Nguyễn An Nam
Lịch sử cuộc chiến chống Trung Quốc xâm phạm biên giới phía Bắc năm 1979 được báo chí, sách vở chính thống nhắc lại khá đậm và tổng lực, sau 40 năm. Nhưng lịch sử chính trị, tư tưởng hay nói khác đi, bản chất, nguyên nhân thúc đẩy sâu xa của cuộc chiến ấy vẫn là một "làn ranh đỏ" mà hệ thống thông tin chính thống Việt Nam chưa thể vượt qua.
Hạn mức và ý nghĩa của sự "được nói" vẫn là thứ mà chúng ta cần suy nghĩ.
Bài viết này không tô đậm thêm chiến dịch truyền thông về cuộc chiến đang rất ồ ạt, cũng không có tham vọng bóc tách về những nguyên nhân phía sau cuộc chiến, mà đưa ra một góc nhìn khác. Góc nhìn từ phía bên kia, qua hai tác phẩm văn học của Mạc Ngôn (Nobel Văn học 2012).
Tranh cãi
Năm 2008, Công ty sách Phương Nam & NXB Văn học ấn hành cuốn Ma chiến hữu (tựa gốc: Chiến hữu trùng phùng) của Mạc Ngôn. Cuốn tiểu thuyết này ban đầu không gây chú ý bằng những cuốn đồ sộ khác của Mạc Ngôn đã từng được dịch sang tiếng Việt như: Đàn hương hình, Báu vật của đời hay Cao lương đỏ... Thế nhưng, sau khi phát hành phiên bản tiếng Việt chừng một năm, Ma chiến hữu trở thành cuốn sách nóng bỏng, được độc giả lùng mua khi có những "quy kết" rằng đây là sách viết về chiến tranh biên giới "được nhìn từ bên kia"; ca ngợi lý tưởng anh hùng của đội quân đã từng đi xâm lược Việt Nam sao lại xuất bản tại Việt Nam (trong khi đó, những gì cần biết về chiến tranh biên giới còn chưa được phép nói rõ ngay cả trong các sách lịch sử giáo khoa chính thống).