Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

The Economist: Tại Hà Nội, Trump sẽ lại bị Kim lừa

Mai Vân

mediaMột cảnh ở Hà Nội trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Ảnh ngày 22/02/2019.REUTERS/Kham
Như thông lệ, tuần báo Anh The Economist dành trang bìa cho thời sự quốc tế. Trong số ghi ngày 23/02/2019, tờ báo tập trung trên Trung Quốc trong bối cảnh phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi động. Đáng lưu tâm tuy nhiên là bài phân tích về Thượng Đỉnh Trump-Kim sắp diễn ra ở Hà Nội.




Trên một hình vẽ một con gấu trúc, biểu tượng của Trung Quốc, tờ báo chạy tựa “Liệu gấu trúc có thể bay được hay không?” Hồ sơ của tờ báo được dành cho các cố gắng của Bắc Kinh trong việc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc, tìm hiểu thêm về cách thức mà Tập Cận Bình đang tiến hành để vừa giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ, vừa giúp cho Trung Quốc giầu thêm.

Ở trang châu Á, The Economist có bài phân tích rất đáng chú ý về Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim sắp diễn ra ở Hà Nội. Với tựa đề rất mỉa mai - “Hãy đánh lừa tôi lần thứ hai đi”, tờ báo Anh dự đoán là Mỹ sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận “nhỏ và tồi” với Bắc Triều Tiên.
Tờ báo giải thích: “Ông Trump đã đặt ra một chỉ tiêu rất thấp cho sự thành công ở Hà Nội, và ông Kim chắc chắn sẽ phải nhượng bộ một cái gì đó. Chuyên gia Choi Kang thuộc Viện Asan, một nhóm tư vấn ở Seoul, tiên đoán là sẽ có một thỏa thuận nhỏ và tồi tệ”.
Đối với The Economist, thỏa thuận đó có thể bao gồm việc phá hủy các lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon và cho các thanh tra xác nhận rằng địa điểm thử hạt nhân ngầm dưới đất Punggye-ri thực sự đã bị đóng cửa. Có điều là theo giới chuyên gia, các vụ thử hạt nhân lần thứ năm và thứ sáu đã dạy cho Bắc Triều Tiên tất cả những gì cần biết, nên Punggye-ri đã trở thành vô dụng. Còn về trung tâm hạt nhân Yongbyon, cơ sở này cũng đang trên đà rệu rã, bỏ đi không sao.
Thae Yong Ho, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Bắc Triều Tiên đã đào thoát, đã so sánh những bước đi đó của Bình Nhưỡng với việc sơn phết lại một chiếc xe cũ để bán đi.
Đừng nên mơ đến việc thanh tra toàn bộ hạt nhân Bắc Triều Tiên
Trong khi đó, theo tuần báo Anh, rất ít có khả năng là ở Hà Nội, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về việc thanh tra toàn bộ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đừng nói chi đến việc Bình Nhưỡng kê khai đầy đủ các cơ sở của họ.
Cũng ông Thae Yong Ho đã lập luận rằng Kim Jong Un đã biết khéo léo chuyển trọng tâm từ giải trừ hạt nhân sang kiến tạo hòa bình. Ở Hà Nội, cả hai bên đều có thể đồng ý thành lập các văn phòng liên lạc ở hai thủ đô, bước đầu tiên để bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Một bản “tuyên bố hòa bình” cũng có thể được ký kết, nhưng đây sẽ chỉ là một lời xác định mơ hồ, không có tính chất ràng buộc, theo đó hai bên hứa là sẽ không đe dọa lẫn nhau.
Đối với The Economist, điều mà ông Kim muốn nhất là giảm được một số lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Ông Trump có thể tính toán rằng đồng ý trên các yêu cầu đó sẽ chẳng tốn kém gì cho nước Mỹ, bởi vì tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã sẵn sàng đầu tư vào hệ thống đường sắt miền Bắc và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Và nếu Bắc Triều Tiên được mua dầu nhiều hơn, thì có lẽ Trung Quốc sẽ chi trả.
Theo tuần báo Anh Quốc, ông Trump hoàn toàn có thể hài lòng về các kết quả đó, mặc dù rất xa mục tiêu tháo dỡ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.
The Economist kết luận: Tại Singapore, ông Trump đã bị lừa mà không biết. Ở Hà Nội thì ông có thể là chẳng cần quan tâm đến việc mình bị lừa hay không!
Vì sao cần phải sợ Hoa Vi?
Trong cuộc chiến tranh ngoại giao thương mại đang gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, tập đoàn viễn thông khổng lồ Hoa Vi của Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng. Tuần báo Pháp Courrier International số ghi ngày 21/02/2019 đã dành hồ sơ chính mang tựa đề “Tại sao lại phải sợ Hoa Vi” để giải thích lý do vì sao nhiều nước phương Tây, đi đầu là Mỹ lại lo ngại.
Đối với Courrier International, căn nguyên mối quan ngại đến từ việc Hoa Vi là một tập đoàn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc thành lập, được Nhà Nước Trung Quốc tích cực hỗ trợ để phát triển thành một tập đoàn lớn mạnh như ngày nay. Các yếu tố đó đã khiến nghi ngờ nẩy sinh về nguy cơ Hoa Vi có thể làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Một con sói Trung Quốc trong cuộc chiến viễn thông
Trích dịch bài điều tra “Một con sói Trung Quốc trong cuộc chiến viễn thông” đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times, Courrier International đã nêu bật bước đường phát triển nhanh chóng của Hoa Vi, từ một công ty chỉ có 8 nhân viên, nay đã thành một đại tập đoàn sử dụng 180.000 nhân viên tại 170 nước, với doanh số trong năm 2018 lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ đô la.
Trong những ghi nhận lý thú của bài điều tra là trọng lượng của Hoa Vi, ngay từ năm 2004 đã có mặt trong 14 trên 19 mạng lưới hạ tầng cơ sở 3G đang xây dựng trên thế giới, với lợi nhuận kiếm được ở ngoại quốc nhiều hơn cả trong nước, và nhất là được hệ thống ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ hơn 10 tỷ đô la để chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Phương thức hành động của Hoa Vi, theo bài báo, là thẳng tay cắt giảm giá cả - đến mức 70% - để đè bẹp đối thủ và giành lấy thị trường. Năm 2012 chẳng hạn, Hoa Vi đã vượt qua tập đoàn Thụy Điển Ericsson để trở thành nhà cung ứng thiết bị viễn thông số một thế giới.
Không chỉ là thiết bị. Năm 2003 Hoa Vi bắt đầu lao vào chế tạo điện thoại di động giá rẻ, mang nhãn hiệu của các hãng điện thoại ngoại quốc. Thế nhưng Hoa Vi đã dần dần nâng cấp để rồi trở thành một trong những đại gia của ngành điện thoại di động ngày nay.
Với những quyết định tẩy chay hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu tham vọng ngự trị lãnh vực điện thoại di động 5G của Hoa Vi có bị tác hại hay không? Bài báo đã trích dẫn giới chuyên gia cho rằng với 60 tỷ đô la dành cho nghiên cứu trong 10 năm qua, và hơn100 tỷ đô la cho 5 năm sắp tới, tập đoàn Trung Quốc sẽ cùng với tập đoàn Thụy Điển Ericsson và 2 tập đoàn Mỹ Cisco và Qualcomm tạo thành bộ tứ chiến thắng khi mạng 5G được triển khai trên toàn cầu vào năm nay.
Hồ sơ của Courrier International cũng trích dịch bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc kêu gọi các nước “Đừng liên kết với người Mỹ!”
Tờ báo nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đặc biệt cảnh báo châu Âu về nguy cơ tính toan sai lầm nếu chạy theo Washington tham gia cuộc chiến thương mại chống lại Hoa Vi và Trung Quốc.
Courrier International cũng trích dẫn một bài phân tích của hai chuyên gia Thụy Điển đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, cho rằng “Châu Âu phải nhanh chóng bảo vệ lợi ích của mình trước Hoa Vi”.
Theo bài phân tích, trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ sắp tới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, vốn đang bị tụt hậu, các nước châu Âu phải hợp tác với nhau để đảm bảo an ninh và độc lập của mình.
Ở Trung Âu, Trung Quốc triển khai "bẫy nợ"
Sau khi các cơ quan tình báo Ba Lan tiết lộ vụ bắt giữ một giám đốc điều hành cấp cao của Hoa Vi bị buộc tội làm gián điệp cho Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng, tờ nhật báo hàng đầu của nước này là Gazeta Wyborcza đã tiến hành điều tra riêng về quan hệ kinh tế của Trung Quốc với vùng Trung Âu, thường luôn gắn liền với động cơ chính trị.
Tại Cộng Hòa Séc, công ty năng lượng CEFC, bị nghi là “có liên hệ với tình báo Trung Quốc”, đã mua "trong ba năm qua gần 1,5 tỷ euro phần hùn” các công ty Séc, trong đó có kênh truyền hình Barrandov . Kể từ đó, “đài này chỉ phát thông tin tích cực về Trung Quốc và truyền tải mỗi tuần một cuộc phỏng vấn với tổng thống Cộng Hòa Séc Milos Zeman, một người ủng hộ các khoản đầu tư của Trung Quốc.”
Ở Hungary, “tình hình thậm chí còn đáng ngờ hơn. Hoa Vi đã đầu tư 1,2 tỷ đô la và thuê 2.500 người lập ra một trung tâm dịch vụ. Công ty này đã trúng thầu dịch vụ quản lý số khẩn cấp 112, và mua lại hãng điện thoại di động MVM đảm bảo việc thông tin của chính phủ. Vấn đề là không ai tại Séc lo lắng trước nguy cơ Trung Quốc có thể dễ dàng dọ thám các bộ trưởng nước này”.
Cuối cùng, tại Serbia, “người Trung Quốc đã cho vay 5,5 tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng”. Gazeta Wyborcza coi đây là một biểu hiện mới của nền “ngoại giao bẫy nợ”, nhằm đẩy một nhà nước đến tình trạng mắc nợ quá mức để rồi sau đó đòi trả nợ bằng những nhượng bộ khác nhau.

Không có nhận xét nào: