Bộ phim “Hai Phượng” do ‘đả nữ’ Ngô Thanh Vân thủ vai chính đã thật sự chiếm lĩnh phòng vé kể từ khi bộ phim bắt đầu công chiếu. Sự thu hút của “Hai Phượng” có lẽ đến từ sự khác biệt, không như các thể loại phim Việt thường hay chiếu, “Hai Phượng” mang tính thời sự hơn, nói lên một vấn nạn mang tính toàn cầu mà hiện nay đang rất nhức nhối không chỉ ở nước ta mà với cả quốc tế.
Điều đặc biệt của ‘Hai Phượng’ khiến bộ phim có phong cách riêng đặc sắc không lẫn với các bộ phim hành động Hollywood là sự kết hợp kỹ thuật làm phim hành động chuyên nghiệp dưới sự chỉ đạo của đạo diễn hành động Yannick Ben, biên đạo võ thuật Kefi Abrikh Samuel và sự hỗ trợ của nhiều diễn viên nước ngoài đóng thế, NHƯNG, chất liệu hình ảnh vẫn rất Việt. Nếu những cú flycam bay lượn trên những cánh đồng lúa vàng mênh mông, cảnh tàu thuyền tấp nập trên sông ở chợ nổi Cái Răng, cảnh khói bốc lên từ các lò gạch đỏ ở đầu phim mang đến cảm giác gần gũi, nên thơ và bình yên, thì hình ảnh về một thế giới ngầm tăm tối, nhớp nhúa, bẩn thỉu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dưới chân tòa búp sen Bitexco và các tòa nhà cao tầng khác của Sài Gòn, khiến người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh “dưới chân ngọn nến là bóng tối”.
Tuy kịch bản phim đơn giản, tình tiết có thể đoán trước, nhưng với nhịp độ nhanh, những pha hành động gay cấn nhỏ lẻ xuyên suốt và 7 màn giao đấu lớn, 90 phút của phim thật sự đã khiến người xem bị cuốn hút đến tận phút chót. Điều đặc biệt của ‘Hai Phượng’ là các cảnh hành động trong phim mang đến một cảm giác rất đời thực, rất gần gũi, các vật dụng hàng ngày như gạch, đá, dao, búa, mái chèo, ống bô xe máy, súng trường, xích sắt, côn nhị khúc… đều có thể trở thành vũ khí mang tính sát thương mạnh mẽ.
Còn nhân vật “độc diễn” Hai Phượng, đơn giản với chỉ một chiếc áo bà ba tím, cái quần đen, đầu tóc lúc nào cũng rối bù, mặt mộc xuyên suốt cả bộ phim. Khác hẳn với sự trau chuốt ngoại hình trong những bộ phim khác, Ngô Thanh Vân đã thật sự chinh phục được người xem qua vai diễn này, không phải bằng ngoại hình, mà bằng diễn xuất chín muồi khẳng định vị thế ‘đả nữ’ số 1 trong làng phim Việt.
Bên cạnh các yếu tố về chuyên môn, cũng có ý kiến cho rằng góp một phần không nhỏ trong sự thành công của ‘Hai Phượng’ là chủ đề phim mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm, cả trong nước và quốc tế, là vấn nạn không chỉ riêng ở Việt Nam, mà đã mang tính toàn cầu.
Theo báo cáo tại “Hội thảo chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán trẻ em”, được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11.2018 vừa qua của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) – Cơ quan Thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người và đại diện của Chính phủ Vương quốc Anh, từ năm 2011 đến hết quý III năm 2018, toàn quốc xảy ra 3.243 vụ mua bán người, liên quan đến 4.731 đối tượng, lừa bán 7.147 nạn nhân. Trong đó, có 407 vụ mua bán người dưới 16 tuổi (gọi tắt là mua bán trẻ em), với 788 đối tượng, lừa bán 868 trẻ em.
Tình trạng này tại nước láng giềng Trung Quốc còn kinh khủng hơn nữa: Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có đến 20.000 trẻ em bị bắt cóc tại Trung Quốc mỗi năm; tuy nhiên, theo thống kê của các phương tiện truyền thông nước này, con số đó có thể đã lên đến 200.000. Theo thống kê của trang web tìm kiếm trẻ em ‘Baby Going Home’ tại Trung Quốc Đại Lục, trong số 2.247 trường hợp trẻ em mất tích, thì có đến hơn 60% là bị bắt cóc, chủ yếu là ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Hà Bắc và Hà Nam. Nhiều người cho rằng trẻ con bị bắt cóc có thể là để tống tiền, buôn bán đến các vùng xa xôi hoặc thậm chí là để mổ cướp tạng.
Tình tiết bắt cóc trẻ em để mổ lấy nội tạng trong bộ phim ‘Hai Phượng’ được nhấn mạnh nhiều lần, hình ảnh chiếc khay có máu và vật dụng mổ xẻ ám ảnh người mẹ trẻ, khiến cô dù có liều mình cũng nhất định phải giải cứu cho bằng được đứa con. Trùng hợp là đầu năm 2019, hàng loạt kênh truyền thông uy tín của quốc tế đồng loạt đưa tin xoay quanh vấn nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Sau BBC, Forbes và The Guardian, ngày 5/2/2019, tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết “The Nightmare of Human Organ Harvesting in China” (Tạm dịch: Cơn ác mộng thu hoạch nội tạng người tại Trung Quốc), một lần nữa nhấn mạnh việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hậu thuẫn cho việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm, bao gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Phật giáo Tây Tạng, các thành viên Cơ đốc giáo không đăng ký với chính quyền, và các thành viên nhóm khí công Pháp Luân Công.
Hiện nay, các tổ chức và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế, các luật sư, các chính trị gia, các hãng thông tấn uy tín thế giới đã lên án mạnh mẽ, thậm chí cấp quốc gia như Hạ Viện Mỹ vào tháng 6.2016 đã ra Nghị quyết 343 lên án nhà nước Trung Quốc thu hoạch nội tạng cưỡng bức người tu Pháp Luân Công, hay như tháng 9.2016, Nghị viện châu Âu ra Tuyên bố số 48: Yêu cầu Trung Quốc dừng việc mổ cướp nội tạng, các nước như Israel, Đài Loan và Tây Ban Nha đã trực tiếp cấm các công dân của mình tới Trung Quốc ghép tạng. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc từng kêu gọi Trung Quốc công bố nguồn nội tạng nhưng không được hồi đáp. Trong một bản báo cáo dài 22 trang về việc đàn áp các nhóm tôn giáo tại Trung Quốc do tổ chức Freedom House công bố có nhắc đến việc: Trong khi ĐCSTQ đổ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm để tiêu diệt Pháp Luân Công, những người tập Pháp Luân Công chỉ sử dụng các biện pháp ôn hòa và bất bạo động để đối đãi với cuộc đàn áp này. Họ chủ yếu tập trung vào việc nỗ lực nói rõ sự thật về cuộc bức hại nhân quyền với cảnh sát, công chúng và các quan chức ĐCSTQ.
Trở lại với bộ phim, trong sự đơn độc tuyệt vọng, Hai Phượng đã lấy hết can đảm trở về căn nhà, nơi cô đã bỏ đi để dấn thân vào kiếp sống giang hồ thuở còn bồng bột, để tìm chút hơi ấm của tình thân, để cầu xin sự giúp đỡ. Vẫn biết rằng kịch bản phim theo tuyến sẽ vùi dập nhân vật chính cho đến tận đáy, rồi từ địa ngục khổ đau mà vực dậy, nhằm mục đích thiết lập một tượng đài anh hùng, nhưng sự thờ ơ của người anh trai khi nghe tin cháu ruột mình bị bắt cóc mổ cướp nội tạng không khỏi khiến người ta phải giật mình tự hỏi: “Nhân loại đã vô tâm đến mức độ này rồi ư?”
Trong một video hơn 3 phút dàn dựng vụ thực nghiệm bắt cóc trẻ em tại thành phố Dapeng, Trung Quốc, một thanh niên đã khống chế một bé trai trên phố khiến em khóc lóc thảm thiết. Nhưng điều đáng báo động là những người bắt gặp tình huống trên đều bình thản như thể “việc đó không có quan hệ gì đến mình”, “không phải việc của tôi”, rồi họ đứng nhìn anh thanh niên bế đứa trẻ bỏ chạy mà không có bất kỳ động thái ngăn chặn nào.
Ngày nay, Trung Quốc nổi tiếng với thương hiệu là điểm đến của ngành “du lịch ghép tạng”. Ở Mỹ, nước có số ca cấy ghép tạng lớn nhất thế giới, một người muốn thay tạng trung bình phải chờ từ một tới nhiều năm, và các trường hợp không thể sống tới khi tìm được người hiến tạng là chuyện không hiếm gặp. Nhưng ở Trung Quốc, chỉ mất khoảng 1-2 tuần là có thể tìm được tạng phù hợp để thay ghép. Vì lý do này mà người bệnh trên toàn thế giới đã tìm đến Trung Quốc để mong kéo dài mạng sống của mình. Vì không biết, họ đã vô tình tiếp tay cho những tên đồ tể ở Trung Quốc mổ sống cướp nội tạng các tù nhân lương tâm, người tập Pháp Luân Công và những nạn nhân xấu số khác trong đó có cả trẻ em. Bản chất việc du lịch ghép tạng này, có thể nói, chính là đổi mạng lấy mạng. Liệu tội ác này có còn giới hạn bên trong phạm vi Trung Quốc hay không? Bằng sự im lặng và làm ngơ, chúng ta đã vô tình đẩy biết bao người khác cùng tham gia vào tội ác diệt chủng này, khiến nó vẫn còn tồn tại và ngày càng mở rộng.
Cảm ơn bộ phim ‘Hai Phượng’ đã phần nào phản ánh được vấn nạn nóng hổi của xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn về tội ác bắt cóc, mua bán người và mổ cướp nội tạng sống mà chính quyền Trung Quốc đang hậu thuẫn để thực hiện trên đất nước của họ. Nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ cho cái ác mặc nhiên phát triển trong nhà hàng xóm, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ lan qua đây như hiệu ứng cháy nhà, domino hay thuyết cửa sổ vỡ mà bộ phim ‘Hai Phượng’ đã phần nào phản ánh.
Theo Trí Thức VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét