Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Trung Quốc: Đông đảo người ái mộ dự tang lễ cựu bí thư của Mao


Tú Anh


mediaCảnh người đến tưởng niệm ông Lý Nhuệ (Li Rui) ở nghĩa trang Bảt Bảo Sơn (Babaoshan). Ảnh ngày 20/02/2019.RFI
Tang lễ ông Lý Nhuệ (Li Rui), thư ký riêng của Mao Trạch Đông trước khi trở thành nhà phản kháng, từ trần hôm thứ Bảy thọ 101 tuổi, được cử hành ngày thứ tư 20/02/2019 tại Bát Bảo Sơn. Cho dù truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng, khoảng 1000 người đã đến nghiêng mình trước linh cữu của nhân vật cương nghị, từng lên án chính sách "đại nhảy vọt" sau đó bị đảng bức hại, bị nhốt 9 năm, bị đồng chí cướp vợ.




Tang lễ, do chính quyền tổ chức tại nghĩa trang dành riêng cho lãnh đạo, đã bị thân nhân người quá cố tẩy chay. Định cư tại Hoa Kỳ, bà Lý Nam Anh, con gái của ông Lý Nhuệ chia sẻ với AFP : "Tôi tin rằng, linh hồn cha tôi sẽ khóc hận khi thấy thi thể của ông bị phủ lá cờ nhuộm máu nhân dân".
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
Tiếng chân dẫm lên tuyết cùng những lời thì thầm của đám đông nhắc lại kỷ niệm cũ, hoa trắng cài trên khuy áo : tất cả lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc sống lại dưới hàng cây trong nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn, ngoại ô Bắc Kinh.

Cựu sĩ quan, trí thức, cán bộ về hưu, khoảng một ngàn người đa số lớn tuổi, xếp hàng nối đuôi nhau bước về hướng hội trường tang lễ để tiễn đưa nhân vật một thời là cộng sự viên thân cận của Mao Trạch Đông trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, trước khi trở thành nạn nhân của chiến dịch cách mạng văn hóa chống phản động hữu khuynh.
"Tôi bị đi cải tạo lao động cùng một nơi với Lý Nhuệ. Ông là một người can đảm dám nói lên sự thật trong chế độ Mao Trạch Đông". Một người tay cầm băng tang có ghi hàng chữ "Lý Nhuệ đi vào lịch sử", tâm sự như thế.
Trong số những người dự tang lễ, có người từng là cán bộ trong bộ Thủy Lực, nơi mà Lý Nhuệ từng làm thứ trưởng trước khi phản đối dự án xây đập Tam Hiệp.
Lý Nhụy còn là tiếng nói phản kháng trong chế độ Trung Quốc. Năm 2010, ông ký chung với nhiều người kêu gọi tôn trọng Hiến Pháp.

Sau khi ông Lý Nhuệ – cựu Thư ký của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời, con gái của ông là bà Lý Nam Anh cho biết, khi còn sống cha mình đã nói, sau khi qua đời không chôn ông ở Nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn; bà Lý Nam Anh còn cho biết, bà phản đối phủ cờ đảng lên di thể của cha mình.

Ông Lý Nhuệ (Ảnh từ Getty Images) 
Sáng ngày 16/2, ông Lý Nhuệ (Li Rui) qua đời tại Bắc Kinh, hưởng thọ 101 tuổi. Là một quan chức cấp bộ, khi còn sống ông đã nhiều lần bị chính quyền Trung Quốc bức hại. Từ năm 1958 – 1959, ông Lý Nhuệ nhậm chức Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Thư ký của ông Mao Trạch Đông; sau Đại cách mạng Văn hóa, ông từng nhậm chức Thứ trưởng Bộ Điện lực công nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Năng lượng quốc gia, Phó Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ủy viên Ủy ban Cố vấn Trung ương.
Theo đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), chính phủ Trung Quốc đã thông báo đến người nhà của ông Lý Nhuệ, cho biết tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang Bát Bảo Sơn theo quy cách quan chức cấp bộ.
Bà Lý Nam Anh – Con gái của ông Lý Nhuệ, hiện đang cư trú tại Mỹ nói với VOA rằng, bà không thể chấp nhận đối đãi cha bà như quan chức của ĐCSTQ. Bà cũng không chấp nhận phủ cờ đảng lên người cha mình.
Bà Lý Nam Anh nói, năm 1989, khi xảy ra sự kiện Lục Tứ, cha bà ở trong một tòa nhà ở khu Mộc Tê Địa tại Bắc Kinh đã tận mắt chứng kiến quá trình người dân bị thảm sát.
Bà nói, khi còn sống, cha bà từng nói, sau khi qua đời sẽ không vào Bát Bảo Sơn. Ông nói, người của Bát Bảo Sơn không thích ông, ông cũng không thích người của Bát Bảo Sơn.

Lý Nhuệ nhiều lần bị bức hại

Ông Lý Nhuệ được coi là một nhân vật đại diện cho phe tự do trong ĐCSTQ. Trong nhiều cuộc vận động của chính quyền Trung Quốc, như Vận động chỉnh phong Diên An, cuộc vận động phê phán Bành Đức Hoài tại Hội nghị Lư Sơn, cuộc vận động Cách mạng Văn hóa, cuộc vận động Đàn áp dân chủ Thiên An Môn (Lục Tứ), ông Lý Nhuệ đã từng nhiều lần bị bức hại.
Trong đó, cuộc vận động chỉnh phong Diên An, ông Lý Nhuệ bị Phòng An ninh Diên An giam giữ hơn 1 năm; trong Cách mạng Văn hóa, ông bị giam giữ gần 8 năm.

Lý Nhuệ bị giam, vợ bị quan chức cấp cao cướp đoạt

Năm 1943, ông Lý Nhuệ đang là biên tập bình luận của tờ “Nhật báo Giải phóng”, ngày 1/4/1943, trong cuộc “Vận động giải cứu”, ông đột nhiên bị bắt, ông phải chịu cực hình bức cung, không cho ngủ, không cho chớp mắt, v.v; vợ của ông là Phạm Nguyên Chân (Fan Yuanzhen) cũng bị Tổ trưởng Tổ chính trị Phòng nghiên cứu Chính trị Trung ương Đặng Lực Quần cướp đoạt.
Sau khi Lý Nhuệ bị bắt, Đặng Lực Quần lấy danh nghĩa giúp đỡ “giải cứu” người của Phòng Nghiên cứu Chính trị Trung ương Phạm Nguyên Chân và họ đã ngủ với nhau, khi đó, sự kiện của hai người này có thể nói là tạo ra nhiều sóng gió. Ông Bác Cổ từng đặc biệt tìm đến Phạm Nguyên Chân để nói chuyện, yêu cầu bà ta đừng nói chuyện của bà cùng Đặng Lực Quần cho Lý Nhuệ biết để tránh ông phải chịu thêm đả kích.
Tuy nhiên, Phạm Nguyên Chân vẫn nói với Lý Nhuệ về chuyện của mình với Đặng Lực Quần. Lý Nhuệ chịu 2 đả kích, cả tiền đồ chính trị và gia đình rạn nứt, nên đã từng lâm bệnh nặng và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tháng 6/1944, sau khi được trả tự do, được nhiều người khuyên nhủ và Phạm Nguyên Chân cũng chủ động yêu cầu, nên Lý Nhuệ đã tái hôn với Phạm. Tuy nhiên, năm 1959, Lý Nhuệ bị chụp mũ là “thành viên của nhóm Bành Đức Hoài”, bị khai trừ đảng tịch, đưa đi lao động cải tạo, Phạm Nguyên Chân một lần nữa ly hôn với Lý Nhuệ.
Cách mạng Văn hóa bùng nổ năm 1966, Lý Nhuệ tiếp tục bị giam giữ 8 năm, đến năm 1979 mới được rửa oan. Sau đó, Phạm Nguyên Chân một lần nữa đề nghị tái hôn với ông, tuy nhiên lần này Phạm đã bị từ chối và bị con gái Lý Nam Anh phả đối. Năm 2008, Phạm Nguyên Chân qua đời vì bệnh, thọ 87 tuổi.

Từng nhiều lần phê bình lãnh đạo ĐCSTQ

Năm 1979, Lý Nhuệ từng thăm Brazil và Mỹ, trong nhật ký của mình, ông viết, tại Mỹ lần đầu tiên ông đến siêu thị khổng lồ, nhìn thấy trong siêu thị “cần gì có nấy, vô cùng tiện lợi”; ông cho rằng “chủ nghĩa Tư bản phủ hợp hơn với quy luật phát triển của nhân loại”.
Năm 1989, sau sự kiện chính quyền Trung Quốc điều động xe tăng và xe bọc thép đến Thiên An Môn đàn áp phòng trào vận động sinh viên yêu nước, ông Lý Nhuệ từng nói với con gái Lý Nam Anh rằng: “Nếu con có cơ hội, hãy đem con gái của con rời khỏi đất nước này”.
Ông từng tiết lộ, trong di thư của Dương Khai Huệ (vợ của ông Mao Trạch Đông) có nói về Mao là “lưu manh trong đời sống, lưu manh trong chính trị”, nguyên nhân là Dương Khai Huệ phát hiện Mao đã cưỡng gian em gái họ của Dương.
Lý Nhuệ từng mắng cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân là kẻ có tấm lòng hẹp hòi, “sau khi Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư, thì không còn quen biết người như tôi, gặp mặt cũng không thèm hỏi han.”
Ông Lý Nhuệ còn nhiều lần kiến nghị Trung Quốc thực hiện hiến chính, kiến nghị thành lập Tòa án Hiến pháp, chế định “luật bảo vệ lợi ích của công dân”, “luật giám sát”, v.v; kêu gọi sửa lại oan sai cho những người tham gia vào sự kiện Lục tứ.
Cuối đời, Lý Nhuệ từng nhiều lần nói, “sống trên đời, bất cứ ai khi sống đều phải chịu 4 hạn chế bao gồm thời đại, tri thức, năng lực suy nghĩ và phẩm hạnh cá nhân”.
Lý Nam Anh chia sẻ với BBC sau khi cha mình qua đời, từ góc độ của bà, ông Lý Nhuệ cũng không phải ngoại lệ, không phải là một người thập toàn thập mỹ. Cha có thể suy xét lại đối với ĐCSTQ như thế này đã không phải là chuyện dễ dàng, tuy nhiên, bản thân ông trong thể chế của ĐCSTQ nên đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của “văn hóa đảng”.
Trí Đạt
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: