Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Thủ tướng Việt Nam đi Mỹ : Biển Đông sẽ là một chủ đề bàn luận; Ông Phúc đi Mỹ: Sẽ đạt lợi ích chính trị, kinh tế hay ngoại giao?




Trọng Nghĩa


mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và phu nhân tới Manila, Philippines, dự thượng đỉnh ASEAN, ngày 28/04/2017.Mohd RASFAN / AFP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội hôm nay, 29/05/2017 để bay sang Mỹ, bắt đầu chuyến công du tại Hoa Kỳ, mà đỉnh điểm sẽ là cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington hôm 31/05. Theo nhiều nhà phân tích, hai hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự sẽ là Biển Đông và thương mại song phương.
Theo chương trình dự kiến, điểm dừng đầu tiên của thủ tướng Việt Nam là New York, nơi ông sẽ tiếp xúc với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Yếu tố quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ là cuộc hội đàm giữa ông Nguyễn Xuân Phúc với tân tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/05 tại Nhà Trắng. Thủ tướng Phúc sẽ là lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam tiếp xúc với tân tổng thống Mỹ từ ngày ông Trump nhậm chức.
Theo báo chí Việt Nam, trích nguồn tin bộ Ngoại Giao, hai lãnh đạo dự kiến sẽ hội đàm trong 90 phút về quan hệ song phương và hợp tác khu vực. Hai bên sẽ có họp báo chung sau cuộc gặp.
Trước ngày thủ tướng Việt Nam lên đường, các nhà quan sát cho rằng hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump sẽ bàn luận về vấn đề thương mại song phương, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ nhập siêu mà ông Trump không tán đồng, và hồ sơ Biển Đông, với mong muốn của Việt Nam là Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.
Hồ sơ này đã lại thu hút sự quan tâm trong những ngày gần đây, với sự kiện lần đầu tiên từ ngày ông Trump nhậm chức, Mỹ đã phái chiến hạm đi sát Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, và việc Hoa Kỳ bàn giao cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra mới và một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton đã qua sử dụng.
Trong một bài phân tích dài công bố hôm 27/05/2017 trên tạp chí Mỹ The National Interest, giáo sư Alexandre Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương đã ghi nhận tuyên bố hôm 20/05 vừa qua của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer là ông rất muốn Hoa Kỳ « tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực ». Đối với giáo sư Vuving, cách nay chỉ 5 năm thôi, một số lãnh đạo Việt Nam chỉ dám nghĩ như vậy, chứ không thể tuyên bố công khai như vậy.

Ông Phúc đi Mỹ: Sẽ đạt lợi ích chính trị, kinh tế hay ngoại giao?

  • 29 tháng 5 2017


phúcBản quyền hình ảnhCHINHPHU.VN
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "có thể không mang đến một kết quả kinh tế hay chính trị gì đáng kể".
Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 29 tới 31/5, dự kiến ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng, dự tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, phát biểu tại Quỹ Di sản, tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Hôm 29/5, Tiến sĩ Lê Vĩnh Triển từ Đại học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh nói với BBC: "Tôi nghĩ chuyến thăm Mỹ của ông Phúc có ý nghĩa về mặt ngoại giao, có thể tạo cho ông ấy một dấu ấn trong quan hệ quốc tế chứ có thể không mang đến một kết quả kinh tế hay chính trị gì đáng kể."
"Tuy nhiên có chút thú vị vì hai ông Trump và Phúc đều có vẻ thực dụng."



"Ông Trump thì chú trọng vấn đề nước Mỹ được gì về mặt kinh tế là chủ yếu, còn ông Phúc thì có vẻ cũng không đặt nặng đến các vấn đề khác ngoài tăng trưởng kinh tế."
Trước khi có chuyến đi chính thức tới Hoa Kỳ, Thủ tướng Phúc trong cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 27/5 nói rằng ông tin tưởng mức tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mục tiêu 6,7% mà chính phủ đề ra, trong lúc đảm bảo giữ lạm phát ở mức 4%. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là mức tăng trưởng "rất khó đạt được".
"Trong bối cảnh nước Mỹ của ông Trump chủ trương bảo hộ mậu dịch thì bài toán kinh tế đặt ra cho Thủ tướng Phúc không phải đơn giản," Tiến sỹ Lê Vĩnh Triển nhận xét.
"Làm sao để Mỹ mở cửa thị trường cho xuất khẩu Việt Nam, làm sao hấp dẫn đầu tư Mỹ vào Việt Nam, thậm chí việc khuyến khích đầu tư Việt Nam tại Mỹ cũng không dễ vì Mỹ đang muốn chính các công ty Mỹ tạo công ăn việc làm trên đất Mỹ."
"Như vậy, nếu Thủ tướng Phúc làm được ít nhiều những việc này thì đã thành công."


mỹBản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
Image captionTư lệnh Cảnh sát biển VN, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm (trái) và Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock tại lễ bàn giao tàu tuần duyên cho VN hôm 25/5

'Tính hình thức'

"Vì thế có thể chuyến thăm sẽ không có kết quả gì đáng kể về mặt kinh tế."
"Thay vào đó là những nhắc nhở từ phía Mỹ về mặt nhân quyền dân chủ, kêu gọi cải cách chính trị trong bối cảnh chính quyền Trump cũng không thực sự quan tâm lắm về vấn đề đó."
Ông Triển cho biết thêm: "Chưa bao giờ Mỹ ở vị thế mà tiếng nói kêu gọi tôn trọng các giá trị dân chủ nhân quyền, cải cách chính trị lại có thể mang tính hình thức như lúc này."
"Tuy vậy điều này lại có cái hay là làm Việt Nam tự nhận thấy rõ hơn đây là vấn đề của chính mình nếu muốn không lệ thuộc ngày càng quá mức vào Trung Quốc, một quốc gia bất chấp các giá trị phổ quát và thực dụng xem ra còn hơn Mỹ rất nhiều."
"Tình hình Việt Nam đang rất bi đát về hướng cải cách thể chế và bảo vệ môi trường, và những việc này không cho thấy là kết quả trực tiếp từ điều hành của cá nhân ông Phúc."
"Cho nên, nếu không chỉ quan tâm đến hình thức của chuyến đi, ông Phúc có thể nhấn mạnh mong muốn Mỹ trợ giúp giải quyết những vấn đề này."
"Nếu đạt được một cam kết nào đó về việc này, chuyến đi có thể xem như thành công."
Theo Giáo sư Jonathan London, Đại học Leiden, Hà Lan, thì thách thức lớn với chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc là tìm ra hướng để "đôi bên cùng có lợi".
"Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng trong giao thương của Việt Nam với Hoa Kỳ," ông London viết trong bàiđăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến Lược, CSIS.
"Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Hoa Kỳ hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ (không bao gồm dịch vụ) giữa hai nước đã đạt 50 tỷ đôla mỗi năm, và được dự báo ​​sẽ tăng lên 80 tỷ đôla trước năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam."
Cũng liên quan đến chuyến đi Mỹ của ông Phúc, tờ South China Morning Post hôm 29/5 cho hay giới quan sát nhận định, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đang lặng lẽ rút khỏi Biển Đông, về cơ bản cho phép Trung Quốc có thể tăng bá quyền tại khu vực này.
"Việc Mỹ thoái lui, gây bất lợi cho các quốc gia như Việt Nam, là một củ cà rốt lớn để đổi lại sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong vấn đề Bắc Hàn, điều mà Trump cần và sẵn sàng thỏa hiệp," báo này viết.

Những kỳ vọng từ chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc

  • 4 giờ trước
Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 30-31 tháng Năm diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang trong xáo trộn chính trị chưa từng thấy kể từ thời Nixon và trong những giai đoạn cuối cùng của Cuộc chiến Việt Nam cho tới nay.
Trong bốn thập kỷ tiếp theo, nhiều điều đã thay đổi tại Việt Nam và trong quan hệ Mỹ-Việt, nhất là trong thời gian hai thập kỷ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và đặc biệt là trong vài năm vừa qua.
Tầm quan trọng của mối quan hệ này càng có ý nghĩa nổi bật trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở Biển Đông.
Quan hệ giữa hai nước cải thiện đến mức tới cuối năm 2016, ta có thể nói một cách tự tin rằng trong các vấn đề về thương mại và an ninh, Việt Nam và Mỹ đã coi nhau là đối tác chiến lược không thể thiếu.
Thế rồi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra. Cũng giống như phần lớn các chính sách đối ngoại của Mỹ, mọi thứ ngày nay trở nên bất định hơn.
Chuyến đi của thủ tướng Việt Nam có tầm quan trọng to lớn. Nó không chỉ đem đến những dự báo cho sự phát triển quan hệ song phương Mỹ - Việt và viễn cảnh phát triển của Việt Nam, mà còn cho chúng ta biết về ý định của Tòa Bạch ốc, hiện đang trong tình trạng rối ren, đối với vùng Đông Á.
Trong bối cảnh đời sống chính trị Việt Nam, tầm quan trọng của chuyến đi này nằm ở chỗ nó đại diện cho những nỗ lực khó khăn của phe cải cách trong Đảng cộng sản đương quyền, là phe muốn xích lại gần Mỹ hơn. Sẽ là khôn ngoan nếu như chính quyền Mỹ nhận biết được thực tế này.
Dẫu cho chỉ Việt Nam mới quyết định được con đường chính trị của mình, nhưng việc hợp tác với Hà Nội một cách xây dựng sẽ tạo ra lợi ích cho tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ, đem lại lợi ích cho người Việt Nam.
Chuyến đi của thủ tướng Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tới ba vấn đề lớn.

Vấn đề thương mại

Đầu tiên là chủ đề thương mại.
Trong vấn đề này, thách thức đặt ra là phải tìm được con đường dẫn đến các giải pháp hai bên cùng có lợi.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng như của nhiều nước khác. Điều nổi bật là mức tăng trưởng nhanh trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.
Ngày nay, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào khác.
Tính đến cuối 2016, hoạt động thương mại trong lĩnh vực hàng hóa (không bao gồm dịch vụ) giữa hai nước đạt 50 tỷ USD mỗi năm, và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2020.
Đáng chú ý là xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Như phân tích gia mang quốc tịch Mỹ Vũ Quang Việt chỉ ra, thặng dư xuất khẩu thực sự của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đang được phóng đại ở các con số này.
Lý do đơn giản nhưng quan trọng là một phần lớn (dù chưa được xác định chính xác là bao nhiêu) của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ và các thị trường khác là các mặt hàng như điện thoại di động Samsung và linh kiện máy tính Intel.
Công đoạn sản xuất ở Việt Nam chỉ đóng góp thêm từ 5% đến 8 % vào giá trị thành phẩm của các sản phẩm này.
Năm 2016, báo cáo về các số liệu hải quan cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại di động trị giá 42 tỷ USD và linh kiện máy tính trị giá 19 tỷ USD. Cho dù như vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam vẫn là một con số đáng chú ý đối với chính quyền Mỹ.
Nếu nhìn từ khuynh hướng nhìn nhận của ông Trump đối với các vấn đề thương mại, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Việt Nam muốn xoáy vào vấn đề này.
Câu trả lời đòi hỏi có cách nhìn bao quát hơn, và đòi hỏi phải nhìn nhận rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có lý do để mở rộng và đa dạng hóa quan hệ thương mại.
Dẫu ta có thể bàn cãi về giá trị của Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, chính phủ Việt Nam mong muốn có thắt chặt mối quan hệ kinh tế với Mỹ và nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng mong muốn điều đó.
Chi phí tương đối thấp và các yếu tố khác ở Việt Nam làm nước này là một nơi đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đối với Việt Nam, đầu tư Mỹ hứa hẹn đẩy mạnh việc làm, cơ sở hạ tầng và tăng trưởng.
Trong trường hợp đạt được kết quả tốt nhất, quan hệ kinh tế mở rộng với Mỹ có thể giúp Việt Nam tránh trở thành một nước xuất khẩu chi phí thấp, ô nhiễm cao và lạm dụng lao động như nhiều nước khác.
Liệu chuyến đi của ông Phúc có giúp ta biết được thêm về ý định của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Á?Bản quyền hình ảnhMOHD RASFAN/AFP/GETTY IMAGE
Image captionLiệu chuyến đi của ông Phúc có giúp ta biết được thêm về ý định của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Á?
Liệu Washington có làm lợi cho Việt Nam qua việc khuyến khích nước này đi đúng hướng bằng cách khuyến khích Hà Nội bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy chạy than để ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ ít gây ô nhiễm hơn, dựa vào kỹ thuật, nguồn đầu tư và công nghệ Mỹ? Hay thậm chí có thể là sử dụng trữ lượng khí đốt ngoài khơi?

Chủ đề an ninh

Vấn đề thứ hai nhưng cũng không kém quan trọng là an ninh, và đặc biệt là việc Việt Nam sẽ cùng Mỹ và các quốc gia khác phối hợp ra sao để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa một môi trường an ninh hàng hải Đông Á tuân theo luật pháp quốc tế.
Trong lĩnh vực này, sự hợp tác giữa hai nước đang tiếp tục, mà biểu tượng là việc Mỹ mới đây trao cho Việt Nam các tàu tuần duyên. Những nỗ lực này cần được tiếp tục duy trì.
Cho dù Tổng thống Donald Trump tỏ ra lạc quan về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng những dấu hiệu gần đây từ Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc muốn đạt được những mục tiêu đối lập với lợi ích của Mỹ.
Chính phủ Việt Nam đã khẳng định một cách đúng đắn rằng hòa bình chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp hòa bình và hợp pháp.
Lời phát biểu của ông Tập với Tổng thống Phillippines Rodrigo Duterte rằng dầu trong khu vực là "của chúng tôi" nói lên rất nhiều điều.
Mỹ, Việt Nam và các bên có quyền lợi liên quan cần thuyết phục Bắc Kinh có cách tiếp cận hợp lý hơn.
Điều đáng chú ý là lợi ích an ninh của Việt Nam gần với Mỹ nhất trong các nước. Ông Trump thì có vẻ thích các hợp đồng mua bán vũ khí, cho nên có lẽ hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực này.
Cảnh sát biển Việt NamBản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
Image captionCảnh sát biển Việt Nam vừ tiếp nhận từ Hoa Kỳ tàu tuần duyên CSB 8020

Vai trò và vị trí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ đề cuối cùng, không rõ ràng bằng và vì thế cũng dễ bị phớt lờ trong chuyến đi Mỹ của thủ tướng Việt Nam, cũng cần được nhắc đến.
Đó là vị trí không chắc chân cho lắm của ông Phúc trong sự phát triển chính trị và kinh tế của Việt Nam, và việc liệu ông Phúc trở thành một lực lượng quan trọng hùng mạnh tới mức nào trong sự phát triển của đất nước.
Trong những năm qua, tốc độ cải cách kinh tế ở Việt Nam đã chậm lại.
Đây không chỉ là hậu quả của việc phe thủ cựu thường giữ thái độ im lặng, mà còn cả vì sự lên ngôi tai hại cùng những hành động sai trái của một tầng lớp chính trị mới, được cho là ưu tú ở Việt Nam, những người luôn rao giảng về việc cần cải cách và thậm chí cần có cả dân chủ nữa, nhưng thật ra lại cai trị dựa trên các mối quan hệ thân hữu, những thói quen làm ăn yếu kém, vô trách nhiệm, và dựa vào việc đàn áp người khác.
Với những người có tinh thần cải cách thực sự thì tình trạng này đã dẫn đến kết cục thua thiệt cho tất cả các bên, điều vốn từng làm cả xã hội kiệt quệ và chán nản.
Trong bối cảnh này, những người thực sự muốn cải cách ở Việt Nam gần như bị áp đảo hoàn toàn. Những lời kêu gọi cải cách chính trị của một số đảng viên có vai vế trong Đảng Cộng sản vốn từng có sức mạnh nhất định thi trong vài năm qua đã bị cản trở.
Bất kể đó là do trùng hợp ngẫu nhiên hay là điều được tính toán lên kế hoạch cẩn thận, thì thực tế vẫn là chuyện sau khi chính phủ ông Trump tuyên bố không ưu tiên các vấn đề nhân quyền, một số nhà hoạt động nhân quyền đã bị quấy nhiễu và giam giữ ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcBản quyền hình ảnhLUONG THAI LINH/AFP/GETTY IMAGES
Trong lúc những người bảo vệ lý tưởng Cộng sản gần đây kêu gọi tăng đối thoại với những người bất đồng chính kiến, thì bầu không khí ngột ngạt của chủ nghĩa bảo thủ đang thắng thế.
Điều này, theo nhận định của hầu hết những người quan sát, là tin xấu cho việc cải cách chính trị tới đây của Việt Nam. Trong bối cảnh này, ta có thể đặt câu hỏi chuyến đi Washington của Thủ tướng Phúc sẽ thu được gì.
Khi vị thủ tướng gặp ông Trump, ông sẽ chính thức có lời mời ông Trump tới thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị APEC vào tháng 11 tới đây. Hội nghị sẽ diễn ra ở Đà Nẵng, rất gần quê hương của ông Phúc, và cũng là nơi hải quân Mỹ lần đầu đặt chân đến Việt Nam hồi 52 năm trước.
Dù không có tính cách hấp dẫn nổi bật, nhưng ông thủ tướng vẫn là một thành phần hiếm hoi trong giới chính trị gia cao cấp đương thời ở Việt Nam.
Không có những phút tỏa sáng đột ngột và tỏ ra yếu ớt một cách đáng tiếc khi nói về việc cổ súy nhân quyền, nhưng ít nhất thì ông cũng là người có những ý tưởng cải cách thực sự.
Quan trọng hơn nữa, ông là người sẽ lắng nghe xem ông Trump nói gì trong các vấn đề then chốt mà Việt Nam quan tâm, và sẽ báo cáo lại những gì mình nghe được cho tập thể ban lãnh đạo của Việt Nam.
Bởi vậy, người ta có thể hy vọng rằng Tòa Bạch ốc, Quốc hội, và các nhà lãnh đạo khác của Hoa Kỳ sẽ nói chuyện một cách rõ ràng, sốt sắng, và tỏ rõ cam kết của họ đối với việc xây dựng những mối quan hệ song phương tích cực, mạnh mẽ.
Chỉ có người Việt mới quyết định được tương lai của mình. Và khi các công dân Việt Nam bày tỏ những hy vọng và lo lắng về tương lai đất nước, thì mối quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ nằm ngoài những cuộc thảo luận.
Khi các công dân Việt Nam bày tỏ khát vọng về một nền chính trị đa cực hơn, dân chủ hơn, về một nền báo chí tự do hơn, và về việc quyền con người được tôn trọng hơn, họ từ lâu nay vẫn luôn nhìn về nước Mỹ để tìm phương hướng.
Khi những nhà hoạch định chính sách và giới lãnh đạo kinh doanh của Việt Nam tìm kiếm ý tưởng, họ thường dựa vào những kinh nghiệm Mỹ.
Khi các tầng lớp chuyên gia ngày càng đông của Việt Nam nghiên cứu những hướng đi trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và khoa học, họ học hỏi từ những thành công và thất bại của Hoa Kỳ.
Nhìn vượt ra ngoài khuôn khổ chính trị, chúng ta thấy rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được lợi rất nhiều khi có mối quan hệ gắn bó.
Trong các lĩnh vực thương mại và quốc phòng, lợi ích hai nước đi cùng nhau.
Vượt ra ngoài khuôn khổ đó, người Việt Nam cả ở trong và ngoài hệ thống chính trị nhà nước đều khát khao có một trật tự xã hội dân chủ hơn, minh bạch hơn, và được xây dựng dựa trên quyền con người.
Bất chấp những động thái của Trump, những điều này đã và đang là các lý tưởng Mỹ
Cuối cùng thì nhân dân Mỹ và người dân Việt Nam đã có thứ để nỗ lực cùng nhau.
Vì lợi ích của một mối quan hệ mạnh mẽ, đem lại quyền lợi cho nhân dân cả hai nước, hãy hy vọng là họ sẽ thành công.
Tiến sỹ Jonathan D. London hiện là giảng viên ngành Kinh tế Chính trị Toàn cầu, chuyên về khu vực châu Á, tại Đại học Leiden University, Hà Lan. Ông là học giả hàng đầu, chuyên nghiên cứu về Việt Nam đương đại. Bài viết tiếng Anh đã đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến Lược, CSIS, được dịch và đăng trên trang BBC Tiếng Việt với sự đồng ý của tác giả.

Cuốn tiểu thuyết vĩ đại về Chiến tranh Việt Nam không được viết bởi người Mỹ


Print Friendly
Nguồn: Viet Thanh Nguyen, “The Great Vietnam War Novel Was Not Written by an American,” The New York Times, 02/05/2017.
Biên dịch: Phan Thiên Lý | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Năm 1967, Le Ly Hayslip, khi đó  tên Phùng Thị Lệ Lý, còn là một thiếu nữ sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Là một cô gái nông thôn đã sống sót qua chiến tranh và nạn cưỡng hiếp ở làng quê của mình, bà chuyển tới Đà Nẵng để trốn chạy sự áp bức của cả phía Cộng sản lẫn phía người Việt chống Cộng. Năm 1972, bà kết hôn với một người Mỹ và chuyển tới Hoa Kỳ, và năm 1989 bà xuất bản cuốn tự truyện chấn động về tình trạng bị mắc kẹt giữa hai phía, When Heaven and Earth Changed Places (“Khi đất trời đảo lộn”). Tới năm 2017, đây có lẽ vẫn là cuốn tự sự ngôi thứ nhất duy nhất bằng tiếng Anh về trải nghiệm của những người dân quê Việt Nam mắc kẹt giữa hai chiến tuyến trong Chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc đời và tác phẩm của mình, bà Hayslip là hiện thân cho định nghĩa rộng của tôi về ý nghĩa của việc là người Việt Nam, một bản sắc bao trùm cả những người Việt ở Việt Nam lẫn ở hải ngoại, cũng như cả những người viết bằng tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác, mà trong trường hợp này là tiếng Anh.
Tôi tình cờ đọc cuốn sách của bà hồi còn là sinh viên trường Berkeley đầu những năm 1990. Cuốn sách khiến tôi vô cùng xúc động, không chỉ bởi đây là một cuốn hồi ký đầy lôi cuốn, mà còn bởi nó là một trong số ít sách của tác giả người Việt viết bằng tiếng Anh. (Bà viết cuốn sách cùng với Jay Wurts.) Khi tìm kiếm lịch sử của chính mình, một người Việt tị nạn được đưa tới Mỹ bởi một cuộc chiến của Mỹ ngay tại quê hương mình, tôi không tìm thấy nhiều thông tin bằng tiếng Anh, dù là bản gốc hay bản dịch. Số lượng tràn ngập các tác phẩm ở Mỹ về cuộc chiến ấy đều là do người Mỹ viết, và không ngạc nhiên khi chúng đều viết về người Mỹ.
Có một vài ngoại lệ. Trần Văn Dĩnh là một cựu viên chức ngoại giao của miền Nam, Việt Nam Cộng hòa, người ở lại Mỹ và viết hai cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam, No Passenger on the River (“Sông không lữ khách,” 1965) và Blue Dragon, White Tiger (“Lam long, bạch hổ,” 1983). Là một đứa trẻ biết nhận thức sớm và đọc mọi thứ có thể về cuộc chiến, tôi gặp cuốn thứ hai trong thư viện cộng đồng ở quê nhà San Jose, California, và cảm thấy bối rối trước sự dị thường của cuốn sách. Từ khi đó tôi đã biết thật hiếm mà tìm thấy được các cây bút Việt Nam ở Hoa Kỳ nói về cuộc chiến này, hay nghe thấy tiếng nói của người Việt trong dòng chính ở Mỹ.
Đắm chìm trong các câu chuyện, cảm xúc, và ký ức của cộng đồng tị nạn người Việt nơi tôi lớn lên, tôi đã quyết tâm kể lại một vài câu chuyện, bởi tôi biết người Mỹ nhìn chung biết rất ít về những câu chuyện này. Chỉ có một nhóm nhỏ người Mỹ tin rằng việc hiểu thêm về tiếng nói và trải nghiệm của người Việt là cần thiết và cấp bách, mà nếu không có chúng thì người Mỹ sẽ không bao giờ có hiểu biết trọn vẹn về Chiến tranh Việt Nam. Sự thiếu hiểu biết của người Mỹ về lịch sử, văn hóa, và chính trị Việt Nam đã góp phần kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến và một đất nước mà họ không hiểu. Sự thiếu hiểu biết này có lẽ còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, xét cả về những điều người Mỹ tiếp tục thờ ơ về Việt Nam và những điều người Mỹ từ chối tìm hiểu về Trung Đông. Văn chương đóng vai trò quan trọng như một cách sửa chữa sự thiếu hiểu biết này.
Nghĩ lại về Trần Văn Dĩnh, tôi tự hỏi ông có cô đơn không khi là tiểu thuyết gia người Việt duy nhất ở Mỹ vào thời của ông. Ngày nay chúng ta không thiếu người Mỹ gốc Việt viết bằng tiếng Anh, cũng như các bản dịch tiếng Anh của văn chương tiếng Việt. Nhưng nhận thức về sự tồn tại của nền văn chương này vẫn còn hạn chế. Đối với phần lớn người Mỹ và thế giới, “Việt Nam” có nghĩa là “Chiến tranh Việt Nam,” và Chiến tranh Việt Nam có nghĩa là chiến tranh của Mỹ, với những cuốn tiểu thuyết của đàn ông Mỹ viết về lính Mỹ. Mặc dù trải nghiệm của họ cũng quan trọng, họ khó mà đại diện được cho Chiến tranh Việt Nam, chứ chưa nói đến Việt Nam.
Như nhà văn Lê Thị Diễm Thúy và nhiều người khác đã nhắc đi nhắc lại, Việt Nam là một đất nước, chứ không phải là một cuộc chiến. Chỉ cần đọc tập truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn bậc thầy Nguyễn Huy Thiệp là hiểu được điều này. Các truyện ngắn của ông đã hé lộ những điều phức tạp trong cuộc sống thời hậu chiến ở một đất nước Việt Nam vỡ mộng, vốn đang đấu tranh để tái thiết chính mình và điều hòa giữa một bên là những thói đạo đức giả và thất bại của người Việt Nam cũng như nhà nước Việt Nam, với một bên là những lời ca ngợi thời chiến hào hùng của Đảng Cộng sản. Đồng thời, chiến tranh cũng định hình nên một thế hệ, và những hệ quả của nó lại định hình thế hệ tiếp theo, như bà Thúy đã thể hiện trong cuốn The Gangster We are All Looking For (“Gã du đãng mà chúng ta đều đang tìm kiếm”).
Cuốn tiểu thuyết trữ tình này kể về câu chuyện của một cô gái trẻ tị nạn ở San Diego, người có gia đình phải chịu nỗi ám ảnh bởi chấn thương tâm lý của người cha từng đi lính và cái chết của người anh trai, vốn bị lạc trong chuyến đi tị nạn. Giống như đa số tác phẩm văn chương của người Việt và người Mỹ gốc Việt viết về cuộc chiến, tiểu thuyết của bà cho thấy chiến tranh tác động đến nhiều người hơn chứ không chỉ những người lính hay những người đàn ông. Chiến tranh Việt Nam đã không được chú ý nhiều ở khía cạnh số lượng dân thường bị sát hại nhiều hơn binh lính, và ở khía cạnh hàng triệu người dân bị biến thành người tị nạn mà trải nghiệm của họ còn đau thương hơn nhiều so với nghiệm của nhiều lính Mỹ chưa bao giờ thực sự thấy cảnh chiến trường. Văn chương của người Mỹ gốc Việt buộc độc giả phải thừa nhận rằng định nghĩa hẹp về chiến tranh chỉ phác họa người lính là thiếu chính xác.
Hết lần này đến lần khác, văn chương của người Mỹ gốc Việt cho thấy tác động tổn thương tâm lý của chiến tranh lên dân thường và người tị nạn (như cuốn tiểu thuyết thể loại noir về băng đảng của Vu Tran, Dragonfish (“Cá rồng”); hay tập truyện We Should Never Meet (“Chúng ta không nên gặp nhau”) của Aimee Phan, viết về những đứa trẻ mồ côi người Việt và con lai Mỹ Á; hay cuốn The Lotus and the Storm (“Hoa sen và bão tố”) của Lan Cao, kết nối giữa Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Iraq; hay cuốnWhere the Ashes Are (“Ở nơi tro tàn”) của Nguyen Qui Duc, viết về việc người cha của chính tác giả, một quan chức của chính quyền Nam Việt Nam, bị bỏ tù); sự tái định hình đầy tàn khốc của chiến tranh lên cuộc sống người Việt thời hậu chiến (như hồi ký của Andrew X. Pham về chuyến đạp xe xuyên Việt, Catfish and Mandala (“Cá da trơn và Mạn đà la”); hay tác phẩm châm biếm thô ráp về nạn tham nhũng kinh tế ở Sài Gòn của Linh Dinh, Love Like Hate (“Yêu như ghét”); hay cuốn She Weeps Each Time You’re Born (“Bà khóc mỗi lần bạn sinh ra”) của Quan Barry, viết về tài năng đáng chú ý của một nhà ngoại cảm cảm nhận được nỗi đau của những người sống sót); sự hiện diện ám ảnh của cuộc chiến trong thế hệ thứ hai của những người tha hương (như cuốn hồi ký bằng tranh đầy mạnh mẽ của Thi BuI, The Best We Could Do (“Điều tốt nhất chúng ta làm được”); hay cuốn tiểu thuyết Grass Roof, Tin Roof (“Mái cỏ, mái tôn”) của Dao Strom, viết về một người phụ nữ Việt Nam kết hôn với một người Mỹ và ảnh hưởng của cuộc hôn nhân lên những đứa con của họ; hay cuốn hồi ký của Bich Minh Nguyen về việc lớn lên ở vùng Midwest, Stealing Buddha’s Dinner (“Trộm đồ cúng Phật”); hay cuốn Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (“Những giấc mơ hương: Chiêm niệm về người Việt tha hương”) của Andrew Lam); hay dấu hiệu của cuộc chiến trong quá khứ người Việt (như cuốn The Book of Salt (“Sách muối”) của Monique Truong, viết về đầu bếp người Việt của Gertrude Stein và cuộc gặp của anh ta với Hồ Chí Minh; hay cuốn The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family (“Cây liễu thiêng: Bốn thế hệ trong cuộc sống của một gia đình Việt”) của Duong Van Mai Elliott).
Danh sách vẫn còn dài. Văn chương của người Việt và người Mỹ gốc Việt đang ở ngoài kia chờ đón bất cứ ai biết sử dụng Google. Thế nhưng rất nhiều người ở Mỹ và các nước khác thà không muốn biết đến, hay khi một tác giả người Việt mới được xuất bản, họ sẽ nói “Cuối cùng cũng có một tiếng nói cho người Việt Nam!” Trên thực tế, đã có rất nhiều tiếng nói, vì người Việt thì rất ồn ào. Chỉ là tiếng nói của họ thường không được lắng nghe bởi những người không hiểu người Việt, hay những người chỉ muốn nghĩ đến người Mỹ khi nghe thấy từ “Việt Nam,” hay những người chỉ dành chỗ cho một cuốn sách duy nhất của người Việt trong đề cương khóa học mà họ dạy, như một thực tế trong vô cùng nhiều lớp đại học về Chiến tranh Việt Nam, cho dù cuốn sách đó có đáng đọc như cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Cuốn sách này không chỉ là một tác phẩm kinh điển về chiến tranh của Bắc Việt – nó còn là cuốn tiểu thuyết kinh điển về chiến tranh của bất cứ thời đại nào và ở bất cứ đâu.
Về phần Đảng Cộng sản Việt Nam, họ cũng thà không nghe thấy những tiếng nói nhất định. Ngay cả Bảo Ninh giờ cũng bị bắt im lặng, cũng giống như người đồng hương của ông, Dương Thu Hương, một cựu thanh niên xung phong miền Bắc vỡ mộng bị lưu đày vì những tiểu thuyết chống Cộng gây lo ngại thời hậu chiến, những cuốn như Tiểu thuyết vô đề và Những thiên đường mù. Về phần những tiếng nói người Mỹ gốc Việt, dù đôi khi chúng tôi vẫn được lắng nghe ở đây – và rồi thường bị quên lãng – chúng tôi hiếm khi được lắng nghe ở Việt Nam. Chúng tôi là những kẻ thua cuộc, những kẻ phản bội, những kẻ bất đồng chính kiến, hay chỉ đơn giản là những kẻ ngoài cuộc thấy được cái hư không đằng sau một đảng ca ngợi chủ nghĩa cộng sản trong khi đang điều hành đất nước như một chế độ độc tài tư bản chủ nghĩa.
Giống như Le Ly Hayslip, chúng tôi bị mắc kẹt giữa hai bên, Việt Nam và Mỹ, tiếng Việt và tiếng Anh, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Một tình cảnh khó khăn như vậy lại có ích cho các nhà văn. Sự bất an khiến chúng tôi viết ra những câu chuyện của mình, lặp đi lặp lại, với hy vọng có thể thay đổi những điều mà người ta vẫn nghĩ đến khi nghe thấy hai chữ “Việt Nam.”
Viet Thanh Nguyen là tác giả của cuốn Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War và gần đây nhất là tập truyện ngắn mang tên The Refugees.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/30/tieu-thuyet-chien-tranh-viet-nam-khong-duoc-viet-boi-nguoi-my/#sthash.YtOsr3pp.dpuf

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

MỘT VÀI NÉT ĐÁNG NHỚ CỦA VĂN HỌC ROMANIA

                                            Phạm Viết Đào.
( Bài thuyết trình tại buổi gặp gỡ tại nhà nhà văn Nguyễn Đình Chính )


Hiện tại Romania có khoảng gần 23 triệu dân, có diện tích tự nhiên 238.391 km² so với Việt Nam 331.210 km²…là 2/3 trong khi dân số ¼…
Tên nước Romania nó được ghép bởi 2 đơn nguyên chủng tộc: Roman và Daxia; Chúng ta đã xem Người Daxi nói về nguồn gốc của người Romania và bị đồng hóa về huyết thống bởi đế quốc La Mã tại nên huyết thống, chủng tộc của người Romania hiện tại… Có sự đồng hóa này là do bởi con gái Daxi quá đẹp, quá cuốn hút về sex nên đac cuốn hút các chiến binh La Mã…
Do con gái Romania nổi tiếng về đẹp của châu Âu nên theo  báo chí nước này hiện tại có khoảng 30 % các cô gái làm việc tại các quán đèn đỏ ở Châu Âu là người Romania; giống như “vựa” gái Cần Thơ đang tỏa khắp các thị thành Việt Nam…
Hiện nay, theo báo chí Romania do các sự xuất khẩu  mặt hàng “tươi sống” này mà hàng năm Romania thu về một khoản ngoại tệ 5 % của xấp xỉ 200 tỷ USD GDP là 10 tỷ USD, bằng lượng kiều hồi đổ về Việt Nam…



Do vậy nên nhiều tổ chức xã hội đã gây áp lực lên Quốc hội đề nghị hợp pháp hóa ngành mãi dâm để giữ nguồn, tránh mất máu ngoại tệ. Bởi nếu số tiền thu về được 10 tỷ USD thì chắc chắn các chủ chứa, các đường dây ngầm Tây Âu phải hưởng gấp đôi gấp ba thế; nhưng đề xuất này bị nhà thờ chống đối quyết liệt…
Khác Việt Nam là do các cô gái mang về còn con số trên dưới 10 tỷ của Việt Nam phần lớn do đàn ông mạnh bạo, tức các quan tham chuyển vòng về…Hiện tại Việt kiều ở nước ngoài khoảng 4 triệu người; Khó tin bình quân mỗi người mỗi năm gửi về cho thân nhân số tiền từ 2000-3000 USD ? Số tiền này chỉ có thể bị trà trộn bởi tiền đen, tiền tham nhũng từ các đại dự án đầu tư chuyển ra nước ngoài vòng về…
Viết về kinh tế hiện đại, một tác phẩm kinh tế nổi tiếng người gốc Romania đã đưa ra thuyết “định mệnh địa-kinh tế- chính trị” xuất phát từ thân phận của đất nước Romania: Tại sao các quốc gia thất bại - Daron Acemoglu, James A. Robinson, NXB Trẻ xuất bản 2013
Sử dụng lịch sử Đông-Tây kim-cổ đã diễn ra trên tất cả các châu lục của trái đất này, hai tác giả lập luận rằng những quốc gia thất bại là những đất nước bị cai trị bởi một nhóm quyền thế tập trung, và những nhóm này đã tổ chức xã hội để phục vụ cho quyền lợi riêng của họ trong khi đại đa số quần chúng nhân dân phải trả giá. Thế lực chính trị bị tập trung trong một nhóm nhỏ, được sử dụng để tạo ra tài sản khổng lồ cho những người nắm giữ quyền lực.

Romania nó giống Việt Nam là nó nằm giữa ngã ba đường của các khối quyền lực; dân gian gọi là thế “đầu chày đít thớt” mà có thời Tố Hữu đã có lúc viết bằng những vần thơ tự sướng: Nếu được làm hạt giống để mùa sau; Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa; vui gì hơn làm người lính đi đầu; trong đêm tối tim ta là ngọn lửa…
Do một thời thịnh hành của lối viết tự sướng nên cuối đời Chế Lan Viên đã viết nên những vần thơ sám hối:
- Ai? Tôi!

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng 
Chỉ một đêm, còn sống có 30 
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó? 
Tôi!
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ 
Ca tụng người không tiếc mạng mình 
trong mọi cuộc xung phong. 
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm 
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ…
(Chế Lan Viên)

Romania cùng giống Việt Nam nên chính cái đất nước này đẻ ra cái Truyền thuyết  Dracula-Quý hút máu người, đó là vũ khí tự vệ của kẻ yếu, ác đến tận xương tủy…để bảo vệ sự tồn tại của giồng nòi mình…
Phát biểu tới đây tôi mở ngoặc thêm vì sao tôi lại cứ vật vã với các trận đánh ở Vị Xuyên Hà Giang nhất là về cái trận 12/7/1984 ở 1509; 4 sư đoàn danh tiếng nhất của Việt Nam từng đánh Điện Biên Phủ, từng giải phóng Buôn Ma Thuột, từng xông vào Dinh Độc Lập  thì bị Trung Quốc đánh cho ôm đầu máu mà chạy đó là 312 của Lê Trọng Tấn, 316 của Chu Huy Mân, những viên tướng nam chinh bắc chiến, chinh đông chinh tây như Lê Duy Mật, Hoàng Đan từng nhúng tay vào trận này…
Trận này có những tiểu đoàn bị xóa hết từ lành đạo tiểu đoàn để cấp trung đội như Tiểu đoàn 1 E 876, tiểu đoàn này 1985 chỉ còn sống sót không quá chục chiến sĩ…356 là nhân ra của 316 đánh Điện Biên và Buôn Ma Thuột sau đó đã giải thể…
Quan hệ ngoại giao Romania là nước Đông Âu đầu tiên công nhận Việt Nam sau Liên Xô; và trong chiến tranh chống Mỹ nhiều thanh niên Romania đã viết thư tình nguyện sang Việt Nam chiến đầu nhưng không được ông Phạm Văn Đồng chấp nhận...( Theo hồi ký Romania và Cuộc chiến Việt-Mỹ) của Ủy viên TVBCT Paul Niculescu-Mizil)
Trong chiến tranh Romania là nước ngoài việc giúp máy móc thiết bị nông nghiệp, xe commăng ca vừa đi vừa đẩy; Romania là nước duy nhất trong phe XHCN cho Việt Nam vay 150 triệu USD sau này Việt Nam trả bằng quần áo…
Nhiếu máy bơm của Romania ở vùng Hà Tây hơn 50 năm qua hiện vẫn dùng được. Chế tạo máy của Romania là loại khá và bây giờ làm gia công cho Đức và Italia vì Romania không có thương hiệu…
Trong chiến tranh thì Romnai cấp học bổng cho trên 3000 sinh viên và lưu học sinh sang học và tôi là 1 trogn số 3000 nghìn người hiện nay giữ được sức khỏe như thế này là do nhờ trong cái tuổi ăn,tuổi lơn đã máy mắn được nuôi bằng bánh mỳ Romania, uống sữa và mật ong Romania…
Đó chính là cơ sở định mệnh đã gắn kết cuộc đời tôi với đất nước, con người, văn hóa và văn học Romania; Thế hệ chúng tôi những người từng học ở Romania vẫn thường rưng rưng mỗi khi nhắc về Romania…

Một số nét đáng lưu ý về văn học Romania…

Romnia có 7 kỳ quan được UNESCO công nhận giống Việt Nam; Có 4 danh nhân văn hóa được UNESCO đề nghị kỷ niệm trên phạm vi thế giới; trong đó 3 người gốc Romania nhưng sống và làm việc ở nước ngoài đó là: Kịch tác gia Luca Caragianle ( 1952-1912 ) với vởi kịch Một  đêm giông tố đã công diễn tạ HN; Ông sinh tại Romania nhưng làm việc và chết ở Đức; Constantin Brancusi ( 1876-1957) sinh ra tại Romania nhưng làm việc và mất ở Pháp ông là tác giả của bức tượng gỗ nổi tiếng Tượng đài Vô Tận (Coloana Infinitului). Đây là tượng đài để tượng niệm 2 triệu người Romania ngã xuống trong thế chiến thứ nhất.



Bức tượng gỗ cao 29,35 m làm bằng gỗ sồi sừng sững trong mưa gió không gãy đổ, không mối mọt thể hiện thuyết Luân hồi của nhà Phật được điêu khắc năm 1916 . 
Eugen Ionescu  (1909 – 1994 ) kịch tác gia phi lý là một trong những người sang lập của trào lưu văn học Hiện sinh tại Pháp với cương lĩnh nổi tiếng: Chúa đã chết và đời là phi lý…
Ở Việt Nam nhà văn Nguyễn Đình Chính là tín đồ của dòng văn học hiện sinh phi lý…; Những tiểu thuyết của Nguyễn Đình Chính như Đêm Thánh nhân; Ngày hoàng đạo đều viết theo hơi hướng kịch phi lý của Ionescu…
Người thứ 4 Mihai Eminescu, thi hào dân tộc sinh 1850-1989 để lại 46 tác phẩm, sống tại Romania và chết tại Nhà thương điên theo những tư liệu chính thống. Còn qua khảo cứu của tôi thì ông bị đập chết trong nhà tế bần, giống như trại cai nghiện vì tội bất đồng chính kiến.

Eminescu nổi tiếng bởi 5 trường ca dưới danh nghĩa 5 bức thư mở mà hiện đại gọi là thư ngỏ kiến nghị gửi chính thể chuyên chế. Theo một nhân chứng kể vào một buổi trưa ông không ngủ dạo lang thang và hát vang bài Hỡi người Romania hãy thức tỉnh  („Deşteaptă-te, române! )

nên ông đã bị viên quản giáo cho một viên gạch vào đầu bị tử thương…
Bài Romania hãy thức tỉnh  thơ của  Andrei Mureșanu do Râmnicu Vâlcea phổ nhạc 1848 và được dung làm quốc ca Romania 1990 vì được hạt vang tại Quảng trường thống nhất bởi hàng triệu người dịp tháng 12/1989…

P.V.Đ.



Trump nhượng bộ lớn đối với Trung Quốc?; Tổng thống Donald Trump sẽ ra điều kiện gì với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ?

Ngày 25/5/2017, trong tham luận đọc tại diễn đàn tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, giáo sư David Shambaugh thuộc Đại học George Washington, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhậm chức đã xoay 180 độ chính sách đối với Trung Quốc, đơn phương nhượng bộ nhiều khiến Trung Quốc thu lợi lớn trong thời gian qua.


GS Shambaugh nói: Những nhượng bộ của Trump đối với Trung Quốc trong tám tuần qua là cả một “bản danh sách khiến người ta ngạc nhiên”, Trump đã từ bỏ tất cả những lời dọa dẫm Chính phủ Trung Quốc ông từng đưa ra trong thời gian tranh cử, toàn diện chấp nhận tiếp xúc với Trung Quốc, khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh rất phấn khởi.

Các nhượng bộ của Mỹ gồm:

- Trong cuộc gặp “Trump-Tập Cận Bình” lần đầu hồi tháng 4 năm nay, Trump đã dành cho Tập Cận Bình nghi thức đón tiếp ở cấp cao nhất và sự tuyên truyền theo hướng tích cực.

- Sau cuộc gặp đó Trump nhiều lần ca ngợi Trung Quốc và Tập Cận Bình.

- Trump cam kết sẽ thực thi “chính sách một Trung Quốc”.

- Trump cử “bạn cũ lâu năm” của Tập Cận Bình là Blin Stader, Thống đốc bang Iowa, làm tân Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.

- Bộ Quốc phòng Mỹ không duyệt đề nghị cho phép Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương tiến hành chiến dịch “tự do hàng hải” ở Biển Đông.

- Trump không dán mác “Thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc.

Ngoài ra Chính phủ Trump cũng chưa đưa ra lời phê bình vấn đề hiện đại hóa quân sự và vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, mà còn sớm tặng Trung Quốc một “món quà lớn” là chủ động từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây thiệt hại cho Mỹ trên các mặt kinh tế, chiến lược, sức mạnh mềm và làm xấu bộ mặt nước Mỹ.

Sự nhượng bộ của Mỹ chỉ đổi lại được ba thứ là:

- Hai loại thẻ tín dụng Visa và MasterCard được sử dụng tại Trung Quốc;

- Trung Quốc hủy bỏ lệnh cấm nhập thịt bò của Mỹ đã kéo dài 14 năm nay;

- Trung Quốc sẽ giúp Mỹ trên vấn đề Triều Tiên, nhưng giúp thế nào thì chưa cụ thể.

Shambaugh cho rằng về những thứ Trung Quốc muốn kiếm được từ phía Mỹ thì Trump đã “không thể cho nhiều hơn được nữa”. Ông còn pha trò nói nếu Trump trước đây giao dịch với mọi người theo cách ấy thì ông đã rất muốn làm ăn với Trump.

Nhưng Shambaugh nói, tin tốt là mối quan hệ Trump-Tập Cận Bình được khởi động, không khí tích cực, giải tỏa được tình thế bế tắc lâu nay trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Ông cũng khẳng định biểu hiện của các ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc và Thôi Thiên Khải Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nói họ đã áp dụng “sách lược cực kỳ tinh vi”, qua đó đã thành công trong việc làm cho Trump sau khi nhậm chức đã thay đổi lập trường cứng rắn trước đây của mình đối với Trung Quốc.

Học giả Trung Quốc nói Tập Cận Bình có tính kiên nhẫn phi phàm

Cũng trong diễn đàn nói trên, GS Thời Ân Hoằng ở Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phát biểu cho rằng ông Trump trước khi nhậm chức từng có nhiều lời đe dọa Trung Quốc, thực sự đã gây ra tâm trạng lo sợ ở Trung Quốc; Tập Cận Bình phát hiện thấy mình bỗng dưng phải đối mặt với một đối thủ mạnh mẽ thẳng thắn hơn mình, ông đã thể hiện tính kiên nhẫn phi phàm, chưa hề công khai nói những lời ác khẩu với Trump.

GS Thời nói, về sau Trung Quốc đã tìm ra biện pháp có thể gây ảnh hưởng hữu hiệu tới thái độ đối với Trung Quốc của Trump – đó là qua Jared Kushner con rể và Ivanka con gái Trump. Sau đó niềm tin của Tập Cận Bình tăng lên; trong đối xử với Trump, ông coi Trump là “hổ giấy”, nhưng vẫn phối hợp tốt trên vấn đề Triều Tiên.

GS Thời cho rằng trong thời kỳ đầu, Trump hầu như chẳng làm nên công chuyện gì, ông ta không gánh nổi cái hậu quả của việc mối quan hệ Mỹ-Trung vừa mới có chiều hướng tốt lên thì lại xấu đi.

Mặt khác, GS Thời nói, Trump hiện chưa có sách lược đối với Đông Á và Đông Nam Á, điều đó đã tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp khoảng trống quyền lực vừa xuất hiện ở các vùng ấy; châu Á, nhất là Đông Nam Á, đang từng bước bị hút về phía Trung Quốc, xa rời Mỹ. Nhưng ông cho rằng Trung Quốc còn chưa hiểu các nguồn nhạy cảm tồn tại trong khu vực, cũng mắc chứng bệnh thường thấy là “bệnh tự kỷ nước lớn”, không giỏi lắng nghe người ta mà trước tiên ép các nước khác theo quan điểm của mình.

Ông kêu gọi Tổng thống Trump xây dựng và thực thi một sách lược đối với Trung Quốc “chặt chẽ, hoàn chỉnh, tích cực” có thể phản ánh được mối quan hệ Mỹ-Trung và hoàn cảnh châu Á.

Tại diễn đàn kể trên, trong phần trả lời câu hỏi, GS Shambaugh nói Trung Quốc đang xuất khẩu “chế độ kiểm duyệt của mình”, đang gây sức ép với một số nước, giới truyền thông, giới học giả và các tổ chức phi chính phủ nhằm làm họ thay đổi cách trình bày của quốc tế về Trung Quốc. Ông cho rằng Mỹ nên lợi dụng sức mạnh của mình để xoay lại xu thế đó trong dư luận quốc tế.

Nguồn: 沈大伟: 特朗普上台后大让步 让中国如同“过圣诞”

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

(Nghiên Cứu Quốc Tế)


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên đường sang thăm Mỹ từ ngày 29 tới 31/5/2017, trong đó dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Washington ngày 31/5.

Tổng thống Donald Trump sẽ ra điều kiện gì với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ?
Hai người đứng đầu Chính phủ thuộc hai thể chế chính trị khác nhau sẽ có nhiều việc phải bàn để có thể hợp tác.
Theo dõi chuyến thăm châu Âu vừa qua, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống, trong đó được Giáo hoàng Francis tiếp kiến, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brüssel, Bỉ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm nước công nghiệp G7 tại Taormina, Ý, người ta có thể hình dung những thách thức đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp gỡ, hội đàm với Tổng thống Trump như sau:

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO, người ta thấy Tổng thống Trump sỗ sàng xô Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic [1] sang một bên để bước lên hàng đầu cạnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, thể hiện rõ quan điểm „America First!“. Ông Phúc sẽ không gặp cảnh ngộ như ông Markovic, vì ông là người Việt Nam, vốn khiêm nhường và tôn trọng nước lớn.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, ông Trump thẳng thừng phê phán 23 nước đồng minh NATO ở châu Âu đối xử bất công với người đóng thuế Mỹ, khi không chịu nâng ngân sách quốc phòng lên 2% như thỏa thuận, mà bắt Mỹ chịu phần lớn ngân sách NATO để bảo vệ an ninh cho họ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông Trump lên án Đức là „rất độc ác“ (sehr böse) [2], khi xuất siêu rất nhiều sang Mỹ…

Khi sang Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dĩ nhiên sẽ trao đổi với Tổng thống Donald Trump nhiều vấn đề liên quan tới chính trị, ngoại giao, quân sự khu vực và song phương, có lẽ cũng đề cập tới việc duy trì và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi có một lượng lớn hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua lại.

Nhưng chắc chắn hai ông cũng thảo luận về vấn đề kinh tế song phương. Trong những năm gần đây, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20%, ước đạt 53 tỉ USD năm 2016, trong đó Việt Nam xuất siêu 30,9 tỉ USD. Về đầu tư, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Việt Nam với 815 dự án, tổng số vốn đăng ký 10,07 tỉ USD. Mỹ xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án, tổng số vốn đăng ký 571,38 triệu USD.

Với bản chất của một người kinh doanh, chắc chắn Tổng thống Donald Trump sẽ mặc cả, thẳng thừng yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải làm sao để Việt Nam tăng nhập khẩu của Mỹ nhằm giảm xuất siêu trong cán cân thương mại.

Trong khi đó, năm 2016, Việt Nam vẫn nhập siêu từ thị trường Trung Quốc khoảng 28 tỉ USD. Đã từ lâu, người Việt Nam và nhiều nước trên thế giới rất sợ hàng hóa độc hại từ Trung Quốc, đặc biệt là thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh. Phải chăng nhân dịp này, Việt Nam nên tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ vốn được người Việt Nam ưa chuộng và giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vốn bị ghét và sợ, qua đó cân bằng được cả cán cân thương mại với Mỹ và Trung Quốc?

Trung Khoa 


(Thoibao.de)