Có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, nên phàm là nhân loại, đặc biệt là bậc đại nhân cai trị thiên hạ đều sẽ lưu lại danh tiếng của mình khi mất đi. Có một thời khắc đặc biệt nhất, tuy ngắn ngủi nhưng lại có thể hiển hiện ra hết thảy trí tuệ và công nghiệp của một đời, chính là khoảnh khắc lâm chung. Đó là lúc mà tinh anh cả đời của một vĩ nhân bùng cháy lần cuối cùng, hay sự yếu kém trong nhân cách đều sẽ hiển lộ rất rõ ràng.
Chúng ta hãy cùng xem lại câu chuyện về phút lâm chung của các vĩ nhân đất Việt nhé.
Lý Nhân Tông: “Chết là số lớn của trời đất và lẽ đương nhiên của mọi vật”
Lý Nhân Tông ở ngôi 56 năm, thọ sáu 62 tuổi, là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Giống với thụy hiệu chữ “Nhân” của mình, Lý Nhân Tông quả thực là một bậc thánh quân dùng lòng Nhân mà cai trị thiên hạ. Điều này thể hiện rõ qua di chiếu của ông trước khi qua đời. Xin trích hai đoạn sau đây:
“… Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật, không loài nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất và lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế nhưng người đời mấy ai không thích sống mà thích chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho thế là phải. Trẫm ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế… làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào? Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã năm mươi sáu năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì?”.