Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Hàng loạt lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc nằm rất gần Việt Nam

(Xã hội) - Cả loạt lò phản ứng hạt nhân của nhiều nhà máy điện hạt nhân của TQ nằm rất gần, thậm chí gần sát với biên giới phía Bắc của Việt Nam.  

Hàng loạt lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc nằm rất gần Việt Nam
Hàng loạt lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc nằm rất gần Việt Nam
Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam “trên giấy”.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam ra đời. Bản dự án đã trở thành một bộ phận trong Quy hoạch Điện VII của ngành điện lực, rồi được hoàn chỉnh trong Quy hoạch ĐiệnVII – điều chỉnh. Quy hoạch này cùng với dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta cũng đã được đưa lên Chính phủ vàQuốc hội phê chuẩn.
Về địa điểm, dự án được lựa chọn đặt tại vùng cát trắng ven biển, thưa dân thuộc tỉnh Ninh Thuận cách xa Thủ đô Hà Nội những 1.500 kmvà cách xa TP. Hồ Chí Minh cũng đến 500 km. Nhiều đoàn chuyên gia địa chất, thổ nhưỡng, khí tượng thủy văn cũng như một số đoàn chuyên gia khác nhau từ Nga, Nhật v.v… đã đến đo đạc khảo sát.
Sự lựa chọn địa điểm như vậy hẳn là khá cẩn thận, đáng an tâm khi so sánh với địa điểm của hàng trăm nhà máy điện hạt nhân, hàng ngàn lò phản ứng hạt nhân năng lượng đang hoạt động trên toàn thế giới.
Những tưởng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống một khu đất trên truông cát trống trải cách bờ biển Ninh Thuận khoảng vài ba cây số đã diễn ra trong năm 2016. Nhưng, trong thực tế mọi việc, mọi động thái ở Ninh Thuận vẫn im lìm không chỉ trong mấy tháng nay mà thậm chí mấy năm nay.
Mọi người đang chờ một công bố chính thức, một mệnh lệnh từ cấp cao, mệnh lệnh “xóa sổ” dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước Việt Nam.
Hàng loạt nhà máy điện hạt nhân TQ cận kề biên giới
Không ngờ rằng, đồng thời với sự chờ đợi lệnh “xóa sổ” một nhà điện hạt nhân dù chỉ mới “trên giấy” của nước ta cách xa Hà Nội đến 1.500 km, là sự bùng phát trong thực tế cả loạt lò phản ứng hạt nhân của nhiều nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Chúng nằm rất gần; thậm chí gần sát với biên giới phía Bắc của Việt Nam với khoảng cách đến đồng bằng Bắc Bộ; bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, chỉ vài trăm kilomet.
Trong đó, một loạt lò phản ứng năng lượng công suất lớn khoảng 500 – 1000 MW; chủ yếu loại “made in China”, đã và đang tới tấp đi vào vận hành. Ba nhà máy cách xa Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 300 km – 500 km, tức khoảng 1/5 – 1/3 khoảng cách Hà Nội – Ninh Thuận; một khoảng cách mà nhiều người và nhiều cấp, trước đây, ngồi ở Hà Nội vẫn rất lo ngại.
Điện hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, ô nhiễm phóng xạ, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Bản đồ với các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động (màu xanh), đang xây dựng (màu hồng) và trong quá trình xem xét cho phép xây dựng (màu trắng). Nguồn: Bộ Bảo vệ Môi trường + Trung tâm An toàn Hạt nhân và Phóng xạ TQ.
Số nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã và đang xây dựng ngày càng tăng và tràn xuống phía nam. Trong năm 2016 này, các tổ máy đầu tiên gần nước ta nhất, có công suất 1.000 MW của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (Fangcheng – Quảng Tây) đã đi vào hoạt động thương mại, các tổ máy 650 MW của nhà máy Xương Giang (Chanjiang – đảo Hải Nam) và tổ máy 600 MW của nhà máy Trường Giang (Yangjiang – Quảng Đông) đã được kết nối lưới điện quốc gia của Trung Quốc.
Quan trắc và cảnh báo
Rõ ràng, Việt Nam chưa “được có” nhà máy điện hạt nhân, nhưng làm sao có thể tránh được sự cận kề với nhiều nhà máy điện lớn “made in China” trên đất liền, ngoài hải đảo và thậm chí trên mặt nước (nhà máy điện nổi) tại quốc gia láng giềng Trung Quốc. Ngoài ra, các nước láng giềng hoặc lân cận khác như Thái Lan, Indonesia, Campuchia… cũng“rục rịch” đưa ra tínhiệu về kế hoạch phát triển và xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Trong tình hình đó, sự lo lắng, sự suy ngẫm về một quốc sách mới về điện hạt nhân của Việt Nam liệu có xuất hiện hay không? Hãy dành câu trả lời cho tương lai.
Nhưng dù “có lệnh” nói “không” với nhà máy điện hạt nhân trên đất mình, Việt Nam vẫn không thể nói “không”, thậm chí cần phải sớm nói “có” một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Bởi ở biên giới phía Bắc, mạng lưới nhà máy điện hạt nhân của nước láng giềng ngày càng dày thêm.
Chẳng có hàng rào nào ngăn được môi trường phóng xạ độc hại ít nhiều đều lan tỏa từ các nhà máy điện hạt nhân nói trên của Trung Quốc qua bầu không khí của Việt Nam, bắt đầu từ biên giới và sau đó vào sâu trong lãnh thổ. Việc phát hiện và theo dõi sự phát tán các đồng vị phóng xạ sẽ giúp tìm ra vị trí xảy ra sự cố hay địa điểm của các lò phản ứng và con đường lan truyền phóng xạ (kể cả di chuyển qua biên giới).
Một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sẽ giúp các nhà chuyên môn nước ta phát hiện từ xa những sự cố bất thường xảy ra trong loạt nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc để sớm có giải pháp đối phó và giảm nhẹ thiệt hại.
TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã nhìn nhận: một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở tầm quốc gia đang thiết lập với một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người.
(Theo Vietnamnet)

G20: Obama không có xe thang vì TQ "choáng ngợp" trước đoàn Mỹ?

Hải Võ | 

G20: Obama không có xe thang vì TQ "choáng ngợp" trước đoàn Mỹ?
Ông Obama đáp xuống sân bay Hàng Châu hôm 3/9 (Ảnh: AP)

Các nhân viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải vất vả tìm xe thang để ông bước xuống chuyên cơ Không lực 1 khi tới Hàng Châu hôm 3/9 tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời "một nữ quan chức giấu tên thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc" tiết lộ chính Washington đã quyết định để ông Obama xuống máy bay qua một xe thang nhỏ, thay vì sử dụng cầu thang cuốn có thảm đỏ theo tiêu chuẩn đón tiếp nguyên thủ quốc gia.
Quan chức trên nói với SCMP: "Trung Quốc có xe thang cuốn cho mọi nguyên thủ khách mời, nhưng phía Mỹ phàn nàn rằng tài xế không biết nói tiếng Anh và không thể hiểu được những chỉ dẫn an ninh của họ.
Trung Quốc đã đề xuất bố trí một phiên dịch viên bên cạnh người lái xe thang, nhưng phía Mỹ không đồng ý và khẳng định họ không cần xe thang cuốn ở sân bay nữa."
Cũng theo bà này, Trung Quốc không được lợi lộc gì khi đối xử "lạnh nhạt" với Tổng thống Obama.
Tổng thống Mỹ là nguyên thủ duy nhất không được bước xuống thang trên thảm đỏ đón tiếp, làm dấy nhiều bình luận về thái độ "ghẻ lạnh" của nước chủ nhà Trung Quốc.
Một số lãnh đạo các nước đang có quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh, như Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được Trung Quốc trải thảm đỏ đón tiếp theo đúng nghi thức ngoại giao.
Lời giải thích không chính thức từ quan chức ngoại giao Trung Quốc được cho là hợp lý bởi khi bước xuống cầu thang, Tổng thống Obama cũng đặt chân lên thảm đỏ trải trên đường băng.
Dù vậy, điều này không làm vơi nghi vấn rằng Bắc Kinh cố ý tỏ thái độ "dằn mặt" với Washington
Trong lúc ông Obama bước qua thảm đỏ, thì Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Susan Rice đã bị một quan chức Trung Quốc "quát nạt" và ngăn bà bước tới đoàn xe hộ tống.
Quan chức này cũng lớn tiếng "quát" một trợ lý truyền thông của Nhà Trắng, người có nhiệm vụ hướng dẫn các phóng viên quốc tế vị trí tác nghiệp khi Obama xuống máy bay.
"Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi", quan chức Trung Quốc nói bằng tiếng Anh với thái độ gay gắt.
G20: Obama không có xe thang vì TQ choáng ngợp trước đoàn Mỹ? - Ảnh 1.
Hình ảnh cắt từ video ghi lại cảnh quan chức Trung Quốc to tiếng với các nhân viên tháp tùng đoàn của Tổng thống Mỹ Obama
Trung Quốc "choáng ngợp" hay là sự lạnh nhạt có toan tính?
Báo The Guardian (Anh) cho hay, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May vào hôm nay (4/9), Tổng thống Mỹ đã đưa ra một phản ứng "ngoại giao" khi được hỏi về "sự cố" ở sân bay Hàng Châu.
Ông nói: "Tôi sẽ không suy diễn ý nghĩa của vụ việc bởi như tôi đã nói, đây không phải lần đầu những chuyện thế này xảy ra và không chỉ xảy ra ở đây (Trung Quốc), mà ở rất nhiều nơi, đôi khi là ở các nước đồng minh của chúng tôi."
Ông thêm rằng, vấn đề ngày 3/9 sẽ không ảnh hưởng đến phạm vi rộng lớn của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Theo The Guardian, ông Obama đoán rằng các nhà tổ chức người Trung Quốc có thể "hơi choáng ngợp" bởi quy mô của đoàn đại biểu Mỹ.
"Chúng tôi có rất nhiều máy bay, trực thăng, ô tô và rất đông người. Nếu bạn là nước chủ nhà, đôi khi bạn có thể cảm thấy đó là quá nhiều," ông nói.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong khi đó, The Guardian dẫn lời cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc từ 2007 đến 2013, ông Jorge Guajardo, khẳng định cách ứng xử của Trung Quốc với Obama là một phần của "sự lạnh nhạt có tính toán".
"Những sự cố như thế không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Không phải với người Trung Quốc,"ông nói.
"Tôi đã làm việc với những người Trung Quốc trong 6 năm. Tôi đã sắp xếp những chuyến thăm như vậy. Tôi đã đưa Tập Cận Bình tới Mexico và từng đón 2 Tổng thống Mexico tới Trung Quốc. Tôi hiểu chính xác quy trình diễn ra thế nào. Mọi thứ đều tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đó không phải là một sai lầm."
Ông bình luận:
"Đó là một sự tính toán, như một cách để nói rằng 'ông (Obama) biết đấy, với chúng tôi ông không đặc biệt đến vậy'.
Đó là một phần của sự ngạo mạn mới từ Trung Quốc, một cách khuấy động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, một cách để tuyên bố 'Trung Quốc đang đứng ngang với siêu cường'. Đó cũng là cách để nói rằng: 'Nhân tiện, với chúng tôi ông cũng chỉ là một người nào đó thôi'.
Cách làm này rất hiệu quả đối với truyền thông địa phương."
theo Trí Thức Trẻ

'Bữa trà đêm Tây Hồ' không giấu nổi căng thẳng Mỹ-Trung

Cuộc gặp đêm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Obama được hai nước mô tả là "thẳng thắn" - nhưng theo ngôn ngữ ngoại giao từ này có nghĩa rằng cuộc đàm phán khó khăn với ít kết quả.

Bất chấp việc Mỹ-Trung đã cùng nhau phê chuẩn một hiệp định mang tính bước ngoặt về đối phó với biến đổi khí hậu vào đêm trước Hội nghị G20 diễn ra, theo giới phân tích, cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đạt được rất ít tiến triển trong việc giảm bớt căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Trên thực tế, các cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo đã luôn gặp phải những bất đồng trong thời gian qua và đang manh nha phát triển thành thế đối đầu trên một loạt các vấn đề về thương mại và an ninh, theo SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình uống trà cùng Tổng thống Obama tại thắng cảnh Tây Hồ, Hàng Châu.
Trong đêm hôm thứ Bảy, ông Tập Cận Bình và ông Obama đã có những giây phút thân tình khi đi dạo vào buổi tối tại khu thắng cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu và thưởng thức loại trà địa phương.

Báo cáo độc lập của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc gặp giữa ông Tập và ông Obama là "thẳng thắn" - nhưng theo ngôn ngữ ngoại giao từ này đồng nghĩa với việc cuộc đàm phán khó khăn với ít kết quả.
"Cuộc nói chuyện thẳng thắn của Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình là quá ít thời gian, do vậy nó sẽ không mang lại hiệu quả", Steve Tsang, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham nhận định. "Ông Tập chỉ coi đây là cuộc tản bộ đơn thuần hoặc về cơ bản đã không để tâm những gì ông Obama nói".
Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, mặc dù hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến một vài vấn đề song phương, về khu vực và toàn cầu, nhưng đã có rất ít tiến bộ triển vọng.
Hai nhà lãnh đạo đã nói về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12/7, trong đó bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng ngay sau đó bằng việc tiếp tục phủ nhận phán quyết.
"Cả hai cũng đã giảm bớt lập trường cứng rắn của họ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông", ông Shi nói thêm.
Nhận định về việc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu giữa hai nước, ông Pang Zhongying, nhà phân tích tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, mặc dù các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải và quyền con người gặp nhiều trở ngại, nhưng điều khiến ông Obama lưu tâm hơn vẫn là di sản ngoại giao của mình, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
"Rõ ràng đây là thời điểm tốt nhất cho Trung Quốc và Mỹ để đưa ra những quyết định dứt điểm trong việc đồng ý hay không đồng ý trên hầu như tất cả các vấn đề song phương lớn", ông Pang nói.
Mặc dù có sự khác biệt, nhưng cả hai nhà lãnh đạo hiểu rất rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung, giới phân tích đánh giá.
Ông Pang Zhongying cho rằng "thực tế ông Tập Cận Bình hơn bất kỳ lãnh đạo nào là người có một lịch trình rất bận rộn tại G20, nhưng ông vẫn cố gắng phân bổ thời gian nhiều hơn để nói chuyện với ông Obama. Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với người đứng đầu nước Mỹ".
Đổi lại, ông Obama đã cố gắng hết sức để không làm phật lòng nước chủ nhà và đánh giá cao cuộc thảo luận với ông Tập.
"Các cuộc thảo luận song phương mà chúng tôi đã có ngày hôm qua là cực kỳ hiệu quả và sẽ còn tiếp tục hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng hơn nữa", Tổng thống Mỹ nói với báo chí hôm 4/9.
Thay vào đó, ông Obama có thể chọn để đối đầu với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới ở Lào, nơi ông Obama và các đối tác được dự đoán sẽ cùng nhau xoáy sâu vào tranh chấp ở Biển Đông. Hội nghị tại đây sẽ có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham dự, theo SCMP.
Nhận định về triển vọng trong tương lai, các nhà phân tích đồng ý rằng căng thẳng vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa hai cường quốc và điều này sẽ còn gia tăng trong những tháng tới.
Tuy nhiên Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc và Mỹ có sự thấu hiểu lẫn nhau để duy trì mối quan hệ tương đối ổn định trong khoảng thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Hai quốc gia sẽ tiếp tục duy trì "sự bất đồng" trên một loạt các vấn đề bao gồm các tranh chấp hàng hải và an ninh mạng. Còn "sự đồng thuận duy nhất là hai nước không muốn tiến tới chiến tranh vì các tranh chấp ở Biển Đông", Tao nói.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, một hiệp định phê chuẩn về biến đổi khí hậu chỉ là một cách che đậy những căng thẳng sâu sắc giữa hai nước, nhưng nó phù hợp với những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung muốn trong lúc này.
Chuyên gia Shi Yinhong nói rằng dù việc phê chuẩn hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chỉ đơn giản là một hình thức xác nhận lại những cam kết trước đó của cả hai, thế nhưng "bầu không khí sẽ còn căng thẳng hơn nếu không có một bước đi như vậy".
Minh Vũ

G-20: Putin chống lưng cho Tập Cận Bình, Obama đợi qua Lào nói tiếp về Biển Đông

HỒNG THỦY

(GDVN) - Trung - Nga đã sử dụng G-20 để thể hiện một mặt trận đoàn kết chống lại trật tự quốc tế mà họ cho là do phương Tây định hướng.
Nikkei Asian Review ngày 5/9 bình luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông.
Putin đồng ý quan điểm của Tập Cận Bình rằng: "Không thích hợp cho một bên thứ ba can thiệp vào vấn đề giữa hai quốc gia khác."
Tờ báo nhận định, cho dù chi tiết hội đàm Putin - Tập Cận Bình không được tiết lộ, nhưng việc Tổng thống Putin tái khẳng định lập trường của Nga ủng hộ Bắc Kinh không cho "bên thứ 3 can thiệp vào vấn đề giữa 2 nước khác", đó chính là lập luận của Trung Quốc vẫn sử dụng để chỉ trích sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.
Nikkei Asian Review nhận định, thái độ này của ông Putin nhằm vào nhiều mục đích.
Thứ nhất, Điện Kremlin muốn gửi thông điệp đến Nhà Trắng rằng, Mỹ không thể bỏ qua Nga ngay cả khi đối phó với các vấn đề ở châu Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Thứ hai, thể hiện một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cũng là một lời cảnh báo đối với Mỹ, chống lại việc mở rộng ảnh hưởng của Washington trong khu vực Trung Á và vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, dù phát biểu chống lưng cho Tập Cận Bình về vấn đề Biển Đông, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ can thiệp vào Biển Đông trong thực tế.
Putin nhìn thấy cơ hội cho Nga để khai thác các lợi ích kinh tế rất lớn từ Trung Quốc bằng cách phát biểu vài câu ủng hộ Bắc Kinh, trong lúc các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải ngày càng cảm thấy bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo cũng có thể đã thảo luận về cuộc tập trận chung Nga - Trung ở Biển Đông từ 12/9 đến 19/9. Sergei Oznobishchev, một chuyên gia Nga về an ninh quốc gia cho rằng, hoạt động này chủ yếu nhằm gửi thông điệp tới Mỹ.
Có điều, các cuộc tập trận chung Trung - Nga sẽ tránh xa quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nơi Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và vấp phải sự lên án từ cộng đồng quốc tế. [1]
South China Morning Post ngày 5/9 nhận định, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Putin đã cam kết phối hợp chặt chẽ hơn với nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước với phương Tây gia tăng.
Tân Hoa Xã nói rằng, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung - Nga sẽ tăng cường hợp tác chiến lược và kiên quyết ủng hộ nhau trong vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia.
Wang Xianju, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội Âu - Á nhận xét, Trung - Nga đã sử dụng G-20 để thể hiện một mặt trận đoàn kết chống lại trật tự quốc tế mà họ cho là do phương Tây định hướng. [2]
Tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu là cách che đậy những căng thẳng nghiêm trọng giữa Obama với Tập Cận Bình
Theo South China Morning Post ngày 5/9, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn tồn tại nhiều bất hòa, tăng cường tình trạng thù địch trong một loạt tranh chấp từ thương mại cho đến an ninh.
Tuyên bố riêng rẽ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc đêm thứ Bảy 3/9 miêu tả cuộc họp giữa 2 nguyên thủ là "thẳng thắn", cách biểu đạt đàm phán khó khăn, ít có kết quả trong ngôn ngữ ngoại giao.
Steve Tsang, một thành viên Viện Chính sách Trung Quốc Đại học Nottingham nhận xét: "Tập Cận Bình biết Obama sắp rời Nhà Trắng và chỉ chờ đợi Obama rời quyền lực, hoặc về cơ bản bỏ qua những gì Obama đã nói."
Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc nói rằng, Tập Cận Bình và Obama đã giảm bớt lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, hai ông đã nói về phán quyết của Hội đồng Trọng tài (thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982) ở Biển Đông.
Bàng Trung Anh từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc bình luận: "Thực tế Tập Cận Bình rõ ràng rất bận rộn với lịch trình chặt chẽ trong G-20, vẫn phân bổ thời gian nhiều hơn để nói chuyện với ông Obama, điều này cho thấy ông ưu tiên quan hệ của mình với Obama hơn cả."
Đổi lại, Obama đã cố gắng không gây rắc rối cho nước chủ nhà, bằng cách đánh giá cao hội đàm với Tập Cận Bình. Obama sẽ chọn đối đầu với Trung Quốc tại khuôn khổ các hội nghị do ASEAN tổ chức tại Lào từ ngày mai 6/9.
Thời Ân Hoằng cho rằng, việc công bố thỏa thuận phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chỉ là màn che đậy vụng về những bất đồng giữa hai nước, bởi nó chỉ xác nhận lại cam kết trước đó chứ không có gì mới. [3]

Tài liệu tham khảo:

Mà Sa Phìn - Những chuyện kinh dị ở nơi nhìn đâu cũng thấy vàng

(VTC News) - Bước chân đến đất Mà Sa Phìn, chỉ cần nhìn xuống dưới đất người ta sẽ thấy đâu đâu cũng có vàng.

Trên con đường gian nan đi vào bãi vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây (Văn Bàn, Lào Cai), chúng tôi được người dân và phu vàng kể về những góc tối kinh hoàng của rốn vàng lớn nhất Lào Cai.
Ở nơi đó, người ta chỉ cần cúi xuống là nhặt được vàng, nơi mạng người bị coi rẻ, nơi nhiều cái chết bị chôn vùi trong im lặng vì đồng tiền đã bịt miệng người sống, nơi chỉ có làm việc hay là chết và luật pháp nằm trong tay các “tướng” mỏ vàng.  Và ở đó, người ta mê muội trong làn khói trắng - ma túy. 

Bài 1: Đêm ở bản Phù Lá Ngài nghe chuyện kinh dị bãi vàng

Hành trình vào rốn vàng Mà Sa Phìn, chúng tôi phải ngủ lại ở bản Phù Lá Ngài (cách trung tâm xã khoảng 8-10km) vì đường từ đó vào đến bãi vàng bị sạt lở nghiêm trọng và trời cũng đã nhập nhoạng tối.

Sau chuyến thực địa của đoàn công tác do Chủ tịch tỉnh – Đặng Xuân Phong dẫn đầu thống kê, có đến hơn 50 điểm sụt sạt trên toàn bộ đoạn đường dài khoảng 27 km từ trung tâm xã và đến mỏ vàng.
Từ Phù Lá Ngài vào đến bản Mà Sa Phìn còn khoảng 5 – 6 km nữa. PV buộc phải dừng chân tại quán tạp hóa ven đường của vợ chồng anh Triệu Tòn Nhất. Tại đây, bà con tập trung rất đông vì cả chục km quanh đây chỉ có duy nhất 1 quán bán hàng.
Dân bản nhìn chúng tôi như muốn hỏi: “Sao nhiều nhà báo vào Mà Sa Phìn thế?”. Nhưng chẳng ai dám lên tiếng cho đến khi chúng tôi ngỏ lời. Biết chúng tôi muốn vào mỏ vàng, dân bản bảo: “Vào đó phải đi bộ mất vài tiếng mới đến nơi, đến được bãi vàng thì trời cũng tối rồi.”
resized_img_7012-0813

Đường vào bãi vàng Mà Sa Phìn có những nơi sạt lở hoặc bị  nước cuốn trôi hoàn toàn. 

Với người dân nơi đây, việc phu vàng bị chết do sập hầm, do sạt lở hay lũ cuốn trôi không quan trọng. Họ chỉ biết đó là chết, và dường như những cái chết ấy quá bình thường ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này. Nó thường đến độ người ta thấy lạ khi nhà báo tận Hà Nội cất công lội bộ vào đến đó để tìm hiểu.
Đêm đó, chúng tôi ngủ lại nhà của Nhất, ông chủ cửa hàng tạp hóa ‘oách’ nhất bản còn nấu cơm mời PV ăn cùng.
 
Ở trên mỏ, bọn em còn phải vào sâu trong hầm đào lấy quặng ra để nghiền vàng. Vàng ở đây nhiều lắm.
Dương Văn Thắng
Sáng hôm sau, một mình tôi cuốc bộ vào bãi vàng Mà Sa Phìn. Nhất chở tôi bằng xe máy đi được thêm vài trăm mét nữa thì phải dừng lại, vì đoạn đường khoảng 6 km trước mắt đã bị đất vùi lấp hoàn toàn. Nói là đi vào nhưng có lẽ phải gọi là leo núi thì đúng hơn. Bởi Mà Sa Phìn là bản nằm cao nhất trên đỉnh Chứ Hù, nhìn lên đó ngoài mây mù thì chẳng thấy được gì khác.
Nhìn đâu cũng thấy vàng
Hành trình cuốc bộ vào Mà Sa Phìn, tôi mới hiểu được tại sao người ta lại gọi nơi đây là rốn vàng. Đó là bởi, ở xứ “khỉ ho cò gáy” này, chỉ cần cúi mặt xuống đất, nhìn đâu đâu cũng thấy có vàng.
Vàng lấp lánh trong những đống đất đá bị sạt lở vùi lấp con đường, vàng tạp chất nằm trong những viên đá lăn lóc dưới suối. Nhặt bất cứ viên đá nào ở nơi đây, đều thấy nó lấp lánh ánh vàng rất thích mắt.
Tuy nhiên, đây chỉ là vàng sa khoáng, lẫn trong đất đá của vùng sơn cước trù phú. Ngoài quặng vàng, Mà Sa Phìn còn có trữ lượng vonfram, titan… rất lớn.
Theo số liệu từ năm 2010, mỏ vàng Mà Sa Phìn là mỏ vàng gốc có công suất khai thác 30.000 tấn quặng nguyên khai/ năm.
Video: Mà Sa Phìn, nơi cúi xuống là nhặt được vàng
Dù chỉ mới chớm nhìn thấy những nóc nhà của bản Mà Sa Phìn sau 2 giờ đồng hồ đi bộ, nhưng tôi đã cảm nhận được trữ lượng giàu có của các mỏ vàng. Tại đây, tôi được tận mắt thấy và cầm trên tay những viên đá có chứa vàng sa khoáng lấp lánh. Nó xuất hiện ở khắp nơi, từ chỗ ta luy dương bị sạt lở cho đến những viên đá dải đầy trên đường.
Thấy tôi cúi xuống nhặt nhặt, ngắm ngắm những viên đá lấp lánh, một nhóm phu vàng mặc hốc hác, trắng bệch vã mồ hôi, đi bộ từ trên núi xuống nhìn tôi nói: “Vàng đấy, cái này ở Sa Phìn có đầy, anh nhặt ở chỗ lở đất này làm gì cho bẩn. Đi lên thêm tý nữa, chỗ mấy khe nước chảy ra đường còn nhiều lắm, tha hồ mà lấy.”
Đúng như lời đám phu vàng nói, từ chân bản Mà Sa Phìn những khe nước róc rách chảy ra từ trong núi, nước chảy qua đường, có nhiều đoạn nước ngập đến đầu gối. Dưới khe nước, những viên đá óng ánh vàng nhiều không kể siết. Từ viên bé bằng 2 ngón tay cho đến nắm đấm, thậm chí là cả tảng to như cái chậu vàng óng nằm đầy trên đường, dưới suối.
vang-ma-sa-phin-0817

 Những quặng đá có chứa vàng như thế này nằm đầy trên đường đi, dưới lòng suối dẫn đến Mà Sa Phìn.

Em Dương Văn Thắng (SN 1997, quê ở Bảo Lâm, Cao Bằng) công nhân tháo chạy từ trong bãi vàng ra sau trận sạt lở bảo rằng, viên đá trên tay tôi cầm chỉ là vàng non lẫn trong đất đá.
“Ở trên mỏ, bọn em còn phải vào sâu trong hầm đào lấy quặng ra để nghiền vàng. Vàng ở đây nhiều lắm” – Thắng nói.
Sau khi quặng vàng được nghiền, người ta sẽ dùng hóa chất để tách vàng cũng như những kim loại quý khác. Nhưng phải công nhận, vàng ở đây nhiều thật, trên mỏ chẳng khó để nhặt được những viên quặng có chứa vàng lấp lánh, vàng óng.
vang-ma-sa-phin-2-0820

 Những mẩu quặng vàng óng ở Mà Sa Phìn, thứ mà đám trẻ con vẫn nhặt về ném trâu bò khi chăn thả.

Đêm trước ngủ lại nhà của Nhất, cậu ta cũng kể với tôi về sự giàu có tài nguyên mà ông trời ban cho Mà Sa Phìn. Nhất kể, nhiều năm trước, khi chưa được nhà nước quản lý, người dân còn tự do khai thác, có người trong bản còn đào được cả cân vàng. Từ nghèo đói, bỗng dưng trở nên giàu có.
Tiền không được trả, mạng sống mất như chơi
Nhưng cũng vì vàng, mà nơi đây chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện đau thương.
Những người trực tiếp cảm nhận nỗi đau từ vàng là đám công nhân hay còn được người dân gọi là phu vàng. Sau vụ sạt lở, nhiều lán trại bị vùi lấp, các tốp phu vàng thi nhau tháo chạy sau khi thoát chết. Họ bảo, có lán hơn 20 người bị đất đá trên núi sạt xuống vùi lấp cả.
Nhóm của Thắng có 3 người, cả 3 mặt non choẹt, cùng quê Cao Bằng. Chúng kể, hôm xảy ra mưa lũ, đất đá sạt xuống cuốn trôi lán, nhiều người bị đất cuốn đi lăn lông lốc, may mà bám được vào cây rồi nhanh chân chui vào hang đá nên thoát chết.
cam00033-0821

Nhóm của Thắng (ngoài cùng bên phải) tháo chạy khỏi bãi vàng mà không được chủ giả cho đồng tiền công nào.  

Sáng hôm sau, nhiều người sợ hãi tháo chạy khỏi mỏ vàng để về quê. Nhóm của Thắng lên gặp tướng (cách gọi chủ của dân phu vàng) để xin về, đồng thời yêu cầu được trả lương. Không những không giả, tướng còn chửi mắng thậm tệ nhóm của Thắng. Sợ bị tướng đánh, cả 3 đành cuốc bộ đi ra ngoài huyện bắt xe về quê mà trong người không có một đồng xu dính túi.
Không chỉ nhóm của Thắng, mà rất nhiều nhóm phu vàng khác tôi gặp trên đường đều xác nhận việc không được chủ trả tiền. Hầu hết đều ra về với 2 bàn tay trắng sau giấc mộng đổi đời nơi bãi vàng ở thâm sơn cùng cốc.
“Chủ không cho tiền chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng phải về thôi, ở đó sợ quá. Không được trả tiền nhưng còn mạng để về còn may, nhiều người còn chết ở đó mà chẳng tìm thấy xác” – Giàng A Sú (Lai Châu) cho biết.
Nhiều phu vàng kể rằng, trên mỏ có những cái chết trong im lặng, nhiều vụ tai nạn bị “ém” đi. Ở đó, chỉ có luật ngầm do các tướng đặt ra và công nhân bị bóc lột sức lao động thậm tệ.
Đón đọc bài 2: Những cái chết oan nghiệt kinh hoàng nơi rừng sâu
Video: Con đường độc đạo lên bãi vàng Mà Sa Phìn 
Đức Thuận - Kim Thược