Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa

 1 THANH NIÊN ONLINE

Đánh giá tác giả
1 2 3 4 5

GS - TS Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ biên chương trình lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa.
GS - TS Phạm Hồng Tung trình bày tham luận tại hội thảo quốc gia sáng 15.2 /// Ảnh Lê Hiệp
GS - TS Phạm Hồng Tung trình bày tham luận tại hội thảo quốc gia sáng 15.2
ẢNH LÊ HIỆP
Hôm nay, 15.2, phát biểu tại hội thảo quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại", GS Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng hơn 40 năm đã qua sau những cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng những sự kiện bi hùng đó không được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo khác.
“Tất cả những người Việt Nam đã từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được sự tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, về văn học và nhiều môn học khoa học xã hội khác cần được quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta đã từng viết về hai cuộc kháng chiến trước”, vị giáo sư sử học nói.
“Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết”, GS Ninh nói thêm.
Trình bày tham luận sau đó, GS Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ biên chương trình lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng khẳng định thực tế, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biên giới đất liền, Biển Đông đều được nhắc đến trong sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông nhưng “rất sơ sài, giản lược”.
Ông Tung dẫn chứng, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - 1989 chỉ được nhắc đến trong sách lịch sử lớp 12 với 4 câu, 11 dòng và trong thực tế giảng dạy thì nội dung này thuộc nội dung giảm tải nên hầu như không được nhắc đến.
“Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề không thể chấp nhận được”, ông Tung nói và khẳng định điều này được khắc phục trong chương trình giáo dục phổ thông mới của môn lịch sử vừa được ban hành cũng như trong sách giáo khoa lịch sử sắp tới.
Theo GS Tung, trong chương trình sách giáo khoa mới, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đề cập ít nhất 2 lần ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (lớp 9 và lớp 12) với mức độ và cách thức tiếp cận khác nhau. Riêng vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia từ sau năm 1979 được đề cập ít nhất 3 lần trong 3 chủ đề khác nhau.
GS Tung cũng lưu ý, trong việc biên soạn sách giáo khoa về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc, cần quán triệt nguyên tắc khách quan, trung thực, tuyệt đối tránh che giấu sự thật, xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử.
“Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ”, ông Tung nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào: