Theo tôi, “tìm hiểu thói hư tật xấu người Việt” đang là một nhu cầu của xã hội. Rút kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu đàn anh, và cũng là tự lượng sức mình, ngay khi xác định đề tài, tôi sớm đi vào sưu tầm tài liệu, tuyển chọn những khái quát, những nhận xét của lớp người đi trước, là các trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây là thời gian đất nước vẫn do người Pháp cai quản; nhưng ý thức dân tộc, nhất là phần tự ý thức về bản thân mình, có dịp nẩy nở hoàn chỉnh hơn bao giờ hết. Tôi nói hoàn chỉnh với nghĩa tinh thần tự phê phán khá rõ.
Các nhà lịch sử khi nhắc đến Nguyễn Trường Tộ, thường chỉ nhắc đến những điều trần của ông, tức là những kế sách của ông trong việc cứu nước. Nhưng theo tôi, ông là người Việt Nam đầu tiên nhìn dân tộc một cách khách quan, xem xét và đánh giá cộng đồng theo những tiêu chuẩn thế giới.
Sau Nguyễn Trường Tộ, từ các nhà nho trong tới các trí thức tây học, tức là từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà, v.v. tới Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên,… người nào cũng có đóng góp vào việc cảnh tỉnh, tức là việc vạch ra những thói hư tật xấu, để đưa cộng đồng bước vào giai đoạn lịch sử hiện đại.
Những phát biểu bao quanh chủ đề thói hư tật xấu, hoặc nói theo một danh từ đang trở nên thời thượng, những cố gắng dựng lại chân dung người Việt xấu xí mà tôi thu thập được trải rộng ra trên đủ mọi phương diện. Sau khi giới thiệu các đoạn này trên báo chí và các mạng, tôi tạm tổng hợp lại và chia thành một số cụm ý kiến như sau:
- Ăn ở luộm thuộm, ăn xổi ở thì, vụng nói chuyện, nếp sống buông tuồng tùy tiện, a dua làm bậy, thị hiếu tầm thường, ham cờ bạc. Dễ tin nhảm, lòng tin sơ sài, biến thành mê muội. Quan niệm nông nổi về cuộc sống.