Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Trong phép thờ cúng, điều tối kỵ nhất là kinh động tới lư hương


Người Việt Nam xưa vẫn coi “bát hương” là linh thiêng nhất trên bàn thờ mỗi gia đình, hoặc “lư hương” là biểu hiện của cõi tâm linh trên bàn thờ Thần Phật. Qua “bát hương, lư hương” con cháu hướng lòng tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần linh. Bởi vậy, việc kinh động tới lư hương là điều khá tối kỵ.

Qua “bát hương, lư hương” con cháu hướng lòng tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần linh. (Ảnh qua VOV)
Trong quan niệm của người phương Đông thì bát hương trên bàn thờ là vật thiêng liêng dành cho việc thờ cúng trong mỗi gia đình. Bàn thờ là nơi con cháu hướng về Phật pháp, các vị Thần linh và tổ tiên để cầu mong sự an khang thịnh vượng cũng như tỏ lòng hiếu thuận.
Trải qua biết bao thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, người ta coi việc thờ cúng, tưởng nhớ tiền nhân là điều thiêng liêng, không thể tùy tiện, càng không được xem thường, phỉ báng. Trên bàn thờ gia tiên, thứ không thể thiếu là bát hương, người miền Nam gọi là bát nhang, nhưng sự kính trọng với đồ thờ cúng này thì dù Bắc dù Nam đâu cũng như nhau.
Mỗi khi gia chủ thắp một nén hương thơm rồi cung kính cắm lên bát hương, cũng là lúc sợi dây vô hình giữa cõi tâm linh và cõi dương được thiết lập. Thần linh, gia tiên tiền tổ sẽ về ngự trị trên mỗi bát hương. Vì thế nếu bát hương uế tạp hoặc có những sự không hợp lẽ, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến gia chủ.
Cũng cần nói rõ một chút, chúng ta thường có nhầm lẫn bát hương với lư hương. Lư hương cũng là đồ tế khí, dùng để thờ cúng, còn có tên là bộ tam sự, gồm 3 món: chiếc lư và cặp chân đèn (2 chiếc). Tam sự thường được đúc bằng đồng, lư để đốt trầm hương, đặt chính giữa; chân đèn để thắp nến, đặt hai bên. Thường bàn thờ luôn có cả tam sự lẫn bát hương.
Đồ để thắp hương, cắm hương trên bàn thờ hằng ngày, hoặc khi kỵ nhật (ngày cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ), hoặc ngày lễ tết thường là bát hương. Chỉ ở những nơi đình chùa miếu mạo, chỗ đặt tượng đài, nơi thờ cúng công cộng thì đồ để cắm nhang gọi là lư hương. Có những lư hương rất to, nặng, phải mấy người, thậm chí chục người khiêng mới nổi.Dù ở trong nhà, trong nhà thờ, trong đình chùa, hay nơi tượng đài, thì lư hương, bát hương luôn được coi trọng bậc nhất. Sự kính cẩn đối với trời đất, thánh thần, tổ tiên, tiền nhân, anh hùng… được thể hiện ở thái độ với đồ tế khí, cụ thể là với bát hương, lư hương. Ngoài vấn đề tâm linh, tôn giáo, đây còn là đạo đức, ý thức, nhân cách của con cháu đối với thánh thần, tổ tiên.
Chính vì vậy, trong sách Việt Nam phong tục, nhà văn hóa lừng danh Phan Kế Bính có viết rằng: “Người xứ ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm, đem bán bao giờ. Nếu nhà nào nghèo quá phải đem cầm bán thì ai cũng chê cười” (chương 4, Phụng sự tổ tông).
Dù ở trong nhà, trong nhà thờ, trong đình chùa, hay nơi tượng đài, thì lư hương, bát hương luôn được coi trọng bậc nhất. (Ảnh qua Pinterest)
Những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu tôn giáo, nhà phong thủy thường khuyên, nhắc nhở mọi người phải hết sức cẩn thận đối với đồ tế khí, nhất là không được để chúng uế tạp, dịch chuyển tùy tiện, đặt không đúng chỗ, lại càng không được tự ý thay đổi bát hương, nay cái này mai cái khác, nay có mai không.
Nếu ta chịu khó để ý, quan sát sẽ thấy ở những ngôi chùa luôn có chỗ thu gom các bát hương, tượng thờ cũ (mà các gia đình thay đổi bằng đồ mới) để làm phép “xử lý” cho phải đạo, đúng với sự tôn kính, thiêng liêng.
Đối với lư hương, bát hương, điều kỵ nhất là dịch chuyển. Bát hương, lư hương phải yên ổn, vững vàng. Nếu muốn lau chùi, làm sạch bát hương, cần chọn giờ giấc thích hợp, ngày tháng tốt lành, cúng lễ cẩn thận rồi mới được dịch chuyển.Mỗi lần thay bát hương cũ bằng một bát hương mới, người Việt gọi là “bốc lại bát nhang” người ta chỉ thực hiện khi về nhà mới, hoặc khi nhà gặp nhiều điều không may mắn, vận hạn, muốn được thay đổi.
Khi “bốc lại” bát hương, người ta đổ hết tro cũ trong bát ra, rồi rửa sạch bát hương trước khi bốc lại, bằng cách bốc lần lượt từng nắm tro cũ, đặt lại vào bên trong. Điều tối kỵ là cầm cả bát hương đổ hết dốc tro, cốt đi, thay bằng tro mới. Phải giữ cho bát hương không bị “uế tạp”. Sau khi bốc lại xong, phải thắp hương, đọc kinh để “an vị” bát hương.
Việc di chuyển một lư hương dù phải dùng xe cần cẩu, cũng phải nghiêm trang, kính cẩn. Người Việt tin rằng người “bốc bát hương” mà lòng không hướng về điều thiện, thì bát hương không “linh!”
Một bát hương “linh” nghĩa là gì? Là khi chúng ta thắp hương, khấn khứa, thì vong linh người hoặc được thờ sẽ “về lại cõi dương trần” với con cháu. Một bát hương “không linh” khi người được thờ không chấp nhận. Vì thế, dù thắp hương và khấn khứa cũng không “về”.
Cũng trong văn hóa thờ cúng, kể từ khi lư hương được an vị thì mỗi năm, chỉ duy nhất một ngày được dọn dẹp làm sạch lư hương. Thường người ta chọn 23 tháng Chạp, sau khi cúng dâng lễ quan san (tiễn đi xa) cho Táo công. Nếu không dọn dẹp ngày 23 mà chọn một ngày khác (cũng chỉ trong từ 24 đến 30 tháng Chạp, trước lúc làm lễ tẩy trần cho Táo công) thì đêm trước phải làm lễ cầu xin trước.Một năm, trừ lễ dọn dẹp làm sạch bát hương ra, tuyệt nhiên không được làm kinh động. Tức là không được xê dịch, xoay hướng lư hương… Khi lư hương bị động thì tai họa cho gia chủ cũng tương tự như động mồ. Nói như vậy để thấy lư hương phải gắn với tượng đài và lư hương luôn luôn phải được an vị. Động lư hương, động mồ ắt sẽ có hậu quả thật khó lường.
Người xưa cho rằng, sự thay đổi vị trí bát hương, lư hương một cách tùy tiện thường gây ra những xáo trộn, suy sụp gia đạo, đời sống, làm ăn, sinh hoạt… Cứ như các cụ từng dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đừng phá bỏ những “nguyên tắc” của tổ tiên, nhất là những điều chưa thể dùng thực tiễn và khoa học để chứng minh sự đúng sai.
Chủ nghĩa duy vật, thái độ vô thần đã và đang tồn tại trong xã hội, trong cuộc sống con người. Không ai bắt ai phải có đức tin thế này thế kia, điều này điều kia. Vì vậy, cũng đừng vì vô thần, duy vật, vì lý do này nọ mà xâm hại những phong tục tốt đẹp, tín ngưỡng thiêng liêng, đặc biệt những vấn đề, những điều về cuộc sống tâm linh.
Tuệ Tâm (T/h)

Xem Thêm:

Triều Tiên lên tiếng về ‘đột phá lớn’ trong cuộc gặp Trump – Kim ở Hà Nội

Một trang tuyên truyền của Triều Tiên nói quan hệ Bình Nhưỡng – Washington có thể chứng kiến “một bước đột phá lớn” khi hội nghị thượng đỉnh lần hai sắp diễn ra tại Hà Nội.


Triều Tiên lên tiếng về 'đột phá lớn' trong cuộc gặp Trump - Kim ở Hà Nội. Ảnh 1
Ông Kim Jong Un (phải) đi bộ cùng Tổng thống Trump trong hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/Getty)

Website tuyên truyền Meari của Triều Tiên ngày 17/2 nhấn mạnh những tiến bộ mà hai miền bán đảo đạt được trong năm 2018 và cho rằng: “Không có lý do gì quan hệ Triều Tiên – Mỹ không thể có một bước đột phá lớn, như chúng ta đã thấy trong quan hệ liên Triều”.
Bài viết trên Meari cũng chỉ ra việc Triều Tiên đã không chế tạo hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân gần đây, cũng như không có kế hoạch sử dụng hoặc phổ biến các vũ khí này, đồng thời cho biết đây không phải là biện pháp tạm thời.
Meari nói thêm rằng, Triều Tiên quyết tâm thực hiện thỏa thuận mà họ đạt được với Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6/2018 và chờ đợi động thái từ phía Mỹ.“Về phía chúng tôi, đây là một quyết định chiến lược để xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định, đề cao trách nhiệm quan trọng của chúng tôi trước cộng đồng quốc tế. Nó cũng phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của chúng tôi trong việc hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Yonhap dẫn lại bài viết trên website của truyền thông nhà nước Triều Tiên.
“Hầu hết cộng đồng quốc tế cho rằng đã đến lúc Mỹ phản hồi. Mỹ nên coi tình hình hiện tại là một cơ hội quý giá”Meari nói.
Hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2.
Kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore hồi tháng 6/2018, việc triển khai tuyên bố chung, bao gồm cam kết về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đã không có nhiều tiến triển. Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi nới lỏng cấm vận, trong khi Bình Nhưỡng muốn các biện pháp được thực hiện đồng bộ.
Theo Zing News


Không có nhận xét nào: