Trung Quốc từng ép Mỹ cách chức chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương
Đô đốc Harry Harris phát biểu trước Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện, ngày 26/04/2017.Reuters
Bắc Kinh mặc cả với Washington : Thay thế tướng Harry Harris để đổi lấy việc Bắc Kinh tăng sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một nguồn tin nắm rõ quan hệ Mỹ-Trung tiết lộ vụ việc này ngày 06/05/2017, một tháng sau cuộc hội kiến Donald Trump - Tập Cận Bình.
Hãng tin Nhật Kyodo, trích nguồn tin ẩn danh, cho biết chính quyền Bắc Kinh, thông qua đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã đưa ra yêu cầu cách chức đô đốc Harry Harris, nổi tiếng « cứng rắn » với Trung Quốc, trong đó có các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Đặc phái viên Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã chuyển yêu cầu đến phía Mỹ, trùng thời điểm cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Donald Trump tại Florida ngày 06/04. Dường như chính quyền Mỹ đã bác bỏ yêu cầu trên.
Vẫn theo nguồn tin, ông Thôi Thiên Khải còn yêu cầu chính quyền Trump ngừng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Về điểm này, Hoa Kỳ chấp thuận để tranh thủ sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris, sinh tại Nhật Bản và lớn lên ở Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trong vùng. Tháng 04/2017, ông là người ra lệnh chuyển hướng tầu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm thị uy với chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn tên lửa hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Đô đốc Harris cũng là người thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh kịch liệt phản đối và cho rằng dự án quốc phòng Hàn-Mỹ có thể phá hoại lợi ích an ninh và cân bằng chiến lược trong vùng của Trung Quốc.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng kêu gọi tiếp tục các chiến dịch vì « tự do hàng hải »của Mỹ tại vùng Biển Đông có tranh chấp. Đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau của các nước trong vùng, cũng như việc quân sự hóa một số tiền đồn là nguồn gốc dẫn đến căng thẳng tại Biển Đông.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thống lĩnh toàn bộ lực lượng ba binh chủng hải-lục-không quân Mỹ trên toàn khu vực bao gồm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Hải Quân Mỹ bác tin « đánh đổi » Biển Đông với Trung Quốc
Một vùng đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp từ máy bay tuần thám Mỹ P-8A, do Hải quân Mỹ cung cấp 21/5/2015.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters
Cách nhau một ngày, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương và đại sứ Mỹ tại Philippines tuyên bố không có chuyện « giảm hoạt động tại Biển Đông để được Trung Quốc hợp tác trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên ».
Theo nhật báo Inquire của Philippines, vào chủ nhật 07/05/2017, đích thân ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Manila tuyên bố không có chuyện tổng thống Trump nhắm mắt làm ngơ : lập trường cơ bản của chính phủ Hoa Kỳ tại Biển Đông không thay đổi. Mỹ tiếp tục bảo tự do hàng hải tại Biển Đông vì quyền lợi của Mỹ và của cộng đồng quốc tế.
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, cũng khẳng định « chính sách Biển Đông không thay đổi và cần phải giải quyết theo quy định của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển UNCLOS », khi được hỏi phải chăng tổng thống Donald Trump đánh đổi Biển Đông để làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.
Trong tuần qua, New York Times và CNN cho rằng chiến thuyền của Mỹ, từ ba tháng nay không tuần tra tại Biển Đông và tổng thống Trump không cho hạm đội tuần tra dưới 12 hải lý, sát các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, là để làm hài lòng Bắc Kinh. Tổng thống Trump cố gắng đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trên hồ sơ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đe dọa an ninh Hoa Kỳ.
Đang viếng thăm Ấn Độ để thắt chặt hợp tác hải quân Mỹ-Ấn, đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (hạm đội 7 và hạm đội 3) cũng phủ nhận tin cho là hải quân Mỹ được lệnh « án binh bất động » ở Biển Đông. Ông lên án chính sách dùng vũ lực và áp đặt bằng sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông. Chiến lược « một con đường, một vành đai »của Bắc Kinh, theo đô đốc Scott Swift, đang gây lo ngại cho khu vực. Hải Quân Hoa Kỳ và Ấn Độ đang tìm cách tăng cường hợp tác song phương để đề phòng cũng như chuẩn bị một cuốc « tập trận khổng lồ », phong tỏa tàu ngầm, vào tháng 07. Các thông tin này được báo Ấn Độ loan tải hôm thứ bảy 06/05/2017.
Cho dù Mỹ có giảm hoạt động ở Biển Đông hay không, Philippines vẫn tiếp tục bảo vệ Pag-asa, đảo lớn nhất mà quân đội Philiipines kiểm soát trong quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delphin Lorenzana nhận định như trên và « hy vọng quyền tự do lưu thông vẫn được duy trì » khi trả lời câu hỏi của báo chí về tin đồn Donald Trump giảm sự hiện diện của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét