Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

BÁO LỀ PHẢI ĐÃ LÊN TIẾNG VỀ VIỆC CHÍNH QUYỀN TPHCM DỜI LƯ HƯƠNG CHÂN TƯỢNG TRẦN HƯNG ĐẠO..(ĐỌC NGAY KẺO SẮP BỊ XÓA)

Dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo: cần sửa ngay một quyết định vội vã

  00:32 | Thứ ba, 19/02/2019 0
Đọc tin trễ mới biết lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị cẩu đi, đúng ngày 17.2.2019  - ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía bắc nước ta. Đầu giờ chiều nay, 18.2.2019, chúng tôi ra xem tượng đài ở công trường Mê Linh (quận 1) thì thấy quả thật không những lư hương không còn mà trước tượng đài (nơi tay Đức Thánh Trần chỉ ra bờ sông) đã thấy vật chắn và dây giăng, không cho vào! 
    Ảnh chụp tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh lúc 14:30 chiều 18.2.2019 cho thấy lư hương trước tượng đã di dời. Ảnh: Phúc Tiến

    Ở đấy, có một tấm bảng to ghi rõ "Công trường đang thi công". Lạ nhỉ, công trường gì mà mới khoảng 2 giờ chiều chỉ thấy mấy bao xi măng hay đất cát gì đó,  bỏ vương vãi. Công nhân hay kỹ sư làm việc đi đâu hết rồi? 
    Theo luật, nếu thi công xây sửa gì thì ngoài bảng tín hiệu còn phải thông báo công trình này là gì? Quy mô ra sao? Ai làm? Ai đầu tư? Ai giám sát? Ngày khởi công - ngày hoàn thành? Bản vẽ phối cảnh công trình?... Huống chi đây còn là công trình công cộng, đông người qua lại, nhất là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Song tuyệt nhiên, chúng tôi không thấy bóng dáng những thông tin này! 
    Thêm nữa, lư hương trước tượng đài anh hùng Trần Hưng Đạo trước nay vẫn là một phần thiết kế của công trình, có chức năng để cắm nhang tưởng nhớ người hoặc sự việc được dựng tượng, đúng theo truyền thống Việt Nam. Thiết kế này đã có 52 năm qua và không có gì sai trái về khía cạnh văn hóa, sao bỗng dưng thay đổi, đem ra nơi khác?
    Việc này có thông qua các Sở chuyên môn về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, văn hóa... hay không? Có hỏi ý kiến người dân, ít nhất là thông qua các tổ chức của nhân dân (Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội thanh niên...) hay không? Và nếu có, thì ý kiến của các sở chuyên môn và các tổ chức nói trên ra sao, thiết nghĩ cũng cần công khai cho người dân được biết.
    Đừng quên, các công trình công cộng - trong đó có tượng đài, luôn được xem là lợi ích của người dân. Người dân có quyền được biết (trước khi diễn ra các động thái của chính quyền) vì sao công trình ấy tồn tại và không tồn tại. Một hàng cây cũng phải thế chứ đừng nói là cái lư hương trước một tượng đài đã trở nên thiêng liêng với người dân - ngôi tượng để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã ba lần chỉ huy đánh thắng giặc phương bắc trong lịch sử. 
    Lư hương trước tượng đài anh hùng Trần Hưng Đạo trước nay vẫn là một phần thiết kế của công trình nhưng từ ngày 17.2.2019 đã bị di dời. Ảnh: Phúc Tiến


    Đề nghị lãnh đạo TP. HCM xem lại và cần có sự chấn chỉnh kịp thời việc làm của UBND quận 1 mà theo chúng tôi hoàn toàn chưa thấu tình đạt lý. Cách chọn thời điểm tiến hành di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh - trong khi sự tồn tại của lư hương này không hề sai trái về văn hóa, rất dễ gây ra những suy diễn bất lợi cho uy tín của chính quyền và đáng nói hơn là làm mất lòng dân vốn đã nhiều xao xuyến.
    Phúc Tiến
    Tượng đài Trần Hưng Đạo ở nhiều tỉnh, thành đều có lư hương
    Tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa.
    Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Quảng trường 3-2, Nam Định.
    Tượng đài Trần Hưng Đạo ở An Phụ, Hải Dương.
    Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nha Trang.
    Tượng đài Trần Hưng Đạo trên đồi Hải Minh, Quy Nhơn.
    Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Vũng Tàu.
    Nguồn ảnh: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hải Dương; Báo Lao Động; Báo Đại Đoàn Kết; Báo Tin Tức…

    VNTB- Chính quyền TP.HCM lộng quyền trong việc di dời chiếc đỉnh hương dưới bệ tượng Đức Thánh Trần


    Thảo Vy
    VNTB - Dường như ông Bí thư Thành ủy TP.HCM đã không tham vấn ý kiến của đội ngũ trợ lý về pháp luật, do đó ông đã để cho bí thư quận 1 lộng quyền, gây dư luận xấu cho chính quyền TP.HCM.
    Bà Trần Kim Yến bí thư Quận uỷ quận 1

    Trưa ngày 18-2, báo chí ở Sài Gòn đưa tin, tại buổi làm việc sáng 18-2 với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, bà Trần Kim Yến - bí thư Quận ủy quận 1 – giải thích việc dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu, rằng vào ngày 17-2 quận đã trang trí lại khu vực trước tượng đài để phục vụ cho việc tham quan của người dân. 
    “Còn việc thờ cúng, dâng hương, dâng hoa, thực hiện theo chủ trương, chúng tôi đưa về đền thờ Đức thánh Trần (đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1). Hôm qua đã hoàn thành, chỉ còn một bước nhỏ là đặt vào đúng vị trí, dự kiến thực hiện vào ngày 16 tháng giêng”, bà Yến nói. Không ghi nhận ý kiến phản hồi nào liên quan về vấn đề này của ông Nguyễn Thiện Nhân.
    Tạm gác qua các bày tỏ cảm xúc, chỉ xét thuần về quy định của pháp luật, việc tự tiện dời đỉnh hương này từ quyết định của chính quyền quận 1 là hành vi lộng quyền. Nếu có di dời, các trình tự thủ tục buộc phải tuân thủ theo Nghị định 113/2013/NĐ-CP, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 02-10-2013. Cấp thẩm quyền cho việc di dời đỉnh hương ở đây phải là ông chủ tịch UBND TP.HCM, chứ không phải là bà Bí thư quận 1.
    Nghị định 113/2013/NĐ-CP cho biết, “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về mỹ thuật tại địa phương” (Điều 6.4).
    Liên quan cụ thể việc ‘dời đỉnh hương’ ở khu tượng đài Trần Hưng Đạo (người dân gọi thành kính là tượng Đức Thánh Trần), sẽ chịu sự điều chỉnh ở Điều 32.1. “Việc dỡ bỏ, di dời địa điểm, chuyển chất liệu tượng đài, tranh hoành tráng phải có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt và phải có giấy phép theo quy định”. Điều 32.3 cho biết nếu muốn ‘dời đỉnh hương’ thì phải đảm bảo “không được thay đổi về nội dung tác phẩm, đảm bảo chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật; Phải có tư vấn về nghệ thuật của Hội đồng nghệ thuật theo quy định tại Điều 23 Nghị định này; Trường hợp di dời, chuyển chất liệu công trình có chỉnh sửa về bố cục tác phẩm thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả”.
    Như vậy, cần trả ngay lại vị trí cũ chiếc đỉnh hương dưới bệ tượng đài Đức Thánh Trần ở khu vòng xoay Công trường Mê Linh, quận 1, Sài Gòn.
    Lịch sử cho biết, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng năm 1967 do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác. Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6 m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10 m. Mẫu tượng do Phạm Thông thiết kế là vị dũng tướng trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Dưới tượng là đỉnh hương tạo sự hài hòa, tôn kính.
    Sau năm 1975, nhà điêu khắc Phạm Thông sang Mỹ định cư.

    2 nhận xét:

    Nặc danh nói...

    Mấy anh có chức năng cứ viện cớ tâu lên lãnh đạo như là tình hình an ninh đang nguy cấp khi dân thắp hương tưởng niệm. Họ nhân cách hóa để hù lãnh đao, đồng thời để "lập công". Mấy anh lãnh đạo thì do khả nang nhận thức hạn chế không nắm được tình hình nên ki nghe báo cáo lo cuống lên không phân biệt được nên gật gù đồng ý. Nếu lãnh đạo không đồng ý thì một li nó cũng không cẩu. Vì cẩu , di dời đều phải cần tiền có đúng không ạ. Thế là một công đôi việc. Vừa có tiếng vừa có miếng vừa có thành tích. Đây là sự thật 100% ai quan tâm cứ tìm hiểu xem.
    Còn điều này nữa: chống bạo loạn lật đổ thì nước nào cũng phải làm! nhưng viện cớ đó để ngăn dân thể hiện lòng tôn kính các anh hùng dân tộc là trái với đạo lý"uống nước nhớ nguồn.Nếu ngăn cản nhân dân tưởng niệm những trang sử hào hùng trong dựng nước và giữ nước hay nhưng cuộc chống xâm lăng của ngoại bang thì không còn chính danh nữa chỉ có kẻ thù dân tộc mới làm điều này./.

    nGUYỄN cÔNG tÂM nói...

    Cần phải truy tố về tội lộng quyền và phá hoại văn hoá cũng như công trình xây dựng quốc gia. Đây là 1 công trình quốc gia , không 1 cá nhân nào có đủ thẩm quyền và tư cách làm như vậy !