ trước ngày 04/07 (Quốc khánh Mỹ) để tìm kiếm những mảnh vải màu đỏ, trắng và xanh lam. Khi ngày lễ đến, họ chào những người quản ngục bằng cách vẫy một biển khổng lồ những lá cờ “Sao và Sọc” (Quốc kỳ Mỹ) được khâu tay qua chấn song sắt.
Nghe tựa như một câu chuyện tuyên truyền Chiến tranh Lạnh hoàn hảo. Nhưng ngày 04/07 mà Kennan đề cập đến không thuộc về những năm 1950 – mà là vào năm 1876. Và George Kennan kể câu chuyện này cũng không phải là nhà ngoại giao nổi tiếng thời Chiến tranh Lạnh, mà là một người họ hàng xa trùng tên với ông, một nhà báo đã dành thời gian sinh sống ở Nga trước khi đi thuyết giảng vào thập niên 1880.
Câu chuyện của người Mỹ rằng Chiến tranh Lạnh là một trận chiến vì số phận của nhân loại là một câu chuyện thật quen thuộc. Kể từ khi Học thuyết Truman ra đời vào năm 1947 cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, người Mỹ luôn miêu tả Liên Xô không đơn thuần chỉ là một đối thủ địa chính trị, mà còn là một kẻ thù tinh thần. Các nhà báo và các nhà hoạch định chính sách đã quay đi quay lại giữa việc “quỷ dữ hóa” đất nước này và việc theo đuổi những ảo vọng mang tính “cứu thế” rằng sẽ xây dựng lại Liên Xô theo hình ảnh của nước Mỹ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là phương cách tiếp cận “truyền giáo hoá” của Mỹ đối với Liên Xô đã tiến xa đến đâu – và làm thế nào nó tiếp tục bóp méo suy nghĩ của chúng ta ngày nay.
Trong cuốn sách của mình, The American Mission and the ‘Evil Empire’ (tạm dịch: Sứ mệnh Mỹ và ‘Đế chế Ác quỷ’), nhà sử học David Foglesong đã mô tả chi tiết cách mà các nhà tư tưởng hàng đầu nước Mỹ đã đưa Nga vào vai “phản diện” đối đầu với Mỹ trong hơn một thế kỷ như thế nào. Cuốn sách này giờ đây càng trở nên cần thiết; nó giúp người Mỹ hiểu chúng ta đã xem Nga, hoặc như một quốc gia hăng hái mong muốn trở thành một nước Mỹ thứ hai, hoặc một con quái vật suy đồi mà tội lỗi của nó khiến người Mỹ nguôi ngoai khi nhớ tới tội lỗi của chính mình.
Mẫu hình này bắt đầu trong những thập niên cuối của thế kỷ 19, khi mà Mỹ đang phải đối mặt với một sự suy giảm đức tin tôn giáo, cùng một làn sóng khủng bố chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Phi và những điều kiện làm việc tàn bạo đối với công nhân công nghiệp. Với bầu không khí khủng hoảng trong nước, nhiều người Mỹ nhận thấy chủ nghĩa lý tưởng của họ đã được làm mới nhờ chiến dịch của George Kennan nhằm giải phóng người Nga khỏi chế độ độc tài.
Kennan đã sáng tác và thuyết giảng say mê để thay đổi nhận thức của người Mỹ về nước Nga Sa hoàng, từ hiền lành sang man rợ. Thời ấy, Nga đã từng được miêu tả như là một “người bạn xa xôi” của Mỹ, một cường quốc đã giúp ngăn chặn sự ủng hộ của Pháp và Anh đối với phe Hợp bang miền Nam (Confederacy) bằng cách gửi các tàu của họ tới các cảng của Mỹ trong thời kỳ Nội chiến. Nhưng bản báo cáo của Kennan về “địa ngục tột cùng của đau khổ” (perfect hell of misery) của các tù nhân chính trị Nga – một phần được thêu dệt thêm – đã làm đảo chiều suy nghĩ ấy. Kennan được thúc đẩy bởi tiếp xúc của ông với những người Nga bị lưu đày ở Siberia, những người đã kích thích tâm trí ông. Đến lượt mình, ông đã giúp những người chống chế độ nô lệ Mỹ tìm ra mục đích mới trong cuộc thập tự chinh chống chính phủ Sa hoàng.
Chiến dịch của Kennan diễn ra trùng hợp với nhận thức ngày càng gia tăng rằng nước Nga là một vùng đất hứa cho các nhà truyền giáo Tin Lành và các nhà sản xuất Mỹ. Cả hai nhóm đều hoan nghênh thông điệp rằng người Nga muốn đổi chế độ chuyên quyền Sa hoàng để lấy tự do của Mỹ. Giai thoại những lá cờ vào ngày 04/07 đã khiến cho các cử tọa của Kennan thích thú – nhưng nó lại dựa trên sự tưởng tượng. Những nhà cách mạng chống Sa hoàng ở Nga phần lớn đều hoài nghi về mô hình của Mỹ và nhìn thấy nhiều hứa hẹn hơn ở chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, cái mà một tờ báo Mỹ thời đó gọi là “phúc âm theo Kennan” (the gospel according to Kennan) nhanh chóng trở thành một suy nghĩ phổ biến: Nga là một vùng đất hoang dã đã sẵn sàng để được xây dựng lại bằng lý tưởng, đức tin và sản phẩm của Mỹ.
Một minh họa của tạp chí Life về cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917 đã mô tả một cách hoàn hảo viễn cảnh này. Tượng Nữ thần Tự do đứng trên lưng gấu, chiếu rọi ánh sáng tự do trên những nông dân Nga đang có vẻ mặt kinh hoàng. Tấm bảng trên tay Nữ thần có ghi hai năm: 1776 và 1917. Người Mỹ chào mừng Cách mạng Tháng Hai như một sự mở rộng cuộc cách mạng của họ. Trong bài phát biểu tại Quốc Hội vào tháng 04/1917, Tổng thống Woodrow Wilson hoan nghênh “uy quyền chân thật” của “nhân dân Nga vĩ đại, hào phóng,” những người “luôn dân chủ trong tim mình.”
Sự trỗi dậy của phe Bolshevik đã làm cho quan điểm của Mỹ bị thay đổi, chuyển từ những ảo vọng phi lý sang những lời cáo buộc “ác quỷ hóa” đầy cay đắng. Năm 1919, George A. Simons, một nhà truyền giáo Methodist (một nhánh của Tin Lành), đã trở về từ Petrograd để cảnh báo Thượng viện về chế độ “độc ác,” “quỷ dữ,” “ác thần” và “chống lại Thiên Chúa Giáo” (Antichrist), đứng đầu bởi nhóm làm loạn gốc Do Thái với mối liên hệ đáng ngại với những người Do Thái cực đoan sống ở New York.
Con lắc thời gian quay ngược lại vào những năm 1920, khi những người Bolshevik mở cửa cho những người cứu trợ nạn đói đến từ Mỹ và các nhà truyền giáo Tin Lành. Giám đốc Cơ quan Quản lý Cứu trợ Hoa Kỳ (American Relief Administration), một cơ quan chuyên cứu trợ lương thực do Quốc Hội tài trợ, tuyên bố rằng người Nga xem tổ chức của ông là “phép lạ của Đức Chúa đã đến với họ trong thời kỳ đen tối nhất, dưới những lá cờ sao và sọc.” Các nhà truyền giáo người Mỹ, nhóm mà Bolshevik cho là hữu ích trong việc phá hoại Giáo hội Chính thống giáo Nga, thì tuyên bố rằng nước Nga là “cơ hội truyền giáo vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta,” nơi mà “hàng triệu người da trắng đang chờ đợi thông điệp của cuộc sống.”
Nhưng khi chế độ Liên Xô trục xuất các nhà truyền giáo nước ngoài vào thập niên 1930, các nhà truyền giáo người Mỹ đã gọi Nga là “vùng đất Magog” của quỷ Satan, được tiên báo trong Sách Ngôn sứ Ezekiel (Chương 38-39) – vùng đất sẽ chiến đấu với Israel vào ngày tận thế. Cách mô tả Nga như là “ác quỷ” xuất hiện ngày một nhiều cùng với ảnh hưởng của các nhà truyền giáo trong đời sống chính trị Mỹ vào thời Chiến tranh Lạnh.
Đối đầu hạt nhân xảy ra sau Thế chiến II đã làm Mỹ tiêu tan hi vọng về việc “giải phóng” Nga trong tương lai gần. Nhưng sự hoảng loạn về mặt đạo đức vẫn tiếp diễn mà không suy giảm, và lại tìm ra các mục tiêu ở trong nước. Những “thợ săn phù thủy” chống Cộng của những năm 1950 đã minh chứng cho điều mà nhà sử học Richard Hofstadter gọi là “phong cách hoang tưởng trong chính trị Mỹ” (the paranoid style in American politics). Những người Mỹ theo chủ nghĩa bảo thủ phản ứng bằng sự giận dữ đặc biệt khi những lời chỉ trích Mỹ của Liên Xô cũng giống với lời lẽ của nhóm cánh tả tại Mỹ, dù là về vấn đề phân chia chủng tộc hoặc việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Tờ báo bảo thủ Chicago Tribune khẳng định trong một bài xã luận năm 1968, Liberty Prostrate (tạm dịch: Tự do Suy nhược), rằng “sự suy đồi đạo đức quốc tế chính là độc quyền của Cộng sản”.
Điểm nổi bật của những luận điệu luân lý xuất hiện trong cuộc họp năm 1983 của Hiệp hội Các Nhà Truyền giáo Quốc gia (National Association of Evangelicals), nơi Tổng thống Ronald Reagan gọi Liên Xô là “trọng tâm của cái ác trong thế giới hiện đại”. Reagan đã sử dụng bóng ma của “nhân vật phản diện” để biến chính sách leo thang hạt nhân của mình thành một mệnh lệnh đạo đức.
Chắc chắn, sự sụp đổ của “Đế chế Ác quỷ” đã mang lại những lời tuyên bố về chiến thắng vĩ đại – và cùng với đó, là những chính sách tệ hại. Những người tân bảo thủ tuyên bố trật tự kinh tế và chính trị Mỹ là điểm tận cùng của lịch sử nhân loại. Tư duy đắc thắng này, vốn dẫn đến các chính sách của Mỹ đối với nước Nga vào thập niên 1990, đã mở đường cho sự quay lại của chế độ chuyên chế: “liệu pháp sốc” kinh tế khiến hàng chục triệu người Liên Xô rơi vào cảnh nghèo khổ, việc ủng hộ các kế hoạch tư nhân hóa đầy tham nhũng và việc kết nạp các nước thuộc Liên Xô cũ vào NATO. George F. Kennan, nhà ngoại giao thế kỷ 20 và nhà hoạch định chính sách đối ngoại “khôn ngoan,” là một trong nhiều người cảnh báo rằng sự mở rộng NATO là “một sai lầm thảm khốc” gây ra “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”
Ngày nay, các nhà bình luận Mỹ một lần nữa bị mắc kẹt trong diễn ngôn về thiên thần và ác quỷ, với việc Tổng thống Vladimir V. Putin bị biến thành con Quỷ Mephistopheles mới nhất của chúng ta. Các nỗ lực diễn giải thuyết âm mưu về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump và tình báo của Nga – đến nay vẫn không có bằng chứng nào xác thực  – đã đạt đến một đỉnh điểm mà ngay cả những người chỉ trích Putin như nhà báo Masha Gessen và cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFaul, cũng phải kêu gọi những cái đầu lạnh hơn.
Nga đã tạo ra những thách thức rõ ràng đối với lợi ích và lý tưởng của Mỹ. Nhưng những thách thức này đòi hỏi phải phân tích thấu đáo và những góc nhìn mới – chứ không phải là những tưởng tượng dài hàng thiên niên kỷ về một cuộc chiến cho số phận “tâm linh” của nhân loại.
Người Mỹ cũng nên nhớ rằng “sức nóng” trong cuộc thảo luận về Nga của chúng ta luôn phản ánh những lo lắng về “sức khoẻ” của nền dân chủ của chính chúng ta. Những thách thức sâu sắc nhất mà người Mỹ đối mặt không phải là từ Kremlin, mà chúng đến từ chủ nghĩa độc đoán sinh sôi trong nước, sự bất bình đẳng ăn sâu tận gốc rễ, việc các tập đoàn lớn nắm giữ nền chính trị và sự sụp đổ của khế ước xã hội thế kỷ 20. Cách chúng ta giải quyết những vấn đề này chủ yếu sẽ quyết định tương lai của nước Mỹ – và vai trò của nước Mỹ ở nước ngoài – hơn là quyết định tất cả các biểu tượng chống Nga trên thế giới.
Stephen Boykewich là một nhà biên kịch và nhà báo sinh sống tại Moskva từ năm 2004 đến năm 2007.
Hình: George Kennan trong trang phục người Cossack Gruzia cuối thể kỷ 19. Nguồn: NYT.