16/02/2019
Tác giả: Việt Long
Mục tiêu tuyên bố của cuộc “phản kích tự vệ” là để dạy cho Việt Nam một bài học. Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình.[1] Đánh giá về hệ quả cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 cần đối chiếu với các mục tiêu của các bên đề ra trước cuộc chiến.
Về mục tiêu chính trị: Trung Quốc không thể “dạy cho Việt Nam một bài học” như lời Đặng Tiểu Bình đã nói. Trung Quốc không tác động được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Họ đã không buộc được Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, cứu được chính quyền Pol Pot. Trung Quốc cũng không gây được ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam trong vấn đề Hoa kiều, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, với Liên Xô, với Mỹ. Họ cũng không đánh bại được ý chí của người Việt Nam trong tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuộc chiến tranh này tiếp tục thể hiện truyền thống Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới, các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, chịu sự dạy dỗ của Trung Quốc. Ý đồ đã được tuyên bố của Trung Quốc là “dạy cho Việt Nam bài học” đã biến mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến tranh thành một “hành động trả thù”.[2] Cuộc chiến tranh đã làm các nước trong khu vực lo sợ về hình ảnh một nước lớn sẵn sàng đặt mình trên nước khác, sử dụng vũ lực nếu vị thế và uy lực của mình bị thách thức. Không nước ASEAN nào vui vẻ với sự trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc. Đại diện của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, Tommy Koh nói tại Liên Hiệp Quốc: “Lẽ ra Trung Quốc không nên tự mình quyết định luật lệ…”[3] Thái độ kẻ cả, không tôn trọng bình đẳng chủ quyền giữa các nước, không phù hợp với luật pháp quốc tế đã bị nhân loại phê phán. “Bất kể vì lý do gì”, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Sunao Sonoda bình luận rằng “việc gửi quân xâm nhập nước khác là không đúng”.[4] Tuy nhiên, Trung Quốc đạt được những mục tiêu nhất định trong quan hệ với các cường quốc. “Washington vừa công khai lên án cả cuộc xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và cả cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam lại vừa chia sẻ mối quan tâm của Trung Quốc trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Ý chí sẵn sàng sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, bất chấp gánh chịu thương vong, đã biến Trung Quốc thành “một bức tường ngăn chặn có giá trị” chủ nghĩa bành trướng Xô-Việt. Washington vào thời điểm đó đã tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để cân bằng cán cân với Liên Xô”.[5] Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm ngả về Mỹ, làm hả hê Mỹ vì trả được nhục thất bại tại Việt Nam, tận dụng được viện trợ Mỹ và tiếp tục gây sức ép làm Việt Nam kiệt quệ chảy máu, buộc phải rút khỏi Campuchia vào năm 1989. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc tiên liệu đúng phản ứng của Liên Xô qua đó đạt được phần nào mục tiêu hạ thấp vai trò và uy tín của Liên Xô. Với quyết tâm của mình, sự giúp đỡ của Mỹ và khả năng tận dụng các biến cố chính trị, Trung Quốc có đủ thời gian và điều kiện thực hiện hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “cường quốc, cường quân” và vươn lên trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới.