Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Chiều nay 7-3, Chính phủ họp bàn xử lý nạn 'cát tặc'; Tìm sự thật các hợp đồng nhập khẩu cát ở Singapore

Phạm Viết Đào: MỘT NGUỒN TIN GIẤU TÊN CHO BLOG PHẠM VIẾT ĐÀO BIẾT:( ĐỀ NGHỊ CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG KIỂM CHỨNG): TRUNG QUỐC MUA CÁT VIỆT NAM ĐỂ BỒI ĐẮP CÁC ĐẢO Ở TRƯỜNG SA ? 

Bổ sung: Thông tin một số đầu nậu lén lút bán cát cho TQ blog P.V.Đ đã được cung cấp cách đây gần 1 năm; Blog P.V.Đ đã "rỉ tai" với 1 CCB hàm cấp tướng từng là 1 quan chức của BQP; Ông này đã lặng thinh và sau đó không gặp lại được ông này nữa, có vẻ ông né...Vì thế nên P.V.Đ không dám đưa lên blog !

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải khởi tố một số vụ cát tặc!

07/03/2017 18:26 GMT+7
TTO -  "Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê tội phạm” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói trong cuộc họp về “cát tặc” với các bộ, ngành, địa phương chiều 7-3.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải khởi tố một số vụ cát tặc!
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công cát tặc - Ảnh: LÊ KIÊN
Có dấu hiệu bảo kê cho vi phạm, tội phạm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định cát sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, cần nhiều năm để tái tạo.
Với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác nhu xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân sinh sống xung quanh, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, gây bức xúc dư luận...
Phó thủ tướng cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.
“Nguyên nhân khách quan là địa bàn khai thác cát trái phép trải rộng, kéo dài qua nhiều tỉnh, thành, số đối tượng khai thác cát trái phép nhiều, sống ven sông, thông thạo sông nước, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đổi hình thức, quy luật hoạt động và có tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch đối phó, né tránh khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý” - Phó thủ tướng nêu.
Ông cho biết thêm: “Thời gian bơm hút cát diễn ra nhanh trong khoảng 30-60 phút, được trang bị máy móc hiện đại, công suất lớn, thường diễn ra ban đêm tại các địa bàn giáp ranh, các đối tượng vi phạm thường xây dựng hệ thống “chân rết” rộng đẻ cảnh báo, theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng nên việc tổ chức bắt giữ, xử lý gặp nhiều khó khăn”.
Về nguyên nhân chủ quan, phó thủ tướng cho rằng “một số nơi cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Việc xử lý vi phạm thiếu nhất quán, chưa đủ tính răn đe đối tượng vi phạm”.
“Chúng ta cũng phải thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm. Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này” - ông Trương Hòa Bình nói.
Phải khởi tố hình sự các vụ trọng điểm
Trước sự bức xúc của nhân dân và các hệ lụy do nạn khai thác cát trái phép gây ra, phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm lớn để ngăn chặn, đẩy lùi.
“Bộ Công an trước mắt mở đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc từ 15-3 đến 1-6-2017. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Phải chỉ đạo lập chuyên án, làm rõ đường dây khai thác cái trái phép” - phó thủ tướng yêu cầu.
Ông cũng lưu ý “Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an đề xuất chế tài cần thiết, đủ sức răn đe các hành vi khai thác cát trái phép. Chế tài xử lý phải xử lý, tránh để đối tượng kiện ngược lại lực lượng chức năng. Bắt tàu cát khai thác trái phép thì tàu đó là phương tiện phạm pháp cần phải xử lý, chứ không thể để tình trạng họ đánh chìm tàu rồi quay lại kiện ngược cơ quan chức năng. Kiến nghị TAND tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được”.
Vẫn theo phó thủ tướng Trương Hòa Bình, cần xác định rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền trong quản lý địa bàn, đấu tranh với nạn khai thác cát sỏi trái phép. Nơi nào để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó.
Với các xã giáp ranh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cho rằng có cả sự vi phạm của các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác chứ không chỉ là vi phạm của cát tặc.
“Ví dụ như cấp phép cho ông nạo vét có 5m, nhưng ông nạo vét tới 15m, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, xói lở, đời sống người dân” - ông Vương nêu ví dụ.
Ông Vương cũng “đồng tình với ý kiến các địa phương là truy tố một vụ hình sự là rất khó khăn. Hà Nội năm ngoái chúng tôi phối hợp mãi mới bắt được vụ vi phạm các quy định về tài nguyên, môi trường. Phối hợp để bắt một vụ trên sông là không dễ, vừa phải chống tội phạm vừa phải đảm bảo an toàn”. 
LÊ KIÊN

07/03/2017 12:56 GMT+7

TTO - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc đến loạt bài “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” trên báo Tuổi Trẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm sáng nay 7-3.
Chiều nay 7-3, Chính phủ họp bàn xử lý nạn 'cát tặc'
Chiều nay phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý nạn khai thác cát trái phép - ảnh: Lê Kiên
Chiều nay, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng sẽ chủ trì cuộc họp riêng về tình hình khai thác cát trái phép. Tuổi Trẻ sẽ thông tin kịp thời đến bạn đọc.
“Gần đây nổi lên sự phức tạp của các loại vi phạm mà báo chí gọi là “tặc” như lâm tặc, cát tặc… Báo Tuổi Trẻ vừa có loạt phóng sự nhiều kỳ về đường đi của cát".
"Bơm hút, khai thác một hồi rồi chở đi lòng vòng đến đâu không rõ, có cả xuất khẩu ra nước ngoài. Quản lý tài nguyên ở đây như thế nào?” - phó thủ tướng nói.
Trong buổi sáng, trình bày báo cáo tại cuộc họp, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết: năm 2016 xảy ra hơn 54.000 vụ phạm pháp hình sự (giảm hơn 4% so với năm trước), nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn.
Nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận.
Tội phạm ma túy cũng gia tăng, tiếp tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Tội phạm, vi phạm về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Đặc biệt, năm 2016 liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên biển, song, kênh rạch; nổi cộm nhất là việc xả thải, xử lý chất thải công nghiệp ra biển gây hậu quả nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền Trung.
Vẫn theo tướng Tuyến, năm 2016 đã điều tra, phám phá hơn 42.500 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hơn 80.200 đối tượng; phát hiện hơn 16.800 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham nhũng; xử lý hơn 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; đấu tranh triệt phá hơn 18.700 vụ, gần 29.000 đối tượng phạm tội về ma túy…
Đề cập đến những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu ở một số nơi còn chưa thực sự quan tâm lĩnh vực này.
Ông phê bình: “ngay tại cuộc họp này, nhiều lãnh đạo địa phương vắng mặt, giao khoán cho cấp sở ngồi dự”.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Nơi nào để các băng nhóm xã hội đen lộng hành thì người đứng đầu các địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Việc truy nã tội phạm phải kiên quyết, kể cả các đối tượng đang trốn tránh ở trong nước cũng như trốn tránh ra nước ngoài”. 
Đề nghị kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan cung cấp thông tin kịp thời, đặc biệt là các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng cho báo chí.
Ông Bảo đề cập đến tình trạng là báo chí chính thống không được cung cấp thông tin kịp thời, trong khi dư luận xã hội, trên mạng internet thì lại đồn thổi rất nhiều.
Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, báo chí không đề cập kịp thời vì không có thông tin chính thống, nhưng trên mạng xã hội xôn xao. 

LÊ KIÊN

(Xã hội) - Ngày 20-2 tại Singapore, chúng tôi tìm đến văn phòng Công ty Singapore Hua Kai Engineering (sau đây gọi tắt là Hua Kai) ở tầng 4 của một chung cư cũ trên đường Balestier.

Cô L.F
Cô L.F xem bản hợp đồng mua bán cát giữa Công ty Đức Long và Công ty Hua Kai do PV Tuổi Trẻ đưa – Ảnh: V.TRƯỜNG
Công ty này ký hợp đồng mua cát của Công ty Đức Long (trụ sở ở Bà Rịa – Vũng Tàu) khai thác tại Phú Quốc từ năm 2014 đến nay. Hai tháng đầu năm 2017, trong số gần 1 triệu m3 cát từ Việt Nam lên tàu về Singapore thì khối lượng của Công ty Hua Kai chiếm tới 2/3.
Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tên L.F., tự nhận là người điều hành của công ty này.
Với lý do hải quan Việt Nam nghi ngờ giá xuất khẩu cát mà Công ty Đức Long khai báo khi bán cho Công ty Hua Kai, nên chúng tôi muốn tìm hiểu sự thật, L.F nhanh chóng từ chối: “Việc này các anh phải hỏi cơ quan chức năng Việt Nam. Tôi không thể tiết lộ được”.
Sau một hồi thuyết phục không được, chúng tôi đưa ra bản hợp đồng gốc bằng tiếng Anh của hai công ty ký ngày 30-7-2014.
Theo đó, tại mục 1.1 có tiêu đề “Giá cát” ở trang 2 ghi rõ: Công ty Đức Long đồng ý bán và Công ty Hua Kai đồng ý mua cát biển với giá 4,6 USD/m3 FOB (nghĩa là Công ty Đức Long giao cát lên tàu tại cảng xếp hàng là ở Phú Quốc).
L.F cầm bản hợp đồng liếc nhanh hết 8 trang liền hỏi: “Làm sao các anh có được hợp đồng này?”.
“Việc đó không quan trọng. Xin hỏi đây có đúng là hợp đồng của Công ty Hua Kai và Đức Long không?” – chúng tôi hỏi.
“Đúng. Chính tôi ký hợp đồng này. Nhưng chúng tôi chỉ nhập hai tàu của hợp đồng này rồi ngưng. Tàu đầu thì đầy, nhưng tàu thứ hai chỉ được nửa tàu do Đức Long không đủ năng lực giao hàng. Năm 2016 chúng tôi đã ký hợp đồng mới rồi” – L.F nói.
“Hợp đồng này Công ty Hua Kai mua của Công ty Đức Long giá 4,6 USD/m3. Còn hợp đồng mới giá bao nhiêu?” – chúng tôi truy tiếp. L.F lắc đầu: “Không. Tôi không thể tiết lộ giá được!”.
Trong khi đó, người đàn ông ngồi bên cạnh L.F hỏi: “Đây là vấn đề nhạy cảm. Nếu chúng tôi tiết lộ thông tin thì liệu các anh có giữ bí mật được không?”. Chúng tôi gật đầu: “Đương nhiên rồi”.
Nhưng L.F tỏ ra khó chịu và nói với người đàn ông này bằng tiếng Hoa: “Việc gì mình phải nói cho tụi nó biết chứ?”. Nghe vậy, người đàn ông đi ra ngoài.
Chúng tôi nói cho L.F biết có sự chênh lệch giá khai báo và giá ký hợp đồng. Tuy nhiên cô ta vẫn nói cứng: “Tôi không thể tiết lộ chuyện này được”.
Dù biết trước không thể có chuyện doanh nghiệp Singapore mua cát của doanh nghiệp Việt Nam với giá 1 USD/m3, nhưng chúng tôi vẫn thấy bất ngờ trước lời thừa nhận của L.F về bản hợp đồng ký tháng 7-2014 với Công ty Đức Long.
Bởi lẽ giá khai báo hải quan của Công ty Đức Long chỉ có 1,3 USD/m3, nhưng giá ghi trong hợp đồng lên tới 4,6 USD/m3.
Đối chiếu với hồ sơ chứng cứ chúng tôi nắm được, trong năm 2015 Công ty Đức Long xuất khẩu hai tàu cát cho Công ty Hua Kai với khối lượng đúng như L.F nói.
Tàu thứ nhất làm thủ tục hải quan vào ngày 3-4-2015, khối lượng 28.052m3; tàu thứ hai xuất ngày 23-6-2015, khối lượng 17.728m3. Cả hai tàu này Công ty Đức Long khai báo giá xuất khẩu với Chi cục Hải quan Phú Quốc là… 1,3 USD/m3, thấp hơn giá ghi trong hợp đồng tới 3,3 USD/m3.
Từ năm 2016 đến tháng 2-2017 Công ty Đức Long khai báo giá xuất khẩu cát cho Công ty Hua Kai là 1,2 USD/m3.
Ngày 27-2, chúng tôi liên hệ với Công ty Đức Long đặt lịch hẹn với lãnh đạo để trao đổi về việc này. Ông Thắng (kế toán trưởng) nói sẽ báo lãnh đạo trả lời nhưng cho đến nay Công ty Đức Long không có phản hồi.

PV Tuổi Trẻ tìm được văn phòng công ty Singapore Hua Kai Engineering trong một chung cư cũ – Ảnh: Vân Trường
Địa chỉ ảo
Chúng tôi tìm đến văn phòng hai công ty Ky Tuong Singapore và Seahawk Resources tại Singapore.
Theo hồ sơ, Công ty Kiến Hoàng khai báo giá cát bán cho Công ty Ky Tuong Singapore chỉ có 0,8 USD/m3, còn Công ty Linh Thành Quảng Bình bán cho Công ty Seahawk Resources giá 1 USD/m3.
Văn phòng Công ty Ky Tuong Singapore được đăng ký tại tòa nhà Paya Lebar Square ở số 60 đường Paya Lebar. Còn văn phòng Công ty Seahawk Resources tại tòa nhà International Plaza ở số 10 đường Anson.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến hai địa chỉ này thì phát hiện không có thật. Đó chỉ là địa chỉ văn phòng ảo, không có nhân viên nào của hai công ty này làm việc ở đây. Đây là văn phòng của các công ty khác.
Né tránh nhà báo Việt Nam
Công ty Santarli Constructions – đối tác nhập khẩu cát của Công ty Quốc Bảo – có trụ sở trong Khu công nghiệp Yishun.
Khi biết chúng tôi là nhà báo từ Việt Nam đến xin gặp lãnh đạo công ty hỏi về nhập khẩu cát, cô nhân viên tiếp tân gọi điện cho ai đó, nói bằng tiếng Hoa: “Có mấy nhà báo từ Việt Nam sang đang muốn tìm hiểu về chuyện nhập khẩu cát. Chị muốn gặp không?… Họ đang đứng đây… Trả lời sao?… Chị không muốn gặp à?… Vậy nói chị ra ngoài nhé!”.
Sau đó cô tiếp tân nói với chúng tôi bằng tiếng Anh: “Người phụ trách nhập khẩu cát đã đi ra công trường. Họ không rảnh để gặp các anh”.
Tương tự, ông Jimmy (giám đốc Công ty TNS Resources) cũng từ chối tiết lộ thông tin hợp đồng mua cát với Công ty Sài Gòn – Hà Nội.
(Theo Tuổi Trẻ)





Không có nhận xét nào: