Các ông trùm chiến lược, chiến lược gia và chính khách cỡ bự của chủ nghĩa tư bản đều vỗ tay ăn mừng rằng đây là hồi chuông báo tử, rằng xã hội chủ nghĩa sẽ diệt vong vào cuối thế kỷ 20. Ta nhận định hoàn toàn ngược lại. Sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới là một tổn thất lớn, nhưng đó là tạm thời chứ không phải tất yếu, tin rằng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sẽ giữ vững trận địa, các đảng cộng sản và công nhân sẽ khôi phục hoạt động trong điều kiện mới và xu thế xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục đi lên dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ảnh minh họa/TTXVN 
Câu trả lời bước đầu đã có vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Chủ nghĩa xã hội không hề diệt vong. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại không những giữ vững trận địa mà còn định hướng vững vàng cho sự phát triển tiến lên. Từ vùng Trung-Nam Mỹ đã phát sinh phong trào xã hội chủ nghĩa kiểu Mỹ La-tinh, khởi đầu từ Vê-nê-du-ê-la rồi lan ra một số nước khác, nay tuy đang gặp nhiều khó khăn và có bước thụt lùi. Chủ nghĩa tư bản thế giới không thể chứng minh được rằng nó là lực lượng thống trị toàn cầu và xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài người. Ngay giữa lúc thế giới tư bản chủ nghĩa huênh hoang về sức sống dài lâu của nó cũng lâm vào khủng hoảng cục bộ, rồi đến khủng hoảng toàn diện hơn, kể từ năm 2008 đến nay, vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau đều tham gia “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế”, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau.
Điểm qua như thế để thấy rõ rằng, gần 30 năm qua, xung quanh vấn đề trên theo hay không theo chủ nghĩa xã hội, diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội ở nước ta cũng không thuần nhất mà khá phức tạp.
Để góp phần phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gần đây, ban tổ chức một hội thảo có đề nghị tôi viết tham luận nội dung “phê phán quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Tôi nghĩ, quan điểm sai trái này không phải bây giờ mới có mà đã có từ lâu, từ sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhưng từ đó đến nay, những kẻ chống đối không còn nói nhẹ nhàng như thế, họ thẳng thừng nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa…”. Và đến thời điểm chúng ta đang tiến hành “phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, có người mang danh đảng viên còn ngạo mạn nói rằng, trong lựa chọn đường lối, Đảng ta đã sai lầm không chỉ từ Hội nghị thành lập Đảng (1930) mà là từ Hội nghị Tua (1921). Ý tứ phía sau là gì, chắc mọi người chúng ta đều biết.
Quan điểm cho rằng “chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” là sai lầm. Sai lầm ít nhất là ở mấy điểm sau đây:
Về sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu
1. Sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài người, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
2. Chế độ Xô-viết ngay từ lúc mới ra đời ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười (1917) và sau này trên toàn Liên bang Xô-viết, đã tỏ rõ được tính ưu việt so với các chế độ chính trị-xã hội trước đó. Chính quyền Xô-viết thực sự là chính quyền của công, nông, binh và của nhân dân lao động nói chung. Nhờ tính ưu việt đó, nó đã đánh thắng cuộc chiến tranh can thiệp của các nước đế quốc sau Cách mạng Tháng Mười, lập lại hòa bình và xây dựng chế độ mới, thực hiện công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp thành công, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức-Nhật, dẫn tới sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đạt được những thành công lớn, khiến cho Đảng và Nhà nước Xô-viết ngộ nhận là chủ nghĩa xã hội đã xây dựng xong và chủ trương Liên Xô bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Sự thật thì cũng thời gian đó, nhiều nhược điểm và khuyết tật trong nội bộ Nhà nước Xô-viết cũng đã bắt đầu hé lộ, nhất là khi so sánh với những bước phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa thời đó. Nếu vì sự sụp đổ sau này mà phủ nhận sạch trơn những gì chế độ Xô-viết đã giành được là một sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
3. Sau khi phát hiện sự chậm trễ của mình, Liên Xô đề ra chính sách cải tổ; các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đề ra cải cách. Cải tổ và cải cách nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế và thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi hơn. Sai lầm của Liên Xô và các nước Đông Âu lúc đó là đã sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn đến hỗn loạn xã hội, khiến cho ở Đông Âu, chính quyền bị các thế lực thù địch cướp lấy, còn Liên Xô thì chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, cuối cùng, chính quyền cũng lọt vào tay nhóm chống đối trong Bộ Chính trị, những kẻ chống chính quyền Xô-viết từ rất sớm. Không thấy nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ là ở đây mà coi sự sụp đổ là tất yếu của chính quyền Xô-viết cũng là sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
4. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên (tuy chưa hết), còn có một nguyên nhân trực tiếp khác nữa là âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đế quốc chủ nghĩa. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Trong khi lãnh đạo Liên Xô chủ trương thi đua hòa bình thì chúng một mặt đẩy mạnh chạy đua vũ trang, mặt khác đề ra chiến lược “diễn biến hòa bình” để xóa bỏ chủ nghĩa xã hội mà không cần chiến tranh và súng đạn. Liên Xô và nhiều nước khác đã sa vào cái bẫy này mà không tự giác phát hiện.
Về sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
5. Đúng là ngay từ ngày mới thành lập, Đảng ta đã đề ra chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”. Như cách nói ngày nay, đó là làm cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được đề ra xuất phát từ thực tế tình hình nước ta lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, cũng xuất phát từ xu thế phát triển có tính quy luật của thời đại mới sau Cách mạng Tháng Mười là tiến lên chủ nghĩa xã hội. 87 năm qua, những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó?
6. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam học tập kinh nghiệm của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đi trước nhưng hoàn toàn không có sự sao chép. Mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải là mô hình Xô-viết của Liên Xô bởi sự khác biệt cơ bản là ở chỗ một bên là từ cơ sở của chế độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên. Bác Hồ từng nói, Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta được tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chủ nghĩa xã hội đối với Bác như ngày nay chúng ta vẫn nói, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhầm lẫn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với mô hình Xô-viết là một sự sai lầm lớn.
7. Vào những năm Liên Xô và Đông Âu tiến hành cải tổ và cải cách, Việt Nam cũng đề ra đường lối đổi mới. Những nhân tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện từ những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng đổi mới toàn diện, trở thành đường lối chính thức của Đảng ta vào cuối năm 1986, theo nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đổi mới của chúng ta không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu. Đảng ta đã nêu rõ 6 nguyên tắc của đổi mới, trong đó vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta cũng bác bỏ quan điểm cho rằng “đổi mới là nửa vời, không nhất quán”. Sự thật là đổi mới của chúng ta qua 30 năm đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý.
8. Tổng kết 30 năm đổi mới cho thấy: Nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2011 chỉ rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Cương lĩnh nêu lên 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…
Thử hỏi con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội xán lạn như vậy tại sao ta phải từ bỏ chỉ vì mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ?
Trong khi nêu lên 8 sai lầm như trên, tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?
HÀ ĐĂNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương


Huỳnh Ngọc Chênh


Nhân chuyện anh Đinh La Thăng bị đảng anh trừng trị, kể chuyện nầy nghe chơi.
Các năm 2007, 2008, dồn dập các đoàn cao cấp VN qua thăm hữu nghị Venezuela, phần vì tình đồng chí XHCN, phần vì mỏ dầu bên ấy rất hấp dẫn. Đoàn anh Triết vừa đi về là đoàn anh Mạnh lên đường.
Năm ấy có một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn, bạn tui, tháp tùng theo đoàn anh Mạnh để tìm cơ hội đầu tư, khi trở về kể chuyện về chuyến đi rất là bi hài.
Đoàn anh Mạnh hùng hậu lắm, có gần cả trăm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đi theo, đáp xuống sân bay Caracas vào buổi chiều tối, không kịp về khách sạn vì phải chạy luôn hàng chục cây số đến địa điểm tiếp đón và họp mặt vào lúc 8 giờ tối. Nghe nói phái đoàn của Tổng thống Hugo Chavez đang chờ ở đó.
Nhưng khi đến nơi thì chẳng có Hugo Chavez nào. Đoàn VN được thông báo chờ đến 9 giờ vì Tổng thống đang bận. Chờ đến 9 giờ thì TT vẫn chưa đến, lại nghe hẹn đến 10 giờ. Và phải chờ đến hơn 10 giờ tối thì Tổng thống chủ nhà mới xuất hiện.
Lúc đó đoàn VN từ trên xuống dưới đói đến rã ruột vì chỉ ăn trưa trên máy bay, còn buổi tối, nghĩ rằng sau họp mặt sẽ có chiêu đãi của chủ nhà nên chẳng có kế hoạch lo ăn uống gì.
Thế nhưng oái ăm thay, đón tiếp lễ lạc long trọng xong, anh Hugo dông mất, chẳng mời mọc chiêu đãi gì. Đoàn VN có cả anh Mạnh, rã rượi lê từng bước ra xe để chạy vội về khách sạn.
Suốt trên đường từ chỗ hội nghị về khách sạn mấy chục cây số chẳng hề có một quán ăn nào để dừng xe xuống mua tạm chút ăn.
Về đến KS thì đã quá khuya, lại không đặt ăn trước cho đoàn đến mấy trăm người nên cũng chẳng còn gì nhiều để ăn. Các doanh nghiệp phải ưu tiên nhường cái ăn lại cho các quan chức cao cấp, đi ra ngoài tự tìm cái ăn.
Anh bạn doanh nghiệp của tui nói lúc ấy tìm ra 1 ổ bánh mì giá lên đến 100$ cũng dành nhau mua vì đói đến ngất xỉu rồi.
Đoàn VN khi ấy bất mãn lắm nhưng vì tình đồng chí hữu nghị và vì muốn kiếm một lô dầu nên phải dặn nhau cố nhịn nhục.
Ngoài lô dầu chua loét cho PVN ra, các doanh nghiệp khác được trãi thảm đỏ đến đầu tư tại vùng miền núi hoang vu cách xa thủ đô lắm lắm, chỉ đến được bằng trực thăng vì chưa có đường bộ dẫn đến. Đó là quê hương của bác Hugo.
Dĩ nhiên các doanh nghiệp VN ừ è ký ghi nhớ cho xong chuyện rồi ù té một đi không trở lại.
Riêng anh Thăng PVN được ôm lô dầu (hay bị buộc phải ôm thì chưa biết). Gần 2 tỉ đô la đổ vào đó mất tiêu rồi.
Chừ nghe anh Thăng bị trừng trị vì nhiều thua lỗ mất mát, nhưng riêng khoản mất ở Venezuela thì phải lôi anh Triết và anh Mạnh ra trị nữa mới công bằng chứ hè.
H.N.C.

‘Nền kinh tế thị trường Việt Nam là nền kinh tế méo mó, lệch lạc’

‘Nền kinh tế thị trường Việt Nam là nền kinh tế méo mó, lệch lạc’
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

(VNF) - Không tồn tại thị trường đất đai, đầy rẫy các rào cản gia nhập, bất bình đẳng trong phân phối nguồn lực, ứng xử phi thị trường… là những biểu hiện của sự méo mó, lệch lạc của nền kinh tế Việt Nam được TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra.

Một nền kinh tế thị trường méo mó
Phát biểu tại Hội thảo “xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra hàng loạt các bất cập của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo ông Cung, thị trường nhân tố hiện nay rất méo mó. Gần như không tồn tại thị trường đất đai, tài nguyên mà tất cả đều áp dụng cơ chế xin cho, chia chác.
Các thị trường khác thì đầy rẫy rào cản gia nhập. Tuy đã có rà soát, loại bỏ nhưng mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ, vẫn còn tồn tại rất nhiều quy định không công bằng, tạo lợi thế độc quyền cho một số nhóm.
Những hạn chế về quy mô trở nên hết sức phổ biến, như kinh doanh vận tải phải có ít nhất 20 ô tô, kinh doanh gas phải có 100 nghìn bình… Đó là hạn chế cực kì phi lí trong gia nhập thị trường, tạo ra sự bất bình đẳng trong nền kinh tế và là rào cản rất lớn đối với chính sách cạnh tranh.
Thêm vào đó, sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra tình trạng cạnh tranh không công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, gây nên các ứng xử phi thị trường.
Điều này dẫn đến những tín hiệu thị trường lệch lạc, tạo ra những động lực hết sức méo mó trong phân phối nguồn lực, từ đó làm cho việc sử dụng trở nên kém hiệu quả.
Ngoài ra, dưới sự chi phối của các nhóm lợi ích, hàng loạt chính sách bị bóp méo, không tuân theo các quy luật chung, càng đẩy nền kinh tế đi vào khó khăn.
Đụng chạm đến ý thức hệ cũng phải cải cách
Lý giải về hiện trạng trên, TS Cung cho rằng đó là "do chúng ta vừa thích vừa sợ thị trường". “Đó là một bi kịch. Vì thế, các cải cách trước nay của chúng ta luôn lưỡng lự, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường”.
Có thể thấy điều đó trong tổ chức bộ máy nhà nước không phù hợp về chức năng, không tương thích về nhiệm vụ. Bộ máy ấy cản trở kinh tế thị trường, bảo vệ cho các lợi ích nhóm.
“Kinh tế thị trường có thể đụng chạm đến các thứ mang tính ý thức hệ như sở hữu công về đất đai, tài nguyên... Nhưng cải cách lần này không thể không nói đến thị trường đất đai, thị trường quyền sử dụng đất, vai trò của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Không thể muốn tiến đến kinh tế thị trường mà kinh tế nhà nước vẫn chiếm phần lớn. Không thể có kinh tế thị trường với đa số sở hữu công. Kinh tế thị trường phải là một nền kinh tế có chế độ sở hữu tư nhân là chủ yếu”, ông Cung nhấn mạnh.
Phải làm đồng bộ
Theo ông Cung, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường. Để làm được điều đó phải thay đổi tư duy, phải coi thị trường, coi cạnh tranh là cốt lõi trong việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Vai trò của nhà nước phải chuyển sang khía cạnh bổ sung chứ không phải kiểm soát thị trường; không phải là người sở hữu, người cung ứng mà là người kiến tạo, người thúc đẩy.
Ông Cung cho rằng, ưu tiên hàng đầu là giảm rào cản gia nhập thị trường (các điều kiện kinh doanh, giấy phép con…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi chung một cách bình đẳng.
Thứ hai là giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống, vì nếu quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc phân bố nguồn lực. Nhà nước không nên can thiệp vào mà phải để thị trường phải đóng vai trò quyết định trong phân phối đất đai, vốn, tài nguyên.
Thứ ba là tạo thị trường về quyền sử dụng đất, để thúc đẩy quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất. Khi thúc đẩy được tích tụ ruộng đất theo thị trường thì sẽ bớt được xin cho, bớt được bất công, mâu thuẫn và san sẻ lợi ích cho các bên có liên quan. Và cũng khi đó mới thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cùng nhiều thứ khác nữa.
Tuy nhiên, người đứng đầu CIEM nhấn mạnh cần phải làm đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, như vậy mới tạo được sự bổ trợ và tránh khỏi tình trạng giằng xé lẫn nhau.
“Cải cách là một quá trình liên tục, nó có những thời điểm cụ thể đột phá, rồi sau đó sẽ tạo được đà và cứ thế phát triển. Việt Nam đang rất cần một cuộc cải cách có quy mô lớn, cường độ mạnh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong quản trị quốc gia của Nhà nước”, ông nói
XUÂN HẢI