Cuộc gặp đêm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Obama được hai nước mô tả là "thẳng thắn" - nhưng theo ngôn ngữ ngoại giao từ này có nghĩa rằng cuộc đàm phán khó khăn với ít kết quả.
Bất chấp việc Mỹ-Trung đã cùng nhau phê chuẩn một hiệp định mang tính bước ngoặt về đối phó với biến đổi khí hậu vào đêm trước Hội nghị G20 diễn ra, theo giới phân tích, cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đạt được rất ít tiến triển trong việc giảm bớt căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Trên thực tế, các cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo đã luôn gặp phải những bất đồng trong thời gian qua và đang manh nha phát triển thành thế đối đầu trên một loạt các vấn đề về thương mại và an ninh, theo SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình uống trà cùng Tổng thống Obama tại thắng cảnh Tây Hồ, Hàng Châu.
|
Trong đêm hôm thứ Bảy, ông Tập Cận Bình và ông Obama đã có những giây phút thân tình khi đi dạo vào buổi tối tại khu thắng cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu và thưởng thức loại trà địa phương.
Báo cáo độc lập của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc gặp giữa ông Tập và ông Obama là "thẳng thắn" - nhưng theo ngôn ngữ ngoại giao từ này đồng nghĩa với việc cuộc đàm phán khó khăn với ít kết quả.
"Cuộc nói chuyện thẳng thắn của Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình là quá ít thời gian, do vậy nó sẽ không mang lại hiệu quả", Steve Tsang, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham nhận định. "Ông Tập chỉ coi đây là cuộc tản bộ đơn thuần hoặc về cơ bản đã không để tâm những gì ông Obama nói".
Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, mặc dù hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến một vài vấn đề song phương, về khu vực và toàn cầu, nhưng đã có rất ít tiến bộ triển vọng.
Hai nhà lãnh đạo đã nói về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12/7, trong đó bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng ngay sau đó bằng việc tiếp tục phủ nhận phán quyết.
"Cả hai cũng đã giảm bớt lập trường cứng rắn của họ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông", ông Shi nói thêm.
Nhận định về việc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu giữa hai nước, ông Pang Zhongying, nhà phân tích tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, mặc dù các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải và quyền con người gặp nhiều trở ngại, nhưng điều khiến ông Obama lưu tâm hơn vẫn là di sản ngoại giao của mình, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
"Rõ ràng đây là thời điểm tốt nhất cho Trung Quốc và Mỹ để đưa ra những quyết định dứt điểm trong việc đồng ý hay không đồng ý trên hầu như tất cả các vấn đề song phương lớn", ông Pang nói.
Mặc dù có sự khác biệt, nhưng cả hai nhà lãnh đạo hiểu rất rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung, giới phân tích đánh giá.
Ông Pang Zhongying cho rằng "thực tế ông Tập Cận Bình hơn bất kỳ lãnh đạo nào là người có một lịch trình rất bận rộn tại G20, nhưng ông vẫn cố gắng phân bổ thời gian nhiều hơn để nói chuyện với ông Obama. Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với người đứng đầu nước Mỹ".
Đổi lại, ông Obama đã cố gắng hết sức để không làm phật lòng nước chủ nhà và đánh giá cao cuộc thảo luận với ông Tập.
"Các cuộc thảo luận song phương mà chúng tôi đã có ngày hôm qua là cực kỳ hiệu quả và sẽ còn tiếp tục hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng hơn nữa", Tổng thống Mỹ nói với báo chí hôm 4/9.
Thay vào đó, ông Obama có thể chọn để đối đầu với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới ở Lào, nơi ông Obama và các đối tác được dự đoán sẽ cùng nhau xoáy sâu vào tranh chấp ở Biển Đông. Hội nghị tại đây sẽ có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham dự, theo SCMP.
Nhận định về triển vọng trong tương lai, các nhà phân tích đồng ý rằng căng thẳng vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa hai cường quốc và điều này sẽ còn gia tăng trong những tháng tới.
Tuy nhiên Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc và Mỹ có sự thấu hiểu lẫn nhau để duy trì mối quan hệ tương đối ổn định trong khoảng thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Hai quốc gia sẽ tiếp tục duy trì "sự bất đồng" trên một loạt các vấn đề bao gồm các tranh chấp hàng hải và an ninh mạng. Còn "sự đồng thuận duy nhất là hai nước không muốn tiến tới chiến tranh vì các tranh chấp ở Biển Đông", Tao nói.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, một hiệp định phê chuẩn về biến đổi khí hậu chỉ là một cách che đậy những căng thẳng sâu sắc giữa hai nước, nhưng nó phù hợp với những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung muốn trong lúc này.
Chuyên gia Shi Yinhong nói rằng dù việc phê chuẩn hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chỉ đơn giản là một hình thức xác nhận lại những cam kết trước đó của cả hai, thế nhưng "bầu không khí sẽ còn căng thẳng hơn nếu không có một bước đi như vậy".
Minh Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét