Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Tướng Sùng Thìn Cò: Nhìn lên đỉnh núi biết rằng hàng nghìn đồng chí vẫn nằm đó...; Bản kiến nghi 5 điểm về cuộc chiến tranh biên giới phía bắc

Tướng Sùng Thìn Cò: Nhìn lên đỉnh núi biết rằng hàng nghìn đồng chí vẫn nằm đó...
Bảo Bình | 
Tướng Sùng Thìn Cò: Nhìn lên đỉnh núi biết rằng hàng nghìn đồng chí vẫn nằm đó...
Đại biểu Sùng Thìn Cò khiến cả hội trường lặng đi khi nhắc đến những liệt sỹ còn nằm trên núi cao. Ảnh: VGP

Vị đại biểu Hà Giang đề nghị Quốc hội, Đảng, Nhà nước quan tâm trong phân bổ ngân sách năm 2018 để đưa hài cốt các liệt sỹ trở về với gia đình.




Phát biểu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Đại biểu Hà Giang) - Phó tư lệnh Quân khu 2, phát biểu với tư cách là chiến sĩ từng cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc, ông nói:
Hiện nay, tại các điểm cao 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220 , 1.030, bình độ 300, 400, 800 có rất nhiều chiến sỹ của chúng ta đã hy sinh tại đây. Do điều kiện chiến tranh, do điều kiện bom mìn còn sót lại nên chưa đưa hết hài cốt của các đồng chí liệt sỹ về.
"Tại khu vực này, theo thông tin của các đơn vị và các đồng chí cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu, chúng ta còn khoảng 2.500 liệt sỹ đang nằm tại đây.
Hằng ngày, ở dưới bãi bằng nhìn lên trên đỉnh núi biết rằng các đồng chí vẫn nằm ở đó nhưng chưa thể đưa về được. Đã hơn 30 năm qua, thân nhân gia đình các liệt sỹ có người còn, người mất, các cụ chỉ mong ước trước khi nhắm mắt còn được thấy con mình trở về nhà".

Vì vậy, đại biểu Sùng Thìn Cò đề nghị Quốc hội, Đảng, Nhà nước quan tâm trong phân bổ ngân sách năm 2018:
"Chỉ cần các đồng chí cấp một lần cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2, chúng tôi sẽ quyết tâm trong năm 2018, 2019 đưa hết toàn bộ hài cốt của các đồng chí về với gia đình, với quê hương, quy tập về các nghĩa trang của đất nước, mà tập trung là địa bàn của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang".
theo Trí Thức Trẻ

Thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2-
(Ảnh P.V.Đ chụp trước khi mất 1 thàng )

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
-----------------------------------------------------------
                                                   Hà Nội, ngày  12   tháng   09  năm 2012

BẢN ĐỀ NGHỊ
BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC SAU 30/4/1975 ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG NGHỊ ĐỊNH 23/NĐ-CP/2012
(Nghị định 23/NĐ-CP/2012 quy định về chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước...)


          Kính gửi:   -  BỘ CHÍNH TRỊ  TW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
   -    BAN BÍ THƯ TW ĐCSVN
-        CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
-        CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
-        THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-        BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
-        QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG

Kính thưa các đồng chí
Chúng tôi một số cựu chiến binh ký tên dưới đây xin bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh việc tháng 4/ 2012 vừa qua, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/NĐ-CP/2012, một Nghị định đã góp phần ghi công và đền đáp một phần sự hy sinh cống hiến của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các nhân viên cơ yếu đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975.
I.Về việc xác định mốc thời gian của Nghị định 23 về các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc xác định về các mốc thời gian về diễn biến của các cuộc chiến tranh tại các chiến trường khác nhau như Nghị định 23 đã xác định đứng về phương diện quản lý nhà nước:
-Cuộc chiến tranh trên biên giới Tây-Nam được xác định từ 5/1975 đến 7/1/1979;
-Cuộc chiến đấu tiêu diệt FULRO ở Tây Nguyên được tính từ 5/1975 đến 12/1992;
-Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến 31/12/1988;
-Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cămpuchia từ 1/1979 đến 31/8/1989;
-Cuộc chiến tranh trên biên giới phía bắc chống chiến tranh lấn chiếm do Trung Quốc tiến hành và cuộc chiến tranh trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa tính từ 17/2/1979 tới 31/12/1988...

Việc xác định các mốc thời gian trên đã phản ánh rõ ràng, đầy đủ tính chất, quy mô, thời gian, không gian của việc sử dụng lực lượng vũ trang đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đúng như thực tế lịch sử đã xảy ra: từ tháng 5/1975 đến 1992 ( đối với chiến trường Tây Nguyên ); đến ngày 31/8/1989 ( đối với cuộc chiến tranh giúp bạn Cămpuchia ); đến ngày 31/12/1988 ( đối với cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía bắc và trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ).
Tuy nhiên Nghị định 23 mới đề ra các chế độ, chính sách cụ thể bằng vật chất nhằm ghi nhận, động viên, đền đáp công lao đối với những người từng tham gia tới các cuộc chiến tranh trong giai đoạn kể trên; Nghị định 23 tuy được chính phủ ban hành nhưng chưa phản ánh và bao quát đầy đủ ý nghĩa chính trị, lịch sử, an ninh quốc phòng rộng lớn liên quan tới toàn bộ các cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; giúp bạn Cămpuchia diệt trừ nạn diệt chủng của giai đoạn sau 30/4/1975.
Văn bản Nghị định 23 hết sức quan trọng vì nó liên quan tới một giai đoạn lịch sử xảy ra liên tiếp nhiều cuộc chiến tranh; mốc giới thời gian không chỉ làm căn cứ ban hành chế độ, chính sách mà nó còn là cơ sở để biên soạn các văn kiện lịch sử quân sự, lịch sử đất nước khi viết về giai đoạn này; Vì đây là một sự xác nhận và xác định chính thức về phương diện quản lý nhà nước.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: sau ngày 30/4/1975, khi chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, dân tộc ta đã phải trải qua một loại hình chiến tranh mới, Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bành trướng bá quyền Đại Hán và bè lũ diệt chủng Paul Pot.
Các cuộc chiến tranh này diễn ra trên quy mô toàn quốc, trên đất liền, biên giới, hải đảo và cả trên đất nước bạn Cămpuchia; Những cuộc chiến tranh này đã nổ ra với những đối tượng tác chiến có những đặc điểm riêng; những cuộc chiến tranh này lại diễn trong một bối cảnh, hoàn cảnh bị chi phối, đan xen nhiều quan hệ quốc tế phức tạp...
Những đối tượng tác chiến này trước 30/4/1975 là bạn, là đồng chí, đồng minh nhưng sau 30/4/1975 bất ngờ tấn công chúng ta và hiện nay lại đang bình thường hóa quan hệ trở lại. Những điều này gây cho chúng ta rất nhiều những yếu tố bất ngờ từ thế trận, tâm lý và xác định tư tưởng cho bộ đội. Đây là những vấn đề về phương diện quản lý nhà nước vĩ mô, vấn đề chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước cần phải khắc ghi để làm những bài học lịch sử về ý thức cảnh giác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước.
Chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ không dừng lại việc ban hành Nghị định 23, một nghĩa cử đền ơn, đáp nghĩa cho những ai đã hy sinh xương máu mà còn cần thiết phải có các chủ trương chính sách bổ sung, hoàn thiện thêm về giai đoạn lịch sử này nhằm ghi lại những bài học lịch sử xương máu để không bị lãng quên, bỏ sót.



II. Một số kiến nghị liên quan tới các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975

1/  Kiến nghị tổng kết lại toàn diện các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/ 1975
Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một Nghị quyết có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước, Chính phủ tiến hành tổng kết toàn diện các cuộc chiến tranh xảy ra sau năm 1975 cả trên cấp độ chiến lược, chiến dịch nhằm mục đích:
-Đánh giá lại việc chỉ đạo chiến tranh ở cả cấp chiến lược và chiến dịch; Đáng giá lại việc chỉ đạo xây dựng và phối hợp tác chiến của 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; tổng kết sự hợp đồng tác chiến của các quân binh chủng; sự phối hợp tác chiến giữa mặt trận quân sự, ngoại giao...
- Qua việc đánh giá này mà rút ra những bài học cấp thiết cho việc tăng cường nhiệm vụ quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.
2/ Tìm kiếm, quy tập hài cốt, phần mộ liệt sĩ ta hiện đang nằm bên phần đất Trung Quốc
Do việc Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp định hoạch định lại đường biên giới 2 nước nên đã xảy ra một số tình trạng sau đây: Một số vùng đất trước đây thuộc về ta nay thuộc về Trung Quốc; trong thời gian chiến tranh do tính chất ác liệt của các trận đánh nên rất nhiều hài cốt, phần mộ liệt sĩ trước đây nằm trên đất ta nay lại nằm bên phần đất của Trung Quốc. Vì thế chúng tôi kiến nghị:
- Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cần làm việc với các cơ quan hữu trách Trung Quốc đề nghị tạo điều kiện, giúp chúng ta tìm kiếm, quy tập và đưa những hài cốt, phần mộ của các liệt sĩ trở về Tổ Quốc, trở về đất mẹ;
-Hiện nay tại một số cao điểm tại Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhiều bộ đội ta đã hy sinh và hài cốt của họ hoặc do ta hoặc do lính Trung Quốc đã chôn lấp tạm tại đây. Chúng tôi kiến nghị Bộ Quốc phòng xây dựng dự án cho rà phá bom mìn tại những địa điểm này để tạo điều kiện cho các cựu chiến binh, đồng đội cũ, thân nhân của các liệt sĩ quay lại các vị trí này tìm lại phần hài cốt liệt sĩ còn nằm tại đây.
3/ Đưa các cuộc chiến tranh này vào các văn kiện chính thức của nhà nước, Đảng;
Biên soạn, bổ sung vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử quân sự, các tài liệu giáo khoa lịch sử của hệ thống các trường học phổ thông và đại học đối với các cuộc chiến tranh trong giai đoạn sau 30/4/1975. Đầu tư, tạo điều kiện, bạch hóa thông tin, khuyến khích văn nghệ sĩ, nhà báo sáng tác, viết về các cuộc chiến tranh trong giai đoạn lịch sử này.
4/ Ban hành chủ trương: Tổ chức kỷ niệm những sự kiện quan trọng vào những năm chẵn, năm có ý nghĩa và tôn vinh các danh hiệu cao quý liên quan tới các cuộc chiến tranh này
Ban hành chủ trương cho phép Tổ chức kỷ niệm các năm chẵn, các ngày xảy ra các sự kiện chiến tranh đáng lưu ý đối với các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975; cắm bia ghi công những đơn vị, cá nhân đã lập thành tích xuất sắc; lập đề án lưu giữ hiện vật, các bảo tàng, các di tích lịch sử chiến tranh quan trọng, mang ý nghĩa lớn để lưu giữ làm bài học cho con cháu mai sau đối với các cuộc chiến tranh lớn xảy ra sau 30/4/1975.
5/ Chúng tôi kiến nghị được trực tiếp đối thoại với các cơ quan hữu trách thụ lý đơn để làm sáng tỏ thêm kiến nghị./.
Trân trọng cảm ơn !

Những người ký Bản kiến nghị:

1.  Thiếu tướng Lê Duy Mật
Nguyên Phó Tư lệnh; Tham mưu trưởng
Quân khu 2; Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang:
2.  Đại tá Tạ Cao Sơn
Nguyên Tham mưu phó Quân khu 2:
3. Đại tá Quách Hải Lượng
Nguyên Tùy viên Quân sự
ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc
4. Đại tá Phạm Xuân Phương
Nguyên Chuyên viên Tổng cục Chính trị
5.Nhà văn Phạm Viết Đào

Bà Trần Lệ Xuân qua lời kể và bình luận

Bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy thăm Mỹ khi xảy ra vụ đảo chánh tháng 11/1963Bản quyền hình ảnhAFP
Image captionBà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy thăm Mỹ khi xảy ra vụ đảo chánh tháng 11/1963
Nhân 54 năm cuộc đảo chính 01/11/1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, BBC Tiếng Việt nhắc lại một số lời và bình luận kể về cuộc đời của bà Trần Lệ Xuân.
Sinh năm 1924 tại Hà Nội, bà Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, qua đời ngày 24/04/2011 tại Rome, Ý, ở tuổi 87.
Trong tuần sau đó, BBC phỏng vấn ông Trương Phú Thứ, người tiếp xúc bà nhiều lần trong giai đoạn bà Trần Lệ Xuân sống ở châu Âu về cuộc đời bà:

Gia đình túng thiếu

"Những năm 63-65, gia đình bà ấy khá túng thiếu, cho tới tận sau này, có một ân nhân ẩn danh cho bà một số tiền rất lớn và bà mua được hai căn apartment ở bên Paris, Quận 16 gần trung tâm.
Bà Nhu ở một cái, một cái cho mướn để lấy tiền sinh sống."
Khi đang công du Hoa Kỳ cùng con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy, bà Nhu nghe tin chồng, và anh chồng, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị phe đảo chánh giết tại Sài Gòn.
Bà không về được Nam Việt Nam và sang Pháp định cư.
Trần Lê Xuân và Ngô Đình NhuBản quyền hình ảnhLARRY BURROWS
Image caption"Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi."
Ông Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà Ngô Đình Nhu trong những năm trước khi bà qua đời bình luận:
"Khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết thảm, thì bà mới có chưa đầy 40 tuổi, cái tuổi có thể gọi là đẹp và mặn nồng nhất của người phụ nữ. Mà bà Nhu, như chúng ta thấy, cũng có sắc đẹp, sinh động, giỏi ngoại ngữ, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu loát, đại để là một người phụ nữ trên mức bình thường.
Cũng có nhiều người, kể cả chính trị gia, vì lúc đó bà Nhu hoạt động chính trường nên quen biết nhiều người lắm, cũng có lòng yêu mến kính trọng bà.
Tôi được biết có một ông kỹ nghệ gia, làm quản trị cho công ty chế tạo xe hơi Rolls Royce ở London, cũng đề nghị lập gia đình với bà Nhu, nhưng bà đã khước từ.
Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm ra được bất cứ một điều gì về vấn đề tình cảm để mang ra công kích bà.
Bà Nhu sống thầm lặng, một mình, một cách rất đạo đức, kín đáo và đơn sơ."
Về tin nói bà Trần Lệ Xuân có những khoản tiền "khổng lồ", ông Thứ nói:
Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm, với anh, em trai, em dâu và các cháuBản quyền hình ảnhBETTMANN/GETTY IMAGES
Image captionGia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm, với anh, em trai, em dâu và các cháu
"Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!
Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói."

Những ngày trước khi về với Chúa

Ông Trương Phú Thứ kể tiếp qua phỏng vấn điện thoại từ Seattle với BBC vào cuối tháng 4/2011:
"Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu, gần như không nói được nữa.
Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy."
Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt. Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ."
Ngô Đình Lệ QuyênBản quyền hình ảnhITALIAN TV
Image captionHình từ truyền hình Italia ghi cảnh hiện trường vụ tai nạn xe làm bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn gần Rome tháng 4/2012
Con gái lớn của ông bà Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy đã qua đời trong một tai nạn xe hơi ở Pháp năm 1968.
Một năm sau khi bà Nhu mất, con gái Ngô Đình Lệ Quyên chết vì tai nạn xe máy gần Roma, Ý vào tháng 4/2012.

Mâu thuẫn lên đỉnh điểm

Cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm xảy ra trong giai đoạn các mâu thuẫn lớn ở Nam Việt Nam bị đẩy lên cao.
Trong thời kỳ này, bà Trần Lệ Xuân cũng bị nhiều ý kiến chỉ trích cho là đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền ông Ngô Đình Diệm thêm gay gắt.
Tại Việt Nam nhiều năm sau cuộc chiến vẫn có quan điểm phê phán bà và dòng họ Ngô Đình, một gia tộc theo Công giáo.
Một bài trên trang nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2013 cho rằng bà Trần Lệ Xuân từng công kích rằng "hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa ...".
Còn một phần báo chí tại Hoa Kỳ, và sau này cả truyền thông châu Âu khi đưa tin bà qua đời năm 2011 cũng nhắc lại sự kiện cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức, và bình luận được cho là của bà Trần Lệ Xuân nói: "Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác" (I would clap hands at seeing another monk barbecue show).
Những bình luận của bà đã khiến báo chí Mỹ có cái nhìn tiêu cực về bà, xem bà như ví dụ "tiêu biểu" cho những sai trái của chính quyền ông Diệm.
Trong lúc khủng hoảng Phật giáo lên cao, bà đi Mỹ để thuyết trình bảo vệ cho chế độ.
Sau cái chết đẫm máu của ông Diệm và em trai Ngô Đình Nhu, các con của bà được phép rời Sài Gòn đến Paris, nơi mẹ con bà bắt đầu cuộc sống lưu vong.
Không lâu sau đó, bà chuyển sang sống ở Rome, nơi người anh chồng, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế Ngô Đình Thục, đã xin tị nạn.
Bà Trần Lệ Xuân và Thượng nghị sỹ Mỹ Edward Kennedy tại Belgrade trong sự kiện của liên minh nghị viện quốc tếBản quyền hình ảnhBETTMANN
Image captionBà Trần Lệ Xuân và Thượng nghị sỹ Mỹ Edward Kennedy tại Belgrade, Nam Tư trong một sự kiện của liên minh nghị viện quốc tế. Sau này bà lên án Hoa Kỳ vì sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa
Năm 2011, khi bà qua đời, bài viết trên New York Times khi đó nhắc lại về lần trao đổi thư từ với tờ báo này năm 1986.
Trong những lá thư đó, bà tiếp tục lên án Hoa Kỳ vì sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Bài tưởng niệm của Washington Post thì nhận xét khi ở Sài Gòn, bà Nhu xem mình là "người yêu nước và cách mạng, vây quanh toàn kẻ thù", và rằng bà từng là một nhân vật chính trị "ảnh hưởng và khiến người khác khiếp sợ".
Gần đây một tác giả Monique Brinson Demery công bố cuốn sách "Finding the Dragon Lady", dựa theo một số lần liên lạc với bà Nhu.
Khi tác giả Demery hỏi bà Nhu có ân hận nào không, bà chỉ nói bà lẽ ra nên khiêm nhường hơn.