Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Lý do Trung Quốc lại tích trữ lượng dầu lớn chưa từng thấy trên biển

Thanh Long (Theo CNN, Reuters)Thứ năm, 2/7/2020, 22:07 (GMT+7)
Nhập khẩu lượng dầu tương đương 3/4 nhu cầu thế giới
Tính đến ngày 29/6, Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, đã mua 73 triệu thùng dầu và trữ trên 59 con tàu khác nhau ở ngoài khơi bờ biển phía bắc, theo ClipperData, một trang web theo dõi dòng chảy dầu thô quốc tế thời gian thực. Con số này tương đương 3/4 nhu cầu dầu của cả trái đất.
Những thùng dầu cập cảng hôm nay có lẽ đã được mua vào tháng 3 và 4, thời điểm giá dầu sụp đổ do tác động của dịch Covid-19.
Lượng dầu dự trữ trên biển của Trung Quốc (là dầu nằm trên các tàu chở dầu ít nhất 7 ngày) tăng gần 4 lần kể từ cuối tháng 5, ClipperData cho hay. Đây không chỉ là con số cao kỷ lục kể từ đầu năm 2015 mà còn gấp 7 lần mức nhập khẩu dầu trung bình tháng trong cả quý I năm nay.
du-tru-dau-tho-trung-quoc-png-7496-15936
Trung Quốc đang dự trữ một lượng dầu lớn chưa từng thấy ở ngoài biển. Ảnh: ClipperData. 
Điều này chứng tỏ Trung Quốc đã đi săn lùng dầu giá rẻ khắp nơi trong thời kỳ thị trường nhiên liệu rơi vào giai đoạn căng thẳng cực độ. Trong khi đó, các bể chứa dầu trên đất liền của nước này còn chưa được đổ đầy, ông Matt Smith, giám đốc chiến lược hàng hóa tại ClipperData, cho biết. “Có quá nhiều dầu đang đổ về phía họ đến nỗi họ không kịp dỡ hàng lên đất liền”.
Trung Quốc vốn 'khát' dầu
Nhờ lực mua lớn từ Trung Quốc nên thị trường dầu mới có thể phục hồi trong thời gian gần đây. 7 tuần sau khi xuống -40 USD/thùng, giá dầu Mỹ tăng vọt lên 40 USD/thùng. Mức tăng 80 USD/thùng này là kết quả của việc OPEC và Nga bắt tay giảm sản lượng dầu chưa từng có, nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế và nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu thô từ nước ngoài để duy trì các hoạt động kinh tế. Đó là lý do tại sao nước này hăm hở tích trữ dầu khi giá thế giới rớt xuống đáy.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5 và đạt mức cao kỷ lục 11,3 triệu thùng/ngày, theo S&P Global Platts. Nhập khẩu dầu của nước này được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới trong tháng 6.
Một lượng lớn dầu thô Trung Quốc mua về có nguồn gốc từ châu Mỹ Latin. Trong đó, Brazil là nguồn cung lớn nhất trong kho dự trữ dầu nổi của Trung Quốc, theo ClipperData. Phải mất khoảng một tháng rưỡi để vận chuyển dầu từ Brazil tới Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng mua khá nhiều dầu từ Iraq, Arab Saudi và Nigeria.
Tất nhiên, các quốc gia khác cũng lợi dụng thời điểm giá dầu sụp đổ để củng cố kho dự trữ dầu khẩn cấp của mình. “Nếu bạn là một nước tiêu thụ dầu lớn, bạn cũng sẽ tìm cách mua bằng được”, ông Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia năng lượng tại Rabobank, cho hay.
Khi giá dầu rơi tự do hồi tháng 3, chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dầu Mỹ có nguy cơ bị thua lỗ lớn bằng cách mua 30 triệu thùng dầu cho Kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia. Động thái này đi ngược với kế hoạch trước đó của Washington nhằm bán dầu từ kho dự trữ này với giá thấp.
Tuy nhiên, ông Smith của ClipperData cho hay Trung Quốc là quốc gia duy nhất mua dầu điên cuồng như vậy. “Họ đã nhảy ra và bắt đáy”.
Cơ hội 'ăn' chênh lệch giá
Ngoài những lợi thế rõ ràng về an ninh năng lượng, việc Trung Quốc mua dầu ồ ạt cũng mang lại những lợi ích lớn về tài chính. Đó là bởi vì thị trường dầu thô trong mùa xuân năm nay rơi vào tình trạng “contango”, một hiện tượng xảy ra khi giới đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua một loại hàng hóa trong tương lai so với thời điểm hiện tại. Contango tạo ra cơ hội ăn chênh lệch giá cho những người chơi trên thị trường nếu họ có khả năng dự trữ dầu thô trong vài tháng và sau đó bán ra vào một thời điểm trong tương lai để kiếm lợi nhuận.
“Tại sao phải bán ở mức giá -40 USD/thùng trong khi bạn có thể bán vào một tháng sau đó với giá 40 USD?”, Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy, viết trong email gửi tới CNN Business.
Kể từ mùa xuân năm nay, các công ty năng lượng cũng như nhà đầu tư bắt đầu sử dụng tàu chở dầu không chỉ để vận chuyển mà còn để dự trữ mặt hàng này. Đây chính là nguyên nhân khiến giá cho thuê loại tàu chứa dầu hạng cực lớn (có thể chứa 2 triệu thùng dầu) từng tăng gấp hơn 2 lần lên 15 triệu USD đối với một chuyến hàng từ vùng Vịnh tới Trung Quốc hồi cuối tháng 4, theo Rystad.
Tất nhiên, rủi ro ở đây là cơn thèm khát dầu của Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ qua. Nhập khẩu dầu của nước này đã ở mức cao kỷ lục và khả năng dự trữ dầu trên biển đang cao hơn nhiều mức bình thường. Đặc biệt, thị trường dầu không còn ở trong tình trạng contango nữa.
Ông Smith tại ClipperData cho biết lưu lượng tàu chở dầu thô cho Trung Quốc bắt đầu chậm lại. Nhu cầu dầu của Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu trong vài tháng qua nhưng cũng chính điều này có thể tạo ra hiệu ứng ngược lại trong những tháng tới.

Không có nhận xét nào: