Tường Thụy
Sát giờ lên đường thăm Lào với Campuchia, “Tổng tịch” Nguyễn Phú Trọng không quên bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhốt cho chắc đã. Có lẽ việc bắt Son và Tuấn trước khi ông Trọng lên đường là để bổ sung vào kinh nghiệm chống tham nhũng mà ông Trọng sẽ chia sẻ cho 2 người bạn hàng xóm trong mấy ngày tới. Nghe nói cũng có nước này nước nọ (ví dụ Ai Cập) muốn học tập kinh nghiệm chống tham nhũng của Việt Nam. Cũng phải thôi, tham nhũng nhiều quá thì ít nhiều cũng có kinh nghiệm bắt tham nhũng chứ.
Sách chuyên khảo sặc mùi tuyên giáo của Trương Minh Tuấn |
Son và Tuấn bị khởi tố theo khoản 3 điều 220 Bộ Luật hình sự 2015, có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù (Khoản 3: Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm), chứ không phải khung hình phạt “cao nhất” là 10 đến 20 năm tù như 1 vài trang báo thông tin. Điều này có nghĩa, nếu ông Trọng thương tình, giơ cao đánh khẽ như hai ông tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Hóa như 1 số người dự đoán thì phải đổi tội danh.
Điều thú vị ở vụ án này là Son và Tuấn cả 2 đều từng làm Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và đều đã hoặc đang làm Phó ban tuyên giáo TW. Ngoài ra 2 phạm nhân này còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nữa, “đôi bên chức tước chẳng kém chi nhau”.
Về chức vụ, Son không còn gì, kể cả chức “nguyên”. Nhưng không hiểu sao, 2 chức trong đảng của Tuấn là chức ủy viên TW và Phó ban tuyên giáo TW vẫn còn. Hay là ông Trọng “quên”?
Với vị trí Bộ trưởng TT&TT, Son và Tuấn đều có quyền uy trực tiếp và rất lớn đối với báo chí. Cho nói gì thì được nói, cấm thì phải im, lỡ đăng phải rút bài, không nghe thì đình bản, rút giấy phép, phạt vạ, tước thẻ nhà báo, cách chức, đuổi việc... Suốt 7 năm thay nhau giữ chức Bộ trưởng TT&TT, có lẽ cũng đến vài vạn thẻ nhà báo đang sử dụng để hành nghề do Son và Tuấn cấp, nghĩa là thẻ có chữ ký cấp bởi những tên tội phạm. Ít có Bộ trưởng nào mà quyền hành liên quan đến nhiều người như Bộ trưởng TT&TT
Điều trớ trêu hơn là với cương vị Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Son và Tuấn đã từng rao giảng đường lối, lập trường, “chống diễn biến”, đấu tranh với “thế lực thù địch” và oái oăm nhất là rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh. Ấy thế mà lại có ngày cả hai cùng bị bắt về sai phạm liên quan tới dự án MobiFone mua cổ phần AVG với khung hình phạt không hề nhẹ. Từ đó mới lòi ra, rao giảng đạo đức thì vi phạm về đạo đức, chống diễn biến thì tự diễn biến...
Thực ra, trên đời chẳng thiếu kẻ nói một đằng, làm một nẻo, rất nhiều là đằng khác. Khó mà khẳng định một đảng viên, cán bộ nào cụ thể nào mà không bao giờ tham nhũng. Nhưng với Son, Tuấn, nó hài hước ở chỗ, nghề của hai tội phạm này là phải nói nhiều, phải thể hiện nhiều: rao giảng trong đảng, rao giảng cho lực lượng vũ trang, cho cán bộ và cho nhân dân, nghĩa là trong phạm vi toàn quốc. Nay bị ngài “Tổng tịch” nhấc béng cả đôi làm củi đốt lò, ngoài nỗi lo sợ lao tù, hai tội phạm này còn nỗi nhục nhã ê chề vì đã từng đi dạy dỗ người khác.
Vậy xin có mấy câu thơ sau:
BẮC SON:
Son phết bao nhiêu cũng tuột rồi
Miếng mồi to quá nuốt không trôi
Chén anh chén chú, bao lần đã...
Mai mốt ra tòa, chớ "bác ơi".
MINH TUẤN
Lực đã "tuấn" rồi, trí cũng "minh"
Mà nay không cứu nổi thân mình
Hôm qua rao giảng lòe thiên hạ
Giáo án bây giờ mới thối inh.
Và:
TUYÊN GIÁO
(Bài này thì nhái thơ cụ Tú Xương)
Tuyên giáo giờ đây lột mặt rồi
Lò nóng bây giờ nướng cả đôi
Đố ai biết được thằng nào sắp
Son cũng thui mà Tuấn cũng thui.
Những dấu hỏi từ vụ bắt Son - Tuấn
Có những điểm giống nhau ‘chết người’ giữa vụ cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn ‘nhập kho’ vào tháng 2 năm 2019 với vụ hình ảnh cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng phải ngậm ngùi tra tay vào còng hơn một năm trước đó: cả hai đều còn giữ cương vị ủy viên trung ương khi bị khởi tố và bắt giam; và cả hai đều có ‘độ trễ’ từ lần mất chức gần nhất đến lúc bị bắt là 7 tháng.
Sau khi bị cách lột chức vụ ủy viên bộ chính trị vào tháng 5 năm 2017, Đinh La Thăng được Bộ Chính trị ‘phân công’ về làm phó trưởng ban kinh tế trung ương như một thủ thuật ‘nhốt quyền lực vào lồng’, sau đó đến tháng 12 năm 2017 thì bị bắt; còn Tương Minh Tuấn sau khi bị cách chức bộ trưởng thông tin và truyền thông vào tháng 7 năm 2018, 7 tháng sau cũng bị bắt nốt.
Tại sao Tuấn ‘thoát’ tại Hội nghị trung ương 9?
Vụ hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị tống giam vào ngày 23/2 - hai tuần sau tết nguyên đán năm 2019 có thể xem là tương đương với sự kiện hai tướng Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân và Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao - cả hai đều thuộc Bộ Công an - bị khởi tố và bắt giam sau tết nguyên đán năm 2018 vì bảo kê cho đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.
Một dẫn chứng phát lộ gần nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong khi đó, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Dường như ý chỉ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng là khá rõ ràng: cứ để cho ‘hai ông’ Son và Tuấn ăn tết nguyên đán Kỷ Hợi với gia đình lần cuối rồi mới bắt, theo đúng một tư tưởng mới nhen nhóm của ông Trọng: ‘chống tham nhũng phải nhân văn’.
Nhưng một dấu hỏi lớn vẫn chằn chặn là tại sao tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018, ‘Tổng chủ’ lại không cách chức ủy viên trung ương của Trương Minh Tuấn mà chỉ làm động tác này đối với Nguyễn Bắc Son và một ‘chuột cống’ khác là Tất Thành Cang - khi đó giữ chức Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM và có nhiều dấu hiệu dính đậm tham nhũng trong hai vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm và Nhà Bè?
Trọng thực hành ‘công bằng và đối ứng’ hay sự biến khác?
Từ giữa năm 2018 và đặc biệt sau vụ Trương Minh Tuấn bị mất chức bí thư ban cán sự đảng bộ thông tin và truyền thông cho đến thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 9, đã ồn ào tin tức về khả năng Tuấn sẽ bị bắt. Tuy nhiên sau đó bầu không khí hăm hở này lắng dần theo thời gian, chỉ còn loáng thoáng một ít tin tức ngoài lề về việc Son và Tuấn bị giám sát, câu lưu và hàng ngày phải ‘phục vụ ‘ cơ quan điều tra. Cũng có tin cho rằng cả Son và Tuấn đều ‘thoát’, hoặc Son bị bắt nhưng Tuấn vẫn được cho ‘hạ cánh an toàn’.
Trong năm 2018, Trương Minh Tuấn đã thoát hiểm đến hai lần. Đặc biệt lần thoát hiểm thứ hai của Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT vào ngày 10/7/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong danh sách khởi tố bắt giam.
Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Khi đó, cũng có nhiều dư luận cho rằng tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng.
Vậy phải chăng từ sau Hội nghị trung ương 9 đến nay đã xảy ra những động thái đủ lớn trong nội bộ mà đã khiến Trương Minh Tuấn cuối cùng đã không thể ‘thoát’?
Cho tới giờ thì đã rõ: dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của Trương Minh Tuấn không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng mà vẫn rất bấp bênh.
Một yếu tố tâm lý quan trọng cần xét đến là sự thay đổi bất thường trong quan điểm Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông Trọng bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn để công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’, vô hình trung sẽ khiến ‘uy tín của tổng bí thư bị ảnh hưởng’, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của Nguyễn Phú Trọng trong tương lai có thể bị tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Vụ hai cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn bị tống giam vào cuối tháng 2 năm 2019 chỉ xảy ra ít ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un tại Hà Nội.
Nếu quả thật Nguyễn Phú Trọng muốn xử Son và Tuấn như một liệu pháp công bằng giữa ‘củi nhà’ với ‘củi rừng’, sẽ có một điểm tương ứng giữa ông ta với Donald Trump: vào đầu năm 2017 và chỉ vài tháng sau khi nhậm chức tổng thống nước Mỹ, Trump đã liệt kê Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại’ cho Mỹ, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước đầu bảng khiến Mỹ phải nhập siêu nặng nề. Không bao lâu sau đó, Trump đã đề ra nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ đối với hàng hóa Việt Nam, nghĩa là bắt buộc Việt Nam phải giảm giá trị xất siêu hàng năm vào Mỹ và phải nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng cũng đang thực hành nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’, có qua có lại đầy đủ giữa ‘phe ta’ và phe đối phương’?
Nếu đúng thế, vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ - Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn - đang phát đi thông điệp rằng ‘Minh quân’ sẽ có thể không nương tay với ‘củi rừng’ - chẳng hạn như nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang… và có thể còn ‘máu lửa’ hơn nữa trong năm 2019 này.
Nhưng cũng còn một dấu hỏi khác: vụ bắt Son - Tuấn xảy ra khi Nguyễn Phú Trọng có một chuyến công du đến Campuchia và Lào, tức có thể ông Trọng không hẳn là người trực tiếp chỉ đạo đối với vụ bắt bớ này, thậm chí ông ta ‘không biết’. Nếu giả thiết này là đúng, dù chỉ với xác suất nhỏ, chóp bu nào mới là người ra lệnh bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn? Liệu có xảy ra một sự biến gì trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam khi Trọng vắng mặt?
Báo chí quốc doanh nên treo cờ rủ
Bá Tân25-2-2019Đây là của hiếm ở tầm thế giới, cùng một ngày, hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ 4T) bị khởi và bị bắt giam. Nếu luật pháp chuẩn mực như các nước văn minh, hai bị can này, một thời đứng đầu cai trị báo chí quốc doanh, bị bắt và đưa ra xét xử từ lâu, chứ không phải “ngâm tôm” đến tận bây giờ.Là tư lệnh ngành báo chí, luôn gào thét báo chí phải xông lên chống tham nhũng, vậy mà hai cựu Bộ trưởng bộ 4T trở thành bị can, thủ phạm chính gây ra vụ đại án tại AVG. Dư luận xã hội cũng như báo chí không bất ngờ khi biết cơ quan điều tra bắt giam hai cựu bộ trưởng. Gây ra trọng tội, tham nhũng cả núi tiền, đã bị phanh phui trên mặt báo, có gì là bất ngờ khi đại quan tham bị lùa vào trại giam, chờ ngày đưa ra xét xử.Hai cựu bộ trưởng bộ 4T bị bắt cùng một ngày, việc đó như là đại họa với báo chí quốc doanh, là nhục nhã tột độ của báo chí. Báo chí quốc doanh nên treo cờ rủ sau khi hai cựu tư lệnh ngành bị bắt giam. Lịch sử báo chí quốc doanh mãi mãi không quên “sự kiện lịch sử” nhơ nhuốc này. Báo chí quốc doanh, trước hết là đội ngũ “binh đoàn” tổng biên tập, hãy nhìn tấm gương Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn để mà hành nghề, để mà lập thân.Cha làm cha chịu, con làm con chịu, đó là mặt luật pháp. Đã đành như vậy nhưng cha-con, trên-dưới, thầy-tớ còn có quan hệ nhân-quả. Cha là kẻ trộm cắp, loại bất lương, để lại tiếng xấu cho con cháu và ngược lại. Cái lưu đọng “ngàn năm bia miệng” là như vậy. Hai cựu bộ trưởng bộ 4T bị bắt trong một ngày, để lại “bia miệng” ngàn năm cho báo chí quốc doanh. Hàng năm, đến ngày 23 tháng 2, báo chí quốc doanh nên treo cờ rủ để tưởng nhớ sự kiện có một không hai này.Cả hai bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn có chung “lò xuất phát” là Ban Tuyên giáo Trung ương. Trước khi “chạy” được chức bộ trưởng bộ 4T, Nguyễn Bắc Son từng giữ chức Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Trương Minh Tuấn còn dày dặn hơn, nguyên là cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, kể cả sau khi vượt qua chặng đường “xơ xác quân thù” trở thành Bộ trưởng Bộ 4T, Trương Minh Tuấn còn nắm giữ chức Phó ban Tuyên giáo Trung ương.Chẳng biết Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý, giáo dục như thế nào mà để cho cán bộ chủ chốt của họ trở thành những “đồng chí” đại tham nhũng. Ban Tuyên giáo Trung ương nên coi đó là bài học nhớ đời, phải chủ động ngăn chặn không để có thêm những “nguyên là” như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.Lúc đương chức, Nguyễn Bắc Son đối xử với báo chí có vẻ “lành” hơn. Trương Minh Tuấn thì ngược lại, thời gian tại vị không lâu, nhưng luôn “khét tiếng” hành báo chí. Trương Minh Tuấn “hành” báo chí rất có dụng ý, xuất phát từ động cơ cá nhân, mưu lợi cho bản thân. Khi cần tăng điểm cho cuộc đua tiếp theo, Trương Minh Tuấn tìm mọi cách “trị” báo chí và coi đó là thành tích để dâng lên bề trên.Trương Minh Tuấn dằn mặt báo chí còn có dụng ý khác, qua đó “dạy cho báo chí” bài học phải biết điều với quan đầu ngành. Biết điều, kể cả có sai phạm, vẫn được nhỡn nhơ làm ăn theo ý muốn. Không biết điều, cho dù làm đúng luật, lên bờ xuống ruộng là việc khó tránh khỏi. Cơ quan báo chí biết điều với Trương Minh Tuấn không chỉ bằng lời nói nịnh hót, mà là, cái quan trọng nhất, cầm cái gì trong tay, cái gì đếm được…Báo Đại Đoàn Kết là đại điển hình cách hành xử theo “luật rừng” của Trương Minh Tuấn. Trong thời gian ngắn, báo Đại Đoàn Kết gây ra một sai phạm nghiêm trọng, và một sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vụ tuyên truyền “nước mắm vô lương”, báo Đại Đoàn Kết thuộc nhóm sai phạm nghiêm trọng. Riêng vụ việc sai phạm đặc biệt nghiêm trọng là “đặc sản” của báo Đại Đoàn Kết: Mượn luận điệu xuyên tạc của bọn bành trướng Trung Quốc để công bố thông tin mang tính khẳng định: Việt Nam xâm lược Campuchia.Sau khi gây ra sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người đinh ninh báo Đại Đoàn Kết (trước hết là Tổng Biên tập) sẽ bị thẻ đỏ, bị loại khỏi cuộc chơi. Vậy mà, nhờ sự “biết điều” nặng ký với Trương Minh Tuấn, báo Đại Đoàn Kết thoát nạn ngon lành, sai phạm đặc biệt nghiêm trọng (xuyên tạc Việt Nam xâm lược Campuchia) coi như không có. Trớ trêu hơn nữa, sau đó không lâu, báo Đại Đoàn Kết còn được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen, trở thành tấm vải thưa để tờ báo này che mắt thánh.Cách hành xử của Trương Minh Tuấn, tiếp đó là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận được sự bằng lòng tột độ của những phần tử gây ra sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, và kể cả phía “đồng thanh tương ứng” bành trướng Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét