Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Nga và Trung Quốc, bạn hay thù?


Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin ngày 08/05/2015.
Phát Thứ Năm, ngày 24 tháng 8 năm 2017

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những năm gần đây tỏ ra có quan hệ ấm áp. Tuy nhiên The Economist trong bài viết mang tựa đề « Nga và Trung Quốc, đối tác bấp bênh » đã nhận định,mối nghi ngờ tiềm ẩn giữa đôi bên cũng rất sâu sắc.

Hôm 21/07/2017, ba tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên tại Biển Baltic với hạm đội Nga. Hai cường quốc muốn gởi đi một thông điệp đến nước Mỹ cũng như người dân trong nước, rằng chúng tôi đoàn kết chống lại sự thống trị của phương Tây, không sợ hãi trong việc biểu dương lực lượng ngay tại sân sau của NATO ! Cuộc tập trận cũng nhằm chứng tỏ tình hữu nghị Nga-Trung thắm thiết như thế nào. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu kể từ sau cuộc chiến tranh lạnh giữa Matxcơva và Bắc Kinh từ thập niên 60 đến thập niên 80.


Có thể kể ra nhiều sự kiện mang tính biểu tượng như thế lúc gần đây. Tháng Bảy năm nay, trên đường đến Đức dự hội nghị G20, ông Tập Cận Bình đã dừng chân ở Matxcơva. Đồng nhiệm Nga, ông Vladimir Putin quàng vào cổ ông huân chương St Andrew, tấm huy chương cao quý nhất của nước Nga. Truyền hình nhà nước Nga ca ngợi : « Nga đang xoay trục sang phương Đông, còn Trung Quốc quay sang hướng Tây, về phía nước Nga ». 

Từ khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình thăm Matxcơva nhiều hơn hẳn bất cứ thủ đô nào khác. Năm 2013, trong hội nghị APEC ở Indonesia, ông Tập còn tham dự buổi lễ sinh nhật của ông Putin. Bên ly vodka, Vladimir Putin kể về người cha từng tham chiến chống Đức quốc xã, còn Tập Cận Bình hồi tưởng về người cha chống Nhật. 

Năm 2015, ông Tập là khách mời danh dự trong cuộc diễn binh kỷ niệm 70 kết thúc Đệ nhị Thế chiến – bị phương Tây tẩy chay vì Nga xâm chiếm Crimée. Bốn tháng sau, ông Putin có mặt trên khán đài ở Bắc Kinh, dự khán cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản. Lần đó cũng chỉ có mỗi mình bà Park Geun Hye, tổng thống Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, tham dự.

Sao chép cách cai trị độc tài của nhau

Tập Cận Bình và Vladimir Putin học hỏi kinh nghiệm độc tài của nhau. Trung Quốc cóp lại các đạo luật cứng rắn của Nga về các tổ chức phi chính phủ (NGO), còn điện Kremlin cố tìm hiểu Bắc Kinh kiểm duyệt internet như thế nào. Trong chuyến thăm Matxcơva của ông Tập, bà Margarita Symonyan, giám đốc Russia Today, kênh truyền hình bằng tiếng nước ngoài của điện Kremlin nói với hai nhà lãnh đạo là Nga và Trung Quốc đều là « nạn nhân của thông tin khủng bố » từ báo chí phương Tây. Theo bà, cả hai nước cần phải giúp đỡ lẫn nhau vì « chúng ta đang đơn độc chống lại đạo quân hùng mạnh của truyền thông dòng chính phương Tây ».

Channel One, kênh truyền hình chính của nhà nước Nga vốn rất hăng hái chống Mỹ và bênh vực cho việc Nga sáp nhập Crimée của Ukraina, sau đó đã được phép khai trương dịch vụ truyền hình cáp tại Trung Quốc với phụ đề tiếng Hoa, mang tên Kachiusa – một loại hỏa tiễn thời Liên Xô cũ. 

Quan hệ giữa Nga và phương Tây bị đổ vỡ do cuộc xung đột Ukraina, đã khiến Matxcơva phải quay sang Trung Quốc. Nhưng theo các nhà quan sát, tình đồng chí này chỉ ngoài mặt, phía sau là những bất đồng sâu sắc. Nga cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga. Và Nga cảm thấy không thoải mái trước mối quan hệ mất cân bằng này, cho thấy một nước Nga vĩ đại chỉ là ảo tưởng. Matxcơva quan ngại trước người láng giềng nổi tiếng đầy tiềm năng kinh tế, và sức mạnh quân sự đang nhanh chóng gia tăng.

Về phía Trung Quốc thì lo ngại ý muốn thay đổi trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh của Nga. Bắc Kinh đã hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa, dĩ nhiên không muốn xáo trộn nguyên trạng.

Trong vụ Nga can thiệp vào Ukraina, các lãnh đạo Bắc Kinh giữ im lặng, cũng như Nga đã làm ngơ trước hành động bành trướng, bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên người ta ghi nhận, Bắc Kinh chưa hề chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimée. Sau cuộc « trưng cầu dân ý » giả tạo tại Crimée về việc gia nhập Liên bang Nga, cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã ra lệnh cho truyền thông không nhắc đến sự kiện này. Các quan chức Trung Quốc lo sợ người dân ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đòi độc lập, và cũng không muốn phe dân tộc chủ nghĩa nhân cơ hội này đòi sáp nhập Đài Loan.

Đối với Trung Quốc, quan hệ kinh tế và chính trị với Hoa Kỳ là hết sức quan trọng, còn thương mại Nga-Mỹ chỉ bình bình từ nhiều năm qua. Trong giao thương với Nga, Bắc Kinh chỉ quan tâm đến dầu khí. Năm ngoái Nga đã vượt qua Angola và Ả Rập Xê Út, trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2014 Nga và Trung Quốc đã ký kết hợp đồng lên đến 400 tỉ đô la, để khai thác hai mỏ khí thiên nhiên ở đông Xibêri bán cho Trung Quốc dự kiến bắt đầu từ 2019. Tuy nhiên hai bên đang bất đồng về việc tài trợ xây đường ống dẫn khí, Bắc Kinh không muốn đầu tư vào trong lúc giá dầu thế giới đang ở mức thấp.

Một trong số những mặt hàng xuất khẩu hiếm hoi nữa của Nga là vũ khí. Từ khi Liên Xô bị sụp đổ năm 1991, Nga đã bán cho Trung Quốc 32 tỉ đô la, chiếm khoảng 80% tổng số tiền Bắc Kinh đổ ra mua vũ khí. Gần đây Matxcơva cung cấp cho Trung Quốc loại hỏa tiễn địa đối không S-400 hiện đại, và chiến đấu cơ Su-35 lợi hại. Tuy nhiên điện Kremlin chỉ quan tâm đến vấn đề thương mại hơn là chiến lược : Nga cũng bán vũ khí cho các đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ và Việt Nam.

Ảo ảnh con đường tơ lụa

Với việc Nga bị phương Tây siết chặt về thị trường vốn, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp chính cho Nga. Các bạn bè của ông Vladimir Putin, bị phương Tây đóng sập cửa, là những người được hưởng lợi. Một trong số đó là Gennady Timchenko. Ông này là đồng sở hữu với con rể của ông Putin công ty hóa dầu Sibur. Tháng 12/2015, Sibur bán 10% cổ phần cho tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Sinopec, thu về 1,3 tỉ đô la và năm ngoái bán tiếp 10% cho Silk Road Fund. 

Đối với các lãnh đạo Bắc Kinh, hỗ trợ cho những nhân vật như thế là rất đáng đồng tiền bát gạo, để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng và vũ khí. Họ không mấy tin tưởng vào khả năng vươn lên của nền kinh tế Nga. Một chuyên gia Trung Quốc cho biết đối với Bắc Kinh, Nga chỉ đáng quan tâm về mặt an ninh chứ không phải kinh tế. Để thay đổi cách nhìn này, Nga cần phải cải cách kinh tế sâu rộng : sửa chữa những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp và định rõ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng dưới thời ông Vladimir Putin, không có hy vọng gì.

Trung Quốc không ảo tưởng về sức mạnh của Nga. Bắc Kinh biểt rằng Matxcơva yếu sức, và đang trên đà xuống dốc. Nhiều chính phủ Mỹ liên tiếp cũng kết luận như thế. Nhưng nếu các lãnh đạo Hoa Kỳ coi thường Nga, thì Trung Quốc lại làm ngược lại. Bắc Kinh cho rằng không nên chọc giận một cường quốc đang yếu đi, nhưng sở hữu vũ khí nguyên tử.

Trong lịch sử, « tình bạn không có gì lay chuyển nổi » giữa Nga và Trung Quốc mà Stalin và Mao Trạch Đông từng tuyên bố năm 1950, đã kết thúc bằng một cuộc nghênh chiến Nga-Trung không đầy 20 năm sau. Một cựu viên chức ngoại giao Trung Quốc nhớ lại, hồi đó dọc theo 4.200 km đường biên, hàng trăm ngàn quân Liên Xô và Trung Quốc đã dàn trận. Dân chúng vô cùng sợ hãi trước nguy cơ chiến tranh hiển hiện.

Phía Nga cũng rất cảnh giác trước Trung Quốc. Mặc cho cuộc tập trận trên Biển Baltic (và các cuộc tập trận chung khác trong hai năm qua trên Biển Đông và Địa Trung Hải), Nga vẫn cho thao dượt để đề phòng một cuộc chiến với Trung Quốc. Matxcơva sợ rằng nước láng giềng đông dân một ngày nào đó chiếm lấy vùng Viễn Đông cư dân thưa thớt của Nga. Các nhà hoạch định chiến lược Nga không quên lịch sử : dù ngoài mặt thơn thớt nói cười, nhưng Bắc Kinh có thể bỗng dưng đòi chia phần vùng đất này, trong đó có Vladivostok hồi thế kỷ 19 đã có một phần thuộc về vương triều nhà Thanh. 

Hai nước tranh giành ảnh hưởng tại Trung Á, nơi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ (trừ Uzbekistan), đồng thời là nhà đầu tư số một. Nga tự cho mình là sức mạnh quân sự và chính trị tối quan trọng tại vùng này, còn Trung Quốc chỉ tập trung vào kinh tế. Nhưng theo chuyên gia Úc Bobo Lo, tình trạng này không kéo dài. « Con đường tơ lụa mới » của ông Tập Cận Bình, nối kết Trung Quốc với Trung Á và các nước ở xa hơn thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, sẽ tạo ảnh hưởng chính trị lớn cho Bắc Kinh.
Tính chất bất đối xứng giữa Nga và Trung Quốc đặc biệt thấy rõ tại vùng Viễn Đông. Vài năm trước, cư dân vùng này rủng rỉnh tiền bạc, đem chi xài tại Trung Quốc, nhưng nay đồng rúp bị mất giá theo với đà xuống dốc của kinh tế Nga. Giờ đây họ phải trông đợi vào sự vung tay xài tiền của du khách Trung Quốc. Tại Vladivostok, một công ty du lịch cho biết không đủ phòng nghỉ cho khách từ Hoa lục. 

Trên đường phố, các thanh niên Nga cố gắng bán do du khách Trung Quốc những tờ giấy bạc và tiền đồng Liên Xô cũ. Trong một khách sạn, khách du lịch người Hoa chen chúc ở nhà hàng mỗi khi có các nữ vũ công ăn mặc « thiếu vải ». Sự xấu hổ của cư dân trước sự sa sút của đất nước mình so với sự hãnh tiến của Trung Quốc rất rõ. Những tàu chiến Trung Quốc trên Biển Baltic lại càng làm đậm thêm cảm giác này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170803-nga-va-trung-quoc-ban-hay-thu

Tân “Xích Bích đại chiến”; Vụ tàu vỏ thép: Đăng kiểm nói "thép đểu" đạt chuẩn?; Tàu vỏ thép nằm bờ, công ty dọa... kiện đăng kiểm và chủ tàu

Vụ tàu vỏ thép: Đăng kiểm nói "thép đểu" đạt chuẩn?

25/08/2017 06:59

Chủ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nói sẽ kiện nếu bị buộc thay lại vỏ tàu không đạt chuẩn mác A

Ngày 24-8, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, xác nhận vẫn chưa thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục 4 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Công ty Đại Nguyên Dương, trụ sở tại tỉnh Nam Định) đóng, đang hư hỏng, gỉ sét nặng.
Hai phương án sửa chữa
Trước đó, ngày 22-8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc khắc phục các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng trên địa bàn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện đã có 12 tàu vỏ thép hư hỏng được Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Công ty Nam Triệu, trụ sở tại TP Hải Phòng) và Công ty Đại Nguyên Dương kéo lên cơ sở của Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sửa chữa. Trong đó, Công ty Nam Triệu kéo lên 7 tàu và đã thay máy thủy mới hiệu Mitsubishi cho 6 tàu, đồng thời sơn sửa lại vỏ tàu bị gỉ sét, hầm bảo quản, hệ thống lái, trang thiết bị... Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ hoàn thành việc sửa chữa 15 tàu vỏ thép trước ngày 30-8. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn như chủ tàu thay đổi ý kiến về sửa tàu, thời tiết có mưa nên không phun sơn bắn cát được… do đó công việc bị chậm. Công ty Nam Triệu cam kết sửa chữa xong các tàu trước ngày 30-9.
Vụ tàu vỏ thép: Đăng kiểm nói thép đểu đạt chuẩn? - Ảnh 1.
Ngư dân buồn rầu với tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng
Công ty Đại Nguyên Dương kéo 5 tàu lên chờ sửa chữa. Trong quá trình chờ, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định lấy 10 mẫu thép ở phần mạn và đáy của 5 tàu để kiểm tra. Kết quả, 7 mẫu của 4/5 tàu không đạt chuẩn mác A.
Hiện Công ty Đại Nguyên Dương và các ngư dân đang thỏa thuận phương án sửa chữa. Trong đó, tàu cá BĐ 99018 TS của ông Võ Tuân (ngụ xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) có 2 mẫu đều đạt chuẩn mác A sẽ sửa chữa và sơn lại vỏ, công ty trả lại tiền chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và Trung Quốc cho chủ tàu.
Bốn tàu còn lại có mẫu thép không đạt chuẩn mác A, sau khi làm việc với các công ty đóng tàu và ngư dân, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đề nghị UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT cho ý kiến về 2 phương án sửa chữa. Thứ nhất, thay thế các tấm thép trên vỏ thép không đạt chuẩn mác A hoặc thay thế toàn bộ vỏ thép bằng thép Hàn Quốc đạt chuẩn mác A theo hợp đồng. Thứ hai, sửa chữa, sơn lại đúng quy trình và công ty trả tiền chênh lệch về vỏ tàu cho chủ tàu.
Phải làm đúng hợp đồng
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng thời gian qua, Công ty Nam Triệu thực hiện tốt việc sửa chữa tàu vỏ thép. Tuy nhiên, đơn vị này phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Ông Châu bác thẳng thừng 2 phương án của Công ty Đại Nguyên Dương mà Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đề nghị.
"Theo phương án thứ nhất thì biết tấm nào của vỏ tàu không đạt chuẩn mác A mà tháo để thay? Với phương án thứ hai, để nguyên thép không đạt chuẩn thì tàu đi biển được mấy lần? Không thể làm ăn giả dối như thế được, phải trả lại tàu theo đúng hợp đồng cho ngư dân" - ông Châu nói.
Đồng tình với ông Châu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc sửa chữa, khắc phục tàu và gợi ý: "Làm như thế nào là do UBND tỉnh Bình Định quyết định. Tỉnh nên mời chuyên gia có chuyên môn sâu về vật liệu để giám định chất liệu đóng tàu, tư vấn và căn cứ thực tiễn, hiệu quả để làm sao sửa chữa tàu nhanh nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng".
Đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá làm rõ
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định vào ngày 21-8, ông Lê Văn Thục, Chủ tịch HĐTV Công ty Đại Nguyên Dương, giải thích lý do 5 tàu do công ty ông đóng bị gỉ sét, nhanh xuống cấp là vì thời điểm phun sơn là lúc có gió mùa Đông Bắc, độ ẩm cao nên chất lượng không bảo đảm. Riêng kết quả kiểm tra 4/5 tàu được làm bằng thép không đạt chuẩn mác A do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định vừa công bố, ông Thục đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) phải làm rõ.
Theo ông Thục, công ty ông nhập 80 tấn thép về để đóng 5 tàu trên, trong đó có 20 tấn thép Hàn Quốc và 60 tấn thép Trung Quốc. Trước khi đóng, đăng kiểm viên đã lấy mẫu kiểm tra và kết luận toàn bộ lô thép đạt chuẩn mác A nên cho sử dụng, giờ lại bảo không đạt chuẩn mác A thì không thể chấp nhận được.
Ép quá thì kiện
"Tôi yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trả lời cụ thể thép đóng 5 tàu cá này có phải là mác A hay không? Nếu đơn vị này khẳng định không phải mác A thì đương nhiên phải thay nhưng chúng tôi sẽ kiện Bộ NN-PTNT vì chính cơ quan này xác nhận đạt chuẩn mác A và cho chúng tôi đóng. Đối với các chủ tàu, hồ sơ hoàn công đóng mỗi tàu chỉ 14,2 tỉ đồng, giờ bắt sửa tàu lên đến 15,8 tỉ đồng thì không thể chấp nhận được. Nếu ép quá thì chúng tôi kiện" - ông Lê Văn Thục khẳng định.
Bài và ảnh: Anh Tú

Tân “Xích Bích đại chiến”

FB Hienmq Aq
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đâu? – Bạc tiền dậy sóng rối tung đầu…
Giang Nam, một dải đất nằm phía nam sông Trường Giang, non nước hữu tình, bốn mùa hoa nở. Xưa nay khách giang hồ đã từng lưu gót, không một ai không nhớ đến trận chiến Xích Bích (hãn hữu lắm mới có người nhầm lẫn Giang Nam với bút danh của một đại thi nhân có bài thơ kinh điển Quê hương mà nếu ai không nhớ thì sẽ… nói lộn).
Nói về trận chiến Xích Bích khi xưa. Năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo đem 80 vạn quân đi thôn tính Giang Đông và Giang Nam (khi ấy chưa có Giang Mai). Hai nhà Tôn – Lưu lập liên minh kháng Tào. Phương án dùng hỏa công được chốt hạ. Chu Du dùng khổ nhục kế để Hoàng Cái trá hàng hòng thừa cơ đốt thuyền quân Tào. Mặt khác, Du sai Bàng Thống sang bày “kế liên hoàn” lừa Tào Tháo xích các thuyền lại với nhau để đốt cho dễ cháy. Thế trận bày xong nhưng hướng gió không thuận, khiến Chu Du sinh tâm bệnh mà thổ huyết. Gia Cát Lượng thấu cảm nên lập đàn cầu gió giúp Chu Du đại phá quân Tào. Tào Tháo đại bại, dù chạy thoát thân về Lạc Dương nhưng không quên mối hận trong lòng. Trước mặt bá quan văn võ, Tháo tuốt gươm trỏ lên trời mà thề rằng nếu đời này ta không lấy được Giang Nam thì đời con, đời cháu ta sẽ lấy cho bằng được. Thế là từ đó về sau, cứ thỉnh thoảng lại nổ ra một trận chiến Xích Bích.
Năm Kiến Tha thứ 14, hậu duệ của Tào Tháo là Tào Lao tiếp tục đem quân thôn tính Giang Nam. Thời thế đã đổi thay, quân đội lao vào làm kinh tế, chiến tranh thì không còn là những cảnh binh đao máu lửa như xưa mà đôi khi chỉ đơn giản là mặt trận kinh tế. Bởi thế mà trận chiến Xích Bích lần này cũng đơn giản chỉ là sự cạnh tranh của các đội tàu cá trên ngư trường Giang Nam.
Lại nói về Đông Ngô. Sau khi giành chiến thắng lừng lẫy năm châu trước quân Tào, Đông Ngô sinh tự mãn mà sao nhãng quân cơ. Bởi vậy, mặc dù có ưu thế ở vùng sông nước mênh mông nhưng thủy quân Đông Ngô ngày càng suy yếu, chỉ quanh quẩn ven bờ với thuyền thúng và tàu gỗ. So với các nước lân bang, khác nào một vực một trời.
Nghe tin Tào Lao kéo quân tới Giang Nam đòi tỉ thí, hai bên Tôn – Lưu lại tiếp tục liên minh chống Tào. Chi Dư, hậu duệ của Chu Du, triệu tập các tướng dưới trướng rồi sai quân thỉnh Gia Cát Lượm đến bàn việc.
Khi mọi người yên vị, Chi Dư liền hỏi Gia Cát Lượm:
- Nay đã gần ngày giao tranh với binh Tào, vậy trên ngư trường cần lấy loại tàu nào làm trọng?
Gia Cát Lượm đáp:
- Ðánh bắt trên sông lớn, cần lấy tàu thép làm chính.
Chi Dư nói:
- Lời tiên sinh rất hợp ý ta. Ngặt vì hiện nay trong quân thiếu thốn ngân lượng. Vậy phiền tiên sinh đứng ra thu xếp ngân khố để đóng 100 chiếc thuyền lớn trong vòng 10 tháng. Đây cũng là việc công, xin tiên sinh chớ chối từ.
Gia Cát Lượm nói:
- Không cần đến 10 tháng. Chỉ cần 1 tháng là có đủ ngân lượng.
Chi Dư nghiêm trang nói:
- Giữa chốn ba quân, xin tiên sinh chẳng nên nói chơi.
Lượm nói:
- Tôi đâu dám nói chơi với Ðô đốc. Nếu không tin xin cứ lập quân lệnh trạng. Nếu sai hẹn, tôi xin chịu hình phạt kiểm điểm nghiêm túc.
Chi Dư vốn có ý hại Lượm nên cả mừng, cho lập quân lệnh trạng ngay tức khắc.
Hôm sau Lỗ Vốn (dòng dõi nhiều đời của Lỗ Túc) đến gặp Gia Cát Lượm với tâm trạng vô cùng thấu cảm:
- Sao ông không khuyên Đô đốc bán biệt phủ đi mà lấy tiền đóng tàu? Ông tự chuốc họa vào mình, giờ có giời cứu.
Gia Cát Lượm cả cười:
- Lỗ tiên sinh quên rằng xưa kia tiên nhân nhà tôi là Gia Cát Lượng đã dùng kế “thuyền cỏ mượn tên”. Bây giờ Lượm tôi nâng cấp thành diệu kế “thuyền thép mượn tiền”.
Nói rồi Lượm đi liên hệ với các nhà băng kí hợp đồng vay vốn tóe loe. Quả nhiên, chỉ sau một tháng Lượm đã thu xếp xong vốn cho dự án đóng tàu cá vỏ thép. Dẫu biết nợ công đã cao nhưng vì việc cấp bách, Chi Dư bấm bụng mà làm.
Nghe tin Đông Ngô làm tàu cá vỏ thép, Tào Lao vội cho gọi hậu duệ của Trương Liêu là Quan Liêu vào hội ý. Quan Liêu đánh giá:
- Cho ngư dân mượn tiền đóng tàu thép là một chủ trương rất đúng đắn của Đông Ngô.
Tào Lao cả giận, mắng:
- Ngươi đúng là Quan Liêu! Ngày xưa quân ta năm lần bẩy lượt mắc mưu của hai tên Du, Lượng, nay ý ta muốn tương kế tựu kế, dùng ngay kế sách đó để phá họ từ bên trong.
Nói đoạn Tào Lao cho gọi hai anh thợ đóng tàu đến, bảo:
- Xưa Chu Du cho Bàng Thống sang bày kế “liên hoàn” để lừa quân ta. Nay hai ngươi hãy sang bên họ bày kế “liên kết” để rửa mối thâm thù.
Hai gã thợ đóng tàu sang gặp Chi Dư, đề nghị được liên kết thực hiện dự án. Chi Dư đưa họ đi tham quan thủy trại rồi hỏi kế sách. Thợ đóng tàu thưa:
- Xem ra quân sĩ phần lớn thiếu năng lực nên cần phải đóng tàu chất lượng tốt thì mới vươn khơi hiệu quả. Đô đốc nên đặt loại thép tốt của xứ Cao Ly và máy tốt từ xứ Phù Tang thì mười phần bảo đảm.
Chi Dư thừa biết hai tên đóng tàu là quân Tào Lao nhưng do được chi đậm nên làm ngơ, chấp thuận kí hợp đồng thực hiện dự án đóng tàu.
Lại nói về chuyện Tào Lao. Sau khi điều hai thợ đóng tàu sang Đông Ngô bày “liên kết kế”, Tào Lao tiếp tục dùng khổ nhục kế, đưa Cáp Quang sang trá hàng hòng làm nội ứng khi khởi sự. Cáp Quang tự là Đăng Kiểm, thuộc dòng dõi Trương Cáp – một trong ngũ hổ tướng của Tào Tháo khi xưa.
Mùa xuân năm Kiến Tha thứ 17, sau khi đóng xong loạt tàu thép hiện đại, chiếc nào chiếc nấy đẹp lung linh, Chi Dư phát lệnh xuất binh đánh chiếm ngư trường quân Tào. Khi tàu rời bến chẳng bao xa thì bỗng dưng bị hư hỏng, vỏ thép hoen rỉ, máy móc trục trặc không thể khai hỏa. Thỉnh thoảng cũng có lúc máy phát nổ nhưng chỉ chạy ỳ ạch như rùa đau đẻ. Lạ lùng hơn nữa là cứ thả lưới xuống là bị cuốn vào chân vịt chết ngắc, như bị ma nhập.
Chi Dư gọi Cáp Quang ra hỏi:
- Ta giao ngươi kiểm tra tàu thuyền trước khi xuất kích, sao ra cớ sự này?
Cáp Quang đáp:
- Thưa Đô đốc, hai gã đóng tàu trà trộn thép Tào, máy Tào vào nhưng không báo cáo nên tôi không tài nào biết được.
Chi Dư tức giận, rút thẻ bài ra, chửi:
- ĐM, làm ăn như con cò, sếp mày tao còn cách chức được nữa là mày.
Ngờ Cáp Quang có chuyện khuất tất, Chi Dư dùng chưởng pháp “lăng không kình”, hất bay Cáp Quang xuống biển làm mồi cho cá mập. Bởi thế mà sau này người Giang Nam thường nói “cá mập cắn Cáp” mỗi khi có chuyện nhạy cảm.
Đông Ngô thất bại nặng nề, tàu thuyền lũ lượt đắp chiếu, ngư dân lầm than, dư luận sôi sục. Sợ bị kỉ luật, Chi Dư hét lên một tiếng, máu miệng trào ra.
Nghe tin Chi Dư lâm trọng bệnh, Gia Cát Lượm đến thăm, khuyên:
- Phải làm cho thuận khí trước rồi mới chữa bệnh sau.
Chi Dư hỏi:
- Muốn khí thuận thì phải làm sao?
Lượm đáp:
- Tôi có cách.
Nói đoạn truyền cho tả hữu lui ra hết rồi viết trên giấy bốn câu thơ: “Cái vụ tàu cá – Đổ thừa như sau – Vỏ thép hoen rỉ – Tại muối chứ đâu”.
Chi Dư đọc rồi thất kinh, thú thực:
- Quả tình tôi cũng tính đổ thừa cho nước biển mặn nhưng lại sợ bọn tiểu đồng nó cười vì xưa nay tàu thép vẫn chạy nước mặn chẳng hề hấn gì. Tiên sinh có cách nào giúp cho biển mặn hơn để thuyết phục dân chúng?
Lượm đáp:
- Ngày trước, có bậc dị nhân dạy tôi cách gọi muối đuổi cá. Vậy Ðô đốc hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân nhà máy thép, cao bảy trượng, tôi sẽ cầu muối về cho Đô đốc.
Lo bị Chi Dư hãm hại nên sau khi đăng đàn cầu muối xong, Gia Cát Lượm thừa cơ trốn mất. Từ đó, vùng Giang Nam thường xuyên bị xâm nhập mặn, cá thì chết hàng loạt và những con tàu cứ tiếp tục bị rỉ sét.
Chưa biết có ai chịu trách nhiệm hay không, xem hồi sau cũng không rõ.
H.A.
Nguồn: https://www.facebook.com/hienmq.mai/posts/1611960805489461

Tàu vỏ thép nằm bờ, công ty dọa... kiện đăng kiểm và chủ tàu

25/08/2017 06:35 GMT+7
TTO - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương đã dọa sẽ kiện cơ quan đăng kiểm và cả các chủ tàu về chuyện ngư dân đóng tiền mua thép Hàn Quốc nhưng nhận tàu thép Trung Quốc.
Tàu vỏ thép nằm bờ, công ty dọa... kiện đăng kiểm và chủ tàu
5 tàu cá vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng cho ngư dân Bình Định bị hư hỏng, được kéo lên Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan hơn 1 tháng qua nhưng chưa sửa chữa - Ảnh: TIẾN SỸ
Tại cuộc họp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định tổ chức giữa công ty đóng tàu với các chủ tàu mới đây, ông Lê Văn Thục, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đại Nguyên Dương, đe dọa sẽ kiện cơ quan đăng kiểm và chủ tàu. 
Lừa dối ngư dân
Theo ông Thục, mỗi con tàu có 20 tấn thép Hàn Quốc và 60 tấn thép Trung Quốc, trước khi đóng đều được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm tra, xác nhận là thép đủ mác A nên công ty mới đóng tàu cho ngư dân.
Vậy mà, bây giờ, kết quả kiểm tra lại cho ra kết quả là thép không đủ chỉ số Mangan (Mn), vì thế ông Thục nói rằng nếu khẳng định đó không phải là thép mác A thì công ty sẽ thay thép cho ngư dân nhưng sẽ khởi kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.
Ông Thục cũng cho biết thêm rằng công ty có đủ cơ sở để khởi kiện 5 chủ tàu vỏ thép hư hỏng ra tòa. Tuy nhiên, cụ thể kiện gì thì ông không nói rõ.
Ngày 24-8, chúng tôi nhiều lần gọi điện, nhắn tin vào số máy ông Thục nhưng không nhận được tín hiệu trả lời.
Ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết ngay tại cuộc họp nêu trên, ông đã nói thẳng với ông Thục rằng Công ty Đại Nguyên Dương đã lừa dối ngư dân khi dùng thép Trung Quốc đóng tàu thay cho thép Hàn Quốc như cam kết.
Chính vì thế, ngân hàng sẽ thuê tư vấn để đánh giá về giá trị chênh lệch và công ty phải trả lại tiền cho dân.
“Ông Thục xưng là Chủ tịch hội đồng thành viên công ty rồi hù dọa kiện lung tung. Nếu ông ấy có trách nhiệm thì sao tàu hư hỏng 5-6 tháng nay ông ấy không vào Bình Định để phối hợp khắc phục mà nay mới đến?”, ông Hổ cho biết.
Chiều 24-8, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã hai lần chỉ đạo tại các cuộc họp để Công an tỉnh điều tra những sai phạm của Công ty Đại Nguyên Dương trong việc đóng tàu kém chất lượng nhưng thiếu tích cực trong khắc phục.
Đã mời chuyên gia tư vấn đánh giá 
Chiều 24-8, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết Sở đã mời hai chuyên gia là giảng viên khoa vật liệu của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM để tư vấn, đánh giá vỏ thép của bốn chiếc tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng bị hư hỏng.
Ông Hổ cho biết, theo kế hoạch, cuối tuần này, hai chuyên gia trên sẽ kiểm tra thực tế bốn chiếc tàu nêu trên hiện đã kéo lên đà ở Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan. 
Sau đó, họ kiểm tra kết quả kiểm định vỏ thép của Công ty Vinacontrol và cho ý kiến chính thức với những mẫu thép bị thiếu hàm lượng Mangan (Mn) để xem tàu được sửa có đảm bảo chất lượng hay không.
Dựa vào các thông tin đó, theo ông Hổ, Sở mới chỉ đạo xử lý những con tàu này tiếp.
Đây là bốn trong năm chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, do Công ty Đại Nguyên Dương thi công, ngư dân thanh toán tiền mua thép Hàn Quốc nhưng công ty lại sử dụng thép Trung Quốc để đóng. 
Kết quả kiểm định lại của Vinacontrol cho thấy cả bốn tàu đều thiếu chỉ số Mn trong thành phần hóa học theo Quy chuẩn VN 21:2010/BGTVT về thép thường mác A dùng để đóng tàu đi biển. 
Tổng cục Thủy sản khẳng định với tỉnh Bình Định là thép đóng tàu phải đạt tối thiểu là thép thường mác A mới đảm bảo chất lượng. 
Từ đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải tháo thép không đạt chuẩn mác A trên bốn tàu trên để thay bằng thép Hàn Quốc đạt mác A.
Thiếu Mn nhưng vẫn là thép mác A?
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định chiều 22-8, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, nói rằng thép Trung Quốc mà Công ty Đại Nguyên Dương dùng để đóng năm chiếc tàu bị hư hỏng cho ngư dân Bình Định thì thời điểm kiểm tra ban đầu là thép tấm cho thấy đạt tiêu chuẩn mác A.
“Qua thẩm định của Công ty giám định Vinacontrol thì có kết quả là cơ tính, lý tính của thép trong bốn tàu trên đạt thép mác A; về hóa tính thì có 4/5 thành phần đạt thép mác A, trong đó Cacbon là quan trọng nhất cũng đạt, chỉ có Mangan là không đạt.
Theo Quy chuẩn VN 21:2010/BGTVT thì thép đóng tàu có chỉ số Mangan lớn hơn hoặc bằng 2,5 Cacbon, thì Vinacontrol cho kết quả là thép của các tàu này không đạt, nhưng cũng theo quy chuẩn này thì có công thức Mangan+Cacbon chia 6 phải có kết quả dưới 0,4 thì thép này đạt, song Vinacontrol chưa đưa ra” – ông Đức phân tích và khẳng định đây là thép mác A, đề nghị cho sửa chữa tàu.
DUY THANH

CÓ TÒA ĐỨNG RA XỬ, SAO THỦ TƯỚNG CÒN YÊU CẦU BỘ Y TẾ BÁO CÁO; THỦ TƯỚNG KHÔNG TIN TÒA HAY MUỐN CỨU BỘ TRƯỞNG QUÂN MÌNH ?; Biết thuốc giả, thuốc kém chất lượng mà vẫn nhập về bán là hành vi giết người; Tội ác giết người!; Khi Bộ trưởng Bộ Y tế viết báo!

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Vụ nhập khẩu thuốc chữa ung thư giả: Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo


N. Huyền



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Y tế báo cáo trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ về việc Công ty CP VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma)
Chiều nay 24/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc Công ty CP VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.
Theo đó, về việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.
Sở dĩ có chỉ đạo này là do, Tòa án nhân dân TP.HCM đang tiến hành xét xử vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Buôn lậu" xảy ra tại Công ty CP VN Pharma.
Theo cáo trạng, Công ty CP VN Pharma kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh. Từ năm 2013-2014, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) nhờ Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) môi giới mua thuốc tân dược của Công ty Helix Pharmaceuticals Canada để cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong số đó có 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Calet để chữa bệnh ung thư.
Vì không có hồ sơ kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Calet giả, hợp thức hóa hồ sơ để được cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc. Ngoài ra, các nhân viên của VN Pharma còn làm giả giấy tờ để được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu lô thuốc này.
Sau khi được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế duyệt đồng ý cho nhập hàng, tháng 4/2014, Công ty CP VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Calet. Nghi ngờ nguồn gốc chất lượng số thuốc trên, Cục Quản lý dược đã thanh tra công ty này và kiểm tra, niêm phong lô hàng trên không cho bán ra thị trường.
Cơ quan điều tra xác định Hùng thỏa thuận với Cường mua thuốc H-Capita với giá 27 USD/hộp. Sau khi được giá, Cường đặt mua thuốc từ một người nước ngoài tên Raymundo (chưa rõ lai lịch) với giá 18 USD/hộp. Là người đặt mua thuốc cho VN Pharma, nhưng Cường khai không biết nguồn gốc lô thuốc được sản xuất ở đâu.
Kết quả điều tra xác định, lô thuốc được chuyển từ Ấn Độ sang Singapore sau đó nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng chức năng xác định các giấy tờ, mã vạch chứng nhận chất lượng thuốc là giả. Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, Phó giám đốc Ngô Anh Quốc của Công ty CP Vn Pharma đã chỉ đạo nhân viên bán hàng chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để họ kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc do công ty VN Pharma cung cấp.


Trong nhóm bệnh ung thư, sử dụng “giả dược” với ý nghĩa điều trị bệnh, là hành vi giết người.

Trong ngành y có sử dụng cụm từ “placebo – giả dược”. Khái niệm placebo hay hiệu ứng placebo chính thức xuất hiện trên thế giới từ năm 1894, với nghiên cứu ban đầu là những viên thuốc không có dược chất trị bệnh. Sau này, hình thức placebo được mở rộng hơn thành các dạng như thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch hay thậm chí là phẫu thuật. Qua trình khám phá hiệu quả của placebo cho thấy hiệu ứng này thường tỏ ra hữu ích đối với các bệnh lý liên quan đến hoạt động của hệ thống thần kinh của con người. Các thống kê y học đã chỉ ra rằng, có từ 45 – 60% người đến với phòng khám là do tâm lý.

Tuy nhiên trong nhóm bệnh ung thư đang có phác đồ chữa trị, thì sử dụng “giả dược” với ý nghĩa của thuốc đặc trị, chính là hành vi giết người.



Nói lời sau cùng vào chiều ngày 23-8 trước khi hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. HCM nghỉ để nghị án, nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cho rằng trong vụ án này, bị cáo chỉ sai phạm về mặt thủ tục hành chính: “Bị cáo không phải là người biết và làm ra các giấy tờ pháp lý giả về nguồn thuốc ở Canada. 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg không phải là thuốc giả, bị cáo mua trúng phải lô hàng không đúng nguồn gốc. Mong hội đồng xét xử chấp nhận những tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được trở về với gia đình, xã hội và gây dựng lại công ty”.

Bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ - người được VN Pharma thuê viết hồ sơ thuốc) đã xin hội đồng xét xử xem xét bị cáo có phạm tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hay không. Bởi vì theo luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng bị cáo Thông chỉ làm một việc là dịch tài liệu kỹ thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt và biên soạn sắp xếp các thông số kỹ thuật cho phù hợp với yêu cầu của bộ hồ sơ nhập khẩu thuốc do Bộ Y tế quy định.

Về tố tụng hình sự, đúng là khi minh định rõ về “thuốc giả” và “thuốc kém chất lượng” sẽ giúp các bị cáo chịu tội danh và khung hình phạt thấp hơn. Thế nhưng trong nhóm bệnh ung thư, thì “thuốc giả” và “thuốc kém chất lượng” đều là thủ phạm giết người, chỉ khác mỗi chỗ là nhanh – chậm khác nhau. Điều này có thể xác định rõ là hàng tuần, báo chí vẫn hay thực hiện các bản tin kiểu: “Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa có văn bản gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc đối với thuốc… Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu…

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty XYZ phải phối hợp với nhà cung cấp và phân phối khẩn trương gửi thông báo thu hồi của Cục đến các địa điểm phân phối và sử dụng thuốc…, Số lô…; HD:…, SDK: VN-… và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc này. Đồng thời Công ty XYZ phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày…, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 09/2010/TT-BYT ngày 28/04/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y khoa TP.HCM) cho biết thuốc kém chất lượng cũng được xem là thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về thuốc giả như sau: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”.

Như vậy, thuốc giả theo WHO bao hàm cả thuốc kém chất lượng, là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng. Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, nói rộng hơn, thuốc kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Thuốc kém chất lượng có thể là thuốc có chứa hoạt chất nhưng thấp không đúng với hàm lượng thuốc đã đăng ký. Như thuốc amoxicillin 500mg kém chất lượng là thuốc mà 1 viên khi kiểm nghiệm chỉ chứa 400mg amoxicillin thay vì 500mg như đã đăng ký...

Theo báo cáo khoa học từ các chuyên gia, thực tế tình trạng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng phức tạp với số lượng lớn, từ loại thuốc phổ biến thông thường như kháng sinh, cảm cúm, đến loại đặc trị như ung thư, tim mạch. Thậm chí một báo cáo của WHO còn cảnh báo là đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỉ euro/năm, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.

Thuốc giả và thuốc kém chất lượng gây ra tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc giả, thuốc kém chất lượng còn gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Năm 2012, Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại cuộc họp lần thứ 80 tổ chức ở Việt Nam cũng cảnh báo rằng thuốc giả là mặt hàng siêu lợi nhuận và rất khó phát hiện. Châu Á là thị trường “béo bở” để thuốc giả lộng hành. Khi ấy, đại diện Interpol tại Việt Nam, đại tá Nguyễn Thị Minh Hòa, cũng cho hay trong chiến dịch truy quét dược phẩm giả tại Việt Nam mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều thuốc giả, chủ yếu tại TP.HCM. Đáng lo ngại là có nhiều loại mẫu giống nhau nhưng chất lượng không như công bố.

Liệu trong vụ án đang xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma có phải từng nằm trong tầm ngắm của đại diện Interpol tại Việt Nam, thế nhưng do có sự chống lưng của nhiều quan chức trong ngành y tế, nên phải mãi đến nay mới bắt đầu công khai dần trong bối cảnh ông Tổng bí thư đang hì hục ra sức quạt lửa lò?

Trúc Giang 

(VNTB)

Tội ác giết người!



Hoa Trinh
24-8-2017

Ảnh: Nhà Quản Lý

(NQL) – “Vụ việc nhập khẩu 9.000 hộp thuốc ung thư giả, là tội ác giết người hàng loạt chứ không phải đơn giản chỉ là tội buôn lậu hay làm giả chứng từ”.
LTS: Vụ việc “tập đoàn” tuồn thuốc ung thư giả vào bệnh viện mà kẻ cầm đầu là VN Pharma đã dấy lên nỗi phẫn nộ tột cùng của xã hội trong những ngày này. Một bài viết trên trang cá nhân của một nhà báo, xét thấy tiếp nối được dòng sự kiện và mối quan tâm của độc giả, có nhiều điều để suy ngẫm, Nhà Quản Lý xin giới thiệu đến bạn đọc.
Hôm nay, tôi vừa đọc bài báo của bộ trưởng Tiến, bài viết hay, cảm động: Áo blu trắng nhuốm máu. Hành động côn đồ của kẻ hành hung BS cần được nghiêm trị. Nhưng thưa Bộ trưởng, giá như chị viết một bài về thuốc ung thư giải và hàng trăm tỷ mà công ty dược VN Pharma chung chi cho ngành y tế thì toàn cảnh bức tranh y tế VN sẽ đầy đủ hơn.
Khao khát sống là bản năng của con người. Một bệnh nhân ung thư cũng khao khát sống cho dù với họ, khao khát đó phải trả giá bằng tháng ngày gian khổ chống chọi với bệnh tật bị sang chấn về mặt tinh thần, bị khuyết tật về thể xác, và tốn kém rất nhiều về tiền của.
Gian nan, chật vật, mà sự sống thì rất đỗi mong manh. Và đáng nói là, niềm khao khát sống, niềm tin của họ được giao trọn vẹn cho bệnh viện và các bác sỹ. Bởi đó là những người duy nhất có thể giúp họ kéo dài sự sống hoặc may ra thoát khỏi lưỡi hái của thần chết.
Ung thư theo quan niệm của rất nhiều người là án tử lúc nào cũng treo lơ lửng, nhưng ung thư không phải là chết là chấm dứt. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, chất lượng thuốc tốt ung thư bị khống chế, có thể kéo dài thời gian sống không bệnh cho bệnh nhân, 5, 10, 20, 30 năm. Điều này thực tế đã chứng minh. Và tôi là một trong bệnh nhân ung thư đã trải nghiệm, minh chứng cho điều đó.
Vậy mà người đứng đầu công ty dược đã thản nhiên nói, nhập thuốc ung thư giả là bình thường… Tôi nghe mà rợn cả mình!
Nó chỉ bình thường với bè lũ lợi ích, bởi họ rất hài lòng với việc đem tiền về túi. Thuốc ung thư giả có khác gì thuốc độc. Nó có thể tước đoạt đi cơ hội sống của bao nhiêu sinh mệnh. Vì vậy, nhập lậu thuốc, thuốc giả, để thuốc quá hạn… đều là hành vi của tội ác giết người hàng loạt, cần nghiêm trị.
Vì sao thuốc kém chất lượng vẫn ngang nhiên trúng thầu, đi lại tung tăng trong cơ thể bệnh nhân, trong khi quy chế đấu thầu thuốc vào bệnh viện là không dễ? Bởi hàng trăm tỷ của chỉ một công ty dược đã thao túng cả lương tâm từ bác sĩ đến người quản lý bệnh viện, đến các cơ quan có quyền khác nữa. Họ phải chung chi từ khâu duyệt, cấp vi da nhập khẩu, cấp phép lưu hành, cấp mã số được in trên bao bì. Rồi khâu xét duyệt thầu, có khi còn cho cả quân xanh, quân đỏ.
Chồng tôi là dược sỹ có thâm niên hơn 40 năm, nói, để xin được một số đăng ký thuốc được phép lưu hành trên thị trường vô cùng gian nan, có khi kéo dài hàng năm. Có được số đăng ký, mỗi loại thuốc nhập khẩu vào Việt Nam đều phải xin quota. Mỗi lần xin quota lại một lần xét duyệt nghiêm ngặt. Vậy tại sao hàng lậu, hàng giả vẫn tồn tại? Câu hỏi nhức nhối có lẽ câu trả lời lại không khó.
Bọn buôn lậu, hàng giả, xin cấp quota theo chuyến hàng. Chúng nhập khẩu thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn độ chất lượng kém, giá thành rẻ, biến hóa làm giả xuất xứ Canada, Mỹ để nâng giá thuốc mà vẫn lọt qua cửa Bộ y tế. Bộ Y tế đã không kiểm duyệt hay cố tình không biết để vẫn cấp phép lưu hành? Đây là câu hỏi mà dư luận muốn các nhà chức trách trả lời.
Khi nhóm lợi ích trong y tế được đồng tiền cầm tay chỉ lối, thì con đường đi đến nghĩa địa của bệnh nhân quả là rất gần.
Vụ việc nhập khẩu 9.000 hộp thuốc ung thư giả, là tội ác giết người hàng loạt chứ không phải chỉ là tội buôn lậu hay làm giả chứng từ.
Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi rất cần một lời giải thích, và cam kết khi bà còn là tư lệnh ngành. Có lẽ ảo tưởng chăng, khi mà văn hóa từ chức, hoặc cúi đầu xin lỗi dân sẽ không bao giờ xuất hiện ở Việt Nam.
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt.
Bình Luận từ Facebook

Ngô Nguyệt Hữu

23 giờ
Khi Bộ trưởng Bộ Y tế viết báo!
Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có bài viết trên VNExpress bàn về bác sĩ bị đánh. Một bài viết hoàn hảo mà có lẽ ai đó đã chấp bút theo ý của Bộ trưởng.
Là đau đớn, là dằn vặt, là rất nhiều thứ mẫn cảm thời cuộc trong tâm thế của người cầm bút. Thay vì sử dụng quyền hạn của mình để yêu cầu cơ quan công an can thiệp nhằm hạn chế tiến đến chấm dứt hẳn tình trạng tấn công bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế lại chọn cách tâm tình cùng độc giả.
Khi mà Bộ trưởng trải lòng về vấn đề này, thì hàng triệu người Việt Nám vẫn đang hoang mang với lô thuốc đặc trị ung thư giả của VN Pharma, với hàng trăm tỷ mà công ty này đã chi hoa hồng cho các lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ để tuồn thuốc vào bệnh viện.
Bất chấp, Bộ Y tế từng thể hiện bằng lời nói quyết tâm chống hoa hồng trong đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Và nay đã có bằng chứng, đó chính là cơ hội rất tốt để chấn chỉnh thay vì hô vang khẩu hiệu hay đơn thuần là "Khẩu thuyết vô bằng".
Hoa hồng là một uyển ngữ, bởi thật ra đó chính là đưa và nhận hối lộ, đó chính là lợi ích nhóm.
Tất cả những khoản tiền ấy, đều được tính vào giá thành thuốc mà người bệnh phải chi trả, là tiền của bệnh nhân cả.
Thay vì tâm sự với độc giả, có lẽ Bộ trưởng nên tranh thủ thời gian làm gì đó có ích hơn cho nhân dân, đúng với chức năng quyền hạn mà Bộ trưởng được giao phó. Hoặc chí ít là lên tiếng về vụ VN Pharma để trấn an dư luận.
Thời điểm mà áo blouse trắng của một ít bác sĩ nhuốm máu (chữ của Bộ trưởng) thì triệu triệu người bệnh nước mình áo của họ đã nhuốm đẫm nước mắt, túi tiền của họ đã nhuốm đẫm nhọc nhằn để dâng cho gian thương cấu kết cùng các y bác sĩ thoái hoá biến chất.
Cuối cùng, nếu Bộ Y tế vẫn hài lòng với công tác xây dựng hình ảnh, giữ gìn uy tín bằng các gói truyền thông với những cơ quan truyền thông thay vì hành động, tôi cho rằng sẽ rất khó để hy vọng hiện hữu.