Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Thẩm phán Phùng Lê Chân - Người đã tuyên Tạ Đình Đề vô tội

Nguyễn Phan Khiêm: Hơn 40 năm trước, phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề - một bị cáo khác thường, gây nên sự chú ý đặc biệt ở Hà Nội. Thẩm phán đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội, trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người theo dõi phiên tòa. Thẩm phán đó là bà Phùng Lê Trân, năm nay tròn 10 năm ngày bà về với tổ tiên.

Ông Tạ Đình Đề

Phiên tòa lịch sử

Ngày 6/6/1976, Tòa án Hà Nội, khi đó ở tầng một của trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, 48 phố Lý Thường Kiệt, mở phiên tòa đặc biệt, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân thủ đô vì bị cáo là ông Tạ Đình Đề - một người hào sảng, nghĩa hiệp, cuộc đời gắn với quá nhiều giai thoại. Phiên tòa kéo dài đến 6 ngày, hôm nào quảng trường Tòa án cũng đông nghịt.

Ông Tạ Đình Đề là Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Năm 1970, theo chủ trương của lãnh đạo Tổng cục, Xưởng phải chuyển từ 65 Quán Sứ  xuống Giảng Võ. Khu đất 15 ha nguyên là bãi tha ma, Xí nghiệp phải di dời gần 400 ngôi mộ và đắp đường. Tháng 12/1972 cơ sở ở Quán Sứ lại bị cháy nên kế hoạch xây dựng càng gấp rút hơn, để có thể tiếp tục sản xuất vào năm 1973. Mở rộng sản xuất xưởng cao su cần đến nhiều nguyên vật liệu và máy móc, lúc đó lại khan hiếm, Tạ Đình Đề nảy ra sáng kiến, tận dụng những máy móc phế liệu do chiến tranh phá hoại còn lại vứt dọc đường Quốc lộ 5. Ông liền đến xin ông Đinh Đức Thiện – Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và được ủng hộ ngay.

Bà Phùng Lê Trân (1921-2007)
Nhờ tâm huyết của Tạ Đình Đề và lãnh đạo xí nghiệp nên trên mảnh đất tha ma ấy, nhà xưởng, rồi hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc lên… Không ngờ công ấy trở thành vấn đề họ hạch tội ông sau này.

Để khuyến khích người lao động, ông Đề và lãnh đạo xí nghiệp áp dụng hình thức khoán và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền. Nhờ vậy  mà sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa dạng, được xuất khẩu, có thời điểm xuất khẩu cho thị trường 9 nước XHCN. Bây giờ nghĩ đó là những việc làm bình thường nhưng lúc ấy là sự kiện chấn động tư duy kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp triệt để của thời chiến. 

Trong đội ngũ công nhân của xí nghiệp có những người có tiền án tiền sự, người không có nghề nghiệp, người thất cơ lỡ vận… Có hai nghệ sĩ lúc đó còn chưa mấy người biết đến là thi sĩ Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Nhờ sự cưu mang của ông mà sau đó ngành đường sắt có bài “ngành ca” nổi tiếng “Tàu anh qua núi” và cũng từ đó người yêu nhạc biết đến Phan Lạc Hoa. Lưu Quang Vũ sau nay trở thành kịch tác gia nổi tiếng, đã lấy từ nguyên mẫu Tạ Đình Đề và Xí nghiệp cao su này để làm chất liệu dựng vở kịch “Tôi và chúng ta”…

Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt ấy thì ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề và phó xưởng Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố cáo ông Đề ba tội: Chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…

Sau 18 tháng giam cứu, Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra xét xử, bà Thẩm phán  Phùng Lê Trân, chủ tọa phiên tòa đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác, cách gì cũng làm  bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống… Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.

Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng Thẩm phán Phùng Lê Trân phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người… nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.

Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong Công văn số 72 ngày 4/12/1974 khẳng định: “Có những việc liên quan đến Tổng cục Đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”… Được sự ủng hộ của một vị Hội thẩm, Thẩm phán Phùng Lê Trân đã quyết định, Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.

Lời tuyên án vang lên gây bất ngờ không chỉ cho các bị cáo, mà cả những ai quan tâm đến vụ án này. Trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự và theo dõi phiên tòa qua loa phóng thanh, người ta ào vào công kênh ông Tạ Đình Đề rồi tặng hoa như chào đón anh hùng.

Áp lực lên gia đình bé nhỏ

Phiên tòa chấn động dư luận vì nhiều khía cạnh, nhưng không mấy ai biết Thẩm phán Phùng Lê Trân là ai, để có được lời tuyên án đề cao pháp luật và công lý giữa “thanh thiên bạch nhật” như thế, bà Phùng Lê Trân đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt như thế nào. Vụ án đã mang đến cho gia đình bé nhỏ của bà những áp lực ghê gớm.

Bà Phùng Lê Trân có một gia đình bé nhỏ theo cả nghĩa thực lẫn nghĩa bóng. Nhà chỉ có ba người, hai ông bà và anh con trai Nguyễn Chí Tâm. Gia đình họ sống trong căn phòng 16m2 ở tầng ba, tầng cao nhất trong một ngôi nhà cũ ở con phố nhỏ, phố Cao Bá Quát, Hà Nội

Anh Nguyễn Chí Tâm nhớ lại những ngày đó, khi mẹ anh xử vụ Tạ Đình Đề, dù anh không biết cụ thể vụ án hay công việc mẹ anh đang làm nhưng ấn tượng không thể nào quên là không khí nhà anh rất căng thẳng. Ngay từ lúc chuẩn bị xét xử, đã rất nhiều người ra vào nhà anh, họ đến bất kể buổi nào, mẹ anh thường bảo anh đi chơi cho mẹ làm việc với khách. Anh không biết mẹ bàn chuyện gì nhưng sau mỗi lần như vậy anh thấy mẹ rất trầm ngâm. Có khi đêm đã khuya còn có người gõ cửa. Mẹ anh ra ngoài hành lang bàn bạc gì đó rất lâu. Anh nghe loáng thoáng, họ đang thuyết phục mẹ anh điều gì đó mà bà không chịu.

Vị Công an hộ tịch đến bảo: “Chị làm thế nào thì làm, còn con chị nữa. Nó quan hệ quá rộng đấy”. Bà bảo: “Nếu con tôi có tội thì các anh cứ xử lý”. Hồi đó anh Tâm mới 16 tuổi, ham chơi, hay tụ tập bạn bè đàn hát. Mẹ anh dặn: “Con đi đâu, quan hệ với ai cũng phải cẩn thận, họ đã nói như vậy đấy, nếu có chuyện gì thì không cứu được đâu”.

Hôm khai mạc phiên tòa, bố anh  không đi làm. Ông không ra khỏi nhà, chỉ đi lại, hết đứng lại ngồi, bồn chồn trong căn phòng hẹp. Lòng ông như lửa đốt, nhất là lúc trước khi đi, bà bảo: “Hôm nay có thể em không về”.

Sau này, bà Phùng Lê Trân trả lời một nhà báo: “Ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải xử nặng, phải xử tù giam 10 - 15 năm chi đó, nhưng tôi không nghe. Sau thấy diễn biến phiên tòa khó luận tội, dư luận nghiêng về phía các bị cáo thì lại có người gợi ý, ít nhất cũng phải tuyên án treo 18 tháng. Nhiều lúc tôi muốn điên cái đầu! Trời ạ, sao mà lắm gợi ý thế” 

Lúc đầu, mỗi khi có gợi ý như thế bà đều tranh luận rất mệt mỏi, nhưng sau đó bà rút kinh nghiệm, chỉ nghe và hứa sẽ xem xét kỹ. Và bà đã tuyên án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nhưng làm cho nhiều người rất bực bội. Nhiều cuộc họp, nhiều buổi chất vấn sau phiên tòa, nhưng cuối cùng bản án hình như có kháng nghị nhưng không có phiên tòa giám đốc thẩm.

Vụ án Tạ Đình Đề đã khiến bà kiệt sức, Thẩm phán Phùng Lê Trân phải đi nằm viện hơn một tháng trời. Sau đợt nghỉ chữa bệnh, năm 1978 bà về nghỉ hưu, năm đó bà 57 tuổi.

Một người kiên định

Khi viết bài này tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Chí Tâm, trò chuyện với con cháu cụ Phùng Lê Trân. Chị Thanh Huyền, vợ anh Tâm kể về mẹ chồng: “Tôi rất thương cụ, nhất là những khi về già. Cụ là người tốt quá mà khi về già lại nhiều bệnh tật, ốm đau luôn. Anh Tâm cũng thương mẹ hết lòng, “mẹ là nhất”. Mẹ tôi rất nghiêm khắc, nhiều lúc thật khó tính nhưng tôi vẫn hết lòng chiều mẹ. Vợ chồng tôi có được cuộc sống như hôm nay là nhờ phúc đức mẹ tôi để lại” – chị Huyền nói mà nước mắt chan hòa.

Chị cứ thương mẹ chồng, vừa chuyển về nhà mới rộng rãi, khang trang hơn căn phòng 16m2 ở Cao Bá Quát được vài tháng thì cụ đã ra đi. Căn phòng của cụ trên tầng hai bây giờ là phòng thờ. Bàn thờ Thẩm phán Phùng Lê Trân đặt trên chiếc tủ gỗ nhỏ, vốn cụ thân sinh của bà đóng cho con gái từ gỗ cây nhãn vườn nhà. Đây là tài sản giá trị nhất mà chị Huyền thấy khi về nhà chồng.

Anh Tâm nói: Mẹ tôi là một người nhân hậu nhưng tính rất kiên định, đã định làm gì là làm bằng được.

Chị Nguyên Bình, nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân, gọi bà Trân bằng bác dâu thì nói: Bác Trân là một người đẹp, dáng người cao, học vấn cũng cao nữa nên rất kén chồng. Mãi sau này gặp bác Trí, bác ấy mới kết hôn. Bác Trân là người không chỉ giỏi giang trong công tác mà còn rất khéo tay, nấu ăn giỏi, nhà cửa hết sức sạch sẽ, ngăn nắp. Trong công việc, bà không chấp nhận sự áp đặt.

Quả thật, nhìn lại cuộc đời bà, người ta thấy rõ tính kiên định ấy. Bà là người làng Bát Tràng, Gia Lâm. Con gái của ông giáo Phùng Văn Trinh (hiện nay Hải Dương có trường mang tên ông. Một người em trai của bà sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu). Năm 13 tuổi, bà được cha mẹ gả cho con trai một gia đình khá giả ở Hải Phòng. Bà đã hai lần đình quyên sinh vì không muốn lấy người chồng ấy nhưng cuối cùng bà nghĩ đến đạo làm con, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy theo lề lối gia phong. Tuy thế, bà chấp nhận làm người con dâu hiếu thuận, chu toàn nhưng không chịu làm vợ. Bà không chê chú rể điểm gì, anh ấy cũng đẹp trai, có học, nhưng bà không chịu được sự áp đặt, vậy thôi. Đêm động phòng, cô dâu khóa trái cửa buồng. Sau nhiều đêm không chinh phục được vợ, anh chồng đành chấp nhận giao ước, ăn cùng mâm, ở cùng nhà nhưng không ngủ cùng giường với cô vợ xinh đẹp nhưng sắt đá.

Trong một Hồi ký ngắn viết trong lúc nằm bệnh viện đề ngày 30/10/1977, bà Phùng Lê Trân nhớ lại, đúng lúc đang bế tắc như thế thì “có phong trào Cách mạng. Ta đến với cách mạng như mũi tên lao trúng hồng tâm”. Năm 1948, bà bị địch bắt tại Hồng Gai. Trong nhà giam, vì dám giúp đỡ, chăm sóc một bạn tù bị tra tấn nên bà bị địch bẻ hết hàm răng. Thẩm phán Phùng Lê Trân phải mang răng giả từ khi đó. Bà cũng bị Pháp đưa ra xét xử, bà viết: “Từng hiên ngang đứng trước vành móng ngựa, cãi lý với quan tòa thực dân mệnh danh “mẫu quốc”. Tòa đệ nhị cấp rồi lên Tòa thượng thẩm, ta có sợ chi đâu”.

Năm 1951, bà Phùng Lê Trân vào ngành Tòa án, với cương vị Hội thẩm ở Tòa án Quảng Yên. Sau khi được học nghiệp vụ, bà được bổ nhiệm và phân công làm Thẩm phán Tòa án khu Ba Đình, rồi lên Thẩm phán Tòa án Hà Nội. Năm 1956, sau khi đã được giải phóng khỏi tờ hôn thú cũ, bà gặp người bạn đời là ông Nguyễn Văn Trí, một Việt kiều, Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp trở về. Ông Trí là trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy da Thụy Khuê cho đến lúc nghỉ hưu.

Khi anh Tâm đi lao động xuất khẩu về chưa có việc làm, bà bảo: Con vào chỗ ba mà làm, mẹ không thể luồn lọt, xin xỏ việc làm cho con đâu.

Bà về hưu, phải đan len thêm để cải thiện cuộc sống, nhưng khi có người kiện tụng qua nhờ bà giúp, tất nhiên kèm theo đó là sự hậu tạ, bà từ chối thẳng thừng: “Tôi không phải thầy cò”

Ông Tạ Đình Đề và lòng biết ơn

 Anh Tâm kể: Sau phiên tòa ít lâu, anh thấy ông Đề và ông Luật đến chơi. Họ xách theo một túi quà, mẹ anh bảo, nếu các anh mang quà đến thì tôi xin lỗi, tôi phải mời các anh ra khỏi nhà tôi. Cuối cùng, họ phải để túi quà ở ngoài cửa để vào nhà. Từ đó, ông Đề thực hiện một cam kết là mỗi năm xin đến chúc Tết bà một lần và chỉ đi tay không. Vì thế, suốt nhiều năm, cứ đến ngày áp Tết, anh lại thấy vợ chồng ông Tạ Đình Đề đến chơi chúc Tết.

Chị Huyền kể: Mãi đến năm 1997, ông Đề đến thăm, mang theo một cái đồng hồ điện tử treo tường hiệu “Tuổi trẻ” và nói: “Tôi không biếu được chị chút quà nào để cảm ơn nên tôi thấy rất áy náy. Cái đồng hồ này cũng không đáng bao nhiêu, xin chị vui lòng nhận cho tôi. Chúng ta đều đã quá già rồi…”. Không hiểu linh cảm thế nào mà bà nhận chiếc đồng hồ, đó là món quà đầu tiên và cuối cùng của ông Tạ Đình Đề tặng ân nhân của mình vì cuối năm đó ông Đề qua đời.

Sau đó, đến gần Tết, anh con trai ông Tạ Đình Đề, nghe đâu là một người thành đạt ở trong Nam ra, đã mang quà bánh đến chúc Tết bà và nói: Ba cháu dặn là sau khi ba cháu mất, cháu phải thay ba đến chúc Tết bác mỗi năm. Vì thế, cháu xin phép bác cho cháu được qua lại. Bà nói: Bác xử bố cháu là theo nhiệm vụ được phân công, bố cháu không có tội thì phải được tuyên là không phạm tội, vì thế không phải mang ơn huệ gì cả. Ba cháu dặn thế nhưng cháu không phải câu nệ đến thăm bác nữa. Bây giờ cháu mang túi quà này về. Bác không muốn như vậy… Từ đó gia đình ông Tạ Đình Đề mới thôi đi lại. Ngày Thẩm phán Phùng Lê Trân tạ thế, anh Tâm cũng không báo tin cho họ.

Trong hồi ký ghi tại bệnh viện đã dẫn, có lẽ trong tâm trạng ốm đau, Thẩm phán Phùng Lê Trân có viết: “Các em ạ, con ạ - Hôm nay, người ta thiên về thế mạnh, người ta đánh giá chị, đánh giá mẹ không ra gì đâu, nhưng chị, mẹ tin rằng: Một trăm năm sau, tên tuổi của chị, mẹ sẽ được ghi vào sử sách rằng, một trăm năm trước đây đã có nữ Thẩm phán của Tòa án nhân dân thủ đô dám hy sinh phần mình đấu tranh công khai, trực diện với các ngành hữu quan… để bảo vệ chân lý, bảo vệ chế độ, mà đỉnh cao nhất là vụ án Tạ Đình Đề, tiến hành xét xử vào những ngày 6,7,8,9,10 và 11 tháng 6 năm 1976”.

Đọc đoạn hồi ký này xong, tôi xin phép thắp một nén hương lên bàn thờ Thẩm phán Phùng Lê Trân, và nói cũng như nói với vợ chồng anh Tâm rằng: “Thưa bác, không phải đợi đến 100 năm sau. Bác là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và sau này  noi theo về phẩm chất không khuất phục trước uy vũ, không bị cám dỗ bởi lợi ích, luôn thượng tôn pháp luật và lẽ công bằng. Công cuộc cải cách tư pháp đang được thực hiện cũng hướng về những mục tiêu như thế”.

Năm 2007, ông Tạ Đình Đề, người mà Thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên vô tội năm xưa – cũng đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Hẳn ở nơi xa xôi, bà cũng có thể mỉm cười.

NGUYỄN PHAN KHIÊM 

(Tạp Chí Tòa Án)

Donald Trump chúc mừng Tập Cận Bình, mong đợi chuyến viếng thăm lịch sử

Trong Hội nghị Trung ương 1 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã tái đắc cử Tổng Bí thư. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chúc mừng và hy vọng chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng tới sẽ là một chuyến đi lịch sử!

địa hội 19, Trung Quốc, Tap Can Binh, Donald Trump,
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Soha)
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, ngày 25/10 Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với nhau. Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã chúc mừng ông Tập tái đắc cử chức Tổng Bí thư.
Tổng thống Mỹ cho biết, ông rất quan tâm tới các thông điệp liên quan đến chính sách mà ông Tập đưa ra trong Đại hội 19. Ông mong đợi chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng tới sẽ thúc đẩy hợp tác Mỹ – Trung, cũng như đưa ra cái nhìn chung đầy đủ nhất về các vấn đề quốc tế và khu vực mà cả hai cùng quan tâm.
Ông Tập Cận Bình đã cảm ơn ông Donald Trump vì điện báo chúc mừng, đồng thời ông Tập cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với ông Trump để “cùng nhau xây dựng kế hoạch phát triển tương lai cho mối quan hệ Mỹ – Trung”.
Sau cuộc điện đàm, ông Trump đã thông báo trên Twitter: “Tôi đã gửi lời chúc mừng đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng tôi còn thảo luận về Triều Tiên và thương mại song phương, hai vấn đề vô cùng quan trọng”. 
Ông còn viết: “Melania và tôi mong chờ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện ở Trung Quốc vào hai tuần tới, hy vọng đây là một chuyến đi lịch sử!”.
Những thông tin bên lề
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào hồi tháng 09, ông Donald Trump đã từng đả kích chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chỉ ra rằng từ Liên Bang Xô Viết cho đến Cu Ba, Venezuela, đều mang đến thống khổ, tan vỡ và bại vong. Tuy ông Trump không trực tiếp nói đến Trung Quốc, nhưng các nhà bình luận cho rằng, ông đã ngầm ám chỉ chế độ ĐCSTQ đã mang đến nỗi thống khổ cho nhân dân Trung Quốc.
Trong thời gian diễn ra Đại hội 19 của ĐCSTQ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo trong một diễn đàn tại Washington đã nói, nước Mỹ đặc biệt quan tâm đến Đại hội 19 của ĐCSTQ, bao gồm cả những sự việc diễn ra trước Đại hội.
Ông Mike Pompeo đoán rằng, trong Đại hội lần này ông Tập Cận Bình sẽ tiến thêm một bước nữa, củng cố vững chắc quyền lực của mình. Đồng thời, sau khi thâu tóm quyền lực, ông Tập Cận Bình sẽ có sức mạnh lớn hơn để làm những điều tốt đẹp cho thế giới.
Ông Mike Pompeo còn cho biết, ông hy vọng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội này thể hiện họ thực sẽ là một lực lượng quan trọng của thế giới, góp phần giảm bớt những uy hiếp mang tính toàn cầu như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng mấy ngày trước đó, trong một lần thuyết giảng công khai liên quan đến chính sách, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã công khai chỉ trích rằng, Trung Quốc không giống như Ấn Độ trở thành một nước lớn có trách nhiệm, mà còn làm tổn hại trật tự vốn có của quốc tế.
Lê Hiếu biên dịch

Vì sao Đài Loan được chọn là đất nước đáng sống nhất thế giới?; 17 thị trấn mộng mơ đẹp tựa cổ tích giữa chốn trần gian, ai cũng một lần ước đến…

Trong một cuộc khảo sát của trang web du lịch lớn nhất thế giới InterNations Expat Insider năm 2016, Đài Loan đã được bình chọn là quốc gia tốt nhất để sinh sống. Hãy cùng xem những yếu tố đặc biệt nào đã tạo nên đất nước đáng sống này.

đáng sống, Đài Loan, quốc gia,
Đài Tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài bắc, Đài Loan. (Ảnh: twtimes.org)
Một quốc gia hiện đại và an ninh
Nền kinh tế Đài Loan không chỉ trứ danh là 1 trong 4 con rồng châu Á mà còn cực kỳ “thông minh” và hiện đại với hệ thống thanh toán “không tiền mặt” ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần 1 chiếc thẻ tiện dụng đơn giản, mọi hoạt động nạp tiền, trả tiền đều tự động đến mức ngạc nhiên.
Với chiếc thẻ ấy, đi tàu điện ngầm, đi xe bus, mua hàng ở các cửa hàng, siêu thị, thuê xe đạp, đến các địa điểm du lịch,… bạn chỉ cần “quẹt thẻ” mà không cần đến thu ngân. Chính vì vậy mà Đài Loan ít lạm phát, đồng tiền ít mất giá, nơi đây không có cướp giật vì chẳng mấy ai cầm nhiều tiền mặt. Ngoài ra:
– Đài Loan có không khí trong lành, môi trường không ô nhiễm với hệ thống giao thông công cộng thông minh, hiện đại như xe điện ngầm, xe bus; hệ thống đường cao tốc được thiết kế rất khoa học dành cho taxi, ô tô và các trạm xe đạp thuê rất tiện dụng…;
– Đài Loan rất ít tai nạn giao thông, trộm cắp hay hành vi vứt rác không đúng thời gian và địa điểm quy định. Hệ thống camera công cộng 24/7 sẽ ghi lại mọi vi phạm và gửi biên bản phạt về đến tận nhà bạn. Dĩ nhiên, sẽ là sai lầm nếu bạn từ chối nộp phạt theo quy định;
– Và thật độc đáo: bệnh viện ở Đài Loan là một trong những nơi người ta thích đến nhất vì sự sạch sẽ, tiện nghi và dễ chịu,…
Người dân thân thiện và tốt bụng
đáng sống, Đài Loan, quốc gia,
Một lễ hội ở Đài Loan. (Ảnh: Internet)
Thật là thiếu sót lớn khi đã nhắc đến kinh tế, xã hội mà quên nhắc đến con người Đài Loan. Họ tạo thiện cảm với người đối diện ngay lần gặp đầu tiên bởi sự thân thiện và tốt bụng của mình.
Con người Đài Loan có những nét đẹp rất Á Đông và cả nét đẹp thanh lịch, hiện đại. Sự cần cù, nhiệt tình lao động và chân thành giúp đỡ vẫn luôn rạng ngời trên gương mặt của những người chúng ta chưa từng quen biết ấy. Ít có ở đâu những người dân bản địa tốt bụng như nơi đây, họ chỉ đường tận tình đến mức du khách phải cảm thấy “phiền”.
Không chỉ vậy, lời xin lỗi hay câu cảm ơn là những câu nói cửa miệng tại đất nước này. Bên cạnh đó, nét đẹp của sự kỷ luật, sự tôn trọng, của văn hóa xếp hàng và tính hệ thống của con người Đài Loan cũng cực kỳ ấn tượng.
Một nét đẹp nữa của Đài Loan là văn hóa đi bộ. Người Đài Loan đi bộ rất nhiều. Từ nhà đến trạm xe bus, xe điện ngầm khoảng trên dưới 1km là “đi bộ thẳng tiến”. Vì đi bộ nhiều nên vóc dáng họ thon gọn, hiếm thấy người thừa cân. Và cũng vì đi bộ nhiều nên họ chủ yếu mang giày, các loại giày tiện dụng, giày thể thao. Giày dép ở đây cũng rất bền và rẻ.
Nền giáo dục đáng mơ ước
đáng sống, Đài Loan, quốc gia,
Một góc phía Tây của Công viên Khoa học Tân Trúc, Đài Loan (Ảnh: nature.com)
Cơ sở vật chất hiện đại
Giáo dục được coi là cốt lõi của sự phát triển kinh tế, xã hội vì vậy, ngân sách đầu tư hàng năm cho giáo dục ở đất nước này là trên 20 tỷ USD Mỹ. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nền giáo dục của Đài Loan đang dần đạt đến “trang thái lý tưởng”: học phí thấp nhất – chất lượng cao nhất – cơ sở vật chất hiện đại nhất.
Chất lượng đào tạo ngang tầm Âu – Mỹ với tính ứng dụng thực tế cao
Đã có rất nhiều những đánh giá, xếp hạng toàn cầu khẳng định nền giáo dục Đài Loan ngang tầm với nền giáo dục các nước Âu – Mỹ không chỉ về chất lượng mà còn về tính ứng dụng. Để có được hiện tượng “Phép lạ Đài Loan”, đất nước này đã tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục và gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ.
Tính kỷ luật và sự chặt chẽ của hệ thống quản lý giáo dục
Ở Đài Loan, tất cả đều đầu tư cho giáo dục hết sức nghiêm túc và chất lượng đầu ra của sinh viên, sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội là một trong những thước đo sự thành công của giáo dục. Vậy nên, nền giáo dục Đài Loan là nền giáo dục thực học, xã hội Đài Loan tin tưởng và tôn trọng năng lực thực học của mỗi người.
Điều đó đồng nghĩa với việc họ không chấp nhận bất kỳ sự gian dối nào trong học tập và sự yếu kém trong đào tạo. Sinh viên gian lận trong kỳ thi, giảng viên nhận những phản hồi không tích cực từ sinh viên trong kỳ đánh giá đều sẽ bị phạt rất nặng về hành chính. Quan trọng nhất là hồ sơ của sinh viên và giảng viên đó sẽ “bị xấu”, sinh viên không được nhận vào học ở bất kỳ trường nào tại Đài Loan nữa và giảng viên rất khó xin được công việc tiếp theo.
Thử một lần đặt chân đến nơi đây, bạn sẽ cảm thấy bao nhiêu ngôn từ cũng không đủ để diễn tả hết những cảm nhận tuyệt vời về một Đài Loan đáng sống!
TinhHoa tổng hợp

17 thị trấn mộng mơ đẹp tựa cổ tích giữa chốn trần gian, ai cũng một lần ước đến…

Việt Nam sẽ phải trả nợ bao nhiêu trong 3 năm tới? ( 11 TỶ USD ); Ngân sách khốn quẫn: điều tất yếu phải đến?

Vietnam – Cali Today news – Việt Nam đang ngập ngụa trong nợ. Nợ nước ngoài lẫn nợ trong nước. Cả hai thứ nợ này đều có cơ hội nhấn chìm toàn bộ ngân sách quốc gia vốn ngày càng eo hẹp cả tiền trả lương cho đội ngũ gần 3 triệu công chức với “30% trong số đó bị coi là “không làm gì cả những vẫn đều đều lãnh lương”.

Ảnh: Nhịp Cầu Đầu Tư
Con số nợ trong nước mới nhất được nêu ra là từ Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Tài chính Việt Nam. Theo đó, có tới phân nửa các khoản nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Dù báo cáo không đưa ra con số cụ thể số tiền phải trả, nhưng theo Bản tin nợ công số 5 (năm 2015) vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ trong nước của Chính phủ tới hết năm 2015 còn hơn 54,6 tỷ USD (tương đương hơn 1,19 triệu tỷ đồng); nợ Chính phủ bảo lãnh vay trong nước hơn 9,4 tỷ USD (tương đương hơn 207,45 nghìn tỷ đồng); nợ chính quyền địa phương vay trong nước hơn 3,3 tỷ USD (tương đương hơn 73,6 nghìn tỷ đồng). Với phân nửa số nợ trên sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, khi đó ngân sách nhà nước sẽ phải dành ra hơn 738 nghìn tỷ đồng (trên 33,6 tỷ USD) để trả nợ vay trong nước (chưa kể các khoản vay nước ngoài tới hạn).

Như vậy, số nợ trong nước mà ngân sách trung ương phải có trách nhiệm trả cho mỗi trong 3 năm tới sẽ vào khoảng 11 tỷ USD.

Nguồn cơn chính dẫn đến nợ trong nước đã được tích tụ từ thời “phá chưa từng có” của Thủ tướng tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ ồ ạt phát hành “trái phiếu đặc biệt” để hút tiền mặt từ các ngân hàng thương mại cổ phần. Lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đã tăng cao và tăng đột ngột trong thời gian gần đây, gây sức ép mạnh lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán, trong lúc chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ. Còn giờ đây và những năm tới, nhiều khoản phát hành trái phiếu sẽ đến kỳ đáo hạn và dù ngân sách không còn tiền thì vẫn phải cố mà in thêm tiền để trả nợ cho các ngân hàng thương mại, cho dù mới đây WB đã một lần nữa khuyến cáo Việt Nam không nên in tiền quá nhiều.

Thế nhưng những khoản phải trả cho nước ngoài thì đương nhiên không thể bằng tiền Việt, mà phải bằng ngoại tệ mạnh.

Vào năm 2015 và là lúc Nguyễn Tấn Dũng tạm “hạ cánh an toàn” sau khi để lại một núi nợ khổng lồ cho quốc gia và dân tộc, ngân sách Việt Nam đã phải xuất ra đến 20 tỷ USD để trả nợ cho nước ngoài. Những năm sau đó, bình quân mỗi năm Việt Nam phải trả nợ hàng chục tỷ USD cho nước ngoài.

Cộng các khoản nợ trong nước và nước ngoài, ngân sách Việt Nam sẽ phải trả nợ bình quân trên 20 tỷ USD cho mỗi trong 3 năm tới, và trong 3 năm sẽ phải trả trên 60 tỷ USD.

Hẳn đó là lý do mà vào đầu năm 2017, sau những cuộc bàn cãi gây gắt, Chính phủ Việt Nam đã phải tìm cách từ chối nợ vay nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước mà không đưa loại nợ này vào nợ công quốc gia, dù theo quy định của Liên hiệp quốc thì nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước là một thành phần của nợ công quốc gia.

Vậy nợ của các doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu?

Từ năm 2011 đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt.

Theo một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu chuyên viên tài chính của Liên hiệp quốc – vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP, vượt rất xa báo cáo “nợ công chưa đụng trần 65% GDP” của Chính phủ.

Gần đây, ngay cả một số tờ báo nhà nước chuyên về kinh tế cũng đã phải hé ra sụ thật về nợ công quốc gia. Gần nhất, tờ Nhịp Cầu Đầu Tư viết:

“Nợ công của Việt Nam có thể đã lên tới hơn 200% GDP, đã vượt quá chỉ tiêu an toàn nợ là 65% GDP, nếu tính đầy đủ theo thông lệ quốc tế, bao gồm nợ của ngân hàng trung ương và các đơn vị công lập khác.

Nếu như năm 2001, Việt Nam vay World Bank khoảng 23.900 tỷ đồng thì tới năm 2015 đã là hơn 274.000 tỷ đồng, tức là gấp khoảng 11,5 lần. Tương tự, với Ngân hàng Phát triển châu Á, nợ của Chính phủ với nhà tài trợ này đã tăng hơn 20 lần trong quãng thời gian trên (từ 7.500 tỷ đồng lên hơn 151.000 tỷ đồng).

World Bank định nghĩa nợ công không chỉ là nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ chính phủ bảo lãnh mà còn bao gồm nợ ở ngân hàng trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các khoản chính phủ đã cam kết chi trả như lương hưu, bảo hiểm”.

Vào chính lúc này, ngân sách có nhiều dấu hiệu cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính phủ không còn khả năng nào để trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Thiền Lâm

(Cali Today news)


Tình trạng ngân sách nhà nước rơi vào cảnh bí bách chẳng phải là điều mới mẻ gì, mà đó là thực tế công chúng Việt Nam đã biết đến từ vài năm gần đây.

Hình minh họa.

Hội chứng “hết tiền trả lương”

Sự kiện đầu tiên báo hiệu tình trạng ngày một xấu đi này diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2015, khi một loạt tờ báo “chính thống” đồng loạt chạy những hàng tít như “Thành uỷ Bạc Liêu hết tiền hoạt động”, hay thậm chí còn bi đát hơn: “Thành ủy Bạc Liêu không chỉ hết tiền mà còn... nợ nần chồng chất.”

Câu chuyện Thành uỷ Bạc Liêu vỡ nợ chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại rộ lên trước thông tin về thực trạng tương tự ở Cà Mau, khi không chỉ UBND TP Cà Mau nợ đầm đìa, không còn tiền trả lương cho công chức, mà cả huyện Cái Nước cũng hết tiền chi lương, phải cầu cứu ngân sách tỉnh.

Hai sự kiện xẩy ra liên tiếp này tuy khiến dư luận bàn tán xôn xao, nhưng không khiến người ta phải quá ngạc nhiên, bởi chỉ hơn một tháng trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã “bộc bạch” trong một tâm trạng đầy ưu tư tại phiên thảo luận tổ của các ĐBQH: “Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ.”

Lo sợ tình trạng nợ lương công chức sẽ gây ra phản ứng dây chuyền cùng những tác động tiêu cực khó lường trong xã hội nên chỉ ít ngày sau hai vụ lùm xùm ở Bạc Liêu và Cà Mau, Bộ Tài chính đã cấp tốc gửi công văn xuống các địa phương, yêu cầu không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan quản lý ngân khố quốc gia thậm chí còn “vẽ đường” cho các địa phương như giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện các khoản chi chưa cần thiết; sử dụng thêm các nguồn lực tài chính của địa phương như quỹ dự trữ tài chính, v.v.; và nếu thực hiện các giải pháp trên mà ngân sách địa phương vẫn khó khăn thì cần báo cáo bằng văn bản lên cấp trên, để cho phép tạm ứng nguồn chi.

Tuy nhiên, sau công văn chỉ đạo nói trên của Bộ Tài chính chỉ mươi hôm, báo chí lại loan tin về việc UBND xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh suốt hai tháng liền không có tiền trả lương cho cán bộ, công chức. Và cũng ở huyện Thạch Hà, mấy tháng sau vụ xã Thạch Khê nợ lương lại đến lượt xã Thạch Văn lên mặt báo vì nợ lương công chức.

Và chỉ cách đây vài hôm, báo chí lại rộ lên thông tin là cán bộ, công chức tại một số xã, phường trên địa bàn TP Vĩnh Long đã không được nhận lương từ nhiều tháng qua.

Nợ lương công chức vốn dĩ là một chủ đề “nhạy cảm”, nên những gì được phơi bày trên mặt báo mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Công an cũng không thoát

Công an là lực lượng mà giới lãnh đạo cộng sản thường ví là “thanh gươm của đảng”. Một trong những khẩu hiệu mang tính chất “kim chỉ nam” của đội quân hùng hậu này là: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình.” Điều này giải thích tại sao bộ máy công an luôn nhận được sự đãi ngộ đặc biệt và không ngừng phình ra, còn chế độ CSVN vẫn được gọi là chế độ “công an trị”.

Tuy nhiên, tình trạng ngân sách khốn khó cũng đã tác động đến lực lượng công an, đội quân kiêu binh mà xưa nay đảng vẫn dùng tiền để mua sự trung thành và tưởng như “bất khả xâm phạm”. Chẳng hạn, trước kia cán bộ công an mỗi khi được điều động đi làm nhiệm vụ bên ngoài đều được nhận một khoản hỗ trợ khá hậu hĩnh (thường là 500.000VNĐ/ngày), nhưng nay khoản này hầu như bị cắt hẳn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cán bộ ngoại giao làm việc tại các nước là sỹ quan tình báo từ Tổng cục V, Bộ Công an “biệt phái” sang. Trước đây, cán bộ cấp lãnh sự (thường là sỹ quan tình báo biệt phái), đều được nhận thêm trợ cấp cho vợ (hoặc một người giúp việc), với mức trợ cấp bình quân mỗi tháng từ 400 đến 600USD, bất kể người vợ có sống cùng chồng tại nơi công tác hay không. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm nay, khoản trợ cấp đó đã không còn.

Xin dẫn thêm một ví dụ từ Bắc Ninh, một tỉnh giàu có nằm ngay cửa ngõ thủ đô và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.

Trong cuộc cưỡng chế đất tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn ngày 22/12/2016, khoảng 450 cảnh sát đã được điều động để trấn áp bà con dân oan. Sau cuộc cưỡng chế, ngoài bữa ăn trưa, mỗi viên cảnh sát còn được nhận khoản “bồi dưỡng” 500.000VNĐ. Tất cả các khoản chi đều được lấy từ ngân sách công an. Tuy nhiên, cuộc cưỡng chế đất cũng tại phường Đồng Kỵ ngày 20/9 vừa qua thì chỉ khoảng 350 cảnh sát được huy động. Và sau cuộc cưỡng chế, đội quân chuyên đàn áp dân đen đã không còn được nhận khoản “bồi dưỡng” mà bình thường họ vẫn nhận. Họ vẫn được ăn trưa, nhưng khoản chi đó cũng không phải được trích từ ngân sách công an, mà từ Trung tâm Quỹ đất tỉnh.

Điều tất yếu phải đến?

Những hiện tượng nêu trên chỉ là “triệu chứng ngoài da” của một “con bệnh” mà ngay từ khi chào đời đã bộc lộ những bất ổn bên trong. Như một lẽ tự nhiên, càng ngày khả năng cầm cự của nó càng kém.

Tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách đầu năm 2017, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thú nhận những thực tế đáng báo động như “Nợ công nếu tính đủ đã vượt trần”, “Chi thường xuyên tăng rất nhanh khiến ngân sách căng thẳng” hay “Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.

Trong cuộc làm việc với Bộ GTVT ngày 16/3, người đứng đầu chính phủ cũng đã cảnh báo cơ quan quản lý hạ tầng quan trọng này là vốn ngân sách đang ở vào tình trạng cực khó.

Và trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình tài chính quốc gia: “Nền tài chính chúng tôi thấy không được bền vững. Sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên, tiêu dùng cũng là khó.”

Đâu là giải pháp?

Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, cựu TBT Lê Khả Phiêu đã nhận định là yêu cầu tinh gọn bộ máy hiện “không còn đường lùi”. Tổng số công chức biên chế của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay là 3.734.302 người, tức chiếm đến 4% dân số, gấp tới gần 6 lần so với tỷ lệ công chức/dân số ở Mỹ (chỉ 0,68%). Chưa hết, nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì số người mà ngân sách nhà nước phải “cõng” trên lưng lên tới con số 11 triệu.

Không một quốc gia nào, dù giàu có đến đâu, có thể nuôi nổi một đội quân khổng lồ như thế bằng tiền thuế của dân.

Cách đây mấy năm, dư luận đã tá hoả trước thông tin một xã nghèo với 9.500 dân ở Thanh Hoá nhưng lại có đến… 500 cán bộ. Và đây không phải là trường hợp cá biệt trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Thực ra, không phải bây giờ ban lãnh đạo CSVN mới kêu gào “tinh giản biên chế” hay “tinh gọn bộ máy”, mà vấn đề này đã được đặt ra ngay từ thời họ còn ở “thủ đô kháng chiến” Việt Bắc. Từ đó đến nay, đây là một trong những “điệp khúc” mà công chúng Việt Nam được nghe nhiều nhất, song tình hình lại ngày một trầm trọng hơn.

Lần này cũng vậy, số lượng biên chế hay số cơ quan trong hệ thống chính trị không thể nào giảm được chỉ bằng cách kêu gào, hay bằng “quyết tâm chính trị” kiểu cộng sản.

Trong bối cảnh áp lực nợ công ngày một lớn, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đang đuối dần, mức độ ưu đãi của các khoản vay từ các đối tác phát triển (World Bank, ADB hay IMF…) hầu như không còn, gánh nặng bộ máy đảng - chính quyền - đoàn thể tiếp tục chồng chất trên lưng người đóng thuế, ngân sách nhà nước ngày càng khốn quẫn, ban lãnh đạo Việt Nam xem ra chỉ còn giải pháp duy nhất để duy trì tăng trưởng và đảm bảo ổn định xã hội: Cải cách chính trị song hành với cải cách kinh tế.

Ngược lại, nếu vẫn cứ đà này, sự đổ vỡ của nền tài khoá quốc gia kéo theo sự sụp đổ của hệ thống là thực tế khó tránh khỏi. Đó là một cái giá đắt đến đến mức không ai mong muốn.

Lê Anh Hùng

(Blog VOA)