Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

TT NGUYỄN XUÂN PHÚC NHẮC LẠI CHUYỆN "CẬU BÉ NHẬT 9 TUỔI"...DO BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO VÀ HÀ MINH THÀNH NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐƯA LÊN MẠNG NĂM 2011...

Thủ tướng ca ngợi bé 9 tuổi nhường phần ăn cho người già ở Nhật Bản

Dân trí “Chúng ta nhớ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản. Chúng ta thấy họ mất mát như thế nhưng trật tự xếp hàng lấy bánh mì, đồ ăn, không hề có sự lộn xộn. Hay ví dụ có một em bé 9 tuổi đã nhường phần ăn của mình cho người già trong lúc khó khăn như vậy…”.
 >> Bài học cảm động từ một cậu bé 9 tuổi ở Nhật

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi tinh thần Nhật Bản khi nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, chiều 4/6, tại Tokyo.
Chuyến đi 3 trong 1
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho biết, thời gian gian, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển. Hai bên có nhiều đoàn cấp cao thăm lẫn nhau. Nhật Bản là nước đứng đầu về hỗ trợ ODA vào Việt Nam, FDI đứng thứ hai, du lịch đứng thứ 3 và thương mại đứng thứ tư. Một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản đang vào Việt Nam. Về hợp tác giáo dục, hiện có 70.000 du học sinh Việt Nam tại Nhật.
Đánh giá rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản rất sâu sắc, Thủ tướng mong muốn Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản tiếp tục giữ gìn, thúc đẩy, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chiều 4/6
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chiều 4/6
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là chuyến đi “3 trong 1”, đó là: Thăm chính thức Nhật Bản, dự và phát biểu mở đầu cho Hội nghị Tương lai châu Á và dự hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 1.500 đại biểu đăng ký tham dự.
Thông báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng khẳng định tinh thần phải lo cho dân, phải lo phát triển doanh nghiệp để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động vì tỷ lệ lao động trong khu vực nông thôn, miền núi còn khá lớn. Muốn như vậy, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải cao hơn, tốt hơn.
“Muốn làm được như thế, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, trong đó có Nhật Bản. cần tập hợp được nhân tài 4 phương, cả trong nước, quốc tế và bà con kiều bào.” - Thủ tướng chia sẻ.
“Bài học” Nhật Bản
Nhấn mạnh tinh thần phát huy nội lực của đất nước, Thủ tướng bày tỏ: Không có ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong từng con người, gia đình, trong cả dân tộc thì khó có thể thành công và mong muốn bà con, nhất là các em học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản nêu cao ý chí này. Thủ tướng cho rằng Nhật Bản là đất nước gặp nhiều thiên tai nhưng người dân có ý chí vươn lên mạnh mẽ, nhất là trước những thảm họa. Đây là điểm đáng học hỏi.
Một bé trai 9 tuổi chờ lấy nước sôi để ăn mỳ, sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản
Một bé trai 9 tuổi chờ lấy nước sôi để ăn mỳ, sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản
“Chúng ta nhớ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản. Chúng ta thấy hình ảnh gì của dân tộc Nhật Bản mà có thể là bài học cho lớp trẻ chúng ta hay không? Chúng ta thấy họ mất mát như thế nhưng trật tự xếp hàng lấy bánh mì, đồ ăn, không hề có sự lộn xộn. Hay ví dụ có một em bé 9 tuổi đã nhường phần ăn của mình cho người già trong lúc khó khăn như vậy” - Thủ tướng cảm kích bày tỏ.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn các em học sinh, sinh viên cố gắng học hỏi, rèn luyện, có ý chí, có kinh nghiệm, có học thức để tiếp tục xây dựng đất nước.
Thủ tướng cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phát huy kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quan tâm, chăm lo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Mỗi người Việt Nam khi gặp khó khăn thì đều có sự hiện diện của Đại sứ quán để giúp đỡ.
Cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Đại sứ Nguyễn Quốc Cường vì đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn 2014 đến nay.
Châu Như Quỳnh

(http://dantri.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-ca-ngoi-be-9-tuoi-nhuong-phan-an-cho-nguoi-gia-o-nhat-ban-20170605070105751.htm)

Đường Tăng thật trong lịch sử đi thỉnh kinh như thế nào?

Nhiều người thường nghĩ rằng, câu chuyện thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh bên Tây Thiên trong bộ phim Tây Du Ký chỉ là tưởng tượng. Song trong lịch sử, quả thực có một người tên là Huyền Trang đã vượt muôn ngàn gian khổ để đến Ấn Độ thỉnh kinh.

Đường Tăng thật, thỉnh kinh,
Tranh minh họa Đường Tăng trên đường đi Ấn Độ. (Tranh: blog.sina.com.cn)
Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) là nhân vật có thật trong lịch sử, ông tên thật là Trần Huy, sinh vào khoảng năm Nhân Thọ thứ 2 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (năm 602) tại huyện Câu Thị, nay là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hai người anh trai của Trần Huy xuất gia làm sư ở chùa Tịnh Thổ Lạc Dương nên từ nhỏ, ông đã theo anh tụng kinh niệm Phật, đồng thời đọc cả sách Nho, Đạo...
Không giống như trong tiểu thuyết và phim ảnh, Đường Tăng trước khi lên đường được vua Đường nhận làm huynh đệ, tặng cho chiếc bát vàng, áo cà sa quý và bày tiệc rượu tiễn ra tận cửa thành, trên đường đi gặp được 3 đồ đệ có phép thần thông… thì ở đời thực, Đường Tăng chỉ một thân một mình cưỡi con ngựa già lên đường đi Ấn Độ để tự mình tìm hiểu, mà không hề được sự ân chuẩn của Hoàng đế Đại Đường dù đã 2 lần dâng biểu xin đi.
Ông đã phải trải qua muôn vàn gian khổ, mất khoảng 17 năm, qua 128 quốc gia lớn nhỏ, mới đạt được ước nguyện trở về. Khi về nước, ông phải dùng 24 ngựa, voi, lạc đà để tải 657 bộ kinh Phật, 150 xá lợi tử (tinh cốt Phật), tượng Phật.
Lịch sử có ghi chép lại rằng, cảnh tượng nhân dân thời bấy giờ nghênh đón Huyền Trang vô cùng long trọng, từ trước tới nay chưa từng có: “Đạo tục bôn nghênh, khuynh đô bãi thị” (Tạm dịch: Người thế tục nghênh đón người tu Đạo chật kín cả đường phố).
Sau đó, ông dành 19 năm để dịch 75 bộ kinh Phật và cuối cùng công thành viên mãn. Bộ Đại Đường Tây vực ký 12 quyển là những ghi chép đầy đủ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước mà ông đã đi qua. Giờ đây, những tài liệu của ông để lại vẫn còn giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia khảo cổ Ấn Ðộ và họ cũng công nhận những ghi chép của Đường Tăng là chính xác.
Ngày nay, tháp Đại Nhạn tại Tây An cũng được chính Huyền Trang dựa theo kiến trúc tháp nhà Phật thời Ấn Độ cổ để xây dựng.
“Đại Từ Ân Tự Tam Tàng Pháp Sư truyện” là cuốn sách do hai đệ tử của Đại sư Huyền Trang viết nên từ những điều mà bản thân Huyền Trang trải qua. Đây thực sự là cuốn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Trong cuốn sách đó có ghi lại một nạn sinh tử hiểm ác mà Đại sư đã trải qua.
Câu chuyện về Đường Tăng thật trong lịch sử vượt nạn sinh tử khi đi lấy kinh
Đường Tăng thật, thỉnh kinh,
Tượng Đường Tăng tại Đại Nhan tháp (Ảnh: orchina-event.net)
Khi Đại sư Huyền Trang đi bộ tới khu vực trung Ấn Độ, một hôm ông đã kết bạn với hơn 80 người tại địa phương, cùng họ ngồi thuyền thuận theo sông Hằng tới nước A Da Mục Khư. Trên đường đột nhiên có mười mấy chiếc thuyền của bọn cướp đột nhiên xông ra từ rừng cây ở hai bên bờ. Chiếc thuyền mà Huyền Trang ngồi nhanh chóng trở nên náo loạn, có người sợ quá đã nhảy xuống sông để tìm cơ hội thoát thân.
Đại sư Huyền Trang đã từng nhiều lần gặp phải bọn cướp, những tên sát nhân cơ bản đều được Huyền Trang giáo hóa. Nhưng bọn cướp lần này tuyệt đối không tầm thường chút nào. Chúng không những cướp của mà còn muốn cướp một chàng trai tuấn tú để tế lễ cho vị nữ Thần mà chúng thờ phụng.
Mùa tế lễ sắp qua, mà bọn cướp lại đang phiền não về việc chưa tìm kiếm được người để tế Thần. Ngay lúc đó có tên vừa nhìn thấy Đại sư Huyền Trang liền hét lên:“Dùng tên hòa thượng cao to, tuấn tú này hiến tế, thực là quá may mắn!” Đại sư Huyền Trang khuyến thiện không thành, những người bạn đồng hành van xin bọn cướp cũng vô ích, cuối cùng họ đều bị bọn cướp giải đi.
Những tên cướp đã sửa xong đàn tế lễ, hai tên cầm đao dí sát vào Đại sư Huyền Trang và dẫn ngài lên đài. Đại sư tự biết đã vô vọng, bèn xin bọn cướp cho một chút thời gian, để ông tự mình đả tọa viên tịch. Bọn cướp thấy vậy vô cùng khiếp sợ trước phong thái và sự bình tĩnh của Đại sư mà tự thoái lui. Những người bạn đồng hành của Đại sư khóc thành một dãy dưới đàn tế Thần, còn Đại sư thành tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sinh, muốn được nghe chân kinh của Phật Di Lặc, sau đó còn hạ thế cứu độ những tên cướp đã giết hại ông.
Có lẽ, trong lúc đối mặt nạn sinh tử, ông đã chứng ngộ được cảnh giới đại từ bi của bậc giác giả nhà Phật, làm cảm động trời đất, trời đất liền thay đổi. Trong tích tắc, gió đen nổi lên, cuốn theo cát đá, sóng dâng ngập trời, thuyền gần như bị lật úp. Bọn cướp sợ hãi lập tức quỳ sụp xuống lạy trời, hỏi mọi người: “Vị hòa thượng này là ai? Lai lịch là gì?”
Có người nói với bọn cướp: “Đây là Pháp sư Huyền Trang từ Đông Thổ Đại Đường đi lấy kinh. Việc các ngươi làm đều khiến thượng thiên phẫn nộ, các người còn không mau sám hối!”
Bọn cướp vội vàng khấu đầu bái lạy trước Đại sư Huyền Trang. Lúc đó Huyền Trang đã đả tọa nhập định, nhìn thấy mình bay qua ba tầng trời Tu Di Sơn, chứng kiến sự trang nghiêm nơi xứ Phật…
Sóng gió dần dần đi, bọn cướp lấy tay chạm vào người Đại sư Huyền Trang. Đại sư liền xuất định và hỏi: “Đã đến lúc rồi sao?” Ông nghĩ rằng đã đến lúc bị bọn cướp chém đầu rồi.
Bọn cướp lập tức hoan hô vui mừng nói: “Pháp sư vẫn chưa tọa hóa!” (Ngồi thiền mà ra đi). Chúng lập tức đến bên ông vái lạy mà sám hối. Huyền Trang khai thị Phật Pháp cho chúng và khuyên bảo chúng rằng đừng vì lợi ích nhất thời mà gieo xuống hậu quả khôn cùng. Kết quả, tất cả bọn cướp đều vứt bỏ hung khí, từ bỏ sát nhân, thụ ngũ giới và quy y chính đạo. Từ đó về sau, chúng gặp ai cũng ca tụng uy đức của Đại sư Huyền Trang và kể về niềm vui khi được độ của mình. Người đời cũng tán tụng không ngớt.
Đường Tăng thật, thỉnh kinh,
Nhân vật Đường Tăng do diễn viên Từ Thiếu Hoa thủ vai được coi là thành công nhất trong phim Tây Du Ký. (Ảnh: hkgalden.com)
Khác với hình tượng Đường Tăng trong tiểu thuyết và phim ảnh là một tín đồ đạo Phật thành tâm, rất tốt bụng, nhưng trước khó khăn thì đành chịu, thậm chí nhút nhát, cẩn thận dè dặt quá mức, ở ngoài đời, thực, Đường Tăng lại là một vị đại sư gan dạ, giàu lòng bác ái và luôn tin tưởng vào sự thành tâm của đạo Phật.
Chuyến đi của Đường Tăng không gặp phải yêu tinh ăn thịt người nhưng cũng gặp không ít khó khăn vất vả. Có khi ông phải nhịn đói nhịn khát suốt 7, 8 ngày ròng rã giữa sa mạc nắng chang chang, không một bóng cây, không người qua lại. Hay bị thổ dân ăn thịt người bắt giữ, song lần nào ông cũng tự nhủ: “Thà đi về phía Tây mà chết chứ quyết không quay về Đông mà giữ lấy mạng sống”.
13 năm lưu trú tại Ấn độ, Đường Tăng đã đi viếng hầu hết các di tích của đạo Phật, ở lại chùa Na Lan Ðà, học đạo trong 6 năm. Sau 6 năm học tập, Đường Tăng là một trong ba người học trò giỏi nhất của vị cao tăng Giới Hiền. Theo sách khảo cứu Pháp văn, Đường Tăng là một nhà sư có đạo đức và là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học đa tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng. Lúc còn ở Tây Phương, đi đến đâu, thầy cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình từng địa phương.
Trưa Mùng 5/2/664, Đường Tăng đã viên tịch vì bệnh tại chùa Ngọc Hoa, thọ 69 tuổi. Sử chép rằng, ngày cử hành tang lễ có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận theo về để đưa tiễn. Đám táng xong, có đến 3 vạn người cất lều cư tang gần mộ phần. Có lẽ từ xưa đến nay đến đế vương cũng chưa có vị nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị thánh tăng có một không hai này.
TinhHoa tổng hợp

TT BỘ VHTTDL: BỊ TỔNG CỤC DU LỊCH LỪA..." NỘI DUNG 2383 LÀ Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PTT VŨ ĐỨC ĐAM..( LỪA THÌ CÁCH CHỨC)

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: "Tôi xin lỗi anh Huỳnh Tấn Vinh vì sự cố đáng tiếc này!"

 Chính trị - Xã hội

(PL+) - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái có chia sẻ xung quanh quyết định thu hồi lại văn bản đề nghị xử lý Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng.


Sáng 5/6, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã lý giải với Pháp Luật Plus, về việc ông ký ban hành văn bản yêu cầu thu hồi lại văn bản đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng.
Trước đó, vào ngày 2/6, văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL do chính Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký, nêu rõ tại tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà", ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, đã phát biểu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà "thiếu chính xác".
Nội dung "thiếu chính xác" được Bộ dẫn ra là ông Vinh nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
Việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh bị đánh giá là là "chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề", Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Huỳnh Tấn Vinh giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15/6.
40 móng biệt thự không phép xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.
40 móng biệt thự không phép xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.
Tuy nhiên, sau khi văn bản này được ban hành đã gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận, đến sáng 4/6, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch thu hồi văn bản ngày 2/6 là văn bản này có một số nội dung "chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm". Bộ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp khách quan và khoa học về vấn đề quy hoạch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Tổng cục Du lịch được giao làm rõ trách nhiệm tham mưu ban hành văn bản và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 5/6. Trong thông cáo gửi báo chí Bộ Văn hóa đã "nhận trách nhiệm về những sơ suất tại nội dung văn bản nêu trên".
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xin lỗi dư luận vì sự cố đáng tiếc này. Ảnh: Tổ quốc.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xin lỗi dư luận vì sự cố đáng tiếc này. Ảnh: Tổ quốc.
Chia sẻ với Pháp Luật Plus, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Tối ngày thứ sáu (2/6), Tổng cục Du lịch đề nghị tôi ký gấp một văn bản nói chung quanh vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Khi xem xong, tôi không đồng ý, nhưng Tổng cục Du lịch du lịch nói việc này do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo. Trước khi ký vào văn bản, tôi đã sửa nội dung cho nhẹ nhàng đi so với ban đầu rất nhiều".
"Tuy nhiên, khi văn bản xuất hiện trên mạng phản ánh, tôi nhận điện thoại của Phó thủ tướng cho biết không chỉ đạo việc này. Tôi đã xin ý kiến Bộ trưởng để ra quyết định thu hồi văn bản kể trên. Bản thân tôi xin lỗi Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, anh Huỳnh Tấn Vinh và dư luận về sự cố đáng tiếc trên".
Khi phóng viên Pháp luật Plus hỏi về trách nhiệm của Tổng cục Du lịch ra sao, sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết không chỉ đạo như Tổng cục Du lịch báo cáo? Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết sẽ đưa vấn đề này ra làm rõ trong cuộc họp liên quan việc thu hồi văn bản đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, trong cuộc họp sáng nay (5/6).
Bảo Hà - Nguyễn Tuấn

KIỂM TRA TÀI SẢN 1000 QUAN CHỨC- ĐÒN HUYẾT CHIẾN CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG; SỐ PHẬN CỦA ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG CÓ GIỐNG " TRỨNG TREO ĐẦU ĐẲNG" ?

Gần một tuần sau khi Hội nghị 5 trung ương đảng kết thúc và đúng 10 ngày sau khi ông Đinh La Thăng bị cách chức Ủy viên Bộ chính trị và Bí thư thành ủy Sài Gòn, báo Thanh Tra đăng một bài viết đề cập việc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, nơi con trai của ông Dũng làm Bí Thư, bị điều tra vì vi phạm Luật Tài Nguyên hôm mồng 16 tháng 5.


Tuy nhiên, ngày hôm sau 17 tháng 5, bài báo nói trên đã bị rút xuống. Đây cũng là ngày diễn ra buổi nói chuyện của ông Nguyễn Phú Trọng về kết quả Hội nghị 5 với khoảng 200 cựu cán bộ lãnh đạo đảng và nước, trong đó có sự hiện diện của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ngay sau khi dự buổi nói chuyện của ông Trọng ở văn phòng Trung ương đảng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được mời đi tham quan tại hai Tỉnh Quảng Ninh và Thành phố cảng Hải Phòng trong hai ngày 18 và 19.

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng quay trở lại Hà Nội dự cuộc họp do ông Trọng chủ tọa và cũng là lần đầu tiên ông Dũng được lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh và Thành Phố Hải Phòng chính thức mời tham quan một số dự án xây dựng hạ tầng lên đến hàng trăm triệu Mỹ Kim, đã từng được ông Dũng chấp thuận khi còn là Thủ tướng.

Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng đi tham quan ở Hải Phòng, ông Trần Quốc Vượng, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương đảng, đã bay vào Kiên Giang làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ.

Những động thái nói trên cho thấy là phía ông Nguyễn Phú Trọng đang bắt đầu “tạo vấn đề” đối với ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông Dũng trên mặt dư luận, từng bước phanh phui những bê bối ở Kiên Giang – Phú Quốc – sào huyệt của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay.

Đây là cách tấn công địch thủ đã từng được Tập Cập Bình áp dụng trong cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” từ năm 2013 cho đến nay. Đó là tung ra một vài mẩu tin trên mạng xã hội, sau khi nó lan rộng và tạo chú ý trong dư luận, thì những tờ báo đảng bắt đầu những bài viết luận tội đi kèm với một số những phát biểu của các cựu viên chức cao cấp trong ngành kiểm tra, thanh tra của Trung ương, nhằm chuẩn bị cho ủy ban kiểm tra trung ương nhập cuộc điều tra.

Trong trận chiến bắt hai con hổ Bạc Hy Lai vào tháng 7 năm 2012 và Chu Vĩnh Khang vào tháng 7 năm 2014, Tập Cận Bình đã tốn hơn 2 năm trước đó với nhiều thế trận.

Trên mặt dư luận, họ Tập đã phanh phui rất nhiều những sai phạm và đời tư bê bối của các con hổ. Sau khi cho thấy hình ảnh “tồi tệ” của đối thủ, báo chí đảng bắt đầu phanh phui những quyết định sai trái dẫn đến những thiệt hại to lớn cho đất nước với những phát biểu đi kèm của một số cựu cán bộ. Trên mặt đảng, Ủy ban kiểm tra trung ương bắt đầu cho điều tra những cáo buộc của “dư luận” bằng cách ngưng các trách vụ và dẫn đến những biện pháp kỷ luật sau đó.

Với con hổ Nguyễn Tấn Dũng, phe Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ không dám khinh thường vì đối thủ có nhiều tiền, nhiều đàn em và được mệnh danh là “bố già” của băng lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cũng như trong bộ máy chính phủ hiện nay.

Nguyễn Phú Trọng tuy đã triệt hạ được một số “cận thần” của ông Dũng như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Xuân Sơn, Đinh La Thăng… nhưng đàn em của ông Dũng còn rất nhiều.

Hơn thế nữa, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nắm nhiều trách vụ cao ở trong đảng trước cả ông Nguyễn Phú Trọng gần 10 năm. Ông Nguyễn Tấn Dũng bước vào Trung ương đảng từ khóa VI (1986) trong khi ông Nguyễn Phú Trọng chỉ mới được bầu bổ xung vào Trung ương đảng tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của khóa VIII vào năm 1994. Vì thế, phe ông Trọng sẽ không thể đánh trực diện ông Dũng mà tung thủ đoạn tấn công con cái ông Dũng, đó là vợ chồng Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Thanh Nghị.

Nói cách khác, uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhiều ở trong đảng nên Nguyễn Phú Trọng khó cô lập. Thay vì đánh trực diện, Nguyễn Phú Trọng phải chơi đòn đánh vòng. Đó là đánh vào thân nhân và hàng hậu duệ của ông Dũng. Tuy bẩn nhưng chắc ăn!

Do đó, việc ông Trọng cho điều tra những vi phạm luật Môi trường của Nguyễn Thanh Nghị tại Kiên Giang, tuy chỉ mới phe phẩy ngoài da giống như khởi đầu vụ Trịnh Xuân Thanh bằng việc phanh phui chiếc xe lexus chạy bảng số biển xanh ở Hậu Giang. Mấu chốt là ông Trọng có dụ được một đàn em ông Dũng như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng hợp tác tố cáo những sai phạm của ông Dũng qua một số vụ hay không, tiêu biểu như:

– Chỉ đạo các ban ngành tiến hành dự án Bauxite tại Tây Nguyên (29/4/2009).

– Thất bại trong việc đổ 8 tỷ Mỹ Kim vào nền kinh tế để kích cầu sau vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2008-2009.

– Để hai Tập đoàn Vinashin và Vinalines phá sản làm thiệt hại khoảng 20 tỷ Mỹ Kim.

Nếu ông Trọng lập được các cáo trạng để quy trách nhiệm chỉ đạo của ông Dũng về các vụ việc nói trên như đã từng làm đối với ông Thăng thì chắc chắn ông Dũng khó thoát. Nhưng khi ông Trọng làm được điều này thì chính bản thân đảng CSVN sẽ rệu rã tới mức sụp đổ vì hai phe sẽ quy trách nhiệm cho nhau trong cuộc chiến dư luận bất phân thắng bại, và những thủ đoạn sát hại, bắt bớ, truy lùng, thủ tiêu, đầu độc, tự tử như… đã và đang xảy ra tại Bắc Kinh với Tập Cận Bình.

Cuộc nội chiến giữa ông Trọng và ông Dũng sẽ là dấu ấn kết thúc một chế độ gian ác đã kéo dài quá lâu trên đất nước.

Trung Điền

(CTM)


Không còn nghi ngờ gì nữa, với quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1,000 quan chức cao cấp được ban hành vào ngày 23 Tháng Năm, Bộ Chính Trị của ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến thêm một bước dài và mạo hiểm trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa “chống tham nhũng” vừa kiểm soát quyền lực – hành động tương tự như “cuộc cách mạng long trời lở đất” mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

“Học tập” Trung Quốc?

Có những điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức:

-Chủ thể của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức ở Trung Quốc là CCDI, còn ở Việt Nam là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.

-Đối tượng quan chức bị kiểm tra tài sản ở Trung Quốc là các cán bộ do Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý. Ở Việt Nam cũng tương tự. Theo đó, các quan chức Việt Nam nằm trong diện bị kiểm tra tài sản sẽ bao gồm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên trung ương, ủy viên thường vụ của các tỉnh/thành ủy. Con số này vào khoảng 1,000 người.

-Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.

-Một điểm tương đồng nữa giữa Trung Quốc và Việt Nam là sau khi “làm” xong, cơ quan kiểm tra trung ương “sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân.”

Sau khi có quy định của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Việt Nam hứa hẹn sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào; cũng sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào.

Tháng Năm rúng động ở Việt Nam. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà quy định về kiểm tra tài sản 1,000 quan chức được Tổng Bí Thư Trọng tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, bí thư thành ủy ở Sài Gòn. Năm năm trước, 2012, Trung Quốc đã “đả hổ” ông Bạc Hy Lai, bí thư Trùng Khánh, sau đó tiến hành chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ và chống tham nhũng mà đã khiến có đến 80 quan chức phải tự sát.

Cứ ứng với thành ngữ “ăn của dân không chừa thứ gì,” ít nhất hàng ngàn tâm trạng đang mất ăn mất ngủ vì lo sợ bị “bóc” sạch của nổi của chìm.

Vậy chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ có thể được triển khai ra sao ở Việt Nam?

“Kinh nghiệm” Trung Quốc

Năm 2013, tờ New York Times trích dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc, đưa tin rằng một khẩu hiệu mới đã trở nên phổ biến trong giới quan chức chính phủ: “Ăn lặng lẽ, đi nhẹ nhàng, chơi bí mật.”

Kinh nghiệm Trung Quốc mà các đoàn Việt Nam có thể đã “học tập” từ các chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng vào năm 2015 và 2017 là sau khi các báo cáo kê khai của cá nhân được nộp đầy đủ, các cơ quan giám sát kỷ luật sẽ lựa chọn các báo cáo một cách ngẫu nhiên và kiểm tra thật kỹ lưỡng các báo cáo này. Bất cứ ai bị phát hiện khai báo không trung thực sẽ bị khóa tài khoản.

Trong năm 2015, hơn 3,900 quan chức Trung Quốc bị loại khỏi danh sách đề nghị thăng chức và 124 người bị giáng cấp. Năm 2016, 10% tổng số báo cáo kê khai được kiểm tra, giảm 5% so với năm trước đó.

Sau vụ Bạc Hy Lai, ông Tập Cận Bình và nhân vật được xem là “số 2,” ông Vương Kỳ Sơn của CCDI – đã “làm” tiếp Bộ Công An của ông Chu Vĩnh Khang. Tiếp đến là quân đội Trung Quốc. Để thăng tiến, các sĩ quan quân đội cấp thấp thường hối lộ các sĩ quan cấp cao hơn với quà tặng và tiền hoặc hàng hóa xa xỉ. Năm 2014, các nhà chức trách bắt giữ ông Từ Tài Hậu, một tướng đã nghỉ hưu từng là ủy viên bộ chính trị và là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc. Trong ngôi nhà của ông này, họ phát hiện ra vô số vàng, tiền mặt, trang sức và những bức họa có giá trị – những món quà tặng mà đảng buộc tội là từ các sĩ quan cấp thấp, những người tìm cách tiến thân trên dây chuyền chỉ huy.

Các cuộc điều tra được CCDI dẫn dắt. Ủy ban cử các tổ điều tra tới kiểm tra tất cả các bộ và cơ quan và mọi doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước. Các tổ điều tra này có quyền lực không hạn chế để điều tra, bắt giữ và thẩm vấn hầu hết tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là các quan chức chính phủ, phần lớn trong số họ là đảng viên. Một khi tổ điều tra tin rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng về hành vi sai trái, thì CCDI sẽ khai trừ những người thuộc diện tình nghi ra khỏi đảng rồi sau đó giao họ cho hệ thống pháp lý để truy tố.

Trong tuyên bố vào nửa đầu năm 2017, CCDI khẳng định biết rõ chỗ ẩn náu của khoảng 1/3 đối tượng trong tổng số gần 1,000 đối tượng (bị truy nã vì cáo buộc các tội danh tham nhũng) đang lẩn trốn, sống lưu vong ở nước ngoài.

Thậm chí, CCDI còn có quyền lực vượt cả ngành công an. Nếu luật pháp Trung Quốc chỉ cho phép cảnh sát bắt giữ nghi can trong bảy ngày mà không chính thức buộc tội người đó, trừ phi cảnh sát có được sự cho phép rõ ràng từ các nhà chức trách pháp lý để gia hạn thời gian giam giữ, thì CCDI bắt giữ nghi can trong thời gian dài hơn mà không tìm kiếm bất kỳ sự phê chuẩn nào và không đưa ra bất kỳ lời buộc tội chính thức nào, cho thấy một “tiêu chuẩn riêng biệt” dành cho cơ quan đặc biệt này.

Làm thế nào có được “Vương Kỳ Sơn Việt Nam?”

Ở Việt Nam, ngay sau khi công bố quy định của Bộ Chính Trị về kiểm tra tài sản 1,000 quan chức, báo Quân Đội Nhân Dân đã có bài viết với tựa đề đáng chú ý “Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của đảng để kiểm soát quyền lực,” trong đó nhấn mạnh việc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã ngợi khen: “Một điểm sáng nổi bật của năm 2016 là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương… việc nào ra việc nấy…”

Hiển nhiên, mục tiêu của đảng không còn đơn thuần là “chống tham nhũng,” mà kể cả kiểm soát quyền lực, đặc biệt sau “bài học Nguyễn Tấn Dũng.”

Kiểm soát quyền lực lại là một đề tài được phe đảng khơi mào từ trước đại hội 12 và ngày càng dồn dập cho đến nay.

Gần một năm rưỡi sau đại hội, ông Trọng đã không chần chờ thêm nữa. Những gì thuộc về cái “dây cũ” cần phải bị thanh loại. Một cuộc “thay máu nhân sự” để phục vụ cho sự nghiệp chỉnh đảng đã bắt đầu.

Thế và lực của ông Trọng cũng bởi thế được dự đoán bắt đầu mang tính tập quyền hơn sau Hội Nghị Trung Ương 5, hướng theo cái cách mà ông Tập Cận Bình đã khởi sắc hẳn từ năm 2013.

Nếu giấc mơ “nhốt quyền lực vào lồng” biến thành hiện thực, đoạn cuối sự nghiệp chính trị của ông Trọng sẽ có một nét gì đó có thể bằng vai với chiến dịch “những việc cần làm ngay” của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh giai đoạn 1986-1989.

Vấn đề còn lại là ông Trọng sẽ làm thế nào để có thể so sánh với vai trò độc tôn tập quyền của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc thời đương đại.

Chỉ có điều, người trợ lý trước đây của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng, dù đang đảm trách chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, nhưng với tính cách nhu mì dễ bảo, ông Vượng khó lòng có thể trở thành một Vương Kỳ Sơn Việt Nam – kiệm lời, lạnh lẽo, thâm hiểm và sắt đá.



Cái giá trị của ông Vương Kỳ Sơn đã trở nên một thành tố không thể thiếu làm nên công thức Tập Cận Bình ngày nay. Kết quả sơ bộ của chiến dịch “chống tham nhũng” ở Trung Quốc là “phái Giang Trạch Dân” (tổng bí thư cũ) bị loại ra gần hết.

Có thể ông Trọng đang mơ màng đến “mô hình Tập Cận Bình.” Nhưng chính một cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam lại đang nhắc nhở ông Trọng về những thách thức rất lớn dành cho ý tưởng kiểm tra tài sản quan chức: tính khả thi của quy định này phụ thuộc nhiều vào việc “ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra.”

Nếu “Vượng” không thể trở thành “Vương” và cũng chẳng có người nào khác trong Bộ Chính Trị đảng CSVN có thể có được năng lực ấy, tương lai của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức sẽ có thể rơi vào lối mòn tuyệt vọng: chỉ phát hiện năm trường hợp kê khai không trung thực trong 1 triệu quan chức Việt kê khai tài sản!

Phạm Chí Dũng

(Người Việt)

Vây cánh của Hillary Clinton làm môi giới cho CSVN

Vào tháng Năm năm ngoái, Tổng Thống Obama quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khi đối với Cộng Sản Việt Nam, một bước đi chiến lược cho phép giới kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ bán vũ khí cho Cộng Sản Việt Nam với hy vọng chế độ Cộng Sản này sẽ đi đến cởi mở hơn, tiến bộ hơn về nhân quyền.

binh dang thue: la bai tay cua hillary clinton hinh anh 1

Và đây dĩ nhiên là một thắng lợi lớn cho chế độ Cộng Sản, vẫn thường xuyên chà đạp sách nhiễu các phóng viên báo chí, sư tăng linh mục, những người bất đồng chính kiến cũng như những người viết blog độc lập. Kết quả bãi bỏ cấm vận vũ khí bất chấp những vi phạm nhân quyền của chế độ Cộng Sản này có lẽ hoàn toàn nhờ vào khả năng vận động hậu trường của nhóm môi giới chính trị Podesta- một nhóm môi giới chính trị đầy thế lực có quan hệ chặt chẽ với vây cánh bà Clinton và giới sản xuất kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ. (2)

Bà Clinton im như hến không chỉ trích quyết định này của tổng thống Obama, một quyết định bị lên án mạnh mẽ bởi hầu hết các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền. Thế nhưng nhóm môi giới chính trị vây cánh của Bà tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã nhận được một triệu đô để hóa giải mọi chống đối quyết định bải bỏ cấm vận vũ khí giùm cho chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị phi nhân này. Tài liệu các bản hợp đồng cho thấy nhóm môi giới Podesta đã tiếp xúc với hầu hết các hãng thông tấn lớn và chính giới ở Quốc Hội Hoa Kỳ để thuyết phục thúc đẩy quan điểm về sự cần thiết gia tăng hợp tác với Việt Cộng. Tiền nào của đó, nay thì Cộng Sản Hà Nội đã đạt được những gì mình muốn.

Vây cánh và bản thân bà Clinton thủ kín như bình không bình luận gì để cho thấy là họ ủng hộ hay phản đối quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Cộng Sản Việt Nam của Tổng Thống Obama. Nhưng một trong những trợ tá đắc lực của Bà khi còn làm việc ở bộ Ngoại Giao đã vận động cho Cộng Sản Hà Nội gần hai năm, nhất là vào giai đoạn hiệp ước TPP đang được đem ra bàn cãi, và nhóm môi giới chính trị của ông ta cũng được hãng Boeing và Lockheed Martin thuê mướn cùng lúc, đây là hai công ty sản xuất đồ quốc phòng sẽ có lợi nhuận lớn từ thị trường Việt Nam nếu cấm vận vũ khí được bãi bỏ.

Nhân vật này chính là David Adam. Theo tường trình của hãng thông tấn the Hill, Adam, nguyên trợ lý trưởng tư pháp cho bà Clinton tại bộ Ngoại Giao, và hiện đang là người điều hành nhóm môi giới chính trị Podesta, tự mình điều khiển quán xuyến trách nhiệm vận động hậu trường cho Cộng Sản Việt Nam.

Adam thừa nhận trước truyền thông "Phải thừa nhận trách nhiệm này hết sức cực nhọc tốn công." (3)

Adam đã từng làm việc sát cánh với bà Clinton và Huma Abedin để đảm bảo Bà được đề cử chức bộ trưởng Ngoại Giao. Ông dự họp với Bà mỗi ngày thông qua email riêng làm bùng nổ nhiều phiền phức sau này khi Bà ra ứng cử và buộc cơ quan Điều Tra Liên Bang FBI phải nhảy vào điều tra.

"Vụ email bùng nổ khi cả tôi và Hillary nhận ra sự thiếu sót của nhân viên kỹ thuật!" Adam trả lời báo chí. Ông nói tiếp "Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện hệ thống email lại quan trọng như vậy."

Sau khi thôi việc ở bộ Ngoại Giao, Adam vào đầu quân cho nhóm môi giới chính trị Podesta, một trong những nhóm môi giới chính trị đầy thế lực ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tony Podesta là giám đốc và đồng sáng lập Podesta cùng với người anh của mình, là John Podesta- nguyên là trưởng ban vận động tranh cử tổng thống cho ứng cử viên Bill Clinton, và sau cũng là Chánh Văn Phòng phủ Tổng Thống dưới thời của Bill. (4)

Hồ sơ của bộ Tư Pháp về những bản hợp động vận động cho các chính phủ ngoại quốc ở Hoa Thịnh Đốn gọi tắt là FARA cho thấy nhóm môi giới chính trị Podesta được Cộng Sản Hà Nội trả 30 ngàn đô mỗi tháng từ ngày 2 tháng 12 năm 2013 đến 31 tháng 12 năm 2015. Tổng kết lại thì tổng số tiền mà Cộng sản hà Nội trả cho nhóm môi giới chính trị Podesta là một triệu tám đô.

Adam và phát ngôn viên đại diện cho nhóm môi giới chính trị Podesta không trả lời hay bình luận thêm về bản hợp đồng đối với chế độ Cộng sản Việt Nam khi được phỏng vấn, nhưng hồ sơ FARA cho thấy nhóm môi giới chính trị Podesta đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ trên dưới cả chục văn phòng đại diện của các chính khách ở Quốc Hội, cũng như giới chức của các hãng truyền thống lớn tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn như Politico, Roll Call, CNN, The Hill, PBS NewsHour, the Washington Post, National Geographic, The Food Network, The New York Times, và the Wall Street Journal để thay đổi dư luận và suy nghĩ của công chúng Mỹ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Hồ sơ FARA không đưa ra chi tiết về từng cuộc gặp gỡ, kể cả những cú liên lạc điện thoại hay email.

Nhưng Dân Biểu Chris Smith của tiểu bang New Jersey thì nói với lại tạp chí The Daily Beast rằng chính nhóm môi giới chính trị Podesta đã tìm đủ cách vận động chống lại đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam do ông đề nghị. Dân Biểu Smith, người theo đạo Công Giáo và có lập trường cứng rắn bảo thủ, rất quan tâm chú trọng đến lãnh vực nhân quyền, đã phải lận đận đệ trình đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam trong năm kỳ Quốc Hội (2004, 2007, 2012, 2014, and 2015).

Chống lại đạo luật này, như Thượng Nghị Sĩ John MacCain chẳng hạn, lập luận rằng hợp tác sâu rộng hơn nữa với Cộng Sản Việt Nam sẽ đem đến nhiều điều lợi cho người dân Việt Nam hơn là dùng vấn đề nhân quyền để dồn Cộng Sản Việt Nam vào chân tường, có nhân quyền thì mới có sự trợ giúp hợp tác của Hoa Kỳ. (5)

Đạo luật về Nhân Quyền Cho Việt Nam hầu hết đều được thông qua ở Hạ Viện mỗi lần đệ trình nhưng lại bị Thượng Viện bác bỏ. 

Dân Biểu Smith khẳng định như sau: "Nhóm môi giới chính trị Podesta khẳng định ngay trước mặt tôi rất cương quyết là họ sẽ làm đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam do tôi đề nghị không thể thông qua lưỡng viện quốc hội. Đây là một sự thật! "

Dân biểu Smith còn cho biết thêm: "Tất cả bọn môi giới chính trị này chỉ chạy theo đồng tiền, thật là bực mình khi thấy họ chẳng màng gì đến thảm cảnh những người bất đồng chính kiến với chế độ Cộng sản Việt Nam, họ chỉ quan tâm đến quyền lợi của thân chủ đang trả tiền cho họ mà thôi. Trong trường hợp này, thân chủ của họ là một chế độ Cộng sản chà đạp quyền con người trắng trợn, bất cứ một ai khi bị bắt vì bất đồng chính kiến với chế độ đều bị hành hạ tra tấn cả." (6)

Duy Hoàng, đại diện cho đảng Việt Tân vốn hiện đang bị vu khống là nhóm khủng bố, nói là chế độ Cộng sản Việt Nam cần giúp đỡ để che đậy bản chất độc tài trước công chúng Mỹ càng nhiều càng tốt.

Ông Hoàng nói: "Quá rõ là chế độ Cộng Sản Việt Nam chà đạp nhân quyền, và đó là lý do tại sao chế độ tàn bạo này phải tra tiền cho bọn môi giới chính trị tối đa để che đậy. Nhưng bất luận là có che đậy cỡ nào đi nữa, bọn môi giới chính trị cũng không thể nào giấu nhẹm sự thật là những người bất đồng chính kiến bị giam cầm, người dân biểu tình bị đánh đập dã man. Những sự thật này, theo tôi nghĩ, các nhóm nhân quyền và mọi người quan tâm đến Việt Nam đều hiểu rõ. " 

Vào thứ Hai, ngày 23 tháng Năm, ngày đầu tiên tổng thống đến Việt Nam, ông đã không mạnh dạn chỉ trích sự chà đạp quyền con người của chế độ Cộng Sản này, mà ngược lại, lại ca ngợi mơ hồ lấp liếm là Việt Nam có tiến bộ trong những lãnh vực chúng ta tức người Mỹ quan tâm cũng như không hề khẳng định "nhân quyền là lãnh vực còn nhiều bất đồng giữa hai quốc gia." Vào thứ Ba, Tổng Thống Obama gặp gỡ những người tranh đấu cho nhân quyền nhưng chế độ Cộng sản đã ngăn cản, bắt bớ trái phép nhiều người trong danh sách sẽ được gặp ông. (7)

Cộng Sản Việt Nam thả một người bất đồng chính kiến đã 80 tuổi là Linh Mục Thaddeus Nguyễn Văn Lý trước lúc Tổng Thống Obama viếng thăm Việt Nam vài ngày. Nhưng luật sư nhân quyền Kate Barth của hội "Freedom Now", người đã vận động để Linh mục Lý và nhiều nhà đấu tranh khác được tự do, cho các phóng viên tại buổi họp báo càu Quốc Hội biết là sức khỏe của Linh mục Lý đang suy sụp và ông vẫn còn bị quản chế tại gia.

Luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm, gởi thư cho tạp chí Daily Breast báo rằng ông bị chính quyền ngăn cấm không thể gặp Tổng Thống Obama.

Ông viết: "Cộng sản Hà Nội chỉ cho phép những ai mà họ cảm thấy an tâm đi gặp Obama. Còn lại hầu hết là bị bao vây cưỡng chế không thể đi ra ngoài, kể cả tôi.” (8)

Hàng loạt các bản tường trình cho thấy Cộng Sản Hà Nội gia tăng sách nhiễu, theo dõi, và gây hấn các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam khi Tổng Thống Obama sang thăm.

Dân Biểu Sanchez ủng hộ đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam của Dân Biểu Smith. Bà là người công khai chỉ trích mạnh mẽ sự đối xử tàn bạo của chế độ đối với những người đấu tranh cho dân chủ, những người thành lập công đoàn độc lập, và những người bất đồng chính kiến với chế độ- mạnh mẽ đến nỗi vây cánh bà Clinton lo sợ. Trước khi Bà Clinton đọc diễn văn về vấn đề kiểm duyệt và cấm đoán sử dụng mạng internet vào ngày 21 tháng Giêng năm 2010, Scot Marciel, lúc bấy giờ là đại sứ của ASEAN, đã gởi một emai yêu cầu vây cánh bà Clinton cảnh giác (9). Sanchez đã yêu cầu phải gặp bà Clinton để bàn về sự phản đối của mình đối với hiệp định thương mại TPP bất chấp đến vấn đề nhân quyền, vốn được hậu thuẫn từ bà Clinton lúc bấy giờ; bà Sanchez lo lắng là chính phủ Hoa Kỳ đã lao vào ủng hộ hiệp định này quá vội vã mà sẵn sàng bỏ qua hoàn cảnh vi phạm nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. 

Marcell viết trong email yêu cầu cảnh giác như sau: "Sanchez có thể "lột áo" bà Clinton ra tại buổi đọc diễn văn về vấn đề tự do internet"

Toàn bộ nội dung của email hết sức méo mó. Trợ tá Abedin gởi email này đến Clinton. Trong bài diễn văn của mình ngày hôm đó, bà Clinton đã buộc phải chỉ trích Việt Nam đã bưng bít thông tin trên mạng và ngăn cản tự do tôn giáo.

Nhưng khi một người trong thính giả, hoạt động cho hội Cứu Trợ Thuyền Nhân hỏi Bà về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, thì bà lại trả lời là tình hình dân quyền tại Việt Nam được cải thiện ngày mỗi khá hơn. 

Bà Clinton nói: "Thưa là, chúng ta đã công khai chỉ trích các vụ bắt bớ giam cầm không những đối với các blogger tại Việt Nam mà còn cả với giới tu sĩ tăng lữ, linh mục và nhiều người khác bị chế độ Cộng sản Việt Nam giam cầm bắt bớ vô cớ. Từ đó, chế độ Cộng Sản Việt Nam đã có những bước cải thiện về nhân quyền đáng kể, nỗ lực không ngừng cải thiện đời sống người dân của họ" (10) 

Kể từ dạo đó đến nay, theo Smith, Sanchez và những nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam khẳng định, tình hình nhân quyền chỉ ngày một thêm tồi tệ.

Bà Sanchez khằng định: "Sự thật là có quá nhiều tù nhân chính trị tại Việt Nam hiện nay cho thấy những hứa hẹn cải thiện nhân quyền của chế độ Cộng Sản chỉ là hứa suông để nhận được ưu đãi hơn từ Hoa Kỳ mà thôi."

Dân Biểu Smith thì khẳng định bãi bỏ cấm vận vũ khí cho Cộng Sản Hà Nội chỉ khiến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thêm tồi tệ chứ không giống như John McCain lý luận.

Dân Biểu Smith nói: "Quân khí cụ do thám và vũ khí có sức sát thương mạnh đang được trao cho kẻ ác. Nhưng sự ngu xuẩn nhất của người Mỹ chúng ta là đã đi tin những lời hứa hẹn của chế độ Cộng Sản độc tài, cho là họ sẽ cải thiện nhân quyền để rồi chúng ta đi đến quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí.”

Tội tù vì bất đồng chính kiến đã không hề giảm sau khi Clinton và Obama ca ngợi tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam, cũng như cả hai Obama và Clinton không hề ngăn cản Podesta làm giàu trên xương máu của các tôi tù lương tâm ở xứ sở này. 

Nói như thế không có nghĩa là chỉ có Việt Nam là có lợi khi nhờ Podesta giúp bãi bỏ cấm vận mua bán vũ khí. Podesta cũng là đại diện cho hãng Boeing và Lockheed Martin (Podesta còn thậm chí quãng cáo trên trang mạng nhà của mình một trong những thành công lớn nhất của nhóm môi giới chính trị này là thỏa thuận thành công đem về những dự án quốc phòng cho các đại công ty làm đồ quốc phòng của Mỹ) Reuter cũng loan báo là đại diện của hai công ty Boeing và Lockheed gặp gỡ tiến hành trong bí mật một cuộc triển lãm hàng quốc phòng vào đầu tháng Năm năm 2016.

Hãng Reuter cho biết thêm: "Không thấy báo chí của đảng loan báo về cuộc triển lãm này. Cố tham dự phỏng vấn cuộc triển lãm này của Reuter đã không thành công và bộ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam đã biệt tâm để trả lời phỏng vấn."

Tòa bạch ốc biện minh cho hành động bãi bỏ cấm vận vũ khí của mình là giúp đẩy hai nước Mỹ- Việt hợp tác sâu rộng hơn nữa để khiến đời sống người dân tại Việt Nam được cải thiện.

Mọi người tranh đấu cho dân quyền hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này.

Ông Hoàng nói: "Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam được ổn định an ninh quốc gia. Thế nhưng thật ra, an ninh quốc gia của Việt Nam chỉ có thể ổn định và vững mạnh khi mà nhân quyền được tôn trọng trong thể chế dân chủ - thật sự hiện hữu ở xứ sở này.”

*

A . Chú Thích:

Betsy Woodruff (1)- Nguyễn Trọng Dân lược dịch

Nguồn: "http://www.thedailybeast.com/from-team-hillary-to-vietnam-lobbyist"

(1) Betsy Woodruff là một cây viết về chính trị rất sắc sảo nhưng lời văn nhẹ nhàng và chân thật. Hiện cô đang cộng tác cho tạp chí "The Daily Beast". Bài viết này của cô sát với tình hình nhân quyền tại Việt Nam và sát với những uẩn khúc đàng sau hậu trường quan hệ Việt Mỹ .

(2) Hai anh em Podesta, John và Tony thành lập nhóm môi giới chính trị Podesta vào năm 1988. John Podesta được coi là một người rất cáo già về chính trị, là một chiến lược gia nguy hiểm và đã từng giúp ứng cử viên non trẻ Bill Clinton thắng cử trước Tổng Thống Bush Cha dày dạn kinh nghiệm và vừa thắng trận ở Kuwait. john Podesta từng dạy luật ở đại học Georgetown.

(3) http://thehill.com/business-a-lobbying/lobbyist-profiles/242443-interpreting-foreign-policy

(4) Tác giả Betsy Woodruff vạch rõ ra mối liên hệ chằng chịt giữa Podesta và gia đình Clinton.

(5) Đây là một trong những lý luận ngụy biện có được sau khi Việt Cộng trả tiền Podesta môi giới vận động sau hậu trường chính trường Mỹ. Do đó, người Việt Hải Ngoại cần bỏ tiền ra để thuê mướn các nhóm môi giói chính trị vận động giúp người dân Mỹ hiểu rõ hơn về thực trạng nhân quyền của Việt Nam. Đây không phải là hối lộ mà là đối phó với Podesta và nổ lực dùng tiền vận động hậu trường của Việt Cộng.

(6) Chỉ trích không ăn thua, phải nghĩ cách đối phó.

(7) Ảnh hưởng của Podesta rất nguy hiểm, chúng ta không thể cứ vỗ ngực bảo phe ta có chính nghĩa dân quyền nên không cần lo. Thông qua vụ Obama này thì đã thấy rõ, Việt Cộng đạt được những gì mình muốn mà không cần cải thiện nhân quyền gì cả. Phải bẻ gãy mọi hướng vận động của Việt Cộng sau lưng hậu trường chính trường Mỹ thì mới được.

(8) Theo lời anh Quân như vậy thì chắc chắn những ai đi dự buổi gặp tổng thống Obama lúc đó chắc chắn sẽ có vài người là thuộc thành phần “dân chủ nằm vùng” cho Việt Cộng. Cần thấy mặt thấy hình để suy sét thận trọng 

(9) https://wikileaks.org/clinton-emails/emailid/3895

(10) Bà Clinton tuyên bố sai sự thật do vây cánh của mình đang nhận tiền của Việt Cộng.

B . Lời bàn: 

Việt Cộng đã đổ rất nhiều tiền để có được sư bao che của đảng Dân Chủ trong Toà Bạch Ốc suốt tám năm qua cũng như đổ quá nhiều tiền cho vây cánh Clinton lúc tranh cử. Nay Trump thắng cử, trong lúc Việt Cộng còn đang cần thời gian tìm kiếm móc nối nhóm môi giới chính trị thân cận Cộng Hòa hơn, người dân Việt Nam Cộng Hòa ở bên Mỹ cần phải kiếm đường vận động nhanh tay hơn Việt Cộng để dồn Hà Nội vào chân tường. Nhất là khi Trump ban hành sách lệnh cấm vận động cho các quốc gia ở nước ngoài khiến Việt Cộng thêm khó khăn, trong khi người dân mình ở ngay tại Mỹ, không vận động cho chế độ nào cả, mà chỉ cho người Mỹ hiểu rõ hơn về thực trạng nhân quyền của Việt nam hiện nay sau tám năm được bao che bởi tập đoàn Clinton-Obama. 
Trong bài viết, tác giả Betsy Woodruff có đề cập đến việc Podesta gặp hàng loạt các đại diện các hãng thông tấn lớn để bịt luồng tin tức từ các hãng này về thực trạng dân quyền của Việt Nam không đến được công chúng Mỹ. Nếu chúng ta không đủ sức làm chính phủ Mỹ thay đổi thái độ, thì ít ra, cũng phải vận động để tháo tung ảnh hưởng của podesta lên truyền thông Mỹ, khiến thực trạng nhân quyền của Việt Nam được lên news hay lên tin tức mỗi ngày ở các hãng truyền thông lớn tại Mỹ. PR- Public Relation (hay còn gọi là dư luận) rất quan trọng. Cứ ỷ mình có chính nghĩa nhân quyền rồi lơ là về khoảng vận động này là hỏng lớn!

Hãy vận động chính trường Mỹ, truyền thông Mỹ để trả thù cho cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn, người công dân Việt Nam Cộng Hòa bất khuất!

http://danlambaovn.blogspot.com/2017/06/ban-ve-vai-tro-cua-moi-gioi-chinh-tri.html

Betsy Woodruff 

Nguyễn Trọng Dân lược dịch

TT PUTIN THAM DỰ BUỔI TƯỞNG NIỆM HOÀNG GIA NGA BỊ CỘNG SẢN SÁT HẠI

Chuyện không tin được đã xảy ra: Nga tổ chức tưởng niệm hoàng gia Nga bị cộng sản sát hại
Đặng Tự Do 5/7/2017


Tổng thống Vladimir Putin nói: 
“Tội phạm này của cộng sản là khúc dạo đầu của các sự kiện bi thảm, gây bất đồng trong xã hội, tạo ra các xung đột dân sự bi đát, mà nước Nga đã phải đối mặt. Đó là những tổn thất nặng nề nhất, là một thảm hoạ quốc gia thực sự, là mối đe dọa cho sự sống còn của dân tộc Nga”.


Trong một sự kiện mà cách đây mấy thập niên, nằm mơ người ta cũng không tưởng tượng ra được, Tổng thống Nga đã cùng với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa tham dự lễ thánh hiến một cây thánh giá được đặt tại địa điểm nơi một thành viên hoàng gia Nga đã bị cộng sản ám sát.

Hoàng tử Sergey Alexandrovich, con thứ năm của Hoàng hậu Nicholas II, đã bị cộng sản ám sát vào năm 1905. Hoàng gia Nga lúc đó đã cho dựng một cây thánh giá để tưởng nhớ ông.

Sau cuộc cách mạng Bolshevik, đích thân Vladimir Lenin đến tận nơi trực tiếp giám sát việc phá hủy cây thánh giá này.

Trong diễn từ của ngài, được trực tiếp truyền hình, Đức Thượng Phụ Kirill lên án “sự khinh miệt mạng sống con người” và “sự sẵn sàng đưa mạng sống con người lên một bàn thờ đẫm máu của cuộc nổi dậy chính trị Bolshevik”.


(http://vietcatholic.org/News/Html/222409.htm )