Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Vì sao khách quý tới, chủ nhà đi vắng?; TT Trump sẽ gặp hai ông Trọng, Phúc trước cuộc thượng đỉnh với ông Kim

Gió Bấc

Ông Nguyễn Phú Trọng tại Campuchia ngày 25/2/2019
Ông Nguyễn Phú Trọng tại Campuchia ngày 25/2/2019
 AFP
Sự kiện Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa TT Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đang là tâm điểm của dư luận thế giới. Con số hơn 3000 nhà báo quốc tế đăng ký tham dự theo dõi sự kiện này đã chứng minh điều đó.
Sự kiện quốc tế, cơ hội lớn cho quốc gia
Nếu so sánh với các cuộc gặp cấp cao APEC hay các hội nghị quốc tế mang tính thường niên thì cuộc gặp tay đôi này không lớn về quy mô số lượng nguyên thủ quốc gia tham dự nhưng xét về giá trị lịch sử và tác động đến quan hệ ngoại giao chính trị Châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung hội nghi thượng đỉnh Mỹ - Triều mở ra nhiều khả năng lớn chấm dứt một nguy cơ hạt nhân ở Châu Á, chấm dứt cuộc chiến tranh hai miền Triều Tiên- Hàn Quốc, đảo ngược 180 độ quan hệ căng thẳng Mỹ - Triều hơn nửa thế kỷ qua…
Với Việt Nam, việc được chấp nhận đăng cai hội nghị đã là thành công lớn về ngoại giao. Báo Sputnik của Nga đã dự báo: Nếu quả thực hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại VN một cách suôn sẻ, VN sẽ nhận được nhiều lợi ích về mặt song phương và đa phương. Cụ thể, về mặt song phương, việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều một cách tích cực thông qua vai trò chủ nhà cuộc gặp sẽ giúp VN trở thành đối tác tin cậy hơn nữa đối với không chỉ Mỹ và Triều Tiên mà còn cả Hàn Quốc. Trong bối cảnh VN đang rất cần những đối tác chiến lược thực sự tin cậy để đối phó với các thách thức về kinh tế, về vấn đề biển Đông, có được sự tin tưởng từ Mỹ và Hàn Quốc sẽ là sự khích lệ rất quan trọng đối với ngoại giao VN.{1}

Chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai nhấn mạnh đây là sự kiện quốc tế quan trọng, được thế giới đặc biệt quan tâm. "Tiếp nối thành công của các sự kiện quốc tế do Việt Nam tổ chức như Hội nghị Cấp cao APEC 2017, WEF ASEAN 2018, việc Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (lần hai) tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế" {2}

Thăm hữu nghị láng giềng, không có gì cấp bách!
Việc tổ chức chuẩn bị cho hội nghị, đón tiếp khách quốc tế được báo chí thông tin rầm rộ, long trọng. nhưng thật bất ngờ ngay sát ngay hội nghị lại có tin Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong đi công cán ở nước ngoài. “Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith và lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ 24 - 25/2/2019 và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ 25 -26/2/2019./” {3}

Theo thông tin báo chí, nội dung chương trính làm việc tại Lào và Campuchia của ông Trọng chỉ là những vấn đề hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước không có vấn đề nào cấp bách hoàn toàn có thể sắp xếp chủ động, nhưng không rỏ vì sao lịch thời gian của chuyến đi này lại rất sít sao với thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội diễn ra vào ngày 27-28 tháng 2.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam trưa 23-2 xác nhận Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới. theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông Kim Jong Un hiện là chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (từ năm 2012) và chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên (từ 2011) {4}
Ngày 24, đoàn tàu hỏa của ông Kim đã rời Triều Tiên, Việt Nam đã thông báo cấm dân đi trên tuyến đường ông Kim sẽ đi qua từ ngày 25-26. Như vậy, chắc chắn ngày 26 ông Kim đã có mặt tại Việt Nam.

Lẽ nào phải sáng đưa chiều đón?
Bàn về thời gian vì có liên quan đến nghi tiết đón đưa. Trong quan hệ ngoại giao nghi tiết đón đưa các nguyên thủ quốc gia là rất quan trọng thể hiện mức độ, cấp độ thân thiết tôn trong giữa hai đất nước.
Đối chiếu thời gian giữa hai đoàn ông Trong với ông Kim dễ nhận ra rằng nếu tham dự tiếp đón ông Kim, ngày 26-2 này ông Trọng phải làm cuộc chạy marathon dự lễ tiễn đưa của nhà nước Campuchia và bay về nước dự ít nhất là một lễ đón tiếp ông Kim. Xét về ý thức hệ thì cùng với Việt Nam, Triều Tiên là đất nước XHCN hiếm hoi còn lại trên thế giới. Triều Tiên đã đóng góp ít nhất là 14 liệt sĩ nằm lại Việt Nam trong cuộc chiến 1954-1975. Xét về vai vế chức vụ, Việt Nam chỉ có ông Trọng, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước mới xứng tầm với ông Kim Chủ tịch đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên những nhân vật kế cận ông Trọng dù là ông Phúc hay bà Ngân đều bất tương xứng về cả chức vụ chính quyền lẫn chức vụ đảng.

Rồi còn ông Trump thì sao? Trong lần đến Việt Nam trước đây nhân hội nghị APEC, thông tin ngoại giao ông Trump đến thăm Việt Nam được công bố trước gần một tuần. Không chỉ báo chí chính trị mà ngay những báo ngành cũng thông tin chi tiết. Ngày 6-10, báo Dân Trí đã đăng “Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trumpp sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 - 12/11/2017. Trước khi tới Hà Nội làm việc song phương, ngày 10/11, Tổng thống Donald Trumpp sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng”.{5}

Nhưng lần này, chỉ còn 3 ngày nữa là khai mạc hội nghị, xe khủng, máy bay khủng đã chạy ầm ầm ở Hà Nội nhưng chỉ nghe thấy thông tin TT Trump đến gặp Kim mà chưa thấy thông báo ngoại giao nào về việc Trump thăm và làm việc với Việt Nam. Quái lạ! Chẳng lẽ tay TT cao bồi này xem Việt Nam như cái khách sạn, y ngang nhiên tới tò tí với Kim xong rồi cắp đít đi mà không cần chào hỏi chủ nhà? Và nếu như vậy việc tiếp đón Trump sẽ tổ chức thế nào? Ai sẽ là người tiếp đón? Phải chăng đó là vấn đề tế nhị mà ông Trọng phải công du nước ngoài ngay sát ngày hội nghị?

Đón rước tên “diễn biến hòa bình” nguy hiểm nhất thế giới?

Trong thực tế, có nhiều lý do mà ông Trọng có thể thấy khó khăn nếu phải long trọng tiếp đón ông Trump. Trước hết về ý thức hệ, ông Trọng là thầy giáo đảng, là nhà lý luận kinh điển và trung thành nhất với chủ nghĩa Mác -Lenin, là người lãnh đạo kiên định đưa đất nước đi lên XHCN dù chưa biết được bao giờ mới tới. Âm mưu của các thế lực thù địch mà ông Trọng lo ngại nhất là diễn biến hòa bình. Nhiều người dân bị quy là đối tượng dân chủ diễn biến hòa bình đã bị bắt, danh sách này ngày càng dài. Ngay trong đảng, những trí thức, đảng viên cao cấp như ông Chu Hảo, cán bộ lão thành trực tiếp kháng chiến ở miền Nam như Lê Hiếu Đằng cũng bị khai trừ cũng vì lệch lạc tư tưởng theo âm mưu diễn biến hòa bình.
Ngược lại, ông Trump nhiều lần tuyên bố không chấp nhận XHCN, mới đây, tai Quốc Hội Mỹ ông Trump tuyên bố “Chúng ta lo ngại trước những lời kêu gọi mới về chủ nghĩa xã hội ở nước mình… Chúng ta được sinh ra tự do và vẫn là những người tự do. Chúng ta nhắc lại quyết định của mình: Mỹ sẽ không bao giờ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa".{6} Không chỉ nói, mà ông Trump còn làm rất tích cực và xem chừng rất có hiệu quả. Những gì đang diễn ra ở Cuba, Venezuela và ngay cả Triều Tiên này cho thấy ông Trump đang là tên diễn biến hòa bình đáng sợ nhất. Tình thế hiện nay cho thấy thành trì XHCN Cu Ba đã sụp đổ không cần tiếng súng. Số phận chế độ độc tài ở Venezuela chỉ còn tính bằng giờ. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ bàn về vũ khí hạt nhân nhưng ai cũng biết rằng sau khi tháo bỏ vũ khí hạt nhân thì XHCN ở Triều Tiên sẽ tự tan như bọt nước
Tiếp đón Trump, ông Trọng sẽ phải trả lời sao với 3 triệu đảng viên trung kiên của ông? Phải chăng ông đón tên diễn biến hòa bình nguy hiểm nhất vào nhà và tiếp tay cho y nuốt chửng người bạn đồng minh ý thức hệ của mình?
Vì sao khách quý tới, chủ nhà đi vắng?
Làm mất lòng anh Tập?
Vấn đề tế nhị quan trọng hơn nữa mà ông Trọng sẽ cảm thấy khó khăn khi phải tiếp Trump đó là mối quan hệ với người đàn anh Trung Quốc. Từ sau chiến tranh Triều Tiên đến nay, Triều Tiên luôn là vũ khí lợi hại của Trung Quốc để thọc vào sườn người Mỹ. Việc Mỹ - Triều ngồi với nhau bàn chuyện giải giới vũ khí hạt nhân là điều ông Tập khó thể vui lòng. Nếu Mỹ - Triều đạt được thỏa thuận, Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất thì bao nhiêu tiền của, xương máu đầu tư cho Triều Tiên hơn 60 năm qua sẽ biến thành mây khói. Hàng trăm cây số phên dậu đã dày công tạo dựng sẽ sụp đổ. Tai mắt mủi của Mỹ sẽ áp sát biên giới Trung- Triều. Từ Nhà Trắng, Trump có thể nghe tiếng thở, mùi thơm của từng căn phòng trong Trung Nam Hải.
Hơn ai hết trong các Tổng Bí Thư và trong toàn đảng hiện nay, ông Trọng là người trung thành với 16 chữ vàng, nên chắc chắn ông Trọng không cam lòng để mất lòng ông Tập.
Thế nhưng hiện nay, không chỉ chuyện Triều Tiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang vào giai đoạn quyết liệt. Ngay sau hội nghị Mỹ - Triều, Trump sẽ đáp máy bay đi gặp Tập để thương lượng sau 90 ngày ân hạn. Nếu đạt được bước tiến bộ nào đó với Kim, Trump sẽ có thêm lợi thế ít nhất về tinh thần để áp chế Tập.
Trong tình anh em ruột thịt, lẽ nào Trọng cam lòng tiếp tay Trump để đâm sau lưng người cùng chí hướng. Mặt khác, với những bài học “đả hổ” mà Tập truyền dạy qua cách hành xử với Bạc Hy Lai, Giang Trạch Dân thì Trọng thừa thông minh để hiểu hậu quả sẽ ra sao khi (dù là vô tình) làm viên đá ngáng đường của Tập.

Chưa phải đã hết, vị Tổng thống 'lái buôn' đang bao vây bạn Tập không chỉ bằng áp lực thuế má mà còn về công nghệ, về cáo buộc an ninh. “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 21/2 cảnh báo Hoa Kỳ không thể hợp tác hoặc chia sẻ thông tin với các quốc gia sử dụng các hệ thống của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network được Reuters dẫn lại, ông Pompeo nói các nước Châu Âu và các nơi khác cần hiểu những rủi ro khi triển khai thiết bị viễn thông của Huawei, và một khi biết được, họ sẽ không sử dụng các hệ thống của Huawei.
Ngoại Trưởng Pompeo cảnh báo “Nếu một quốc gia sử dụng và đưa vào các hệ thống đó những thông tin quan trọng, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với họ, chúng tôi không thể làm việc với họ.” {7}
Nhiều nước trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi này, riêng Việt Nam vẫn trung thành với láng giềng và mở cửa tiếp nhận công nghệ 5 G cho Huawei triển khai thiết bị thông tin. Nếu gặp nhau, Trump cắc cớ hỏi vụ này thì liệu Tập sẽ trả lời sao?
Theo tam thập lục kế, thì khi yếu “tẩu vị thượng sách”. Vắng mặt, với khách Trọng có cách trả lời là do hẹn trước với láng giềng, không thể đổi dời. Với đàn anh và đàn em Trọng sẽ đường hoàng đỏng đảnh như từng nói “người ta phải thế nào đó thì mình mới tiếp chứ?”
Đây chỉ là suy đoán hạn hẹp của kẻ dân đen. Chắc hẳn người đốt lò vĩ đại sẽ có mưu chước cao thâm hơn. Xin hãy chờ xem.

TT Trump sẽ gặp hai ông Trọng, Phúc trước cuộc thượng đỉnh với ông Kim

Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Mỹ Donald Trump hôm 12/11/2017 (ảnh tư liệu)

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp, chào xã giao với hai lãnh đạo hàng đầu Việt Nam vào sáng 27/2 ở Hà Nội, trước khi họp thượng đỉnh với lãnh tụ của Triều Tiên, hai nguồn thạo tin tại một cơ quan ngoại giao cho VOA hay.

Hai nguồn tin biết về việc chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Mỹ-Triều cho VOA biết tổng thống Mỹ sẽ hạ cánh ở sân bay Nội Bài vào sẩm tối 26/2, nhưng đề nghị VOA không tiết lộ giờ cụ thể, vì lý do an ninh.

Theo lịch dự kiến mà hai nguồn tin này nắm được, Tổng thống Trump sẽ gặp Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và tiếp đến là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng ngày hôm sau, 27/2, trước khi họp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Hồi năm ngoái, Tổng thống Trump đã gặp thủ tướng Singapore, nước chủ nhà cuộc thượng đỉnh đầu tiên mang tính lịch sử giữa hai nguyên thủ Mỹ, Triều vào ngày 11/6, trước khi ông Trump gặp ông Kim vào ngày 12/6.

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Hàng Bông, Hà Nội trong dịp thượng đỉnh Trump-Kim, 24/2/2019

Đề nghị VOA không nêu tên vì hai nguồn tin không có thẩm quyền phát ngôn về sự kiện quan trọng sắp diễn ra lần này, họ cho biết rằng bên lề cuộc gặp thượng đỉnh, cũng sẽ diễn ra một số cuộc gặp cấp thành viên nội các giữa hai nước Mỹ, Việt.

VOA được biết qua một nguồn tin thứ ba rằng Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tháp tùng ông Trump trong chuyến đi đến Hà Nội.

Nguồn tin thứ ba nói trong khi có lịch khá chắc chắn là ông Pompeo sẽ gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, song dường như ngoại trưởng Mỹ sẽ không gặp bộ trưởng quốc phòng Việt Nam dù phía Bộ Quốc phòng ngỏ ý muốn thu xếp cuộc gặp như vậy.

Cùng lúc, Bộ Công an Việt Nam cũng đã bày tỏ muốn gặp với ông John Bolton, có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Bộ trưởng Tô Lâm thăm Mỹ vào tháng 4 tới, vẫn theo nguồn tin thứ ba. Tuy nhiên, chưa có hồi đáp từ phía ông Bolton về đề nghị của Bộ Công an, nguồn tin nói.

Đến thời điểm sáng 25/2, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về lịch dự kiến cho cuộc thượng đỉnh giữa hai ông Trum, Kim.

Theo hai nguồn tin ngoại giao kể trên, địa điểm cuộc họp lần hai giữa hai ông “có phần chắc sẽ diễn ra tại khách sạn Sofitel-Metropole” ở trung tâm Hà Nội, chỉ cách vài phút đi bộ từ Nhà khách Chính phủ của Việt Nam.

Vẫn hai nguồn tin nói thêm rằng sau cuộc họp trong ngày 27/2, vào tối cùng ngày, hai nguyên thủ Mỹ, Triều “có thể” ăn tối ở nhà hàng Madam Hiền trên con phố nhỏ Chân Cầm, cách khách san Sofitel-Metropole vài kilome.

Theo quan sát của VOA, hôm 23/2, các quan chức cấp làm việc của hai nước đã ăn tối ở đó, dường như là một động thái khảo sát cho bữa tối của hai nguyên thủ.

Nhà hàng Madam Hiền trên phố Chân Cầm, Hà Nội

Các nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, như bà Madeleine Albright, ông Bill Richardson, hay ông Colin Powell, trước đây từng đàm phán với lãnh tụ Kim Jong Il, người tiền nhiệm và cũng là cha của ông Kim Jong Un, đã nói trong các cuộc phỏng vấn với báo chí Mỹ rằng trong các cuộc thương lượng với phía Triều Tiên, họ thường đạt được các thỏa thuận qua các hoạt động không chính thức như đi dạo, hay ngồi ăn tiệc, v.v… chứ không phải trên bàn đàm phán.

Hai nguồn tin ngoại giao cho VOA biết hiện nay phía Mỹ và Việt Nam cảm thấy “khá mệt mỏi” và “bị động” với phía Triều Tiên trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, vì phía Triều Tiên luôn “giữ bí mật” và “thay đổi xoành xoạch”.

Tin tức từ các hãng thông tấn cho hay ông Kim đã rời Bình Nhưỡng hôm 23/2 để đi bằng tàu hỏa qua Trung Quốc đến thị trấn Đồng Đăng của Việt Nam, giáp biên giới với Trung Quốc, rồi sau đó đi tiếp đến Hà Nội bằng chuyên xa qua 170 kilomet đường bộ.

VOA được biết nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh cấm ô tô các loại từ 7 giờ tối 25/2 đến 2 giờ chiều 26/2 trên đoạn Quốc lộ 1 từ thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn đến Hà Nội và ngược lại, để đảm bảo an ninh cho đoàn xe của ông Kim.

An ninh sẽ được siết chặt hơn trên tuyến đường trong khoảng từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều ngày 26/2, khi nhà chức trách cấm cả hai chiều đường đối với tất cả các phương tiện và người đi lại trên đoạn quốc lộ nêu trên.

Quang cảnh một phần ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn

Cho đến nay, Việt Nam chưa công bố đã chi phí bao nhiêu cho công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump. Hồi năm ngoái, Singapore đã chi ít nhất 20 triệu đôla cho việc bảo đảm an ninh cũng như các hoạt động hậu cần cho cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu giữa hai nguyên thủ Mỹ, Triều.


VOA

Không có nhận xét nào: