Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Tổng Thống Donald Trump hội đàm với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc những gì?; Việt Nam thuê chuyên gia vận động hành lang Nhà Trắng 30 ngàn đô la một tháng; Việt Nam, đồng minh của ông Trump trong vấn đề Biển Đông?( Cẩn thận kẻo bị Mỹ chơi xỏ lá vì đồng minh với Mỹ sẽ thành kẻ thù TQ?)

WASHINGTON, DC (NV) – Ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN, vừa đến Tòa Bạch Ốc, Washington, lúc 3 giờ chiều Thứ Tư, 31 Tháng Năm, đánh dấu chặng dừng chân cuối cùng của ông trong chuyến thăm Hoa Kỳ ba ngày.

Ông Trump chìa tay cho ông Phúc bắt, ngay bậc thềm Tòa Bạch Ốc. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
Hình ảnh truyền hình cho thấy, ông Trump từ trong Tòa Bạch Ốc bước ra, chìa tay ra cho ông Phúc bắt.

Sau đó, hai người vào Phòng Bầu Dục hội đàm xã giao và phát biểu với báo giới.

Tổng Thống Donald Trump nói: “Xin cảm ơn tất cả mọi người. Thật là vinh dự có thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc, tại Phòng Bầu Dục. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm một việc ngoạn mục tại Việt Nam, lãnh đạo nhiều công tác liên quan đến thương mại và các công tác khác. Chúng tôi sẽ nói chuyện về thương mại. Chúng tôi sẽ nói chuyện về Bắc Hàn. Chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói, và chúng tôi mong đợi làm việc chung với nhau, và nhiều hơn nữa.”

Đáp lời, ông Phúc nói, qua một thông dịch viên, như sau: “Bắt đầu, tôi xin cảm ơn ông tổng thống, vì đã mời tôi đến thăm chính thức Hoa Kỳ. Tôi đến đây với những lời chào nồng nhiệt nhất của người dân Việt Nam. Và đối với mọi người dân Mỹ, xin chào tất cả, những người bạn thân.”

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Tổng Thống Donald Trump nói chuyện trước báo giới. (Hình: Olivier Douliery-Pool/Getty Images)
“Quan hệ Mỹ-Việt đã vượt qua nhiều trở ngại vô cùng lớn trong lịch sử, nhưng hôm nay, chúng ta có thể trở thành đối tác toàn diện,” ông Phúc nói tiếp. “Tôi rất vui khi được nói chuyện với tổng thống qua điện thoại hồi Tháng Mười Hai và có trao đổi thư từ với nhau. Tôi rất ấn tượng với sự cởi mở và thân thiện của tổng thống và tin rằng cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay sẽ thẳng thắn và cởi mở. Sẽ là một kết quả tốt để đưa ra những hướng đi lớn trong sự hợp tác chặt chẽ của chúng ta, trên căn bản tôn trọng lẫn nhau vì quyền lợi của hòa bình, ổn định, hợp tác, và phát triển của ASEAN và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và của thế giới.”

Sau đó, ông Phúc và ông Trump có cuộc nói chuyện song phương, liên quan đến thâm thủng thương mại của hai phía và vấn đề Biển Đông.

Về phía Mỹ, ngoài Tổng Thống Trump còn có Phó Tổng Thống Mike Pence, Ngoại Trưởng Rex Tillerson, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia HR McMaster, Cố Vấn Cao Cấp Jared Kushner, Giám Đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Gary Cohn, Phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Dina Powell, Đại Diện Thương Mại Robert Lighthizer, ông Matthew Pottinger thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, và ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Phía Việt Nam có ông Phúc, Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Bộ Trưởng Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nguyễn Xuân Cường, Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vinh, và ông Phạm Quang Vinh, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Quang cảnh cuộc hội đàm song phương Việt-Mỹ. (Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)
Sau cuộc nói chuyện, Tổng Thống Trump phát biểu: “Thật là vinh dự có Thủ Tướng Phúc của Việt Nam hôm nay. Chúng tôi vừa thảo luận nhiều đề tài lớn, bao gồm thương mại. Chúng ta có thâm thủng thương mại rất lớn với Việt Nam, và tôi hy vọng chúng ta sẽ cân bằng trong một thời gian ngắn.”

“Họ vừa đặt mua nhiều hàng hóa của Mỹ. Và tôi rất cảm kích. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều việc làm tại Mỹ và Việt Nam sẽ có nhiều dụng cụ tốt. Tôi xin cảm ơn ông và các đại diện của ông đến đây hôm nay. Xin cảm ơn,” tổng thống nói.

Đáp lời, ông Phúc nói: “Một lần nữa tôi xin cảm ơn Tổng Thống Donald Trump đã đón tiếp phái đoàn Việt Nam rất chân tình, nhất là trong những ngày vừa qua. Tôi đánh giá cao các bước triển khai chính thức của chính quyền Hoa Kỳ, trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Việt-Mỹ trong hơn 20 năm qua có những bước tiến dài, từ cựu thù thành bạn, và nay là đối tác toàn diện. Hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung quan trọng, có động lực mạnh mẽ về hợp tác song phương và toàn cầu.”

Ông Phúc cũng khẳng định sự độc lập của Việt Nam và nói rằng một nước Việt Nam thịnh vượng sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và toàn cầu. Ông cũng nói Việt Nam coi trọng đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, trên căn bản tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Ông cũng nói Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của Hoa Kỳ trong khu vực, góp phần bảo vệ an ninh và ổn định trong vùng.

Trong khi đó, đông đảo đồng hương vẫn biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc, phản đối chuyến viếng thăm của ông Phúc, vì Việt Nam vẫn còn đàn áp nhân quyền.

Sau Tòa Bạch Ốc, ông Phúc có buổi nói chuyện tại Heritage Foundation, một tổ chức bảo thủ lâu đời của Mỹ. (Đ.D.)

(Người Việt)


Một chi tiết rất đáng chú ý với tất cả sự tế nhị dành cho nó: BBC cho biết trong cuộc họp, dường như ông Nguyễn Xuân Phúc đã được người bên cạnh nhắc 'thôi để sau', khi ông định chia sẻ với ông Trump về '7 vấn đề ngắn'.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng


Được

Cuộc hội đàm Mỹ - Việt giữa đại diện Hoa Kỳ là Tổng thống Donald Trump với một trong những đại diện Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/5/2017, rốt cuộc đã mang lại cảm giác thỏa mãn sơ bộ cho ông Phúc: Thủ tướng Việt Nam phát biểu “rất vinh dự” khi được phía Mỹ đón tiếp tại Phòng Bầu Dục - một không gian trân trọng chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia.

Cảm giác nhẹ nhõm tiếp theo của thủ tướng Việt Nam là tổng thống nước Mỹ đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam như những lời kêu gọi thúc bách từ giới nghị sĩ Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Việt Nam lại được Trump khen ngợi "Họ vừa có đơn đặt hàng rất lớn với Hoa Kỳ và chúng tôi đánh giá cao việc đó, với nhiều tỷ USD, có nghĩa là có thêm việc làm cho Hoa Kỳ và các thiết bị tốt, rất tốt cho Việt Nam".

Ngay trước cuộc hội đàm với Trump, đoàn Việt Nam - bao gồm 90 chục doanh nghiệp theo chân Thủ tướng Phúc, được phái đoàn Việt mô tả là “đã ký kết nhiều hợp đồng giá trị 17 tỷ USD với các doanh nghiệp Mỹ”.

Tuy nhiên, có lẽ đó là thành quả lớn nhất và có thể là duy nhất trong cuộc hội đàm trên, và cũng cho chuyến công du hoành tráng và tốn kém lần này của đoàn Thủ tướng Phúc.

Mất

Có thể hiểu vì sao Trump tỏ ra hài lòng về kết quả thương mại ngay trước mắt mà chưa phải “tương lai”: phần lớn giao dịch được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt - Mỹ nghiêng về việc Việt Nam phải nhập khẩu hàng của Mỹ, chứ không phải ngược lại theo “truyền thống” Việt Nam vẫn thường xuất siêu đến hơn ba chục tỷ USD mỗi năm vào Mỹ.    

Ở một chiều kích khác, cuộc hội đàm Trump - Phúc lại diễn ra khá ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn có một giờ đồng hồ kể từ lúc thủ tướng Việt Nam bước chân xuống xe  vào lúc 15h, sau đó gặp riêng Trump, cho tới khi kết thúc hội đàm song phương giữa hai phái đoàn Mỹ và Việt vào lúc 16h. Trong khi trước đó, báo chí nhà nước Việt Nam đã “ấn định” thời lượng của riêng cuộc gặp Trump - Phúc lên đến 90 phút, tức còn vượt hơn xa thời gian Obama tiếp Trương Tấn Sang vào năm 2013 và Obama - Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 cũng tại Phòng Bầu Dục.

Một chi tiết rất đáng chú ý với tất cả sự tế nhị dành cho nó: BBC cho biết trong cuộc họp, dường như ông Nguyễn Xuân Phúc đã được người bên cạnh nhắc 'thôi để sau', khi ông định chia sẻ với ông Trump về '7 vấn đề ngắn'.

Hình như người Mỹ không có nhiều thời gian dành cho lãnh đạo Việt Nam.

Không hoàn toàn như những gì mà một số chuyên gia quốc tế dự đoán, hội đàm Trump - Phúc đã không có nội dung cụ thể nào về vấn đề an ninh Biển Đông và mối quan hệ cụ thể hơn nữa về quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Cũng dường như không đề cập đến từ “Trung Quốc”.  

Cũng không có bất kỳ từ ngữ nào được hai bên, đặc biệt từ Trump, nói về “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”. Cần nhắc lại, bản hiệp định này mới chính là chủ đề mà phía Việt Nam quan tâm nhất và trở thành mục tiêu lớn nhất của chuyến sang Mỹ lần này. Nếu có được dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, phía Việt Nam sẽ có hy vọng duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, đồng thời sẽ “thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu” (EVFTA). Thậm chí trước chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phúc, một chuyên gia nhà nước đã “bắn tin” rằng Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ được được chuyên viên hai nước đàm phán xong và đã được đặt lên bàn thủ tướng (Việt Nam), chỉ còn chờ mang sang Mỹ ký chính thức.

Nhưng do Trump không hề đả động đến Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, có thể xem như số phận của hiệp định (nếu có thật) này - một trong số ít lối thoát khả dĩ nhất về kinh tế và ngân sách của chính thể Việt Nam - vẫn còn “treo” ở đó mà chưa biết khi nào mới xong.

Những bản tin mới nhất của báo nhà nước Việt Nam cũng không hề đề cập đến kết quả về “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”, mà chỉ là “Hai nhà Lãnh đạo thống nhất triển khai có hiệu quả cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề kinh tế trong quan hệ trên tinh thần xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên”.

Với tin tức trên, có lẽ báo chí Việt Nam muốn nói đến TIFA - một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng sau đó bỏ dở vì Việt Nam mải chạy theo món lợi lớn hơn là Hiệp định TPP. Chỉ đến đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng.

Tuy nhiên, tường thuật của một số hãng tin quốc tế lại có vẻ không có nội dung nào về  “Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư” trong hội đàm Trump - Phúc.

Không những không đề cập gì đến “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”, Trump lại xoáy vào một vấn đề cực kỳ khó chịu và khó khăn đối với phía Việt Nam: theo BBC, trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng hôm 31/05, Tổng thống Hoa Kỳ nhắc tới vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại 'lớn' với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ 'sớm được cân bằng'.

Lời nhắc nhở trên có thể dẫn đến khả năng trong thời gian tới, Mỹ sẽ thực hiện một số động tác bảo hộ thương mại cứng rắn để hàng Việt Nam không thể ồ ạt tràn vào thị trường Mỹ như trước đây. Cần nhắc lại, vào tháng 3/2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong “chế tài”.

Thậm chí vào lần này, CNN còn dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết “hai nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo sau hội đàm”. 

Cuối cùng, có lẽ không thừa khi nhắc lại một tin tức đặc biệt của Reuters.

“30 ngàn đô la một tháng”

Hãng tin Reuters nói rằng để có được cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump tại Washington DC, chuyến đi khiến ông Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Toà Bạch ốc kể từ khi Hoa Kỳ có chính phủ mới, phía Việt Nam đã có một quá trình vận động từ trước đó rất lâu.

"Chuyến đi phản ánh kết quả của các cuộc trao đổi qua điện thoại, thư từ, các mối quan hệ ngoại giao và các chuyến thăm ở cấp thấp vốn đã được khởi động từ trước khi ông Trump nhậm chức tại Washington, nơi Việt Nam thuê một chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) với mức chi phí là 30 ngàn đô la một tháng," - Reuters viết.

Phạm Chí Dũng

(VNTB)


 ( Mỹ xỏ lá...)

Hà Nội có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực dài hạn của chính quyền Mỹ về Đông Nam Á, nhắm mục đích hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Biển Đông.

Khu vực Biển Đông
Khu vực Biển Đông
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của ASEAN đến thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Hoa Kỳ có thể tìm cách khai thác sự xung đột giữa Việt Nam, một thị trường đang trỗi dậy, với Trung Quốc.

Theo ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch đặc trách phân tích chiến lược của Stratfor Global Intelligence, một công ty an ninh ở Mỹ, chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ, Việt Nam đang giữ một vị trí đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Ông Baker giải thích rằng Hà Nội vẫn giữ lập trường cứng rắn, phản đối các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông, và vì vậy ông Trump có thể coi Việt Nam như là một lực đối trọng với Trung Quốc có tiềm năng trong vùng tranh chấp.

Ông Trump có thể coi Việt Nam như là một lực đối trọng với Trung Quốc có tiềm năng trong vùng tranh chấp.
ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch đặc trách phân tích chiến lược của Stratfor Global Intelligence

​Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích biển Đông với hơn 250 hòn đảo, nơi có nhiều trữ lượng khí đốt thiên nhiên, nơi mà Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Hà Nội đã công khai lên tiếng tố cáo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng các cơ cấu quân sự trên các đảo trong vòng tranh chấp.

Lính hải quân Trung Quốc ở Bãi đá Chữ Thập - quần đảo Trường Sa
Lính hải quân Trung Quốc ở Bãi đá Chữ Thập - quần đảo Trường Sa
Chính sách bành trướng của Trung Quốc trong Biển Đông cũng gây bực bội cho Washington. Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn Bắc Kinh xây đảo nhân tạo. Trong khi ông Trump không rộng tay hành động vì đang cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc để kiềm hãm Bắc Triều Tiên, thì vấn đề biển Đông vẫn là một vấn đề lớn bao trùm khu vực. Tuần trước, hải quân Trung Quốc triển khai hai tàu khu trục tên lửa áp sát một tàu chiến của Hải quân Mỹ đang tuần tra một vùng biển gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Ông Jonathan Stromseth, thành viên cấp cao thuộc viện Brookings, lưu ý rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Washington đã "tăng thêm đà cho mối quan hệ Mỹ-Việt ngày càng có tính cách chiến lược hơn.”

Thật vậy, hai nước đã bắt đầu các cuộc trao đổi quân sự song phương, có thể gây khó chịu cho Bắc Kinh.

Ông Baker nói ông dự kiến hình thức hợp tác quân sự như thế có thể tiếp tục:

"Trong một tuần qua, Washington đã chuyển giao một số tàu cho lực lượng Tuần duyên Việt Nam. Hai bên đã có chuyến giao lưu hải quân và Hoa Kỳ cũng đã dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam."

Tất nhiên, Việt Nam không phải là đồng minh ASEAN duy nhất của ông Trump trong cuộc xung đột lãnh hải.

Ông Stromseth nói Tòa Bạch Ốc cũng đang ve vãn một số quốc gia Đông Nam Á khác giữa lúc Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng và quan ngại ngày càng tăng về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, đặc biệt sau khi Washington rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP."

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên trái) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại trụ sở ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 20/4/2017.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên trái) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại trụ sở ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 20/4/2017.
Trong tháng qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã đi thăm Indonesia, ông Trump điện đàm với một số lãnh đạo ASEAN, kể cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đón tiếp các ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Washington.

Ông Stromseth nói nếu Washington có thể chứng minh cam kết đối với khu vực thì điều đó có thể "tạo điều kiện thúc đẩy mối quan hệ đa phương có tính xây dựng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, giúp giảm thiểu sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.

Hãng tin Bloomberg trích lời ông Alexander Vuving, nhà phân tích chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương ở Hawaii, nói "Chính quyền Trump rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vì Hoa Kỳ nhận thức rõ vai trò chiến lược của Việt Nam tại Châu Á".

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Bloomberg, ông Phúc né tránh câu hỏi liệu Việt Nam có mưu tìm sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông hay không.

Ông Phúc nói: "Chúng tôi cần thảo luận với các bên liên quan để đảm bảo tất cả các bên sẽ được hưởng lợi từ bất cứ hành động nào do chúng tôi quyết định, hầu đảm bảo hòa bình trong khu vực."

Ông Michael Green, từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới quyền Tổng thống George W. Bush, nói với tờ Washington Times rằng thắt chặt quan hệ an ninh liên minh với Hoa Kỳ cũng là một mục tiêu hàng đầu trong chuyến đi Mỹ của ông Phúc.

Ông Green, hiện là Phó Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), dự đoán ông Phúc sẽ mưu tìm một liên minh với ông Trump tương tự như liên minh mà ông Trump đã thiết lập với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Ông Green nói: “Việt Nam không phải là một quốc gia muốn xa lánh Hoa Kỳ vì ông Donald Trump làm tổng thống."

Tàu bệnh viện USNS Mercy thăm cảng Nha Trang, Khánh Hòa
Tàu bệnh viện USNS Mercy thăm cảng Nha Trang, Khánh Hòa

Báo Washington Times dẫn lời ông Anthony Cordesman, chiến lược gia quân sự của CSIS, nói ai cũng biết là Việt Nam từ lâu vẫn coi Trung Quốc là một mối đe doạ đối với sự tồn tại của mình, và ông Phúc mong muốn Hoa Kỳ đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề Biển Đông.

Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác tin rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể kiềm chế những hành động hung hăng nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Một lựa chọn cho chính quyền Trump là bán thêm vũ khí hoặc chuyển giao thiết bị cho các đồng minh như Việt Nam, để tăng khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân các nước này.

Nguồn: CNBC, Bloomberg News, Washington Times


(VOA)

Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trị giá hơn 8 tỉ USD


Hôm 31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Washington, đạt được thỏa thuận thương mại với tổng giá trị hơn 8 tỉ USD.

Việt Nam, thỏa thuận thương mại, Thâm hụt thương mại,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. (Ảnh: Abaca Press/TNS)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào 15h chiều 31/5 giờ Washington DC (3h sáng 1/6 theo giờ Việt Nam). Cuộc hội đàm tập trung bàn về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Hai bên hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn 8 tỉ USD.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hoan nghênh việc ký kết các hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD giữa các doanh nghiệp hai nước. Trước đó, Tập đoàn General Electric cho hay họ đã ký nhiều thoả thuận với Việt Nam trị giá khoảng 5,58 tỉ USD để cung cấp máy phát điện, động cơ máy bay và dịch vụ.
Họ vừa kí kết một đơn hàng rất lớn với Mỹ và chúng tôi đánh giá cao điều đó. Thoả thuận này trị giá hàng tỷ USD sẽ mang lại việc làm cho người Mỹ và những trang thiết bị tuyệt vời cho Việt Nam”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Reuters, Các hợp đồng vừa được ký rất tốt, nhưng Mỹ muốn nhiều hơn thế. Mỹ muốn Việt Nam đề xuất những sáng kiến để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại”.
Trong thập kỷ qua, thâm hụt thương mại song phương của Mỹ và Việt Nam đã tăng từ khoảng 7 tỉ USD lên gần 32 tỉ USD, đề ra những thách thức mới, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết và trông chờ ông Phúc giúp giải quyết vấn đề này.
Ông Lighthizer và các quan chức thương mại khác của chính quyền ông Trump đã cam kết nỗ lực giảm thiểu thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với các đối tác thương mại lớn.
Vấn đề thương mại đã trở thành điều có thể gây khó xử trong một mối quan hệ mà cả Washington và Hà Nội đều đã tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây vì cùng lo ngại về hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Đông Á.
Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá quan hệ từ năm 1995 và cho tới nay mối quan hệ giữa hai nước liên tục phát triển. Ông Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới chính quyền mới.
TinhHoa tổng hợp

Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện Việt-Mỹ ( thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn 8 tỉ USD...không phải 17 tỷ USD) ; Việt Nam sẽ ký hợp đồng thương mại 15-17 tỷ USD với Mỹ

Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện Việt-Mỹ

 - Hôm nay, 31/5, giờ Washington (ngày 1/6, giờ Hà Nội), nhân dịp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thủ tướng thăm Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump, tuyên bố chung Việt-Mỹ
Tổng thống Donald Trump đón chào Thủ tướng tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Tuyên bố chung cho hay, cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald J. Trump đề ra lộ trình cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, dựa trên những động lực tích cực của quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh có nhiều cơ hội đang mở ra trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đang ngày càng được tăng cường; hợp tác ngày càng tăng lên trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện 
Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ hội nói trên thông qua việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau.
Hai bên đồng ý tiếp tục tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, bao gồm qua cả đối thoại thường kỳ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các cơ chế đối thoại hiện có, trong đó có quan hệ kênh Đảng. 
Tổng thống Trump bày tỏ ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 và cho biết ông mong chờ chuyến thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11.
Hai nhà lãnh đạo cam kết tích cực tăng cường quan hệ kinh tế cùng có lợi và ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy thịnh vượng cho cả hai nước. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục ủng hộ hợp tác phát triển giữa hai nước. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; thực thi và bảo vệ sở hữu trí tuệ; hoàn thiện luật lao động phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. 
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng. 
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc xử lý một số vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm dịch vụ chuyển vùng điện thoại và thuốc thú y, và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp trên tinh thần xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên khác của mỗi bên, như sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và quảng cáo, sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng, bột bã ngô, cá da trơn, tôm, xoài và các vấn đề khác. 
Phía Hoa Kỳ ghi nhận quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường và hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương. Hai bên hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn 8 tỉ USD.
Tàu sân bay Hoa Kỳ thăm Việt Nam
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015. 
Hai nhà lãnh đạo trao đổi về quyết định vừa qua của Chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. 
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh và an ninh biển. 
Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước. 
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm làm việc về Sáng kiến hợp tác lưu trữ vật tư y tế và hợp tác nhân đạo và nhất trí sẽ khẩn trương triển khai thỏa thuận này.
Tăng cường hợp tác an ninh và tình báo
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh và tình báo. Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết hợp tác về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm mạng. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và mong muốn Hoa Kỳ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ sự tham gia của cán bộ Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, vũ trụ, đổi mới sáng tạo. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với Hiệp định khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, cũng như các cuộc trao đổi song phương và các diễn đàn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, đặc biệt thông qua các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn. Hai bên ghi nhận sự đóng góp quan trọng đối với quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và gần 4.000 cựu sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục. 
Hai bên cũng cho rằng, với hơn 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập trong các chương trình đại học tại Hoa Kỳ, mối quan hệ học thuật giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và sẽ được tăng cường thông qua việc Việt Nam hỗ trợ khai trương trường Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh. 
Phía Hoa Kỳ hoan nghênh ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam tới học tập tại Hoa Kỳ và duy trì cam kết cấp visa nhanh chóng, bao gồm visa cho sinh viên trên cơ sở luật pháp Hoa Kỳ. Hai bên cũng hoan nghênh việc thành lập Chương trình Hòa bình để thúc đẩy việc học tập tiếng Anh tại Việt Nam.
Nhất trí cho thuê đất xây trụ sở mới của Đại sứ quán
Hai bên cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin; ghi nhận những tiến triển trong hợp tác tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng, cũng như sẽ thảo luận về các bước phối hợp tiếp theo về tẩy độc tại sân bay Biên Hòa. 
Tổng thống Trump đánh giá cao sự hợp tác liên tục của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo nhằm tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, và cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm tin tức của bộ đội Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này.
Hai bên nhất trí tích cực cùng nhau làm việc để hoàn tất thỏa thuận về việc chọn vị trí đất phù hợp và thỏa thuận thuê đất đối với trụ sở mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam mua trụ sở mới cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về quyền con người, đặc biệt là vòng 21 Đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 5 năm 2017, nhằm thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin. 
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân.
Về các vấn đề khu vực, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Dân chủ Nhân Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, và thúc giục tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đảm bảo tự do hàng hải
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương. 
Hai bên cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong quá trình giải quyết tranh chấp. 
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện các nguyên tắc chung mà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã nhất trí trong Tuyên bố Sunnylands 2016, và thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cam kết tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ, ủng hộ các nỗ lực chung xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Hai nước cam kết tiếp tục hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường, y tế toàn cầu, an ninh y tế toàn cầu, chống buôn bán người và động vật hoang dã. 
Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam xây dựng một phòng thí nghiệm quốc gia để tăng cường năng lực phát hiện nguy cơ các bệnh mới nổi trong khu vực. Hai nước khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Chương trình An ninh y tế toàn cầu (GHSA) nhằm ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm. 
Hai nước cũng khẳng định quan hệ đối tác lâu dài trong khuôn khổ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống về Phòng, Chống HIV/AIDS. Với tư cách là đối tác phát triển của Ủy hội Mê Công, và là thành viên sáng lập của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công, Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ hợp tác giữa các thành viên Ủy hội, cũng như giữa các thành viên Ủy hội với các cơ chế khu vực khác trong việc sử dụng, quản lý và phát triển hiệu quả, bền vững các nguồn nước xuyên biên giới. Hoa Kỳ khẳng định hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng cụ thể.
Hai nhà Lãnh đạo đã mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ Đối tác toàn diện được tăng cường; nhất trí thúc đẩy mối quan hệ này sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thủ tướng hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng

Thủ tướng hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng


Lúc 2h sáng nay (giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đón chào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhà Trắng.
‘Việt Nam xuất khẩu 100 USD, phía Mỹ hưởng lợi 78 USD’

‘Việt Nam xuất khẩu 100 USD, phía Mỹ hưởng lợi 78 USD’


Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu một đôi giày Nike có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22USD còn 78USD là Hoa Kỳ hưởng.
Việt-Mỹ ký kết hàng loạt hợp đồng gần 15 tỉ USD

Việt-Mỹ ký kết hàng loạt hợp đồng gần 15 tỉ USD


Các hợp đồng chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ - Thủ tướng cho biết.
Hình ảnh ngày đầu tiên Thủ tướng đến Mỹ

Hình ảnh ngày đầu tiên Thủ tướng đến Mỹ


Ngày đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng đã có các buổi tiếp Phó chủ tịch Sàn chứng khoán NASDAQ, doanh nhân, trí thức Việt kiều...
Thái An

Việt Nam sẽ ký hợp đồng thương mại 15-17 tỷ USD với Mỹ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ ký các hợp đồng trao đổi hàng hóa, dịch vụ nhiều tỷ USD trong chuyến thăm Mỹ, chủ yếu về dịch vụ và công nghệ cao.


"Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu công nghệ cao và dịch vụ từ Mỹ. Và trong chuyến thăm lần này, nhiều thỏa thuận quan trọng cũng sẽ được thực hiện", Reuterstrích lời Thủ tướng trong tiệc chào mừng của Phòng thương mại Mỹ hôm qua. Giá trị các hợp đồng có thể lên tới 15-17 tỷ USD.
Trước đó, cũng trong tiệc chào mừng, Đại diện Thương mại Mỹ -  Robert Lighthizer đã tỏ ra lo ngại về việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng. Ông cho rằng đây là thách thức mới cho cả hai quốc gia và muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp đỡ giải quyết.
“Trong thập kỷ qua, thâm hụt thương mại song phương đã tăng từ 7 tỷ USD lên gần 32 tỷ USD”, ông Lighthizer cho biết, “Mức tăng đáng lo ngại này là thách thức mới, cho thấy hai nước vẫn còn tiềm năng đáng kể để cải thiện hơn nữa mối quan hệ thương mại quan trọng này”. Mỹ đang ngày càng nhập khẩu nhiều từ Việt Nam, từ sản phẩm bán dẫn, thiết bị điện tử đến các lĩnh vực truyền thống như giày dép, dệt may và đồ nội thất.
Đề cập đến vấn đề này, Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta đang mất cân đối về thương mại, nhưng tốc độ xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam tăng rất cao, tới 77%. Ngày mai tôi sẽ chứng kiến các ký kết lớn của các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam, với những dự án đầu tư đầy hứa hẹn như của Exxon Mobil trị giá 10 tỷ USD, thì thương mại sẽ cân bằng hơn".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các dự án đầu tư sẽ phát huy lợi thế của hai nước, có lợi cho cả đôi bên. Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ những sản phẩm người dân Mỹ ưa dùng như cá, tôm, trái cây, giày dép… Dùng hình ảnh đôi giày Nike để nói về lợi nhuận nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, với 138 triệu đôi xuất khẩu mỗi năm, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là Mỹ hưởng.
Cùng ngày, trong chuyến công du đến Mỹ, Thủ tướng cũng đã tham dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam - Mỹ, với sự tham gia của hơn 20 tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn đôi bên. Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ đây là cơ hội tốt để trao đổi về các định hướng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là đầu tư về tài chính ngân hàng, lĩnh vực đang có rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công du Mỹ 3 ngày còn có 80-90 doanh nghiệp trong nước. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như PVN, FPT, VietJet hay SHB. Dự kiến hôm nay, Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết nhiều hợp đồng quan trọng, giá trị lớn giữa công ty hai nước.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 50 tỷ USD năm 2016, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trên 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.
Hà Thu
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/viet-nam-se-ky-hop-dong-thuong-mai-15-17-ty-usd-voi-my-3592747.html