Lời tòa soạn: Rất nhiều người đều biết rằng Lê Lai đã đổi áo liều mình cứu chúa, giúp Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau đó Lê Lai bị giết còn Lê Lợi giữ lời hứa đối với ông. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu lại không đồng ý với quan điểm này, trích dẫn một đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư, cho rằng Lê Lợi đã ra lệnh giết Lê Lai vào năm 1427 vì “cậy công nói năng khinh mạn”. Dưới đây, chúng tôi xin trích lược lại một số tranh luận về vấn đề này trên tạp chí Chim Việt Cành Nam và trang Nghiên cứu lịch sử để độc giả cùng tham khảo.
Tóm tắt:
- Điểm lại ghi chép về Lê Lai qua các tư liệu lịch sử
- “Suy đoán” về việc Lê Lợi giết Lê Lai
- Tìm thấy lời thề của Lê Lợi
- Nho thần đời chúa Trịnh đã nhúng bút làm sai sự thật?
Điểm lại ghi chép về Lê Lai qua các tư liệu lịch sử
Năm 1418, tại đất Lam Sơn, Lê Lợi và 18 người bạn tâm huyết khởi nghĩa chống quân Minh. Năm sau, nghĩa quân bị quân Minh vây ở núi Chí Linh.
Quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là chỗ Bình Định Vương (Lê Lợi) lui tới, bèn đem binh đến vây đánh. Vương bị vây nguy cấp lắm, mới hỏi các tướng rằng : Có ai làm được như người Kỷ Tín ngày trước chịu chết thay cho vua Hán Cao không ? Bấy giờ có ông Lê Lai liều mình vì nước, xin mặc thay áo ngự bào, cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân Minh tưởng là Bình Định Vương thật, xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Đô.
Vương nhờ có ông Lê Lai chịu bỏ mình cứu chúa, mới thoát được nạn lớn…
(Trần Trọng Kim :Việt nam sử lược, Nxb Miền nam, Hoa kỳ, tập I, tr.219).