Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Quan chức sứ quán Bắc Hàn ở VN làm gì?

Các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Bắc Hàn ở Hà Nội có nhiệm vụ phải kiếm tiền nộp về cho Bình Nhưỡng, theo lời cựu bí thư thứ hai Han Jin-Myung nói với trang NK News.

Ông Han Jin-Myung nói chuyện với phóng viên Seoyeon Kim từ trang NK News
Ông Han Jin-Myung nói chuyện với phóng viên Seoyeon Kim từ trang NK News
Đây là trang tin chuyên về Bắc Triều Tiên, đặt tại Hoa Kỳ.

Đào thoát từ Việt Nam sang Seoul năm 2015 sau một vụ chia tiền khiến ông bị vào sổ đen, Han Jin-Myung kể lại quá trình chọn vào ngành ngoại giao và cơ chế chỉ đạo của bộ máy Đảng, chính quyền Triều Tiên.

Theo ông Han Jin-Myung, các sứ quán của Bắc Hàn ở nước ngoài không chỉ lo việc ngoại giao mà còn có nhiệm vụ kiếm ngoại tệ.

Với họ thì "kiếm tiền là cơ hội cho bản thân và gia đình", ông cho biết.

Buôn thuốc và xe cộ

Theo ông Han Jin-Myung, lương bí thư thứ hai tại Đại sứ quán ở Hà Nội chỉ là 400 USD một tháng, và ông không được đưa vợ con sang.

Thậm chí khoản tiền tiết kiệm được sau khi chi tiêu còn không đủ để đóng vào 'quỹ trung thành với Đảng', theo yêu cầu của tổ chức ở quê nhà.

Vì thế, công việc của các nhà ngoại giao là buôn bán hàng hóa miễn làm sao không vi phạm cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Dược phẩm, xe cộ thuộc loại hàng miễn thuế đều được họ buôn bán.

Sang đóng ở Việt Nam là một ưu tiên vì "các nước Đông Nam Á luật lệ thường không khắt khe".

Chuyện ông được sang Việt Nam "khiến các bạn của tôi ở Lào phải ghen tỵ".

Sau sáu năm ở Hà Nội, Han Jin-Myung gặp vấn đề.

Sự thù địch giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn cao
Sự thù địch giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn cao
Sau khi bán chiếc xe mà chính phủ Việt Nam cấp cho ngoài chợ xe cũ, ông phải nộp về Bình Nhưỡng 80% giá trị.

Nhưng các cán bộ khác trong Đại sứ quán muốn ông chia với họ 20% tiền còn lại và ông đã từ chối.

Hậu quả là họ nộp đơn về nước tố cáo ông và tên ông Han Jin-Myung bị đưa vào sổ đen của Bộ Công an Triều Tiên.

"Số phận tôi sẽ là mất chức và có thể sẽ bị giết. Gia đình cũng bị hành hạ."

Ông nhanh chóng ra quyết định đào tẩu:

"Trong vòng hai ngày, tôi quyết định sẽ bỏ chạy vì biết chính quyền sẽ hành xử tàn bạo ra sao."

Sau khi tránh được họ, tôi đã sang Đại sứ quán Hàn Quốc, cách đó chỉ 10 phút đi ô-tô và đẩy cửa bước vào
Han Jin-Myung

Ông bỏ trốn khỏi Đại sứ quán nhưng bị công an Việt Nam cùng an ninh Sứ quán Bắc Hàn truy tìm.

"Sau khi tránh được họ, tôi đã sang Đại sứ quán Hàn Quốc, cách đó chỉ 10 phút đi ô-tô và đẩy cửa bước vào."

"Thật may mắn là họ đã mở cửa và đón chào tôi."

Ông ẩn trốn trong đó một tháng rồi bay sang Nam Hàn cùng một nhóm nhà ngoại giao Hàn Quốc.

Hiện vợ, con trai và con gái ông vẫn kẹt ở Bắc Triều Tiên và ông lo sợ họ đã bị đầy ải.

Thae Yong-ho, cựu Phó đại sứ Bắc Hàn chạy khỏi Sứ quán ở London cho Han Jin-Myung hay rằng điều đó đã xảy ra với vợ con ông.

"Tôi chỉ mong họ có đủ ngô để ăn," Han Jin-Myung cho NK News hay.

Mất hết tất cả

Nhưng cuộc sống của ông Han Jin-Myung tại Hàn Quốc là tình cảnh 'xấu hổ, mất tự tin".

Ông từng là quan chức cấp bộ, và có nhiều đặc quyền đặc lợi.

Báo chí Hàn Quốc luôn chú ý đến các nhóm đào thoát từ miền Bắc và được cho đến định cư ở Miền Nam
Báo chí Hàn Quốc luôn chú ý đến các nhóm đào thoát từ miền Bắc và được cho đến định cư ở Miền Nam
Khi còn ở Bắc Hàn, ông nói ông có thể "dùng thẻ công vụ ngưng bất cứ chiếc xe nào trên đường để đi mà công an không dám làm gì".

Bộ Ngoại giao, như ông mô tả, có uy thế tới mức các quan chức Đảng Lao động Triều Tiên không thể tự ý bước vào cổng.

Nhưng sang Nam Hàn, cuộc sống của ông cùng lắm là đạt mức thuộc nhóm trung lưu thấp.

"Tôi cảm thấy xấu hổ, mất tự tin vào khả năng của mình. Tôi thấy mình mất tất cả những gì tôi có cho tới nay."

Nói chuyện với phóng viên Seoyeon Kim từ trang NK News, ông nói ông tính chuyện đi sang một xứ khác sống.

Quan lộ cán bộ ngoại giao Bắc Hàn

Nhân viên ngoại giao được chọn từ năm 11 tuổi để học và luyện ngoại ngữ. Han Jin-Mying được giao vào chuyên ngành tiếng Pháp.

Sau đó, những cán bộ 'ưu tú' phải vào quân đội để rèn luyện.

Han Jin-Myung cũng vào lính 11 năm, nhiều hơn nghĩa vụ thông thường một năm, và đến năm 28 tuổi mới được vào đại học.

Nghĩa vụ quân sự ở Bắc Triều Tiên kéo dài 11 năm
Nghĩa vụ quân sự ở Bắc Triều Tiên kéo dài 11 năm
Chỉ có hai trường đại học được đào tạo nhân viên ngoại giao là Trường Đại học Ngoại ngữ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và Trường Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng.

Ông Han chọn trường Kim Nhật Thành, nơi nhiều cán bộ cao cấp của Bắc Hàn học tập.

Sau đó ông vào làm cho Bộ Ngoại giao ở Bình Nhưỡng sáu năm. Công việc đầu tiên của ông là chuyên trách Guinea Xích đạo, một trong tám nước châu Phi mà Bắc Triều Tiên có đại diện ngoại giao.

Xin mời quý vị xem Video : Bất ngờ chấn động: Tòa Án Malayxia lúng túng vì nghi can Đoàn Thị Hương có thể vô tội?

                

Tại Bình Nhưỡng, ông cũng tham gia theo dõi hoạt động của 53 sứ quán Bắc Hàn ở nước ngoài, đồng thời liên lạc với các quan chức, bí thư của các sứ quán đó.

Việt Nam là nước nhiệm kỳ đầu tiên mà ông được cử đi. Theo Han Jin-Myung, một đại sứ quán Bắc Triều Tiên thường có ba nhiệm vụ chính.

Trước hết là quảng bá cho chính thể Bình Nhưỡng, thông qua các hoạt động như triển lãm tranh ảnh, phim tuyên truyền...

Các nhân viên ngoại giao cũng cần đọc báo, xem các kênh truyền thông khác nhau của nước sở tại để nắm tình hình địa phương nhằm báo cáo về nước.

Sứ quán cũng có nhiệm vụ theo dõi người của nước mình sang làm việc.

(BBC)

Không có nhận xét nào: