Không kiểm tra nguồn gốc tài sản ông Quý là thiếu sót
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây khẳng định rằng, ông
Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái có nhiều vi phạm trong việc kê khai tài sản, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng.
Theo đó, năm 2016 ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; không kê khai 1 căn nhà diện tích xây dựng 600 m2;
Không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.
|
Khu dinh thự của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. |
Ông
Phạm Sỹ Quý kê khai tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đang sở hữu nhiều đất đai, trang trại, chung cư cao cấp ở Hà Nội và một ô tô Camry.
Cụ thể, gia đình ông Quý đang sở hữu nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ngoài ra, gia đình ông Quý có nhà tạm diện tích xây dựng 150m2, giá trị 200 triệu đồng; sở hữu mảnh đất 1.000m2 trị giá 500 triệu đồng; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và đang sử dụng một ô tô Camry.
Ông Phạm Sỹ Quý kê khai, tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đây là thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016.
Trước đó, năm 2014, qua đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập của ông Quý, đoàn thanh tra phát hiện ông này đã không kê khai 1.200 m2 đất ở; 59.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; không kê khai vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.
Năm 2015, qua thanh tra, đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập của ông Quý ghi ngày 26/12/2015, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, ông Quý đã không kê khai 13.111 m2 đất ở, 41.500 m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên. Ngoài ra, ông cũng không kê khai khoản 6,3 tỷ đồng vay ngân hàng và tiền vay bố vợ là 1,9 tỷ đồng.
Từ những số liệu trên có thể thấy, rất nhiều tài sản của vợ chồng ông Quý được hình thành sau năm 2012 (thời điểm bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản), không được vợ chồng ông Quý kê khai theo đúng quy định.
Theo Điều 46b Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm không chỉ đối với tài sản của bản thân mình mà còn đối với tài sản của vợ, con chưa thành niên.
Phần “tăng thêm” phải giải trình chỉ là phần “tăng thêm” so với kỳ kê khai trước đó.
Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì coi là một trong những cơ sở để tiến hành xác minh tài sản.
Như vậy, chiếu theo luật này, vợ chồng ông Quý phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc số tài sản tăng thêm, trong đó có cả phần tài sản kê khai thiếu (hàng chục nghìn m2 đất) trong nhiều năm.
Thậm chí theo luật này, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể truy vấn, xác minh nguồn gốc khối tài sản của hàng nghìn m2 đất, nhà kê khai thiếu của vợ chồng ông Quý, theo quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Bởi lẽ, hàng chục nghìn m2 đất, nhà kê khai thiếu nói trên (có thể hiểu là tài sản tăng thêm nhưng không được kê khai) không những không được giải trình rõ ràng mà có thể được coi là tài sản tăng thêm có dấu hiệu không minh bạch.
Đặt câu hỏi ngược lại, nếu không có điều gì mờ ám, thì sao ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên?
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề nguồn gốc tài sản của vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý đang sở hữu và phần tài sản tăng thêm (có cả tài sản kê khai thiếu) chưa được làm rõ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Hay nói cách khác, cơ quan có thẩm quyền mới chỉ đề cập tới việc ông Quý vi phạm trong việc kê khai tài sản chứ chưa hề thực hiện truy vấn, kiểm tra nguồn gốc tài sản của vợ chồng cán bộ này theo luật định.
Tổ chức quản lý cán bộ thiếu trách nhiệm
Nhận định về việc cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm đối với ông Phạm Sỹ Quý, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên đối với ông Phạm Sỹ Quý là điều hợp lý.
"Nếu cơ quan có thẩm quyền đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền đối với cán bộ, thì đi kèm với đó là việc cho thôi chức vụ đối với người vi phạm.
Trong trường hợp này, ông Quý từ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển sang Phó Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh (tương đương Phó Giám đốc cấp Sở) là hình thức hạ chức vụ cán bộ thì đúng hơn chứ không phải cách chức.
Trường hợp cán bộ vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì phải truy tố", ông Phúc nói rõ.
|
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh Hoàng Lực. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, những vi phạm của ông Quý nói trên, trong đó có việc kê khai tài sản có trách nhiệm của tổ chức quản lý cán bộ.
"Ngày xưa khi cha ông ta tiến cử người làm quan, nếu người được tiến cử có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ thì người tiến cử vẫn bị kỷ luật và chịu trách nhiệm.
Tôi cho rằng, những vi phạm của cán bộ trong vụ việc này có trách nhiệm của cấp quản lý trong việc kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ từ khi họ có tài sản cho tới khi khối tài sản có sự biến động (tăng).
Việc quản lý cán bộ chưa tốt dẫn tới việc nhiều người có dấu hiệu vi phạm cách đây khá lâu nhưng tới nay mới được phát hiện. Đó còn là sự thiếu trách nhiệm của tổ chức đối với cán bộ do mình quản lý.
Trường hợp nếu tài sản cán bộ có được có dấu hiệu tham nhũng, ăn cắp, bớt xén ngân quỹ thì cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ", ông Phúc nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý trong việc kiểm tra, phát hiện kịp thời dấu hiệu vi phạm của cán bộ để tránh gây thất thoát về tài sản do tham nhũng.
"Không thể để tiền mất, tật mang. Tiền mất, người cũng mất thì làm được gì? Nó không đúng với mục đích trong việc phòng chống tham nhũng trong đó có việc giáo dục, răn đe cán bộ vi phạm và thu hồi tài sản do tham nhũng", ông Phúc cho hay.
Vì sao không truy nguồn gốc tài sản vợ chồng ông Quý?
Hôm 23/10,
Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra liên quan khu đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đứng tên bà Hoàng Thị Huệ là vợ ông Phạm Sỹ Quý.
Cơ quan này đã kiến nghị:
"Tổ chức kiểm điểm, đề nghị có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông
Phạm Sỹ Quý về vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập; vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng với vai trò của người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường".
Về cơ bản, kết luận thanh tra đã chỉ rõ những vi phạm liên quan tới ông Phạm Sỹ Quý và bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý).
|
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, ảnh: Báo Công an Nhân dân. |
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hơn cả là việc xác định nguồn gốc khối tài sản lớn mà vợ chồng ông Quý đang sở hữu thì vẫn chưa được làm rõ.
Mặt khác, chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái do cấp Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quản lý. Như vậy, cơ quan này có trách nhiệm gì trước những vi phạm của đảng viên?
Trả lời những thắc mắc trên của dư luận xung quanh những vi phạm của ông Quý vừa được cơ quan thanh tra kết luận, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, ngoài xử lý về mặt chính quyền, những vi phạm của cán bộ này có thể xem xét, xử lý cả về mặt đảng.
"Trước những vi phạm trên, Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái cần xem xét xử lý những vấn đề có dấu hiệu vi phạm về mặt đảng của ông Quý.
Trong trường hợp này, Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có thể căn cứ vào những vi phạm về mặt chính quyền để xử lý ông Quý về mặt đảng", ông Đạt nói.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cũng cho rằng, Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái không liên quan tới những vi phạm của ông Quý.
Người nào vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Đạt nói.
Một nghi vấn khác cần được làm rõ chính là việc, bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) chỉ là giáo viên bình thường nhưng đứng tên rất nhiều tài sản.
Bà này cũng nhận được sự "ưu ái" của cơ quan có thẩm quyền trong việc chuyển hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp sang đất ở không đúng quy định. Vì sao lại có chuyện như vậy?
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc truy nguồn gốc tài sản của vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý, ông Đạt cho rằng, việc này rất khó thực hiện và không nằm trong nội dung thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.
"Tất cả những tài sản của ông Quý và vợ đều có giải trình.
Chúng tôi không đi sâu vào việc xác định nguồn gốc tài sản của vợ chồng ông Quý do đâu mà có.
Luật không quy định việc truy nguồn gốc tài sản của người ta.
Làm sao mà truy được tài sản của họ nếu tài sản đó được người thân cho, tặng?
Việc truy nguồn gốc tài sản của cán bộ chỉ thực hiện được khi tài sản đó có dấu hiệu tham nhũng, lừa đảo...
Còn việc người ta vay ngân hàng làm nhà, thì mình cũng chỉ xác nhận khoản tiền đó là vay ngân hàng thôi. Trong nội dung thanh tra không có việc xác minh nguồn gốc tài sản của vợ chồng ông Quý.
Chúng tôi chỉ căn cứ vào tài sản của vợ chồng ông Quý kê khai không trung thực để làm rõ vi phạm và đề nghị xử lý", ông Đạt cho hay.
Tuyên bố "nếu làm sai tôi sẽ từ chức" của ông Phạm Sỹ Quý
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái là nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh.
|
Khu đất của gia đình ông Quý, với những công trình mà nhiều dân địa phương phải trầm trồ, khen ngợi. Ảnh Hải Ninh. |
Trước đó, phát biểu trên một số tờ báo, ông Quý mạnh bạo tuyên bố rằng: "Nếu làm sai tôi sẽ từ chức".
Vậy ông Quý có còn xứng đáng với cương vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái trước những vi phạm nói trên và cũng bởi những tuyên bố hùng hồn trước đây của mình?
Về việc này, Cục trưởng Đạt không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, việc xử lý vi phạm của ông Quý cần căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành.
"Hội đồng kỷ luật do tỉnh thành lập sẽ căn cứ mức độ sai phạm của ông Quý, chiếu theo các điều khoản theo quy định của pháp luật để đưa ra hình thức xử lý nghiêm túc, nghiêm minh.
Chúng tôi chỉ có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm do họ gây ra chứ không tham gia vào công tác xử lý cán bộ", ông Đạt nói.
Một số ý kiến khác nhận định rằng, ông Phạm Sỹ Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, do vậy việc xử lý vi phạm của cán bộ này khó được thực hiện một cách khách quan.
Về chuyện này, ông Đạt nhận định: cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật trước những vi phạm của ông Quý.
"Cái này phải xử lý theo luật chứ làm sao nương nhẹ được?
Việc kỷ luật cán bộ phải lấy ý kiến của cả một Hội đồng, chứ đâu phải một người là có thể quyết định được việc kỷ luật cán bộ đâu", ông Đạt nói.
Cục trưởng Cục chống tham nhũng cũng khẳng định:
Cơ quan Thanh tra không chịu bất cứ áp lực bên ngoài nào và cũng không có ai tác động, tạo áp lực cho Cục Chống tham nhũng khi thực hiện thanh tra vụ việc.
"Chỉ có luật pháp tạo áp lực cho chúng tôi phải thực hiện cho đúng chức năng, nhiệm vụ và đúng các quy định của luật.
Chỉ có một cá nhân nhưng cơ quan thanh tra chỉ ra tới mười mấy sai phạm thì không phải chuyện đơn giản đâu. Điều đó để cho thấy, việc thanh tra được thực hiện nghiêm túc, khách quan", ông Đạt cho biết.
(còn nữa)
XUÂN QUANG