Bình Khuê
"Tâm trạng của tôi khi bị nhốt ở Kho Đen, Hong Kong hồi đầu năm 1979 là thấy ân hận," không dưới một lần bà Ngô Khởi Lai nói vậy trong cuộc chuyện trò vương nhiều nỗi xót xa.
"Tại sao mình thấy thiên hạ đi, mình cũng bỏ đi?" bà nói với tôi, mà cũng như tự vấn bản thân.
"Con người mình cũng như động vật, như côn trùng, có bản năng là theo quần thể, thấy đông người đi thì mình cũng mù quáng đi theo," người phụ nữ gốc Hoa ở Hà Nội, còn có tên khác là Ngô Hỷ Lai, nói trong một chiều tháng 1/2019 tại London.
Sinh năm 1947 tại Nam Định trong một gia đình có ông bà nội và cha mẹ chạy nạn từ Quảng Đông, Trung Quốc sang, bà khi trưởng thành lên Hà Nội học hành và lập nghiệp.
Hơn 40 năm trước, hai vợ chồng bà đang yên ấm và lưu luyến cuộc sống ở Việt Nam nhưng đành phải gạt nước mắt ra đi trong làn sóng 'Nạn kiều'.
Đó là một gia đình có ba đứa con nhỏ và một cuộc sống "rất đầy đủ" ở Hà Nội so với những người xung quanh: vợ là giáo viên Trường Dạy nghề Công nghiệp số 2, chồng làm "chức nghiệp tự do", có hai máy bơm nhựa và thuê mướn hai nhân công, chuyên hợp đồng bơm nắp pin cho nhà máy pin Văn Điển.
'Không bị buộc rời khỏi Việt Nam'
Làn sóng người Việt, trong đó rất đông người gốc Hoa ồ ạt rời đi khiến câu chuyện người tỵ nạn từ Việt Nam trở thành chủ đề quốc tế nhức nhối trong những năm cuối thập niên 1970.
Tháng 5/1979, tại Hội nghị Jakarta về người tỵ nạn, đại diện của Việt Nam nói rằng có khoảng 600 ngàn người gốc Hoa 'muốn tình nguyện về Trung Quốc'.
Các nguồn khác nói một triệu người gốc Hoa ở cả miền Nam và miền Bắc 'bị yêu cầu ra đi' sau 1975, tuy nhiên tin này bị giới chức Việt Nam chính thức bác bỏ.
Trả lời phỏng vấn của BBC trước thềm Hội nghị Geneva 7/1979 về thuyền nhân Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Hà Văn Lâu tuyên bố:
"Nhà nước không có chính sách buộc những người này phải rời khỏi Việt Nam."
Bản thân bà Ngô Khởi Lai nói gia đình bà không hề chính thức bị xua đuổi, và việc bà ra đi có lẽ là do "hoang mang, mù quáng" không chịu nổi áp những áp lực ghê gớm liên tiếp xảy ra.
"Cuối năm 1977, đầu năm 1978, hàng ngày chúng tôi ra ga Hàng Cỏ, thấy rất đông người ra đi. Họ đi tàu chợ từ Hà Nội lên Lào Cai hoặc Đồng Đăng. Tôi thấy bạn bè đi dần, họ hàng cũng đi dần, rồi người Hoa quanh khu vực Hàng Chiếu, Hàng Buồm đi rất đông."
Gia đình bà cũng bắt đầu đón nhận nhiều bất an.
"Cháu lớn khi đó học lớp 2, đi học về lúc nào áo quần cũng tả tơi, sách vở bị xé rách, mũ cói cũng bị xé rách. Cháu bảo bạn bè giật cặp sách ném đi, giật mũ cói ném đi, thậm chí có bạn nói 'Phương Tàu bỏ mìn trong lớp'."
Bản thân bà được yêu cầu tạm nghỉ việc bởi hợp đồng của bà kết thúc nhưng "trên Sở không thấy ký tiếp hợp đồng".
"Khi nào chúng tôi cần sẽ gọi cô về." Đó là thông báo bà nhận được trong thời mà theo bà nói là "giáo viên đi dạy học là do sự phân công của cấp trên chứ không có chuyện ký hợp đồng".
"Có lẽ tại tôi là người Hoa, lại dạy môn văn học Việt Nam. Tôi đoán lý do là vậy."
Chồng bà, cũng là người gốc Hoa, bị mất mối làm cho nhà máy pin Văn Điển, do "nguyên liệu chưa tới". Hai người làm công cho ông cũng thất nghiệp theo.
Hàng xóm "vốn rất vui vẻ hoà nhã" nay trở nên xa lánh và liên tục hỏi "Sao chị không chạy, chị ở lại làm gì?"
Việc con gái nói "không đi học nữa, con sợ lắm", trong lúc hai vợ chồng đột ngột trở nên không có công ăn việc làm, không còn thu nhập, cùng những gì diễn ra xung quanh khiến bà cảm thấy "hoang mang, mất ăn, mất ngủ".
Sống trong sợ hãi
Còn một nỗi sợ nữa.
"Chúng tôi bị ám ảnh về chuyện người Hoa ở Indonesia. Thời đó Indonesia bài Hoa rất ghê gớm. Chúng tôi nghe tin phụ nữ người Hoa không dám ra phố, bị người địa phương hiếp dâm, bị đánh đập. Chúng tôi sợ hãi không hiểu người Hoa ở Việt Nam sau này có rơi vào cảnh như người Hoa ở Indonesia thời đó không."
Thế nhưng gia đình bà "vẫn nấn ná không muốn ra đi" bởi "rất lưu luyến cuộc sống của mình ở Việt Nam, và bởi "biết chắc chắn ra đi là sẽ khổ".
Sự chần chừ kéo dài cho tới khi nỗi hoảng sợ bị đẩy lên cực điểm.
Đó là việc cùng lúc với truyền hình, đài báo đưa tin có những người Hoa làm việc cho Bộ Ngoại giao bị bắt, bà nhận được tin người cậu của bà, cũng làm phiên dịch cho chuyên gia Trung Quốc, bị bắt.
"Cậu tôi lấy vợ là người Việt Nam. Mợ có hai ông anh đi bộ đội, trong đó có một người anh cấp bậc tương đối cao trong quân đội," bà nói. "Sự kiện ông cậu bị bắt đả kích tôi rất mạnh," bà nói thêm, và đó chính là yếu tố bứt tung những do dự cuối cùng còn níu kéo bà ở lại Việt Nam.
Hai vợ chồng bà quyết định ra đi.
Tỵ nạn ở Trung Quốc
"Chúng tôi trước hết về Trung Quốc. Đó là thời gian rất khủng hoảng."
"Chúng tôi đi tàu hoả qua đường Đồng Đăng sang Bằng Tường vào cuối năm 1978. Vừa rời Việt Nam được mấy ngày thì hai bên cạy đường ray, không có tàu chạy qua biên giới nữa."
Trong thời gian vài tháng sống ở trại tỵ nạn Bằng Tường, những người chạy từ Việt Nam tới "không được tiếp xúc với người bản địa", và "chắc vì vấn đề trị an nên họ bảo vệ ghê lắm, không được phép ra vào tự do".
"Chỉ có khi có phiên chợ thì chúng tôi mới được ra chợ mua sắm chút ít, đó là lúc chúng tôi tiếp xúc với họ một chút," bà kể lại.
Việc tiếp xúc với cán bộ quản lý trại cũng rất hiếm khi xảy ra.
"Trại tỵ nạn rất lớn, người rất đông. Cán bộ chỉ có vài người, họ ở riêng ở văn phòng của họ, cách xa chỗ ở của chúng tôi."
Tuy nhiên, bà nói rằng người tỵ nạn được đối xử tử tế, "được cho ăn cơm ngày ba bữa đầy đủ, tuy lúc đó chúng tôi biết Trung Quốc rất khó khăn về lương thực", và các cán bộ quản lý trại có thái độ hòa nhã.
"Lâu lâu họ lại họp, động viên chúng tôi đi nông trường."
"Lựa chọn số một là nông trường quanh Quảng Châu. Lựa chọn số hai là Quảng Tây, vùng gần biên giới Trung - Việt, với hy vọng sau này nếu tình hình cho phép thì sẽ lại có đường trở về Việt Nam. Bà con cứ bàn nhau như thế. Nhưng chúng tôi xin thì họ nói những nông trường đó đủ người rồi."
"Quê tôi ở Quảng Đông, cho nên tôi xin về quê. Tôi chôn rau cắt rốn ở Nam Định, tới lúc ra đi cũng chưa biết quê ở đâu. Nhưng vì không còn cách nào khác, muốn tránh đi nông trường."
"Họ bảo không có lựa chọn, chúng tôi phải đi theo sự phân công, tới nông trường ở đâu đó rất xa xôi."
"Về thái độ thì họ không hách dịch, nhưng nghe 'ý tại ngôn ngoại', chúng tôi hiểu là không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải đi nông trường xa."
Tìm đường ra biển
"Chúng tôi nghĩ phải tìm đường đi Hong Kong."
"Lúc đó, trong cộng đồng người Hoa đã có tin truyền miệng là có một số người sang Trung Quốc rồi từ đó ra biển, đi Hong Kong hoặc Macau thành công."
"Cũng có người đi thẳng [từ Việt Nam tới Hong Kong], nhưng đi thẳng thì rất nguy hiểm, vất vả. Nếu đi từ Trung Quốc thì có thể đi ven theo đường bờ biển của Trung Quốc, sẽ an toàn hơn một chút."
"Người cháu gọi chồng tôi là cậu có một cái thuyền chung với hai người khác, nhắn người nói với chồng tôi mau ra bến Bắc Hải cậu ấy để dành chỗ cho gia đình tôi, nhưng chúng tôi phải đi gấp trước khi tàu nhổ neo."
"Vợ chồng tôi bỏ lại hết cả, đi ô tô vào đi đêm, phải đi trốn, từng chặng một, đi mất mấy đêm mới tới nơi."
"Suốt chặng đường đi, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, cũng sợ bị bắt. Họ doạ nếu bị bắt là phải ngồi tù, nông trường cũng không được vào, nên chúng tôi rất sợ hãi."
"Chúng tôi đi trên một chiếc xe ca cũ nát, chở được khoảng hơn 20 người. Đường Trung Quốc lúc đó rất xấu, toàn ổ gà rất xóc, trẻ con nôn lung tung."
"Chúng tôi tới Bắc Hải vào lúc gần tảng sáng, khoảng giữa tháng Ba, đầu tháng Tư 1979, trời lạnh buốt."
"Thuyền chúng tôi vừa đi vừa nghỉ. Lúc nào biển lặng thì đi, lúc hơi có sóng gió thì cập bờ. Chúng tôi đi mất chừng một tháng thì tới Hong Kong."
Những ngày 'chẳng bao giờ vui' ở Hong Kong
Trong làn sóng 'thuyền nhân' ra đi từ Việt Nam trong các năm 1977-1990, Hong Kong nhận 230.000 người, phần lớn là 'nạn kiều gốc Hoa' đi từ miền Bắc trước chiến tranh biên giới Việt-Trung tháng 2-3/1979.
"Tới cây số 0 của Hong Kong rồi, họ không cho vào bờ. Phải đỗ ở ngoài ba ngày ba đêm, lúc đó còn khổ hơn đi trên biển."
"Lúc đi là chúng tôi đi ven bờ, sóng không lớn mấy, nhưng tới Hong Kong khi chưa được lên bờ, tàu Hong Kong tạt qua tạt lại, mỗi lần như vậy sóng rất lớn. Nhiều người suốt dọc đường không nôn, nhưng tới Hong Kong thì bắt đầu say sóng."
Đầu tiên là một tháng "khủng khiếp" với mỗi ngày có chưa tới một tiếng đồng hồ được nhìn ánh sáng mặt trời và những bữa ăn toàn 'tim, gan, lòng lợn nấu với bí, rất tanh', tồi tệ hơn nhiều so với thời gian ở trại tị nạn Bằng Tường, bà Ngô Khởi Lai nói.
"Thuyền chúng tôi bị đưa vào Kho Đen, một kho hàng của Hong Kong được sử dụng làm trại tị nạn. Kho có ba khoang, thuyền chúng tôi bị giam ở khoang giữa. Mỗi gia đình chỉ được một cái chiếu, nằm ép như cá hộp vào nhau."
"Chúng tôi không được ra ngoài. Hàng ngày họ chỉ mở cửa khoang được chừng nửa tiếng đến một tiếng, vội vàng dắt con ra tắm rửa."
Sau đó, bà và những người cùng thuyền được chuyển đi trại Chi Ma Wan, một nhà tù "chuyên giam giữ người nghiện xì-ke, ma tuý để cai nghiện".
"Chúng tôi sống theo chế độ nhà tù ở trên đó ba tháng thì được chuyển tới trại Sham Shui Po, là trại tự do."
"Ở đây, họ chỉ cung cấp chỗ ở, không có kinh phí gì khác, mình phải tự đi làm để tự cung tự cấp. Ở khổ lắm. Cứ hai giường ba tầng xếp liền vào nhau. Gia đình tôi được phân ở tầng trên cùng, chỉ được hai chiếu, tức là hai giường cá nhân, cho hai người lớn và ba trẻ con."
Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, hai vợ chồng bà phải đi làm, ngày ngày "để ba đứa trẻ ở nhà, 8 tuổi, 6 tuổi, và 5 tuổi" trông nhau trong trại nằm ngay bờ biển, nơi "thỉnh thoảng trẻ con rơi xuống biển chết đuối".
"Chúng tôi ở đó, chẳng bao giờ vui," bà Ngô Khởi Lai nhớ lại. "Niềm an ủi duy nhất lúc đó là việc tôi xin vào được một trại trẻ làm việc. Bà chủ là người Anh, nói tiếng Quảng Đông rất lưu loát, rất tốt bụng."
Người phụ nữ phúc hậu đó cũng là người đã khuyên gia đình bà tới Anh định cư.
"Tôi thẫn thờ khi nhận được thư bị cự tuyệt đi Mỹ. Bà ấy bảo, 'Đi Anh đi, tôi sẽ tìm người bảo lãnh cho'."
"Khi tôi nói với bà ấy là vâng, tôi nghe bà, ba tháng sau đã lên máy bay. Chúng tôi tới thành phố Edinburgh vào cuối năm 1980."
Gia đình bà Ngô Khởi Lai nằm trong số 10 ngàn người được chính quyền Anh đồng ý nhận từ các trại tỵ nạn Hong Kong.
Trong số những người còn lại, có gần 67 ngàn người được cho hồi hương về Việt Nam và gần 150 ngàn người đi định cư ở các nước thứ ba.
Các trại tỵ nạn bị đóng khi Hong Kong được trả về cho Trung Quốc năm 1997.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét