NGUYỄN ĐÌNH THI NÓI VỀ NGUYỄN TRỌNG TẠO
26TH5
NGUYỄN TRỌNG TẠO TRÂN TRỌNG SỰ SÁNG TẠO
NGUYỄN ĐÌNH THI tâm sự
NHẬT HOA KHANH ghi
NHẬT HOA KHANH ghi
Năm 1992, tháng 4, tại một khu tập thể của giới văn nghệ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Hồ Chí Minh), nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi tiếp chuyện tôi (tức Nhật Hoa Khanh) bốn buổi.
Năm 2002, tháng 3 và tháng 4, tại Hà Nội, ông tiếp tôi tám buổi (chưa kể hai buổi “thêm”).
Trong tám buổi thuộc năm 2002, tác giả Vỡ bờ dành toàn bộ hai buổi thứ năm, thứ sáu để nói về thế hệ văn nghệ sĩ tham gia cách mạng từ thời chống Mỹ cứu nước.
Buổi thứ sáu, tác giả Vỡ bờ dành ra một giờ (từ 13g đến 14g) để nói về Nguyễn Trọng Tạo.
Buổi này diễn ra tại tầng hai (tức lầu một) Nhà hàng Bô Đê Ga (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), suốt từ 9 giờ sáng tới 18 giờ 30 phút một ngày đầu tháng 4-2002.
Giữa trưa, Nguyễn Đình Thi mời tôi vừa nghỉ tại chỗ, vừa ăn bít-tết từ 12g đến 13g.
* * *
Uống hết ly cà phê sữa nóng, Nguyễn Đình Thi nói:
─ Một trong những văn nghệ sĩ trẻ xuất hiện cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà tôi chú ý là Nguyễn Trọng Tạo.
Sinh năm 1947, người Diễn Châu, Nghệ An, dòng dõi một nhà nho nghèo không đỗ đạt cao, Tạo vào bộ đội năm 1969.
Năm ấy, Tạo chỉ mới học hết cấp 3 phổ thông (chương trình mười năm). Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, Tạo sáng tác và phụ trách đội Tuyên truyền Văn hóa thuộc Quân khu 4, in thơ rải rác trên báo nhưng chưa có đóng góp gì quan trọng.
Mãi đến 1976, sau thống nhất đất nước khoảng một năm, anh lính văn nghệ quân đội 29 tuổi thông minh nhưng vẫn nặng giọng xứ Nghệ mới được cử tham gia Trại Viết văn thuộc Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam). Sau đó, anh lính văn nghệ lớp 10 được cử đi học Đại học Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, Khóa 1.
Lý lịch khoa học nói trên của Tạo do Hoàng Ngọc Hiến cung cấp cho tôi.
Coi Tạo như em út và quý mến Tạo, cho nên Hiến ghi chép cẩn thận lý lịch khoa học của Tạo. Hiến nói với tôi như thế.
Tôi biết Tạo chủ yếu do chính tôi tìm hiểu về Tạo, nhưng một phần nhờ Hoàng Cầm và Hoàng Ngọc Hiến.