Sau một loạt những bước chuẩn bị, ngày 17-2-1979, Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam. Dù không quá bất ngờ, song thế giới vẫn sửng sốt bởi Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, phô trương sức mạnh quân sự với một nước “xã hội chủ nghĩa anh em”. Để biện minh cho hành động đó, Trung Quốc luôn lấy việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979 làm một trong những cơ sở tiến hành chiến tranh “trừng phạt”, dấy lên một chiến dịch tuyên truyền, lên án Việt Nam, đánh lạc hướng dư luận. Song, ngụy biện đánh tráo luận đề thực không hoàn toàn đơn giản.
Đài Tưởng niệm các Liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới Trung - Việt năm 1979 tại đỉnh Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh). Nguồn: Baomoi.com
Sau một loạt những bước chuẩn bị, ngày 17-2-1979, Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam. Dù không quá bất ngờ, song thế giới vẫn sửng sốt bởi Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, phô trương sức mạnh quân sự với một nước “xã hội chủ nghĩa anh em”. Để biện minh cho hành động đó, Trung Quốc luôn lấy việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979 làm một trong những cơ sở tiến hành chiến tranh “trừng phạt”, dấy lên một chiến dịch tuyên truyền, lên án Việt Nam, đánh lạc hướng dư luận. Song, ngụy biện đánh tráo luận đề thực không hoàn toàn đơn giản.
1-Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á
Trong suốt chiều dài tồn tại và phát triển, Trung Quốc luôn thực thi chính sách không ngừng mở rộng ảnh hưởng và xác lập vị thế nước lớn đối với khu vực – một dạng bá quyền đã trở thành dân tộc tính và bản chất nền chính trị. Sau khi nước Trung Hoa mới ra đời và lựa chọn con đường xây dựng CNXH, nhập vào khối cộng sản do Liên Xô đứng đầu, dù Trung Quốc luôn tuyên bố/khẳng định về “quan hệ bình đẳng”, “tôn trọng chủ quyền”… giữa các quốc gia, về “chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng”…, song trên thực tế, tham vọng nước lớn không bao giờ ngừng chảy trong máu các thế hệ lãnh đạo Trung Hoa. Năm 1959, Mao Trạch Đông đã từng tuyên bố: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”[1].