Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

NGUYỄN ĐÌNH THI NÓI VỀ NGUYỄN TRỌNG TẠO

26TH5

NGUYỄN TRỌNG TẠO TRÂN TRỌNG SỰ SÁNG TẠO 

Nhà văn Nguyễn Đình Thi - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
NGUYỄN ĐÌNH THI tâm sự
NHẬT HOA KHANH  ghi
Năm 1992, tháng 4, tại một khu tập thể của giới văn nghệ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Hồ Chí Minh), nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi tiếp chuyện tôi (tức Nhật Hoa Khanhbốn buổi.
Năm 2002, tháng 3 và tháng 4, tại Hà Nội, ông tiếp tôi tám buổi (chưa kể hai buổi “thêm”).
Trong tám buổi thuộc năm 2002, tác giả Vỡ bờ dành toàn bộ hai buổi thứ năm, thứ sáu để nói về thế hệ văn nghệ sĩ tham gia cách mạng từ thời chống Mỹ cứu nước.
Buổi thứ sáu, tác giả Vỡ bờ dành ra một giờ (từ 13g đến 14g) để nói về Nguyễn Trọng Tạo. 
Buổi này diễn ra tại tầng hai (tức lầu một) Nhà hàng Bô Đê Ga (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), suốt từ 9 giờ sáng tới 18 giờ 30 phút một ngày đầu tháng 4-2002.
Giữa trưa, Nguyễn Đình Thi mời tôi vừa nghỉ tại chỗ,  vừa ăn bít-tết từ 12g đến 13g.
* * *
Uống hết ly cà phê sữa nóng, Nguyễn Đình Thi nói:
─ Một trong những văn nghệ sĩ trẻ xuất hiện cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà tôi chú ý là Nguyễn Trọng Tạo.

Sinh năm 1947, người Diễn Châu, Nghệ An, dòng dõi một nhà nho nghèo không đỗ đạt cao, Tạo vào bộ đội năm 1969.
Năm ấy, Tạo chỉ mới học hết cấp 3 phổ thông (chương trình mười năm). Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, Tạo sáng tác và phụ trách đội Tuyên truyền Văn hóa thuộc Quân khu 4, in thơ rải rác trên báo nhưng chưa có đóng góp gì quan trọng.
Mãi đến 1976, sau thống nhất đất nước khoảng một năm, anh lính văn nghệ quân đội 29 tuổi thông minh nhưng vẫn nặng giọng xứ Nghệ mới được cử tham gia Trại Viết văn thuộc Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam). Sau đó, anh lính văn nghệ lớp 10 được cử đi học Đại học Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, Khóa 1.
Lý lịch khoa học nói trên của Tạo do Hoàng Ngọc Hiến cung cấp cho tôi.
Coi Tạo như em út và quý mến Tạo, cho nên Hiến ghi chép cẩn thận lý lịch khoa học của Tạo. Hiến nói với tôi như thế.
Tôi biết Tạo chủ yếu do chính tôi tìm hiểu về Tạo, nhưng một phần nhờ Hoàng Cầm và Hoàng Ngọc Hiến.

Có lần, năm 2001, năm đầu tiên thế kỷ 21, Hoàng Cầm đọc thuộc lòng cho tôi nghe một số đoạn thơ của Tạo trong các tập thơ Đồng dao cho người lớn và Nương thân. Hoàng Cầm bảo tôi nên đọc hai tập thơ  này. Tôi nói: đã đọc và đọc kỹ.
Lần ấy, 2001, tôi nói với Hoàng Cầm: trong thế hệ mình, Tạo  được coi là người có tài. Tạo vừa là gà mái, vừa là gà trống; vừa là chim én, vừa là chim bồ câu; vừa là ngựa hoang, vừa là ngựa chiến; vừa là võ sĩ quyền Anh, vừa là võ sĩ nhu đạo. Hoàng Cầm hoàn toàn nhất trí. 
Trong buổi trò chuyện ấy, Hoàng Cầm khen Tạo: Cậu ta là một anh lính văn nghệ có tình người sâu sắc. Đã từng hoạt động văn nghệ quân đội thời chống Pháp, mình (tức Hoàng Cầm) nhanh chóng hiểu được bản chất của cậu ta.
Hoàng Cầm, trong lần trò chuyện với tôi nói trên, còn nhận xét: Tạo chuyền cành, nhảy từ cành này sang cành nọ như một con chim sẻ. Nhảy khéo, nhảy liên tục nhưng chưa bao giờ bị rơi!
Nhận xét trên của tác giả Kiều Loan thật là tinh tế!
Ngay từ 1969, tôi đã chú ý ít nhiều đến Tạo sau khi đọc thơ Tạo trong Giải thưởng Thơ Nghệ An cùng năm 1969.
Mười hai năm sau (tức 1981), tôi chú ý đến Tạo thêm chút nữa qua bài hát Làng quan họ quê tôi (thơ: Nguyễn Phan Hách, phổ nhạc: Nguyễn Trọng Tạo.  Giải thưởng Đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc cùng năm 1981).
Làng quan họ quê tôi đã nhận được sự hưởng ứng của học sinh cùng tầng lớp nông dân tập thể tỉnh Hà Bắc cũng như một số tỉnh, thành phố khác.
Với Làng quan họ quê tôi, Tạo có đà để bay vào lĩnh vực âm nhạc (ngoài lĩnh vực thơ, tính đến 1981).
Vượt đồng đội về âm nhạc, anh lính văn nghệ Nguyễn Trọng Tạo tạo ra một bất ngờ bằng việc giành bốn giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho bốn nhạc phẩm của mình. Trong số đó, tôi chú ý ba nhạc phẩm : Mặt trời trong thành phố, 1983; Đường về Thạch Nham, 1984; Con dế buồn, 1997.
Nói đến đây, Nguyễn Đình Thi xướng âm, rồi hát nho nhỏ (đủ cho tôi nghe) mấy câu trong Con dế buồn. Hát xong, ông nói: Con dế buồn đem đến cho tôi một tia nắng nhỏ của niềm vui trong cuộc đời lâu nay nhiều cái không vui.
Tác giả Con nai đen nhìn từ trên gác Nhà hàng Bô Đê Ga xuống đường phố Tràng Tiền. Lát sau, ông nói tiếp :
– Tuy nhiên, sự nghiệp chính của Tạo, trước sau, vẫn là thơ. Thơ Tạo  gây ấn tượng cho tôi qua các tập Sóng thủy tinh, XB: 1988; Đồng dao cho người lớn (Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô, 1995 – 2000), Nương thân, XB: 1999.
Thơ Tạo không tạo ra sự cô đơn giả tạo.
Thơ Tạo, không ít trường hợp, tạo ra sự cô đơn chân thànhbởi vì: trong những trường hợp này, Tạo hướng về nỗi đau của nhân dân. Nỗi đau của nhân dân vẳng lên ít nhiều trong một số bài thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Thơ Tạo còn góp phần đấu tranh cho quyền được nói về cá nhân, quyền được nói về riêng mình, quyền được nói về cái tôi trong văn học của chúng ta.
Khác hẳn một số nhà thơ không hiểu chính mình đang viết gì, Tạo không viết những câu thơ bí hiểm, không viết những câu thơ tự đánh đố mình và đánh đố bạn đọc để làm ra vẻ mình là một nhà thơ có tư duy cao!
Thơ Tạo thể hiện tư duy của chính Tạo, không phải tư duy vay mượn của người khác.
Tác giả Rừng trúc cho biết :
─ Dù viết ít hơn thơ, nhưng về văn xuôi, Tạo cũng “tặng” tôi những giờ phút sảng khoái với Khoảnh khắc thời bình (xuất bản năm 1987), Miền quê thơ ấu (viết cho thiếu nhi) và với hai mẩu chuyện trong tập Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ (xuất bản năm 2001). Xin phép cho tôi (tức Nguyễn Đình Thi), vì lý do riêng, không nói ra đó là hai mẩu chuyện nào.
Về tiểu luận, phê bình của Tạo, tôi bị lôi cuốn vào trên dưới một phần ba số bài trong tập Văn chương – cảm và luận.
Trong Hội Nhà văn Việt Nam, Tạo là một trong số ít hội viên đòi hỏi mãnh liệt một sự đổi mới gần như triệt để:nào là đổi mới nhiều mặt tuần báo Văn nghệ, nào là đổi mới công tác tổ chức, nào là đổi mới các ban của hội, v.v…
Tuy nhiên, Tạo chưa tìm được sự hưởng ứng của đa số.
Tôi muốn nhắc Tạo: phải “tế nhị” nhiều hơn nữa; phải học nhiều hơn nữa; phải làm nhiều hơn nữa. Cuộc đời bao giờ và ở bất cứ nơi đâu cũng vô cùng phức tạp. Thu hút quần chúng, vẫn lời tác giả Xung kích, việc ấy rất khó! Thu hút quần chúng vào sự nghiệp đổi mới văn học, việc ấy càng khó gấp bội! Tuy nhiên, phải thu hút bằng được đông đảo quần chúng, phải hết sức kiên tâm, nếu muốn thành công!
Nguyễn Đình Thi đưa bàn tay phải lên bóp trán.
Ông nói: Tạo mới đi được chặng đầu sự nghiệp đấu tranh cho công cuộc đổi mới nền văn học nước ta. Chặng hai, chặng ba, chặng bốn đang ở phía trước chờ Tạo.
Cái khó nhất mà tác giả Đồng dao cho người lớn phải vượt qua, trước hết, đó chính là chính mình, rồi mới đến lòng người  đầu óc bảo thủ của những người không thật sự muốn đổi mới.
Nguyễn Đình Thi từ từ đứng lên. Tác giả Hoa và Ngần tiếp tục dòng cảm nghĩ của mình :
─ Với tư cách một bạn đọc lớn tuổi của Tạo, tôi chỉ gửi tặng tác giả Con dế buồn một kinh nghiệm của chính tôi.
Người nghệ sĩ và người trí thức chỉ nói lên ý tưởng của mình, năng lực của mình, tình yêu nhân dân của mình, v.v… chủ yếu bằng tác phẩm. Tác phẩm, vẫn lời Nguyễn Đình Thi, đó là hiện thân cơ bản của người trí thức, người nghệ sĩ. Kinh nghiệm của tôi chỉ như vậy!
Tạo cần tiếp tục viết nhiều tác phẩm hơn nữa! Viết, viết, viết! Cứ cặm cụi mà viết về nhân dân, về con người, về tổ quốc!
Ngồi xuống, chống tay vào cằm, Nguyễn Đình Thi gọi thêm một ly cà phê sữa đá và một hộp bánh bích quy Đan Mạch.
Không chú ý đến hộp bánh nguyên vẹn mà cô nhân viên vừa mới mang đến, tác giả Diệt phát xít nở một nụ cười rất trẻ :
─  Tôi không đủ trình độ và không có thẩm quyền đánh giá Tạo.
Các ý kiến trên đây chỉ thể hiện một phần cảm nhận của tôi (tức Nguyễn Đình Thi), bạn đọc chuyên cần của Tạo, của Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Bùi Minh Quốc,  Hoàng Hưng,  Bằng Việt, Đỗ Chu  và một số tác giả khác được coi là trẻ về tuổi đời, trẻ về tư duy cuối cuộc chống Mỹ cứu nước và những năm sau đó.
Im lặng một lúc lâu, tác giả Nguyễn Trãi ở Đông Quan nói chầm chậm:
─ Tạo trân trọng sự sáng tạo, và, trên thực tế, đã có phần sáng tạo đáng kể trong thế hệ của mình.
Trên bảng ghi công những văn nghệ sĩ đổi mới thực sự và đổi mới hiệu quảcó tên Nguyễn Trọng Tạo.
Thăng Long, cuối 2010

Không có nhận xét nào: