Trước tình cảnh đó Thiệu công đã lên tiếng can ngăn:“Dân không chịu nổi chính lệnh nữa rồi”.
Vua nổi giận, tìm được thầy mo nước Vệ, sai giám sát những kẻ chỉ trích, đem bẩm lại để giết. Người chỉ trích ít đi, chư hầu không tới chầu. Năm thứ ba mươi tư, vua ngày càng hà khắc, người trong nước không ai dám nói, đi đường chỉ dùng ánh mắt nhìn nhau. Lệ vương vui mừng, bảo Thiệu công rằng: “Ta có thể cấm tuyệt lời chỉ trích rồi, không ai dám nói nữa”. Thiệu công nói: “Ấy là bịt miệng vậy. Đề phòng miệng dân còn hơn phòng lũ. Đê ngăn mà vỡ, thương tổn ắt nhiều, dân cũng như vậy. Thế nên người trị thủy phải cho sông được khơi thông, người trị dân phải cho dân được bày tỏ. Vậy nên thiên tử xử lý chính sự, phải sai công khanh cho tới liệt sĩ dâng thơ, nhạc quan dâng khúc hát, sử quan dâng sách, thái sư dâng bài trâm, kẻ mù dâng bài phú, kẻ thong manh dâng bài tụng, trăm quan can gián, dân chúng truyền lời, cận thần khuyên nhủ, thân thích góp ý, nhạc – sử bảo ban, bô lão chỉnh sửa, rồi vua cân nhắc. Vậy nên chính sự thi hành mới không trái đạo. Dân có miệng cũng như đất có núi sông vậy, của cải từ ấy mà ra; cũng như đất có chỗ phẳng trũng cao thấp, cái ăn cái mặc từ ấy mà ra. Qua lời truyền miệng, thành bại từ ấy rõ rệt. Làm việc tốt, ngừa việc xấu, ấy là cách tạo ra của cải, ăn mặc vậy. Dân suy nghĩ trong lòng mà phát lời ở miệng, chín chắn rồi làm. Nếu bịt miệng họ, liệu được bao lâu?”
Vua không nghe. Thế rồi cả nước chẳng ai dám nói lời nào, ba năm sau theo nhau tạo phản, tấn công Lệ vương. Lệ vương bỏ chạy đến đất Trệ.
(Sử ký của Tư Mã Thiên, Trần Quang Đức dịch)