Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Hoàng Sa 1974! Geneva 1954!

Bởi
 AdminTD
 -

Lê Thiên
20-2-2019
Hành tung tập đoàn đảng trị 65 năm bán nước!
Sau 45 năm Tàu Cộng mở cuộc bắn giết 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa nhằm cướp đoạt Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974, năm nay 2019, lần đầu tiên một số báo lề đảng bắt đầu chỉ đích danh Tàu cộng từ lâu đã âm mưu cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Hoàng Sa trước năm 1974
Bài báo trên Infonet ngày 18/01/2019 của PGS-TS Hoàng Chí Hiếu cho biết: “Năm 1951, Trung Quốc đã chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bị nhiều quốc gia khác phản đối. Tác giả bài báo nhìn nhận: “Ngày 1/6/1956, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Vũ Văn Mẫu tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày sau, nhà nước Cộng hòa Pháp cũng lên tiếng xác nhận.
Lại cũng theo bài báo trên, “ngày 22/8/1956, hải lục quân VNCH đổ bộ lên đảo chính của Hoàng Sa, dựng bia, kéo cờ. Trong cùng ngày, lực lượng hải quân [VNCH] tỏa ra đổ bộ lên các hòn đảo chính thuộc Trường Sa, dựng các cột đá chủ quyền. Nhưng bất hạnh thay! “Tháng 10/1956, hải quân Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) [của quần đảo Hoàng Sa].Tranh thủ cơ hội, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [Tàu Cộng]lập tức nhảy vào chiếm đảo Phú Lâm [cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam].
Tác giả Hoàng Chí Hiếu nhìn nhận Việt Nam Cộng Hoà lúc bấy giờ đã không chịu khuất phục. Đầu thập niên 1970, “Việt Nam Cộng hòa bắt đầu việc khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi, và tháng 7/1973 Sài Gòn đã ký kết 8 hợp đồng khoan thăm dò tại những nơi được cho là có nhiều dầu mỏ trên biển Đông.

Báo Infonet còn cho biết: Tháng 9/1973, Việt Nam Cộng hòa tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa vào địa bàn tỉnh Phước Tuy….
Cũng theo tác giả bài báo, âm mưu thôn tính của Tàu cộng đã hé lộ: “… Sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon vào đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973, Bắc Kinh đã thấy trước một khả năng mới: Họ có thể loại trừ khả năng can thiệp của Hải quân Mỹ nếu cưỡng chiếm các hòn đảo thuộc do Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Hơn thế nữa, “Trung Quốc còn sử dụng các ngư dân để gia tăng sự hiện diện của họ trên vùng biển nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) từ năm 1973. Ngày 9/1/1974, các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hữu Nhật (Robert) áp sát tới gần đảo Hoàng Sa (Pattle) – nơi mà Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên đó. Ngày 11/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc công khai thách thức Tuyên bố tháng 9/1973 của Việt Nam Cộng hòa.
Theo Hoàng Chí Hiếu, “giữa tháng 1/1974, các tình huống đối đầu trở nên căng thẳng hơn. Tiếp theo các tuyên bố của Bắc Kinh, Sài Gòn gửi thêm một số tàu chiến tới khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Crescen), trục xuất các ngư dân Trung Quốc ra khỏi khu vực này. Từ đó đã dẫn tới sự kiện ngày 19-20/1/1974, mà sau đó Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng sức mạnh quân sự của mình.
Sự kiện 19-20/1/1974 chính là sự kiện Tàu cộng đánh cướp Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực sau khi hạ sát 74 chiến sĩ Hải quân VNCH, nhưng phía CS BắcViệt hoàn toàn im lặng, một sự im lặng mang tính đồng lõa.
Tàu Cộng âm mưu cướp Hoàng sa từ năm 1954
Theo Hoàng Chí Hiếu, việc Trung Cộng đánh cướp Hoàng Sa [từ tay Việt Nam Cộng Hoà] đã được Bắc Kinh chuẩn bị từ Hội nghị Geneva 1954”.
Ông Hiếu quả quyết: Trung Quốc quyết định chọn vĩ tuyến 17 và muốn “gài” Việt Nam vào thế đã rồi…”. Ông Hiếu lại cho rằng “việc Trung Quốc không giúp Việt Nam Dân chủ cộng hòa chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 13 mà phải chấp nhận vĩ tuyến 17 là “nhằm phục vụ ý đồ sâu xa của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, khi gần như toàn bộ quần đảo này nằm gọn trong vĩ tuyến 16 đến vĩ tuyến 17 tức lằm trong phần lãnh thổ chia cho phía Quốc Gia Việt Nam (tức VNCH).
Ông Hoàng Chí Hiếu tỏ vẻ lấy làm tiếc rằng Hoàng Sa đã không do Việt Nam Dân chủ cộng hòa [tức CS Bắc Việt] quản lýBởi theo ông, “khi sự tương đồng ý thức hệ đóng vai trò chủ đạo, chi phối quan hệ giữa hai nước thì việc Trung Quốc ra tay chiếm đoạt Hoàng Sa từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ khó có thể xảy ra”(???) Ông Hiếu nói mà không nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 khi mà Trung Cộng xua quân đánh phá các tỉnh biên giới Việt-Trung. Ông Hiếu cũng không nhận ra biến cố Trung Cộng cướp Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa năm 1988. Tương đồng ý thức hệ đấy!
Tàu cộng và Việt cộng tại Hội nghị Geneva 1954
Ở đây, chúng ta thử cùng tìm hiểu điều gì đã xảy ra giữa Cộng sản Tàu và Cộng sản Việt tại Hội nghị Geneva 1954.
Cuốn sách “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954[1]” do Tiền Giang, tác giả người Tàu, đảng viên Cộng sản Tàu biên soạn và do Dương Danh Dy biên dịch tiếng Việt, Cuốn sách tiết lộ nhiều chuyện khó tin nhưng có thật, mà đa số dân Việt chưa nghe biết.
Bìa sách “Chu Ân-Lai dữ Nhật-Nội-Ngoã hội nghị”, nhà xuất bản Trung Cộng Đảng Sử Xuất Bản Xá, 2005.
Hội nghị Geneva 1954 – Phái đoàn Tàu cộng 200 người
Mở đầu Chương I quyển sách, Tiền Giang giới thiệu “Chu Ân Lai đến Genèvemang theo phong thái của một Trung Quốc mới. Sơ yếu lý lịch của Chu Ân Lai bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh được phân phát ngay tại sân bay Geneva, Thụy Sĩ:“Chu Ân Lai, sinh năm 1898, nhà hoạt động chính trị, nhà quân sự và ngoại giao kiệt xuất của Trung Quốc, một trong những nhà lãnh đạo và nhà tổ chức xuất sắc của ĐCS Trung Quốc, một trong những chiến hữu thân cận nhất của Mao Trạch Đông…”.
Theo tác giả Tiền Giang, đoàn đại biểu Trung Cộng đến Geneva gồm có hơn 200 người, tập trung toàn là nhân tài tinh anh ngành ngoại giao của nước Trung Quốc mới. Chính Kiều Quán Hoa – một trong những thành viên của phái đoàn Tàu cộng và sau này từng có thời kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã nhận định rằng, với một lực lượng phái đoàn đại diện chính phủ hùng hậu như vậy, nước Trung Quốc mới đã lập một kỷ lục về ngoại giao.
Hồ Chí Minh: Phải lắng nghe Trung Quốc!
Cuốn sách “Vai trò của Chu Ân Lai…” xác nhận: “Ngày 2 tháng 3, 1954, Trung ương ĐCS Trung Quốc gửi điện cho trung ương Đảng Lao động Việt Nam, thông báo rằng Trung Quốc và Liên Xô đều nhận định việc tổ chức hội nghị Genève sẽ có lợi cho Việt Nam, hy vọng Đảng Lao động Việt Nam tổ chức đoàn ba nước Đông Dương tham gia hội nghị và chuẩn bị tài liệu, tập trung nỗ lực lên các phương án đàm phán.”
Rõ ràng đây là mệnh lệnh từ Tàu cộng truyền xuống cho Việt cộng. Mệnh lệnh đó được xác nhận qua nội dung bức điện do chính Chu Ân Lai thảo ra: “Đối với cục diện quốc tế cũng như tình hình quân sự Việt Nam hiện nay, tiến hành đấu tranh ngoại giao sẽ có lợi cho Việt Nam, bất luận hội nghị Genève có kết quả thế nào, chúng ta đều nên tích cực tham gia…”
Ngày 5 tháng 3, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng CSVN) mở hội nghị lâm thời, thảo luận “Ý kiến sơ bộ về việc tham gia hội nghị Genève” mà Trung ương ĐCS Trung Quốc đã truyền đạt, nhưng lần thảo luận này chưa có kết luận gì. Chung chung, đa số [các đồng chí VN trong Hội nghị] đều bám theo tinh thần của bức điện do ĐCS Trung Quốc gửi tới nhấn mạnh trước mắt cần dồn trọng tâm vào việc chỉ đạo chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất.
Như vậy, Hồ Chí Minh phát động Cải Cách Ruộng Đất không phải do sáng kiến của ông, mà là làm theo lệnh “Hán triều”. Thế nên, như chúng ta thấy trong Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc, cả việc kết án và xử tử bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm (ân nhân của HCM cùng đồ đệ) cũng do Cố vấn Trung Cộng La Quý Ba quyết định trong đó có bản án tử hình bà Năm mà Hồ Chí Minh bảo rằng mình phải theo “ý kiến đa số”.
Ngày 13-3-1954, Bộ Chính trị Đảng Lao động VN [Đảng CSVN] một lần nữa mở hội nghị thảo luận vấn đề tham gia hội nghị Geneva. Hồ Chí Minh nghiêng về phương án phân chia Nam – Bắc do Tàu Cộng đề ra. Theo tác giả Tiền Giang, Hồ Chí Minh nói “vấn đề đình chiến rất phức tạp, chúng ta chiến đấu từng ấy năm, đã học được việc đánh địch, nhưng chưa học được việc ngừng đánhĐối với vấn đề đình chiến ra sao, cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia cố vấn Trung Quốc.”
Vậy là Hồ Chí Minh tùng phục Trung Cộng hoàn toàn. Ngày 21-3-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lại họp nhau một lần nữa để thảo luận vấn đề hội nghị Geneva. Kiều Hiểu Quang được Trung Cộng phái tới tham dự. Hội nghị xác định phương châm tổng quát của phái đoàn Việt Nam là: giới tuyến sẽ được xác định tại đâu sẽ dự kiến theo tiến triển của tình hình, nghĩa là tùy thuộc vào Tàu Cộng do Chu Ân Lai là Trưởng đoàn quyết định. Hồ Chí Minh chỉ định Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đảm nhiệm chức Trưởng đoàn Việt Nam.
Tàu cộng cài người vào hàng ngũ Việt cộng?
Về một nhân vật có tên Văn Trangcái tên có vẻ xa lạ đối với người dân Việt Nam, cuốn sách của Tiền Giang tiết lộ: Văn Trang tên thật là Thư Thủ Huấn, sinh năm 1922, người Nga Khánh, Vân Nam, từ rất trẻ đã tham gia phong trào học sinh tiến bộ. Khi còn học tại Đại học Vân Namtháng 7 năm 1946, anh đã được kết nạp đảng, sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên Vân Nam, là một trong ba lãnh đạo của liên hội sinh viên Côn Minh thời bấy giờ. Tốt nghiệp, lo ngại nhân thân anh có thể đã bị lộ, tổ chức ĐCS Trung Quốc điều anh sang Việt Nam, xem xét tình hình thực tế để có thể tổ chức lực lượng vũ trang tại khu vực biên giới Trung – Việt.
Mùa Thu năm 1947, Văn Trang và vợ mới cưới là Diệp Tinh (tên thật là Dương Nguyệt Tinh) rời Côn Minh, đi bộ ba tháng ròng đến tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Văn Trang và Diệp Tinh tiến về phía Nam đến tỉnh Phú Thọ. Văn Trang gặp Chủ nhiệm ủy ban Hoa Kiều Việt Nam tên là Lý Ban. Văn Trang được mời tham gia Ủy ban Hoa Kiều do Lý Ban cầm đầu.
Đầu năm 1950, La Quý Ba đến Việt Nam, Văn Trang lập tức trở thành phiên dịch viên chính của ông này.
Đứng trước hội nghị Genève muôn vàn khó khăn, Phạm Văn Đồng và La Quý Ba đều biết rằng công tác phiên dịch Việt – Trung vô cùng quan trọng. La Quý Ba đồng ý với yêu cầu của Phạm Văn Đồng, gọi Văn Trang đến thông báo: “Hiện các đồng chí Việt Nam muốn cậu cùng họ đi Genève, chủ yếu phối hợp với công việc của Phạm Văn Đồng. Tôi đã đồng ý rồi, cậu chuẩn bị đi, đến lúc đó chúng tôi sẽ đến đón cậu”. Chỉ trong chốc lát, Văn Trang tiếp nhận nhiệm vụ.
Sau khi Hồ Chí Minh phê chuẩn, phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Geneva đã được thành lập… Văn Trang là một trong số đó (?). Phía Việt Nam chuẩn bị cho anh một cuốn hộ chiếu Việt Nam, trong đó sử dụng tên tiếng Việt anh dùng tạm thời lúc đó là Võ Nam. Văn Trang trở thành một người Trung Quốc trong phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Geneva. Không có điều gì có thể thể hiện rõ hơn mức độ thân mật trong quan hệ Trung – Việt (!).
Chúng ta không quên, từ thập niên 1930-1940, cán bộ CSVN hầu hết được đào tạo tại Trung Quốc, ăn mặc, sinh sống, nói năng rập khuôn Tàu… đã “Hán hóa” một cách thuần thục, hà cớ gì Tàu Cộng cài người của họ vào đoàn Việt, giả làm người Việt với hộ chiếu Việt Nam? Đâu phải chỉ đánh lừa người Việt, mà còn lừa cả thế giới? Lại có sự đồng lõa toa rập của cả Hồ Chí Minh lẫn Phạm Văn Đồng, là sao?
Phái đoàn CSVN chỉ có 30 thành viên… áo quần Tàu!
Như đã nêu trên, đoàn đại biểu Trung Cộng tham dự Hội nghị Geneva có hơn 200 người, trong đó tập trung nhân tài tinh anh của ngành ngoại giao của nước Trung Quốc mới.” trong khi phía CSVN chỉ có 30 người. Tác giả cuốn sách nói rõ: Ngày 2-4-1954“phía đoàn đại biểu CSVN chỉ vỏn vẹn 30 người lục tục lên đường”.
Điều đáng kinh ngạc ở đây từ lời thuật của Tiền Giang là “ba mươi người này phải đến Bắc Kinh nhận chỉ thị” và nhận cái gì nữa… rồi mới được đi Thụy Sĩ dự Hội nghị tại Geneva. Tác giả ghi nhận: “Đoàn đại biểu VN đến Bắc Kinh để may trang phục. Khi mọi người vừa đến thì thợ may Thiên Kinh ở tiệm may âu phục “Hồng Đô” nổi tiếng tại Thượng Hải đã đợi sẵn để đo trang phục, may cho mỗi người hai bộ Âu phục… những con người vừa đi ra khỏi vùng rừng núi nhiệt đới.”
May cho mỗi người hai bộ Âu phục… có thực sự là do cảm thương “những con người vừa đi ra khỏi vùng rừng núi nhiệt đới” không? Việt Minh ra khỏi vùng rừng nhiệt đới đã lâu rồi. Họ đã có được cả nhà cửa lẫn vàng bạc và tiền bạc dồi dào thu góp từ mọi thành phần “nhân dân” dùng vào việc gì chẳng được, sá gì mấy chục bộ áo quần! Phải chăng đó là cung cách xử sự của Mao Trạch Đông, hoặc là miệt thị hoặc là cố tình diễn trò “Hán hoá” đối với CSVN! “Hán hóa” từ đầu xuống chân, lệ thuộc trong hành động, trong suy tư lẫn trong cái ăn cái mặc, cái áo cái quần! Cho nên, không lạ gì về việc Hồ Chí Minh suốt đời sợ quốc phục Việt Nam, mà luôn sính “quấn” áo quần Tàu, sát cánh cùng Mao-Chu!
Trang phục của Hồ Chí Minh rất giống trang phục của lãnh đạo Tàu. Ảnh trên mạng
Qua cuốn sách của Tàu cộng Tiền Giang, chúng ta còn thấy xấu hổ cho CSVN hơn nữa về thái độ trịch thượng của Chu Ân Lai đối với phái đoàn Việt Cộng do Phạm Văn Đồng dẫn đầu trong hội nghị Geneva. Chỉ mỗi mình Chu Ân Lai chủ động, có tiếng nói trấn áp suốt các buổi họp và là tiếng nói quyết định chung cuộc cho phía Nhà nước VNDCCH!
Phạm Văn Đồng buộc lòng gắng gượng cảm ơn những ý kiến của thủ tướng Chu và cam kết sẽ nghiêm túc suy nghĩ những kiến nghị của thủ tướng Chu”.
Tác giả Tiền Giang ghi nhận: Thông qua những cố gắng của mình, Chu Ân Lai đã thúc đẩy hội nghị Genève tiến thêm một bước lớn theo hướng giải quyết hoà bình” mà chính họ Chu đã vạch ra.
Lại cũng chính Chu Ân Lai hiến kế bày mưu cho Phạm Văn Đồng ém quân, cài người, chôn giấu vũ khí khắp Miền Nam sau khi bộ đội Việt Cộng buộc phải rút đi cùng với tất cả trang bị, vũ khí đạn dược theo Hiệp định Geneva. Với nhân lực và tài lực cài lại Miền Nam, cuộc “Chiến tranh Nhân dân” (?) sẽ được tiến hành ngay qua mặt Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến.
Khí phách Quốc gia Việt Nam tại Hội Nghị Geneva 1954
Không biết vô tình hay cố ý, tác giả Tiền Giang kết thúc cuốn sách bằng một đoạn ngắn đề cập tới Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của Quốc Gia Việt Nam bằng những lời lẽ đầy kính trọng và ngầm cảm phục.
Tiền Giang viết: “Bs Trần Văn Đỗ đại biểu chính phủ Bảo Đại Việt Nam phát biểu đầu tiên, nói đại biểu nước Việt Nam từng đề xuất một kiến nghị, yêu cầu quân đội giao chiến hai bên lui về vùng tập kết nhỏ nhất, giải trừ vũ trang, do LHQ thực thi khống chế tạm thời đối với cả nước Việt Nam, thông qua tuyển cử khiến nhân dân Việt Nam tự do lựa chọn tương lai của mình.
Tác giả Tiền Giang ghi nhận tiếp: Trần Văn Đỗ tuyên bố mấy kháng nghị:
Trước tiên là kháng nghị đề án trước chưa được thẩm tra đã bị hội nghị từ chối.
Thứ hai, kháng nghị, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp và Tổng tư lệnh bộ đội Việt Minh vội vàng ký hiệp nghị đình chiến,coi thường lợi ích của nhân dân và đất nước Việt Nam.
Mặc dù Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp được uỷ quyền chỉ huy quân đội nước Việt Nam, thế nhưng nước Pháp không thể đem lợi ích của nước Việt Nam ra giao dịch. Một số đất đai quân Pháp nhường cho Việt Minh trên thực tế là dưới sự kiểm soátcủa quân đội nước Việt Nam.
Cuối cùng, ông ta [Bs Trần Văn Đỗ] kháng nghị Pháp đã làm quá chức trách, phận sự, chưa được sự đồng ý của nước Việt Nam đã xác định ngày tháng tổng tuyển cử của Việt Nam trong tương lai.
Tiền Giang còn cho biết: “Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp định Genève với lý do hiệp định gây chia cắt Việt Nam đẩy Quốc gia Việt Nam vào thế nguy hiểm.
Nước Việt Nam là một
Tác giả cuốn sách lại ghi nhận rằng, đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng: ‘Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của (Quốc gia) Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam… chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở.”
Đấy! Khí phách của con người Quốc Gia Việt Nam chân chính đối với đất nước mình là vậy! Nguyên văn rút ra từ cuốn sách chính dòng của Tàu Cộng chứ đâu phải do thế lực thù địch nào!
Khác với Phạm Văn Đồng hoàn toàn chịu sự lệ thuộc đối với Chu Ân Lai, Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ kiên quyết từ chối ký tên vào cái gọi là Hiệp Định Geneva 1954 do Trung Cộng và Pháp cấu kết vẽ ra mà ý kiến của Quốc Gia Việt Nam không được xét đến!
Ghi nhận trên đây của tác giả Tiền Giang người Tàu cho thấy chính phía Quốc Gia Việt Nam qua Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đã tỏ rõ ý chí và lập trường “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” dứt khoát từ chối ký tên vào cái gọi là Hiệp định Geneva 1954 chia cắt đất nước. Hồ Chí Minh chỉ là kẻ ăn cắp ý tưởng ấy và lặp lại như con vẹt “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…”, để xua quân đánh cướp Miền Nam Việt Nam. Oái oăm thay! Toàn bộ cái Chính phủ gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc Việt Nam đã im lặng tuyệt đốikhi Tàu Cộng đánh cướp Hoàng Sa của Việt Nam, phải chăng vì Hoàng Sa không nằm ở phía bắc? Không thấy đâu nữa cái khẩu khí “Nước Việt Nam là một…”
Hiệp định Geneva 1954, thắng lợi thuộc về ai?
“Thắng lợi” của Hiệp định Geneva 1954 là thắng lợi của Tàu Cộng, thắng lợi của Chu Ân Lai, chứ đâu phải là của Việt Cộng, là của Phạm Văn Đồng! Thế nên chúng ta không ngạc nhiên khi chính Chu Ân Lai tổ chức tiệc mừng, chủ trì việc mời khách đếnmừng “chiến thắng” ngay sau khi Hiệp định được ký kết. Phạm Văn Đồng chỉ là thành phần khách được mời!
Tiền Giang ghi nhận: Ngày 22 tháng 7, Chu Ân Lai mở tiệc tối, chiêu đãi ngoại trưởng các nước Đông Dương tham dự hội nghị.Có lẽ Chu Ân Lai là người sung sướng và cảm thấy được an ủi nhất tại Genève. Ngay tối đạt được hiệp nghị, Chu Ân Lai đã thết tiệc chiêu đãi Molotov và Phạm Văn Đồng tại Vạn Hoa. Chu Ân Lai mở chai Mao Đài mời khách và uống một hơi dài, Molotov cũng phấn khởi uống không ít, mặt đỏ bừng. (Phạm Văn Đồng có uống và uống tới nơi như vậy không, Tiền Giang không nói tới).
Cuốn sách “Vai Trò của Chu Ân Lai…” từ trang đầu với lời giới thiệu “Chu Ân Lai đến Genèvemang theo phong thái của một Trung Quốc mới” tới trang cuối với hình ảnh Chu Ân Lai mở rượu Mao Đài đãi tiệc mừng chiến thắng đủ chứng tỏ Việt cộng là gì đối với Trung cộng!
Vậy mà giờ này, sau 65 năm Hội nghị Geneva, báo giới CSVN, cụ thể là bài báo của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu chỉ mới mơ hồ mon men mó tới một phần bé trong “âm mưu của Trung Quốc từ Hội Nghị Geneva 1954”. Không tờ báo nào thuộc lề đảng có đủ can đảm và bản lãnh phanh phui sự thật các mưu kế, mưu đồ của Tàu Cộng nhắm vào thôn tính lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam qua các thời đại với sự tiếp tay của chính Hồ Chí Minh và bè lũ Cộng nô phò Hán!
Kết
Qua bài Việt Nam Hành Động Khó Hiểu Ở Biển Đông ngày 03/1/2019, nhà báo Phạm Trần nhận định: “Ai cũng biết lãnh đạo Việt Nam muốn cho dân ăn bánh vẽ hòa bình, ổn định giả tạo ở Biển Đông với Trung Cộng chỉ vì muốn giữ cho tròn nghĩa vụ phải tuân theo 16 chữ vàng láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, và bảo vệ tinh thần 4 tốt ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’”.
Phạm Trần bình luận tiếp: Những chữ ma quái phù thủy này đã được phía Trung Cộng, thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trao cho Việt Nam như cẩm nang phải giữ. Ngược lại, phía Trung Hoa lại không cần làm theo, nên Bắc Kinh đã ngạo ngược hành động quân sự đơn phương ở Biển Đông từ bấy lâu nay. Còn về phía Việt Nam, “cả hai ông Trọng [Nguyễn Phú Trọng]và Phúc [Nguyễn Xuân Phúc] chỉ hứa suông: Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhưng tuyệt đối tránh nói đến Biển Đông, dường như sợ làm mất lòng Trung Cộng.
Trong các âm mưu thâm độc của Tàu Cộng đều có sự tham gia tích cực, mạnh mẽ và điên cuồng của tập đoàn CSVN bán nước hại dân trong tư cách là tay sai của lũ Hán tặc! Người Việt Nam trong cả nước đã chịu nhiều nỗi oan khiên dưới gọng kìm Tàu Cộng-Việt cộng, lẽ nào cứ khom lưng cúi đầu để mặc bọn Cộng đảng thông đồng nhau lộng hành cướp đoạt, giày xéo quê hương ta, hãm hại dân ta.
_____
[1] Độc giả có thể vào Google tìm đọc bản dịch cuốn sách. Trong bài, chúng tôi không đánh dấu số trang sách được trích đoạn.

Không có nhận xét nào: