Chiến thắng ngoạn mục của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp tục được các tạp chí ra tuần này bình luận rộng rãi và dành cho những hồ sơ đặc biệt. Đáng chú ý nhất là bài phân tích về khả năng rất hiện thực của « Một chuyện tình Mỹ-Trung » - trái hẳn với dự đoán của nhiều người – trên tuần báo Anh The Economist đề ngày 19/11/2016.
Trang bìa tạp chí Trung Quốc Global People, ngày 14/11/2016, với ảnh Donald Trump và tựa : Vì sao Trump đã thắng. AFP |
Và như để khẳng định thêm quyết tâm « chống » Trung Quốc, ông Trump còn cam đoan xé bỏ thỏa thuận khí hậu mà tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama đã ký với đối tác Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 09/2016, một điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thêm vào đó, trong mấy ngày qua, tin đồn về những người sẽ được ông Trump cử làm ngoại trưởng, tức là phụ trách giao dịch với Trung Quốc, cũng khiến Bắc Kinh không yên tâm. Hai tên được gợi lên là Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York, lính mới trong quan hệ với về Trung Quốc, và John Bolton, một con diều hâu rất ghét Bắc Kinh.
Bắc Kinh đổi giọng ca ngợi Donald Trump
Thế nhưng, theo The Economist, Trung Quốc lại bắt đầu nhìn thấy khía cạnh tươi sáng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ở Bắc Kinh, người ta ngày càng lạc quan cho rằng, nếu thực sự muốn có thêm việc làm và tăng trưởng trong nước, sớm muộn gì ông Trump cũng phải mở cửa thương mại vì lẽ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phù hợp với chủ trương « Hãy làm nước Mỹ lớn mạnh trở lại » mà ông từng đưa ra.
Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng những lời đe dọa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử chỉ là để câu phiếu. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thấy ông Trump có nhiều nét giống họ, tức là không thiết tha lắm với dân chủ mà đặt vấn đề phát triển và tăng trưởng lên trên hết.
Khi loan tin về cuộc điện đàm đầu tiên hồi đầu tuần này giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc thường khi rất hung hăng, thì lần này lại không ngớt tán dương tổng thống tân cử Mỹ đã có những lời lẽ « ngoại giao hoàn hảo » khi trả lời đề nghị hợp tác của ông Tập Cận Bình, đã củng cố triển vọng « lạc quan » về quan hệ giữa hai cường quốc trong vòng bốn năm tới.
Đối với Hoàn Cầu Thời Báo, ông Trump là người đã không bị « giới tinh hoa chính trị tại Washington bắt làm con tin », và sẽ là « một nhà lãnh đạo Mỹ biết tạo ra những bước tiến quyết định trong việc tái định hình quan hệ giữa các cường quốc một cách thực tiễn ».
Bắc Kinh hoan hỉ vì Trump đã “dẹp” Obama và sẽ “phá” nước Mỹ
Theo The Economist, thái độ lạc quan trong giới diều hâu Trung Quốc rõ ràng còn xuất phát từ tính toán của họ theo đó chính quyền của ông Trump sẽ hỗn loạn và bất tài, làm cho Mỹ mất uy tín.
Đây là điều rất có lợi cho Trung Quốc, vốn đang đặt cược trên khả năng về lâu dài nước Mỹ ngày càng suy thoái, trong lúc Trung Quốc ngày càng vươn lên. Chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã viết chỉ cách nay một tuần về ông Trump là : « Chúng ta nên chờ xem ông ta có thể gây nên những hỗn loạn nào ».
Ngoài ra, cũng theo The Economist, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất vui mừng khi thấy ông Barack Obama rời khỏi chính trường. Họ rất ghét chiến lược « xoay trục » qua châu Á của ông, họ cay đắng với suy nghĩ « không khoan nhượng » của ông, vốn thúc đẩy ông từ chối đề nghị (gọi là nhóm G2) của ông Tập Cận Bình vào năm 2013 muốn hình thành một « loại quan hệ mới giữa hai cường quốc » trên cơ sở hợp tác « hai bên cùng có lợi ». Đối với The Economist, làm sao mà ông Obama có thể chấp nhận nhường vùng Đông Á lại cho Trung Quốc !
Tập Cận Bình sẽ lại dùng chiêu “kinh tế” để nhử Donald Trump ?
Trong bối cảnh kể trên, tuần báo Anh cho là rất dễ tiên đoán những gì sẽ được hai lãnh đạo Mỹ-Trung thảo luận nhân cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Trump từng cam kết xây dựng thêm tại Mỹ nào là đường cao tốc, sân bay, nào là trường học, bệnh viện. Ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh rằng ông vừa có tiền, vừa có chuyên môn trong lãnh vực xây dựng, xuất phát từ việc điều hành một đất nước rộng lớn với hơn 18.400km đường xe lửa cao tốc so với con số không tại Mỹ, với đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử cao gần bằng đập Hoover tại Mỹ nhưng dài hơn sáu lần.
Tóm lại, ông Tập Cận Bình sẽ cung cấp tiền và chuyên môn cho những nỗ lực xây dựng của tổng thống Mỹ mới đắc cử, và sẽ nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc sẽ tạo ra công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Để đánh đổi lại, ông Trump có thể dễ dàng tỏ một cử chỉ thiện chí là tham gia vào Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á do Trung Quốc lãnh đạo, điều mà ông Obama từng bác bỏ, và hậu thuẫn nhiều hơn cho chiến lược « Một vành đai, một con đường » của ông Tập Cận Bình. Nhiều cố vấn của ông Trump đã tiết lộ rằng việc đó đã được dự trù.
Tuần trăng mật không ngờ nhưng không thọ
Nhìn chung, theo The Economist, sẽ có một tuần trăng mật giữa hai ông Trump và Tập Cận Bình mà ít ai dự đoán. Nhưng có kéo dài hay không thì lại là một chuyện khác. Đối với ông Tập Cận Bình, ông đang cần có một môi trường bên ngoài yên ổn để rảnh tay thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng trong cơ chế lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm tới để củng cố quyền lực của mình.
Tuy nhiên, The Economist cho là đừng hy vọng tuần trăng mật Mỹ-Trung sẽ kéo dài. Lý do đầu tiên là rất có thể Trung Quốc đã đánh giá thấp sức mạnh của bản năng con buôn của ông Trump. Ngoài ra Bắc Kinh cũng có thể đổi ý nếu đồng đô la trở nên quá mạnh khiến cho đồng yuan Trung Quốc khó quản lý.
Bên cạnh đó, dù các đồng minh châu Á của Mỹ đang hoảng hốt sau khi ông Trump đắc cử, càng lúc càng có thêm những lời bảo đảm từ phía ông Trump rằng ông vẫn duy trì các liên minh mà Trung Quốc căm ghét, nhưng đã góp phần củng cố thêm sức mạnh của Mỹ ở vùng Đông Á từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc đến nay.
Sau cùng, theo The Economist, làm sao biết được chắc chắn là sẽ không có sự cố nào nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Lãnh đạo hai nước chưa hề bị một cuộc khủng hoảng lớn nào thử thách từ sau vụ va chạm trên không vào năm 2001 giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ. Một sự cố tương tự hoàn toàn có thể xẩy ra trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông đầy tàu thuyền và đang có tranh chấp.
Điều đáng ngại là không chỉ có ông Trump là người hoàn toàn chưa được thử thách trong một cuộc khủng hoảng trên quy mô đó, mà ông Tập Cận Bình cũng vậy!
Hiệu ứng Donald Trump tại Pháp ?
Sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục lôi cuốn báo giới. Tạp chí Pháp tuần này không thoát khỏi làn sóng, nhất là khi tại Pháp cũng đang diễn ra cuộc tranh cử sơ bộ cho cuộc bầu tổng thống năm sắp tới.
Các tạp chí e ngại tác động dây chuyền từ Mỹ qua Pháp. Bên cạnh ảnh Donald Trump tươi cười trên trang bìa, L’Express đã chạy hàng tựa : « Trump và chúng ta », bên trên là dòng tiểu tựa nhắc đến sự kiện ở Pháp : « Hollande – Macron : hai ứng viên lâm chiến ».
Tạp chí L’Obs, trên phông nền đen, cũng ở trang bìa, chạy hàng tựa đỏ : « Làn sóng dân túy » với hai gương mặt đối diện nhau : Trump ở Mỹ và Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu FN tại Pháp.
Courrier International, đăng môt tranh biếm họa trên trang bìa : bà Marine Le Pen như đang múa trong trang phục của nhân vật Bạch Tuyết với hai chú lùn bên cạnh : Ông Sarkozy nép vào váy phía sau và Juppé khom lưng nhìn lên với một quả táo nhỏ đặt trước mặt. Bên cạnh là dòng tựa lớn : « Pháp, rẽ ngay sang cánh hữu ! » bên trên câu hỏi : « Có chăng một hiệu ứng Trump ? » kèm theo ghi nhận : « Đối với báo giới nước ngoài, những ý tưởng của Marine Le Pen làm ô nhiễm cuộc bầu sơ bộ trong cánh hữu (Pháp) ».
Le Point nêu câu hỏi : « Có thể nào đắc cử mà không cần nói nhăng nói cuội ? », bên dưới có dòng ghi chú : « Sau Brexit và Trump, những gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử sơ bộ Pháp » với 3 gương mặt : hai cựu thủ tướng François Fillon, Alain Juppé và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.
Ngoại giao Mỹ thời Trump : Chống Tàu, thân Nga, bỏ châu Âu ?
Giống như tuần báo Anh The Economist, hồ sơ chính trên tạp chí L’Express cũng dành cho đường lối đối ngoại của Donald Trump với hơn một chục trang cho hồ sơ này. Theo tuần san, một cách sơ lược có thể nói là Donald Trump nhắm vào Trung Quốc, nhưng tương đối hóa sức mạnh của Nga và… quay lưng lại lục địa già Châu Âu. Điểm này đã khiến tạp chí chạy tựa « nỗi buồn của Châu Âu ».
L’Express giải thích rằng các quốc gia Châu Âu rất ghét Donald Trump, và nhìn thấy họ bị thua thiệt lớn trong cuộc bầu cử Mỹ. Và điều này cũng đúng thôi. Người ta không hiểu làm thế nào mà nhà kinh doanh này lại có thể thương lượng được với một vật thể phức tạp như Liên Hiệp Châu Âu.
Tìm hiểu xem có cái gì có thể làm ông Trump quan tâm đến Châu Âu, tác giả bài viết cho là ngoài bà vợ là người Slovenia, thì có rất ít điều gắn bó ông với Châu Âu. Tập đoàn Trump Organisation có những cao ốc Trump Towers ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hai sân golf trên lãnh thổ Châu Âu - ở Ireland và Scotland - nhưng tài sản chủ yếu của ông ở nước ngoài dưới dạng nhà chọc trời là ở Vancouver (Canada), Seoul, Manila, tựa như là ông Trump cũng đã xoay trục sang Châu Á như ông Obama !
Nhưng L’Express, trích dẫn nhà phân tích Knut Hammarskjold, cho là trong mắt Donald Trump, thì « Trung Quốc có tầm quan trọng chủ chốt vì nước này là mối đe dọa tài chính, chiến lược đối với Mỹ, đe dọa cuộc sống sung túc của cử tri cơ sở của ông, trong lúc Châu Âu, chỉ là một yếu tố gây bực mình vì tốn kém đối với Mỹ về mặt quốc phòng. Lãnh đạo Châu Âu lại luôn lên lớp, rất giống thành phần ưu tú tại Mỹ đã ủng hộ Hillary Clinton.»
Riêng về nước Pháp, trong mắt Donald Trump, đây là nước « xã hội chủ nghĩa » bị khủng bố nhắm vào. Cho nên để có uy tín trên chính trường thế giới, Paris phải định lại khung hợp tác với Washington. Theo L’Express, quan hệ Trump-Paris sẽ khó mà nồng ấm. Tạp chí nhắc lại câu nói của đại sứ Pháp tại Mỹ, Gérard Araud, trên twitter của ông, thể hiện thái độ sững sờ sau kết quả bầu cử : « Một thế giới đang sụp đổ trước mắt chúng ta. Thật là chóng mặt ». Câu này đã được xóa đi vài giờ sau đó. Nhưng sự việc đã rồi. Những ai rõ biết cá tính của Donald Trump cho là ông sẽ không quên và giận rất dai.
Bầu cử Mỹ : Người thắng cuộc là … Putin
Đối với Nga, L’Express đặt mối quan hệ trong bối cảnh Donald Trump đã cam kết giảm đóng góp của Washington cho NATO. Điều này làm cho Nga rất hài lòng. Cho nên tác giả bài phân tích trên tạp chí L’Express đã chấm biếm bằng tiếng Anh : « And the Winner is …Vladimir Putin ! » (tạm dịch là « Và người chiến thắng là... Vladimir Putin »).
Thật vậy theo Axel Gylden, một người thắng khác của cuộc bầu cử tại Mỹ là tổng thống Nga, vốn rất lo ngại viễn cảnh người đắc cử là « ứng viên của chiến tranh », biệt hiệu mà Matxcơva đặt cho Hillary Clinton. Ngược lại, khi « ứng viên của hòa bình » - tức là Trump - thắng cử thì quan hệ Nga-Mỹ có thể « tan băng ».
Quan hệ Mỹ-Nga đã cực kỳ xấu đi từ sau chính sách « reset – tái khởi động » của Obama từ năm 2009. Obama muốn xây dựng lại một quan hệ mới tốt hơn giữa Nhà Trắng và điện Kremlin, nhưng ông đã không thành công, thậm chí tình hình còn xấu hơn, với một loạt biến cố từ việc lật đổ chế độ Kadhafi đến tình hình Ukraina, cuộc chiến Syria...
Trong khi đó, với Donald Trump thì không khí đã thay đổi. Từ nhiều năm qua, nhà tỷ phú Mỹ luôn khen ngợi tổng thống Nga. Ngay từ năm 2007, trên đài CNN, ông đã nói « Hãy nhìn Putin, ông đã xây dựng lại hình ảnh nước Nga và xây dựng lại đất nước ông ». Gần đây hơn, trong cuộc tranh cử, ông Trump không ngớt có những lời lẽ tốt đối với Putin, và từng chỉ trích bà Hillary như trong cuộc mít tinh tại Ohio, tháng 10/2016, khi ông tuyên bố : « Nói không tốt về Putin, tôi không nghĩ đó là hay ».
Ngoài những lời lẽ bênh Nga kể trên, điều làm tổng thống Nga hài lòng là thái độ của Trump đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, không muốn nước đầu tầu là Mỹ phải gánh vác thêm nữa.
Những sai lầm khi đánh giá uy tín của Trump trong cử tri Mỹ
Tạp chí Le Point tuần này rà soát lại thành phần cử tri đã dồn phiếu cho Donald Trump, gây ra hệ quả hiện nay. Tờ báo đã nêu lên tình trạng một số đánh giá không sát với thực tế, chẳng hạn như việc cho rằng ông Donald Trump được ủng hộ ở những bang gặp khó khăn, thất nghiệp cao, cụ thể là vùng gọi là Rustbelt - bao quanh khu vực Đại Hồ (phía bắc). Nhưng xem kỹ kết quả thì không hẳn như vậy. Trong số 30 bang mà ông Trump đã thắng, thì có đến 18 bang có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn mức trung bình trên toàn quốc.
Còn nói rằng ông Trump là người được tầng lớp giàu có ủng hộ cũng không đúng. Le Point nhìn thấy là ông đạt đa số nhưng bà Hillary tuy thua nhưng cũng được hậu thuẫn không kém là bao. Nếu những người thu nhập ‘thấp’ - dưới 30.000 đô la - dồn phiếu cho bà Hillary và khoảng cách với ông Trump khá rõ rệt (41% - 53%), thì khoảng cách giữa hai người trong tầng lớp thu nhập cao trên 200.000 đô la thì không là bao : Donald Trump 49% - Clinton 48%.
Tạp chí cũng nhìn thấy là phụ nữ không hề xa lánh ông Trump. Nhìn chung, 42% phụ nữ đã bỏ phiếu cho Trump, trong đó 53% là phụ nữ da trắng. Còn về người da màu, thành phần cử tri da đen bỏ phiếu cho Trump cao hơn 2% so với lần bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng Hòa Romney năm 2012, tỷ lệ người gốc châu Mỹ La tinh bỏ phiếu cho Trump cũng cao hơn 2 điểm so với Romney trước đây. Điều đúng là ông Donald Trump giành được phiếu ở những bang mà tỷ lệ súng ống trên đầu người rất cao.
Mai Vân
(RFI)