Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất”



 

Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại (Phần 1)

VietTimes -- Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày 17.2.1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn chủ lực với sự yểm trợ của hàng nghìn xe tăng, trọng pháo ồ ạt mở cuộc tiến công xâm lược vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. 
Nữ dân quân Cao Bằng dẫn giải tù binh Trung Quốc bị bắt
Nữ dân quân Cao Bằng dẫn giải tù binh Trung Quốc bị bắt
Chính quyền Bắc Kinh khi đó nói, họ tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”... Rằng, họ đã giành chiến thắng và cuộc chiến “phản kích tự vệ” đó đã đạt được mục đích đề ra” v.v. và v.v.. Tuy nhiên, sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm phản bác lại những điều mà họ từng ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy...
“Một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”
Dưới tiêu đề “Cựu binh tham chiến vạch ra 11 vấn đề bên trong của Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, diễn đàn Cường quốc của báo điện tử “Nhân dân Nhật báo” (bbs1.people.com.cn) ngày 13.7.2016 đã đăng hình ảnh cô nữ du kích người Tày súng trong tay đang dẫn giải toán tù binh Trung Quốc kèm theo chú thích: “Nữ binh Việt Nam giám sát các binh lính Trung Quốc bị bắt trong Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam năm 1979; mà đó là cả một đại đội đầu hàng tập thể”.

Dưới bức ảnh, tác giả viết: “Vào tết Thanh Minh năm nay, có cựu binh từng tham gia cuộc Chiến tranh Trung – Việt năm 1979 đã bằng những điều bản thân trải qua, lật tẩy 11 vấn đề bên trong cuộc chiến đang được yêu cầu phải quên đi ấy. Rất nhiều người lại nêu ra: tính mạng các binh sĩ chỉ có giá tiền ngang một con lợn liệu có đáng phải tham gia cuộc chiến tranh đó? Vì sao Trung Quốc đem tiền đi viện trợ nước khác ở khắp nơi mà không có những người bạn thực sự?
Trên Diễn đàn mạng Thiên Nhai (Chân trời, “Tianya.cn”) có đăng bài viết của tác giả lấy nick là “Shuqinghaigui” là biên tập viên của một tòa soạn báo, từng tham gia cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Người này cho biết ông 16 tuổi vào lính, 19 tuổi bị thương trở thành quân nhân tàn phế, nhiều năm nay đã viết bài và đi khắp nơi đói quyền lợi hợp pháp cho các lính bị thương khi xưa.
Cựu binh này viết với giọng thương cảm: “Chúng tôi đã tuổi quá ngũ tuần, đang già đi, một số chiến hữu bắt đầu nhớ lại cuộc chiến tranh mình đã trải qua năm xưa, cũng tức là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cùng với thời gian qua đi, nay nhớ lại những hiện tượng kỳ quái khi đó, bỗng rút ra những kết luận mà chính bản thân cũng cảm thấy lạ lẫm”.
Cựu binh này ý thức được rằng, khi mô tả liên quan đến cuộc chiến tranh sinh tử, mọi người thường thích nói quá lên. Mỗi khi đọc những bài viết kể lại cuộc chiến đó đều cảm thấy rất nhiều điều không đúng thực tế;.Đều tự mình thấy mình là người tự thân trải qua cuộc chiến, cần phải đứng ra nói vài điều, sửa đổi tận gốc. Ông ta bày tỏ, tuy ông không có quyền uy, nhưng những điều ông nói đều là sự trải nghiệm, cảm nhận hoặc khảo chứng chân thực về cuộc chiến tranh ấy.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại (Phần 1) - ảnh 1
Một nghĩa địa lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979 tại huyện Malipho, Vân Nam (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
Tác giả này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại… Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều. Quân đội ta (tức Trung Quốc) không thể hiện được ưu thế về trang bị và chiến thuật; hệ thống hậu cần và tiếp tế hỗn loạn, thiếu sự hiệp đồng giữa bộ binh - xe tăng và mặt đất - trên không, không quân và tên lửa chiến lược không tham chiến. Vũ khí nhẹ quân lính sử dụng quá cũ, không thực hiện được áp chế hỏa lực…
Sĩ quan chỉ huy chiến trường hầu như không biết tác chiến hiệp đồng binh chủng, bộ thống soái cao nhất thì chiến lược hỗn loạn. Chiến tranh không đạt được mục đích “trừng phạt Việt Nam, phá hủy tiềm lực và tài nguyên, sát thương quân chủ lực và phá hoại chiến lược quân sự”, cũng không đạt mục tiêu chiến lược chính trị “làm Việt Nam tan rã, giúp chính phủ mới thân Hoa lên cầm quyền”. Tuy nhiên mục tiêu chính trị quan trọng trong nước là giải quyết vấn đề nắm quyền chỉ huy quân đội thì đã được giải quyết thuận lợi”.
Tác giả “Shuqinghaigui” nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”, bao gồm:
“1. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục. Thậm chí tướng Trương Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến/Tổng bộ Tham mưu (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục”: về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao phải tiến hành.
2. Mục đích chiến lược cơ bản không đạt được. Trong cuộc chiến tranh đó, chúng ta chiếm ưu thế tuyệt đối cả về binh lực lẫn hỏa lực, nhưng chúng ta không đạt được mục đích chiến lược là tiêu diệt 2 sư đoàn chủ lực 316A và 316B của Việt Nam.
3. Trang bị tiên tiến chỉ để trưng bày. Khi đó ta có các trang bị hiện đại máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do những người chỉ huy không biết tác chiến hiệp đồng nên các trang bị đó trở thành đồ trang trí. Vốn ra một chiếc máy bay có thể giải quyết được vấn đề phong tỏa, nhưng phải dùng đến cả trung đoàn bộ binh, đi ngược lại quan niệm giá trị trong chiến tranh.
4. Bảo đảm hậu cần cực kỳ kém cỏi. Tôi (tác giả) bị thương ngày 19.2, nhưng mãi tới ngày 27.2 mới được chữa chạy bài bản, trong suốt thời gian đó chỉ được cho uống 1 viên Sulfonamide tác dụng chậm khiến vết thương nhiễm trùng, buộc phải tháo bỏ ngón chân cái ở chân trái. Nhiều thương binh do chưa được học cách sơ cứu đơn giản đã bị đưa ra chiến trường nên sau khi bị thương vì mìn, không biết cách cầm máu đã bị chết vì chảy kiệt máu. Một thương binh trước khi chết còn nắm tay tôi chửi rủa “Bọn quân y chó má, chết mẹ chúng nó đi!”.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại (Phần 1) - ảnh 2
Chiến tranh đã mang lại nỗi đau mất con cho hàng vạn bà mẹ Trung Quốc (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
5. Tấn công không có bài bản. Vừa khai chiến, bộ đội đã ào ạt kéo lên. Khi tôi(tác giả) ở điểm cao 796, nhìn xa nhìn gần, khắp mặt đất toàn là lính ta. Khi đó tôi đã phẫn nộ nói với Tham mưu trưởng: “Vào trong xóm tìm một đứa trẻ cũng không chỉ huy tồi như thế”. Một quả pháo, một loạt đạn của đối phương cũng quét sạch cả một mảng lớn lính ta.
6. Pháo nhỏ bắn bừa, pháo lớn thì hạn chế. Hỏa lực pháo đi kèm bắn không hạn chế đạn, các loại trọng pháo 152 ly và 130 ly thì đều hạn chế, có lúc phải được Tổng bộ tham mưu phê chuẩn mới được bắn, nhưng lính thì tung không hạn chế.
7. Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để trốn tránh đi đánh nhau, một số binh lính sau khi vượt biên “đánh kẻ xâm lược” đã tự bắn vào chân mình.
8. Mức tiền trợ cấp cho người bị thương vẫn là tiêu chuẩn thời Chiến tranh giải phóng (tức trước khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949). Chính sách chúng ta đề ra đã quá lạc hậu. Sau khi bị thương, tôi chỉ được cấp 15 tệ  (Nhân dân tệ) tiền thương tật, đó là tiêu chuẩn thời Chiến dịch Hoài Hải (nội chiến với Tưởng Giới Thạch trước 1949); chỉ bằng 1/100.000 mức tiêu chuẩn của Anh, Mỹ cùng thời kỳ, trong khi lúc đó GDP của Trung Quốc cũng không chênh lệch với các nước này lớn đến mức ấy.
9. Tiền tuất cho lính tử trận chỉ tương đương giá một con lợn. Khi đó mỗi liệt sĩ chỉ được 300 tệ tiền tuất, đúng bằng giá một con lợn. (1 Nhân dân tệ hiện nay tương đương 3.500 VND)
10. Tiền cho lính bị thương xuất ngũ còn thê thảm hơn. Sau khi tôi (tác giả) bị thương xuất ngũ, hơn chục năm đầu mỗi năm chỉ được nhận 30 tệ tiền xương máu. Năm 2010 sau 31 năm bị thương mới nhận được quà úy lạo của chính phủ. Đêm hôm đó, tôi nắm cái quà kỉ niệm ấy (cũng trị giá 300 tệ), một mình ngồi uống rượu; uống mãi, uống mãi, nước mắt chảy giàn giụa. Hơn 30 năm rồi, những cựu binh chúng tôi nhiều người vẫn chưa có nhà ở, chưa lấy được vợ!
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại (Phần 1) - ảnh 3
Một người lính Trung Quốc kêu khóc bên cạnh người bạn bị chết (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
11. Những sách ghi chép chân thực về cuộc chiến tranh ấy không thể xuất bản được. Năm 2010, tôi (tác giả) căn cứ vào những gì mình đã trải qua viết được hai cuốn sách “Ghi chép của một thương binh chiến tranh Việt Nam” và “Thực sắc”, đăng lên mạng, gây bùng nổ khắp nước. Nhưng cuốn đầu được thông báo là “không thể xuất bản”. Sách về “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không được kích động quá, chỉ được gọi là “Xung đột vũ trang cục bộ ở phía Nam”. Một cuộc chiến tranh làm đổ máu mấy chục vạn người mà không cho nói đến như thế, trong tương lai ai sẽ đi đánh nhau cho các người đây?
Cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” năm 1979, rất nhiều binh sĩ Trung Quốc đã trở thành vật hy sinh. Họ chết vì cái gì?”.
11 vấn đề được người cựu binh đó nêu lên đã gây cộng hưởng trong cộng đồng mạng. Có cư dân mạng nêu lên quan điểm của bản thân về cuộc chiến tranh đó: cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” khiến mấy vạn người đổ máu hy sinh đó, về đối ngoại là để giải cứu “người anh em Khmer Đỏ”, về đối nội là để Đặng Tiểu Bình nắm quyền chỉ huy quân đội và thiết lập uy quyền.
Cũng có cư dân mạng đưa ra lời cảnh báo: đất nước này có đáng để anh đi liều mạng hay không? Liều mạng mà không được thừa nhận, sinh mạng chỉ đáng giá tiền một con lợn, chỉ dám ở đây oán trách, không cẩn thận sẽ bị đàn áp, bắt giam.
Cũng có người nêu lên điều đáng phải suy nghĩ: vì sao Trung Quốc viện trợ nước khác khắp nơi nhưng lại rất ít bạn bè?...”.
VietTimes -- Diễn đàn Cường quốc của Nhân dân Nhật báo điện tử, cùng ngày 13.7.2016 đã đăng lại một bài viết được đăng tải trên trang web “China50plus.com” và lưu hành rộng rãi trên mạng với nhan đề “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực và kém cỏi nhất”, cho rằng “sự thê thảm, ác liệt của cuộc chiến tranh khiến người ta kinh sợ. Nhưng điều khiến người ta phẫn uất nhất là hàng mấy vạn binh lính Trung Quốc đang tuổi thanh xuân phơi phới đã phải chết thảm trong cuộc chiến tranh giống như trò chơi ấy.
Xe tăng Trung Quốc bị phá hủy tại mặt trận Cao Bằng. Ảnh tư liệu.
Xe tăng Trung Quốc bị phá hủy tại mặt trận Cao Bằng. Ảnh tư liệu.



Gây chiến tranh để dạy dỗ Việt Nam
Bài viết cho rằng, sau năm 1949, Trung Quốc đã tiến hành 4 cuộc chiến tranh với bên ngoài là Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh biên giới Trung - Ấn, Chiến tranh biên giới Trung - Xô và “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” - Thì “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là cuộc chiến đánh kém cỏi, bất lực nhất.
Tác giả viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là cuộc chiến tranh phát động nhằm vào Việt Nam, do Đặng Tiểu Bình chủ trì, ép buộc người lãnh đạo khi đó là Hoa Quốc Phong phải đồng ý tiến hành. Mục đích quân sự của cuộc chiến tranh đó là viện trợ chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia, buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Mục đích chính trị là dạy cho chính phủ Việt Nam thân Liên Xô một bài học. Đặng Tiểu Bình khi đó đang là Phó chủ tịch Quân ủy cũng có mục đích riêng của mình, đó là kiểm tra xem liệu mình có thể huy động quân đội được hay không, vì ông ta đã quyết định sẽ thay thế Hoa Quốc Phong, trở thành người lãnh đạo tối cao. Quân đội chỉ được sử dụng để “bảo gia vệ quốc”. Tôi phản đối dùng tính mạng, xương máu của binh sĩ để đạt được bất cứ mục đích nào khác. Đây là cuộc chiến hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất kể từ sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa!

Tôi nói với bạn bè, về ngoại giao, điều kỵ nhất là bộc lộ nanh vuốt, khẩu xuất cuồng ngôn. Có những điều chỉ được làm chứ không được nói, nói cũng phải khéo léo để được lòng người. Ông Đặng Tiểu Bình cuối năm 1978 đi thăm Mỹ đã thông báo với Nhà Trắng và lãnh đạo quốc hội Mỹ: Trung Quốc sẽ “dạy dỗ” Việt Nam. Đầu tháng 2.1979 sang thăm Nhật cũng thông báo với giới lãnh đạo cấp cao Nhật như thế. Chiến tranh còn chưa diễn ra, thuyết “Trung Quốc dạy cho Việt Nam bài học” đã gây phản ứng mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây. Vì đây là giọng điệu của kẻ mạnh với người yếu, cha mẹ với con cái, đưa vào trong quan hệ quốc gia với quốc gia rõ ràng là thể hiện chủ nghĩa bá quyền ỷ mạnh bắt nạt yếu.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất” (Phần 2) - ảnh 2
Hứa Thế Hữu, Tổng chỉ huy cánh quân phía Đông đến gặp động viên trước khi xua quân xâm lược Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc.
Ngày 7.12.1978, Quân ủy Trung ương họp, bổ nhiệm Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Quân khu Quảng Châu làm Tổng chỉ huy cánh quân Quảng Tây ở phía Đông, dưới quyền có 5 quân đoàn chủ lực, 3 sư đoàn pháo binh. Điều động Dương Đắc Chí, Tư lệnh Quân khu Vũ Hán đảo chỗ cho Vương Tất Thành, về làm Tư lệnh Quân khu Côn Minh, Tổng chỉ huy cánh quân Vân Nam phía Tây, nắm 4 quân đoàn chủ lực. Toàn bộ binh lực tiền phương tới 56 vạn quân, huy động hơn 1 triệu dân binh và dân công tham chiến.
Ngày hôm sau, 8.12 ban hành Quyết định và Mệnh lệnh tác chiến “phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Để đề phòng Liên Xô xuất quân trợ giúp Việt Nam, Quân ủy ra lệnh “Bất kể kết quả chiến đấu thế nào, sau khi chiếm được Cao Bằng và Lạng Sơn, không được ham đánh,lập tức rút về”. Lại bổ nhiệm Lý Đức Sinh làm Tổng chỉ huy chiến trường miền Bắc, quản binh lực các quân khu ở Đông Bắc, Hoa Bắc và Tây Bắc. Trung tâm chỉ huy tác chiến đánh Việt Nam đặt ở Tây Sơn, Bắc Kinh. Tổng chỉ huy là Đặng Tiểu Bình, Phó Tổng chỉ huy là Từ Hướng Tiền.
Ngày 17.2.1979, quân đội phát động cuộc tập kích bất ngờ Việt Nam trên mặt trận dài 500km (tác giả nhầm, Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung dài 1.200km). Việt Nam tuy có chuẩn bị, nhưng không đầy đủ. Họ cho rằng quy mô chiến tranh lớn nhất cũng chỉ như Trung Quốc đánh Ấn Độ khi xưa, nhưng không ngờ lực lượng Trung Quốc đông, hỏa lực mạnh như thế. Lực lượng đối kháng chính diện của Việt Nam chí có 4 sư đoàn gồm các sư đoàn 3, 346, 316A và 345, cùng một số đơn vị bộ đội địa phương.
Sau khi khai chiến, quân đội ta (Trung Quốc) ngày 20.2 chiếm được thị xã Lào Cai, ngày 23.2 chiếm được thị trấn Đồng Đăng ở cửa ngõ Lạng Sơn; ngày 25.2 chiếm được thị xã Cao Bằng; ngày 4.3 thì chiếm được thị xã Lạng Sơn. Chính phủ Việt Nam ra lệnh Tổng động viên, ngày 5.3, Trung Quốc ra tuyên bố rút quân; đến ngày 16.3 thì hoàn thành hành động rút quân, cuộc chiến tranh này kết thúc.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất” (Phần 2) - ảnh 3
Xe tăng và lính Trung Quốc vượt cầu phao bắc qua sông Hồng tiến sang đất Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc. 
Chiến tranh rốt cục đã chết bao nhiêu người, hai bên đều không công bố con số. Sau chiến tranh, Diệp Kiếm Anh (Phó chủ tịch Quân ủy) và Lý Tiên Niệm (Phó Chủ tịch nước) đã nói trong phát biểu nội bộ: phía Trung Quốc tử vong 48 ngàn, phía Việt Nam cũng chết 48 ngàn người, nhưng Trung Quốc toàn là thanh niên trai tráng (bao gồm cả dân binh cáng thương chi viện mặt trận), còn Việt Nam thì bao gồm cả phụ nữ, người già...với ý tại ngôn ngoại là: Trung Quốc được không bằng mất.
Ngu xuẩn khiến hàng vạn lính chết thảm nơi chiến trường
Cuộc chiến tranh này cực kỳ ác liệt, thê thảm, nói máu chảy thành sông cũng không phải là quá, quân Việt Nam chống cự ngoan cường vượt quá dự kiến. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, thê thảm như thế do mấy nguyên nhân sau:
1. Trung Quốc dùng “chiến thuật biển người” để xung phong đánh trận địa đối phương, so với người Việt Nam đã được rèn luyện qua binh lửa chiến tranh thì kém xa. Lâu ngày sống trong hòa bình, ít được huấn luyện quân sự, chiến sĩ không biết đánh nhau, sĩ quan không biết chỉ huy, lại thiếu sự huấn luyện đánh rừng núi và đánh ban đêm; bộ đội tăng, thiết giáp và bộ binh không thể tác chiến hiệp đồng, vì thế đã phải trả giá rất lớn.
Tác giả nêu ví dụ: một tiểu đoàn Trung Quốc bị một nhóm 9 du kích Việt Nam phục kích quấy rối; hơn 300 người  tập hợp đội hình bộc lộ trước hỏa lực của Việt Nam, gây nên thương vong nghiêm trọng.
Năm 1982 tôi (tác giả) tới khảo sát mậu dịch ở một xã biên giới ở Vân Nam, người xã trưởng kể lại: xã này 3 phía kề với đất Việt Nam, địa hình toàn đồi núi hiểm trở. Khi bắt đầu chiến tranh, quân đội Trung Quốc ào ạt tấn công trận địa của quân Việt Nam dưới sự yểm hộ của hỏa lực pháo binh. Kèn hiệu xung phong vừa thổi, các chiến sĩ xông lên ào ạt, hơn 100 người trong một đại đội, khi rút lui chỉ còn 2-3 chục. Liền thay bằng một đại đội khác tiếp tục xông lên, vẫn bị hy sinh phần lớn. Cuối cùng khi chiếm được mỏm đồi, thì phát hiện thấy trên đó chỉ có hơn 20 người lính Việt Nam. Ông ta nói, khi đó ông là người tổ chức dân binh cáng thương, tận mắt thấy khắp sườn đồi đều là thi thể lính Trung Quốc nằm la liệt, cảnh tượng rất thê thảm. Những người lính chết trận được đưa về chôn ở nghĩa trang liệt sĩ của huyện...
2. Quân đội Trung Quốc sử dụng đơn vị cơ giới hóa thọc sâu bao vây, nhưng quên rằng phía Bắc Việt Nam toàn là vùng núi và rừng rậm nhiệt đới, không lợi cho tác chiến tăng, thiết giáp. Quân Việt Nam được trang bị vũ khí chống tăng của Liên Xô và những loại thu được của Mỹ, dễ dàng hạ gục xe tăng của quân đội Trung Quốc. Có xe tăng khi đột kích, bộ binh chạy theo không kịp, xe tăng tổn thất rất lớn, có tới hơn 200 xe tăng bị phá hủy.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất” (Phần 2) - ảnh 4
Lính Trung Quốc tự buộc mình vào xe tăng khi tấn công nên bị chết nhiều khi bị phục kích. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc. 
Cách làm ngu xuẩn nhất là khi bộ binh đi kèm bộ đội thiết giáp thọc sâu bao vây, để tránh bị rơi khỏi xe đã dùng dây đeo ba lô buộc người vào xe tăng, có xe chằng buộc tới hai mươi mấy người. Kết quả là: khi bị phục kích thì không kịp thời nhảy xuống tác chiến được, trở thành những “cục thịt” nướng trên vỉ sắt. Các chiến sĩ chưa kịp tháo dây buộc đã chết thảm. Có xe tăng khi bị phá hủy, phía trên vẫn còn thi thể 4-5 lính bộ binh...
Ngoài ra, đâu đâu cũng là mìn do quân Việt Nam gài, thiết bị rà phá mìn của quân đội Trung Quốc lại thiếu. Trong tình huống chiến trường khẩn cấp đã phải dùng thân thể lính phá mìn, hy sinh rất lớn. Đồng thời, còn thỉnh thoảng xảy ra việc pháo binh đơn vị bạn bắn nhầm, nhân viên y tế thiếu, cứu chữa không xuể nên thương binh chết rất nhiều.
Thua đau quẫn trí, trở nên tàn bạo
3. Đánh giá không đầy đủ về ý chí chiến đấu của người Việt Nam nên bị hố to, điều này đã được đưa tỉ mỉ trong “Thông báo chiến sự”. Có người lính Trung Quốc cõng lính Việt Nam bị thương bị bắt đi xuống, không ngờ người tù binh đã bất ngờ cướp lựu đạn đeo trên thân người cõng, rút chốt để cùng chết. Có tù binh Việt Nam bị thương nặng đã dùng răng cắn đứt tai người đang cõng mình. Bộ đội địa phương Việt Nam có rất nhiều lính nữ (có lẽ đây là các nữ tự vệ nông, lâm trường), có người sau khi bị bắt đã nhân lúc lính Trung Quốc mất cảnh giác cướp súng bắn chết một lúc 7 - 8 người. Về sau cấp trên ra lệnh “không bắt tù binh nữa, cứ bắn chết hết”!
Việt Nam toàn dân là lính, “Thông báo chiến sự” nêu một ví dụ: đơn vị lính Trung Quốc đang hành quân, đột nhiên có đạn cối rơi vào giữa đội hình. Một tốp được cử đi lùng sục, chỉ thấy trên cánh đồng có mấy phụ nữ Việt Nam đang lao động, không thấy bóng dáng quân địch. Đơn vị tiếp tục hành quân, kết quả lại bị nã pháo, thương vong rất nhiều. Về sau phát hiện, những phụ nữ đó đều là dân quân, họ giấu khẩu súng cối ngay nơi đang trồng cấy, phía trên che bằng mấy cái nón, nhân lúc anh không để ý là họ nã cối. Anh đến lục soát thì họ giấu vũ khí đi, tiếp tục làm đồng như không có gì xảy ra. Sau này cấp trên ra lệnh, bất kể già trẻ trai gái, cứ giết tuốt khỏi bàn.
Một người bạn học hồi tiểu học của người viết là trung đoàn trưởng, sau này kể lại: quân đội vì thương vong quá lớn nên giết đến đỏ mắt. Cấp trên ra lệnh thực hiện chính sách tiêu thổ “tam quang” (ba sạch: tức giết sạch, đốt sạch, cướp sạch),mức độ tàn khốc khiến người ta khó có thể tưởng tượng nổi, mức độ phá hoại vượt xa không quân Mỹ ném bom khi trước; chỉ khác mỗi lính Nhật ở Trung Quốc khi xưa ở chỗ: không cưỡng hiếp phụ nữ!
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất” (Phần 2) - ảnh 5
Lính Trung Quốc tháo dỡ đường ray xe lửa để mang về Trung Quốc khi rút quân. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc.
“Thông báo chiến sự” cũng đã đưa về tình hình tương tự, như các mỏ than của Việt Nam tập trung chủ yếu ở vùng Lạng Sơn, nhiều mỏ do Liên Xô viện trợ. Quân đội Trung Quốc khi rút đi đều phá hủy tất cả, nhà cửa của dân cũng đốt hết, gà vịt, trâu bò đều bắn hết rồi ăn. Sau khi đánh chiếm các thành thị, lính Trung Quốc không những phá hủy tất cả nhà cửa, mà đến cột điện cũng phá bỏ. Tất cả những thứ gì lấy được, kể cả đường ray xe lửa cũng tháo dỡ mang về nước.
Chiến thuật thua kém, chỉ huy hỗn loạn
4. Về mặt chiến tranh du kích, chúng ta tuy là thầy, người Việt Nam là trò, nhưng khi tác chiến thì thấy trò sau mấy chục năm chiến tranh đã vượt xa thầy. Họ vận dụng phương châm “địch tiến ta lui, địch dừng ta quấy, địch mệt ta đánh, địch lui ta đuổi” giỏi hơn chúng ta nhiều.
Vùng núi Việt Nam hang động thiên nhiên rất nhiều, lại thêm mấy chục năm xây dựng công sự nên hầu như hang nối hang, giống như địa cung. Quân Việt Nam khi chống trả không lại liền rút vào trong hang, đợi đại quân Trung Quốc đi qua liền chui ra đánh du kích, giết hại nhân viên hậu cần, gây khó khăn rất lớn cho việc tiếp tế hậu cần; đồng thời cũng rất khó tìm thấy sở chỉ huy của họ. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh khi nói chuyện đã chỉ rõ: chia cắt bao vây 3 sư đoàn quân Việt Nam, kết quả chẳng bắt nổi 1 chỉ huy cấp sư đoàn nào, thật đáng tiếc. Về sau, quân đội Trung Quốc đã cho phá hủy tất cả những hang động có thể có quân Việt Nam ẩn náu.
Ngoài ra, mật độ quân Trung Quốc rất dày đặc. Mấy chục vạn quân phân bố ở khu vực chiến trường chật hẹp, chỉ có mấy trục đường ken đặc quân đội nên dễ xảy ra xung đột. Người bạn của tác giả kể, ban đêm đóng quân dã ngoại, khắp sườn đồi đều là lính. Lúc này đặc công Việt Nam thường cải trang, giả danh vì biết nói tiếng Hán, trà trộn tập kích, gây nên thương vong lớn và gây hỗn loạn. Có đơn vị khi cán bộ và binh lính chết nhiều, trên cử cán bộ và binh lính mới bổ sung, người mới người cũ không quen nhau, cũng rất khó chỉ huy. Sự hỗn loạn nảy sinh từ chuyện này cũng là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc bị thương vong nhiều.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất” (Phần 2) - ảnh 6
Tấm bia ghi dấu tội ác của lính Trung Quốc tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, Hòa An, Cao Bằng. Ảnh tư liệu.
5. Khi đó quân đội Trung Quốc chưa thực hiện chế độ quân hàm, sĩ quan chỉ huy đều mặc áo 4 túi, chiến sĩ áo hai túi. Sau khi bộ đội bị đánh tan tác, ai chỉ huy và có phục tùng nhau hay không trở thành vấn đề lớn. Có đơn vị sau khi cán bộ chỉ huy chết, cán bộ mới do trên điều về thì chiến sĩ không nhận biết người nào cấp chức gì nên rất khó chỉ huy, từ đó sinh ra trạng thái hỗn loạn. Đó cũng là một nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc thương vong lớn.
Tinh thần sa sút, sĩ khí bạc nhược
Có một số đơn vị sĩ khí rất kém. Trung đoàn 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50 đụng độ quân Việt Nam, đường rút lui bị cắt đứt, trung đoàn bộ đã ra quyết định các đơn vị phân tán phá vây một cách rất vô trách nhiệm. Kết quả là lần lượt bị quân Việt Nam chia cắt bao vây, bị rơi rớt lại 542 người, mất 407 khẩu súng các loại, trong đó hơn 200 người bị bắt sống, bao gồm Tham mưu trưởng trung đoàn, Chính trị viên tiểu đoàn và hơn chục cán bộ đại đội, trung đội trưởng. Có đơn vị sĩ quan dẫn cả đại đội đầu hàng tập thể. Một đại đội thuộc đơn vị X khi hành quân bị đơn vị nhỏ Việt Nam chỉ gồm hơn hai chục người bao vây, kết quả cán bộ chỉ huy đã vứt bỏ bộ đội một mình chạy về, lại còn giả vờ bị thương để chui vào bệnh viện; đơn vị về cơ bản bị quân Việt Nam diệt sạch.
Coi chiến tranh thành trò chơi luyện binh
Mục đích chiến tranh mà Trung Quốc đề ra ban đầu đều không đạt được. “Người anh em Khmer Đỏ” Polpot bị gục ngã trước sự tiến công của quân đội Việt Nam. Vấn đề là, binh sĩ Trung Quốc liệu có đáng phải đổ máu vì cái chính quyền như thế không?...
Cuộc chiến tranh này không những không đánh để thể hiện được quân uy, mà trái lại đã bộc lộ quá nhiều vấn đề. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan khi đó nói: “Cứ xem biểu hiện của quân đội Đại Lục khi đánh Việt Nam thì việc chúng ta bảo vệ Đài Loan không thành vấn đề!”.
Sau chiến tranh, Đặng Tiểu Bình đã thành công chiếm được đại quyền lãnh đạo đảng, chính quyền, quân đội, Hoa Quốc Phong bị rớt đài. Nhưng đã mở ra cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 10 năm, biên giới Trung - Việt trở thành bãi luyện binh, các quân đoàn chủ lực thay nhau ra mặt trận. Trên thế giới liệu có mấy quốc gia coi chiến tranh thành bãi luyện binh? Chẳng khác nào trò chơi!
Trung Quốc và Việt Nam vốn “vừa là đồng chí vừa là anh em”; trong lúc vô cùng khó khăn, nhân dân Trung Quốc vẫn hy sinh rất lớn để giúp Việt Nam chống Mỹ. Nay chỉ với một cuộc chiến tranh, chẳng những bao nhiêu sự viện trợ trước đây bị xóa bỏ tất cả, mà cái được của chúng ta chỉ là mấy vạn nấm mộ của các quân nhân Trung Quốc và có thêm một kẻ thù hùng mạnh nữa...
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất” (Phần 2) - ảnh 7
Đại đội lính Trung Quốc thuộc trung đoàn 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50 đầu hàng tập thể ở Cao Bằng. Ảnh tư liệu
Tác giả kết luận: Trong danh sách các nhà quân sự của quân đội Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình chủ trì biên soạn, ông ta tự xếp mình đứng thứ 4. Mọi người đều biết, trong những năm tháng chiến tranh, Đặng Tiểu Bình luôn giữ vai trò chính ủy, cũng chưa từng có tác phẩm quân sự nào, căn bản chả dính dáng gì đến các nhà quân sự. Cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là sự chứng minh tốt nhất cho năng lực của ông ta.

Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: 'Một cuộc chiến phi nghĩa, kỳ quặc và thảm bại' (Phần 3)

'Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc' là tiêu đề bài báo của một cựu binh đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18.7.2013. Tác giả viết: 'Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kiềm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38. Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc Đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cuộc Trung Quốc đạt được cái gì? Chẳng được gì cả!'.
Lính Trung Quốc bị thương cõng nhau chạy trốn. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Dưới đầu đề “Nhìn lại Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30.5.2013: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh với bên ngoài kể từ năm 1949…
Ngay khi đó đã có rất nhiều người nghĩ khác (với chính quyền) về giá trị của cuộc chiến tranh ấy. Lúc đầu, khi người ta nhìn thấy trên màn hình tivi hàng ngũ trùng điệp những binh lính Trung Quốc tuổi 18 - 20 kéo ra tiền tuyến, không khỏi cảm thán. Ít lâu sau lại thấy cảnh hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ xếp hàng ngay ngắn trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam, sự đau xót khó nói thành lời. Một bạn học của tôi nói: “Trung Quốc chết toàn những nam nhi trai tráng đang tuổi thanh niên, còn phía Việt Nam toàn dân làm lính, cả trẻ già, gái trai. Sự đánh đổi thật không tương xứng”. Nhưng sự kinh dị còn ở phía sau: khi chiến tranh kết thúc chẳng ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi…
Một nghĩa địa chôn thi thế lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Tôi nghĩ, sở dĩ nó kết thúc mà khó mở miệng nói được là vì khó nói rõ ngọn ngành cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó. Nói trắng ra, cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” thực tế là áp dụng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” để giải cứu quân đội Khmer Đỏ đang bị Việt Nam đánh… Tính chất của cuộc chiến tranh đó được quyết định bởi tính chất của Khmer Đỏ! Khmer Đỏ là học trò của Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc, nhưng còn “Xanh hơn cả Xanh”, sự tàn bạo của họ đối với chính dân tộc mình đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử loài người. Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, sau được gọi là Khmer Đỏ. Họ chiếm Phnom Penh ngày 17.4.1975, dựng lên “Cộng hòa Campuchia Dân chủ”, người lãnh đạo là Polpot đã áp dụng một chính sách khủng bố, diệt chủng tàn bạo….
Theo tính toán bảo thủ nhất, có khoảng 1,2 đến 3 triệu người Campuchia bị chết dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, chiếm 1/4 dân số cả nước. Trong đó, có 215.000 người Campuchia gốc Hoa và gần như toàn bộ 20.000 người Campuchia gốc Việt. Tháng 5.1978, nội bộ Khmer Đỏ xảy ra phản loạn, những người nổi dậy do sư đoàn trưởng, Bí thư tỉnh ủy Heng Somrin cầm đầu đã chạy sang Việt Nam thành lập Mặt trận Dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia. Ngày 25.12.1978, dưới sự dẫn dắt của Heng Somrin, 100.000 quân tình nguyện Việt Nam đã phát động tấn công Campuchia. Một trong những lý do để Việt Nam tấn công khi đó là để cứu kiều dân nước họ. Nhân dân Campuchia khi đó không những không chống trả mà còn dẫn đường cho quân đội Việt Nam. Như vậy là, chỉ mất 2 tuần, vào ngày 7.1.1979, quân đội Việt Nam đã công chiếm Phnom Penh, lật đổ ách thống trị tàn bạo Khmer Đỏ. Điều đó cho thấy rõ ràng chế độ Khmer Đỏ không chiếm được nhân tâm.
Lính Trung Quốc bị thương sau một trận đánh. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Hơn một tháng sau, Trung Quốc phát động “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cái cớ xuất quân của Trung Quốc khi đó không phải là đi Campuchia để cứu viện chế độ Khmer Đỏ đã tàn sát và bức hại mấy chục vạn đồng bào người Hoa, mà là lấy cớ “Quân đội Việt Nam khiêu khích biên giới Trung Quốc và xâm lược Campuchia”. Dĩ nhiên, người Trung Quốc, trong đó có cả tôi (tác giả) khi đó đều không biết rốt cục Khmer Đỏ đã làm những gì. Báo thù cho Khmer Đỏ thì mọi người Trung Quốc khi đó không rõ sự thật đều chấp nhận, vì Khmer Đỏ là anh em và chiến hữu của Trung Quốc mà!
Nhưng điều khiến người Trung Quốc không hiểu được là thái độ đối xử của người Campuchia đối với quân đội Việt Nam. Ngày 7.1.2009, hơn 40.000 người CPC tụ họp ở Sân vận động Olympic quốc gia nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thoát khỏi chế độ thống trị Khmer Đỏ. Thủ tướng Hun Sen và nhiều nhà lãnh đạo, các đảng viên cũng tham dự. Chủ tịch Quốc hội Chea Seam phát biểu: ngày kỷ niệm này đánh dấu sự kết thúc trang đen tối nhất trong lịch sử Campuchia. Ông Chea Seam đặc biệt cám ơn nước láng giềng Việt Nam đã cứu vớt Campuchia, đánh giá cao sự hy sinh của quân đội Việt Nam để tiêu diệt chế độ tàn bạo Khmer Đỏ, kịp thời ngăn chặn cuộc diệt chủng lớn hơn. Thì ra hiệu quả khách quan của cuộc “xâm lược Campuchia” của quân đội Việt Nam lại là như thế....
Một người bạn từng tham gia cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” đã tranh luận với tôi, phê phán tôi đừng nên vô lễ với “những anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc”, nói “những chiến sĩ từ mặt trận cuộc chiến này trở về đều là những anh hùng”. Tôi không có ý kiến gì, nhưng cần hiểu như thế nào về tính chất cuộc chiến tranh này? Cuộc chiến tranh khiến người Mỹ mất mặt nhất là Chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1970. Năm 2004, khi G.Bush con và John Kerry tranh cử Tổng thống, ứng cử viên Đảng Dân chủ J.Kerry đã nói: “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh vô nghĩa, nhưng chúng ta không thể nói những binh sĩ tham gia cuộc chiến ấy không có cống hiến cho quốc gia”. Đó là một lời an ủi, có lẽ cũng thích hợp với những tướng sĩ Trung Quốc đã tham gia “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”.
Một lính Trung Quốc bị thương nặng sau trận đánh. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
“Một cuộc chiến thảm bại”
Để tiến hành cuộc chiến tranh 17.2.1979, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng không lồ gồm những quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là thiện chiến nhất khi đó. Theo tiết lộ chính thức trên báo chí Trung Quốc gần đây thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” được quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7.12.1978 và mệnh lệnh được ban hành vào ngày 8.12. (Điều này đã bác bỏ luận điệu của Bắc Kinh rêu rao họ tiến hành “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là trừng phạt việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Bởi ngày 25.12.1978 quân tình nguyện Việt Nam mới phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phản công lật đổ chế độ diệt chủng Polpot).
Theo Nhân dân Nhật báo, cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149); cánh phía Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 và lực lượng biên phòng, dân binh với tổng số quân hơn 500.000, số tràn qua biên giới là 202.000. Chỉ kéo dài 1 tháng (Trung Quốc tính từ 17.2 đến 16.3.1979), nhưng tổng cộng đã tiêu hao mất 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, 268 xe quân sự, 48 xe tăng bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 239, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến.
Thương vong lớn ngoài dự đoán là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4.000 quân, đến mức quân y không kịp trở tay, nhiều người bị thương chết cho mất máu vì không được cấp cứu. Theo tài liệu nội bộ của Trung Quốc mới được công bố: bước vào giai đoạn tác chiến giằng co, tỷ lệ thương vong rất cao, thường là 90% đối với các đại đội xung kích, những đại đội này khi rút quân chỉ còn hơn chục người sống sót, mỗi tiểu đội chỉ còn 1-2 người.
Đặng Tiểu Bình khi sang thăm Mỹ ngày 28.1.1979 đã tuyên bố "Trung Quốc sẽ dạy cho Việt Nam một bài học". Ảnh tư liệu.
Cuộc chiến phi nghĩa theo ý đồ một cá nhân
Trang web Honggehui của Trung Quốc ngày 25/2/2014 đăng bài “35 năm Chiến tranh Trung – Việt: ai là người thắng?”.
Tác giả bài báo bày tỏ nghi ngờ về luận điệu tuyên truyền Trung Quốc tiến hành chiến tranh đánh Việt Nam là để “Phản kích tự vệ”, cho rằng: “Mấy chữ Phản kích tự vệ sử dụng khi đó có lẽ rất không thiết thực. Đánh nhau, mọi người đều biết, cần phải tránh đánh cả hai phía, đó là việc lớn mà binh gia phải xét đến đầu tiên. Vì sao Việt Nam lại vừa giúp lực lượng nổi dậy của Hun Sen đánh Polpot, lại đồng thời khiêu khích Trung Quốc ở biên giới? Điều này rất không hợp lẽ thường!"
Khi đó tuyên truyền Việt Nam gây bao nhiêu vụ khiêu khích? Cứ cho là tuyên truyền hoàn toàn có thực đi chăng nữa thì họ cũng đâu có đánh sang đất ta? Sự việc hoàn toàn có thể giải quyết thông qua các con đường ngoại giao, chính trị. Lẽ nào chúng ta chỉ vì người hàng xóm đổ nước rửa chân trước cửa nhà mình mà dỡ nhà người ta, đốt nhà họ? Lẽ nào chỉ vì người bạn học thụi mình một quả mà mang dao ra đâm họ mười mấy nhát? Phát động một cuộc chiến tranh, đi “dạy một bài học” cho người bạn nhỏ không hề xâm lược nước mình, liệu có thể gọi đó là “tự vệ” được sao?...
Trên thực tế, cuộc chiến tranh năm 1979 hoàn toàn là phóng đại sự việc cho thích ứng với nhu cầu của người Mỹ, chỉ gây thiệt hại đau khổ mà không hề có chút lợi gì cho nhân dân hai nước Trung - Việt... Cuộc chiến tranh này khiến Trung Quốc cởi bỏ sự ràng buộc của ý thức hệ, một cuộc chiến đã khiến (Trung Quốc) được ngả vào hệ thống kinh tế thế giới do phương Tây chủ đạo, giành được cơ hội phát triển hiếm có. Xét về ý nghĩa đó, cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không có gì khác là bản báo công. Thậm chí có tin đồn nói, ông X. (ám chỉ Đặng Tiểu Bình)chạy sang Mỹ nói sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”, nói nào là “trẻ con không vâng lời, phải quất vào mông”. Đó là những lời lẽ gì vậy? Chỉ vì Trung Quốc nước lớn hơn Việt Nam thì có tư cách dạy dỗ nước nhỏ sao?...
Thực ra, ý đồ thực sự của người nào đó dạy dỗ người bạn nhỏ Việt Nam vốn không nằm ở chỗ “tự vệ”. Đánh xong, quân quyền đã nắm được, Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng đều bị rớt đài. Đối ngoại làm hài lòng người Mỹ, đối nội thì di chuyển được mâu thuẫn xã hội, loại bỏ được những người khác chính kiến, thế thì ngu gì mà không đánh... Như lời tướng Lưu Á Châu đã nói: phát động chiến tranh Trung - Việt là vì “cần phải xác lập quyền uy tuyệt đối trong đảng. Muốn đánh nhau, muốn cải cách thì phải có quyền uy. Biện pháp xác lập quyền uy nhanh nhất là đánh nhau”. Cuộc chiến tranh này là đánh vì người Mỹ. Vả lại, người nào đó quả thật còn rất thích dạy dỗ người khác”.
Tiến sĩ Cao Thiện Văn: “Tiến hành cái gọi là 'Chiến tranh phản kích tự vệ' đánh Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao để Mỹ chấp nhận Trung Quốc”.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn, nhà phân tích hàng đầu của Công ty “An Tín Chứng khoán” Thiên Tân (Essence Securities) ngày 28.7.2018 đã có bài diễn thuyết trong hơn 70 phút với chủ đề chính là quan hệ Trung - Mỹ và Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ được đưa lên Youtube và được nhiều trang mạng đăng lại.
Đáng chú ý, trong bài nói này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn đã công khai nói: “Tiến hành cái gọi là 'Chiến tranh phản kích tự vệ' đánh Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao để Mỹ chấp nhận Trung Quốc”. Ông nói: “Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi đã làm một việc rất quan trọng, đó là quyết định đánh Việt Nam, ảnh hưởng đến mấy chục năm lịch sử sau đó của Trung Quốc. Trước năm 1979, Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam đấu tranh chống Mỹ. Trong một thời gian dài quan hệ Trung - Việt như anh em một nhà. Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Quốc mở cửa đối ngoại là mở cửa với Mỹ, không mở với Liên Xô hay châu Âu, cũng chẳng với Mỹ La tinh. Vấn đề là ở chỗ, tiền đề mở cửa với Mỹ là phải được Mỹ chấp nhận. Giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm viện Triều chống Mỹ, giúp Việt Nam, làm sao Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc?
Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, đã nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam. Sau đó, Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung Quốc để đánh Việt Nam. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung Quốc vượt quá đẳng cấp những thứ Mỹ dành cho các đồng minh của họ khi đó. Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung Quốc thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung Quốc được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.
Vì sao Mỹ lại làm như thế? Có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ bị xơi quả đắng ở Việt Nam nên căm thù. Hai là, Mỹ và Liên Xô nước lửa không dung nhau về ý thức hệ, Việt Nam là anh em của Liên Xô. Trung Quốc đánh Việt Nam cho thấy sự cắt đứt hoàn toàn của Trung Quốc với Liên Xô và chuyển hướng sang Mỹ. Điều này đã đặt cơ sở nền móng cho cải cách mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không phải được quyết định sau khi suy nghĩ giản đơn, mà là xem xét toàn diện cục diện toàn cầu và có sự mạo hiểm nhất định. Liên Xô không động binh với Trung Quốc bởi vì binh lực của họ bố trí ở biên giới Trung - Xô rất mỏng. Kỳ thực, Liên Xô không hiểu rõ về quan hệ Trung - Mỹ, sợ ném chuột vỡ bình quý, không dám ra tay hành động. Về phía Trung Quốc mà xét, đó là Đặng Tiểu Bình đem vận nước ra đánh cược, rất mạo hiểm”.
(Còn nữa)
Thu Thủy /

Không có nhận xét nào: