Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Quan chức sứ quán Bắc Hàn ở VN làm gì?

Các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Bắc Hàn ở Hà Nội có nhiệm vụ phải kiếm tiền nộp về cho Bình Nhưỡng, theo lời cựu bí thư thứ hai Han Jin-Myung nói với trang NK News.

Ông Han Jin-Myung nói chuyện với phóng viên Seoyeon Kim từ trang NK News
Ông Han Jin-Myung nói chuyện với phóng viên Seoyeon Kim từ trang NK News
Đây là trang tin chuyên về Bắc Triều Tiên, đặt tại Hoa Kỳ.

Đào thoát từ Việt Nam sang Seoul năm 2015 sau một vụ chia tiền khiến ông bị vào sổ đen, Han Jin-Myung kể lại quá trình chọn vào ngành ngoại giao và cơ chế chỉ đạo của bộ máy Đảng, chính quyền Triều Tiên.

Theo ông Han Jin-Myung, các sứ quán của Bắc Hàn ở nước ngoài không chỉ lo việc ngoại giao mà còn có nhiệm vụ kiếm ngoại tệ.

Với họ thì "kiếm tiền là cơ hội cho bản thân và gia đình", ông cho biết.

Buôn thuốc và xe cộ

Theo ông Han Jin-Myung, lương bí thư thứ hai tại Đại sứ quán ở Hà Nội chỉ là 400 USD một tháng, và ông không được đưa vợ con sang.

Thậm chí khoản tiền tiết kiệm được sau khi chi tiêu còn không đủ để đóng vào 'quỹ trung thành với Đảng', theo yêu cầu của tổ chức ở quê nhà.

Vì thế, công việc của các nhà ngoại giao là buôn bán hàng hóa miễn làm sao không vi phạm cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Dược phẩm, xe cộ thuộc loại hàng miễn thuế đều được họ buôn bán.

Sang đóng ở Việt Nam là một ưu tiên vì "các nước Đông Nam Á luật lệ thường không khắt khe".

Chuyện ông được sang Việt Nam "khiến các bạn của tôi ở Lào phải ghen tỵ".

Sau sáu năm ở Hà Nội, Han Jin-Myung gặp vấn đề.

Sự thù địch giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn cao
Sự thù địch giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn cao
Sau khi bán chiếc xe mà chính phủ Việt Nam cấp cho ngoài chợ xe cũ, ông phải nộp về Bình Nhưỡng 80% giá trị.

Nhưng các cán bộ khác trong Đại sứ quán muốn ông chia với họ 20% tiền còn lại và ông đã từ chối.

Hậu quả là họ nộp đơn về nước tố cáo ông và tên ông Han Jin-Myung bị đưa vào sổ đen của Bộ Công an Triều Tiên.

"Số phận tôi sẽ là mất chức và có thể sẽ bị giết. Gia đình cũng bị hành hạ."

Ông nhanh chóng ra quyết định đào tẩu:

"Trong vòng hai ngày, tôi quyết định sẽ bỏ chạy vì biết chính quyền sẽ hành xử tàn bạo ra sao."

Sau khi tránh được họ, tôi đã sang Đại sứ quán Hàn Quốc, cách đó chỉ 10 phút đi ô-tô và đẩy cửa bước vào
Han Jin-Myung

Ông bỏ trốn khỏi Đại sứ quán nhưng bị công an Việt Nam cùng an ninh Sứ quán Bắc Hàn truy tìm.

"Sau khi tránh được họ, tôi đã sang Đại sứ quán Hàn Quốc, cách đó chỉ 10 phút đi ô-tô và đẩy cửa bước vào."

"Thật may mắn là họ đã mở cửa và đón chào tôi."

Ông ẩn trốn trong đó một tháng rồi bay sang Nam Hàn cùng một nhóm nhà ngoại giao Hàn Quốc.

Hiện vợ, con trai và con gái ông vẫn kẹt ở Bắc Triều Tiên và ông lo sợ họ đã bị đầy ải.

Thae Yong-ho, cựu Phó đại sứ Bắc Hàn chạy khỏi Sứ quán ở London cho Han Jin-Myung hay rằng điều đó đã xảy ra với vợ con ông.

"Tôi chỉ mong họ có đủ ngô để ăn," Han Jin-Myung cho NK News hay.

Mất hết tất cả

Nhưng cuộc sống của ông Han Jin-Myung tại Hàn Quốc là tình cảnh 'xấu hổ, mất tự tin".

Ông từng là quan chức cấp bộ, và có nhiều đặc quyền đặc lợi.

Báo chí Hàn Quốc luôn chú ý đến các nhóm đào thoát từ miền Bắc và được cho đến định cư ở Miền Nam
Báo chí Hàn Quốc luôn chú ý đến các nhóm đào thoát từ miền Bắc và được cho đến định cư ở Miền Nam
Khi còn ở Bắc Hàn, ông nói ông có thể "dùng thẻ công vụ ngưng bất cứ chiếc xe nào trên đường để đi mà công an không dám làm gì".

Bộ Ngoại giao, như ông mô tả, có uy thế tới mức các quan chức Đảng Lao động Triều Tiên không thể tự ý bước vào cổng.

Nhưng sang Nam Hàn, cuộc sống của ông cùng lắm là đạt mức thuộc nhóm trung lưu thấp.

"Tôi cảm thấy xấu hổ, mất tự tin vào khả năng của mình. Tôi thấy mình mất tất cả những gì tôi có cho tới nay."

Nói chuyện với phóng viên Seoyeon Kim từ trang NK News, ông nói ông tính chuyện đi sang một xứ khác sống.

Quan lộ cán bộ ngoại giao Bắc Hàn

Nhân viên ngoại giao được chọn từ năm 11 tuổi để học và luyện ngoại ngữ. Han Jin-Mying được giao vào chuyên ngành tiếng Pháp.

Sau đó, những cán bộ 'ưu tú' phải vào quân đội để rèn luyện.

Han Jin-Myung cũng vào lính 11 năm, nhiều hơn nghĩa vụ thông thường một năm, và đến năm 28 tuổi mới được vào đại học.

Nghĩa vụ quân sự ở Bắc Triều Tiên kéo dài 11 năm
Nghĩa vụ quân sự ở Bắc Triều Tiên kéo dài 11 năm
Chỉ có hai trường đại học được đào tạo nhân viên ngoại giao là Trường Đại học Ngoại ngữ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và Trường Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng.

Ông Han chọn trường Kim Nhật Thành, nơi nhiều cán bộ cao cấp của Bắc Hàn học tập.

Sau đó ông vào làm cho Bộ Ngoại giao ở Bình Nhưỡng sáu năm. Công việc đầu tiên của ông là chuyên trách Guinea Xích đạo, một trong tám nước châu Phi mà Bắc Triều Tiên có đại diện ngoại giao.

Xin mời quý vị xem Video : Bất ngờ chấn động: Tòa Án Malayxia lúng túng vì nghi can Đoàn Thị Hương có thể vô tội?

                

Tại Bình Nhưỡng, ông cũng tham gia theo dõi hoạt động của 53 sứ quán Bắc Hàn ở nước ngoài, đồng thời liên lạc với các quan chức, bí thư của các sứ quán đó.

Việt Nam là nước nhiệm kỳ đầu tiên mà ông được cử đi. Theo Han Jin-Myung, một đại sứ quán Bắc Triều Tiên thường có ba nhiệm vụ chính.

Trước hết là quảng bá cho chính thể Bình Nhưỡng, thông qua các hoạt động như triển lãm tranh ảnh, phim tuyên truyền...

Các nhân viên ngoại giao cũng cần đọc báo, xem các kênh truyền thông khác nhau của nước sở tại để nắm tình hình địa phương nhằm báo cáo về nước.

Sứ quán cũng có nhiệm vụ theo dõi người của nước mình sang làm việc.

(BBC)

Bộ trưởng Công Thương nói về điều chuyển Chủ tịch Dầu khí; Huy Đức - Sóng lừng ở PetroVietnam; 'Tiêu điểm' phá sản, xóa sổ tháp 102 tầng cao nhất Việt Nam

Huy ĐứcChủ tịch Tập đoàn Dầu Khí Nguyễn Quốc Khánh là một quân cờ domino quan trọng. Quyết định nhân sự được công bố chiều nay, 7-3-2017, cho thấy sóng lừng vẫn ở trong lòng PVN. Sự im lặng vừa qua chỉ là mắt bão. Chúng ta sắp được thấy những kết luận của UBKT TW về Dầu Khí những năm từ 2008.

Chủ tịch PetroVietnam có thể được điều chuyển về Bộ Công Thương

chu-tich-petrovietnam-co-the-duoc-dieu-chuyen-ve-bo-cong-thuong
Ông Nguyễn Quốc Khánh có thể được xem xét điều chuyển về Bộ Công Thương. Ảnh: PetroVietnam
Bộ Công Thương đang xem xét việc điều chuyển ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) về cơ quan này. 

Theo nguồn tin của VnExpress, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đang xem xét việc điều chuyển ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch PetroVietnam về làm việc tại cơ quan này. Việc điều chuyển sẽ được cơ quan này báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

"Hôm qua, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp và đi tới quyết định trên. Ban cán sự sẽ báo cáo với Chính phủ về việc này và Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định", nguồn tin xác nhận.

Ngày 7/3, đại diện lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt PetroVietnam để thông báo về phương án nhân sự mà Ban cán sự Đảng đã thống nhất.

Ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi), quê quán Hà Tĩnh. Ông từng tốt nghiệp kỹ sư Địa Vật lý chuyên ngành Thăm dò địa chất Dầu khí tại Đại học Dầu khí Baku - Liên Xô cũ (nay là Azerbaijan). 

Ông Nguyễn Quốc Khánh đã có nhiều năm công tác tại PetroVietnam, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn này: Tổng giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC) trước khi đơn vị này hợp nhất với Petechim để thành lập Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - một thành viên của PetroVietnam. Tháng 7/2009, ông được bổ nhiệm làm 1 trong 7 Phó tổng giám đốc PetroVietnam và giữ chức vụ đó trong vòng hơn 3 năm trước khi trở thành Tổng giám đốc vào tháng 11/2014.

Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm nhiệm Tổng giám đốc PetroVietnam vào tháng 1/2016 , ông Khánh đã có khoảng nửa năm tạm quyền chức danh Chủ tịch khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức.

Nguyễn Hoài

(Vnexpress)

Bộ trưởng Công Thương nói về điều chuyển Chủ tịch Dầu khí

- Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh vừa xác nhận kế hoạch dự kiến điều chuyển Chủ tịch Tập đoàn PVN Nguyễn Quốc Khánh về làm việc tại Bộ.


Trao đổi với PV VietNamNet sáng nay, 8/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã xác nhận việc Ban cán sự Đảng Bộ của Bộ Công Thương đã có kế hoạch xin điều chuyển ông Nguyễn Quốc Khánh thôi chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) để về công tác tại Bộ. Hiện, việc này đang được báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy trình, việc bổ nhiệm hay thôi chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Nhà nước như PVN thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trên cơ sở đề xuất của Bộ chủ quan và liên quan là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ. Sau khi xem xét, Thủ tướng sẽ ban hành Quyết định về việc này.
PVN, chủ tịch PVN Nguyễn Quốc Khánh, thôi chức vụ chủ tịch PVN
Ông Nguyễn Quốc Khánh trong một buổi lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ
Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh năm 1960, quê ở Hà Tĩnh. Ông từng kinh qua nhiều vị trí chủ chốt trong hệ thống các đơn vị của Tập đoàn PVN như Phó Tổng Giám đốc Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Dầu khí Mê Kông; Tổng Giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm Dầu mỏ (PDC); Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL); Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sau khi cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức vụ do vướng vào những sai phạm thời kỳ làm Tổng giám đốc Oceanbank, ông Khánh vừa làm Tổng giám đốc, vừa kiêm nhiệm tạm thời làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN thay ông Sơn kể từ ngày 19/7/2015 và đến ngày 12/1/2016 thì được bổ nhiệm chính thức chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ngày 8/6/2016, ông Khánh trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV cho tỉnh Quảng Nam.
Ông Khánh vốn là kỹ sư địa vật lý chuyên ngành thăm dò địa chất dầu khí, tốt nghiệp Đại học Dầu khí Ba Cu thuộc Liên- xô cũ khoá 1977-1982.
Theo nhiều nguồn thông tin, việc điều chuyển ông Nguyễn Quốc Khánh thôi chức vụ Chủ tịch HĐTV về làm việc tại Bộ Công Thương là dựa theo nhu cầu nhân sự của Bộ.
Phạm Huyền

'Tiêu điểm' phá sản, xóa sổ tháp 102 tầng cao nhất Việt Nam


 Sau khi bong bóng bất động sản “xì hơi”, hàng loạt doanh nghiệp Dầu khí phải thoái vốn ngoài ngành, để lại “trái đắng” cho người mua nhà và nhiều hậu quả tiếp tục phải giải quyết. Những dự án từng một thời đình đám, PetroVietnam Landmark - tiêu điểm của BĐS TP. Hồ Chí Minh một thời nay đang bị mở thủ tục phá sản hay giấc mơ tòa tháp Dầu Khí 102 tầng cao nhất Việt Nam cũng bị xóa sổ.
Dự án "bất động"
Hàng trăm khách hàng mua căn hộ PetroVietnam Landmark (quận 2, TP. HCM) đang ngồi trên đống lửa khi chủ đầu tư là CTCP BĐS Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand) bị phong tỏa tài sản. Hơn 400 khách hàng đã nộp tiền mua dự án có thể đứng trước nguy cơ không nhận được nhà.
PVCLand bị tòa án xác định mất khả năng thanh toán khi trì hoãn tất toán khoản nợ 2,62 tỷ đồng cho bà Trần Thị Châu Giang, dẫn đến doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản, ảnh hưởng việc bàn giao nhà dự án PetroVietnam Landmark.
phong toả PetroVietnam Landmark, dự án dầu khí, bất động sản dầu khí,
Khách hàng ra tận Hà Nội đòi nhà
Câu chuyện “dở khóc, dở cười” tại dự án này  là một “quả bom” khởi đầu mang tên BĐS đã nổ tại các công ty “họ” dầu khí. Hầu hết những người mua nhà của dự án này đều rất bức xúc, bởi họ đã đóng đến 70%, có người đóng 102%, nhưng giờ chỉ biết chờ đợi và gửi đơn khiếu kiện khắp nơi để đòi lại quyền lợi cho mình. 
Từ kêu cứu cơ quan chức năng, căng băng rôn phản đối chủ dự án, thậm chí họ còn lặn lội từ Sài Gòn ra trụ sở chủ đầu tư là PVC Land tại Hà Nội để đòi lại nhà cho mình. Thế nhưng, phía chủ đầu tư, kể cả công ty tổng lẫn công ty con đều tránh né, "đá qua đá lại" trách nhiệm và đưa ra nhiều lý do trì hoãn.
Liên quan đến dự án Petro Vietnam Landmark, tháng 3/2014, Cơ quan an ninh điều tra đã bắt giam Hà Văn Sơn (30 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam. Trước đó, ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐ Công ty Cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL) cũng bị bắt giam. Để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại Hà Nội, dự án Hanoi Time Tower của Công ty CP Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) cũng làm hàng trăm khách hàng điêu đứng. Khởi công xây dựng từ quý IV/2010 và dự kiến bàn giao vào năm 2013, nhưng cho tới nay dự án vẫn còn dang dở.
Kể từ khi ký hợp đồng góp vốn, khách hành đã nhiều lần yêu cầu PVR giải thích rõ lý do chậm tiến độ, đồng thời hối thúc PVR đẩy nhanh tốc độ thi công nhưng đều không nhận được thái độ phản hồi tích cực từ phía chủ dự án.
Đến cuối năm 2012, người mua nhà như đang “chết đuối vớ được cọc” khi Tập đoàn Đại Dương (OGC) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR, tương đương 19,27% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của PVR, dự án này đã được tái khởi động.
Khi được xây dựng đến tầng 5, dự án tiếp tục bị “đắp chiếu”. Lần lượt các cổ đông lớn, trong đó có OGC quyết định thoái hết vốn khỏi PVR.
Liệu số phận Hanoi Times Tower có thể bước sang một trang mới hay không vẫn là một câu hỏi chờ thời gian giải đáp.
Từ bỏ tháp biểu tượng
Một trong những công trình từng được hy vọng là biểu tượng của dầu khí là dự án “Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí (PVN Tower)” đã phá sản hoàn toàn sau một thời đình đám với tham vọng toà nhà cao nhất Việt Nam.
phong toả PetroVietnam Landmark, dự án dầu khí, bất động sản dầu khí,
Tháp dầu khí đã đổi chủ
Dự án BĐS đình đám một thời này được PVC, công ty thành viên PVN và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương công bố thoả thuận hợp tác đầu tư xây dựng dự án PVN Tower 102 tầng cao 528m (cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á ở thời điểm đó) trên mảnh đất rộng 25ha, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.
Tháng 3/2011, PVN Tower đã được điều chỉnh từ 102 tầng xuống còn 79 tầng đồng thời giảm số tiền đầu tư từ 1 tỷ đô la Mỹ xuống còn 600 triệu đô la Mỹ. Theo kế hoạch, dự án sẽ động thổ năm 2011 và hoàn thiện vào năm 2014. 
Số phận của PVN Tower không suôn sẻ khi Nhà nước có chủ trương các tập đoàn lớn phải rút khỏi BĐS, và đầu 2012 PVN tuyên bố không đầu tư dự án này nữa. 
Sau nhiều năm tòa tháp cao nhất Việt Nam vẫn chỉ nằm trên giấy thì đầu 2015, dự án này lại gây xôn xao trong giới địa ốc khi khởi động lại bằng việc thay đổi chủ, và cái tên xuất hiện đó là Đầu tư Mai Linh.
Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam cũng là một dự án tham vọng của ngành dầu khí. Đầu năm 2010, liên doanh doanh CTCP BĐS Dầu khí Việt Nam - SSG (PV-SSG) được thành lập bởi 5 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (6%), Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam (25%), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (10%), Ngân hàng TMCP Đại Dương (10%) và CTCP Tập đoàn SSG (49%).
Năm 2015, trước đòi hỏi tái cấu trúc ngành Dầu khí, các doanh nghiệp “họ” Dầu khí rầm rộ thoái vốn khỏi bất động sản. Theo đó, các cổ đông sáng lập thuộc ngành Dầu khí tại PV - SSG cũng lần lượt công bố bán cổ phần và thoái vốn khỏi đây.
Theo công bố thông tin mới nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ bán đấu giá 2,4 triệu cổ phần PV-SSG  với giá khởi điểm 10.080 đồng/CP. Thời gian đấu giá dự kiến ngày 16/3/2017 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Dự án có quy mô 2 tòa nhà căn hộ chung cư Mỹ Đình Pearl bao gồm tổng cộng 666 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, một tòa nhà khách sạn có trên 500 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao và một khối văn phòng hạng A. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa triển khai xong.
Có thể nói, không ít dự án bất động sản gắn mác “dầu khí” đang là nỗi ám ảnh của không ít người mua nhà. Từ hoành tráng tới bết bát như ngày hôm nay là hậu quả của một thời đổ xô tay ngang sang làm bất động sản. 
Duy Anh

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Chiều nay 7-3, Chính phủ họp bàn xử lý nạn 'cát tặc'; Tìm sự thật các hợp đồng nhập khẩu cát ở Singapore

Phạm Viết Đào: MỘT NGUỒN TIN GIẤU TÊN CHO BLOG PHẠM VIẾT ĐÀO BIẾT:( ĐỀ NGHỊ CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG KIỂM CHỨNG): TRUNG QUỐC MUA CÁT VIỆT NAM ĐỂ BỒI ĐẮP CÁC ĐẢO Ở TRƯỜNG SA ? 

Bổ sung: Thông tin một số đầu nậu lén lút bán cát cho TQ blog P.V.Đ đã được cung cấp cách đây gần 1 năm; Blog P.V.Đ đã "rỉ tai" với 1 CCB hàm cấp tướng từng là 1 quan chức của BQP; Ông này đã lặng thinh và sau đó không gặp lại được ông này nữa, có vẻ ông né...Vì thế nên P.V.Đ không dám đưa lên blog !

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải khởi tố một số vụ cát tặc!

07/03/2017 18:26 GMT+7
TTO -  "Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê tội phạm” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói trong cuộc họp về “cát tặc” với các bộ, ngành, địa phương chiều 7-3.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải khởi tố một số vụ cát tặc!
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công cát tặc - Ảnh: LÊ KIÊN
Có dấu hiệu bảo kê cho vi phạm, tội phạm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định cát sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, cần nhiều năm để tái tạo.
Với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác nhu xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân sinh sống xung quanh, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, gây bức xúc dư luận...
Phó thủ tướng cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.
“Nguyên nhân khách quan là địa bàn khai thác cát trái phép trải rộng, kéo dài qua nhiều tỉnh, thành, số đối tượng khai thác cát trái phép nhiều, sống ven sông, thông thạo sông nước, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đổi hình thức, quy luật hoạt động và có tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch đối phó, né tránh khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý” - Phó thủ tướng nêu.
Ông cho biết thêm: “Thời gian bơm hút cát diễn ra nhanh trong khoảng 30-60 phút, được trang bị máy móc hiện đại, công suất lớn, thường diễn ra ban đêm tại các địa bàn giáp ranh, các đối tượng vi phạm thường xây dựng hệ thống “chân rết” rộng đẻ cảnh báo, theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng nên việc tổ chức bắt giữ, xử lý gặp nhiều khó khăn”.
Về nguyên nhân chủ quan, phó thủ tướng cho rằng “một số nơi cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Việc xử lý vi phạm thiếu nhất quán, chưa đủ tính răn đe đối tượng vi phạm”.
“Chúng ta cũng phải thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm. Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này” - ông Trương Hòa Bình nói.
Phải khởi tố hình sự các vụ trọng điểm
Trước sự bức xúc của nhân dân và các hệ lụy do nạn khai thác cát trái phép gây ra, phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm lớn để ngăn chặn, đẩy lùi.
“Bộ Công an trước mắt mở đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc từ 15-3 đến 1-6-2017. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Phải chỉ đạo lập chuyên án, làm rõ đường dây khai thác cái trái phép” - phó thủ tướng yêu cầu.
Ông cũng lưu ý “Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an đề xuất chế tài cần thiết, đủ sức răn đe các hành vi khai thác cát trái phép. Chế tài xử lý phải xử lý, tránh để đối tượng kiện ngược lại lực lượng chức năng. Bắt tàu cát khai thác trái phép thì tàu đó là phương tiện phạm pháp cần phải xử lý, chứ không thể để tình trạng họ đánh chìm tàu rồi quay lại kiện ngược cơ quan chức năng. Kiến nghị TAND tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được”.
Vẫn theo phó thủ tướng Trương Hòa Bình, cần xác định rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền trong quản lý địa bàn, đấu tranh với nạn khai thác cát sỏi trái phép. Nơi nào để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó.
Với các xã giáp ranh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cho rằng có cả sự vi phạm của các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác chứ không chỉ là vi phạm của cát tặc.
“Ví dụ như cấp phép cho ông nạo vét có 5m, nhưng ông nạo vét tới 15m, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, xói lở, đời sống người dân” - ông Vương nêu ví dụ.
Ông Vương cũng “đồng tình với ý kiến các địa phương là truy tố một vụ hình sự là rất khó khăn. Hà Nội năm ngoái chúng tôi phối hợp mãi mới bắt được vụ vi phạm các quy định về tài nguyên, môi trường. Phối hợp để bắt một vụ trên sông là không dễ, vừa phải chống tội phạm vừa phải đảm bảo an toàn”. 
LÊ KIÊN

07/03/2017 12:56 GMT+7

TTO - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc đến loạt bài “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” trên báo Tuổi Trẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm sáng nay 7-3.
Chiều nay 7-3, Chính phủ họp bàn xử lý nạn 'cát tặc'
Chiều nay phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý nạn khai thác cát trái phép - ảnh: Lê Kiên
Chiều nay, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng sẽ chủ trì cuộc họp riêng về tình hình khai thác cát trái phép. Tuổi Trẻ sẽ thông tin kịp thời đến bạn đọc.
“Gần đây nổi lên sự phức tạp của các loại vi phạm mà báo chí gọi là “tặc” như lâm tặc, cát tặc… Báo Tuổi Trẻ vừa có loạt phóng sự nhiều kỳ về đường đi của cát".
"Bơm hút, khai thác một hồi rồi chở đi lòng vòng đến đâu không rõ, có cả xuất khẩu ra nước ngoài. Quản lý tài nguyên ở đây như thế nào?” - phó thủ tướng nói.
Trong buổi sáng, trình bày báo cáo tại cuộc họp, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết: năm 2016 xảy ra hơn 54.000 vụ phạm pháp hình sự (giảm hơn 4% so với năm trước), nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn.
Nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận.
Tội phạm ma túy cũng gia tăng, tiếp tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Tội phạm, vi phạm về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Đặc biệt, năm 2016 liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên biển, song, kênh rạch; nổi cộm nhất là việc xả thải, xử lý chất thải công nghiệp ra biển gây hậu quả nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền Trung.
Vẫn theo tướng Tuyến, năm 2016 đã điều tra, phám phá hơn 42.500 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hơn 80.200 đối tượng; phát hiện hơn 16.800 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham nhũng; xử lý hơn 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; đấu tranh triệt phá hơn 18.700 vụ, gần 29.000 đối tượng phạm tội về ma túy…
Đề cập đến những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu ở một số nơi còn chưa thực sự quan tâm lĩnh vực này.
Ông phê bình: “ngay tại cuộc họp này, nhiều lãnh đạo địa phương vắng mặt, giao khoán cho cấp sở ngồi dự”.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Nơi nào để các băng nhóm xã hội đen lộng hành thì người đứng đầu các địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Việc truy nã tội phạm phải kiên quyết, kể cả các đối tượng đang trốn tránh ở trong nước cũng như trốn tránh ra nước ngoài”. 
Đề nghị kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan cung cấp thông tin kịp thời, đặc biệt là các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng cho báo chí.
Ông Bảo đề cập đến tình trạng là báo chí chính thống không được cung cấp thông tin kịp thời, trong khi dư luận xã hội, trên mạng internet thì lại đồn thổi rất nhiều.
Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, báo chí không đề cập kịp thời vì không có thông tin chính thống, nhưng trên mạng xã hội xôn xao. 

LÊ KIÊN

(Xã hội) - Ngày 20-2 tại Singapore, chúng tôi tìm đến văn phòng Công ty Singapore Hua Kai Engineering (sau đây gọi tắt là Hua Kai) ở tầng 4 của một chung cư cũ trên đường Balestier.

Cô L.F
Cô L.F xem bản hợp đồng mua bán cát giữa Công ty Đức Long và Công ty Hua Kai do PV Tuổi Trẻ đưa – Ảnh: V.TRƯỜNG
Công ty này ký hợp đồng mua cát của Công ty Đức Long (trụ sở ở Bà Rịa – Vũng Tàu) khai thác tại Phú Quốc từ năm 2014 đến nay. Hai tháng đầu năm 2017, trong số gần 1 triệu m3 cát từ Việt Nam lên tàu về Singapore thì khối lượng của Công ty Hua Kai chiếm tới 2/3.
Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tên L.F., tự nhận là người điều hành của công ty này.
Với lý do hải quan Việt Nam nghi ngờ giá xuất khẩu cát mà Công ty Đức Long khai báo khi bán cho Công ty Hua Kai, nên chúng tôi muốn tìm hiểu sự thật, L.F nhanh chóng từ chối: “Việc này các anh phải hỏi cơ quan chức năng Việt Nam. Tôi không thể tiết lộ được”.
Sau một hồi thuyết phục không được, chúng tôi đưa ra bản hợp đồng gốc bằng tiếng Anh của hai công ty ký ngày 30-7-2014.
Theo đó, tại mục 1.1 có tiêu đề “Giá cát” ở trang 2 ghi rõ: Công ty Đức Long đồng ý bán và Công ty Hua Kai đồng ý mua cát biển với giá 4,6 USD/m3 FOB (nghĩa là Công ty Đức Long giao cát lên tàu tại cảng xếp hàng là ở Phú Quốc).
L.F cầm bản hợp đồng liếc nhanh hết 8 trang liền hỏi: “Làm sao các anh có được hợp đồng này?”.
“Việc đó không quan trọng. Xin hỏi đây có đúng là hợp đồng của Công ty Hua Kai và Đức Long không?” – chúng tôi hỏi.
“Đúng. Chính tôi ký hợp đồng này. Nhưng chúng tôi chỉ nhập hai tàu của hợp đồng này rồi ngưng. Tàu đầu thì đầy, nhưng tàu thứ hai chỉ được nửa tàu do Đức Long không đủ năng lực giao hàng. Năm 2016 chúng tôi đã ký hợp đồng mới rồi” – L.F nói.
“Hợp đồng này Công ty Hua Kai mua của Công ty Đức Long giá 4,6 USD/m3. Còn hợp đồng mới giá bao nhiêu?” – chúng tôi truy tiếp. L.F lắc đầu: “Không. Tôi không thể tiết lộ giá được!”.
Trong khi đó, người đàn ông ngồi bên cạnh L.F hỏi: “Đây là vấn đề nhạy cảm. Nếu chúng tôi tiết lộ thông tin thì liệu các anh có giữ bí mật được không?”. Chúng tôi gật đầu: “Đương nhiên rồi”.
Nhưng L.F tỏ ra khó chịu và nói với người đàn ông này bằng tiếng Hoa: “Việc gì mình phải nói cho tụi nó biết chứ?”. Nghe vậy, người đàn ông đi ra ngoài.
Chúng tôi nói cho L.F biết có sự chênh lệch giá khai báo và giá ký hợp đồng. Tuy nhiên cô ta vẫn nói cứng: “Tôi không thể tiết lộ chuyện này được”.
Dù biết trước không thể có chuyện doanh nghiệp Singapore mua cát của doanh nghiệp Việt Nam với giá 1 USD/m3, nhưng chúng tôi vẫn thấy bất ngờ trước lời thừa nhận của L.F về bản hợp đồng ký tháng 7-2014 với Công ty Đức Long.
Bởi lẽ giá khai báo hải quan của Công ty Đức Long chỉ có 1,3 USD/m3, nhưng giá ghi trong hợp đồng lên tới 4,6 USD/m3.
Đối chiếu với hồ sơ chứng cứ chúng tôi nắm được, trong năm 2015 Công ty Đức Long xuất khẩu hai tàu cát cho Công ty Hua Kai với khối lượng đúng như L.F nói.
Tàu thứ nhất làm thủ tục hải quan vào ngày 3-4-2015, khối lượng 28.052m3; tàu thứ hai xuất ngày 23-6-2015, khối lượng 17.728m3. Cả hai tàu này Công ty Đức Long khai báo giá xuất khẩu với Chi cục Hải quan Phú Quốc là… 1,3 USD/m3, thấp hơn giá ghi trong hợp đồng tới 3,3 USD/m3.
Từ năm 2016 đến tháng 2-2017 Công ty Đức Long khai báo giá xuất khẩu cát cho Công ty Hua Kai là 1,2 USD/m3.
Ngày 27-2, chúng tôi liên hệ với Công ty Đức Long đặt lịch hẹn với lãnh đạo để trao đổi về việc này. Ông Thắng (kế toán trưởng) nói sẽ báo lãnh đạo trả lời nhưng cho đến nay Công ty Đức Long không có phản hồi.

PV Tuổi Trẻ tìm được văn phòng công ty Singapore Hua Kai Engineering trong một chung cư cũ – Ảnh: Vân Trường
Địa chỉ ảo
Chúng tôi tìm đến văn phòng hai công ty Ky Tuong Singapore và Seahawk Resources tại Singapore.
Theo hồ sơ, Công ty Kiến Hoàng khai báo giá cát bán cho Công ty Ky Tuong Singapore chỉ có 0,8 USD/m3, còn Công ty Linh Thành Quảng Bình bán cho Công ty Seahawk Resources giá 1 USD/m3.
Văn phòng Công ty Ky Tuong Singapore được đăng ký tại tòa nhà Paya Lebar Square ở số 60 đường Paya Lebar. Còn văn phòng Công ty Seahawk Resources tại tòa nhà International Plaza ở số 10 đường Anson.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến hai địa chỉ này thì phát hiện không có thật. Đó chỉ là địa chỉ văn phòng ảo, không có nhân viên nào của hai công ty này làm việc ở đây. Đây là văn phòng của các công ty khác.
Né tránh nhà báo Việt Nam
Công ty Santarli Constructions – đối tác nhập khẩu cát của Công ty Quốc Bảo – có trụ sở trong Khu công nghiệp Yishun.
Khi biết chúng tôi là nhà báo từ Việt Nam đến xin gặp lãnh đạo công ty hỏi về nhập khẩu cát, cô nhân viên tiếp tân gọi điện cho ai đó, nói bằng tiếng Hoa: “Có mấy nhà báo từ Việt Nam sang đang muốn tìm hiểu về chuyện nhập khẩu cát. Chị muốn gặp không?… Họ đang đứng đây… Trả lời sao?… Chị không muốn gặp à?… Vậy nói chị ra ngoài nhé!”.
Sau đó cô tiếp tân nói với chúng tôi bằng tiếng Anh: “Người phụ trách nhập khẩu cát đã đi ra công trường. Họ không rảnh để gặp các anh”.
Tương tự, ông Jimmy (giám đốc Công ty TNS Resources) cũng từ chối tiết lộ thông tin hợp đồng mua cát với Công ty Sài Gòn – Hà Nội.
(Theo Tuổi Trẻ)





Papua New Guinea phạt tù 50 ngư dân Việt

Những vụ bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển của các nước nam Thái Bình Dương đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Truyền thông Papua New Guinea cho biết một tòa án cấp quốc gia của nước này đã tuyên án 50 ngư dân Việt Nam mỗi người bốn năm tù giam và lao động khổ sai vì đánh bắt hải sâm trái phép trong lãnh hải của quốc gia ở tây nam Thái Bình Dương này.
Bản tin của đài truyền hình EMTV cho hay Thẩm phán Tòa án Địa hạt, John Kaumi, đưa ra phán quyết này sáng ngày 3 tháng 3 (giờ địa phương) với một thông điệp cứng rắn rằng bản án phải là lời cảnh cáo đối với những ngư dân đánh bắt trái phép khác từ Châu Á.
Tường trình của cơ quan thông tấn này cho biết ba thuyền trưởng của những tàu cá đánh cá bất hợp pháp bị kết án bốn năm tù giam hoặc phải nộp một khoản án phí lên đến gần 16.000 đôla Mỹ cho mỗi tội danh mà họ bị kết tội.
47 thành viên đoàn đánh bắt cũng bị kết án bốn năm tù cho một tội danh đánh bắt trái phép hải sâm theo Luật Quản lý Ngư nghiệp Quốc gia năm 1998 của Papua New Guinea.
Cả 50 người đều xuất hiện trước Thẩm phán Kaumi với những cáo buộc riêng, bản tin của EMTV cho biết.
"Nếu người Papua New Guinea còn không được đụng tới hải sâm trong vùng biển của chính mình, thì những người này là ai mà ngang nhiên đến lấy hải sâm," ông Kaumi được dẫn lời nói.
Ông giải thích thêm cho 50 ngư dân này rằng họ không thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác ngoài họ về việc họ bị kết án tù, theo EMTV.
50 ngư dân Việt Nam này bị bắt vào ngày 22 tháng 12 năm 2016, cách thủ phủ Alotau của tỉnh Milne Bay khoảng 200 hải lý
Họ được đưa đến thủ đô Port Moresby và lần đầu tiên được nhắc tới vào ngày 23 tháng 1 năm 2017.
Tất cả họ được nói là đã nhận tội trước những cáo buộc và đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt.
EMTV nói đây là vụ đánh bắt trái phép lớn nhất từ trước tới giờ mà Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia của Papua New Guinea từng truy tố.
Chưa rõ Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng gì về diễn biến này.
Năm 2015, 15 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bị Papua New Guinea bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép. Họ được đưa về nước vào tháng 3 năm 2016.
Những vụ bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển của các nước nam Thái Bình Dương đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc cho biết 161 ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép đã bị bắt giữ ở vùng biển đông bắc của Úc kể từ ngày 1 tháng 3, 2016.